Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!
Chúng ta tiếp tục giới thiệu về Lâm thị ở Bổ Điền, đây là ví dụ thứ tư, có quả báo của việc hiếu thiện tích đức. Năm đầu của Lâm gia ở Bổ Điền có một vị lão tổ mẫu, thích làm việc thiện thích bố thí, thường làm bánh bao để bố thí cho người nghèo. Năm dài tháng rộng, bà đều bố thí không mệt không chán, hoan hoan hỉ hỉ, mà cứu giúp người nghèo khổ.
[Nhất tiên hóa vi đạo nhân]
Có một vị tiên nhân, hóa làm một đạo sĩ. Tiên hóa thành đạo nhân, chúng ta bất tất phải hoài nghi ông, chúng ta chỉ xem đến “có một đạo nhân nghèo”.
[Mỗi đán sách thực lục, thất đoàn]
Ông ấy mỗi ngày cũng đến nơi này xin đến sáu, bảy cái bánh bao, ông mỗi ngày đều đến.
[Mỗi nhật nhật dữ chi]
Vị lão mẫu này ngày ngày đều cho ông. Ông có được nhiều hơn, người khác chỉ lấy một cái, hai cái; ông mỗi ngày đều lấy đến sáu, bảy cái.
[Chung tam niên như nhất nhật].
Mỗi ngày đều đi như vậy, xin suốt ba năm, lão thái thái này luôn hoan hỉ vui vẻ cho ông ấy.
[Nãi tri kỳ thành dã]. Điều này cho biết lão thái thái bố thí cứu người là xuất phát từ tâm chân thành của bà.
[Nhân vị chi viết]
Đến một ngày vị đạo trưởng nói với lão thái thái, ông nói: “Ngô thực nhữ tam niên phấn đoàn, hà dĩ báo nhữ”.
Tôi ăn của bà hết ba năm, mỗi ngày ăn hết sáu, bảy cái bánh bao, tôi đã ăn hết ba năm, tôi lấy gì để báo đáp cho bà? Ông nói:
[Phủ hậu hữu nhất địa, táng chi.]
Trong nhà của bà có một mảnh đất quý, ông nói: “tương lai sau khi chết đem an táng ở đó”.
[Tử tôn hữu tước, hữu nhất thăng ma tử chi sổ]
Tương lai con cháu của bà, số người được làm quan, nhiều như một thăng hạt mè vậy. Đây là thành tâm cứu người!
[Kỳ tử y sở điểm táng chi, sơ thế tức hữu cửu nhân đăng đệ, lũy đại trâm anh thậm thịnh, Phúc Kiến hữu vô Lâm bất khai bảng chi dao]. (Người con bèn theo chỗ chỉ điểm mà để mộ. Mới đợt đầu đã thấy phát ngay có chín người đăng khoa trúng cử, đời đời quan tước cực thịnh. Ở Phúc Kiến có câu nói: chẳng người họ Lâm nào là chẳng khoa bảng đề danh cả.)
Câu nói này là thật. Lúc trước tôi đã ở Thành phố Kiến Âu tỉnh Phúc Kiến 6 năm, mãi cho đến thời kỳ khánh chiến, trong gia đình của họ đời đời đều có hiền nhân. Hậu nhân của bà đã y theo chỉ điểm của đạo trưởng, đem bà mai táng ở mảnh đất đó. Quả nhiên, đời đầu tiên sau khi mai táng bà, hậu nhân của bà có chín người đậu tiến sĩ, cho nên tại Phúc Kiến có một câu nói rằng: “không một người họ Lâm nào mà chẳng khoa bảng đề danh cả”. Mỗi khi tổ chức khoa cử, người thi đỗ cử nhân, đỗ tiến sĩ, nhà họ Lâm là nhiều nhất. Đây là tổ tiên của họ, vị lão thái thái đó đã dùng tâm chân thành bố thí cứu người, cả đời không biết chán mỏi. “Lũy đại” là chỉ đời đời kiếp kiếp.
“Trâm anh”, đây là nói về chiếc mũ của người làm quan thời xưa. Cái được cài trên mũ gọi là “anh”, tức cái để buộc mũ gọi là anh-giải mũ, còn cái được cài trên tóc gọi là trâm. Đây đều là nói chức quan lớn. Gia tộc này vô cùng hưng vượng, không điều gì không phải nhờ ở tổ tông tích đức. Con cháu kế tục không gián đoạn hành thiện tích đức, giữ vững gia phong, đời đời không kém sút.
Tại Trung Quốc ví dụ này có rất nhiều, nổi tiếng nhất là Phạm Trọng Yêm. Chúng ta tại trong Cổ văn thường đọc thấy “Nghĩa điền kí”, biết được Phạm Trọng Yêm tiên sinh từ nhỏ đã có chí lớn cứu người cứu đời, một đời tích công lũy đức, không mệt không chán. Cho nên, đầu năm Dân quốc, Ấn Quang đại sư tán thán, tổ tiên Trung quốc tích được đại đức, đời sau con cháu đời đời đều hưởng được âm phước của họ, có ba người.
Người thứ nhất là Khổng tử, hơn 2500 năm mà gia đạo không suy, đế vương đời đời đều tôn kính đối với Khổng phu tử. Ngày nay, trong thời đại dân quốc, hậu duệ của Khổng tử ở nước ngòai đều nhận được sự tôn kính của người nước ngoài, đây là dư phước của Phu Tử.
Người thứ hai là Phạm Trọng Yêm, đến đầu năm dân quốc, 800 năm không suy. Đây là người đời Tống.
Người thứ ba, người mà đại sư nói là Diệp trạng nguyên, từ những năm đầu nhà Thanh, cho đến khi nhà Thanh suy, 300 năm không suy. Ấn Quang đại sư cử ra ba người này, là tổ tiên tích phước được dày. Lại xem phía sau vị thứ năm:
[Phùng Trác Am thái sử chi phụ], cha của thái sử Phùng Trác Am.
[Vi ấp tường sinh]. Ấp là huyện. Trường học của huyện, “tường” là trường học, cũng được tính là trường công lập; chỉ lúc ông là học sinh học ở trường do huyện lập, thông thường là nói tú tài.
[Long chung tảo khởi phó học]. Một buổi sáng mùa đông, ông đi đến trường.
[Lộ ngộ nhất nhân, đảo ngọa tuyết trung, môn chi bán cương hĩ].
Ông trên đường nhìn thấy một người, ngã vùi trong tuyết. Ông đến chạm thử vào anh ta, thấy vẫn chưa chết, nhưng đã sớm bị đông cứng rồi.
[Toại giải kỉ miên cừu ý chi]
Bản thân ông đang mặc là áo lông cừu hoặc là y phục bằng da, đây là áo khoác ngoài, ông nhanh chóng cởi áo ra, bao bọc người đó lại.
[Thả phù quy cứu tô]
Mang người này về nhà, cứu sống anh ta. Đây là cứu một mạng người, nhà Phật thường nói: “cứu một mạng người, còn hơn xây bảo tháp bảy tầng”. Câu nói này ý nghĩa sâu sắc. Người ta chỉ biết xây dựng chùa miếu. “Phù đồ” là bảo tháp, “thất tầng” chính là bảo tháp bảy tầng, công đức xây dựng này rất lớn. Hiện tại lại còn tạo tượng Phật lớn, đại khái công đức của tạo tượng Phật so với công đức xây dựng bảo tháp càng lớn hơn. Tôi lại nghĩ đến câu nói này của cổ nhân, cứu một mạng người còn thù thắng hơn tạo tượng Phật Bồ tát cao một trăm mét, không chỉ là bảo tháp bảy tầng. Bạn tạo tượng Phật Bồ tát to như vậy có tác dụng gì? Ngày nay người khổ nạn trên thế gian quá nhiều, có bao nhiêu người sắp bị đói khổ, không có ăn, không có mặc, sinh bệnh không có thuốc uống, đáng thương biết bao! Tạo một tượng Phật to như thế, dựng một bảo tháp phải tốn hết bao nhiêu tiền của, bạn đem số tiền đó đi cứu tế dân khổ nạn, những người dân sắp bị đói khát này, tôi tin rằng công đức của bạn là vô lượng vô biên. Cứu một mạng người quả báo là bất khả tư nghì, được phước lớn như vậy, bạn nếu như có thể cứu sinh mạng của ngàn vạn người, tôi tin rằng con cháu đời sau của bạn làm quan rất nhiều, cũng như vị đạo sĩ phía trước đã nói, số người cũng có thể nhiều như một thăng hạt mè. Vậy tại sao lại không làm chứ? Chúng ta phải suy nghĩ kĩ, cái gì là công đức chân thật, ở đây có tiêu chuẩn. Hễ là chân chánh khiến cho tất cả khổ nạn chúng sanh có được chỗ tốt, có được lợi ích, công đức này là chân thật; nếu như khiến cho tất cả chúng sanh không có được lợi ích chân thật, công đức này là giả.
Cho nên tôi rất không tán thành tạo những tượng Phật lớn. Có người nói, tượng Phật lớn đặt tại địa phương này thì người nơi đây được bình an. Chưa chắc, đây là mê tín. Một vùng được phước, một vùng được bình an, là dựa vào cái gì? Dựa vào giáo hóa, dựa vào cải biến nhân tâm. Hiện tại lòng người ở thế gian này, tòan thế giới cơ hồ không ngoại lệ, đều là tự tư tự lợi ngày ngày đang tăng trưởng, tham sân si mạn ngày ngày đang tăng trưởng, đây là căn nguyên của tai họa. Tạo một tượng phật lớn thì có thể đem nó trấn định ở đó, nào có đạo lí này! Nếu muốn hóa giải tai nạn thì phải đề xướng giáo dục; giáo dục Phật giáo. Giáo dục Phật giáo là dạy về tu trí huệ, là dạy về lòng từ bi, dạy về tình thương yêu, hướng dẫn cho mọi người biết xả bỏ tự tư tự lợi, buông xả danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, hi sinh phụng hiến vô điều kiện, để giúp đỡ xã hội, giúp đỡ tất cả người dân khổ nạn, Phật dạy chúng ta những điều này. Chúng ta minh bạch rồi, chân chánh chịu y giáo phụng hành, chúng ta tự mình được độ, cũng chân thật có thể tạo phúc cho xã hội, tạo phúc cho mọi người, đây là giáo huấn của Phật Đà.
Giả như nói tạo bảo tháp, tạo tượng Phật công đức chân thật có bao nhiêu lớn, Thích Ca Mâu Ni Phật lúc còn tại thế, tại sao lại không tạo tượng Phật lớn? Tại sao không đi xây dựng bảo tháp lớn? Chúng ta xem xem trong truyện kí của Thích Ca Mâu Ni Phật, lúc Lão nhân gia còn tại thế, một đời giảng kinh thuyết pháp suốt 49 năm, ngoại trừ việc giảng kinh thuyết pháp dạy học, ngài không làm việc gì khác. Phật cũng không làm pháp hội thủy lục gì cả, cũng không bái sám gì hết, thậm chí cho đến đả Phật thất, đả thiền thất mà ngày nay nói đến, chúng ta tại trên kinh điển đều tìm không thấy. Đây là người đời sau làm, Phật Bồ Tát không làm cái sự việc này. Chúng ta học Phật, nhất định phải hướng đến Phật Bồ tát mà học tập. Phật Bồ tát ở tại nơi đâu? Kinh điển. Chúng ta nhất định phải y cứ vào lí luận, vào phương pháp trên kinh điển mà tu học, phải bắt chước Phật Bồ Tát, học tập Phật Bồ Tát, đây mới là học trò chân chánh của Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng ta tại chỗ này xem thấy Phùng Trác Am cứu một mạng người, cảm ứng mà ông có được là:
[Mộng thần cáo chi viết]
Đây là buổi tối nằm mộng, mộng thấy một thiên thần đến nói với ông:
[Nhữ cứu nhân nhất mạng, xuất chí thành tâm, ngô khiển Hàn Kì vi nhữ tử.] (Ngươi do tâm chí thành cứu được một mạng người, ta sẽ khiến Hàn Kỳ đầu thai vào làm con ngươi.)
Đây là nói đến luân hồi. “Hàn Kỳ” là người đời Tống, thời đại Tống Anh Tông, Tống Thần Tông, ông làm tể tướng mười năm, cũng đã từng làm nguyên soái, là một người rất tài giỏi, văn võ toàn tài; từ trên lịch sử chúng ta đọc đến, ông rất được sự tôn trọng của người đương thời và hậu thế. Vào lúc đó, ông nổi danh ngang với Phạm Trọng Yêm, hai người họ là sống cùng thời. Thân phụ của Phùng Trác Am làm được việc tốt này nên vị thần này đến nói: Ta sẽ cho Hàn Kì đến làm con của ngươi.
[Cập sanh Trác Am, toại danh Kỳ] (Đến khi sinh ra Trác Am bèn đặt tên Kỳ).
Trác Am là tự của ông, tên của ông là Kì. Cha của ông dùng cái tên này, chính là vì trong mộng có sự việc này. Quả nhiên, ông làm quan đến chức Thái sử, thái sử chính là làm quan tại Hàn Lâm Viện có từ trước đó. Lại xem phía sau cử ra ví dụ thứ sáu:
[Đài châu Ứng thượng thư]
Ở Đài châu tỉnh Chiết Giang có một vị Ứng Đại Do Thượng Thư, Thượng Thư nói theo cách hiện nay chính là Bộ Trưởng, ông làm quan đến chức Bộ Trưởng.
[Tráng niên học tập nghiệp ư sơn trung]. “Tập nghiệp” là chỉ cho việc đọc sách; tại trong núi học hành. Lúc trước, người đọc sách hơn một nửa là ở nhờ trong các tự viện; tự viện xác thực là đã cung cấp nơi học tập tốt nhất cho người đọc sách. Thời xưa trường học không nhiều, một huyện thông thường chỉ có một trường học, gọi là huyện học, cho nên rất khó tìm được môi trường học tập. Ngoại trừ chùa miếu, đó chính là những gia đình giàu có. Trong gia đình giàu có cất chứa rất nhiều sách, họ mời thầy giáo đến tại gia đình mình dạy cho con em của họ; đây gọi là tư thục. Số lượng sách trong tàng thư đó đều không thể quá nhiều, cho nên tàng thư có đại quy mô đều ở tại tàng kinh lâu của tự viện, tàng kinh lâu chính là thư viện mà hiện nay chúng ta nói đến. Tàng kinh lâu trong tự viện không chỉ có chứa kinh Phật, mà tại Trung quốc, Nho gia, Đạo gia, Bách gia chư tử, cơ hồ toàn bộ đều thâu chứa trong đó. Người xuất gia chân chánh có học tập, chân thật có tu dưỡng thân tâm và đức hạnh, nên họ đều là những thầy giáo vô cùng tốt. Do đó người đọc sách thời xưa, tức tú tài, thông thường đều muốn đến chùa miếu để thân cận với người xuất gia, trong chùa miếu còn có tàng thư rất phong phú, nếu có chỗ nào không hiểu, đều có thể hướng đến người xuất gia mà thỉnh giáo. Mà việc người xuất gia hướng dẫn cho họ đều là một việc nên làm, đây là công đức tu tích trong nhà Phật, là việc tích thiện. Thế nhưng phật giáo thời hiện đại, tự viện đều đã biến chất rồi, hòan tòan không giống như trước đây. Thời xưa đây là nơi để dạy học, hiện tại đã biến thành nơi để làm kinh sám, là nơi làm việc với quỷ thần, điều này chúng ta nhất thiết phải biện biệt cho rõ ràng. Ông học tập trong núi; vì là trong núi, nên nhất định là ông cư ngụ trong chùa miếu.
[Dạ quỷ khiếu tập]. Buổi tối ở nơi này ma quỷ rất nhiều.
[Vãng vãng kinh người, công bất cụ dã]. Ở nơi hoang dã, những nơi này yêu quái và ma quỷ xác thực là có. Người thiếu can đảm sẽ không dám ở, Ứng tiên sinh là người can đảm, tâm địa lại chân chính, không sợ tà ma quỷ quái. Cho nên ông không sợ, ông vẫn cứ như cũ ở trong núi đọc sách.
[Nhất tịch văn quỷ vân]. Có một ngày nọ vào buổi tối, ông nghe được bọn quỷ đang nói chuyện với nhau.
[Mỗ phụ dĩ phu cửu khách bất quy, ông cô bức kỳ giá nhân, minh dạ đương ải tử ư thử, ngô đắc đại hĩ.]
Con quỷ này nói chuyện, nó nói có một người kia, người phụ nữ này bởi vì chồng của cô ta xa nhà đã quá lâu rồi mà vẫn chưa về, đại khái là cha mẹ chồng của cô ta cho rằng con trai của họ đã chết rồi, nên bức ép người con dâu này đi tái giá, người con dâu này không muốn, nên cô ta liền khởi lên ý niệm, ngày mai sẽ đến nơi này để treo cổ tự tử. Do đó con quỷ này, chúng ta liền biết được, đó là con quỷ treo cổ. Quỷ treo cổ này muốn tìm thế thân, nếu nó tìm không thấy thế thân, thì không cách gì đi đầu thai được. Điều này trong Phật Pháp nói không nhiều, nhưng trong Đạo giáo thì nói được rất nhiều, đối với sự viêc này nói được rất nhiều.
Phàm là những người bị hoạnh tử (chết đột ngột), tự sát, đều phải tìm được thế thân. Cho nên tự sát rất khổ sở, cái sự việc này vạn vạn lần không được làm! Đạo gia có nói với chúng tôi, người tự sát, cứ bảy ngày họ phải tái hiện lại cảnh chết một lần, cho nên vô cùng thống khổ. Treo cổ tự tử, cứ bảy ngày lại phải treo cổ một lần, đến khi nào tìm được thế thân, đến lúc đó họ mới có thể thoát thân; người nhảy lầu tự tử, cứ bảy ngày họ lại nhảy lầu một lần. Bạn nói xem như vậy có đáng thương hay không? Cho nên người dù có bất đắc dĩ đến thế nào, cũng không thể có ý niệm tự sát; đây quyết định là hành vi sai lầm, tuyệt đối không thể được! Cho là bạn tìm được thế thân, bạn đi đầu thai, vẫn là tùy theo nghiệp lực mà lưu chuyển, khổ không thể nói! Con quỷ treo cổ này cũng rất khó có được, vì ngày mai có người đến treo cổ, nên nó có thể tìm được thế thân, có thể đi đầu thai. “Ngô đắc đại hĩ”, tức nó được thay thế rồi.
[Công tiềm mại điền, đắc ngân tứ lạng, tức ngụy tác kì phu chi thư, kí ngân hoàn gia.]
Ứng thượng thư nghe được quỷ nói chuyện, trong tâm anh ta liền có chủ ý. Sáng sớm hôm sau ông liền quay về, vội vàng đem mảnh đất của mình bán đi, bán đi mấy mẫu đất, được bốn lạng bạc, lại viết một phong thư, ngụy tạo là người con trai của họ viết thư gửi về nhà, kèm theo cả bốn lạng bạc nữa, vội vàng gửi đến gia đình đó. Trong nhà này, cha mẹ của anh ta vừa nhìn thấy: “con trai có thừ từ gửi về liền nghĩ là chưa chết”.
[Kỳ phụ mẫu kiến thư, dĩ thủ tích bất loại, nghi chi]. Bút tích này không giống nên liền hoài nghi.
[Kế nhi viết: Thư khả giả, ngân bất khả giả, tưởng nhi vô dạng, phụ toại bất giá, kỳ tử hậu quy, phu phụ tương bảo như sơ].
Ứng thượng thư cứu được một mạng người. Cặp vợ chồng này nhìn thấy có người gửi thư về, lại có gửi cả bạc nữa, tuy nhiên bút tích của bức thư không giống, nhưng lại nghĩ bạc là thật. Tóm lại không thể nói vô duyên vô cớ mà người ta lại gửi bạc cho mình, nghĩ ngợi thấy nhất định là con trai mình bình an vô sự, cho nên cũng không ép buộc người con dâu phải cải giá nữa. Cứu được một mạng người con dâu, Ứng thượng thư đã cứu được một mạng này. Nhưng không chỉ cứu một mạng người, mà là còn thành toàn cho một cặp vợ chồng, bảo toàn cho họ không dẫn đến phân li. Cho nên con trai của ông ta về sau quả nhiên quay trở về. Ứng tiên sinh đã làm được một việc âm đức, ông làm việc này không một ai hay biết. Sau khi làm ra sự việc này:
[Công hựu văn quỷ ngữ viết, ngã đương đắc đại, nại thử tú tài hoại ngô sự]
Vốn dĩ nó có thể tìm được thế thân rồi, nào ngờ lại bị vị tú tài này phá hoại mất, vị tú tài này là chỉ Ứng Đại Do tiên sinh, bị ông phá hoại mất.
[Bàng nhất quỷ viết, nhĩ hà bất họa tha].
Bên cạnh có một con quỷ khác, nó nói: tại sao anh không đi hại hắn?
[Viết: thượng đế dĩ thử nhân tâm hảo, mệnh tác âm đức thượng thư hĩ, ngô hà đắc nhi họa chi].
Con quỷ treo cổ này liền nói: thượng đế biết người này có tâm tánh tốt, đã phê chuẩn cho anh ta làm âm đức thượng thư, tôi sao có thể làm hại anh ta được chứ?
[Ứng công nhân thử ích tự nỗ lệ, thiện nhật gia tu, đức nhật gia hậu.]
Ứng Đại Do nghe thấy cuộc đối thoại này của quỷ, bản thân càng thêm nỗ lực, biết việc làm này là đúng. Thượng đế phê chuẩn cho ông làm âm đức thượng thư, bản thân ông nào có biết? Câu này ý nói, tương lai ông có mạng làm bộ trưởng, con quỷ này đem tin tức này tiết lộ ra cho ông. Cho nên, ông càng thêm nỗ lực đoạn ác tu thiện. Vì vậy thiện của ông ngày càng tăng trưởng, đức của ông ngày càng dày hơn.
[Ngộ tuế cơ, triếp quyên cốc dĩ chẩn chi, ngộ thân thích hữu cấp, triếp ủy khúc duy trì, ngộ hữu hoành nghịch, triếp phản cung tự trách, di nhiên thuận thụ].
Đây đều là biết quay đầu là bờ, biết làm sao để làm việc thiện. Hoang niên (năm ruộng đất bỏ hoang, đói kém), thời điểm gặp phải đói kém, ông quyên lúa gạo đi cứu tai, cứu người. Khi gặp phải họ hàng thân thích có việc cần cấp, ông đều là “ủy khúc”, ủy khúc chính là bản thân nỗ lực hết mình, cứu giúp người khác, giải quyết khổ nạn cho người khác. Nếu gặp phải cảnh nghịch lòng, người khác vũ nhục ông, hủy báng ông, gặp phải những sự việc như thế, ông đều là phản cung tự trách, đây là học tập Đại Thuấn, tuyệt đối không trách cứ người khác. Ông tự thấy bản thân làm chưa đủ tốt, không thể khiến người khác sinh tâm hoan hỉ, lỗi không phải tại người mà là tại chính mình, bản thân mới có thể tu thiện, mới có thể tăng trưởng đức hạnh cho bản thân. Cho nên những cảnh nghịch ý đều có thể “di nhiên thuận thụ-vui vẻ thuận nhận”, di nhiên là hoan hỉ, vui vẻ, thuận chịu những việc trái nghịch xảy đến. Đây đều là sự thực của tích thiện tích đức, bản thân ông về sau làm Thượng Thư, làm đến chức Bộ Trưởng.
[Tử tôn đăng khoa đệ giả, kim lũy lũy dã].
Hậu nhân của ông, “đăng khoa đệ” là thi đỗ tiến sĩ, có rất nhiều! Thế hệ sau của ông rất tốt.
Thí dụ thứ bảy: Việc của Từ Phụng Trúc.
[Thường thục]. Đây là huyện Thường Thục, tỉnh Giang Tô, có một vị Từ Phụng Trúc tiên sinh.
[Từ Phụng Trúc Thức, kì phụ tố phú, ngẫu ngộ niên hoang, tiên quyên tô dĩ vi đồng ấp chi xướng, hựu phân cốc dĩ chẩn bần phạp.]
Đây là một người thiện, nhà của ông ấy rất giàu có. Ngẫu nhiên gặp phải năm mất mùa, hoặc là hạn hán, hoặc là thủy tai, thu hoạch không tốt, ông trước tiên liền đem số điền tô-tức tiền thuế mảnh ruộng này mà đáng ra ông nên thu hòan toàn đều bỏ hết, không thu nữa. Những người giàu có trước đây, Trung Quốc từ xưa có một quan niệm gọi là trí hằng sản (cất giữ tài sản), cũng như hiện nay chúng ta nói là bất động sản. Bất động sản thì tương đối đáng tin, nhưng người hiện tại, người có quan niệm như vậy không nhiều. Người xưa có tiền đều là đi mua đất, mua núi, đây gọi là hằng sản. Bất kể là gặp phải tai nạn như thế nào, đất đai của họ tóm lại vẫn còn đó, hằng sản của họ không thể bị phá hủy. Không giống như hiện tại, hiện tại công thương nghiệp vô cùng mong manh, một khi gặp phải thời kỳ khủng hoảng kinh tế, thì gặp tổn thất rất nặng. Trước đây, người xưa là có quan điểm này, chúng ta suy nghĩ thấy vẫn còn rất chính xác.
Năm ngoái tôi đi Malaisia, ở tại sơn trang của cư sĩ Lí Kim Hữu, Lí Kim Hữu vẫn còn có quan niệm truyền thống Trung Quốc, ông đến nhiều nơi mua đất. Ông nói với tôi, ông không trữ tiền, quyết định không đem tiền gửi ngân hàng, ông nói: “đem tiền gửi ngân hàng là việc ngu ngốc, tiền của tôi gửi tại ngân hàng, gửi nó để tiết kiệm tiền, tôi chỉ có được chút xíu tiền lãi”. Ông không làm cái sự việc này. Tôi nói: Vậy ông làm gì? Ông nói: Tôi mua đất. đến nhiều nơi mua đất. Cho nên tại Kuala Lumpur, ông mở ra một khách sạn cấp sáu sao, diện tích khu đất này là 3000 mẫu Anh. Người ngoại quốc dùng một mẫu Anh, tương đương với sáu mẫu đất ở Trung Quốc; ba ngàn mẫu Anh, ba lần sáu, một vạn tám ngàn, mẫu Trung Quốc là một vạn tám ngàn mẫu (Một mẫu (亩/畝) bằng khoảng 667 m² hay 16 phương trượng (mỗi phương trượng bằng khoảng 11,111 m²). Khoảng 16 mẫu bằng một hecta sau này.).
Một khu đất lớn như vậy. Ông ấy tại Kuching mua một ngọn núi, diện tích bao nhiêu? năm ngàn mẫu Anh, năm lần sáu là ba mươi ngàn, tức ba vạn mẫu Trung Quốc. Đều rất lớn, chỉnh lí được rất tốt. Ông nói với tôi, ông tại Úc Châu cũng mua vài khu đất. Tôi hỏi: bao lớn? ông ta nói: lớn xấp xỉ như Tân Gia Ba. Tôi nói: ông kinh doanh ra sao? Ông nói: hiện tại vẫn chưa khai phát. Lần này tôi đi, ông nói với tôi, khu đất đó tổng cộng là tám vạn mẫu Anh. Tám vạn nhân sáu, con số này không cách gì tuởng tượng nổi! Đây là khu đất lớn nhất, vẫn còn có hai khu đất nhỏ hơn, là một vạn mẫu Anh. Có một nơi nhỏ nhất, phong cảnh nơi đó vô cùng đẹp, ông chuẩn bị ưu tiên khai phá nó trước, có hơn hai ngàn mẫu Anh. Cho nên tôi nghe được rất hoan hỉ, tôi nói: ông đến Úc Châu khai phát, tôi sẽ đi xem thử. Cho nên người xưa Trung Quốc cất giữ tiền của vào việc mua núi, mua đất, đây là một khái niệm rất chính xác.
Ông có nhiều đất đai như vậy, nhất định là thuê nông dân canh tác. Nông dân không có ruộng đất, họ thuê đất từ địa chủ, mỗi năm gieo trồng nộp tô; trong thành quả thu được, một phần lúa gạo được nộp cho chủ đất, chủ đất thu tô. Cha của Từ Phụng Trúc là một địa chủ, ông gặp phải năm mất mùa, ông liền đem tô thuế hoặc là giảm xuống, hoặc là thảy đều cho hết, hòan toàn không thu; ông lại còn đề xướng cứu tai. “Hựu phân cốc dĩ chẩn bần phạp”, kho gạo trong nhà ông, ông thảy đều đem hết ra để chửng cứu cho những người dân nghèo khổ, ông thường làm những việc tốt như vậy.
[Dạ văn quỷ xướng ư môn viết].
Trong đêm ông từng nghe thấy tiếng quỷ ca hát trước cửa nhà ông, chúng ca hát cái gì?
[Thiên bất cuống, vạn bất cuống, Từ gia tú tài tố đáo liễu cử nhân lang, tương tục nhi hô, liên dạ bất đoạn].
Quỷ ở trước cửa nhà ông kêu réo như thế. Từ gia tú tài, lúc đó chính là Từ Phụng Trúc, Từ Phụng Trúc là tú tài, chính là nói, cha của ông làm những việc tốt này, quả báo ông sẽ nhận được, ông đi thi, nhất định sẽ trúng cử nhân.
[Thị tuế, Phụng Trúc quả cử ư hương]
Từ Phụng Trúc quả nhiên vào kì thi năm đó đậu cử nhân.
[Kì phụ nhân nhi ích tích đức, tư tư bất đãi, tu kiều tu lộ, trai tăng tiếp chúng, phàm hữu lợi ích vô bất tận tâm.]
Cha ông nghe thấy quỷ hát lên như thế, quả nhiên con trai ông thi đậu cử nhân, chân thật là có hiệu nghiệm, cho nên ông càng đặc biệt nỗ lực tu thiện. “Ích” là tăng trưởng, đặc biệt nỗ lực làm thiện, cố gắng không ngừng. “Tu kiều tu lộ-sửa cầu bồi lộ”, đây là cử ra một vài ví dụ ông làm lợi ích, làm thuận tiện cho người đi đường. “Trai tăng tiếp chúng”, trai tăng là thỉnh mời người xuất gia ăn cơm; tiếp chúng là tiếp cứu lương thực cho mọi người.
Ở đây có nói đến “trai tăng”, lợi ích của trai tăng ở chỗ nào? Tại sao phải làm việc này? Vào thời Minh triều, Thanh triều, phong trào này rất hưng thịnh; hiện tại ở Trung quốc và nước ngoài, vẫn còn rất thịnh hành. Cư sĩ tại gia dùng tài vật để cúng dường trai tăng, mong cầu tu phước. Mà những người xuất gia thọ nhận sự cúng dường này, phải vì họ mà thuyết pháp; câu này ý nói, phải hướng đạo cho họ. Người tại gia đối với người xuất gia là tài bố thí; người xuất gia đối với người tại gia là pháp bố thí, trai tăng chính là cầu pháp.
Chúng ta tại trên Kinh Lăng Nghiêm xem thấy, Thích Ca Mâu Ni Phật tiếp nhận sự cúng dường trai tăng của quốc vương đại thần, thông lệ là sau khi dùng trai xong quyết định phải giảng kinh thuyết pháp, ngày nọ sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật tiếp nhận sự cúng dường trai tăng xong, ngài không thuyết pháp mà lại chuẩn bị ra về. Những trai chủ này không để cho Thích Ca Mâu Ni Phật ra về, nói rằng: “Ngài vẫn chưa thuyết pháp cho tôi, tôi đi theo Ngài”. Vốn dĩ Thích Ca Mâu Ni Phật phải đi làm một chuyện, là làm việc gì? A Nan tôn giả gặp nạn, trước tiên phải đi cứu ông ấy. Pháp hội Lăng Nghiêm là do nhân duyên này mà có, những người cúng dường trai tăng đó đều tham dự pháp hội giảng kinh Lăng Nghiêm. Trai tăng như vậy chân thật có công đức, có lợi ích chân thật. Những người xuất gia này có đạo đức, có học vấn, có tu dưỡng, là đạo sư của đại chúng xã hội, dùng lời nói hiện tại thì đó là thầy giáo đa nguyên văn hóa; họ chân chánh làm đến hi sinh phụng hiến một cách triệt để, là cầu học vấn, là giáo hóa chúng sanh, phụng hiến cả một đời.
“Tiếp chúng” là nói đến những người khổ nạn, tiếp là tiếp tế, họ nghèo đói hoặc là thất nghiệp, họ không có cơm ăn, không có áo mặc, không có vật dụng; cha của Phụng Trúc, gia đình ông giàu có, chỉ cần gặp được đều hoan hỉ đi giúp đỡ họ. “Phàm hữu lợi ích, vô bất tận tâm”, chỉ cần là việc có lợi ích cho xã hội, có lợi ích cho đại chúng, không việc gì là ông không tận tâm tận lực đi làm. Vì trong mạng có tài phú, cho nên ông làm người như vậy là rất đúng. Tài phú tuyệt đối không phải là cúng dường cho một người hưởng, một nhà hưởng. Trong mạng của bạn có tài phú, bạn phải biết, bạn là có sứ mạng, bạn có trách nhiệm phải đi tương trợ cho tất cả người khổ nạn trên thế gian này, như vậy tài phú của bạn đời đời kiếp kiếp đều hưởng không hết! Tài từ đâu mà tới? Tài từ bố thí mà đến, càng thí càng nhiều. Ông làm như vậy, sau đó lại nghe được quỷ ca hát trước cửa nhà ông, ca rằng:
[Thiên bất cuống, vạn bất cuống, Từ gia cử nhân, trực tố đáo đô đường]. Chức quan càng ngày càng lớn.
[Phụng Trúc quan chung lưỡng Chiết tuần phủ]
“Tuần phủ”, chính là tỉnh trưởng hiện nay, làm đến tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang. Có thể thấy được, người đời trước tích công lũy đức, quả báo thù thắng không gì sánh được. Chúng ta nghĩ, con cháu ông ta đều hưởng được phước báu lớn như thế, còn bản thân ông thì sao? Bản thân ông nhất định là càng lớn hơn thế nữa. Thế nhưng bản thân ông đã không còn tại thế, quả báo của bản thân ông là ở đời sau. Phàm là người tích công lũy đức như thế, nếu ông ta còn sinh ra tại thế gian thì đời sau của ông ta phước báu nhất định là bất khả tư nghì; nếu như đời sau không sinh ra tại thế gian, quyết định là lên trên trời hưởng phước. Phước của con cháu đời sau của ông rất dày, đây gọi là dư phước, chư vị nhất định phải hiểu được ý nghĩa này “tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”, đây là dư phước để lại cho con cháu, phước báu của bản thân so với con cháu hưởng được nhất định là càng vượt hơn rất nhiều lần, chúng ta phải hiểu được cái đạo lí này. Thiện không thể không tu, không thể không tích, tích thiện nhất định có quả báo tốt.
Hôm nay chúng tôi chỉ giảng đến đây.
Website Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ dịch giả Diệu Âm đã gửi tặng các bài dịch từ pháp âm “Liễu Phàm Tứ Huấn” do Hoà Thượng Tịnh Không giảng tại Trung Quốc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.