Đại lễ Vesak 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Khoảng 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, gồm Phó Tổng thống Ấn Độ, Thủ tướng Nepal, Tổng thống Myanmar, Chủ tịch Thượng viện Bhutan…
Đại lễ Vesak 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12-14/5 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam với sự tham dự của hàng trăm phái đoàn, hàng nghìn đại biểu quốc tế.
Đại lễ sẽ bao gồm các hoạt động văn hóa tâm linh ở khu vực chùa Tam Chúc để phục vụ Phật tử và du khách thập phương. Trong đó nổi bật là: Đàn lễ cầu nguyện âm siêu dương thái, quốc thái dân an, đất nước hội nhập phát triển theo nghi lễ Phật giáo truyền thống đặc trưng 3 miền Bắc, Trung, Nam; đêm hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới; triển lãm ảnh chùa di sản thế giới và Việt Nam, triển lãm cổ vật Phật giáo tại điện Tam thế và trung tâm hội nghị quốc tế; diễu hành xe hoa… Đặc biệt, trong thời gian này cũng sẽ diễn ra lễ ra mắt mạng xã hội Phật giáo do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì (Butta.vn); công bố bộ tem chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019…
“Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” là nội dung chủ đạo xuyên suốt Đại lễ Vesak 2019. Các phiên thảo luận của Đại lễ sẽ xoay quanh chủ đề như: Sự lãnh đạo có trách nhiệm vì xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp; Cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục; Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm
Đại lễ này có sự tham dự của nhiều lãnh đạo các quốc gia Myanmar, Nepal, Ấn Độ, Bhutan,… Tổng thống Myanmar U Win Myint sẽ thăm Việt Nam và dự Đại lễ Vesak; Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu sẽ thăm chính thức Việt Nam và là diễn giả chính của Đại lễ Vesak. Thủ tướng Nepal K P Sharma Oli và Phu nhân cũng sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Vesak.
Vesak 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, qua đó khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo, một tôn giáo hòa bình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, Đại lễ còn góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với giáo hội và các truyền thống Phật giáo các nước trên toàn thế giới, khẳng định vai trò, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức hợp pháp duy nhất đại diện cho tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
Tăng cường tình hữu nghị với Ấn Độ, Nepal
Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Ấn Độ khởi nguồn từ những mối giao lưu về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền tảng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, vun đắp và phát triển mạnh mẽ trong những năm qua.
Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1972 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Quốc phòng và dầu khí là hai trụ cột quan trọng trong hợp tác song phương. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 15 tỷ USD vào năm 2020.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Phó Tổng thống Ấn Độ sẽ hội đàm với Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại Đại lễ Vesak, Phó Tổng thống Ấn Độ sẽ là diễn giả chính.
Thiết lập quan hệ ngoại giao từ 1975, người dân Nepal và cá nhân Thủ tướng K P Sharma Oli dành cho Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh những tình cảm tốt đẹp. Việt Nam và Nepal phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương. Nepal ủng hộ Việt Nam ứng cử làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2020-2021). Việt Nam ủng hộ Nepal tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2018-2020) và từng viện trợ 50.000 USD để Nepal khắc phục hậu quả động đất năm 2015.
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng K P Sharma Oli diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Nepal phát triển thuận lợi, đặc biệt là hợp tác kênh Đảng, hợp tác kinh tế – thương mại gần đây có khởi sắc. Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân có nhiều tiềm năng khi ngày càng có nhiều khách du lịch, phật tử Việt Nam đến Lumbini chiêm bái và thám hiểm dãy núi Everest. Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ ký kết 2 văn kiện về miễn thị thực và cơ chế tham vấn song phương, kinh tế-thương mại-đầu tư, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.
Việt Nam – Myanmar: Tương đồng và sẻ chia
Chia sẻ trước Đại lễ, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương cho rằng việc Tổng thống Myanmar, lãnh đạo cấp cao nhất của Chính phủ Myanmar, tham dự Đại lễ Vesak góp phần làm cho cộng đồng Phật giáo của hai nước Việt Nam và Myanmar gắn kết hơn, nhân dân hai nước hiểu nhau sâu sắc hơn, thể hiện được tinh thần hội nhập giữa các nước thành viên ASEAN.
Về những điểm tương đồng giữa Việt Nam và Myanmar, Đại sứ Luận Thùy Dương cho biết, hai nước đều có lịch sử lâu đời đấu tranh chống thực dân, đế quốc, đấu tranh bảo vệ và gìn giữ độc lập Tổ quốc. Cả hai nước đều trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh, do vậy đều yêu chuộng hoà bình, đều mong muốn các tôn giáo trên lãnh thổ quốc gia mình cùng góp phần xây dựng cuộc sống an lạc cho từng cá nhân, đóng góp hữu hiệu vào việc hóa giải những bạo tàn, thù hận và bất công trong xã hội. Bên cạnh đó, Việt Nam và Myanmar đều là các quốc gia đa dân tộc, đa dạng văn hóa và sắc tộc vô cùng phong phú, nên những sẻ chia trong việc làm sao duy trì được sự hòa hợp trong đa dạng các nền văn hóa truyền thống, sự bình đẳng không phân biệt giữa các dân tộc và sắc tộc trong từng nước là rất quan trọng.
Những tương đồng giữa hai nước từ lịch sử dựng nước đến quá trình phát triển đất nước, từ đa dạng hóa tôn giáo, văn hóa đến ổn định xã hội là những nền tảng quan trọng để Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ trưởng Văn hóa và Tôn giáo Myanmar ký Chương trình hợp tác văn hoá giai đoạn 2017-2020 (vào tháng 8/2017), nhằm biến các tương đồng và những sẻ chia sâu sắc thành những hợp tác cụ thể, hiệu quả, nhằm kết nối nhân dân và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Những kết nối văn hoá và hiểu biết con người sẽ là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực khác.
Đại sứ Luận Thùy Dương cho biết, trong chuyến thăm lần này tới Việt Nam, Tổng thống Myanmar sẽ có cuộc hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hai bên sẽ trao đổi về tình hình phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Myanmar nói chung, những thành tựu hợp tác về văn hóa nói riêng trong thời gian qua. Hai bên cũng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt tạo điều kiện tăng cường giao lưu các tầng lớp nhân dân hai nước, góp phần vào việc phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, toàn diện trên tất cả các mặt giữa Việt Nam và Myanmar.
Cũng trong chuyến thăm, Tổng thống Myanmar sẽ gặp gỡ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhằm thúc đẩy hợp tác lập pháp giữa hai nước, tạo thêm những điều kiện pháp lý cho việc tăng cường hợp tác các mặt và văn hóa, tôn giáo giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Đại sứ Luận Thùy Dương cho rằng, việc giao lưu giữa các viện nghiên cứu, học giả, các trường, học viện văn hóa của hai nước cũng là cần thiết để hiểu rõ hơn các nền văn hóa, các tôn giáo, các triết lý tôn giáo ở hai nước. Qua đó, hai bên cùng góp phần đưa các tín ngưỡng xích lại gần nhau, hòa hợp không hòa tan vào nhau, giữ được bản sắc riêng nhưng không xung đột, cùng nhau tồn tại trong hòa bình, mang lại hạnh phúc an lành cho mọi công dân, mọi tín đồ.
Nguồn: Báo Quốc Tế