Thuở xưa có một người ở đô thành, muốn về làng quê theo đòi nông nghiệp, làm kế sanh nhai.

Ngày nọ, anh đến đồng ruộng xem xét, thấy một đồng rộng lúa tươi tốt phi thường, bèn hỏi nông dân ở đó dùng cách nào mà gieo lúa tốt như vậy.

Nông dân trả lời:
Phương pháp rất giản dị, chỉ phải cày đất cho xốp và bang cho bằng, bỏ phân tốt, tháo nước vô, thì lúa được tốt như thế.

Anh nghe rồi, bèn y phương pháp cày ruộng, gieo giống ấy. Anh đã cầy đất cho xốp, bang bằng, cho phân, nước vào xong xuôi đâu vào đấy, chỉ còn có đem giống gieo lên. Nhưng anh suy nghĩ, khi chân bước xuống ruộng để gieo, e sợ chân  mình dẫn lên trên đất, làm cho đất giẽ, do đó lúa không tốt được.

Anh liền nghĩ ra một cách:
Ta nên ngồi trên cái giường bảo người khiên xuống ruộng, mình ngồi trên giường gieo, có thể tránh khỏi chân dẫm giẽ đất.

Bây giờ anh mướn bốn người, mỗi người bưng một cái chân giường, để khiêng anh xuống ruộng gieo giống. Anh đi một mình thì có hai chân, bây giờ biến thành tám chân đạp trên đất ruộng, lại thêm một trọng lượng trên giường, do đó đất trong ruộng càng thêm giẽ cứng.

Chuyện nầy tỉ dụ:
Trong Phật pháp phải khéo giữ gìn đồng ruộng trì giới, khiến phát sanh mầm mộng pháp lành. Nhưng có đa số người tu hành, ban đầu giữ rất kỹ, một giới nhỏ cũng không phạm; nhưng lần lần về sau, giới thô trọng đều hủy phạm, không hề kiêng sợ giữ gìn, mầm mộng Bồ đề làm sao không tiêu hoại? 

Kinh Bách Dụ (phần 9)