91.  CÁI TÂM ĐÁ

Trong khi họ nhóm lửa, Pháp Nhãn nghe họ tranh luận về chủ và khách. Sư nhập bọn với họ và nói: “Có một hòn đá bự. Các ông xem nó ở trong hay ở ngoài tâm các ông?”

Một ông tăng đáp: “Theo quan điểm của Phật giáo mọi vật là đối thể hóa của tâm, vì vậy tôi nói hòn đá ở trong tâm tôi.”

Pháp Nhãn nhận xét: “Cái đầu của ông chắc phải nặng lắm, nếu ông mang một hòn đá như thế trong tâm ông.”

        (Thiền Cốt Thiền Nhục)

92.  KHÔNG VƯỚNG BỤI TRẦN

Thiền Nguyệt (Zengetsu) là một Thiền sư Trung hoa sống vào đời nhà Đường. Sư viết những lời sau đây để khuyên đệ tử:

Sống trong thế gian nhưng không tạo tác vướng mắc vào bụi trần là con đường của Thiền sinh chân chính.

Khi thấy người khác làm việc tốt, tự mình hãy noi gương. Khi nghe người khác lầm lỗi, hãy tự khuyên mình chớ bắt chước.

Dù cho một mình trong phòng tối, hãy cư xử như đang đối diện với người khách quí. Hãy biểu lộ tình cảm của mình nhưng không đi quá bản tánh chơn thật.

Nghèo là kho tàng quí giá của mình. Chớ đem đổi nó để lấy đời sống dễ dãi.

Một người có thể tỏ vẻ ngu đần nhưng thực ra không phải vậy. Có thể người ấy đang cẩn thận bảo vệ trí tuệ mình.

Đức hạnh là kết qủa của tự khép mình vào kỷ luật, không phải từ trên trời rơi xuống như mưa hay tuyết.

Khiêm tốn là nền tảng của mọi đức hạnh. Hãy để cho người láng giềng khám phá trước khi tự mình cho họ biết.

Một tâm hồn cao quí không bao giờ tự cưỡng bách mình tiến tới. Lời của nó giống như hạt châu hiếm có, ít khi phô bày và có giá trị lớn.

Đối với người đệ tử chân thành, mỗi ngày là một ngày tốt. Thời gian trôi qua nhưng y không bao giờ lê lếch phía sau. Vinh cũng như nhục không bao giờ làm y lay động.

Tự khiển trách mình, không bao giờ khiển trách người khác. Đừng bàn cãi đúng sai.

Có những điều, mặc dù đúng, vẫn bị cho là sai qua nhiều thế hệ. Vì giá trị chân chính có thể được nhận ra sau nhiều thế kỷ, không cần phải thèm khát sự đánh giá tức thời.

Hãy sống với nguyên nhân và để hậu quả cho đại luật vũ trụ vận hành. Hãy trải qua mỗi ngày trong chiêm nghiệm thanh bình.

                               (Thiền Cốt Thiền Nhục)  

93. GIỮ MÌNH TRONG SẠCH

Thiền sư Hiện Quang, mất năm 1220, là đời thứ 14 dòng Vô Ngôn Thông. Sư dung mạo xinh đẹp, tiếng nói êm ái, mồ côi từ thuở nhỏ, nếm đủ mùi gian nan. Năm 11 tuổi, sư được Thiền sư Thường Chiếu đem về nuôi và nhận làm học trò. Sư rất thông minh, mỗi ngày đọc hàng vạn chữ. Sư đã đọc khắp sách của Tam giáo, nhưng về tông chỉ của Thiền môn, sư chưa kịp suy cứu thì Thiền sư Thường Chiếu đã qua đời. Về sau, mỗi khi biện luận với ai, đến chỗ thâm yếu, bị bắt bẻ, sư trả lời không được. Sư hối hận tự than:

-Ta cũng như con nhà giàu to, lúc cha mẹ còn sống chỉ biết ăn chơi lơ đễnh, đến khi cha mẹ mất đi, thành ra mờ mờ mịt mịt.  Chẳng biết của nhà mình để đâu, rốt cuộc chỉ là kẻ nghèo thiếu.

Từ đó, sư dạo khắp tùng lâm, tìm thiện tri thức. Đến chùa Thánh Quả gặp Thiền sư Trí Thông nói cho một câu, sư liền phát minh tâm địa.

Sau vì nhận món quà của công chúa Hoa Dương mà tiếng ong ve nổi lên vang dậy. Sư nghe rồi tự nghĩ:

– Phàm cùng người thế tục tới lui, ắt chẳng khỏi bị hủy nhục. Xét lại ta phải chịu như thế sao ?. . .

Rồi sư vào thẳng trong núi Uyên Trừng, phủ Nghệ An theo Thiền sư Pháp Giới thọ giới đầy đủ.

Một hôm sư thấy thị giả bưng cơm, sẩy tay làm rơi xuống đất, sợ quá thị giả lấy tay hốt cơm vẫn còn lộn đất. Sư tự hối nói:

– Ta sống không làm lợi ích gì cho ai, luống nhọc người cung cấp đến phải như thế.

Từ đây, sư mặc bằng lá cây, ăn các thứ trái lượm được, không dùng cơm nữa. Trải qua mười năm như thế.

Sau vì muốn an dưỡng tuổi già, sư vào sâu trong núi Từ Sơn kết cỏ làm am mà ở. Mỗi khi đi kinh hành dưới rừng, sư bẻ nhánh cây bó một bó gánh về, các loài dã thú trông thấy sư đều nép phục.

                                     (Thiền Sư Việt Nam)

94.  SỰ PHÁT ĐẠT CHÂN THỰC

Một người nhà giàu yêu cầu Thiền sư Tiên Nhai

(Sengai) viết một câu gì đó cho sự thịnh đạt liên tục của gia đình nhờ đó có thể tàng trữ được từ đời này sang đời khác.

Tiên Nhai bèn lấy một tờ giấy lớn viết: “Cha chết, con chết, cháu chết.”

Người nhà giàu nổi giận. “Tôi nhờ thầy viết một câu gì cho gia đình tôi hạnh phúc kià! Tại sao thầy lại làm chuyện khôi hài như vậy?”

Tiên Nhai giải thích: “Không khôi hài đâu. Nếu con ông chết trước ông, chắc ông sẽ buồn lắm. Nếu cháu ông chết trước con ông, tất nhiên cả hai người, ông và con ông sẽ nát lòng. Nếu gia đình ông, từ đời này sang đời khác, qua đời theo thứ tự như tôi vừa viết, âu cũng là dòng đời tự nhiên. Tôi gọi đó là sự phát đạt chân thật.”

                               (Thiền Cốt Thiền Nhục)

95.  CÁI LƯ HƯƠNG

Kame là tên của người đàn bà ở Nagasaki, là một trong vài người làm lư hương ở Nhật. Một cái lư hương như thế là một tác phẩm nghệ thuật chỉ được dùng trong phòng trà hay trước bàn thờ gia đình.

Cha của Kame trước kia cũng là một nghệ sĩ như thế. Kame thích uống rượu. Bà cũng thích hút thuốc và giao du với hầu hết những người đàn ông trong thời đó. Khi nào kiếm được ít tiền bà đãi tiệc mời các nghệ sĩ, thi sĩ, thợ mộc, công nhân, những người đàn ông thuộc tất cả các ngành nghề. Các phác họa bà vẽ có liên quan với các quan hệ của họ.

Kame cực kỳ chậm rãi trong sáng tạo, nhưng khi tác phẩm của bà hoàn thành, nó luôn luôn là một kiệt tác. Bà đã trì hoãn làm như thế cho đến ngót nửa năm trôi qua. Lúc đó ông thị trưởng, đã được thăng chức đến văn phòng ở một thành phố xa xôi, đến viếng bà. Ông ta thúc giục bà bắt đầu làm cái lư hương của ông.

Cuối cùng có cảm hứng, Kame làm cái  lư hương ấy. Sau khi hoàn thành, bà đặt nó lên bàn. Bà chăm chú ngắm nó rất lâu. Bà hút thuốc và uống rượu trước nó y như một người bạn. Bà quan sát nó cả ngày.

Cuối cùng, Kame nhặt chiếc búa lên, đập nó nát ra từng mảnh. Bà thấy nó không phải là một tạo phẩm hoàn hảo như ý bà muốn.

                           (Thiền Cốt Thiền Nhục)

96.  PHÉP LẠ CHÂN THẬT

Khi Thiền sư Bàn Khuê đang giảng dạy tại chùa Long Môn, một tu sĩ Chơn Ngôn tông, tin vào sự cứu độ của Phật A Di Đà bằng cách niệm danh hiệu ngài, ganh tị số thính giả to lớn của sư và muốn tranh luận.

Giữa lúc Bàn Khuê đang nói chuyện thì tu sĩ đó xuất hiện. Ông ta làm ồn ào đến nỗi Bàn Khuê phải tạm dừng bài giảng và hỏi tại sao ồn ào.

Tu sĩ khoa trương, “Người sáng lập môn phái chúng tôi có phép thần thông như vầy: ngài cầm cây bút lông đứng ở bờ sông bên này, người thị giả cầm tờ giấy đứng ở bờ sông bên kia, và thầy của chúng tôi đã viết thánh danh A-di-đà qua không khí. Ông có thể làm được việc kỳ diệu như thế không?”

Bàn Khuê nhẹ nhàng đáp: “Có lẽ con cáo của anh biểu diễn trò lừa đảo, nhưng đó không phải là cách của Thiền. Phép lạ của tôi là khi đói thì ăn, khi khát thì uống.”

                                (Thiền Cốt Thiền Nhục)

97.  HÃY NGỦ ĐI

Nga Sơn đã ngồi bên cạnh thầy là Tích Thủy (Tekisui) ba ngày trước khi Tích Thủy qua đời. Tích Thủy đã chọn sư làm người thừa kế.

Gần đây một ngôi chùa bị cháy và Nga Sơn đang xây dựng lại cơ ngơi. Tích Thủy hỏi: “Anh sẽ làm gì khi xây lại chùa?”

“Khi nào hòa thượng lành bịnh chúng con muốn hòa thượng nói chuyện ở đó.”

 “Giả sử rằng ta không sống đến lúc đó thì sao?”

“Lúc đó chúng con sẽ tìm một người khác,” Nga Sơn đáp.

“Giả sử các anh không tìm được người khác thì sao?” Tích Thủy hỏi tiếp.

Nga Sơn lớn tiếng đáp: “Đừng hỏi những câu ngốc nghếch như vậy. Hãy ngủ đi.”

                               (Thiền Cốt Thiền Nhục)

98.  KHÔNG CÓ GÌ HIỆN HỮU

Sơn Cương Thiết Chu, khi còn là một Thiền sinh trẻ, viếng hết sư này đến sư khác. Sư đến tham kiến Thiền sư Độc Viên (Dokuon) ở chùa Tướng Quốc (Shokuko).

Muốn bày tỏ thành tựu của mình, sư nói: “Tâm, Phật và chúng sinh rốt ráo chẳng hiện hữu. Chân tánh của vạn pháp là không. Không có ngộ, không có mê, không có thánh, không có phàm. Không có cho, không có nhận.”

Độc Viên lặng lẽ hút thuốc, không nói gì. Thình lình sư nện cho Sơn Cương một điếu tre, khiến cho ông tăng trẻ nổi cơn tức giận.

Độc Viên hỏi: “Nếu không có gì hiện hữu, sự tức giận của ông từ đâu tới?”

                           (Thiền Cốt Thiền Nhục)

99.  BẮT CHIM

Thiền sư Tức Lự, đời thứ 14 dòng Vô Ngôn Thông, lúc nhỏ rất thông minh. Sư đọc hết các sách thế tục. Một hôm, sư bỏ hết sở học, theo làm đồ đệ Thông Thiền Đại Sĩ để thưa hỏi chỗ huyền yếu.

Thường đến ngày giải hạ thì đóng bàn, sư đốn cây bắt được một con chim mãi quỹ (chim này kêu vào mùa xuân) đem về dâng cho thầy .

Thông Thiền kinh ngạc bảo:

– Ngươi đã làm tăng, sao lại phạm tội sát sanh? Làm sao tránh khỏi quả báo ngày sau ?

Sư đáp:

– Con chính khi ấy chẳng thấy có vật này, và cũng chẳng thấy có thân con, cũng chẳng biết có quả báo sát sanh, cho nên mới làm thế này.

Thông Thiền biết sư là pháp khí, bèn cho vào thất, mật truyền tâm ấn rằng:

– Ngươi nếu dùng đến chỗ đất ấy, dù có tạo tội ngũ nghịch thất giá, cũng được thành Phật.

Có vị tăng bên cạnh trộm nghe lời này, bèn kêu to rằng:

– Khổ thay! Dù có việc thế ấy, tôi cũng chẳng nhận.

Thông Thiền lên tiếng bảo:

– Trộm! Trộm! Đâu nên, phi nhơn sẽ gặp cơ hội tốt.

Sư nghe câu nói này liền lãnh ngộ.

                               (Thiền Sư Việt Nam)

100.  ĐÃ ĐẾN LÚC CHẾT

Thiền sư Nhất Hưu, lúc còn bé đã tỏ ra rất khôn lanh. Thầy của sư có một cái tách trà rất quí, một món đồ cổ hiếm có. Nhất Hưu bất ngờ làm bể cái tách, rất bàng hoàng lo lắng. Nghe tiếng chân thầy đến gần, Nhất Hưu dấu cái tách vỡ ra phía sau. Khi thầy xuất hiện, Nhất Hưu hỏi: “Tại sao người ta phải chết?”

 “Đó là tự nhiên,” lão sư giải thích. “Mọi vật đều phải chết vì đã sống đủ lâu rồi.”

Nhất Hưu giơ cái tách vỡ ra, nói: “Cái tách của thầy đã đến lúc phải chết.”

                               (Thiền Cốt Thiền Nhục)

101.  ÔNG PHẬT SỐNG VÀ NGƯỜI ĐÓNG THÙNG GỖ

Các Thiền sư cho đệ tử độc tham, hay sự hướng dẫn cá nhân trong phòng riêng. Không ai được vào đó trong khi thầy và trò đang đối diện nhau.

Mặc Lôi là Thiền sư của chùa Kiến Nhân ở Kyoto, thường thích  nói chuyện với thương nhân, nhà báo cũng như với đệ tử. Có một người đóng thùng gỗ hầu như mù chữ. Anh ta thường hay hỏi những câu ngốc nghếch về Mặc Lôi, uống trà, rồi bỏ đi.

Một hôm trong khi người đóng thùng gỗ đang có mặt ở đó, Mặc Như Lôi muốn cho một đệ tử độc tham, vì thế sư yêu cầu người đóng thùng gỗ đợi sư ở một phòng khác.

Người đóng thùng gỗ phản đối, “Tôi biết ông là một ông Phật sống. Ngay cả mấy ông Phật đá trong chùa cũng không bao giờ từ chối nhiều người tụ tập trước mấy ổng. Vậy tại sao tôi lại bị đuổi đi.”

Mặc Lôi phải ra bên ngoài gặp người đệ tử.

                              (Thiền Cốt Thiền Nhục)

102.  BA LOẠI ĐỆ TỬ

Nguyệt Am (Gettan) là một Thiền sư sống vào những năm cuối thời Đức Xuyên. Sư thường nói, “Có ba loại đệ tử: Những người truyền Thiền cho kẻ khác, những người giữ chùa và bàn thờ, rồi những cái bị gạo và những cái mắc áo.”

Nga Sơn cũng diễn tả cùng một ý ấy. Khi sư tu học dưới sự hướng dẫn của Tích Thủy, thầy của sư rất nghiêm khắc. Đôi khi Tích Thủy đánh cả sư. Các đệ tử khác không chịu nổi loại giáo lý này nên bỏ đi. Nga Sơn ở lại và nói: “Một đệ tử tồi lợi dụng ảnh hưởng của thầy. Một đệ tử khá ngưỡng mộ lòng tốt của thầy. Một đệ tử giỏi phát triển mạnh dưới kỷ luật của thầy.”

       (Thiền Cốt Thiền Nhục)

103.  BỐN HẠNG NGƯỜI TU

Đại sư Tường Quan Chiếu Khoan (1741-1830) là truyền nhân đời thứ năm phái Liên Tông (dòng Lâm Tế). Khi sắp tịch, sư gọi đệ tử lớn là Từ Tánh bảo, “Ta từ bé đến già chuyên tâm tiến đạo, nay ta sắp ra đi, hãy nghe ta nói kệ”:

Người bậc nhất tu pháp vô vi,

Người bậc nhì phước huệ đầy đủ,

Người bậc ba làm thiện chừa ác,

Người bậc tư tam tạng tinh thông.

Nói xong, sư ngồi yên viên tịch.

                                   (Thiền Sư Việt Nam)

104.  ĐỐI THOẠI THIỀN

Các Thiền sư huấn luyện cho các đệ tử trẻ của họ tự diễn đạt ý  mình.  Hai ngôi chùa Thiền, mỗi chùa có một chú sa di. Một chú mỗi sáng đi mua rau, gặp chú kia trên đường đi.

“Chú đi đâu đó?” chú thứ nhất hỏi.

“Chân tôi bước đâu thì tôi đi đó,” chú kia trả lời.

Câu trả lời làm rối trí chú thứ nhất nên chú đến nhờ thầy giúp đỡ. Thầy chú dạy: Sáng mai, khi con gặp chú bạn nhỏ, hãy hỏi cùng câu hỏi đó. Chú ta sẽ trả lời câu đó, rồi con hỏi: “Giả sử chú không có chân thì chú đi đâu?” thì hắn sẽ chịu thua ngay.

Sáng hôm sau hai chú bé lại gặp nhau.

“Chú đi đâu đó?” chú thứ nhất hỏi.

“Gió thổi đâu thì tôi đi đó,” chú kia đáp.

Câu đáp này lại làm chú bối rối nữa. Chú mang chuyện bị đánh bại đến gặp thầy.

“Hãy hỏi hắn nếu không có gió thì hắn đi đâu,” ông thầy gợi ý.

Ngày hôm sau hai chú lại gặp nhau lần thứ ba.

“Chú đi đâu đó?” chú thứ nhất hỏi.

“Tôi đi chợ mua rau,” chú kia đáp.

                                (Thiền Cốt Thiền Nhục)

105.  CÁI CỐC CUỐI CÙNG

Tangen đã tham học với Thiền sư Tiên Nhai từ lúc còn bé. Đến năm hai mươi tuổi Tangen muốn từ giả thầy đi thăm viếng các nơi để so sánh sở học, nhưng Tiên Nhai không cho phép. Cứ mỗi lần Tangen gợi ý, Tiên Nhai liền cho Tangen một cái cốc lên đầu.

Cuối cùng, Tangen nhờ một sư huynh đồng môn dụ Tiên Nhai cho phép mình đi. Người sư huynh làm xong và báo cho Tangen biết: “Sắp xếp xong rồi. Tôi chuẩn bị cho chú khởi hành ngay lập tức.”

Tangen đến cảm ơn Tiên Nhai vì đã cho phép. Tiên Nhai trả lời Tangen bằng một cái cốc đầu nữa.

Khi Tangen kể lại cho sư huynh nghe chuyện như vậy, người sư huynh nói: “Việc gì thế ? Hòa thượng không có chuyện cho phép rồi lại đổi ý. Tôi sẽ nói với hòa thượng vậy.Ợ Rồi người sư huynh đi gặp Tiên Nhai.

Tiên Nhai nói: “Tôi không hủy bỏ sự cho phép của tôi. Tôi chỉ muốn cốc đầu anh ta một cái để khi anh ta trở về thì ngộ rồi, và tôi không còn trách mắng anh ta được

nữa.”

                        (Thiền Cốt Thiền Nhục)

106.  THIỀN CHIẾC KẸP GẮP THAN

Thiền sư Bạch Ẩn thường nói với môn đệ về một bà lão chủ quán trà, ca ngợi sự hiểu Thiền của bà. Các đệ tử không chịu tin lời sư nói, đến quán trà để tìm hiểu hư thực thế nào.

Khi nào thấy họ đến bà lão hỏi ngay họ đến để uống trà hay để xem  Thiền của bà. Trong trường hợp đầu, bà tiếp đãi họ thật tử tế. Trong trường hợp sau, bà ra dấu gọi họ đến phiá sau cái màn. Ngay lúc họ vừa vào, bà liền đánh họ bằng chiếc kẹp gắp than.

Chín phần mười bọn họ không thoát được tay bà.

                              (Thiền Cốt Thiền Nhục)

107.  THIỀN CỦA NGƯỜI KỂ CHUYỆN

Encho là một tay kể chuyện hay lừng danh. Những câu chuyện tình của anh ta làm rung động trái tim người nghe. Khi anh ta kể chuyện chiến tranh, người nghe tưởng như chính họ đang ở trên chiến trường.

Một hôm Encho gặp Sơn Cương Thiết Chu, một cư sĩ hầu như đã nắm vững được Thiền. Sơn Cương nói: “Tôi hiểu anh là người kể chuyện hay nhất nước và anh có thể làm người ta cười hay khóc tùy ý. Hãy kể tôi nghe chuyện Thiện Tài đồng tử đi, tôi thích nghe chuyện này nhất. Khi còn bé tôi thường ngủ bên cạnh mẹ tôi, bà thường kể câu chuyện huyền thoại này. Cứ đến giữa chuyện là tôi ngủ mất tiêu. Hãy kể y như mẹ tôi vậy.”

Encho không dám thử vụ này. Anh ta yêu cầu thời gian để nghiên cứu. Mấy tháng sau anh ta đến nói với Sơn Cương: “Xin cho tôi cơ hội kể chuyện ông nghe.”

Sơn Cương đáp: “Để hôm khác đi.”

Encho rất thất vọng. Anh ta nghiên cứu và thử lại. Sơn Cương từ chối anh ta nhiều lần. Khi Encho bắt đầu kể thì Sơn Cương chận lại, nói: “Anh kể chưa giống mẹ tôi.”

Encho mất năm năm mới có thể kể được cho Sơn Cương nghe câu  chuyện truyền kỳ giống như mẹ của Sơn Cương kể.

Sơn Cương đã truyền Thiền cho Encho bằng cách này.

                           (Thiền Cốt Thiền Nhục)

108.  LÁ THƯ GỬI NGƯỜI HẤP HỐI

Thiền sư Bạt Tụy (Bassui) viết lá thư sau đây gửi đến một trong những đệ tử  của sư sắp chết:

“Yếu tánh của tâm ông không sinh, vì vậy nó sẽ không chết. Nó không hiện hữu cũng không biến mất. Nó chẳng phải là hư không. Nó không có sắc cũng không có hình. Nó không hưởng thụ khoái lạc cũng không chịu đựng đau khổ.

Tôi biết ông bị bịnh nặng. Ông đang đối diện trọn vẹn với chứng bệnh như một Thiền sinh giỏi. Có thể ông không biết chắc ai là kẻ đang đau khổ, nhưng hãy tự hỏi: Yếu tánh của tâm này là gì. Chỉ nghĩ đến điều này thôi. Rồi ông sẽ không cần gì nữa. Đừng ham muốn gì cả. Chung cuộc của ông thì vô cùng, giống như tuyết tan trong không khí trong lành.”

                               (Thiền Cốt Thiền Nhục)  

109.  LỜI DẠY TỐI HẬU

Ngày xưa ở Nhật người ta dùng lồng đèn làm bằng sườn tre phất giấy, bên trong đốt đèn cầy. Một đêm nọ, một người mù đến thăm bạn, khi ra về người bạn đưa cho anh ta một cái lồng đèn để đi đường.

Người mù nói: “Tôi không cần lồng đèn đâu. Đối với tôi tối với sáng cũng như nhau.”

Người bạn đáp: “Tôi biết anh không cần lồng đèn để thấy đường, nhưng nếu anh không có một cái, người khác có thể chạy tông vào anh. Vì vậy anh phải cầm nó.”

Người mù ra đi với cái lồng đèn trong tay và đi chưa được bao xa bỗng có người chạy đâm sầm vào anh ta.

“Coi kìa, anh đi đâu vậy!” anh mù kêu lên với người lạ. “Anh không trông thấy lồng đèn của tôi sao?”

“Đèn cầy của anh tắt queo rồi anh ơi,” người lạ đáp.

      (Thiền Cốt Thiền Nhục)

110.  KHÔNG RÀNG BUỘC

Kitano Gempo là trụ trì chùa Vĩnh Bình. Sư qua đời lúc chín mươi hai tuổi vào năm 1933.  Cả đời, sư không muốn bị ràng buộc vào bất cứ điều gì. Năm hai mươi tuổi, là một khất sĩ hành cước, sư bỗng gặp một lữ khách hút thuốc lá. Khi họ cùng nhau thả bộ xuống một con đường núi, họ dừng lại nghỉ dưới một gốc cây. Lữ khách mời sư hút thuốc. Sư nhận lời vì lúc ấy đói quá.

“Thuốc này hút thích lắm,” sư phê bình. Lữ khách tặng sư một ống điếu và một ít thuốc lá, rồi họ chia tay.

Kitano cảm nghĩ: “Những vật thích thú như thế này có thể quấy rầy sự thiền định. Trước khi đi quá xa, mình phải dừng lại ngay bây giờ.” Vì vậy sư liệng thuốc và ông điếu đi.

Năm hăm ba tuổi, sư nghiên cứu Kinh Dịch, học thuyết sâu xa nhất về vũ trụ. Lúc đó trời mùa đông, sư cần một ít quần áo dày. Sư viết thư cho thầy, cách xa hàng trăm dặm, nói những thứ mình cần, và nhờ một lữ khách đưa hộ thư. Hầu như mùa đông đã gần hết mà quần áo cũng như thư trả lời đều chẳng thấy. Vì vậy, sư nhờ vào sự tiên đoán của Kinh Dịch, vì kinh này cũng dạy nghệ thuật bói toán, để quyết đoán thư có bị lạc hay không. Sư thấy rằng thư đến nơi. Sau đó có thư của thầy sư đến nhưng không nhắc đến chuyện quần áo.

Kitano cảm thấy: “Nếu cứ xem quẻ quyết đoán như thế này với Kinh Dịch, ta có thể chểnh mảng tọa thiền.” Vì thế sư bỏ giáo lý huyền diệu này và không bao giờ nhờ đến quyền năng của nó nữa.

Năm hăm tám tuổi, sư học thư pháp và thi ca Trung quốc. Sư trở thành rất điêu luyện trong các nghệ thuật này và thầy sư đã ca ngợi sư. Kitano ngẫm nghĩ: “Nếu bây giờ không dừng lại, ta sẽ thành thi sĩ chứ chẳng phải Thiền sư.” Vì thế, sư không bao giờ làm thơ nữa.

                               (Thiền Cốt Thiền Nhục)

111.  DẤM CỦA TOSUI

Tosui là Thiền sư từ bỏ hình thức chùa chiền để sống dưới gầm cầu với những người ăn mày. Khi sư quá già, một người bạn giúp sư cách kiếm sống mà không phải đi xin ăn. Ông ta chỉ Tosui cách ủ gạo làm dấm, sư đã làm nghề này cho đến khi qua đời.

Khi Tosui làm dấm, một trong những người ăn mày tặng sư một bức tranh Phật. Tosui treo bức tranh lên vách lều và gắn một tấm biển bên cạnh.

Trên tấm biển, sư viết: “Này ông Phật A-di-đà, Căn phòng nhỏ này chật hẹp lắm. Tôi chỉ có thể để ông ở đây nhất thời. Nhưng đừng nghĩ rằng tôi đang cầu  ông giúp tôi tái sinh ở cõi Tây Phương Cực Lạc của ông đấy nhé.”

                               (Thiền Cốt Thiền Nhục)

112.  NGÔI CHÙA IM LẶNG

Thánh Nhất (Shoichi) là Thiền sư chột mắt rạng ngời giác ngộ. Sư dạy đệ tử ở chùa Đông Phước.

Ngôi chùa cả ngày lẫn đêm chìm trong im lặng. Hoàn toàn không một tiếng động.

Ngay cả việc tụng kinh cũng bị sư bãi bỏ. Các đệ tử của sư không làm gì cả ngoại trừ thiền định.

Một hôm bà lão hàng xóm nghe tiếng chuông rung và tiếng tụng kinh. Lúc ấy bà biết Thánh Nhất đã qua đời.

                               (Thiền Cốt Thiền Nhục)

13. THIỀN CỬA PHẬT

Phật nói: “Ta xem địa vị của vua chúa và các nhà cai trị như vi trần. Tôi nhìn kho tàng châu báu như gạch sỏi. Ta xem áo lụa đẹp nhất như giẻ rách. Ta thấy vô số thế giới trong vũ trụ như hạt nhỏ của trái cây, những ao hồ lớn nhất ở Ấn độ như giọt dầu nhỏ trên bàn chân tôi. Ta biết các giáo lý thế gian là trò ảo hóa của các nhà ảo thuật. Ta thấy rõ quan niệm cao cả nhất về sự giải thoát như gấm vàng trong mộng, và xem thánh đạo của những kẻ giác ngộ như hoa đốm trước mắt người. Ta xem thiền định như  trụ cao trên núi, Niết bàn như ác mộng giữa ban ngày. Ta xem phán quyết đúng sai như  sự nhảy múa uốn éo của con rồng, sự hưng thịnh và suy vong của tín ngưỡng chỉ là dấu vết của bốn mùa để lại.”     

                         (Thiền Cốt Thiền Nhục)

114.  NIỆM PHẬT

Niệm Phật, cũng gọi là trì danh, là phép tu chính của các tông phái Tịnh độ Phật giáo.  Một trong những tác dụng chủ yếu của nó cũng tương tự như một công án Thiền, là làm cho tâm qui nhất và yên tĩnh để có thể thấy được bản tánh mình tức Phật A-di-đà.

Một thanh niên Nhật đã phê bình bà ngoại anh ta, người chuyên trì danh hiệu Phật A-di-đà, như vầy:

                         Sáng chiều niệm Phật trì danh,

                        Nam mô trộn lẫn cằn nhằn uổng công.

Bà lão nghe được liền đáp lại:

                         Sáng chiều niệm Phật trì danh,

                        Nam mô cho Phật, cằn nhằn cho con.

                                                      (Bước Đầu Đọc Thiền)

115.  CẢM ƠN LÒNG TỐT

Một hôm trên đường hành hương, ni cô Rengetsu đến một làng nọ vào lúc hoàng hôn nên xin dân làng cho ở tạm qua đêm, nhưng họ đóng sầm cửa lại. Cô phải trú dưới gốc một cây anh đào ngoài cánh đồng. Nửa đêm cô thức giấc và thấy, tựa như giữa bầu trời đêm xuân, hoa anh đào nở đầy cười với trăng mờ hơi sương.  Choáng ngợp với cái đẹp, cô đứng dậy hướng về phía làng bái tạ:

                        Nhờ họ hảo tâm không cho tạm trú,

                        Ta được ngắm hoa dưới ánh trăng mờ.

       (Bước Đầu Đọc Thiền)

116.  MÂY TRÊN TRỜI, NƯỚC TRONG BÌNH

Lý Cao là một học giả nổi tiếng, một hôm tham kiến Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiêm. Lúc ấy Dược Sơn đang bận đọc kinh, chẳng chú ý gì đến khách.  Lý Cao nóng nảy nói:

– Hừ, thấy mặt không bằng nghe danh.

Dược Sơn liền gọi:

– Lý tướng công! Sao lại trọng tai mà khinh mắt ?

Lý Cao vội vàng xin lỗi:

– Xin tha thứ cho tội vô lễ.

Rồi Lý Cao lại hỏi:

– Thế nào là đạo?

Sư lấy tay chỉ lên chỉ xuống rồi hỏi:

– Hiểu không?

Lý Cao không hiểu đáp:

– Dạ không.

 Dược Sơn nói:

– Mây ở trời xanh, nước trong bình.

Lý Cao hốt nhiên tỉnh ngộ.

Đạo chính là đám trên bầu trời xanh, là nước trong cái bình ấy; không phải là cái gì bất thường mà là cái vẻ rạng ngời tự nhiên của núi, sông và đồng bằng. Đây thật là Đạo bình thường và đơn giản.

                                                        (Bước Đầu Đọc Thiền)

117.  THẾ NÀO LÀ DIỆU PHÁP

Có người đến hỏi Mộng Song Quốc sư, Thiền sư sáng lập chùa Thiên Long ở huyện Saga, Nhật bản, “Thế nào gọi là diệu pháp?”  Nói cách khác, Phật pháp là gì? Quốc sư đáp, “Con cá ở trong nước mà không biết nước; con người ở trong diệu pháp mà không biết diệu pháp.”  Con cá sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, sống ở trong nước, nhưng vì quá gần gũi với nước nên không biết nước.  Ở đây có một điểm tế nhị.  Nếu con cá ra khỏi nước để nhìn nước và có thể kêu lên, “A ha! Đó là nước!” ắt nó sẽ chết.

                                                         (Bước Đầu Đọc Thiền)

118.  KHO BÁU TRONG NHÀ

Ngày xưa, khi Đại Châu Huệ Hải đến học Thiền với Đại sư Mã Tổ Đạo Nhất, Mã Tổ hỏi, “Ông từ đâu đến?” Huệ Hải đáp:

“Chùa Đại Vân ở Việt châu.”

“Ông đến đây tìm gì?”

“Con đến cầu Phật pháp. Con đến đây mong hòa thượng dạy con Phật pháp.”

“Ở đây một vật cũng chẳng có, ông cầu Phật pháp    gì?”

Mã Tổ bảo Huệ Hải rằng nếu sư bỏ qua kho báu trong nhà mình mà đi tìm nơi khác sẽ chẳng được gì cả. Huệ Hải hỏi:

 “Cái gì là kho báu trong nhà Huệ Hải?”

“Cái đang hỏi tôi đó là kho báu. Nó có đủ cả, chẳng thiếu thứ gì. Sao ông lại đi tìm nơi khác?”

Ngay câu nói này sư nhận ra bản tánh.

                                                        (Bước Đầu Đọc Thiền)

119.  NẾU BIẾT ĐÈN LÀ LỬA

Thiền sư Liễu Quán, mất năm 1743, là truyền nhân đời thứ 35 dòng Lâm Tế. Sư người tỉnh Sông Cầu, miền Trung Việt Nam.

Lúc trẻ, sư đi tham vấn khắp thiền lâm, chịu nhiều khó khăn khổ nhọc. Sư đến tham kiến hòa thượng Tử Dung ở Long Sơn. Tử Dung dạy sư tham công án, “Muôn pháp về một, một về chỗ nào?”

Sư ngày đêm tham cứu đến bảy tám năm mà chưa lãnh hội, trong lòng tự lấy làm hổ thẹn.

Một hôm nhơn đọc Truyền Đăng Lục đến câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ,” thoạt nhiên sư được tỏ ngộ. Nhưng sư ở xa Tử Dung nên không thể trình chỗ ngộ được.

Đến khi trở ra Long Sơn gặp Tử Dung, sư đem chỗ công phu của mình, mỗi mỗi trình bày, đoạn nói câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ.”

Tử Dung bảo:

– Bờ thẳm buông tay, tự nhận đảm đang.

   Chết rồi sống lại, dối ngươi chẳng được.

Sư liền vỗ tay cười hả hả.

Tử Dung nói:

– Chưa nhằm.

Sư nói:

– Trái cân vốn là sắt.

Tử Dung lại nói:
– Chưa nhằm.

Hôm sau, Tử Dung gọi sư đến bảo:

– Chuyện hôm qua chưa xong, nói lại xem!

Sư đáp:

– Nếu biết đèn là lửa, cơm chín đã lâu rồi.

Bây giờ Tử Dung mới chấp nhận và khen ngợi.

Trước khi tịch mấy ngày, sư ngồi vững vàng, tự cầm bút viết bài kệ từ biệt rằng:

Hơn bảy mươi năm ở cõi này,

Không không sắc sắc thảy dung thông.

Hôm nay nguyện mãn về quê cũ,

Nào phải bôn ba hỏi Tổ tông.

                                   (Thiền Sư Việt Nam)

120.  THẾ NÀO LÀ ĐẠO ?

Triệu Châu Tòng Thẩm là một Thiền sư sáng ngời của Trung quốc. Một hôm có ông tăng hỏi, “Thế nào là Đạo?” Triệu Châu liền đáp, “Ngoài hàng rào đó.”  Đạo ư?  Ồ vâng, kìa, nó đó! Ngoài hàng rào đó. Nhưng về phía ông tăng đó chẳng phải cái mà tôi đang hỏi, con đường nhỏ ngoài hàng rào.  Ông tăng nói, “Cái gì thế, con muốn nói Đại Đạo kià.”  Ông ta muốn nói Đại Đạo của vũ trụ.

Bây giờ Triệu Châu nói: “Đại đạo đến Trường an.”

Đại đạo ư? Nếu là đại đạo mà ông muốn nói, đó là con đường dẫn đến kinh đô Trường an. Đây sẽ là xa lộ chính và trong thời hiện đại này chúng ta có thể đi đến kinh đô bằng tàu suốt. Đại đạo đến Trường an, đó là câu trả lời của sư .

(Bước Đầu Đọc Thiền)

(Còn tiếp)

Đỗ Đình Đồng Góp Nhặt 

DẠO BƯỚC VƯỜN THIỀN
(333 Câu Chuyện Thiền)
tức GÓP NHẶT CÁT ĐÁ
Hiệu Đính và Bổ Sung