Thường là lấy từ trong câu chuyện ra. Các tài liệu dùng lấy ảnh, phần lớn bằng tiếng Anh, phần nhỏ là tiếng Việt, chút ít là chữ Hán. Cuối mỗi chuyện có ghi xuất xứ, và cuối sách có thư mục.
Sách này phát xuất từ Sa Thạch Tập (Shaseki-shu) của Thiền sư Vô Trụ (Muju), người Nhật sống vào thế kỷ mười ba. Vào năm 1971, người góp nhặt đã dịch sách này lần đầu tiên, lấy tên là Góp Nhặt Cát Ðá, do nhà Lá Bối ấn hành tại Sài Gòn. Rồi từ khi nhiều đồng bào rời quê hương đi khắp ta bà thế giới, đến đâu có điều kiện, họ liền cho in lại để đọc. Nay trước khi làm ấn bản điện tử (e-book), thấy có đôi chỗ sai, liền dịch lại toàn bộ, sửa chỗ sai, bỏ cũ một phần, thêm mới bội phần. Tinh thần vẫn vậy nhưng nội dung thay đổi nhiều, nên không tiện giữ tên của Thiền sư Vô Trụ nữa và tên sách cũng thay đổi, mong độc giả lượng thứ và vui lòng chỉ cho những chỗ sai lạc để có thể sửa lại khi có dịp. Xin đa tạ.
TỰA
Những lúc vô sự, người góp nhặt thường dạo chơi trong các vườn Thiền cổ kim đông tây. Tiêu biểu là các vườn Thiền Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản và Hoa kỳ.
Trong khi dạo, thấy hoa lá cây cỏ cát đá núi sông biển cả hư không đất liền người vật… đều để mắt ngắm nhìn. Có lúc ngắm lâu, có khi đến mười, hai mươi, ba mươi năm…một hạt cát, một lá cây, một cọng cỏ, một giọt sương, một phiến đá…, có lúc chỉ thoáng nhìn giây lát. Nhưng dù ngắm lâu hay chỉ thoáng nhìn, tất cả lưu ảnh đều rơi vào cái túi vô hình không đáy của người góp nhặt. Một khi đã vào túi không đáy rồi, mỗi mỗi đều rơi chỗ ấy, không rơi chỗ khác; và tất cả đèu là chân thật bất hư. Cứ như thế đã mấy chục năm qua. Gần đây, bỗng nhiên hứng khởi, liền dùng mắt lửa tròng vàng của Tôn Hành Giả làm cho người vật trong túi kia hiện ra chốc lát để người cùng sở thích liếc mắt xem qua, tùy duyên lựa ngắm. Sau khi ngắm qua, ảnh có lưu lại hay không là tùy người ngắm.
Nếu có người hỏi:
– Người vật hoa lá trong các vườn ấy là giống hay là khác? Mỗi vườn có đặc điểm gì?
Xin đáp rằng:
– Giống thì chẳng giống, khác cûng chẳng khác. Trái chín ở vườn Tàu, cây phát triển ở vườn Nhật, hạt nảy mầm ở vườn Mỹ. Vườn Tàu và vườn Việt là vườn thiên đàng, có Tam Tạng, Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng…sinh hoạt. Vườn Nhật là vườn địa đàng, có thêm ông A-đam, bà E-và, con rắn và quả táo…hành tác. Vườn Mỹ lại có thêm máy điện tử cạnh tranh.
– Tôi nghe nói có các Thiền sư làm chủ vườn. Họ đâu cả rồi?
– Tịch cả rồi!
– Sao lại tịch hết? Tịch hồi nào ?
– Khi anh bắt đầu hỏi, họ liền tịch.
– ? ? ? !
– Ðừng lo. Khi nào hoa vườn nhà anh tự nở, tất cả sẽ sống lại.
Lại hỏi:
-Hình ảnh từ trong túi không đáy của anh do mắt lửa tròng vàng hiện ra có thật không?
-Ảnh chỉ giống hình, chẳng phải vật thật. Mỗi ảnh chỉ cho thấy một khía cạnh, chẳng phải toàn thể, chẳng phải vật thật. Muốn được vật thật, hãy trở lại vườn nhà mình, nhìn vào trong, không để gián đọan, đến kỳ hoa vườn nhà mình sẽ tự nở ra, liền là hoa thật, chẳng có chi khác với hoa xưa trong các vườn kia.
– Anh nói nhìn vào trong là nhìn như thế nào?
– Hãy nhìn như người đàn bà trong câu chuyện sau đây:
Một hôm, một nguời đàn bà, tên gì không ai biết, đến nghe Bạch Ẩn thuyết pháp. Trong bài pháp, có đoạn sư nói, “Tịnh tâm Tịnh độ, Phật ở nơi mình: một khi Phật hiện, mọi vật trên thế gian liền chiếu hào quang. Nếu ai muốn thấy được như thế, hãy quay vào tâm mình, nhất tâm tìm kiếm.”
“Vì là Tịnh tâm Tịnh độ, làm sao Tịnh độ được trang nghiêm? Vì là Phật ở nơi mình, Phật có tuớng tốt gì?”
Nghe vậy, người đàn bà suy nghĩ: “Cái đó có khó gì lắm đâu”. Trở về nhà, bà nhìn vào đó ngày đêm, mang nó trong lòng, dù thức hay ngủ. Rồi một hôm, trong lúc đang rửa nồi, bỗng nhiên bà thông suốt.
Ném cái nồi sang một bên, đến gặp Bạch Ẩn, bà nói: “Tôi đã qua đến ông Phật trong chính thân tôi đây. Mọi vật đều chiếu sáng. Kỳ diệu quá! Thật là kỳ diệu!” Bà sung sướng nhảy múa vì vui.
Bạch Ẩn nói, “Ðó là bà nói, còn cái hầm chứa phân thì thế nào?”
Bà liền bước lên tát Bạch Ẩn một cái, nói: “Cái lão này chưa thông rồi.”
Bạch Ẩn cười rống lên.
(Dạo Bước Vườn Thiền, trg. 25)
Rồi nếu có ai hỏi:
– Thế nào là Thiền?
Xin đáp rằng:
– Đi đường thấy đèn đỏ, chớ vượt qua.
– Cái đó ai chẳng biết.
– Biết mà vẫn phạm.
Xin thêm một lời. Ða số các câu chuyện trong túi không đáy vốn không có tên, nhưng khi quí vị đọc liền thấy mỗi mỗi đều có tên, ấy là do người góp nhặt thêm vào cho tiện gọi. Thường là lấy từ trong câu chuyện ra. Các tài liệu dùng lấy ảnh, phần lớn bằng tiếng Anh, phần nhỏ là tiếng Việt, chút ít là chữ Hán. Cuối mỗi chuyện có ghi xuất xứ, và cuối sách có thư mục.
Sách này phát xuất từ Sa Thạch Tập (Shaseki-shu) của Thiền sư Vô Trụ (Muju), người Nhật sống vào thế kỷ mười ba. Vào năm 1971, người góp nhặt đã dịch sách này lần đầu tiên, lấy tên là Góp Nhặt Cát Ðá, do nhà Lá Bối ấn hành tại Sài Gòn. Rồi từ khi nhiều đồng bào rời quê hương đi khắp ta bà thế giới, đến đâu có điều kiện, họ liền cho in lại để đọc. Nay trước khi làm ấn bản điện tử (e-book), thấy có đôi chỗ sai, liền dịch lại toàn bộ, sửa chỗ sai, bỏ cũ một phần, thêm mới bội phần. Tinh thần vẫn vậy nhưng nội dung thay đổi nhiều, nên không tiện giữ tên của Thiền sư Vô Trụ nữa và tên sách cũng thay đổi, mong độc giả lượng thứ và vui lòng chỉ cho những chỗ sai lạc để có thể sửa lại khi có dịp. Xin đa tạ.
Frederick, 20 Tháng 03 Năm 1999
Đỗ Đình Đồng
1. ĐƯỜNG VÀO CỔNG THIỀN
Một hôm có một ông tăng vào núi tìm Thiền sư Huyền Sa Sư Bị để tham học. Ông tăng nói với sư:
– Con mới đến, xin hoà thường từ bi chỉ cho con chỗ vào.
Huyền Sa hỏi:
-Trên đường đến đây, ông có đi qua một khe nước, phải không?
Ông tăng đáp:
– Dạ phải.
Huyền Sa hỏi tiếp:
– Ông có nghe tiếng nước chảy không?
Ông tăng đáp:
– Dạ có.
Huyền Sa nói:
– Chỗ ông nghe tiếng nước chảy là đường vào cổng Thiền đấy.
(Chơn Không Gầm Thét)
2. MỘT TÁCH TRÀ
Nam Ẩn (Nan-in), Thiền sư Nhật sống vào thời Minh Trị (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền.
Nam Ẩn đãi trà. Sư rót trà vào tách của khách, đến khi tách đã tràn mà sư vẫn tiếp tục rót.
Vị giáo sư ngồi nhìn nước tràn ra ngoài, đến lúc không chịu đựợc nữa kêu lên: “Đầy quá, hết chỗ chứa rồi!”
Nam Ẩn nói: “Cũng giống như cái tách này, ông đầy ắp những quan niệm, những suy lý, làm sao tôi có thể chỉ Thiền cho ông được, trừ phi ông cạn cái tách của ông trước?”
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
3. KHÔNG BIẾT
Khi Bồ-đề Đạt-ma (532 d.l.), Thiền Tổ thứ nhất, từ Ấn độ đến Trung quốc, Lương Vũ đế (502-550 d.l.) muốn gặp Tổ. Hoàng đế hỏi Tổ: “Thế nào là nghĩa tột cùng của Thánh Đế?” Tổ đáp: “Rỗng thênh, không thánh.”
Hoàng đế lại hỏi: “Ai đang ở trước trẫm đây.”
Tổ đáp: “Không biết.”
Thường chúng ta nghĩ rằng mình biết nhiều việc hoặc tin rằng mình biết mọi việc. Ông có biết tại sao mặt trời mọc ở hướng đông và lặn ở hướng tây? Ông có thể cười lớn và khinh thị đáp, “Bởi vì trái đất quay tròn.” Rồi hãy để tôi hỏi ông, “Tại sao trái đất quay tròn?” Ông có thể nói, “Bởi vì định luật thứ nhì về vạn vật chuyển động của Newton.” Được rồi, hãy để tôi hỏi tiếp, “Tại sao lại có một định luật như là định luật thứ nhì ấy của Newton?” Chắc hẳn ông sẽ đáp, “Tôi không biết.” Đây không phải là vô minh. Khi nào chúng ta cạn hết kiến thức tích lũy, lúc ấy chúng ta nói sự thật: Tôi không biết.
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
4. BIẾT ĐỂ LÀM GÌ?
Pháp Thuận là Thiền sư Việt nam, sống vào cuối thế kỷ thứ 5 và đầu thế kỷ thứ 6. Khi Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi đến Việt Nam gặp sư ở chùa Pháp Vân, Tổ hỏi:
– Ông tánh gì? [‘tánh’: họ hay bản tánh].
Sư hỏi lại Tổ:
– Hòa thượng tánh gì?
– Ông không có tánh sao?
– Tánh thì chẳng không, hòa thượng làm sao biết?
– Biết để làm gì?
Sư bỗng nhiên tự tỉnh, liền sụp xuống lạy. Tổ Tỳ-ni-đa-lưu-chi ấn chứng, sư trở thành đời thứ nhất của dòng Thiền thứ nhất ở Việt Nam.
(Thiền Sư Việt Nam)
5. CÂY BÁCH
Một ông tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu, “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Triệu Châu đáp, “Cây bách trước sân.”
Thoạt nghe như Triệu Châu đang chỉ cây bách trước sân như một ngoại vật, nhưng sự thật chẳng có gì qui định là “trong” hay “ngoài”. Triệu Châu trở thành cây bách và cây bách trở thành Triệu Châu.
Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen,1200-1253) nói
Học Phật pháp là học chính mình.
Học chính mình là quên chính mình.
Quên chính mình là trở thành một với Đại Tâm vô biên
Khi tự quên mình, Triệu Châu trở thành một với cây bách vô biên, vô lượng. Không cần nói ai cũng biết rằng tinh thần này không những chỉ áp dụng cho cây bách mà còn áp dụng cho cả mọi sự vật
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
6. MÂY TRẮNG
Thiền có câu nói rằng:
Núi xanh bất động,
Mây trắng đến đi .
Câu nói cho thấy sự tương phản giữa xanh và trắng, bất động và động, cũng như sự tương phản giữa cái có thể tiếp xúc và cái không thể tiếp xúc. “Đến đi” có ý nghĩa thâm sâu. Khi các Thiền tăng gặp các bậc thầy của họ, các sư hay hỏi họ, “Ông từ đâu đến?” Nếu họ đáp, “Con từ Kinh đô đến,” đây là câu trả lời hoàn toàn đúng. Chúng ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu sau khi chết? Đây là câu hỏi nền tảng nhất cho tất cả chúng ta. Vậy “Mây trắng đến đi” ám chỉ Chân Hữu của chúng ta — nó không từ đâu đến, không đi về đâu, mà luôn luôn lơ lửng trên núi xanh và núi ấy có thể là thiên đường hay địa ngục.
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
7. BÁT NHÃ
Bát nhã là dịch âm chữ Phạn prajna. Chữ bát nhã, dù được dịch là trí tuệ, tốt nhất nên hiểu theo nguyên nghĩa của từ.
Để hiểu nghĩa chữ bát nhã, cách hữu ích cho chúng ta là nghĩ cái gì chẳng phải là bát nhã. Cái học hàn lâm chẳng phải là bát nhã, tích lũy kiến thức chẳng phải là bát nhã, tất cả những gì do học mà có chẳng phải là bát nhã .
Mặt khác, có thể hiểu bát nhã bằng thái độ ngược lại, nghiã là, bằng cách gột sạch tất cả kiến thức đã có. Hành động tinh thần và thể xác đặt căn bản trên trực giác bản hữu là bát nhã. Chẳng hạn như một người bị đánh kêu, “Ui cha!” — không nghĩ tốt hay xấu, chỉ “Ui cha!” thôi. Đây là bát nhã.
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
8. MẸ CỦA CHƯ PHẬT
Thiền sư Thanh Biện thuộc đời thứ tư dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Năm 12 tuổi sư xuất gia theo ngài Pháp Đăng tu học ở chùa Phổ Quang. Khi Pháp Đăng tịch, sư chuyên trì tụng kinh Kim Cang.
Một hôm có Thiền khách đến viếng, thấy sư trì kinh, liền hỏi:
– Kinh này là mẹ chư Phật ba đời, thế nào là nghĩa mẹ Phật?
Sư đáp:
– Từ trước đến nay trì kinh mà chưa hiểu ý kinh.
Thiền khách hỏi:
– Ông trì kinh đến giờ đã được bao lâu ?
– Đã tám năm.
– Trì kinh đã tám năm mà một ý kinh cũng không hiểu, dù trì mãi đến trăm năm nào có công dụng gì?
Sư liền đảnh lễ, thưa hỏi chỗ thâm sâu ấy. Thiền khách bảo sư đến Thiền sư Huệ Nghiêm ở chùa Sùng Nghiệp giải quyết cho .
Khi gặp hòa thượng Huệ Nghiêm, sư liền đem việc trước thuật lại đầy đủ. Huệ Nghiêm nói:
– Ông tự quên mất rồi, sao không nhớ trong kinh nói, “Chư Phật trong ba đời và pháp A nậu đa la tam miệu tam bồ đề,” đều từ kinh này ra, đâu không phải là nghĩa mẹ chư Phật ư?
Sư thưa:
– Phải. Thế là con tự quên.
Huệ Nghiêm hỏi:
– Kinh này là người nào nói?
– Đâu không phải là Như Lai nói sao?
– Trong kinh nói, “Nếu nói Như Lai có nói pháp, tức là chê bai Phật, người ấy không thể hiểu nghĩa ta nói,” ông khéo suy nghĩ đó. Nếu nói kinh này không phải Phật nói là chê bai kinh, nếu nói là Phật nói, tức chê bai Phật. Ông phải làm sao? Nói mau! Nói mau!
Sư toan mở miệng, Huệ Nghiêm cầm phất tử đánh ngay miệng. Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ.
(Thiền Sư Việt Nam)
9. TỊNH TÂM TỊNH ĐỘ
Một hôm, một người đàn bà, tên gì không ai biết, đến nghe Bạch Ẩn (Hakuin), nói pháp. Trong bài pháp, có đoạn sư nói, “Tịnh Tâm Tịnh Độ, Phật ở nơi mình: một khi Phật hiện, mọi vật trên thế gian liền chiếu hào quang. Nếu ai muốn thấy được như thế, hãy quay vào tâm mình, nhất tâm tìm kiếm.”
“Vì là tịnh tâm Tịnh Độ, làm sao Tịnh Độ được trang nghiêm? Vì là Phật ở nơi mình, Phật có tướng tốt gì?”
Nghe vậy, người đàn bà suy nghĩ, “Cái đó có khó gì lắm đâu.” Trở về nhà, bà nhìn vào đó ngày đêm, mang nó trong lòng dù thức hay ngủ. Rồi một hôm, trong lúc đang rửa nồi, bỗng nhiên bà thông suốt.
Ném cái nồi sang một bên, đến gặp Bạch Ẩn, bà nói: “Tôi đã qua đến ông Phật trong chính thân tôi đây. Mọi vật đều chiếu sáng. Kỳ diệu quá! Thật là kỳ diệu!” Bà sung sướng nhảy múa vì vui.
Bạch Ẩn nói, “Đó là bà nói, còn cái hầm chứa phân thì thế nào?”
Bà liền bước lên tát Bạch Ẩn một cái, nói, “Cái lão này chưa thông rồi.”
Bạch Ẩn cười rống lên.
(Giai Thoại Thiền)
10. UỐNG TRÀ ĐI
Triệu Châu là một Thiền sư xuất sắc sống vào đời nhà Đường ở Trung quốc. Một hôm, một ông tăng hành cước đếnviếng sư. Sư hỏi, “Ông từng đến đây chưa?” Ông tăng đáp, “Dạ, từng đến.” Triệu Châu nói, “Uống trà đi.”
Một ông tăng hành cước khác cũng đến viếng sư, sư lại hỏi, “Ông từng đến đây chưa?” Ông tăng đáp, “Dạ chưa.”
Triệu Châu bảo: “Uống trà đi.”
Vị tăng viện chủ của Triệu Châu, có mặt trong cả hai trường hợp, khá bối rối, hỏi sư, “Tại sao đối với một ông tăng đã ngộ hòa thượng bảo ‘Uống trà đi’ rồi đối với một ông tăng chưa ngộ hoà thượng cũng bảo ‘Uống trà đi’?” Triệu Châu đáp, “Uống trà đi.”
Đây là Thiền của Triệu Châu, siêu việt lý luận, chỉ là “Uống trà đi.” Chỉ thế thôi! Trà này là trà phổ hiện. Nếm trà này là nếm Thiền. Nói như vậy có lẽ cũng đã quá nhiều. .
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
11. IM LẶNG
Trong kinh Duy Ma Cật, một trong những kinh sống động nhất của văn học Đại thừa, Bồ tát Văn Thù hỏi Cư sĩ Duy Ma Cật về yếu chỉ của Phật pháp. Cư sĩ Duy Ma Cật im lặng. Có người bình rằng sự im lặng của Cư sĩ Duy Ma Cật giống như sấm sét.
Khi đọc các bản văn Thiền, chúng ta thường thấy những câu như “Ông tăng im lặng.” Ít nhất có ba thứ im lặng khác nhau. Thứ nhất, ông tăng không biết gì để nói, vì vô minh. Thứ hai, ông tăng giả vờ mình ngu, song ý định chân thực là để xem phản ứng cuả đối thủ. Thứ ba là sự im lặng của một vị tăng đã ngộ biết rằng điều ấy không thể giải thích được, vì thế im lặng. Loại im lặng thứ ba giống như sấm sét.
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
12. VÔ NGÔN THÔNG
Sư là Tổ khai sáng dòng Thiền Vô Ngôn Thông ở Việt Nam. Sư họ Trịnh, quê ở Quảng châu, Trung quốc. Tính sư điềm đạm, ít nói mà thông minh, nên người đương thời gọi là Vô Ngôn Thông.
Một hôm sư lễ Phật, có một thiền khách hỏi:
– Tọa chủ lễ đó là cái gì?
Sư đáp:
– Là Phật.
Thiền khách bèn chỉ tượng Phật hỏi:
– Cái này là Phật gì?
Sư không đáp được.
Đêm đến, sư y phục chỉnh tề đến lễ thiền khách, nói:
– Hôm nay thầy hỏi, tôi chưa biết ý chỉ thế nào?
Thiền khách hỏi:
– Tọa chủ được mấy hạ?
Sư đáp:
– Mười hạ.
Thiền khách lại hỏi:
– Đã từng xuất gia chưa?
Sư càng thêm mờ mịt.
Sau sư đến tham kiến Đại sư Bách Trượng. Một hôm trong giờ tham vấn, có một ông tăng hỏi Bách Trượng:
– Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa?
Bách Trượng đáp:
– Đất tâm nếu không, mặt trời trí huệ tự chiếu .
Sư nghe câu này, hoát nhiên đại ngộ.
Sau, khoảng năm 820 T.L., sư sang An Nam ở chùa Phù Đỗng (tỉnh Bắc Ninh). Ở đây trọn ngày, sư ngồi quay mặt vào vách, suốt mấy năm mà không ai biết. Chỉ có Cảm Thành biết sư là cao tăng đắc đạo và sau sư truyền tâm ấn cho Cảm Thành.
(Thiền Sư Việt Nam)
13. MỖI NGÀY LÀ MỘT NGÀY TỐT
Thiền sư Vân Môn nói với môn đồ, “Trước ngày mười lăm tôi không hỏi, sau ngày mười lăm thì thế nào?” Không ai trả lời. Vì thế sư tự đáp, “Mỗi ngày là một ngày tốt.” Ngày mười lăm, theo âm lịch, có trăng tròn, ám chỉ sự giác ngộ rõ ràng. “Sau ngày mười lăm” có nghĩa là sau khi có sự giác ngộ như thế.
Vì “Mỗi ngày là một ngày tốt,” nhiều người bị chữ “tốt” lừa, nghĩ rằng tốt là đối lại với xấu. Như thế, họ nghĩ rằng “ngày tốt” có nghiã là ngày đẹp, hạnh phúc. Tuy nhiên, Vân Môn không có ý đó. “Ngày tốt” của Vân Môn còn sâu xa hơn thế . Sư đang chỉ cái ngày ngay đây, ngay bây giờ, không tiền, tuyệt hậu. Một công án tốt cho tất cả chúng ta: “Đây là loại ngày gì?”
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
14. TRỒNG TÙNG
Trong Lâm Tế Lục có một câu chuyện kể như vầy: “Một hôm Lâm Tế đang trồng tùng thì thầy sư là Thiền sư Hoàng Bá hỏi, ‘Trồng nhiều cây trong núi sâu có gì là tốt?’ Lâm Tế đáp, ‘Thứ nhất, con muốn tạo cảnh tự nhiên cho cổng chùa; thứ hai, con muốn làm mốc giới cho đời sau.’ Nói xong Lâm Tế dộng cuốc xuống đất ba lần và “Hư!” một tiếng. Hiểu ý Lâm Tế, Hoàng Bá nói, ‘Ở dưới ông tông môn ta sẽ hưng thịnh khắp thiên hạ’.”
Vì sự kiện lịch sử này, cho đến ngày nay, đa số các Thiền viện Lâm Tế đều trồng một cây tùng vào Ngày Lâm Tế, ước mong tạo cảnh đẹp tự nhiên cho cổng chùa và cũng để làm mốc giới cho đời sau .
Hãy để cho Chánh Pháp tiếp tục.
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
15. HOA NÚI NỞ NHƯ GẤM
Một ông tăng hỏi Hòa thượng Đại Long (một Thiền sư Trung quốc thuộc dòng Đức Sơn, nhưng chúng ta không biết gì nhiều về sư), “Pháp thân kiên cố hoại hay chẳng hoại?” Sư đáp bằng bài kệ như sau:
Hoa núi nở như gấm,
Nước khe trong tựa chàm.
Trong văn học Thiền, một ông tăng hành cước thường hay hỏi về Pháp thân, nghĩa là Pháp là gì ? Câu hỏi này có hằng trăm câu đáp khác nhau đã được ghi lại, mà “Hoa núi nở như gấm, Nước khe trong tựa chàm” là câu đáp được biết đến nhiều nhất.
Đương nhiên, câu đáp này cho biết cái ấn tượng mà Hòa thượng Đại Long miêu tả vẻ đẹp ngoại cảnh. Vâng, lời đáp của sư miêu tả vẻ đẹp bên ngoài, nhưng còn hơn thế nữa, nó là một diễn đạt “siêu ngôn ngữ.”
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
16. KHÔNG SINH KHÔNG TỬ
Thiền sư Quan Sơn Huệ Huyền là người sáng lập chùa Shogen và chùa Diệu Tâm (Myoshin) ở Nhật. Sư có ảnh hưởng rất lớn đối với môn đồ nhưng không để lại ngữ lục. Sau khi Huệ Huyền từ giả cõi đời, Thiền sư Ẩn Nguyên Long Kỳ (1592-1673), thuộc phái Hoàng Bá, từ Trung quốc đến Nhật, viếng chuà Diệu Tâm. Thiền sư Ẩn Nguyên lễ bái tháp người sáng lập và hỏi vị thượng tọa, “Sáng tổ của thượng tọa có để ngữ lục gì không?” “Dạ không.” “Cái gì!” Ẩn Nguyên kêu lớn, “Nếu ông ta không để lại ngữ lục gì, chùa Diệu Tâm không đáng được thừa nhận.” Vị thượng tọa sợ hãi, lưỡng lự nói, “Mặc dù sáng tổ chúng tôi không để lại ngữ lục gì, nhưng tôi có nghe Ngài nói, ‘Công án Cây Bách có sức tước đoạt và Huệ Huyền không sinh không tử’.” Khi nghe câu nói do vị thượng tọa thuật lại, Ẩn Nguyên xúc động nói, “Hay lắm,” cúi đầu thật sâu và rời chùa Diệu Tâm.
Một Thiền sư hiện đại khi sắp tịch nói, “Bây giờ tôi chết để sống mãi mãi.” Phật tánh không có sinh không có chết.
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
17. MẶT TRĂNG LẶN CHẲNG LÌA BẦU TRỜI
Mặt trời mọc, mặt trời lặn. Mặt trăng mọc, mặt trăng lặn. Hằng ngày chúng ta nghĩ rằng mặt trăng biến mất theo nghĩa đen, nhưng chúng ta biết nó sẽ trở lại. Khi có ai chết, người ta nghĩ rằng người đó biến mất, nhưng không thể nào biến mất khỏi thế giới rộng lớn, vô cùng tận.
Thiền sư Hoàng Bá nói:
Tâm tựa như hư không mênh mông, trong ấy không có thiện không có ác, như khi mặt trời chiếu bốn phương thế giới. Vì khi mặt trời mọc và chiếu khắp trái đất, hư không mênh mông không sáng hơn, và khi mặt trời lặn, vũ trụ không trở thành u tối. Hiện tượng sáng và tối thay đổi nhau, nhưng bản tánh của vũ trụ không thay đổi. Tâm của Phật và chúng sanh cũng như vậy.
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
18. NÚI LÀ NÚI, NƯỚC LÀ NƯỚC
Một giáo sư Mỹ dạy triết ở một đại học nọ khi nghe câu nói nổi tiếng này của Thiền, ông ta phản ứng với thái độ tiêu cực. Tuy nhiên, các yếu tố khác của Thiền lôi cuốn ông ta mãnh liệt, vì thế ông ta đến Nhật và gặp một Thiền sư. Thiền sư này giải thích như vầy, “Bước đầu, núi là núi, nước là nước.” “Bước thứ nhì, núi không phải núi, nước không phải nước,” Thiền sư tiếp tục, “ở bước thứ ba, núi là núi, nước là nước.”
Vị giáo sư Mỹ hỏi, “Giữa bước thứ nhất và bước thứ ba có gì khác nhau?” “Ở bước thứ ba,” Thiền sư nói bằng giọng to nhất, “NÚI LÀ NÚI, NƯỚC LÀ NƯƠC!” Nhân đó vị giáo sư có tỉnh.
Với cái thấy chưa ngộ, núi là núi, nước là nước; với cái thấy của ngộ, núi cũng là núi, nước cũng là nước. Tuy nhiên, có cuộc hành trình tâm linh ẩn khuất trong cái thấy của ngộ; đó là thời kỳ núi chẳng phải núi, nước chẳng phải nước. Chúng ta gọi cái “chẳng phải” ấy là tu tập.
(Thiền Ngữ Thiền Tự)
19. ĐƯỢC VIÊN KIM CƯƠNG TRÊN QUÃNG ĐƯỜNG LẦY
Thiền sư Ngu Đường (Gudo) là thầy của Nhật hoàng, nhưng sư thường hành cước lang thang như một tên ăn mày. Một hôm trên đường đến Edo, trung tâm văn hóa và chính trị của thời tướng quân tiếm quyền, sư đến một ngôi làng tên là Takenaka. Trời chiều và mưa rơi nặng hạt. Sư ướt như chuột lột. Đôi dép rơm rã ra từng mảnh. Sư thấy ở cửa sổ một nông gia có treo bốn năm đôi và quyết định đến mua một đôi khô.
Người đàn bà trao dép cho sư, thấy sư ướt quá, mời sư ở lại nhà bà qua đêm. Ngu Đường chấp nhận, cảm ơn bà. Sư vào nhà và tụng kinh trước bàn thờ gia đình. Rồi sư được người đàn bà giới thiệu với người mẹ và các con của bà ta. Quan sát thấy cả nhà buồn bã, sư hỏi có chuyện gì không tốt.
Người đàn bà đáp, “Chồng tôi là một người đánh bạc và nghiện rượu. Khi nào may thắng được, anh ta uống say và hành hạ vợ con. Khi nào thua, anh ta mượn tiền của người khác. Đôi khi say quá, anh ta không về nhà gì cả. Tôi làm gì được bây giờ?”
Ngu Đường đáp, “Tôi sẽ giúp anh ta. Đây là một ít tiền. Hãy mua cho tôi một bình rượu ngon và một ít đồ nhấm. Rồi chị có thể đi nghỉ. Tôi sẽ tọa thiền ở trước bàn thờ.”
Khoảng nửa đêm người đàn ông của gia đình trở về, say mèm, rống lên, “Nè, bà ơi, tôi đã về. Bà có gì cho tôi ăn không?”
“Tôi có cái này cho anh,” Ngu Đường đáp, “Tôi bất ngờ bị mưa, vợ anh tử tế mời tôi ở lại đây qua đêm. Để đáp lại, tôi có mua ít rượu và cá, anh cũng có thể ăn được.”
Người đàn ông vui mừng. Anh ta lập tức uống rượu rồi nằm dài xuống nền nhà. Thiền sư Ngu Đường ngồi thiền định ngay bên cạnh.
Đến sáng khi người chồng thức dậy anh ta quên hết mọi chuyện đêm qua. “Ông là ai?” anh ta hỏi Ngu Đường vẫn còn đang ngồi thiền.
“Tôi là Ngu Đường ở Kyoto và tôi đang trên đường đến Edo,” Thiền sư đáp.
Người đàn ông cảm thấy rất xấu hổ. Anh ta không ngớt lời xin lỗi vị thầy của hoàng đế.
Sư mỉm cười, giảng giải, “Mọi sự trên đời đều vô thường. Cuộc sống ngắn ngủi. Nếu anh tiếp tục đánh bạc và uống rượu, anh sẽ không còn thì giờ để làm được việc gì khác và anh sẽ làm cho gia đình đau khổ.”
Người chồng chợt bừng tỉnh như vừa ra khỏi cơn mộng. Anh ta tuyên bố, “Thầy đúng lắm. Làm sao con có thể trả ơn được lời dạy kỳ diệu này! Hãy để con mang hành lý cho và tiễn thầy một đoạn đường.”
Ngu Đường bằng lòng nói, “Nếu anh thích.”
Hai người bắt đầu đi. Sau khi đi được ba dặm, sư bảo anh ta trở về. Anh ta nài nĩ, “Xin cho năm dặm nữa.” Hai người tiếp tục đi .
“Bây giờ anh có thế trở về được rồi,” sư gợi ý .
“Sau mười dặm nữa,” anh ta đáp.
Khi mười dặm đã hết, sư bảo, “Bây giờ hãy về đi.”
“Con sẽ theo thầy cả quãng đời còn lại của con,” anh ta tuyên bố.
Nhiều Thiền sư Nhật hiện đại phát xuất từ dòng Thiền của một vị sư danh tiếng, là người thừa kế Thiền sư Ngu Đường. Tên của vị sư ấy là Vô Nan (Mu-nan), người không bao giờ trở về.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
20. THẾ À?
Thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin) được những người láng giềng ca ngợi là người sống một cuộc đời trong sạch.
Một cô gái Nhật đẹp có cha mẹ làm chủ một cửa tiệm thực phẩm sống gần chùa sư. Bất ngờ một hôm cha mẹ cô ta khám phá ra cô ta có thai.
Cha mẹ cô nổi giận. Cô ta lại không chịu thú nhận người đàn ông đó là ai, nhưng sau nhiều phiền phức cuối cùng lại là tên Bạch Ẩn.
Cha mẹ cô ta phẫn nộ đi thẳng đến sư. Sư chỉ thốt vỏn vẹn hai tiếng, “Thế à?”
Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang đến cho Bạch Ẩn. Lúc ấy sư đã mất hết thanh danh. Điều này không làm sư phiền não. Sư chăm sóc đứa bé thật chu đáo. Sư xin sữa của những bà mẹ hàng xóm và mọi thứ khác cần cho đứa bé.
Một năm sau đó, cô gái làm mẹ không còn chịu nổi nữa. Cô ta nói sự thật cho cha mẹ cô ta biết–rằng người cha thực sự của đứa bé là một thanh niên làm việc ngoài chợ cá.
Cha mẹ cô ta lập tức đến Bạch Ẩn cầu xin tha thứ, xin lỗi không ngớt, và xin đứa bé trở lại.
Bạch Ẩn ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, sư cũng chỉ nói hai tiếng, “Thế à?”
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
21. VÂNG LỜI
Những cuộc nói chuyện của Thiền sư Bàn Khuê (Bankei) không những chỉ có những người học Thiền mà còn có những người thuộc mọi cấp bậc và giáo phái đến nghe. Sư không bao giờ trích dẫn kinh điển hay đắm mình vào những luận giải kinh viện. Thay vào đó là lời nói trực tiếp từ tâm sư đến tâm người nghe. Số thính giả to lớn của sư làm cho một tu sĩ phái Nhật Liên (Nichiren) tức giận bởi vì tín đồ của ông ta đã bỏ đi nghe Thiền sư nói chuyện. Vị tu sĩ cục bộ của phái Nhật Liên này đến chùa, quyết tâm tranh luận với Bàn Khuê.
Ông ta kêu lên, “Này, Thiền sư! Hãy đợi một chút. Bất cứ ai kính trọng ông cũng vâng lời ông, nhưng một người như tôi đây không kính trọng ông. Ông có thể khiến tôi vâng lời ông được chăng?”
Bàn Khuê bảo, “Hãy lên bên cạnh tôi đây, tôi sẽ chứng minh cho.”
Một cách kiêu hãnh, vị tu sĩ vẹt đám đông lấy đường đến Thiền sư .
Bàn Khuê mỉm cười bảo, “Hãy bước qua bên trái tôi đi.”
Vị tu sĩ vâng lời.
“Không, chúng có thể nói chuyện tốt hơn nếu ỏ phiá bên phải tôi. Hãy bước qua đây,” Bàn Khuê nói .
Vị tu sĩ lại kiêu hãnh bước qua bên phải .
Bàn Khuê nhận xét, “Ông thấy không? Ông đang vâng lời tôi và tôi nghĩ ông là một rất người lịch sự. Bây giờ hãy ngồi xuống nghe đi.”
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
22. KHÔNG CHÚT TỪ BI
Ngày xưa ở Trung hoa có một bà lão trợ cấp cho một ông tăng hơn hai chục năm. Bà dựng am và cung cấp thực phẩm cho ông tăng khi ông tăng thiền định. Cuối cùng bà lão muốn biết ông tăng tiến bộ thế nào trong thời gian qua .
Muốn biết sự thật, bà nhờ một cô gái đa tình giúp bà. Bà lão bảo cô gái, “Hãy đến ôm ông ta, rồi bất ngờ hỏi, ‘Thế nào ?’”
Cô gái đến thăm ông tăng, vuốt ve ông ta không chút gượng gạo, hỏi ông ta sẽ đối xử thế nào.
Ông tăng đáp bằng một câu kệ:
Cây khô kề đá lạnh,
Không chỗ nào ấm cả.
Cô gái trở về thuật lại mọi chuyện. Bà lão tức giận than, “Nghĩ ta đã nuôi hắn hai chục năm nay. Hắn tỏ ra chẳng quan tâm đến yêu cầu của cô, chẳng có ý giải thích tình cảnh của cô. Hắn chẳng cần phải đáp ứng đam mê, nhưng ít nhất hắn nên tỏ ra có chút từ tâm chứ.”
Nói xong bà lão lập tức đến thiêu rụi cái am.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
23. ĐẠI BA
Vào đầu thời Minh Trị có một nhà đô vật rất nổi tiếng tên là Đại Ba (O-nami), có nghĩa là Sóng Lớn.
Đại Ba khỏe vô cùng và biết nghệ thuật đấu vật. Trong những cuộc đấu riêng tư, anh ta đánh bại luôn cả thầy mình, nhưng giữa công chúng anh ta lại hổ thẹn đến nỗi bị học trò của anh vật ngã.
Đại Ba cảm thấy cần đến một Thiền sư nhờ giúp đỡ. Hakuju, một vị sư hành cước, đang dừng chân ở một ngôi chùa nhỏ gần bên, vì vậy Đại Ba đến gặp và nói cho sư nghe chuyện phiền não của mình.
Hakuju khuyên, “Tên anh là Đại Ba, vậy tối nay hãy ở lại chùa này. Hãy quán tưởng anh là những cơn sóng to lớn đó. Rồi anh sẽ không còn là nhà đô vật sợ hãi nữa . Anh là những cơn sóng lớn quét sạch mọi thứ trước mặt, nuốt chửng tất cả mọi thứ trên đường đi tới. Hãy làm như vậy rồi anh sẽ là nhà đô vật vĩ đại nhất đất này.”
Hakuju rút lui, Đại Ba ngồi thiền định cố tưởng tượng mình là những cơn sóng. Rồi dần dần anh ta càng lúc càng cảm thấynhiều sóng. Càng về khuya sóng càng trở nên to hơn. Sóng cuốn đi hoa trong bình. Ngay cả Phật trên bàn thờ cũng ngập sóng. Trước khi rạng đông, cả ngôi chùa chỉ còn là một ngọn triều dâng và dòng biển cả mênh mông.
Đến sáng Hakuju thấy Đại Ba còn thiền định, mặt phản phất nụ cười . Sư vỗ nhẹ lên vai nhà đô vật, nói: “Bây giờ thì không còn gì có thể quấy rầy anh nữa. Anh là những cơn sóng to lớn đó. Anh sẽ quét sạch mọi thứ trước mặt anh.”
Cùng ngày hôm đó, Đại Ba dự nhiều cuộc đấu vật và anh đã thắng. Từ đó, ở Nhật không ai đánh bại anh ta được.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
24. KHÔNG THỂ ĂN CẮP MẶT TRĂNG
Ryokan là một Thiền sư sống nếp sống đơn giản nhất trong một cái am nhỏ ở chân núi. Một buổi chiều nọ, một tên ăn trộm đến viếng am và khám phá ra rằng trong am chẳng có gì để đánh cắp.
Ryokan trở về và bắt gặp anh ta. Sư bảo kẻ rình mò, “Anh có thể đường xa lặn lội đến viếng tôi, không nên trở về tay không. Hãy nhận quần áo của tôi làm quà vậy.”
Tên trộm kinh ngạc. Hắn lấy quần áo rồi chuồn ngay .
Ryokan ngồi trần truồng nhìn trăng, “Hỡi kẻ bần cùng, ước gì ta có thể cho anh mặt trăng đẹp này.”
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
25. KỆ PHÓ PHÁP CỦA HOSHIN
Thiền sư Hoshin đã sống nhiều năm ở Trung Quốc. Rồi sư trở về miền bắc Nhật bản, và sư dạy đồ chúng ở đó. Khi đã quá già, sư kể lại cho đệ tử câu chuyện sư đã nghe ở Trung Quốc. Câu chuyện như sau:
Một năm nọ Thiền sư Tokufu, khi đã quá già, nói với đệ tử rằng: “Ta sẽ không sống đến sang năm, vậy các anh nên đối xử tốt với ta trong năm nay.”
Các đệ tử tưởng sư nói đùa, nhưng vì sư là một bậc thầy có lòng đại độ nên mỗi đệ tử thay phiên nhau liên tiếp đãi sư ăn các món ngon trong những ngày còn lại của năm sắp hết.
Vào chiều cuối năm, Tokufu kết luận: “Các anh đã tốt với ta, ta sẽ từ giả các anh vào chiều mai khi tuyết ngừng rơi.”
Các đệ tử đều cười, nghĩ rằng sư già nua lẩm cẩm nói chuyện phi lý vì đêm hôm đó trời trong và không có tuyết. Nhưng nửa đêm tuyết bắt đầu rơi.
Qua hôm sau họ không thấy sư đâu. Khi vào thiền đường, họ thấy sư tịch ở đó.
Thiền sư Hoshin, người kể chuyện này, bảo các đệ tử của mình: “Thiền sư không nhất thiết phải nói trước sự ra đi của mình, nhưng nếu thật sự muốn, ông ta có thể làm được.”
Một người hỏi, “Hòa thượng làm được không?”
Hoshin đáp, “Được, ta sẽ cho các anh thấy ta có thể làm gì trong vòng bảy ngày tới kể từ bây giờ.”
Không một đệ tử nào tin lời sư và đa số họ còn quên ngay cả cuộc nói chuyện cho đến ngày sư gọi tất cả lại .
Sư bảo: “Bảy ngày đã qua, ta đã nói là sẽ từ giả các anh. Theo thông lệ là viết một bài kệ phó pháp, nhưng ta chẳng phải thi sĩ cũng chẳng phải là người viết chữ đẹp. Vậy hãy để một người nào trong các anh ghi lại những lời cuối cùng của ta.”
Các đệ tử lại nghĩ sư nói đùa, nhưng một người đã bắt đầu viết.
Hoshin hỏi, “Anh sẵn sàng chưa?”
Người viết đáp, “Dạ, rồi.”
Hoshin đọc:
Ta từ quang minh đến
Lại trở về quang minh.
Cái gì đây?
Bài kệ thiếu một câu của bốn câu thường lệ, vì vậy người đệ tử nói: “Hòa thượng, còn thiếu một câu.”
Với tiếng gầm của con sư tử chinh phục, Hoshin hét “Katsu!” và ra đi.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
26. NGƯỜI TRUNG HOA HẠNH PHÚC
Bất cứ ai đến các khu phố Tàu ở châu Mỹ cũng sẽ thấy các pho tượng một người béo tròn mang cái túi xách bằng vải bố. Các thương nhân Trung hoa gọi ông ta là người Trung Hoa Hạnh Phúc hay ông Phật Cười.
Vị Bố Đại (Hotei) này sống vào đời nhà Đường. Ông ta không có tham vọng gọi mình là Thiền sư hoặc tụ tập đồ chúng quanh mình. Thay vào đấy ông đi khắp các đường phố với cái túi bự trong đó ông đựng những món quà như kẹo, trái cây, hay bánh ngọt. Những thứ này ông sẽ cho bọn trẻ tụ tập chơi đùa quanh ông. Ông đã tạo đường phố thành một vườn trẻ.
Bất cứ khi nào gặp một một tín đồ Thiền, ông liền chìa tay ra nói, “Hãy cho tôi một xu.” Và nếu có ai yêu cầu ông trở về chùa dạy người, ông cũng nói: “Hãy cho tôi một xu.”
Có lần khi ông sắp bày trò chơi, một Thiền sư khác chợt theo hỏi: “Thế nào là đại ý của Thiền?”
Bố Đại liền đặt cái túi vải xuống đất, im lặng trả lời. Người kia lại hỏi: “Rồi thế nào là hoạt dụng của Thiền?” Lập tức người Trung Hoa Hạnh Phúc đu cái túi lên vai và tiếp tục bước đi.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
27. MỘT ÔNG PHẬT
Vào thời Minh Trị ở Tokyo có hai vị sư nổi bật với hai cá tính trái ngược nhau. Một người tên Unsho là một giảng sư Chơn ngôn tông (Shingon), giữ giới luật của Phật rất tinh cần. Sư không bao giờ uống rượu, cũng không bao giờ ăn sau mười một giờ trưa. Người kia tên Tanzan, là một giáo sư triết ở Đại Học Hoàng Gia Nhật, chẳng bao giờ giữ giới luật. Khi nào ông ta thích ăn thì ăn và khi nào thích ngủ ngày thì ngủ ngày.
Một hôm Unsho đến thăm Tanzan gặp khi Tanzan đang uống rượu, mà lưỡi của Phật tử, theo giới luật, thì không được dính rượu dù là một giọt nhỏ. Tanzan chào Unsho:
“Chào sư huynh, huynh uống rượu không?”
“Tôi không bao giờ uống rượu,” Unsho nghiêm trang đáp.
“Người mà không uống rượu thì chẳng phải là người,” Tanzan nói.
“Ý huynh muốn nói tôi chẳng phải là người chỉ vì tôi không dầm mình trong thứ nước độc đó!” Unsho tức giận phàn nàn. “Rồi, nếu tôi không phải là người thì tôi là cái gì?”
“Một ông Phật,” Tanzan đáp.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
28. ĐOẠN ĐƯỜNG LẦY
Một hôm Tanzan và Ekido cùng thong dong bước xuống một đoạn đường lầy. Cơn mưa nặng hạt vẫn còn rơi.
Đến một khúc quanh, hai người gặp một cô gái xinh xắn trong chiếc áo kimono và tấm khăn choàng bằng lụa, đang đứng bên lề đường không thể đi qua được ngả tư đường lầy.
“Đi này, cô bé,” Tanzan nói, và hai tay nhấc bổng cô gái đưa qua khỏi đoạn đường lầy.
Ekido không nói gì cả cho đến khi cả hai đến ngôi chùa nơi họ trú lại đêm đó. Rồi cho đến khi không còn chịu đựng được nữa, Ekido lên tiếng hỏi Tanzan: “Chúng ta, những tăng nhân, không được gần đàn bà, nhất là những người trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm. Tại sao huynh làm như vậy?”
Tanzan đáp: “Tôi đã bỏ cô ta lại chỗ đó rồi, huynh còn mang cô ta theo đó sao?”
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
29. SHOUN VÀ MẸ
Shoun đã trở thành sư của Thiền Tào Động. Khi sư còn là một đệ tử thì cha của sư qua đời để lại người mẹ già cho sư phải chăm sóc.
Bất cứ lúc nào đến thiền đường sư cũng đem mẹ đi theo. Vì có mẹ đi theo nên khi viếng các chùa sư không thể sống chung với tăng chúng. Vì thế sư dựng một căn nhà nhỏ và chăm sóc mẹ ở đó. Sư chép thuê kinh kệ Phật giáo và bằng cách này sư nhận vài xu để mua thực phẩm.
Khi Shoun mua cá cho mẹ, người ta chế diễu sư, vì một tăng nhân không được phép ăn cá. Sư không để tâm điều đó. Nhưng mẹ sư đau lòng vì thấy con mình bị người ta cười. Cuối cùng bà bảo Shoun: “Mẹ nghĩ mẹ nên trở thành một ni cô. Mẹ cũng có thể ăn chay được.” Bà trở thành ni cô và hai mẹ con cùng nhau tu học.
Shoun rất thích âm nhạc và là nhạc sư đàn tranh, loại đàn mà mẹ sư cũng chơi được. Vào những đêm trăng tròn hai mẹ con cùng nhau chơi nhạc.
Một đêm kia, một thiếu phụ đi ngang qua nhà họ và tình cờ nghe tiếng nhạc. Xúc động sâu xa, thiếu phụ mời Shoun đến viếng nhà mình và chơi nhạc. Shoun nhận lời mời. Vài ngày sau sư gặp thiếu phụ trên đường phố và cảm ơn bà ta vì lòng hiếu khách của bà. Người ta lại cười sư vì sư đã viếng nhà của một người đàn bà thành thị.
Một hôm sư phải đến một ngôi chùa xa để thuyết pháp. Vài tháng sau sư trở về và mẹ sư đã mất. Bạn bè không biết tìm sư ở đâu, vì thế họ cử hành đám táng.
Shoun bước lên, gõ thiền trượng vào quan tài, nói: “Mẹ ơi, con đã về.” Rồi sư thay mẹ trả lời, “Mẹ mừng con đã trở về, con của mẹ.”
“Dạ, con cũng mừng,” Shoun lại đáp. Rồi sư thông báo với mọi người: “Tang lễ đã xong. Các người có thể chôn xác được rồi.”
Khi Shoun đã già và biết kỳ hạn của mình đã đến. Vào một buổi sáng sư kêu đồ chúng tập họp quanh mình, bảo rằng mình sẽ ra đi vào trưa hôm nay. Thắp nhang trước hình của mẹ và vị thầy cũ, sư viết một bài kệ:
Sáu mươi sáu năm qua ta đã sống
Hết sức mình và tạo được lối ta đi
Qua trần giới; giờ cơn mưa đã dứt
Giữa trời xanh mây tạnh mảnh trăng tròn.
Các đệ tử vây quanh sư tụng kinh và sư ra đi trong tiếng kinh cầu.
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
30. KHÔNG XA PHẬT TÁNH
Một sinh viên đại học đến viếng Thiền sư Nga Sơn (Gasan) và hỏi: “Thầy đã từng đọc Thánh Kinh Ky Tô chưa?”
“Chưa, hãy đọc tôi nghe,” Nga Sơn đáp.
Sinh viên mở Thánh Kinh và đọc một đoạn trong sách Thánh Matthew: “Còn phần quần áo, các ngươi lo lắng làm chi. Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Salomon sang trọng đến đâu, cũng không mặc được áo tốt như một hoa nào trong giống đó. . . Vậy chớ lo lắng chi cho ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai.”
Nga Sơn nói: “Ai nói những lời đó, tôi cho là một người đã giác ngộ.”
Sinh viên đọc tiếp: “Hãy xin sẽ được; hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ sẽ mở cho. Bởi vì hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ thì được mở.”
Nga Sơn phê bình: “Tuyệt lắm. Ai nói điều đó không xa Phật tánh.”
(Thiền Cốt Thiền Nhục)
(Còn tiếp)
Đỗ Đình Đồng Góp Nhặt
DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
tức GÓP NHẶT CÁT ĐÁ
Hiệu Đính và Bổ Sung