Chúng ta nghiên cứu xuyên suốt tư tưởng Phật học nhận thức được rằng, có hai pháp môn cần phải tham cứu trước. Một là “Luật Tông” là căn bản nhất của tất cả các pháp môn. Các tông phái Phật học rất nhiều do giới luật mà tồn tại. Khi Đức Phật sắp nhập diệt, đã từng phó chúc cho A Nan rằng: “Sau khi Thế Tôn nhập diệt, các thầy hãy lấy giới luật làm thầy, nương vào giới luật mà tu hành để được giải thoát giác ngộ”. Đây là vấn đề Phật học thường đề cập, đó là điều chắc thật không cần biện giải nhiều lời. Hai là “Duy Thức”, thông đạt tất cả nguyên lý các pháp. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tâm như người thợ vẽ, họa tất cả pháp trong thế gian”. Nếu không thông đạt nghĩa lý vạn pháp Duy Thức thì không nhận thức thấu đạt nguyên nhân diễn biến rộng lớn bao la của vạn pháp. Thứ ba “Tịnh độ”, là chỗ quy của các pháp. Đức Phật một đời thuyết giáo, từ Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, liên hệ trong năm thời thuyết giáo, trừ thời A Hàm thuyết giảng chuyên về căn cơ hàng Nhị thừa ban đầu, bốn thời kia là chủ trương hồi quy Tịnh độ. Long Thọ, Mã Minh, Thế Thân, các bậc Bồ tát cho đến các tổ sư Tịnh độ như: Huệ Viễn, Thiện Đạo, Liên Trì đều tuyên dương giáo nghĩa thù thắng của Pháp môn Tịnh độ. Như thế giáo lý Tịnh độ có gì là thù thắng mà ngàn kinh vạn luận và các bậc thánh hiền xưa này nỗ lực hoằng truyền? Ở đây cần phải lược thuyết ý nghĩa giáo lý Duy Thức mà tham cứu sâu hơn quan hệ Duy thức và Tịnh độ.
1- Học thuyết tự tánh Di Đà Duy Tâm Tịnh Độ
Thường nghe “Ngoài tâm không có pháp, Ngoài pháp không có tâm”, trong Kinh A Di Đà có dạy: “Từ đây qua đến mười vạn ức Phật độ về hướng tây, có một thế giới gọi là Cực lạc, cõi nước đó có Phật hiệu A Di Đà hiện nay đang thuyết Pháp”. Chúng ta tụng đến đoạn kinh này, không sao tránh khỏi điểm nghi ngờ như thế này: Vậy thì chẳng phải ngoài tâm có pháp hay sao? Nên biết mười pháp giới không ngoài tâm này, đều là : “Duy tâm sở hiện” và “Duy thức sở biến”(Do tâm mà hiện hữu và do tâm thức biến hiện), Cực Lạc vẫn là Cực lạc trong tâm, Tịnh độ vẫn là Tịnh độ trong tâm, ngay tâm niệm hiện tiền của chúng ta thật không ngoài tâm.
Cái gọi là “Duy Thức”, thế gian vạn sự vạn vật, chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức đều là do thức mà tồn tại. Ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm, đó là ý nghĩa then chốt. Muốn hiểu rõ lý này thì tự mình tham cứu kinh luận, ở đây y cứ vào giáo lý Duy thức để lược giải vấn đề. Khi thức phát sanh tác dụng thì có hai yếu tố: Một là năng liễu biệt căn và sở liễu biệt cảnh. Căn có sáu căn, trần có sáu trần, căn trần giao đối phát sanh sáu thức, như vậy hợp thành 18 giới. Mỗi giới có chủng tử của chính nó, có thể thâu nhiếp tất cả pháp, chủng tử của tất cả pháp đều hàm chứa trong thức thứ tám, thức thứ tám biến hiện thân căn, khí giới và chủng tử. Do đây mà có thể nhận thức được sơn hà đại địa, nhân ngã sai biệt chính là “Tự biến tự duyên” (Từ tâm biến hiện và làm duyên cho nhau mà phát hiện), đó gọi là: “Duy thức sở hiện” (Do thức mà hiện hữu) mà thôi.
Trong Kinh A Di Đà có nói: “Thiên nhạc”(Nhạc trời), “Huỳnh kim vi địa”( Đất bằng Vàng), “Vũ thiện mạn đà la hoa”(Trời mưa rơi hoa mạn đà la) và “Phạn thực kinh hành”(Ăn cơm và đi kinh hành), đây chính là cảnh thù thắng của sáu trần làm yếu tố thọ dụng của sáu căn của chúng sanh, cho nên có cảnh trang nghiêm của chánh báo và y báo trong cõi Cực lạc, là do nhân thanh tịnh mà đắc được quả thanh tịnh. Nếu từ nhân ô nhiễm duyên trong ba cõi, gọi là chiêu cảm quả báo xấu. Ở đây chính là pháp âm tuyên dương trong kinh A Di Đà, đồng nhất toàn bộ pháp giới quy hướng “Vạn pháp duy thức” vậy.
2- Tịnh độ và tịnh nghiệp
Như tiết trước đã luận bàn, chủng tử của mười tám giới đều hợp chứa trong thức thứ tám, “Chủng tử” là ấn tượng lưu lại trong tâm đến khi phát sanh tác dụng của thức, xuất hiện và phát hành, gọi là “Hiện hành”. Các chủng tử và hiện hữu có công năng hỗ tương huân tập. Huân tập tại trong duy thức, chiếm địa vị quan trọng. Cái gọi là “Nghiệp lực”, tức là do khả năng huân tập mà thành. Luân hồi lang thang trong ba cõi sáu đường đều do chủng tử tạp nhiễm huân tập dẫn dắt vào đó. Phàm có tâm thì có niệm, mỗi niệm khởi lên đều thành một chủng tử, tất cả các niệm không ngoài mười giới, cho đến mười pháp giới không ngoài tâm niệm. Mười pháp giới rõ ràng là do tâm niệm tạo thành. Ở đây thì rõ tất cả các pháp môn lấy minh tâm làm cương yếu, tất cả các pháp môn tu hành lấy tịnh tâm làm chủ yếu.
Nhưng vấn đề cốt yếu khiến được tâm thanh tịnh không gì tiện lợi hơn pháp niệm Phật. Tâm năng chuyển nghiệp và tâm cũng có khả năng tạo nghiệp, tâm cùng đạo hợp, Phật hợp, tức năng chuyển nghiệp. Siêu xuất tam giới, đới nghiệp vãng sanh là đặc điểm thù thắng nhất của pháp môn Tịnh độ. Tất cả các pháp môn khác đều vượt ra ba cõi đều nương vào tự lực, chỉ có duy nhất pháp môn niệm Phật, nương nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà mà vượt thoát ba cõi. (Vật tuy nhỏ nhẹ rời thuyền bị chìm, đá lớn tuy nặng nhờ thuyền được nổi và qua sông, ẩn dụ rằng: Nghiệp mê hoặc tuy nhẹ mà không nhờ Phật độ thì khó thoát luân hồi, Nghiệp mê hoặc tuy nặng nhưng được Phật tiếp độ vãng sanh dễ thoát khỏi luân hồi). Tịnh độ tức nương nhờ chiếc thuyền nguyện lực lớn của Phật A Di Đà mà vượt qua bờ kia. Vì cớ sao mà tán thán Tịnh độ của Phật Di Đà? Phật thuyết trong Kinh Quán Đảnh nói cảnh giới đó rất phước lạc, lòng từ bi của Phật muốn chúng sanh đưa tâm ý về một cõi để khỏi phân tán, khiến tất cả đều sớm thành tựu. Thế Tôn dạy trong các kinh cũng thuyết đến các cõi tịnh độ khác, nhưng duy nhất Tịnh độ của Phật Di Đà được giới thiệu tường tận nhất, quán tâm sâu sắc thì tự nhận biết.
3- Toàn vọng là chân và Toàn chân là vọng
Toàn vọng là chân là vũ trụ vạn hữu đều biến hiện của Duy thức. Biến có năng và sở, tổng cộng phân thành bốn, tức là tướng phần, kiến phần, tự chứng phần và chứng tự chứng phần. Kiến phần sanh vọng kiến, tướng phần thuộc vọng tướng đều nương vào tự thể tự chứng phần mà sanh khởi, tự chứng phần là thể vọng (ví như sóng) nương vào chứng tự chứng phần sanh khởi (ví như nước), năng và sở đều hợp nhất, tâm và Phật đồng nhất thể, toàn vọng tức là chân vậy. Ở đây phá trừ tướng hư vọng quy về nhất tâm, đó là cốt yếu của sự dung hợp tánh tướng.
“Toàn sự là lý”, ví như lấy vàng làm các vật thì các vật ấy đều bằng vàng, vàng và vật không thể phân, tánh tướng vốn là dung hợp. Sự y vào lý mà thành, sự không ngại lý, các vật đều là vàng thật, đây là toàn sự là lý vậy. Đồng lý ấy, tâm năng niệm sanh vạn vật.
Thế nào gọi là “Sự trì”?, đó là chấp trì danh hiệu Phật, thâm tín phương tây thật có Tịnh độ cực lạc không ngoài tâm tánh. Tâm và Phật vốn chẳng phải là hai, tâm này làm Phật, Phật (Bản thể) vốn trong sự (Hiện tượng), tâm này là Phật. Phật là (Lý cụ) bản thể. Lý cụ(Bản thể) và Sự tạo (Hiện tương) đều không ngoài một niệm tâm tánh của chúng ta. Nếu chưa chứng đắc cảnh giới này thì không thể thấu đạt Phật bên ngoài là tại tâm chính mình, tự tâm chính là Phật. Nhưng từ tin sâu lời Phật, khởi năng lực Nguyện và Hành, lấy tâm (năng niệm) buộc vào đối tượng Phật (sở niệm), niệm niệm không gián đoạn, trì niệm đến công hạnh thuần thục, như nước trở về sông rạch, trái dưa chín rụng về gốc, niệm Phật đạt tận cùng của kết quả ví như thế, gọi là sự nhất tâm bất loạn.
Thế nào “Lý trì”? Lý tánh của tông Tịnh độ , lý không ngại sự, hết thảy sự trì mà đạt lý, gọi là lý trì. Liễu đạt Phật A Di Đà là đầy đủ trong tâm ta, tâm chúng ta tạo, tâm cảnh không đối nghịch, tâm cảnh hợp nhất thâm thiết, nhất như, năng sở đều không còn, toàn bộ chỉ là cảnh giới rốt ráo thanh tịnh. Lý trì là thống nhiếp lý niệm Phật, còn gọi là xứng tánh niệm Phật. Chủ thể là tâm niệm huyền diệu không mê mờ, niệm đối tượng Phật rõ biết hoàn toàn, niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm, không thành hai niệm, chỉ tại nhất tâm. Như vậy thì ngộ ”Toàn Phật là tâm, toàn tâm là Phật. Tâm và Phật nhất như, vốn không hai tướng”. Cảnh giới này gọi là lý nhất tâm bất loạn. Phần sự trì và lý trì như trên đã luận giải xong.
4- Quả dị thục và thắng duyên tiên thục (Điều kiện thành kết quả trước)
Dị thục thức quả, là tướng kết quả của A lại da thức. Dị thục phân làm ba: Dị thời nhi thục, biến dị nhi thục và dị loại nhi thục. Dị thục, là sự tạo tác của chúng sanh, thiện ác là nhân sẽ chiêu cảm quả báo trong ba cõi sáu đường. Duyên khởi mười pháp giới, chính là được kiến lập trên điều kiện nhân quả này. Mười pháp giới này đều do chúng sanh khởi tâm động niệm, tạo nhân nào thì chiêu cảm quả báo ấy. Nghĩa ấy được diễn đạt: “Nên quán đặc tánh của pháp giới, tất cả đều do tâm tạo”. Tâm làm chủ, ngoại cảnh làm duyên, nhân duyên hòa hợp, tạo các nghiệp ác. Mà nghiệp có thể phân thành hai phạm phi, một là định nghiệp, hai là bất định nghiệp; do tâm tạo nghiệp mà có, cho nên tất cả cảnh giới hiện tiền đều do nghiệp mà chiêu cảm thành. Nhưng hai loại, định nghiệp và bất định nghiệp chẳng phải là tuyệt đối, chẳng phải là không thể chuyển biến. Trong đó có hai trường hợp: “Định nhi bất định” (Nói cố định mà cũng không cố định), “Bất định nhi định” (Nói không cố định mà cố định). Then chốt của ý nghĩa “Định” và “Bất định” tạ trong “Tâm và Phật hợp nhất” , hoặc là không hợp?. Nếu chúng ta phát tâm niệm Phật, cầu sanh cực lạc, chuyên trì danh hiệu Phật, niệm niệm tương tục, tâm và Phật hòa hợp một thể, tận cùng sự hợp nhất ấy thì tâm có thể chuyển nghiệp. Ở đây, lấy việc niệm Phật đạt được sự thù thắng của sự chuyển nghiệp. Như vậy pháp môn niệm Phật có dễ dàng không? Bình thường cần tu niệm thành phiến (tâm an định) khắc phục sự mê hoặc, chỉ là sự bắt đầu chuyển nghiệp. Nếu tâm còn tán loạn phiêu bồng, ngày tháng an nhàn, công phu chưa thành thục, lại còn mê hoặc xem thường ý nghĩa “Vãng sanh” thì thật đáng tiếc.
Y cứ vào lý của dị thục quả mà nói: “Duyên thắng giả tiên thục”. Gióng như người chỉ trong vòng một tháng mà muốn ngắm hoa mẫu đơn, nhưng mà cây mẫu đơn ba tháng mới bắt đầu nở hoa. Nếu như đưa cây hoa vào trong phòng ấm và chăm sóc chu đáo, nhờ hơi ấm đầy đủ nên cây mẫu đan có thể trong một tháng nở hoa. Trường hợp này trong dị thục quả gọi đó là “Duyên thắng giả tiên thục”. Nay nói vãng sanh tịnh độ cũng lại như thế; nếu như tùy thuộc mệnh vận, trôi theo giòng sanh tử, luân hồi trong ba cõi sáu đường sẽ không biết bao giờ mới chấm dứt. Tâm này là bị nghiệp trói buộc mới gọi là “Định nghiệp”, mượn năng lực trong một niệm chuyển nhiễm thành tịnh, niệm niệm chuyển nhiễm thành tịnh, có thể tạm nén phiền não hiện tại, nhờ vào năng lực nguyện lớn của Phật A Di Đà vãng sanh Cựu lạc.
Tâm này chuyển nghiệp, gọi là “Định mà không định” vậy. Chúng ta niệm Phật, không luận là định tâm niệm hay tán tâm niệm, nếu đạt lý trì và sự trì, tức là hóa uế độ của cõi Ta bà thành cảnh hoa sen tại Cực lạc. Thực ra không đợi lúc lâm chung mới cầu sanh Cực lạc, điều quan trọng nhất là nhất niệm trong giờ phút lâm chung. Lúc lâm chung, niệm lực rất mạnh, một khi quả báo chín muồi, nghiệp lực dẫn dắt thì phải chịu tái sanh luân hồi. Giống như, so sánh kết quả nghiệp sau cùng đến tranh giành, chính lúc lâm chung mới trắc nghiệm được. nếu thăng thì thăng, nếu đoạ thì phải đoạ, muôi quân ngàn ngày chỉ tranh thắng bại trong một thời. Đến lúc sắp từ trần, muôn ngàn nghiệp thiện ác xuất hiện cùng một lúc, ngay đời này đã gieo trồng nghiệp thiện ác, nhiễm tịnh ảnh hưởng trọng yếu trong giờ lâm chung. Nếu trì danh hiệu Phật liên tục thì “Tâm không điên đảo”, không bị cảnh thiện ác dẫn dắt, thì chỉ trong thời khắc gảy móng tay, vãng sanh cảnh Tịnh độ. Đó chính là thời khắc “Duyên thắng giả tiên thục” vậy. Sự kiện lâm chung liên quan sự an nguy muôn kiếp, vậy sao không biết sợ hải mà sớm cảnh tỉnh hay sao? Chúng ta thường ngày trì danh niệm Phật thuần thục, lâm chung mới có thể tránh đi sự hối hận đau đớn như cảnh con cua rơi vào nước sôi. Nếu như được may mắn đạt “Nhất tâm bất loạn” đến giờ phút lâm chung chính là sự thành tựu lý tưởng nhất!
(Thường Sám, Thích Đức Trí chuyển ngữ)