Thực Tập Tự Độ Và Độ Tha

Thực Tập Tự Độ Và Độ Tha

Gia Tài Của Người Tỉnh Thức

Đức Phật Để Lại Gia Tài

Sau khi thành đạo, đức Phật đến Lộc Uyển và bắt đầu chuyển pháp luân và người được nghe giáo pháp đầu tiên chính là năm anh em ông Kiều Trần Như. Phật nói về con đường Trung đạo, về Tám con đường chân chính, về Bốn sự thật vi diệu. Tiếp theo, Phật dạy về kinh Vô ngã tướng cũng như các kinh khác cho các vị xuất gia, hình thành tăng đoàn, thu nhận đệ tử và hoằng bá chánh pháp khắp nơi. Gia tài của Phật không phải là cung vàng điện ngọc hay những kiến thức của thế gian mà là cái thấy về sự thật, về con đường chấm dứt khổ đau, về hạnh phúc đích thực trong đời sống hiện tại và tương lai. Phật là người đã giác ngộ hoàn toàn, những kinh nghiệm tu học và tuệ giác của Phật chính là gia tài để lại cho con cháu về sau. Dù đánh đổi cả núi châu báu Tu Di cũng không thể nào tiếp cận và thực chứng được gia tài của Phật nếu bản thân không có sự hành trì và tinh tấn. Điều chú ý là Phật không có ích kỷ với gia tài của mình, bao nhiêu châu báu trong gia tài, bao nhiêu tinh hoa của tuệ giác, Phật san sẻ hết cho chúng sinh không mệt mỏi, thậm chí đến cuối đời, Phật vẫn tiếp tục làm công việc của một người đã tỉnh thức, độ cho người chưa kịp tỉnh thức. Ân đức này không thể nào kể siết. Đó là sự cứu mạng, thế gian gọi là cứu nhân độ thế, người tu gọi là vượt thoát tử sinh.

Sau nhiều năm tu khổ hạnh và nhiều ngày thiền tập, Phật chứng ngộ Niết Bàn và bản thân của Phật là người làm điều đó. Từ một người hoàn toàn bình thường, tu tập và thành Phật, Phật minh chứng cho mọi người thấy bất cứ ai cũng có thể thành Phật, tức là có thể giác ngộ. Phật nói, Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành. Câu này cũng minh chứng, tự tu thì tự ngộ, không có sự tu dùm và không có cái gọi là nương tựa vào năng lượng tu của người khác để giúp mình thành Phật. Phật không phải là đấng toàn năng vì Phật vẫn phải chịu nhân quả nghiệp báo trong tiền kiếp. Mình chính là đấng toàn năng của chính mình. Nếu mình biết tu, mình sẽ có an lạc, đến lúc nào đó mình thành Phật. Nếu mình không biết tu, mình sẽ không có an lạc, đến lúc nào đó, con đường thành Phật sẽ xa rời. Gia tài của Phật đã có sẵn, mình hưởng hoài không hết, vấn đề là mình có biết dấn thân, có biết buông bỏ, có biết thực tập hay không. Phật phải tu rất nhiều kiếp, có thể nói là hằng hà sa số kiếp để tạo thuận duyên cho kiếp chót và tu thành đạo. Các đệ tử của Phật cũng vậy, bao nhiêu kiếp hun đúc phước đức và tu tập để có thuận duyên ra đời gặp Phật, được sự giáo hóa của Phật. Là Phật tử, hay con Phật, mình phải là đứa con có hiếu, muốn vậy, mình sử dụng gia tài của Phật một cách đúng đắn, mang lại cho mình chất liệu của sự hành trì và chất liệu của sự giải thoát. Phật đã tự độ Phật thì mình phải tự độ mình. Không ai ăn cơm dùm mình mà mình no cả. Cũng vậy, không ai tu cho mình mà mình giải thoát cả. Mình muốn giải thoát như Phật, như các đệ tử Phật, như các tổ qua các thời đại, mình phải tu, phải tự độ mình thôi. Phật đã tự độ Phật qua nhiều kiếp sống trầm luân, đến kiếp cuối cùng, trí tuệ bừng dậy, là kết quả của những tháng ngày tự độ.

Khi Phật trao truyền gia tài, mình hãy quỳ xuống tiếp nhận và hãy hứa gìn giữ. Khi ba mẹ qua đời, để gia tài cho con cái. Đứa được cái nhà, đứa được chiếc xe, đứa được số tiền trong ngân hàng. Gìn giữ gia tài của ba mẹ là từ cái tài sản đó mà phát triển thành cái tài sản lớn hơn. Hiểu như vậy chưa có đúng lắm với đạo làm con. Con là sự tiếp nối của ba mẹ. Gia tài ba mẹ chính là con, không phải cái nhà, chiếc xe hay số tiền trong tài khoản. Khi còn sống, ba mẹ có những hạnh phúc và những khổ đau và đi vào trong đứa con bằng những hạnh phúc lẫn khổ đau. Gia tài của ba mẹ là hạnh phúc, nếu con biết gìn giữ, con sẽ phát huy và biết cách duy trì hạnh phúc. Gia tài của ba mẹ là khổ đau, nếu con biết gìn giữ, con sẽ tìm cách chuyển hóa khổ đau, giúp cho khổ đau có chất liệu của hạnh phúc. Ba mẹ dù ở đâu nhìn thấy con mình hạnh phúc, biết mình đã để lại gia tài đúng đắn. Ở đây, gia tài của Phật không chỉ đơn thuần là các bài kinh, các phương tiện, các pháp môn hay hình ảnh của Phật, mà gia tài của Phật chính là mình, mình là Phật tử, là con Phật, là sự tiếp nối của Phật. Kinh điển, phương tiện hay pháp môn giống như cái nhà, chiếc xe hay số tiền trong tài khoản. Nếu sử dụng không đúng đắn hay không hành trì theo, thì các thứ này cũng vậy thôi, không giúp ích cho mình đi trên con đường giải thoát. Mình có Phật tính và Phật tính là gia tài Phật phát hiện và để lại. Nếu mình tu, mình làm cho Phật tính trong mình được duy trì, phát triển và bền vững, đến lúc mạnh mẽ mình sẽ giác ngộ. Mình hãy đem tâm tu ra mà trả hiếu cho Phật. Giữ gìn gia tài của Phật là biết giữ giới, biết thiền tập, biết phát khởi tuệ giác, biết hành trì giáo pháp như Phật và tất cả chư Phật hành trì.

Tự Thắp Đuốc Lên Mà Đi – Tự Độ

Đức Phật đã từng dạy các đệ tử hãy nên nương tựa chính mình, hãy nên tự thắp đuốc lên mà đi, “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác.” (5) Đây là một kinh nghiệm thực tiễn do chính Phật trải qua, không phải lý thuyết suông hay những lời dạy mang tính chất hoa mỹ. Mình thường có xu hướng nương tựa những điều kiện ở bên ngoài, như điều kiện về vật chất hay điều kiện về tinh thần. Điều kiện vật chất như một ngôi chùa, một quyển kinh hay một cái chuông. Điều kiện tinh thần như một tăng thân, một bài pháp thoại hay một bản thiền ca. Ngôi chùa có thể tàn hoại, quyển kinh có thể tam sao thất bản, cái chuông có thể tan rã nên khi tu tập, không nên dựa vào các điều kiện vật chất như vậy. Tăng thân có thể tan rã, bài pháp thoại có thể không còn nữa hay bản thiền ca không được hát lại nên khi tu tập, không nên dựa vào các điều kiện tinh thần như vậy. Vật chất rồi sẽ tan, tinh thần rồi sẽ hoại nên không thể nương tựa vào cái rồi sẽ tan và hoại. Chỉ có chánh pháp là sự thật không thể đổi dời, không bị tan cũng không bị hoại. Nương tựa vào điều không thể đổi dời, vào chân lý đích thực thì mình sẽ không còn sợ hãi. Chánh pháp là ngọn đèn hay ngọn đuốc soi sáng thế gian, có mặt sẵn cho thế gian từ lâu, vấn đề là mình sử dụng cái đèn này như thế nào. Chánh pháp sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có ai hành trì, như ngọn đuốc sẽ trở nên vô dụng nếu không ai dùng sức lực mà thắp nó lên. Thắp ngọn đèn là hành trì chánh pháp. Tự mình hành trì chánh pháp là tự mình thắp đuốc lên mà đi.

Nói như vậy để đập tan bất kỳ ảo tưởng nào về sự cầu xin từ đức Phật cho việc giải thoát hay sự ban phước. Đây là minh chứng cho luật nhân quả, việc mình làm mình chịu, tự rước thảm họa vào thân hay tự rước lợi lạc vào thân. Muốn giải thoát, phải tu con đường giải thoát. Trồng một hột mít, mình chăm sóc, tưới cây, bón phân, đến lúc nào đó mình sẽ có cây mít và gặt hái trái mít. Khu vực nóng nực, mình trồng cây, đến lúc nào đó sẽ có khu vườn, không khí trở nên mát mẻ hơn. Mình không phải loại người ngồi chờ sung rụng mà có chờ cách mấy cũng không thấy trái sung nào rụng. Có người ngồi chờ đến khi đức Phật Di Lặc ra đời thì tu luôn. Làm sao chắc chứ. Có chắc lúc nào đức Phật Di Lặc sẽ ra đời, và có chắc là ngài sẽ ra đời ở địa cầu này không. Khi tu, mình hay hẹn lắm, còn nhỏ thì hẹn lớn tu, lớn rồi thì mình hẹn già rảnh rồi tu. Đến già thì sức yếu, một câu niệm Phật cũng không nổi. Lại nữa, sáng thì mình hẹn chiều, chiều mình hẹn tối, tối mình hẹn ngày mai. Riết rồi tu không được, mình để cho sự sống trôi qua, thời gian trôi qua, lúc khổ đau tới, lúc cái nghiệp xấu đến hồi phải trả, mình đau đớn thấu tận trời xanh. Tu thì tu ngay bây giờ, đừng có hẹn ngày mai hay ngày mốt. Cho nên pháp môn Sống sâu sắc trong hiện tại cũng hay, nó nhắc mình phải tu ngay bây giờ, không có hẹn, không có hứa, không có làm ông họ Hẹn hay ông họ Hứa nữa. Mình đã hứa hẹn mấy tỉ kiếp rồi nên kiếp này mình nhất định không hứa hẹn, mà xắn tay áo đi vào đường tu ngay.

Mình có quyền mong ước cho sự tu tập, như muốn có cái đuốc để mà thắp, muốn có con đường giải thoát để mà đi và muốn có sức khỏe tốt để mà đốt cái đuốc kia và đi trên con đường kia. Ước muốn này không mang dáng dấp của sự tham đắm hay chạy theo mục tiêu, mà ước muốn này biểu hiện ở cái thấy rõ ràng về biết yêu thương bản thân. Mình lên kế hoạch cho sự tu tập, thực hiện kế hoạch và đánh giá kết quả thực tập. Như trong tăng thân, mình có lịch cho giờ công phu, thực tập trong giờ công phu và thực tập soi sáng. Người tu vẫn có mục tiêu, vẫn có kế hoạch, vẫn có đánh giá nhưng người tu không kẹt vào mục tiêu, kế hoạch hành động hay tiêu chí đánh giá vì cả ba yếu tố này đều được thực hiện cùng một lúc. Trong lúc tu là đang hoàn thành mục tiêu, đang thực hiện kế hoạch và đang đánh giá kết quả. Mong ước giải thoát không biểu hiện của tâm tham mà biểu hiện của tâm chấm dứt tham, giải thoát khỏi cái tham. Mong ước giải thoát là biểu hiện của tâm tham khi mình khổ sở vì mong ước của mình, khi tu tập thấy sao không có an lạc gì hết, vật chất thì thiếu thốn đủ thứ, ngồi thiền như một cực hình, muốn chứng minh với người khác là mình đang tu. Mấy thứ này chỉ làm mình khổ trong khi tu hay tu không đúng cách, mình đang tham tu hay tu một cách tham lam, một dạng của phiền não. Hoặc giả dụ mình đang tu, nhưng mình bị kẹt vào những công chuyện của Phật sự, của việc làm từ thiện, của việc hoằng pháp, mà quên mất là mình phải tập trung vào chuyện tu như chuyện giữ giới, chuyện hành thiền, chuyện phát khởi tuệ giác, tức là mình là người tu nhưng lại quên tu mất tiêu rồi.

Kinh Hải Đảo Tự Thân

Tôi được nghe như vầy Khi Phật ở vườn xoài Có rất nhiều bóng mát Bên sông Bạt Đà La Ởnước Ma Kiệt Đà. Lúc hai vị tôn giả Trưởng lão Xá Lợi Phất Và ngài Mục Kiền Liên Vừa nhập diệt không lâu. Hôm ấy là ngày rằm Có làm lễ tụng giới. Đức Phật trải tọa cụ Rồi ngồi trước đại chúng. Sau khi người quan sát Người mới cất tiếng rằng.

Hôm nay nhìn đại chúng Tôi thấy khoảng trống lớn. Hai thầy Xá Lợi Phất Và thầy Mục Kiền Liên Đã nhập diệt Niết Bàn. Trong giáo đoàn chúng ta Hai vị thầy lớn này Là những người tài năng Đầy đủ các phương diện Thuyết pháp và khuyên bảo Dạy dỗ và biện thuyết. Có hai thứtài sản Mà trên đời sống này Người ta thường tìm cầu Là tiền tài pháp tài. Tiền tài được tìm cầu.

Nơi thế gian người đời. Pháp tài được tìm cầu Từ hai thầy tôn giả Là thầy Xá Lợi Phất Và thầy Mục Kiền Liên. Như Lai là một người Không tìm cầu gì nữa

Tiền tài hay pháp tài. Các vị đừng sầu khổ Vì hai thầy nhập diệt. Khi một cây đại thụ Có đủrễ thân lá Cành hoa trái sum suê Thì ta cũng phải biết Nhánh lớn sẽ tàn lụi Gãy đổ trước nhánh nhỏ. Như dãy núi châu báu Nhìn vào đỉnh cao nhất Là đỉnh sụp đổ trước. Trong đoàn thể đại chúng Các con của Như Lai Các thầy Xá Lợi Phất Và thầy Mục Kiền Liên Là hai học giả lớn Nên nhập Niết Bàn trước Cũng là chuyện đương nhiên. Tôi muốn khuyên quý vịChớ sinh tâm sầu khổ. Hiện tượng nào sinh khởi Hay các pháp hữu vi Đều theo luật vô thường Để đi đến hoại diệt Muốn chúng không hoại diệt Là điều không xảy ra. Tôi đã từng nhiều lần Nhắc nhở quý vị rằng Tất cả những điều gì Ta trân quý hôm nay Ngày mai cũng xa lìa. Ngay chính bản thân tôi Rồi cũng sẽ ra đi. Quý vị phải thực tập Làm hải đảo tự thân.

Nương tựa nơi chính mình Mà đừng nương tựa vào Bất cứ kẻ nào khác.

Điều này có nghĩa là Luôn thực tập an trú Trong các phép quán niệm Nội thân trong nội thân. Sử dụng các bài tập Chuyên cần để nuôi dưỡng Chánh trí và chánh niệm Để điều phục chuyển hoá Những đam mê âu lo. Và cũng có nghĩa là Luôn thực tập an trú Trong các phép quán niệm Ngoại thân trong ngoại thân Sửdụng các bài tập Chuyên cần để nuôi dưỡng Chánh trí và chánh niệm Để điều phục chuyển hóa Những đam mê âu lo.

Đây có thể gọi là Phép quay về nương tựa Nơi hải đảo tự thân Để quay về nương tựa Nơi hải đảo tự thân Hãy quay về nương tựa Nơi hải đảo chánh pháp. Để quay về nương tựa Nơi hải đảo chánh pháp Mà không nương tựa vào Một hải đảo nào khác Hay một vật nào khác. Nghe Phật dạy kinh này Các khất sĩ vui mừng Liền vâng giữ làm theo. (6)

Giang Rộng Đôi Tay Ôm Lấy Muôn Loài – Độ Tha

Giang Rộng Đôi Tay Ôm Lấy Muôn Loài – Độ Tha

Tự độ tức là độ tha và độ tha tức là tự độ. Mình biết tu tập đem lại lợi ích lớn với người xung quanh dù mình chưa thuyết pháp một câu hay viết cuốn sách nào. Một đứa con có hiếu là đứa con biết tự lo cho mình, ba mẹ không phải tốn sức lực lo lắng và theo dõi. Đứa con có thể tự đi trên đôi chân, tự kiếm sống và tự quyết định cuộc đời mình mà không cần ba mẹ bên cạnh. Đứa con biết tự chăm sóc và nuôi dưỡng mình như vậy là đã giúp được cho ba mẹ, biết lo cho ba mẹ. Người tu khi đã sửa đổi, trở nên tốt đẹp hơn, là một nhân tố bình an cho xã hội, xã hội không mất thì giờ phòng thủ, nên bản thân người tu tự độ là độ cho xã hội rồi. Khi thực tập giỏi, mình chia sẻ kinh nghiệm và pháp môn tu tập cho người khác. Muốn chia sẻ giỏi, bản thân phải thực tập giỏi, tức là để độ người khác thì mình phải độ mình trước, nên nói độ người tức là độ mình. Đứa con lớn lên, đi học và làm việc, không còn nương nhờ vào ba mẹ, có thể sống tự lập, đến lúc nào đó giúp đỡ được ba mẹ và chăm sóc ba mẹ. Đứa con mang trong mình các yếu tố của ba mẹ, các gen di truyền, các khát khao, các hạnh phúc, các khổ đau của ba mẹ. Đứa con thực tập để chuyển hóa các nỗi khổ niềm đau sẽ giúp chuyển hóa nỗi khổ niềm đau mà ba mẹ trao truyền, nên đứa con thực tập không chỉ cho bản thân, mà còn cho ba mẹ, cho tổ tiên, cho xã hội.

Sống trong cộng đồng là che chở cho nhau, nương nhau mà sống và phát triển. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Con người tìm đến với nhau vì con người có những năng lượng cần nhau. Mình đi vào tăng thân với mục đích nương tựa tăng thân để tu. Do mình còn yếu kém nên phải nhờ năng lượng của tăng thân tiếp sức và tăng thân độ mình. Thực ra tăng thân không có độ mình mà chính mình tự độ. Nếu đi vào tăng thân mà mình không tu, ở trong tăng thân chẳng khác nào ngoài đời. Sự độ của tăng thân chỉ có tác dụng khi bản thân mình tu tập, tức là tự độ. Tăng thân chỉ chia sẻ pháp môn, khuyến khích mình tu tập mà thôi. Tăng thân không tu dùm. Trong tăng thân mình thấy bình an, nếu không tu, ra khỏi tăng thân, mình thấy bất an ngay, giống như mình bị giết chết vậy. Đứa con khi còn nhỏ sống với ba mẹ, nhờ vào sự nuôi dưỡng và dạy dỗ của ba mẹ. Nhưng bản thân đứa con cũng phải tự nuôi dưỡng và tự dạy dỗ. Khi mẹ đút cơm cho đứa con, đứa con không nhai thức ăn, làm sao đứa con đưa thức ăn vào cơ thể. Hành động đưa thức ăn vào miệng đứa con của mẹ chỉ là tạo nhân duyên, đứa con phải tự nhai lấy. Buổi tối, ba thường kêu mình vào phòng khách và dạy dỗ đạo làm người, nào là phải biết kính trọng người lớn, nào là đi đường phải có ý tứ, nào là phải biết vâng lời thầy cô, nào là phải giữ gìn thân thể… Lời ba dạy là tạo nhân duyên cho đứa con, mớm nhân duyên cho đứa con. Đứa con có nên người hay không là bản thân đứa con tự thực tập lấy. Ba không thể thực tập mà đứa con trở nên nên người được. Độ tha vì vậy là tạo nhân duyên cho chúng sinh có phương tiện và cơ hội thực tập. Thực ra không có gì gọi là độ tha vì tha nhân phải tự độ lấy. Cái gọi là độ tha chẳng qua là vì nhân duyên, chúng sinh tìm đến với nhau, cùng tu tập, cùng lớn mạnh.

Tự độ là hộ trì sự kham nhẫn, sự vô hại, phát triển lòng từ và phát triển lòng ai mẫn. (7) Độ tha là ban phát sự kham nhẫn, ban phát sự vô hại, rải tâm từ và rải tâm bi. Kham nhẫn trong mọi hoàn cảnh tức là tu trong mọi hoàn cảnh. Nhẫn với đòi hỏi bên trong, về những sự thỏa mãn của ái dục, về hoàn cảnh không thuận ý. Vô hại là không phạm giới, không sát hại sinh mạng, không lấy của không cho, không quen thói tà dâm, không nói sai sự thật, không gây tàn hại thân tâm bằng các chất kích thích. Phát triển lòng từ bằng thực tập thương yêu, thương người thương mình và thương cả người chưa thương mình. Phát triển lòng ai mẫn là bày tỏ lòng xót thương với khổ đau của chúng sinh và nguyện không gây ra những khổ đau như thế nữa, đồng thời tự thân chuyển hóa những khổ đau như vậy. Ban phát sự kham nhẫn là tự thân thực tập kham nhẫn, năng lượng kham nhẫn làm dừng lại các năng lượng bất nhẫn hay bất kham nhẫn. Ban phát sự vô hại là tự thân thực tập giữ giới, năng lượng giữ giới làm chùn bước các năng lượng đòi hỏi phạm giới. Rải tâm từ là tự thân thực tập yêu thương hết muốn loài, năng lượng tâm từ làm lùi bước những năng lượng tâm không từ. Rải tâm bi là tự thân thực tập biết đây là khổ đau, đây là nguyên nhân gây ra khổ đau và quyết tâm chuyển hóa khổ đau, năng lượng tâm bi làm sợ hãi năng lượng tâm không bi, tâm không biết thương xót khổ đau. Đứa con đang khóc, bà mẹ từ trong bếp chạy vào, bế đứa con lên ôm vào lòng, đứa trẻ bớt khóc rồi nín ngay. Bà mẹ có chất liệu của tâm từ, đứa trẻ cảm nhận chất liệu tình thương từ bà mẹ nên nín khóc vì thấy an tâm khi được che chở. Cũng vậy, mình có chất liệu của kham nhẫn, của sự vô hại, của tâm từ, của tâm bi nên khi mình thực tập, các chất liệu này tiết ra năng lượng mạnh mẽ chở che cho mình, tự mình chở che cho mình. Lúc này, mình đủ sức chở che người khác. Độ tha là ban phát sự chở che như lòng mẹ luôn luôn cần mẫn, chở che cho đàn con thơ ngây. Độ tha là một yếu tố của tự độ, là yếu tố cần và đủ. Tự độ làm nhân duyên cho độ tha. Năng lượng của tự độ truyền tải đến năng lượng độ tha và tha nhân bỗng chốc trở nên biết cách tự độ.

Giang rộng đôi tay ôm lấy muôn loài là hạnh của Bồ tát. Mọi suy nghĩ, hành động, lời nói đều hướng về chúng sinh vì chúng sinh là mình và mình là chúng sinh. Vị Bồ tát tu hành trước hết là vì bản thân mình nhưng mục tiêu tối thượng lại là vì chúng sinh, nên đi vào chúng sinh để độ đời. Bồ tát hiện thân trong muôn hình vạn trạng chúng sinh, hình tượng mẹ, hình tượng ba, hình tượng tu sĩ, hình tượng cư sĩ, hình tượng người già, hình tượng người trẻ. Bất cứ người nào sử dụng tâm Bồ tát mà hành xử Bồ tát đều là Bồ tát cả. Người quán âm thanh bằng cách lắng nghe tiếng hạnh phúc và tiếng khổ đau của chúng sinh là đang thực tập hạnh Bồ tát Quán Thế Âm. Người quán tự tại bằng cách quán soi năm uẩn đến khi thấy được năm uẩn đều không, là đang thực tập hạnh Bồ tát Quán Tự Tại. Người quán khổ đau địa ngục bằng cách đi vào những nơi khổ đau mà giáo hóa chúng sinh là đang thực tập hạnh Bồ tát Địa Tạng. Năng lượng Bồ tát có sẵn trong mỗi chúng sinh và thực tập sẽ giúp năng lượng đó phát triển. Người mẹ thương con nên sẵn sàng hy sinh vì con, mẹ có sẵn chất liệu của tâm từ, tâm Bồ tát Quán Thế Âm. Người tu sĩ thực tập thiền quán, chứng ngộ năm uẩn đều không, không phải đạt được cái gì mà tìm về tính chất không tự tánh của năm uẩn, chất liệu tự tại phát khởi, người tu sĩ đang biểu hiện tâm Bồ tát Quán Tự tại trong mình. Những người hy sinh sức khỏe và bản thân để chăm sóc người bệnh cùi phong, dẫu biết rằng có thể bị nhiễm bệnh, có thể bị xua đuổi nếu bị nhiễm bệnh, nhưng họ vẫn làm công việc mà khó có mấy ai chịu làm. Họ thấu hiểu khổ đau của người bệnh phong, cái đau da thịt mỗi khi trái gió trở trời, nên họ đi vào vùng khổ đau để giúp đỡ bệnh nhận. Họ đang thực tập hạnh Bồ tát Địa Tạng và mang tinh thần Địa Tạng vào trong cuộc đời. Hạnh Bồ Tát là hạnh yêu thương muôn loài, không chỉ dừng lại ở đồng loại, mà tất cả các loài, tất cả các cõi.

Sống Dễ Thương Với Con Tim

Sống dễ thương với con tim là người biết yêu bản thân mình, có biết yêu bản thân mới biết thương chúng sinh, biết tự độ mới độ tha. Dễ thương không phải vì có một hình dáng đẹp mà dễ thương là lời ban tặng cho người có hành xử dễ thương, suy nghĩ dễ thương, lời nói dễ thương và hành động dễ thương. Suy nghĩ dễ thương là sử dụng tình thương để suy nghĩ như đem mắt thương mà nhìn cuộc đời. Những quyết định trong đời sống đều sử dụng tình thương mà đưa ra. Một doanh nhân có tình thương sẽ không tạo những sản phẩm gây tàn hại môi trường, việc sản xuất luôn đảm bảo việc bảo vệ môi trường và sinh mạng các loài sinh vật. Lời nói dễ thương không hẳn là phun châu nhã ngọc nhưng lời nói trước hết mang lại hạnh phúc cho bản thân, tưới tẩm hạt giống lành với người nghe, đem đến sự hàn gắn, hòa giải và minh bạch mối quan hệ. Một người dẫn chương trình ca nhạc lúc nào cũng tìm cách làm hài lòng khán giả. Nếu có sự cố xảy ra như mất điện hay ca sĩ đến trễ, họ nói những lời lẽ nhẹ nhàng nhằm trấn an khán giả. Lời nói ái ngữ là lời nói biết xoa dịu niềm đau và ban tặng từ ái. Lời nói chánh ngữ là lời nói sử dụng sự thật đích thực để nói, nhằm xây dựng niềm tin và phát triển tình thương. Hành động dễ thương là làm những việc không phạm giới và khuyến khích hay yểm trợ người khác không phạm giới. Ông thầy dạy học trò trồng cây xanh nhằm giảm thiểu sự nóng ấm toàn cầu. Lời dạy chỉ là lý thuyết nếu bản thân ông thầy không làm gương. Ông thầy xách cuốc, xách xẻng đào đất, trồng cây. Hành động dễ thương này mới làm hình mẫu cho học trò đi theo. Con tim là trung tâm bơm máu đến mọi nơi trong cơ thể, nuôi dưỡng cơ thể. Nếu không dễ thương với con tim thì dễ thương với cái gì bây giờ. Khi mình ngủ không làm việc, trái tim vẫn tiếp tục làm việc 24 tiếng mỗi ngày. Khi trái tim mệt mỏi, mình phải biết cho nó nghỉ ngơi. Người không dễ thương không biết thương trái tim của mình, ăn uống không có chánh niệm, thức khuya rồi nóng giận, cho nên trái tim nó mệt, nó đổ bệnh. Đơn giản vì mình không biết thương và trước hết là không biết thương mình.

Sống dễ thương với con tim là biết lo cho mình. Lo cho mình không phải là sự ích kỷ mà là biểu hiện của tình thương. Nếu không lo cho mình tức là mình bắt người khác phải lo cho mình, mình trở nên bất hiếu rồi. Đứa con có hiếu là đứa con biết lo cho mình, người khác không mất thì giờ để lo cho mình nữa. Để lo cho mình, mình phải sống đẹp hay tạo nghiệp đẹp. Sau bao kiếp tạo nghiệp xấu, bây giờ mình dừng lại và tạo nghiệp đẹp. Nghiệp đẹp càng nhiều, nghiệp xấu bị lấn át đến lúc nào đó sẽ chuyển hóa. Sống đẹp là lối sống được công nhận bởi các nhà tâm linh học hay các nhà đạo đức học. Đức Phật dạy, lối sống đẹp nhất là lối sống hướng về sự giải thoát. Trong giây phút này, trong hiện tại này, mình đang sống nên hãy đem cái đẹp vào đời sống hay đem sự giải thoát vào trong đời sống. Biết lo cho mình là hãy xây dựng hành trang hạnh phúc đích thực cho chính mình. Con đường đẹp nhất là con đường tu. Có con đường nào đẹp hơn con đường tu đâu, người sống dễ thương thường hay nhắc nhở mình như vậy. Đây là sự chứng ngộ trong thực tập chứ không phải lời nói suông. Dễ thương đâu có khó. Muốn dễ thương là được dễ thương. Mình đã là sự dễ thương, đã là mầu nhiệm. Thở vào, mình thấy mình rất dễ thương. Thở ra, mình thương cái sự dễ thương của mình. Mình có những khổ đau và hạnh phúc. Hạnh phúc là điều dễ thương đã đành, nhưng khổ đau cũng có chất liệu của sự dễ thương vì nhờ khổ đau mình mới biết trân quý hạnh phúc. Khi người mình thương đang có mặt cho mình, mình thấy hạnh phúc lắm. Người thương đi mất, mình thấy khổ đau. Vậy bây giờ người thương đang có mặt, sao mình lại cảm thấy khổ đau?

Trái tim mình cần nghỉ ngơi chứ không cần ngủ yên. Nghỉ ngơi không phải là bắt trái tim ngừng đập mà mình dành thì giờ chú ý đến trái tim. Trái tim nói, tôi cần sự tĩnh lặng hay ít nhất là những khoảng lặng trong cuộc sống. Mình bấy lâu nay chạy theo những trái tim bên ngoài, trái tim của nàng, trái tim của sếp, trái tim của đối thủ. Ấy vậy mà mình có bao giờ có mặt cho trái tim của mình dù trái tim lúc nào cũng có mặt hai mươi bốn tiếng mỗi ngày. Tâm sự với trái tim để trái tim được lên tiếng. Mình dừng lại những rong ruổi, quay về nhà, quay về nguồn cội như máu chảy về tim. Mình dừng lại những đòi hỏi để trái tim không bị mệt mỏi, không bị nhồi máu. Mình dừng lại những tật đố, hận thù để trái tim được bình yên, không bị héo khô theo năm tháng. Hãy làm theo điều mà trái tim mách bảo. Trái tim nói, hãy yêu thương như mây trắng thương bầu trời xanh. Trái tim nói, hãy dễ thương như hoa hướng dương hướng về ánh mặt trời. Trái tim nói, hãy cho đi như chim quyên không buồn mỏi hát tặng cho đời những tiếng thanh tao. Chỉ cần ngồi lại, lắng nghe trái tim một chút, mình thấy trái tim đang chỉ cho mình con đường để đi.  Cách thực tập này là tự độ mình đấy, kính thưa quý vị.

Tự Lực và Tha Lực

Tự Lực và Tha Lực

Bây giờ mình nói về tự lực và tha lực. Tự lực là tự mình thực tập để đạt đến mục tiêu cứu cánh và tha lực là nhờ sức lực của người khác mà đạt tới mục tiêu cứu cánh. Tha lực mang tính chất trợ duyên nhiều hơn và tự lực mang tính chất tự độ. Trong một số trường hợp, tha lực được xem là một cái tưởng. Đang trong tình trạng khổ đau, mình niệm Phật thấy bớt khổ. Đang trong tình trạng bị tai nạn hay sắp gặp phải tai nạn, mình niệm Phật thấy vượt qua tai nạn. Mình cho rằng có một sự giúp đỡ siêu nhiên từ bên ngoài gọi là tha lực giúp đỡ mình. Thực ra mình tự giúp mình mà thôi. Trong lúc niệm Phật, năng lượng thiện phát khởi làm lôi kéo các nghiệp thiện trong quá khứ hay tiền kiếp, lấn át nghiệp bất thiện đang đến hồi trổ quả và mình vượt qua khổ nạn. Mình đang sử dụng tự lực để chiến thắng nghịch cảnh. Không có cái gì gọi là tha lực cả. Tha lực có thể được xem là một phương tiện trợ giúp cho tự lực phát huy tác dụng. Muốn đến trường học nhưng vì trường quá xa nhà, mình đón xe buýt hay đi xe ôm. Xe buýt và xe ôm là phương tiện làm tha lực chở mình tới trường, nhưng cần chú ý việc sử dụng các phương tiện này là do mình quyết định và phải chi tiêu một khoản tiền để sử dụng các phương tiện đó. Hơn nữa, nhân duyên hay hoàn cảnh đẩy mình vào tình thế phải sử dụng xe buýt hay xe ôm, cho nên cái gọi là tha lực kia mang yếu tố của tự lực. Phước báu của mình cũng ảnh hưởng đến tha lực. Do phước báu thấp hơn, mình không đủ điều kiện đi taxi hay đi xe hơi riêng, nên đành chọn xe buýt hay xe ôm. Phước báu này do tự mình mà có, không nhờ đến tha lực, vì vậy tha lực được tạo ra từ tự lực, hay tự lực góp phần vào tha lực cho nó phát huy tác dụng. Sinh ra làm người là do phước báu lớn và gặp được Phật pháp là phước báu lớn hơn nữa. Không phải kiếp người hay Phật pháp tìm đến mình đâu, mà chính mình tìm đến kiếp người và tìm đến Phật pháp. Tiền kiếp mình đủ phước nên sinh làm người, cái này do mình tạo. Tiền kiếp mình đủ phước báu nên sinh ra đời gặp Phật pháp và biết tu tập, cái này cũng do mình tạo. Điều này minh chứng cho việc tự tu thì tự ngộ hay bản thân tự độ.

Tự lực và tha lực vượt ra khỏi giới hạn về bản thân trở nên rộng lớn hơn như ý chí của người tu. Lý tưởng đủ mạnh dẫn đến ý chí đủ mạnh. Do ước muốn thành tựu đạo nghiệp, mình phát nguyện thực tập để đạt mục tiêu giải thoát và tìm kiếm các phương tiện để đi trên con đường giải thoát. Tăng thân, pháp môn, kinh kệ, bài thuyết pháp của nhà sư đều có thể là các tha lực làm thỏa mãn ý chí tu tập. Chính tự lực khiến mình tìm kiếm tha lực, nếu tự lực không đủ, tha lực sẽ không xuất hiện hay tha lực sờ sờ ra đấy, mình cũng không chạm tới, nói chi là tiếp xúc và tiếp nhận nó. Chẳng hạn, mình có chất liệu của tình thương nhưng mình không tha thứ nổi người làm mình giận, vì mình không đủ can đảm, tình thương chưa đủ, tự lực trong mình còn yếu ớt. Đôi khi người tu cần có sự khát khao, khát khao giải thoát. Chính sự khát khao thúc đẩy người tu quyết chí giữ vững tâm bồ đề và cất bước trên con đường giải thoát. Sử dụng tha lực giống như hành vi ăn trộm tự lực của người khác. Thờ ơ với tha lực cũng giống như vậy, là hành vi lãng phí tự lực của người khác. Tại sao mình không trở thành tha lực cho người khác, biến cái tự lực thành tha lực cho người khác? Mình tìm kiếm sự nương tựa nhưng bản thân cũng là sự nương tựa cho người khác. Trước hết mình là nương tựa của chính mình, tự lực của mình là tha lực của mình và tha lực của mình là tự lực của mình. Sau đó mình là sự nương tựa để người khác tầm cầu. Muốn người khác nương tựa mình, không còn cách gì khác bản thân phải tự lực. Bản thân không tự lực, ai dám tới cầu xin sự nương tựa. Như bông hoa nương vào đất, ánh mặt trời và cơn mưa để sống còn. Bông hoa có yếu tố của đất, nước và sức nóng. Bông hoa rất thông minh, biết sử dụng dụng phương tiện để nuôi dưỡng bản thân. Khi hoa úa tàn và rụng xuống, các yếu tố đất trở về đất, các yếu tố nước trở về nước, các yếu tố sức nóng trở về sức nóng. Nói cái này có vì cái kia có là vậy đó. Vạn vật nương nhau mà sống và vạn vật là tha lực của nhau, thúc đẩy nhau mà thay hình đổi dạng, nên tìm kiếm cái tự lực cũng khó, vì nói tất cả mọi thứ đều là tự lực của tôi, đây cũng là ngã đấy.

Mình không sống đơn độc mà phải phụ thuộc. Dù sống giữa hòn đảo hoang một mình, mình vẫn không đơn độc. Trong mình vẫn có yếu tố ba mẹ và tổ tiên, bên ngoài vẫn vay mượn không khí để thở. Buông bỏ  được ý niệm về tha lực thì cũng buông bỏ được ý niệm về tự lực. Trong kinh Nhân Quả có nhắc tới tội phước, tội mình làm mình chịu, phước mình làm mình hưởng. Nghe có vẻ như nhấn mạnh sự tự lực của việc làm tội hay làm phước. Thử tìm hiểu một người vì sao làm tội, như tên cướp chuyên cướp của giết người chẳng hạn. Quán chiếu tại sao anh ta cướp của giết người, vì hoàn cảnh, vì cái nghèo, vì áp lực xã hội hay vì sự lười biếng. Các nguyên nhân bên ngoài quá mạnh có thể là tha lực khiến cái tự lực yếu ớt bên trong không chống đỡ nổi nên dẫn đến phạm pháp. Nếu tự lực mạnh, cái gọi là tha lực bên ngoài kia đâu có tác hại gì. Cũng vậy, một người sống đời hiền lương vì được giáo dục tốt, được dạy dỗ kỹ càng, được đặt trong môi trường lương thiện. Tha lực và tự lực tác động qua lại lẫn nhau và biến chuyển vô thường. Không ai không hoàn toàn tự lực và không ai hoàn toàn nhờ tha lực. Tự lực và tha lực là một, như tiến trình diễn tiến của nhân duyên. Nhân sinh ra quả và quả tiếp tục trở thành nhân để sinh ra quả tiếp. Tự lực là nhân sinh ra quả tha lực và quả tha lực trở thành nhân sinh ra quả tự lực. Cứ nhứ thế trùng trùng điệp điệp. Người muốn tu đi vào chùa tu, tăng thân trong chùa hướng dẫn người tu và người tu có hạnh phúc lại đi chia sẻ pháp môn cho người khác. Cái này đi vào cái kia rồi cái kia đi vào cái này, như tự lực đi vào tha lực và tha lực đi vào tự lực. (8)

Tu Là Đang Hoằng Pháp

Thế nào gọi là đang hoằng pháp? Hoằng pháp là đem giáo lý hay lời dạy của đức Phật vào cuộc đời và chuyển hóa cuộc đời trở nên đẹp đẽ hơn. Tuy nhiên, mục tiêu tối thượng của lời dạy của Phật có phải nằm ở kinh điển, ở bài thuyết pháp, ở sự bái sám cúng tế, ở các nghi thức, ở sự trình diễn lời văn hoa mỹ hay không? Chắc chắn không phải vậy, đức Phật dạy đệ tử không để đệ tử trở thành người thuyết pháp giỏi hay chuyên viên hoằng pháp, mà để các đệ tử thực tập, làm một hành giả, một chuyên viên thực tập để đạt tới mục tiêu giải thoát. Vì vậy nói tu là đang hoằng pháp quả không sai. Hoằng pháp nhưng không tu, việc hoằng pháp này rất hời hợt, thậm chí không đúng với chánh pháp. Bây giờ người ta châm mẫm tu phước mà quên mất tu huệ hay lo tu huệ mà quên mất tu phước. Phước huệ cần song tu. Cái này làm nhân duyên hay hỗ trợ cho cái kia và ngược lại. Tu phước nhiều quá có thể làm gia tăng ý niệm về bản ngã, trí huệ không phát khởi được. Tu huệ nhiều quá cũng có thể làm gia tăng ý niệm về bản ngã, không đủ điều kiện vật chất hay tinh thần cho việc tập tu. Muốn hoằng pháp, không nhất thiết phải viết sách giỏi, thuyết pháp hay, tổ chức khóa tu đông người mà chỉ cần biết tu là biết đang hoằng pháp, bởi vì chỉ có sự tu tập mới duy trì được chánh pháp hay nhất. Một chú tiểu vừa được nhận vào chùa và chú được dạy giữ giới, ngồi thiền và theo dõi tâm ý của mình. Chú chưa làm gì hết, chỉ mới thực tập có bấy nhiêu, nhưng chú đã có sự bình an. Sự bình an nuôi dưỡng chú rất lớn. Người khác nhìn vào chú thấy được sự bình an và vững chãi, bản thân họ cũng được hưởng và có khuynh hướng thực tập theo. Chú tiểu này đang hoằng pháp đấy.

Mình mới xuất gia, chưa thực tập được nhiều, chưa học được nhiều, nhưng mình có tâm tham trong việc hoằng pháp, như muốn nói pháp thoại, muốn chứng minh mình đang tu. Ngay cả cư sĩ tại gia cũng vậy, cũng có tâm tham như thế. Người tu chức vụ càng cao thường hay cho mình cái quyền phán xét hay đánh giá người khác. Cái tâm này nguy hiểm lắm, nó cản trở mình rất nhiều, cho nên mình đi tu không cần làm chức vụ cao, chỉ cần tu là được. Đi tu là để tu, không phải để làm chức vụ cao. Tôi đi làm đôi khi từ chối nhiều cơ hội được thăng tiến hay nắm giữ chức vụ cao. Làm lớn có nhiều quyền hành, có khi sự ngã mạn lại tăng lên. Được khen ngợi nhiều cũng khiến bức tường sĩ diện thêm dày đặc. Thì giờ trôi qua rất nhanh, đừng để trôi qua một cách oan uổng mà không lo tu. Không cần phải là người được đặc quyền hoằng pháp. Biết tu là biết hoằng pháp và nhờ vào năng lượng tu tập, mình làm nhiệm vụ của người con Phật. Mỗi tu sĩ đều là sứ giả hoằng pháp, thực tập giáo pháp và trao truyền giáo pháp. Không thể hoằng pháp nếu mình còn có quá nhiều khổ đau, muốn dạy người khác chuyển hóa khổ đau, mình phải chuyển hóa khổ đau trong mình trước, mình mới có kinh nghiệm để chia sẻ. Nhiều tu sĩ không hề nói một câu pháp thoại, viết một dòng chữ hay khuyên dạy một lời nào nhưng họ cũng đang hoằng pháp. Vậy họ hoằng pháp bằng cách nào? Họ chuyển hóa khổ đau của họ, tìm ra con đường hóa giải khổ đau cho chính mình, họ đang hoằng pháp đấy. Hạnh phúc và bình an của người tu đóng góp cho cộng đồng rất lớn, chưa làm gì cả, chỉ mới tu thôi, là đã hoằng pháp rồi.

Khi tu tập, mình cần lựa chọn pháp môn phù hợp với căn cơ của mình. Có người tu thiền, có người tu tịnh độ, có người tu mật tông và có người tu các pháp môn khác. Tu theo pháp môn nào cũng được, miễn sao mình thấy có hạnh phúc và chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau trong mình. Tu thì phải có hạnh phúc và an lạc. Tu mà không có hạnh phúc hay an lạc thì cần xem lại cách tu. Ngày xưa đức Phật nhờ tu thiền mà tìm về giải thoát nên pháp môn tu thiền được đánh giá cao hơn cả. Là đệ tử Phật mà không tu thiền cũng hơi lạ, e rằng đó cũng là sự sút giảm trong đường tu tập. Thực tập có kinh nghiệm, đem chia sẻ với người khác là điều cần thiết. Việc chia sẻ cần phù hợp với khế lý và khế cơ. Khế lý là bài chia sẻ phải phù hợp với căn bản đạo Phật, như phù hợp với bốn sự thật vi diệu, tám con đường chân chính, mười hai nhân duyên, luật nhân quả, thiền quán tứ niệm xứ… Bài chia sẻ nào không phù hợp với tinh thần Phật có thể làm xói mòn lời dạy của Phật và sự thực tập của người nghe càng xa rời. Khế cơ là bài chia sẻ phù hợp với hoàn cảnh của người đang cần giúp đỡ, đang thính pháp hay đang mưu cầu giải thoát. Không nên nói pháp thoại theo trào lưu của đời, nếu như lời nói làm xa rời sự thực tập trở về hạnh phúc đích thực của người tu. Nếu chạy theo thị hiếu của người nghe, có thể nhiều người tìm đến Phật giáo, nhưng điều mình đang nói chưa hẳn là điều Phật giáo muốn hướng tới, nên đôi khi gây phản tác dụng, gây ảnh hưởng không hay đến niềm tin của người nghe, thậm chí làm lệch hướng đường thực tập của họ.

Đem Tâm Tu Mà Cúng Dường Chư Phật – Tâm Xuất Gia Hay Tướng Xuất Gia

Đem Tâm Tu Mà Cúng Dường Chư Phật – Tâm Xuất Gia Hay Tướng Xuất Gia

Đức Phật trước khi nhập diệt đã dạy thầy Anan về phương pháp cúng dường cao thượng, Không có hương thơm nào bằng hương thơm của giới – Không có có hương thơm nào bằng hương thơm của định – Không có hương thơm nào bằng hương thơm của huệ – Không có hương thơm nào bằng hương thơm của tri kiến – Không có hương thơm nào bằng hương thơm của tri kiến giải thoát – Lấy tất cả hương thơm này kết thành một đài hoa mà cúng dường chư Phật. Dù đem bao nhiêu hương hoa, vật phẩm, đèn hương hay tài thí đến cúng dường Phật cũng không bằng sự cúng dường của bản thân có giới, có định, có tuệ, có tri kiến, có tri kiến giải thoát. Điều này minh chứng cho lời Phật dạy là hãy đem tâm tu mà cúng dường chư Phật và đây là cúng dường cao thượng nhất, tạo công đức lớn nhất. Bên cạnh đó, tu huệ được đề cao hơn tu phước, dù rằng phước huệ cùng tu. Người thực tập niệm giới, nguyện bảo vệ sự sống muôn loài, nguyện tôn trọng sự thật, nguyện bảo vệ tiết hạnh, nguyện tôn trọng quyền tư hữu, nguyện nuôi dưỡng và bảo vệ thân tâm là người biết cách cúng dường chư Phật. Người thực tập thiền tuệ và thiền quán, làm phát triển định, trở nên bình thản trước hoàn cảnh và an nhiên trong mọi tình huống là người biết cách cúng dường chư Phật. Người phát khởi trí tuệ, nhìn rõ sự vật, biết yêu thương, biết dàn trải tình thương, không còn dính mắc chuyện thế gian là người biết cách cúng dường chư Phật. Người thực tập giáo lý Phật dạy, thấu hiểu thế gian này vô thường, vô ngã, vô tác, vô tướng, không còn kẹt và tham đắm điều gì là người biết cúng dường chư Phật. Người thực tập các phương tiện giải thoát, bước đi trên đường giải thoát và đạt được sự giải thoát là người biết báo hiếu chư Phật, biết cách cúng dường chư Phật. Như đứa con báo hiếu ba mẹ bằng sự bình an của mình, không chỉ đơn thuần bằng tiện nghi vật chất hay tiện nghi tinh thần.

Đem năng lượng giải thoát lên bàn thờ mà cúng dường chư Phật. Cúng dường không phải là sự cầu xin mà là cam kết, cúng dường lời cam kết sẽ tu tập cho đến ngày giải thoát. Ngày xưa đức Phật khuyên đệ tử phải hằng thường soi xét mình trong việc giữ giới và thực tập thiền để làm sáng trong tâm ý nhằm mau chóng đi đến giải thoát trong kiếp hiện tại. Ngày nay, người ta dạy đệ tử bằng ý niệm tu tập thảnh thơi, tu từ từ, kiếp này chưa giải thoát thì kiếp sau tu tiếp. Đây là minh chứng cho sự đi xuống của Phật giáo, đi ngược lại lời dạy của Phật. Ngày xưa khi Phật nhập diệt, thầy Anan vẫn chưa đạt quả vị giải thoát nên thầy Ca Diếp rầy thầy Anan và không cho tham dự buổi kiết tập kinh điển. Sau đó thầy Anan xấu hổ, quyết chí thực tập và đạt quả vị giải thoát, lúc này thầy Ca Diếp đã cho phép thầy Anan bước vào buổi kiết tập kinh điển. Bây giờ, mình học Phật tổ của mình ở chỗ nào, mình học sự quyết tâm của thầy Anan ở chỗ nào, mình học hàng ngàn vị A La Hán thời Phật ở chỗ nào mà dám dạy là phải tu thảnh thơi, kiếp này không giải thoát thì kiếp sau tu tiếp. Mục tiêu của người tu là giải thoát, nếu chưa giải thoát được, xin hãy xem lại cách tu. Đã tu thì phải nguyện giải thoát ngay trong kiếp hiện tại, nguyện rồi thì hãy thực hiện nó.

Người xuất gia bằng tâm là dù tu tại gia nhưng tâm thành hướng Phật, nguyện tu tập giải thoát. Người xuất gia bằng tướng là dù đã xuống tóc nhưng tâm chưa thật sự hướng Phật, vẫn còn lo chuyện ngoài đời, vẫn chưa nguyện tu tập giải thoát. Cách hay nhất là thân tâm đều xuất gia, nguyện tu tập giải thoát. Có câu, chiếc áo không làm nên thầy tu. Một người khoác áo tu sĩ nhưng không lo tu thì uổng lắm, chiếc áo không nói lên được điều gì nếu tâm không thực sự xuất gia. Một cư sĩ hỏi một vị tu sĩ, Ngài xuất gia được bao lâu? Vị tu sĩ trả lời, Tôi xuất gia được mười năm. Vị cư sĩ hỏi, Thế ngài đã xuất gia chưa? Câu chuyện ngắn này cho thấy xuất gia bằng tướng hay không không quan trọng, vấn đề là tâm mình xuất gia chưa. Tu tại gia mà tâm xuất gia xem như đã xuất gia. Tu ở chùa mà tâm chưa xuất gia chẳng khác gì ở ngoài đời. Kẹt vào tướng thì bao giờ tu mới thành. Không phải cạo đầu mới gọi là tu, muốn tu thì hãy đem tâm mà tu, muốn xuất gia thì hãy đem tâm mà xuất gia. Mỗi người mỗi hạnh. Tu sĩ vì muốn độ thoát chúng sinh nên xuất gia, vừa tu tập, vừa hoằng dương Phật Pháp. Cư sĩ vì muốn tự độ, học theo hạnh Bồ tát nên tâm xuất gia, thân ở tục, vừa tu tập, vừa độ tha. Khi nhìn người, đừng bị kẹt vào tướng, mà hãy nhìn tâm của họ. Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy, kẹt vào tướng, kẹt vào âm thanh, là kẻ hành tà đạo, không thể thấy Phật. Đừng bao giờ quán xét người khác có tu hay không mà hãy nhìn lại mình, xem mình có tu không. Một học trò lên án một số tu sĩ, không biết lo tu. Điều này rất nguy hiểm, nếu tu sĩ không tu, đã có tăng thân của họ khuyên bảo, mình là cư sĩ, đã biết tu chưa, đã biết quán chiếu bản thân chưa, đã biết soi rọi tâm chưa mà đi phán xét người khác. Nếu biết tu thì không còn phán xét ai cả. Dù tu sĩ hay cư sĩ, ngay giây phút này, hãy thực tập niệm giới, niệm định, niệm tuệ, niệm giải thoát và niệm tri kiến giải thoát. Đây gọi là xuất gia đích thực. Tu sĩ biết niệm như vậy là tu sĩ đang xuất gia. Cư sĩ biết niệm như vậy cũng là cư sĩ đang xuất gia.  Đem tâm xuất gia mà cúng dường chư Phật.

Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ Thiền giả Minh Thạnh đã cho phép chúng tôi sử dụng bài viết để trích đăng trên Website. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

TG.Minh Thạnh

http://sachminhthanh.wordpress.com/

Theo Phật Pháp Ứng Dụng