Ngày xưa một vị Bà-la-môn ở Ấn Độ sinh hạ được một cậu con trai tuấn tú đoan chính, được cha mẹ hết mực cưng chìu. Từ nhỏ cậu bé đã thông minh lạ thường, hoàn toàn không giống với những đứa trẻ khác. Cậu đã trải qua quãng đời thơ ấu sung sướng hạnh phúc trong nhung lụa, không chút ưu phiền.
Thường thường con người hay bị dục lạc mê hoặc, khi sống một cuộc sống sung sướng thì không thể nào nghĩ đến mặt trái đau khổ của cuộc đời, chỉ có bậc siêu nhân mới không bị đọa lạc mà thôi. Thì chính đứa bé con nhà Bà-la-môn ấy có được trí huệ của một vị cao nhân, tuy lớn lên trong hoàn cảnh giàu có, nhưng cũng hiểu rõ thế nào là đau khổ, là tội ác của nhân sinh. Vì thế khi cậu thành niên, bèn từ biệt cha mẹ xuất gia làm tỳ-kheo.
Một hôm trên đường giáo hóa về, trong một khu rừng cành lá che khuất, thầy gặp một đoàn người buôn trên đường ra nước ngoài để làm ăn buôn bán. Lúc ấy trời đã chạng vạng tối, mặt trời đã vội lặn về tây, đoàn người buôn bèn đóng trại để qua đêm tại đấy. Vị tỳ-kheo nọ nhìn thấy những cỗ xe lớn nhỏ của họ nhưng không nói lời nào, chỉ chậm rãi đi bộ qua lại ở gần doanh trại mà thôi.
Lúc ấy, từ đầu phía kia của khu rừng rậm, có một lũ cướp kéo đến rất đông. Chúng nghe ngóng biết được có đoàn thương gia sẽ đi ngang chỗ này, nên tính lợi dụng ban đêm để ùa vào cướp bóc tài sản của họ. Nhưng khi chúng đến sát gần doanh trại nơi các thương gia đang ngủ, thì lại thấy có người quanh quẩn dạo chơi ở bên ngoài lều. Những tên cướp sợ đoàn thương gia này có đề phòng, nên nghĩ phải chờ mọi người ngủ say hết mới dễ động thủ.
Nhưng bóng người ở ngoài đi qua đi lại ấy suốt đêm không hề vào lều nghỉ ngơi. Trời đã từ từ sáng, bọn giặc cướp không làm sao tìm được một lúc sơ hở để ập vào doanh trại cướp bóc, bèn tức giận to tiếng chửi rủa rồi kéo nhau đi. Đúng lúc ấy, bọn người buôn trong trại vừa ngủ dậy, thình lình nghe tiếng ồn ào ở bên ngoài thì vội vàng chạy ra xem, chỉ thấy một bọn cướp núi rất đông tay cầm chùy sắt, gậy gỗ, đang hướng về núi mà chạy đi. Phía ngoài trại chỉ duy nhất có một vị xuất gia, bọn người đi buôn khiếp đảm chạy đến hỏi:
– Đại sư! Ngài có thấy bọn cướp núi không?
– Có chứ! Tôi thấy họ ngay từ đầu.
Vị tỳ-kheo trả lời.
– Đại sư, đoàn người buôn lại hỏi, bọn chúng đông như thế, ngài không sợ hay sao? Ngài đơn độc chỉ có một mình, làm sao có thể địch nổi chúng nó?
Vị tỳ-kheo chẳng lộ vẻ chút gì sợ hãi hay lo lắng, điềm tĩnh trả lời:
– Người có tiền thấy giặc cướp mới lộ vẻ sợ hãi. Tôi chỉ là một người xuất gia, trong thân không có lấy một đồng thì tôi sợ cái gì? Cái mà bọn cướp muốn là tiền tài và bảo vật, tôi không có một vật gì gọi là đáng giá, thì dẫu có ở rừng sâu hay núi thẳm cũng không hề có tâm sợ hãi.
Những lời nói của vị tỳ-kheo khiến những người đi buôn ấy rất cảm động, nghĩ rằng mọi người sẵn sàng xả mệnh để đổi lấy những vật không thật như kim tiền, còn đời sống bình an, thật sự tự do tự tại thì không ai màng đến.
Vì thế họ bèn phát tâm xuất gia tu hành với vị tỳ-kheo. Từ đó, họ thể nhập được ý nghĩa khổ, không của thế gian này, và thấy rằng tiền tài vô thường mà họ mang trong thân là nguyên nhân của biết bao phiền lụy!
Trích Truyện Cổ Phật Giáo – Diệu Hạnh Giao Trinh dịch