Trong quá trình hình thành và phát triển Tăng đoàn, các nghi thức sinh hoạt riêng cho cộng đồng Tăng chúng được Đức Phật dần chế định và hình thành. Các pháp yết-ma, bố-tát tụng giới… đều là những đặc thù rất riêng biệt. Ngoài ý nghĩa mang tính chất cộng đoàn Tăng-già, xã hội, những nghi thức sinh hoạt này còn có ý nghĩa về mặt tôn giáo linh thiêng nhất định.
Trong những ngày qua, GN đã nhận được một số phản hồi từ chư tôn đức Tăng Ni về tòa soạn, về việc quận Phú Nhuận có thông báo địa điểm tập trung bố-tát. Thông báo nêu rõ Tăng Ni tại các tự viện 5 địa điểm tập trung bố-tát của quận; trong đó có 3 chùa Tăng là tổ đình Quán Thế Âm, chùa Giác Uyển, chùa Giác Ngạn và 2 chùa Ni là tu viện Quan Âm, chùa Thiên Long.
Qua tìm hiểu của PV về vấn đề này, sự việc chư Tăng, Ni bố-tát chung diễn ra tại quận Phú Nhuận là có. Và, đây là truyền thống lâu năm của quận nhà. Từ nhiều năm qua, Ban Đại diện Phật giáo (nay là BTS GHPGVN) quận Phú Nhuận có truyền thống tập trung Tăng, Ni của toàn quận tại một địa điểm để cùng nhau bố-tát và sinh hoạt Giáo hội. Về việc tụng giới chung thì được biết, các buổi bố-tát chung này chư tôn đức đều tụng kinh Phạm Võng – tức tụng Bồ-tát giới – chứ không tụng biệt giới Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni.
Trao đổi với PV. Giác Ngộ sáng ngày 25-6 về vấn đề này, TT.Thích Giác Trí, Phó Thường trực BTS GHPGVN quận Phú Nhuận cho biết sự việc bố-tát chung của Tăng Ni tại quận Phú Nhuận là có thực và đây là việc làm có từ rất lâu. Và, theo tinh thần phiên họp sáng nay 24-6 của BTS Phật giáo quận đã nhất trí theo chỉ đạo của Ban Tăng sự thành phố là Tăng và Ni sẽ bố-tát riêng, không bố-tát chung như trước đây nữa. Ngoài 3 trường hạ tập trung: tổ đình Phổ Quang, chùa Đại Giác (Tăng); tổ đình Kim Sơn (Ni) sẽ bố-tát tại địa điểm an cư; riêng chư Tăng an cư tại chỗ sẽ bố-tát luân phiên ở các chùa, chư Ni sẽ tập trung tại chùa Pháp Hội để tụng giới ngày vào mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng.
Vấn đề này thuộc chức năng quản lý chuyên trách của Ban Tăng sự nên PV đã đem vụ việc này trao đổi với HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN thành phố. “Chúng tôi cũng vừa nhận được thông tin này từ một số nơi phản ảnh, trong đó có sự phản ảnh của HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư, và HT.Thích Huệ Trí, Trưởng ban Pháp chế T.Ư. Dù thông tin lúc đó chưa đầy đủ, song bản thân chúng tôi là người đứng đầu và quản lý Tăng sự của TP, chúng tôi cũng đã nhận trách nhiệm sai sót với các Hòa thượng trong công tác quản lý của mình và hứa sẽ điều chỉnh cho đúng luật nếu có sự sai phạm như những phản ảnh”, Hòa thượng cho biết.
Theo đó, Hòa thượng nói thêm, về mặt nguyên tắc chư Tăng và chư Ni không được ngồi cùng nhau trong các yết-ma Tăng sự, chỉ trừ hai trường hợp được phép theo luật định là: Chánh pháp yết-ma và Xuất tội Tăng tàn Tỳ-kheo-ni. Mặt khác, biệt giới Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni khác nhau, là đặc thù giới riêng của hai chúng xuất gia nên Tăng và Ni không thể cùng tụng và nghe giới của nhau. Thứ nữa, Tỳ-kheo Tăng (Đại chúng Tỳ-kheo) không thể đến giới trường của Ni để làm các pháp yết-ma hay tụng giới và ngược lại. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, nhưng cũng phải tuân theo những điều kiện bắt buộc theo luật về giải-kết cương giới. Nói tóm lại, chư Tăng không thể đến chùa Ni để bố-tát và ngược lại. Việc ngồi chung cùng nhau bố-tát giới Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni thì càng không đúng luật, vì mỗi bên đều có cương giới riêng.
Sự việc ở quận Phú Nhuận như thông tin chúng tôi vừa được báo cáo thì BTS Phật giáo quận lâu nay sinh hoạt chung Tăng Ni theo một thời gian định kỳ, nhất là vào mùa an cư. Qua đó chư tôn đức quận Phú Nhuận cũng tổ chức bố-tát chung cho Tăng Ni của quận, nhưng giới tụng tại buổi tụng giới ấy không phải là biệt giới (Thanh văn giới) mà là thông giới (Bồ-tát giới). Biệt giới có tính cách riêng biệt nhị bộ Tăng-Ni, riêng Bồ-tát giới thuộc về thông giới tức xuất gia hay tại gia đều có thể ngồi nghe chung với nhau được. Vì thế nếu tụng Bồ-tát giới thì Tăng, Ni có thể ngồi chung nghe giới được, mà không vi phạm luật.
Tuy nhiên, thời gian này đang là mùa an cư nên tất cả Tăng Ni cần được nghe tụng lại biệt giới Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni của mình. Việc này là chính yếu và quan trọng trong các kỳ bố-tát tụng giới nửa tháng theo định kỳ mà luật đã quy định. Chúng ta không tụng giới mà mình đã thọ khi có đủ điều kiện thì mình phạm lỗi ‘Đột-kiết-la’ (ác tác – hành vi không phù hợp của một Tỳ-kheo – PV). Trường hợp muốn sinh hoạt Phật sự Tăng Ni và bố-tát tụng Bồ-tát giới thì có thể thực hiện, nhưng phải tách riêng ra, Tăng – Ni bố-tát tụng giới Thanh văn riêng ở các trú xứ, rồi Bồ-tát giới có thể tụ họp tại một trú xứ nào đó để tụng chung. Như vậy sẽ tránh phạm luật đã định.
“Qua sự việc này, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm công tác quản lý trong thẩm quyền của Ban Tăng sự. Những phản ảnh như vậy rất tích cực để Ban Tăng sự từng bước chấn chỉnh lại những điều chưa đúng, chưa phù hợp”, Hòa thượng Trưởng ban Tăng sự thành phố nói.
Bố-tát là dịch âm từ tiếng Phạn poṣadha, trong Pàli nó được nói là uposatha. Từ này trong tiếng Phạn tiêu chuẩn là upavasatha, nghĩa đen của từ này là “sống gần” hay “ngày phụng sự”. Nguyên lai, trong truyền thống Vệ-đà, mỗi tháng thường có những ngày hiến tế lễ Soma. Trước đó một ngày, tế sư phải dọn mình bằng cách nhịn ăn, tiết chế các thứ dục lạc, và vào trong hỏa thất, tức ngôi nhà thờ lửa. Do ý nghĩa này, từ upavasatha được hiểu theo nghĩa bóng là “ngày kiêng cữ” hoặc “ngày nhịn ăn” hoặc nói theo Hán “ngày trai”. Tục lệ các ngày trai như vậy có trong nhiều tôn giáo. Như vậy, Đức Phật đã chấp nhận ngày trai giới trong tập tục của truyền thống Vệ-đà, nhưng hướng đến mục đích khác hơn. Ngày đó các Tỳ-kheo cùng sống trong một cương giới đều phải tập họp lại một chỗ để thuyết giới, tức đọc giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa. Từ đó, bố-tát và thuyết giới trở thành phận sự thường xuyên và định kỳ mà một Tỳ-kheo không thể thiếu sót.
Ngày bố-tát không những chỉ giới hạn trong sự thuyết giới của Tăng. Nó cũng được mở rộng cho các đệ tử tại gia dưới hình thức thọ trì tám học xứ (Bát quan trai giới), gọi là giới cận trụ, trong thời hạn một ngày một đêm. Chính do sự kiện này mà từ ô-ba-bà-sa (upavasatha) hay bố-tát (poṣadha) được hiểu theo một ý nghĩa rất rộng rãi.
Tóm lại, ngày bố-tát theo phạm vi nghĩa rộng, là ngày trai giới để dọn mình, và trưởng tịnh để nuôi lớn thiện pháp, là ngày mà các đệ tử tại gia tham dự đời sống tu đạo để học tập theo nghĩa hẹp; giới hạn trong phạm vi sinh hoạt của Tăng, thì đó là ngày định kỳ thuyết giới, để duy trì và phát triển sinh mạng của Tăng trong tinh thần hòa hiệp và thanh tịnh.
(Theo Yết-ma yếu chỉ, HT.Thích Trí Thủ)
(Pháp Đăng – Quảng Hậu)