Vào khoảng thời gian đời nhà Minh, ở phủ Thường Châu Giang Tô, một gia đình nọ có ba anh em trai. Người anh cả tên là Lữ Ngọc, anh thứ 2 là Lữ Bảo, em út là Lữ Trân.

Con trai của Lữ Ngọc tên là Hỉ Nhi, vào năm sáu tuổi đi chùa chơi với người bạn hàng xóm, sau đó biệt tăm, một đi không trở lại. Lữ Ngọc và vợ là Vương Thị tìm kiếm mỏi mắt cũng không thấy con đâu.

Lữ Ngọc vô cùng đau buồn, từ biệt vợ, quyết định đi khắp nơi buôn bán, mục đích chủ yếu là để tiện dò tìm tung tích của con trai Hỉ Nhi. Mấy năm sau, vào một đêm nọ, Lữ Ngọc đi tới Trần Lưu, tại một quán trọ ông nhặt được một túi bạc, mở ra coi thì thấy có tới khoảng chừng hai trăm lạng bạc. Lữ Ngọc thầm nghĩ: “Người mất của tìm không được, nhất định sẽ rất buồn, nói không chừng cửa nát nhà tan. Cổ nhân dạy nhìn thấy tiền không nhặt, không nhặt của rơi, thì ấy là tích phúc đức. Ta phải ở đây chờ người mất của đến tìm để trả lại cho họ!”

Nghĩ vậy, Lữ Ngọc ở lại quán trọ đợi một ngày đêm, nhưng vẫn không thấy người đến tìm đâu, không còn cách nào ông đành phải tiếp tục lên đường, lại đi đến Túc Châu. Ở đây, ông gặp một người tên là Trần Chiêu Phụng và hàn huyền trò chuyện buôn bán với ông ta. Trần Chiêu Phụng thở dài kể rằng lúc mình ở Trần Lưu đã đánh mất một túi vải, trong túi có hai trăm lạng bạc. Lữ Ngọc hỏi túi vải như thế nào, kết quả so với cái ông nhặt được không sai chút nào. Lữ Ngọc không do dự, liền đem túi bạc trả lại cho Trần Chiêu Phụng. Trần Chiêu Phụng mừng rỡ, muốn chia một phần bạc để trả ơn Lữ Ngọc, nhưng Lữ Ngọc một lòng kiên quyết từ chối không nhận.

Thấy vậy, Trần Chiêu Phụng vô cùng cảm kích, mời Lữ Ngọc về nhà mình chơi. Lúc 2 người đang uống rượu và hàn huyên trò chuyện, Trần Chiêu Phụng nói rằng ông cô con gái lớn, muốn cùng Lữ Ngọc kết làm thông gia. Lữ Ngọc lúc này nước mắt rơi như mưa, kể lại từ đầu đến cuối câu chuyện con trai bị thất lạc. Trần Chiêu Phụng thở dài một tiếng, nói: “Nhà ta có đứa bé trai, là mấy năm trước thấy có người mang bán, ta bỏ ra ba lạng bạc mua về để giúp việc nhà. Bây giờ cậu bé khoảng mười ba tuổi, vậy ta muốn cho cậu bé đi theo đỡ đần huynh, cũng coi như là báo đáp ân nghĩa của huynh vậy”.

Trần Chiêu Phụng gọi cậu con trai kia lên, Lữ Ngọc nhìn thấy vết sẹo trên mắt trái của cậu bé này thì rất lấy làm ngạc nhiên, bởi vì khi Hỉ Nhi 4 tuổi, cũng bị vết sẹo bên mắt trái do bị ngã. Ông liền hỏi cậu bé, “Cậu là người ở nơi nào, ai bán cậu đến đây?“. Cậu bé trả lời: “Cháu chỉ nhớ mang máng là cha tên là Lữ Đại, nhà còn có hai người chú nữa. Hồi nhỏ bị người ta lừa bán đến đây”. Lữ Ngọc nghe xong, ôm lấy cậu bé mà kêu lên: “Ta chính là cha ruột của con, không nghĩ tới sau bao năm thất lạc, lại có thể gặp nhau ở đây!”

Chứng kiến cảnh cha con Lữ Ngọc gặp nhau, Trần Chiêu Phụng vô cùng vui mừng. Lữ Ngọc đứng dậy bái tạ Trần Chiêu Phụng: “Tiểu nhi nếu không có người tốt bụng chăm nuôi, thì sao hôm nay cha con tôi có thể gặp lại nhau đây?”. Trần Chiêu Phụng vội nói: “Là do huynh đức độ trả lại tiền nhặt được, nên trời đã dẫn huynh đến đây để cha con được đoàn tụ”. Vậy là hai nhà quyết định hứa hôn. Trần Chiêu Phụng lấy ra 20 lạng bạc, tặng cho hai cha con làm lộ phí đi đường.

Sáng sớm hôm sau, cha con Lữ Ngọc cáo từ Trần Chiêu Phụng rồi lên đường, khi đi đến một con sông thì nghe thấy tiếng người kêu cứu. Thì ra là có một con thuyền gặp nạn khiến cho bao nhiêu người bị rơi xuống sông. Ở trên bờ, có một nhóm người đang muốn mượn cái thuyền nhỏ ra cứu vớt người đuối nước, nhưng người chủ thuyền lại cứ đòi trả thù lao, đang tranh cãi không thôi.

Lữ Ngọc nghĩ bụng, cứu người một mạn còn hơn xây tòa tháp bảy tầng. Trong tay ta vừa có đủ 20 lạng bạc, tại sao không thưởng cho người chèo thuyền, bảo hắn ra cứu người. Nghĩ vậy, Lữ Ngọc nói với người chủ chuyền: “Mau cứu người, nếu cứu được hết, ta sẽ thưởng cho các ngươi 20 lạng bạc”. Nghe xong mọi người và chủ thuyền lập tức cùng đi ra cứu người, trong chốc lát, cuối cùng tất cả đã được cứu.

Xong rồi Lữ Ngọc phân phát bạc cho mọi người. Những người được cứu đều đến cảm tạ Lữ Ngọc. Trong đó có một người nhìn lữ ngọc kêu lên: “Anh cả, sao lại ở đây?”. Lữ Ngọc vừa nhìn liền nhận ra đó là người em út Lữ Trân: “Là trời đưa ta đến cứu đệ”. Lữ Ngọc đem kể lại đầu đuôi câu chuyện nhặt được tiền cho em trai nghe.

Lữ Ngọc hỏi: “Em vì sao lại đến đây?”. Lữ Trân nói: “Từ sau khi anh đi mấy năm, có người nói anh bị chết ở Sơn Tây, chị dâu đã để tang anh rồi. Dạo này anh hai cứ ép chị dâu tái giá, chị dâu không chịu. Anh mau nhanh về nhà, kẻo lỡ mọi chuyện muộn mất”. Lữ ngọc nghe xong lập tức bảo chủ thuyền chèo thuyền cả ngày lẫn đêm cấp tốc về nhà.

Chuyện là người em thứ 2 là Lữ Bảo lòng dạ bất thiện, nghe nói có người góa vợ ở Giang Tây đang muốn lấy vợ kế, liền đến mặc cả việc gả chị dâu cho hắn, người kia đồng ý trả cho Lữ Bảo 30 lạng bạc.

Lữ Bảo lấy bạc xong rồi nói với người kia: “Chị ta có chút cố chấp, nói nhẹ nhàng vẫn không chịu, vì thế tối nay hãy bố trí người mang theo kiệu hoa lặng lẽ đến nhà ta, không cần nói gì, chỉ nhìn ai đang để tang chồng thì đó là chị ta, cứ bắt đưa lên kiệu rồi mang đi trong đêm luôn. Ta sẽ đi nơi khác tới sáng mới về coi như không biết gì?”.

Lữ Bảo sợ rằng chị dâu không chịu, nên vẫn giữ kín chuyện, mãi đến gần tối hôm ấy mới bảo vợ mình là Dương Thị đến khuyên bảo chị dâu. Dương Thị nói với chị dâu Vương Thị rằng: “Chồng em đã gả chị cho một người ở Giang Tây rồi, chập tối nay họ sẽ đến đón dâu, chị hãy chuẩn bị một chút”.

Vương Thị khóc lên: “Chồng ta dù chết, ta cũng phải thấy tận mắt, ta nhất định phải đợi tam thúc trở về xem thực hư thế nào, sao ta lại khổ vậy!”. Dương Thị đến khuyên tới khuyên lui, Vương Thị nhất quyết vẫn không nghe theo, nói: “Ta bây giờ vẫn đang mang búi tóc chịu tang, làm sao có thể tái giá?”. Dương Thị nghe xong vội vã đi tìm búi tóc khác thay cho Vương thị, cũng là số trời, tìm mãi không thấy, nên vội lấy búi tóc chịu tang của mình đổi cho Vương Thị (theo phong tục thì búi tóc chịu tang của vợ khác với búi tóc chịu tang của người thân).

Đến chập tối, người Giang Tây kia dẫn đèn lồng kiệu hoa đi đến Lữ gia, mở cửa xông vào nhà, thấy người đang mang tang chồng liền bắt lên. Dương Thị la lên: “Không phải ta!”. Nhưng người đến rước dâu cứ theo kế hoạch đã bàn từ trước mà làm, đưa Dương Thị lên kiệu mang đi.

Sáng sớm ngày hôm sau, Lữ Bảo trở về. Vừa vào cửa nhìn không thấy vợ mình đâu, mà chỉ thấy chị dâu trên đầu đội búi tóc tang của vợ mình, trong lòng hoài nghi, vội vã hỏi. Vương Thị kể lại chuyện Dương Thị đổi búi tóc tang cho mình. Lữ Bảo đấm ngực kêu than tự trách mình, ban đầu định bán chị dâu, ai ngờ cuối cùng lại bán chính vợ mình. Hắn oán than bước ra cửa, thì thấy có bốn, năm người tiến đến, không phải là ai khác, chính là anh cả Lữ Ngọc, em út Lữ Trân và cháu trai Hỉ Nhi bước vào. Lữ Bảo không mặt mũi nào gặp họ, vội ra phía cửa sau chạy ra khỏi nhà, không biết đi đâu.

Vương Thị thấy chồng, lại thấy con trai lớn đã về nhà thì vui mừng khôn xiết. Vương Thị kể lại chuyện người Giang Tây cướp em dâu, Lữ Ngọc nói: “Ta nếu tham hai trăm lạng bạc phi nghĩa kia, có thể nào phụ tử lại được gặp nhau! Nếu luyến tiếc 20 lạng bạc, huynh đệ nào có thể tương phùng? Nếu không gặp huynh đệ thì sao mà biết được tin tức của gia đình. Hôm nay gia đình được đoàn tụ, đều là thiên ý cho phép! Nghịch đệ bán vợ, cũng là tự làm tự chịu, bị trời quả báo, quả nhiên không sai”.

Từ đó về sau gia đình nhà Lữ Ngọc càng làm nhiều việc thiện. Sau đó con gái của Trần Chiêu Phụng và Hỉ Nhi kết thân, hai nhà kết thông gia, con cháu đầy đàn, nhiều đời sau có rất nhiều người đỗ đạt thành danh tận hưởng phú quý.

 

Theo Tinh Hoa (Lê Hiếu – dịch từ xinsheng.net).