Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!
Chúng ta tiếp tục xem đoạn sau cùng của bán và mãn.
[Hựu vi thiện nhi tâm bất trước thiện, tắc tùy sở thành tựu, giai đắc viên mãn, tâm trước ư thiện, tuy chung thân cần lệ, chỉ ư bán thiện nhi dĩ, thí như dĩ tài tế nhân, nội bất kiến kỉ, ngoại bất kiến nhân, trung bất kiến sở thí chi vật, thị vi tam luân thể không, thị vi nhất tâm thanh tịnh, tắc đẩu túc khả dĩ chủng vô nhai chi phúc, nhất văn khả dĩ tiêu thiên kiếp chi tội, thảng thử tâm vị vọng, tuy hoàng kim vạn dật, phúc bất mãn dã, thử hựu nhất thuyết dã.]
(Hơn nữa làm việc thiện mà lòng không chấp trước vào điều thiện đó, thì làm thiện ở đâu cũng đạt công đức trọn vẹn. Nếu trong tâm dính mắc vào việc thiện đó, thì dù suốt đời siêng năng làm thiện nhưng công đức chỉ được một nữa mà thôi. Ví như dùng tài vật giúp người: Nếu trong không thấy mình cho, ngoài không thấy người nhận, giữa không thấy vật được cho, mới gọi là Tam-Luân-Thể-Không. Bố thí với tấm lòng thanh tịnh như vậy thì dù bố thí một phễu thóc cũng có thể trồng thành vô lượng phước đức. Dù bố thí một đồng tiền cũng có thể tiêu trừ được ngàn kiếp nghiệp tội. Nếu làm thiện mà ghi nhớ trong lòng, thì dù bố thí ngàn lượng vàng, phước đức vẫn không trọn vẹn. Đây cũng là một ví dụ về bán thiện và mãn thiện vậy.)
Bán-mãn được nói đến trong đoạn này, mới được xem là cứu cánh. Thế nhưng, việc này không phải là điều phàm phu có thể làm đến được. Do đây có thể biết, chúng ta nói về bán thiện, nói về mãn thiện; bán thiện vẫn còn có cấp bậc, không thể dùng một khái niệm này để nói. Nếu như dùng tiêu chuẩn được nói ở đây, phía trước mãn thiện đã nói đều là bán, đều không thể viên mãn chân chánh, đến “tam luân thể không”, mới là chân chánh viên mãn. Tam luân thể không, ai có thể làm được? Pháp thân Bồ Tát mới có thể làm đến được; không chỉ lục đạo chúng sanh không làm được, mà ngay cả Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát trong tứ thánh pháp giới cũng không thể làm được. Tại sao? Người không thể vô tâm, câu này ý nói, họ có vọng tưởng phân biệt chấp trước, tiêu chuẩn này liền không thể áp dụng được; khi nào đem vọng tưởng phân biệt chấp trước đoạn tận, thì đạt tiêu chuẩn này. Cho nên tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn của pháp thân Bồ Tát, chúng ta phải biết. Biết được sẽ có chỗ lợi, là lợi ích gì? Hành thiện không thể tự cho là viên mãn đầy đủ, có chỗ lợi này, bất luận là tích được bao nhiêu công đức thì trong tâm mình vẫn là cảm thấy không đủ nhiều, vẫn là rất ít, vậy mới tốt. Không thể tự cho là đã viên mãn, bạn mới có thể nhận chân nỗ lực phát tâm đi làm thiện. Đạo lí này bạn minh bạch rồi, mới biết được chư Phật Bồ Tát việc hành thiện của họ niệm niệm viên mãn, bất luận thiện hạnh họ tu được là lớn hay nhỏ, không một thứ gì không viên mãn. Tại sao? Bởi vì họ không có vọng tâm, họ dùng là chân tâm, dùng là bổn tánh, chân tâm bổn tánh là viên mãn. Cho nên, dùng chân tâm bổn tánh để hành sự, không một điều gì là không viên mãn; đạo lí là tại chỗ này. Đây chính là lí do vì sao chúng tôi học Phật, vì sao phát nguyện làm Phật.
Chúng tôi bây giờ đem đoạn văn này sơ lược giải thích một lần. “Vi thiện nhi tâm bất trước thiện”, không phân biệt, không chấp trước; “tắc tùy sở thành tựu, giai đắc viên mãn”, đều là viên mãn, đều là việc thiện viên mãn. Nếu như “tâm trước ư thiện, tuy chung thân cần lệ, chỉ ư bán thiện nhi dĩ”; nếu như bạn chấp trước tướng tu thiện, thì cho dù cả đời bạn nỗ lực cố gắng tu thiện, vẫn là bán thiện mà thôi. Nguyên nhân tại sao? Tâm thiện của bạn có xen tạp, trong tâm bạn có chấp trước chính là xen tạp, xen tạp chấp trước thì không thiện. Cho nên việc thiện của bạn không tinh thuần thì chỉ được bán thiện mà thôi. Phía sau cử ra để chứng minh. “Thí như dĩ tài thí nhân”, tu tài bố thí thì nên phải “nội bất kiến kỉ”, sau khi ta tu tài bố thí, không chấp trước có ta, “ta bố thí, ta dùng bao nhiêu tài vật để bố thí”, anh ta chấp trước thấy có ta, cái tâm này liền không chân thật, không tinh thuần nữa. “Ngoại bất kiến nhân”, người mà ta bố thí đó, cũng không được để trong tâm; “ta bố thí, anh ta tiếp nhận sự bố thí của ta”, bạn vĩnh viễn không thể quên được, đây chính là vọng tưởng phân biệt chấp trước của bạn, sẽ đem tâm thuần thiện của bạn phá hoại mất. Vẫn còn phải “trung bất kiến sở thí chi vật”, bạn bố thí bao nhiều tiền tài, không cần phải đi tính toán. Thường hành bố thí, thường có tâm “ta bố thí, người nào đó nhận sự bố thí của ta, ta bố thí hết bao nhiêu tài vật”. Tâm hành bố thí như vậy, bố thí cả một đời vẫn chỉ là bán thiện.
Vậy phải làm như thế nào mới là “mãn thiện”? Tân Gia Ba có cư sĩ Hứa Triết, hiện tại có rất nhiều người đều biết bà. Chúng tôi đi thăm bà, làm thành một đĩa Video, hiện tại mỗi người chúng ta đều có thể tùy ý lưu thông đến tòan thế giới. Bà ấy năm nay 102 tuổi, một đời tu bố thí, việc bố thí của bà là viên mãn. Tài vật mà bà bố thí không nhiều, nhưng ngày ngày đều làm, không một ngày nghỉ ngơi. Bà được quả báo viên mãn, mọi người xem thấy được vô cùng ngưỡng mộ bà: 102 tuổi, thân thể khỏe mạnh, một chút bệnh tật cũng không có. Tôi tỉ mỉ quan sát thấy, bà chỉ rụng mất một cái răng, tình trạng thân thể của bà cùng với người ba, bốn mươi tuổi như nhau. Cho nên bà thường nói: “Chúng ta muốn trường thọ, chúng ta không muốn già, chúng ta không muốn bệnh.” Bà một đời chưa từng bị bệnh, sống đến 102 tuổi, tinh thần vẫn sáng suốt, ngày ngày vì những người già, người bệnh mà phục vụ, sự phục vụ này chính là một cách bố thí. Ngoại tài bố thí, nội tài bố thí, bà chân thật làm được đến “tam luân thể không”. Bà không biết có bản thân, bà cũng không thấy có người khác, người bà bố thí, người thọ nhận ân huệ đặt ở trong tâm, bà không có, tâm điạ bà hoàn toàn trống không, thanh tịnh. Cũng không có nghĩ đến: “Tôi hôm nay đã làm bao nhiêu điều, làm bao nhiêu việc tốt”, không hề có ý niệm này, bà chân chánh làm đến tam luân thể không. Cho nên quả báo của bà rất thù thắng, không ai có thể bằng được bà, tâm địa chân thành thanh tịnh từ bi, giống như trong “Đàn kinh” có nói: “Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”. Tôi ở tại Tân Gia Ba ba năm nay, tôi cử ra cư sĩ Hứa Triết là một ví dụ, bà hiện thân thuyết pháp, các bạn có tin hay không? Các bạn có ngưỡng mộ hay không? Ngưỡng mộ thì cần phải nên học tập! Chúng ta xả cần phải xả cho thật thanh tịnh, có rất nhiều người không hiểu rõ đạo lí này, không minh bạch được chân tướng sự lí, không dám xả, vì sao? “Chúng ta bố thí hết, buông xả hết, ngày mai biết làm thế nào, ai chịu bố thí chúng ta?” Cho nên, họ niệm niệm không quên “bản thân”, họ không dám chân thật buông xả; buông xả thì buông xả, buông một nửa, một nửa còn lại thì không cách gì buông xả được, cho nên, thiện mà họ tu được chỉ có bán thiện, không thể đạt đến mãn thiện, quả báo của họ chỉ đạt được một nửa, không thể đạt đến viên mãn. Sự việc này không thể không cẩn thận suy xét. Nếu như bạn đối với đạo lí này không thể liễu giải thấu triệt, bạn hành thiện không triệt để, nếu muốn vọng cầu quả báo viên mãn, đó là việc không thể được.
Phật tại trong tất cả các kinh luận thường thường khai đạo cho chúng ta, một người tài phú trong một đời của họ là từ đâu mà đến? Bạn có được quả báo tài phú, quả báo tất có nhân. Nguyên nhân của tài phú là gì? Bố thí tài, càng thí càng nhiều. Không thể nói “tôi bố thí, sau khi tôi đem tài ra bố thí, tôi không thu hoạch được gì”, điều này không thể. Bạn bố thí là trồng nhân, “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, bạn trồng được nhiều, bạn nhất định thu hoạch được nhiều, đây là đạo lí nhất định.
Cho nên, người càng chịu bố thí tài, người này sẽ càng phát tài, tài nguyên của anh ta không ngừng đưa đến. Tuy nhiên, tâm của bạn phải chân thành; bạn không phải là vì muốn phát tài mới nghĩ đến bố thí. Tôi muốn cầu phát tài nên tôi hành bố thí, đây là nhân không tốt. Có thể phát tài hay không? Có thể phát tài, nhưng không nhiều, so với tài vật bạn đưa ra bố thí chỉ nhiều một tí. Vì sao? Tăng thêm một chút lợi ích. Nếu như không có ý niệm vì muốn phát tài mà hành bố thí, tài đó không thể nghĩ được, vì nó có được là quá nhiều quá nhiều. Tài đến, bạn nhất định không thể lấy tài đó để cho bản thân hưởng thụ, bạn nhất định phải dùng tài này đi cứu tế tất cả khổ nạn chúng sanh, công đức, quả báo này của bạn càng ngày càng thù thắng, phước báu của bạn quyết định không phải ở tại thế gian, thế gian không thể có tài phú lớn như vậy, quả báo là ở trên trời, quả báo là tại Hoa Tạng thế giới, quả báo tại Cực Lạc thế giới.
Cho nên, bạn phải hiểu được, bạn phải làm được. Pháp bố thí được thông minh trí tuệ, vô úy bố thí được khỏe mạnh sống lâu. Tài phú, thông minh, khỏe mạnh sống lâu là quả báo, bạn nếu không hiểu được tu nhân, nhân nếu như không tinh thuần, nhân nếu như không chánh, bạn làm sao có được những quả báo này chứ?
Trong số rất nhiều đồng tu chúng ta, những lời nói này của chúng tôi không thể khuyến miễn họ; khuyến khích họ, họ lại cho rằng tôi có ý đồ. Tôi khuyên anh ta tu tài bố thí, “vị pháp sư này tham tài, ông ta nghĩ muốn tiền của tôi”, cho nên không thể nói! Chỉ có thể trong khi giảng pháp mới nói nhiều một chút, khiến anh ta nghe thấy bản thân tự giác ngộ. Tôi không muốn tiền của người ta, nếu như nói tôi dùng tâm cơ để lừa tiền bạn, không sai, bạn là tu bố thí, bạn sẽ được phước, còn tôi sẽ gặp phải khổ nạn. Tôi lừa gạt người, tạo tác tội nghiệp, tôi phải chịu đọa lạc, tôi sao có thể làm cái sự việc này chứ?
Tôi khuyến đạo bạn, tôi so với bạn làm được thanh tịnh, cho nên quả báo tôi so với bạn viên mãn hơn. Tài viên mãn, viên mãn này không phải là nói tôi có được rất nhiều tài phú, không phải vậy, tôi mỗi ngày sống không thiếu, đó chính là viên mãn. Bạn có tài sản vạn ức, bạn mỗi ngày cũng ăn ba bữa cơm, đêm ngủ sáu giờ, chẳng qua cũng như vậy mà thôi. Tôi ngay một phân tiền cũng không có, tôi mỗi ngày ba bữa cơm không thiếu, tôi mỗi ngày buổi tối ngủ được rất ngon, cùng với bạn cũng chẳng có gì sai biệt, phải hiểu được đạo lí này. Phước này được viên mãn; thân thể khỏe mạnh trường thọ, không có bệnh khổ, không có ưu tư, không bị ràng buộc, đây là phước báu chân chánh viên mãn.
Tôi tiếp xúc với Phật pháp, tu học Phật pháp, năm nay đã tròn 50 năm. Trong 50 năm này, tôi có được sự chỉ dạy của lão sư, khiến tôi phá mê khởi tín, tiếp nhận y giáo phụng hành. Lúc ban đầu mới tiếp xúc, lão sư nói với tôi: “tu học Phật pháp là sự hưởng thụ tối cao nhất của đời người”, tôi chân thật đã đạt đến được. Lão sư không lừa gạt tôi, tôi vô cùng cảm kích. Tôi trong đời này nếu như không gặp được pháp môn này, bản thân tôi biết được, đời này của tôi sẽ vô cùng thống khổ, cũng không sống đến ngày hôm nay; thọ mạng bất tất phải quan tâm, dài hay ngắn là việc giống nhau, sự khác biệt khổ vui lại quá lớn, sau khi chết đi quả báo sai khác, điều đó khó có thể tưởng tượng được.
Cho nên gặp được Phật pháp, đã mang lại cho tôi hạnh phúc mỹ mãn trong đời này, mang đến cho tôi đời sau, tôi tin tưởng nhất định phúc phần sẽ siêu vượt rất nhiều lần so với đời này. Cho nên đạo lí này phải hiểu, chân tướng sự thật phải lí giải.
[Tam luân thể không] rất quan trọng, làm việc thiện có nhiều hơn cũng không cần phải để trong tâm. Người khác ngẫu nhiên đề khởi lên, trong tâm chỉ nghĩ là có sự việc này; nếu không có ai đề khởi, thì quên cho sạch sẽ, điều này thì đúng rồi. Đạo lí cơ bản của nó là: “nhất tâm thanh tịnh”.
Chúng ta tu tịnh độ tông, tu học chủ yếu của tịnh độ chính là một câu này; trong kinh Mi Đà nói là “nhất tâm bất loạn”, đây là mục đích chủ yếu của người tu học tịnh độ. Nhất tâm là chân tâm, trong nhất tâm không có giới hạn, cho nên là tận hư không biến pháp giới, tơ hào thiện của bạn cùng với tâm lượng của bạn lớn như nhau. Cho nên, “đẩu túc khả dĩ chủng vô nhai chi phúc”, một đẩu thóc không nhiều, bố thí một đẩu thóc trồng được phước báo vô lượng vô biên. Tại sao? Bạn là nhất tâm thanh tịnh bố thí, bạn là không trước tướng mà bố thí, cái phước báo này lớn như thế.
Người có thể làm được đến không trước tướng, chính là Bồ Tát, không phải người phàm; trong “kinh Kim Cang” có nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, người này là Bồ Tát. Nếu như người này trước tướng, trên kinh nói: “hữu ngã tướng, hữu nhân tướng, hữu chúng sanh tướng, hữu thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát”. Bồ Tát cùng với phi Bồ Tát có sự sai biệt, cái tiêu chuẩn này của Kinh Kim Cang thật quá hay. Trong tâm bạn vẫn còn có ta, có người, còn có thị phi, bạn là phàm phu, bạn không phải là Bồ Tát; trong tâm bạn không có ta, không có người, cũng không có chúng sanh, cũng không có thọ giả; thọ giả là quán niệm của thời gian, quá khứ, hiện tại, vị lại, mỗi mỗi đều không có. Phân biệt chấp trước này đều không có, người này là Bồ Tát. Người này bố thí một đấu thóc, phước báu là vô lượng vô biên, bố thí một đồng tiền có thể tiêu trừ tội nghiệp của ngàn kiếp.
Cho nên chúng ta nhất định phải nổ lực nâng cao cảnh giới của bản thân, cảnh giới càng cao thì tu phước càng dễ. Nếu muốn nâng cao cảnh giới, tức phải từ việc đoạn ác mà hạ thủ, ác phải đoạn được sạch sẽ. Người thông thường là tại nơi đây mà dụng công, nhưng vẫn như cũ là không đoạn được triệt để; anh ta có đoạn, nhưng đoạn được không sạch sẽ, do vậy quả báo không thù thắng. Cư sĩ Hứa Triết đoạn được sạch sẽ, cho nên quả báo thù thắng, quả báo viên mãn.
Câu gần cuối nói “thảng thử tâm vị vọng”, chính là nói không quên mình, cũng không quên được người, cũng không quên được những việc tốt mà bạn làm; “tuy hoàng kim vạn dật”, đây là nói bạn bố thí tiền tài nhiều; “phước bất mãn dã”, phước đó của bạn là bán phước không phải là mãn phước. “Thử hựu nhất thuyết dã”, đối với “bán” và “mãn”, Liễu Phàm tiên sinh giảng được rất nhiều, chúng ta phải biết tu phước báo viên mãn. Tiếp theo lại cùng chúng ta nói:
[Hà vị đại tiểu]
Cái gì là đại phước, cái gì là tiểu phước?
[Tích Vệ Trọng Đạt vi quan chức].
[Vệ Trọng Đạt], hình như ông là người Tống triều, câu chuyện của ông trong các trước tác của người xưa Trung Quốc đều được dẫn ra rất nhiều. Do đây có thể thấy, ông là chuyện có thật, ông không phải là chuyện hư cấu. “Quan chức” là làm quan tại Hàn Lâm Viện, đại khái chức vị cũng không phải quá lớn.
[Bị nhiếp chí minh ti]. Câu này là nói, ông bị tiểu quỷ bắt mang đến âm tào địa phủ.
[Chủ giả mệnh sử trình thiện ác nhị lục]. Đây là bị quỷ bắt đi. “Chủ giả” là Diêm La Vương. Diêm La Vương, “sử” là phán quan, bảo phán quan đem sổ ghi chép thiện ác của Vệ Trọng Đạt; ông làm ác, làm thiện, ở cõi âm đều có ghi chép, cũng như nói đều có bản án, đem bản án của ông ra tra xét xem.
[Bỉ chí], phán quan liền cầm đến.
[Tắc ác lục doanh đình, kỳ thiện lục nhất trục]
Vệ Trọng Đạt một đời tạo ác, sổ án ghi việc ác của ông phơi đầy ra đất, đều là ghi tội ác, còn điều thiện chỉ có một quyển, quá ít.
[Cận như trứ nhi dĩ]
Như trứ, nhỏ giống như đôi đũa ăn cơm của chúng ta, cuộn thành một quyển. Diêm La Vương xem thấy như vậy nói: “Tốt, cầm lấy đem cân thử”.
[Tác xứng xưng chi, tắc doanh đình giả phản khinh, nhi như trứ giả phản trọng]
Sau khi cân lên, sổ ghi tội ác chất đầy cả phòng thế mà lại nhẹ hơn; một quyển việc thiện của ông rất ít rất ít như thế, giống như một trang giấy cuộn lại, ngược lại nặng hơn.
[Trọng Đạt viết]
Vệ Trọng Đạt nói:
[Mỗ niên vị tứ thập], ông chưa đến 40 tuổi.
[An đắc quá ác như thị đa hồ]. Tôi sao có thể tạo ra nhiều việc ác như thế chứ?
[Viết]. Diêm La Vương liền nói:
[Nhất niệm bất chánh tức thị, bất đãi phạm dã, nhân vấn trục trung sở thư hà sự].
Bạn một đời tạo tác ác nghiệp quá nhiều quá nhiều. Khởi một niệm ác, cõi âm liền đem sổ thiện ác ra, ghi chép vào quyển sổ ác, không cần đợi đến bạn phạm, nếu bạn phạm thì đó là đại ác, niệm của bạn vừa khởi, đó là tiểu ác-niệm ác nhỏ. Sổ ghi điều ác lớn nhỏ đều bày ra trên đất, cho nên mới nhiều như vậy, khởi tâm động niệm không thể không cẩn thận. Ông ấy lại hỏi, ông nói: “điều thiện chỉ có một quyển, đó là những điều gì? ngài ghi được là cái gì?” Diêm La Vương liền nói:
[Viết triều đình thường hưng đại công]. Triều đình muốn làm một công trình lớn.
[Tu Tam Sơn thạch kiều]. Đây là nói tại thành phố Phúc Châu có ba ngọn núi, trong chú thích có nói đến, Cửu Tiên sơn, Mân sơn, Việt Vương sơn, cho nên gọi là “Tam sơn”, trong ba ngọn núi này có xây dựng một cái cầu bằng đá.
Ngươi đã từng viết sớ kiến nghị lên hòang đế, không cần phải làm lại công trình này, vì tổn hao tài sản, công sức của dân, cho nên công trình này không cần thiết phải làm, có thể không cần làm.
[Trọng Đạt viết], Trọng Đạt liền nói:
[Mỗ tuy ngôn, triều đình bất tùng, ư sự vô phủ, nhi năng hữu như thị chi lực].
Tôi có viết kiến nghị như thế nhưng triều đình không tiếp nhận, cầu đá Tam Sơn vẫn làm như đã định, bài tấu chương đó của tôi có công năng lớn như vậy sao? Diêm La Vương nói với ông ta:
[Viết, triều đình tuy bất tùng, quân chi nhất niệm, kí tại vạn dân, hướng sử thính tùng, thiện lực cánh đại hĩ.]
Điều này chúng ta phải suy nghĩ nhiều, bởi vì một niệm này của ông ấy không phải vì bản thân, mà là vì tất cả người dân. Nhà nước làm công trình này, làm tiêu tốn tài sản của lão bá tánh, là đồng tiền xương máu biết bao cực khổ của nhân dân, triều đình có thể không dùng nhưng lại đem sử dụng hết, số tiền này được sử dụng không đáng. Cho nên ông dâng sớ can gián, tâm này của ông là vì nghĩ cho người dân khổ nạn, điều thiện này lớn. Nếu như triều đình tiếp nhận ý kiến của ông, thì thiện của ông càng lớn hơn. Đoạn dưới là tổng kết:
[Cố chí tại thiên hạ, tắc thiện tuy thiểu nhi đại, cẩu tại nhất thân, tuy đa diệc tiểu].
Nếu như bạn chỉ biết quan tâm đến lợi ích của một mình bản thân bạn, gia đình bạn, bạn làm thiện có nhiều hơn nữa, làm có lớn hơn nữa, đều chỉ là thiện nhỏ. Đạo lí này, trong nhà Phật có nói: “cảnh tùy tâm chuyển”. Cho nên, tâm của bạn nhất định phải vì chúng sanh; bạn vì chúng sanh thì cảnh giới càng quảng đại hơn, sức mạnh của điều thiện bạn làm càng lớn hơn. Tôi niệm niệm đều vì thành phố Thâm Quyến này, điều thiện này rất lớn. Thành phố Thâm Quyến cư dân có hơn 4 trăm vạn dân, hôm nay từ trên báo chí xem thấy được. Nếu như bao gồm luôn cả du khách không định cư từ các nơi đến làm ăn buôn bán, nhân khẩu lên đến bảy trăm vạn. Tâm chúng ta luôn niệm niệm nghĩ đến phước lợi cho bảy trăm vạn dân này, đây là điều thiện lớn. Nếu như bạn có thể nghĩ cho toàn thành phố Quảng Đông này, nghĩ cho cả nước, nghĩ cho toàn thế giới, thế thì điều thiện này càng lớn hơn.
Tuy nhiên, nếu so sánh với pháp thân Bồ Tát, thiện này của chúng ta lớn như vậy, là nghĩ cho toàn thể thế giới, nhưng vẫn chỉ là bán thiện chứ không phải thiện viên mãn. Tại sao? Pháp thân đại sĩ khởi tâm động niệm là tận hư không biến pháp giới, không phải chỉ có một cái thế giới, không phải là một cái thiên hà này. Chúng ta nói Thái dương hệ, hệ Ngân hà, không phải, đó vẫn nhỏ, Pháp Thân Bồ Tát khởi tâm động niệm là tận hư không biến pháp giới, cho nên mỗi việc thiện nhỏ của họ cũng là bất khả tư nghị, đều vô lượng vô biên. Đạo lí này, chân tướng sự thật này chúng ta nhất định phải hiểu, làm sao để học cổ thánh tiên hiền, chư Phật Bồ Tát tu tích đại thiện.
Đoạn sau nói về “khó và dễ”.
[Hà vị nan dị]. Nói đến điều này, Liễu Phàm tiên sinh dẫn ra Nho gia nói về công phu tồn dưỡng.
[Tiên Nho vị khắc kỉ tu tòng nan khắc xử khắc tương khứ, Phu tử luận vị nhân, diệc viết tiên nan].
Trước tiên phải từ chỗ khó mà hạ thủ, thì điều dễ tự nhiên sẽ làm đến được. Cho nên ông nói, thời xưa nhà Nho giảng nói cầu công phu khắc chế bản thân. “Khắc kỉ”, chính là khắc phục được phiền não tập khí của bản thân. Phải làm từ nơi đâu? Phải từ chỗ khó khắc phục mà làm. Thí như người thông thường chúng ta có người tham tiền, yêu tiền, có người thích sắc, tham sắc, có người háo danh, tham danh, tập khí phiền não của mỗi người không giống nhau. Làm sao để khắc phục tập khí, bệnh căn của bản thân? Tập khí của bản thân, chỗ nào là nặng nề nhất, thí như nói tôi xem trọng tiền tài nhất, ý niệm tham tài, phiền não tập khí này là nghiêm trọng nhất, tôi phải từ điều này mà hạ thủ, những cái khác liền dễ dàng.
[Phu tử luận vi nhân].
Khổng lão phu tử nói về “vi nhân”, cũng nói đến “tiên nan”, câu này là nói, nếu như có thể làm đến điều nhân, tất phải từ chỗ khó mà hạ thủ công phu. Khó ở chỗ nào? khó ở chỗ bạn phải nghĩ đến làm một người nhân, tức phải khắc phục được tâm tự tư tự lợi của bản thân. Tự tư tự lợi, khó! nếu có tự tư tự lợi thì nhân liền không còn nữa. Chữ “nhân” này, đây là phù hiệu của văn tự, bạn xem thử phù hiệu này là dáng vẻ gì: một bên của nó là bộ “nhân”, một bên là chữ “nhị”, đây là chữ hội ý, dạy chúng ta từ trên phù hiệu này mà thể hội được ý nghĩa của nó, phải làm đến tự tha bất nhị. “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân- điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, đây là ý nghĩa của nhân; nghĩ đến người khác thì ngay lập tức nghĩ đến mình, nghĩ đến mình thì liền nghĩ cho người khác, đây gọi là nhân. Nhà Phật nói “tự tha bất nhị”, mình và người là một không phải là hai, câu này ý nói, nếu như chúng ta có tâm riêng tư, có tự tư tự lợi, điều “nhân” này liền không còn nữa. Bồ Tát được xưng là “Nhân giả”, trong kinh luận của Phật, thường gọi Bồ Tát là nhân giả, nhân giả là Bồ Tát, không có tự tư tự lợi. Phía trước đã cùng chư vị cử ra một ví dụ, trong kinh “Kim Cang” nói: “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, người như vậy được gọi là nhân giả, tiêu chuẩn này cao. Cho nên Khổng lão phu tử nói: “tiên nan”, khắc chế ý niệm tự tư tự lợi của bản thân là việc khó, phải từ chỗ này mà hạ thủ; trong Phật pháp nói vô ngã, phải từ chỗ “vô ngã tướng” này mà hạ thủ. Phía dưới, Liễu Phàm tiên sinh cử ra vài ví dụ, đương nhiên một số ví dụ này vẫn chưa đạt đến tiêu chuẩn mà Khổng phu tử nói về Nhân, tiêu chuẩn này quá cao, là tiêu chuẩn của thánh nhân, là tiêu chuẩn của Bồ Tát, không phải của người thường. Hiện tại đem điều này tạm gát lại, chúng ta hãy xem những người phàm phu trước.
[Tất như Giang Tây thư ông]. Giang Tây có Thư lão tiên sinh.
[Xả nhị niên cận đắc chi thúc tu, đại thưởng quan ngã, nhi toàn nhân phu phụ].
Đây là một cặp vợ chồng rất nghèo khổ, có lẽ là thiếu nợ thuế của nhà nước, không có cách nào nộp hết tiền thuế. Gặp được Thư lão tiên sinh. Thư lão tiên sinh cũng rất bình dị, ông là một thầy giáo, có lẽ là thầy dạy tư thục, dạy học trò hai năm dành dụm được một ít tiền, không nhiều. Ông gặp phải những người khổ nạn, không có cách gì trả tiền phạt, chúng ta lấy khoản tiền phạt mà nói, ông ấy lấy hết tiền của mình nộp thay cho họ, nên bảo toàn được cho cặp vợ chồng này, đây không phải việc dễ làm! Đối với người có tiền, làm việc này không khó; nhưng đối với người không có tiền mà nói, tích cóp suốt hai năm dạy học cực khổ, đều dùng hết để giúp đỡ người khác.
Câu chuyện thứ hai:
[Dữ Hàm Đan trưởng ông]. Trưởng lão tiên sinh Hàm Đan.
[Xả thập niên sở tích chi tiền, đại hoàn thục ngân, nhi hoạt nhân thê tử].
Ông cũng gặp phải một gia đình đáng thương, đã đem số tiền tích lũy trong 10 năm ra giúp đỡ người đó trả tiền, thành toàn cho gia đình họ.
[Giai sở vị nan xả xử năng xả dã]. Đây đều là việc mà người bình thường không thể làm đến được.
[Như Trấn giang Cận ông, tuy niên lão vô tử, bất nhẫn dĩ ấu nữ vi thê, nhi viễn chi lân].
Đây là một người hàng xóm, thấy ông lão đã già mà không có con, liền đem người con gái của mình cho ông làm vợ, cô gái này còn rất nhỏ, ông không đành lòng liền trả cô về nhà.
[Thử nan nhẫn xứ năng nhẫn dã, cố thiên giáng chi phước diệc hậu, phàm hữu tài hữu thế giả, kì lập đức giai dị.]
(Vì khó làm mà vẫn làm được, cho nên trời ban phước hậu. Những người giàu có quyền uy muốn làm công đức rất dễ.)
Đây là nói người giàu làm việc tốt dễ.
[Dị nhi bất vi, thị vi tự bạo]. Tự bạo tự khí-tự mình ngược đãi mình, đem cơ hội tích thiện tích đức bỏ lỡ mất, họ không chịu làm; nếu như họ chịu làm thì quá dễ dàng.
[Bần tiện tác phước giai nan, nan nhi năng vi, kỳ khả quý nhĩ.]
Khó mà có thể làm mới đáng quý. Những ví dụ cử ra đều là người rất nghèo, trong xã hội không có tài phú, không có địa vị, nhưng nhìn thấy người khác có nguy cấp, khó khăn, họ không cần quan tâm đến mọi thứ, mà đem hết toàn bộ tài sản mình có được ra giúp đỡ người, giải quyết khốn khó cho người khác, điều khó làm này mà có thể làm mới đáng qúy! Cho nên, quả báo của họ cũng rất hậu. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu, khi họ làm việc thiện đó, họ chỉ biết đến việc giúp đỡ khó khăn cho người khác, không nghĩ đến quả báo của mình; nếu như họ nghĩ đến quả báo cho bản thân, có thể họ liền không làm nữa. Cho nên tám đoạn văn tự mà chúng ta vừa đọc đó, chúng ta nhất định phải hiểu được, “tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, tham sân si mạn”, mười sáu chữ này nhất định phải khắc chế được. Nếu không thể khắc phục được 16 chữ này, chúng ta một đời đoạn ác, ác đoạn được không triệt để. Tu thiện thì thiện tu được không viên mãn, tóm lại chỉ là những việc tiểu thiện, bán thiện. Quả báo là ở đời sau, bởi vì chỉ có điều thiện lớn, điều thiện viên mãn mới có thể biết thành nghiệp báo của bản thân, giống như Liễu Phàm tiên sinh đã làm, ông cải đổi được vận mạng. Có rất nhiều người tu thiện tích đức, vẫn bị số mạng luân chuyển như cũ, không cải đổi được vận mạng, nguyên nhân là tại chỗ này. Nếu như học Phật, mục đích học Phật là phải khai ngộ, là cầu minh tâm kiến tánh, là cầu vãng sanh tịnh độ, 16 chữ này nếu như không thể khắc phục được, thì nó tạo thành chướng ngại nghiêm trọng, không chỉ như thế, mà ngay cả chúng ta cầu vãng Tây Phương Cực Lạc Thế Giới cũng bị nó làm trở ngại, chúng ta không thể không biết. Cho nên người niệm Phật nhiều, người được vãng sanh ít, nguyên nhân là tại đâu, chúng ta liền hiểu rõ.
Hôm nay giảng đến đây. A MI ĐÀ PHẬT.
Website Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ dịch giả Diệu Âm đã gửi tặng các bài dịch từ pháp âm “Liễu Phàm Tứ Huấn” do Hoà Thượng Tịnh Không giảng tại Trung Quốc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.