Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!

Vân Cốc thiền sư nói tiếp:

[Chí tu thân dĩ sĩ chi, nãi tích đức kì thiên chi sự, viết tu, tắc thân hữu quá ác, giai đương trị nhi khứ chi, viết sĩ, tắc nhất hào kí du, nhất hào tương nghênh, giai đương trảm tuyệt chi hĩ, đáo thử địa vị, trực tạo tiên thiên chi cảnh, tức thử tiện thị thật học.] (Cho đến vấn đề tu thân và chờ đợi, là tích đức và cầu trời đổi mạng. Nói “tu” có nghĩa là khi thân có lỗi lầm thì đều phải sửa đổi và từ bỏ ngay. Còn “chờ đợi” là nói khi trong lòng loạn tưởng hay nhen nhúm hi vọng hóa thành vọng niệm thì cần phải diệt bỏ. Đạt được như vậy có thể nói là đã tới chỗ tâm thanh tịnh, đó là chân chính thực học.)

Đoạn này là giảng đến tu thân. Mạnh Tử nói “tu thân dĩ sĩ chi”, câu nói này là nói bản thân chúng ta phải thời thời khắc khắc tu dưỡng đức hạnh; cho đến “tích đức kì thiên chi sự”. “Tu” mang ý nghĩa tu chính, sửa đổi cho đúng, đây thuộc về công phu tồn dưỡng; “thân” có lỗi lầm, có hành vi ác, tất phải đem nó vĩnh viễn đoạn trừ. “Sĩ”, là đẳng trì, cái gọi là “thủy đáo cừ thành”. Ở đây điều tối kỵ là không thể có một tơ hào tâm cầu may, suy nghĩ không đúng; cũng không để cho ý niệm trong lòng loạn khởi vọng động; “tương nghênh” là trừ bỏ  ý niệm, đều phải đem chúng đoạn tuyệt; “giai đương trảm tuyệt” (đều phải đem vọng niệm chém hết), đây là công phu chân chính.

Quả nhiên đạt đến địa vị này, chính là hòan toàn khôi phục lại tánh đức, cái hòan cảnh này trong nhà Phật mà nói chính là cảnh giới của đại Bồ tát. “Tức thử tiện thị thực học”, là học vấn chân thật. Mạnh tử nói được rất hay: “học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ”. “Phóng tâm” là cái gì? là vọng tưởng, tạp niệm, phân biệt, chấp trước; nếu có thể đem những thứ này đoạn hết thì đó mới là học vấn chân chánh, là hòan toàn có thể khôi phục đến tự tánh, khôi phục đến bổn tâm. Tự tánh bổn lai cụ túc vô lượng trí huệ, vô lượng đức năng, vô lượng tướng hảo, đây là nguyên lí chân thật hữu cầu tất ứng, hữu cầu tất đắc. Nguyên lí chân thật, chúng ta nhất định phải có tín tâm. Chân chính chịu y theo cái lí luận, cái phương pháp này mà tu hành, nào có lí cầu không được chứ? Thế-xuất thế gian pháp không một thứ gì cầu mà không được. Phía sau có nói:

[Nhữ vị năng vô tâm, đản năng trì Chuẩn Đề chú, vô kí vô số, bất linh gián đoạn, trì đắc thuần thục, ư trì trung bất trì, ư bất trì trung trì, đáo đắc niệm đầu bất động, tắc linh nghiệm hĩ.] (Hiện giờ ngươi chưa đạt đến trình độ vô tâm, cho nên phải trì chú Chuẩn Đề, trì liên tục không ngừng, không cần đếm số, cũng không cần nhớ, trì được thuần thục sẽ đến trạng thái trì như không trì, không trì mà trì. Trì đến lúc niệm không khởi sẽ thấy linh nghiệm.)

Cái đạo lí là thành tắc linh, thành tắc minh vậy. Chúng ta là phàm phu, phàm phu thì không thể làm đến vô tâm, tức là vô niệm, phàm phu thì đều có vọng niệm. Làm sao để khống chế vọng niệm, làm sao để tiêu diệt vọng niệm? Dùng phương pháp nào vậy? Vân Cốc thiền sư dạy cho Tiên sinh Viên Liễu Phàm trì chú Chuẩn Đề. Có người đọc quyển sách này, nghe tôi nói như vậy thì quay lại hỏi tôi: “Thưa pháp sư, chúng con có cần phải trì chú Chuẩn Đề hay không? hay là vẫn niệm A Mi Đà Phật?” Những người hỏi như vậy không ít, do đây có thể biết, học mà không biết dụng tâm, bạn không nghe hiểu ý nghĩa của nó. Phía trước không phải tôi đã giảng qua hay sao? Vẽ bùa, tham thiền, trì chú, niệm Phật đều là “dị khúc đồng công”, phương pháp, cách thức tuy khác nhau nhưng mục đích, nguyên lý lại hòan toàn tương đồng. Ông ấy trì chú Chuẩn Đề, còn chúng ta niệm Phật.

Tuy nhiên phía sau còn có vài câu cần ghi nhớ, đây là nguyên tắc chung. “Vô kí vô số”, đây là người thế nào, người trung thượng căn mới có thể tu phương pháp này; còn người trung hạ căn giỏi nhất là lần chuỗi. Cho nên chúng ta dùng cách niệm chuỗi, niệm chuỗi để làm gì? Để kí số. Một ngày nhất định phải kí bao nhiêu số, cách này có thể giúp tiêu trừ vọng tưởng, công phu có thể làm đến tinh tấn không giãi đãi, đây là công phu ban đầu. Chư vị cần ghi nhớ, sau khi dụng công vài năm, vọng niệm ít đi, tâm địa dần trở nên thanh tịnh, bạn mới không cần kí số nữa. Tại sao? Kí số vẫn làm phân tâm, đây là phương pháp bất đắc dĩ lúc sơ học Phật mà thôi, kí số, một ngày nhất định phải niệm vạn câu Phật hiệu, niệm 5 vạn câu, niệm 10 vạn câu, đây là công phu ban đầu. Công phu thuần thục rồi thì không cần kí số, không bị phân tâm nữa, Phật hiệu từng từng câu tiếp nối nhau, không cần kí số. Như vậy, tâm của bạn niệm niệm đều là Phật hiệu, vọng tưởng tự nhiện không sanh nữa. Cho nên, công phu niệm Phật quý tại không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp. Công phu thuần thục, đến “trì trung bất trì, bất trì trung trì”, đây chính là niệm cùng không niệm hợp thành một, niệm cùng không niệm là một không phải hai, bạn liền nhập vào bất niệm pháp môn, công phu của bạn đạt đến rồi.

Cho nên chúng ta niệm phật hay trì chú đều giống nhau, công phu có rất nhiều tầng bậc, bản thân nhất định phải biết. Chúng ta ngày nay quyết định phải dùng “kí số”, kí số là công phu thấp nhất, từ kí số nâng cao lên là “vô kí vô số”, sau đó nâng cao lên đến “trì nhi bất trì, bất trì nhi trì”, đây là cảnh giới thứ ba. Chư vị minh bạch cái đạo lí này, thể nghiệm này bạn tự mình thể hội được. Nguyên lí linh nghiệm là “thành tắc linh”, linh là nói có cảm ứng; “thành tắc minh”, minh là nói trí huệ hiện tiền.

Vân Cốc thiền sư dạy Liễu Phàm tiên sinh đến chỗ này, phía sau là dạy cho ông kinh nghiệm tu trì của mình, làm sao để đem những lời khai thị này của đại sư hòan toàn áp dụng vào suy nghĩ hành vi của chính mình, đây là công phu chân thật, đáng cho chúng ta học tập.

[Dư sơ hiệu Học Hải], (ta trước đây hiệu là Học Hải).

Chúng ta từ trên hiệu của ông xem thấy cũng đủ biết cách làm người của Liễu Phàm tiên sinh. Ông ấy thích đọc sách, hiếu học, tuy nhiên tập khí nặng nề. “Học Hải”, khẩu khí này rất lớn; điều lộ rõ mà chúng ta thấy là sự cống cao ngã mạn, ông xác thực là người như vậy.

[Thị nhật cải hiệu Liễu Phàm], từ cái ngày này, sau khi tiếp nhận sự chỉ dạy của Vân Cốc thiền sư, ông đổi hiệu thành “Liễu Phàm”, ông đem hiệu của mình cải đổi, không dùng là “Học Hải”, mà đổi thành “Liễu Phàm”; Liễu là hiểu rõ, liễu giải; Phàm là phàm phu.

[Cái ngộ lập mệnh chi thuyết nhi bất dục lạc phàm phu khỏa cữu dã.] (khi biết được đạo lý lập mệnh, ta không muốn rơi vào khuôn khổ của phàm phu nữa.)

Ngày nay đã hiểu rõ rồi, biết rằng vận mệnh có thể cải đổi, “số mạng” là có thể đột phá, không muốn lại làm một người phàm phu nữa, một lòng muốn vượt thoát nó, cho nên mới đổi hiệu thành Liễu Phàm.

[Tùng thử nhi hậu, chung nhật căng căng, tiện giác dữ tiền bất đồng, tiền nhật chỉ thị du du phóng nhậm, đáo thử tự hữu chiến căng dịch lệ cảnh tượng, tại ám thất ốc lậu trung, thường khủng đắc tội thiên địa quỷ thần, ngộ nhân tăng ngã hủy ngã, tự năng điềm nhiên dung thụ.] (Từ đó trở đi, ta hoàn toàn khác hẳn. Trước kia ta  thong dong luông tuồng, bây giờ suốt ngày đề cao cảnh giác. Ở nơi phòng tối không ai thấy, ta vẫn thường lo âu, không biết có làm mất lòng thiên địa quỷ thần không. Nếu có ai thù ghét ta, hủy báng ta, ta có thể điềm nhiên nhận chịu.)

Đây là hiện tượng công phu tu trì đắc lực. Bản thân chúng ta phải thường thường kiểm điểm chính mình, phải nhận chân phản tỉnh: ngày hôm nay của ta có bỏ phí hay không? Nếu bản thân công phu không đắc lực, cái ngày này liền trôi qua vô ích. Ngạn ngữ xưa thường nói thời gian vô cùng quý giá: “thốn kim nan mại thốn quang âm (vàng không mua nổi thời gian)”, thời gian một khi trôi qua thì không bao giờ trở lại. Người chân chánh thành công, bất luận là thế pháp hay phật pháp, đều không bỏ lỡ thời gian, đều quý trọng thời gian, ngày ngày cầu tinh tiến, một ngày cũng không uổng phí, người như vậy quyết định có thành tựu. Liễu Phàm từ lúc này mới nhận chân, mới dụng công.

Công phu mỗi ngày y theo công quá cách mà phản tỉnh, do đó mỗi ngày đều rất nơm nớp cẩn thận. Ông cảm thấy bản thân không giống trước kia, lúc trước, mỗi ngày trôi qua chỉ là “buông tuồng phóng túng” mà trôi qua, không có ý nghĩa gì cả, hiện tại cảm thấy bản thân đã có cái công phu cẩn trọng lo lắng, tính chất đã có điểm không giống, thời thời khắc khắc đều phản tỉnh bản thân, chỉ sợ bản thân khởi niệm ác, nói lời ác, làm việc ác, ông đã có cái niệm cảnh giác rồi.

“Thường sợ đắc tội với thiên địa quỷ thần”, đây là cùng với không gian duy thứ của đời sống chúng ta không giống nhau, không gian duy thứ cao có thể nhìn thấy được không gian duy thứ thấp hơn, nhưng duy thứ thấp không thể thấy được duy thứ cao. Thí dụ chúng ta có thể nhìn thấy kiến hay những loài bò sát nhỏ, không gian mà chúng sống là thuộc về hai độ không gian, chúng ta sống ở ba độ không gian, chúng ta biết rõ chúng, nhưng chúng không biết được chúng ta. Cùng đạo lí đó, sống ở bốn độ không gian, năm độ không gian, chính là chúng ta hôm nay nói đến thiên địa quỷ thần. Có người hỏi tôi rằng: Thiên địa quỷ thần có thật hay không? Tôi không trả lời với anh ta là thật có hay không thật có, tôi nói với anh ta, bởi vì hiện tại họ học khoa học, anh ta tin khoa học, “khoa học gia nói sinh vật của các không gian duy thứ bất đồng, đó chính là thiên địa quỷ thần mà trên kinh Phật, cố nhân Trung Quốc nói. Không gian của họ sống cao hơn chúng ta. họ biết chúng ta nhưng chúng ta không biết họ”. Cho nên, chân thật là có, không phải không có. Những người này, chỉ cần chúng ta tâm địa chân thành, thanh tịnh, chúng ta cũng có thể đột phá không gian duy thứ, có thể đến chỗ họ, cùng họ câu thông, không phải là làm không được. Chúng ta ở ba độ không gian, cùng với bốn độ không gian, năm độ không gian có thể giao lưu qua lại, không phải là việc khó, duy thứ càng cao thì càng không dễ dàng. Chính như chúng ta là những người dân bình thường, rất dễ qua lại với hương trưởng, lí trưởng, là thường thường gặp mặt. Nhưng nếu chúng ta muốn gặp mặt bộ trưởng hay tổng thống thì rất khó. Tại sao? Họ quá cao, chúng ta không dễ gặp được họ, cùng với đạo lí này không khác. Cho nên, bốn độ năm độ không gian rất gần chúng ta, cũng giống như hương trưởng, lân trưởng, dễ dàng gần gũi. Còn như Thiên thần, thiên thần có Dục giới thiên, Sắc giới thiên, Vô Sắc giới thiên, cảnh giới này rất cao, chúng ta không dễ gì qua lại với họ được, ở đây cần định công rất sâu, công phu thông thường không thể đến được, cái mà trên kinh thường nói là “thiền định thâm sâu”.

Trên quả địa Như Lai, xác xác thực thực là đạt đến một niệm không sanh, thanh tịnh đến cùng cực, đối với không gian duy thứ vô lượng vô biên thảy đều đột phá hết. Cho nên không gian của các Ngài thì rộng lớn, quá lớn rồi; không gian pháp giới không chỗ nào không biết, không chỗ nào không thể. Câu nói này là thật ngữ, quyết không phải là tán thán, quyết không phải khoa trương, chân thật là như vậy.

Phật tại trên kinh nói với chúng ta, họ có cái năng lực này, chúng ta có cái năng lực đó hay không? Phật nói thảy đều có, nhất thiết chúng sanh đều có cái năng lực này, bạn hiện tại không có cái năng lực này là vì bạn có chướng ngại? chướng ngại gì? vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, những điều này chướng ngại bạn. Bạn chỉ cần đem tất cả buông xuống thì trí huệ liền hiện tiền, cũng chính là bạn có năng lực đột phá các loại không gian duy thứ bất đồng. Thiên địa quỷ thần, bạn có thể qua lại với họ, gặp mặt họ. Chúng ta ngày nay tuy không có năng lực, tâm vẫn còn động loạn nên không có năng lực đột phá, tuy nhiên phải biết thiên địa quỷ thần có thể nhìn thấy chúng ta. Chúng ta khởi tâm động niệm phải nghĩ đến họ đang ở ngay bên cạnh ta, do đó niệm ác tự nhiên không dám khởi, hành vi ác cũng tự nhiên buông bỏ, đạt được hiệu quả của việc đoạn ác tu thiện, sửa đổi làm mới.

Phía sau có cử ra một ví dụ, Liễu Phàm gặp phải người căm hận ông, ghét bỏ ông, hủy báng ông; nếu như lúc trước mà Liễu Phàm tiên sinh gặp phải thì tuyệt đối sẽ không bỏ qua, ông nhất định sẽ phục báo. Nhưng hiện tại ông đã hiểu rồi nên không phục báo nữa mà tâm bình lại, có thể thong dong tự tại, tâm lượng rộng mở, có thể bao dung, đây chính là công phu tu trì của ông đã đắc lực.

[Đáo minh niên], chư vị phải ghi nhớ, ông ấy 35 tuổi mới gặp được Vân Cốc thiền sư, minh niên là chỉ năm ông 36 tuổi.

[Lễ bộ khảo khoa cử], khoa cử là khảo thí của bộ Lễ.

[Khổng tiên sinh toán cai đệ tam]. Ông tham gia thi lần thứ hai, Khổng tiên sinh đoán mệnh cho ông thì nói ông đậu hạng ba.

[Hốt khảo đệ nhất], đây là nói ông tu trì công phu đắc lực nên đã cải đổi vận mạng, ông thi đậu hạng nhất.

[Kỳ ngôn bất nghiệm], Khổng tiên sinh đoán mệnh cho ông, lần đầu không ứng nghiệm.

[Nhi thu vi trung thức hĩ]. Mùa thu năm đó, lần này ông thi cử  nhân, và ông đã đậu cử nhân. Thi đậu cử nhân, mệnh của ông cũng không còn nữa, đây là ứng nghiệm vô cùng rõ ràng của hiệu quả cải tạo vận mệnh.

Chư vị cần nhớ, một năm ông đã cải đổi làm mới, cái niệm ban đầu phát lên luôn là rất dũng mãnh, trong nhà Phật chúng ta cũng thường nói: học phật một năm, Phật hiện tiền, học phật hai năm, phật tại tây thiên, học phật ba năm phật hóa mây bay, tức là không còn nữa. Đây là bệnh chung của con người. Liễu Phàm tiên sinh năm đầu tiên có thể nói là rất tinh tấn dũng mãnh, về sau cũng thoái chuyển. Tuy rằng thoái chuyển, tâm cảnh giác của ông luôn luôn đề tỉnh, vẫn rất nỗ lực,  tiến bộ rất chậm, không như một năm đầu, năm đầu tiến bộ rất nhanh, về sau tiến bộ chậm. Sau cùng ông phản tỉnh, đây là chỗ khó có được của ông.

[Nhiên hành nghĩa vị thuần], ông tự phản tỉnh: ta đoạn ác tu thiện làm chưa được tinh thuần, còn xen tạp quá nhiều.

[Kiểm thân đa ngộ], kiểm điểm hành vi của bản thân, thấy lỗi lầm quá nhiều.

[Hoặc kiến thiện nhi hành chi bất dũng], (hoặc thấy việc thiện mà làm không mạnh dạn làm ngay).

Ông biết cần phải chân thành nỗ lực mà làm, làm không chưa dũng mãnh, chưa tận tâm.

[Hoặc cứu nhân nhi tâm thường tự nghi, hoặc thân miễn vi thiện nhi khẩu hữu quá ngôn, hoặc tỉnh thời thao trì nhi túy hậu phóng dật, dĩ quá chiết công, nhật thường hư độ]. (hoặc muốn cứu giúp người nhưng trong tâm thường nghi ngại, hoặc thân miễn cưỡng làm điều thiện, mà miệng còn nói lỗi người; hoặc lúc tỉnh thì hăng hái, nhưng khi say lại phóng dật, chỉ sợ công đức không đủ bù đắp cho lỗi lầm, ngày ngày để thời gian trôi qua uổng phí.)

 Đây là bản thân ông tự phản tỉnh. Lúc mới tu hành, cái hiện tượng này có thể nói là rất thông thường, mỗi người tu hành đều trải qua. Không nản lòng, không lo sợ, không thoái chuyển, trong chậm chạp mà cầu tiến bộ là tốt. Chung quy vẫn là có tiến bộ, tiến tuy không nhiều nhưng chỉ cần có tiến bộ là được. Chư vị phải nhớ không tiến ắt sẽ thoái, điều đó thì đáng sợ. Không thể nói là “hôm nay tôi không có tiến bộ nhưng cũng không thoái chuyển”, trên thực tế thì bạn đã thoái chuyển rồi.

[Tự kỷ tỵ tuế phát nguyện], Kỷ tỵ là năm ông 35 tuổi, tức là sau khi gặp được Vân Cốc thiền sư, ông phát nguyện đoạn ác tu thiện.

[Trực chí Kỷ Mão niên, lịch thập dư niên, nhi tam thiên thiện hành thủy hòan]. (Mãi đến năm Kỷ Mão, trãi qua mười năm, ta mới làm xong ba ngàn điều thiện.)

Ông phát nguyện làm ba ngàn việc thiện, mười năm tròn, tứ năm ông 35 tuổi đến năm ông 45 tuổi, ba ngàn việc thiện mới làm xong. Do đây có thể thấy, ba ngàn việc thiện là khó làm biết bao. Nhưng mỗi ngày ông đều làm, mười năm, ba ngàn sáu trăm ngày, bình quân mà tính, ông ấy mỗi ngày làm chưa được một điều thiện, nhưng tốt ở chỗ mỗi ngày đều làm. Chúng ta cần phải hiểu được chân tướng sự thật, hi vọng chúng ta so với ông ấy dũng mãnh hơn, chí ít mỗi ngày làm được một việc thiện, có thể làm đến hai, ba việc; như vậy thì càng tốt, ngày ngày không được gián đoạn, hiệu quả của chúng ta quyết định vượt qua Liễu Phàm tiên sinh. Phía sau nói:

 [Thời phương tòng Lý Tiệm Ấn nhập quan, vị cập hồi hướng, Canh Thìn Nam hoàn, thủy thỉnh Tính Không, Huệ Không chư thượng nhân, tựu đông tháp thiện đường hồi hướng, tọai khởi cầu tử nguyện, diệc hứa hành tam thiên thiện sự, tân tị sanh nam Thiên Khải.]

(Lúc đó ta cùng Lý Tiệm Ấn tiên sinh từ bên ngoài về, chưa kịp đem công đức hồi hướng. Năm Canh Thìn từ Kinh trở về phương nam, mới thỉnh hai vị Tính Không và Huệ Không làm lễ hồi hướng tại Đông tháp thiền đường. Sau đó bèn phát nguyện cầu sinh con và cũng hứa làm ba ngàn điều thiện. Năm Tân Tị, sinh con, đặt tên là Thiên Khải).

 Đây là ông tự thuật, ông lúc trước phát nguyện làm ba ngàn việc thiện để cầu công danh, ông thi đậu cử nhân, đã ứng  nghiệm rồi. Tuy nhiên đã dùng hết thời gian mười năm, tiếp theo lại phát nguyện làm ba ngàn việc thiện để cầu con cái. Rất khó có được, ông vào năm bốn mươi sáu tuổi, năm Canh Thìn ông 46 tuổi, sau đó ông thỉnh hai pháp sư đã xuất gia là Tính Không và Huệ Không đến tại thiền đường Đông Tháp hồi hướng, mười năm đem ba ngàn việc thiện làm được thành công rồi. Sau khi hồi hướng, ông lại muốn cầu con trai, cũng phát nguyện làm ba ngàn việc thiện nữa. Hiệu nghiệm rất nhanh, đến năm thứ hai, năm Tân Tỵ là năm thứ hai, lúc Liễu Phàm tiên sinh 47 tuổi, ông sinh được con trai, đặt tên là Thiên Khải.

[Dư hành nhất sự, tùy dĩ bút kí, nhữ mẫu bất năng thư, mẫu hành nhất sự, triếp dụng nga mao quản, ấn nhất chu khuyên ư lịch nhật chi thượng].

(Mỗi khi ta làm một việc gì thì tùy tiện lấy bút ghi lại, mẹ con không biết chữ nên khi làm điều gì bèn lấy bút lông ngỗng khuyên một vòng son vào tờ lịch ngày hôm đó).

Chính vì đoạn ác tu thiện có hiệu quả tốt như vậy, tín tâm liền tăng trưởng, làm thiện ngày càng khẩn thiết. Câu này có  nghĩa, việc đoạn ác tu thiện ngày càng thuận lợi, hiệu quả ngày càng hiện rõ. Ông mỗi ngày tu trì vẫn là dùng công quá cách, ghi vào công quá cách. “Nhữ mẫu bất năng thư”, đây là nói vợ của ông, vợ ông không biết chữ, không đọc sách, làm một việc tốt, bà liền dùng lông ngỗng điểm chu sa, chu sa là màu đỏ, khuyên một dấu đỏ trên lịch, ngày hôm nay làm được một việc tốt thì dùng cách này để ghi lại. Phía sau đưa ra một ví dụ:

[Hoặc thí thực bần nhân], (hoặc bố thí thức ăn cho người nghèo), đây là một việc tốt, nhìn thấy người khác khổ, bản thân liền bố thì cho họ ít thức ăn.

[Hoặc mãi phóng sanh mệnh], phóng sanh là tùy cơ duyên, không phải là cố ý đi mua. Hôm nay đi chợ mua rau, thấy có những con vật còn sống, sau khi mua có thể sống được thì mới mua. Nếu như nhìn thấy dáng vẻ của chúng, sau khi mua về đem đi phóng sanh mà không thể sống thì bất tất mua chúng. Cho nên, mỗi ngày khi ông gặp được thì tùy tiện mua một ít, sau khi mua mang đi phóng sinh. Đây là việc tốt. Có thể thấy được, Liễu Phàm tiên sinh làm được rất chăm chỉ, rất chân thành mà làm.

[Chí Quý Mùi bát nguyệt, tam thiên chi số dĩ mãn], (đến tháng tám năm Quý Mùi, ba ngàn việc thiện đã làm viên mãn). Năm Quý Mùi, Liễu Phàm tiên sinh đã 49 tuổi, từ trước năm Canh Thìn phát nguyện cho đến năm Quý Mùi là 4 năm. Lần trước ba ngàn điều thiện làm mười năm mới xong, lần thứ hai ba ngàn điều thiện chỉ 4 năm là đã xong, có thể thấy được ông làm ngày càng thuận lợi.

[Phục thỉnh Tính Không bối, tựu gia đình hồi hướng], (Lại thỉnh pháp sư Tính Không đến hồi hướng tại nhà)

Ông làm được rất như pháp, cũng rất hiểu biết, y theo quy củ mà làm. Ba ngàn việc thiện đã làm xong, thỉnh pháp sư, lần này là thỉnh về nhà hồi hướng, tụng kinh hồi hướng.

[Cửu nguyệt thập tam nhật], đây là nói ngày 13 tháng 9 năm đó.

[Phục khởi cầu trúng Tiến sĩ nguyện], có thể thấy mong muốn của ông càng lúc càng cao, đây là ông hi vọng thi đỗ Tiến sĩ, tiến sĩ vào thời điểm đó là học vị cao nhất.

[Hứa hành thiện sự nhất vạn điều, Bính Tuất đăng đệ]. (ta phát nguyện cầu đỗ tiến sĩ và hứa làm mười ngàn điều thiện. Năm Bính Tuất thì thi đỗ.)

Bính Tuất là lại trải qua thêm 4 năm nữa, sau khi phát nguyện 4 năm, ông quả nhiên đậu Tiến sĩ. Năm nay Liễu Phàm tiên sinh 52 tuổi.

[Thụ Bảo Đề tri huyện], sau khi thi đỗ tiến sĩ, triều đình liền bổ chức ông làm tri huyện Bảo Đề. Thời gian ông nhậm chức tại huyện Bảo Đề là 7 năm, từ năm 1586 đến năm 1592, trong 7 năm này ông làm quan tri huyện huyện Bảo Đề. Sau khi nhậm chức, ông nói:

[Dư trí không cách nhất sách, danh viết trị tâm thiên, thần khởi toạ đường, gia nhân huề phó môn dịch, tri án thượng, sở hành thiện ác, tiêm tất tất kí, dạ tắc thiết trác ư đình, hiệu triệu duyệt đạo phần hương cáo đế].

(Ta chuẩn bị một cuốn sổ đặt tên là Sổ-Trị-Tâm. Mỗi sáng lên công đường, ta đều dặn gia nhân đem cuốn sổ đó trao cho môn dịch để lên bàn làm việc của ta. Mọi điều thiện ác ta làm trong ngày, dù lớn hay nhỏ, đều ghi vào đó. Ban đêm ta noi gương ông Triệu Duyệt Đạo, đặt bàn trên sân, đốt nhang khai báo với Ngọc Hoàng những việc đã làm trong ngày.)

    Liễu Phàm tiên sinh làm rất đúng, rất không sai, rất như pháp. Sau khi được bổ làm tri huyện, ông liền chuẩn bị một cuốn sổ, đây là quyển sổ trống, phía trên đề tên “trị tâm thiên’, để đối trị với ác niệm trong tâm. Mỗi ngày, vào sáng sớm, lúc ông “tọa đường”, tọa đường là hiện tại chúng ta nói là đi làm, ông luôn mang theo quuyển sách đó, giao cho gia nhân, đồng thời căn dặn đem quyển sổ đặt lên bàn ông. Ông mỗi ngày làm thiện làm ác, hoàn tòan đều đem ghi vào. Đến tối, ở trong sân thiết một bàn hương án, noi gương ông Triệu Duyệt Đạo. Triệu Duyệt Đạo là người đời Tống, ông làm ngự sử dưới thời đại Tống Nhân Tông, là người chí công vô tư, cho nên đương thời được xưng là “Thiết Diện Ngự Sử”. Ông ấy buổi tối đều bày hương án ở trong đình viện, hướng lên trên Thượng Đế cầu đảo, đem tất cả những việc thiện ác trong một ngày viết thành một bài văn, giống như để báo cáo với Thượng Đế.

Do đây có thể thấy, ông là người là đại công vô tư, tuyệt đối không dám che giấu lỗi lầm của mình. Ông cũng dùng cách này để đoạn ác tu thiện, ngày ngày đều như vậy, điều này rất khó có được. Câu này có nghĩa, những việc không tốt, những việc không dám báo cáo với trời đất, ông quyết không dám làm. Không chỉ là không dám làm, ngay cả ý niệm cũng không dám khởi lên. Do vậy, ông càng về già, hiệu quả của việc đoạn ác tu thiện càng thù thắng. Ông nói:

[Nhữ mẫu kiến sở hành bất đa, triếp tần túc viết, ngã tiền tại gia, tương trợ vi thiện, cố tam thiên chi số đắc mãn, kim hứa nhất vạn, nha trung vô sự khả thành hà thời đắc viên mãn hồ.]

(Mẹ con thấy không làm được nhiều điều thiện, nên thường lo lắng nói: Trước kia ở nhà, thiếp còn có thể làm điều thiện giúp, nên ba ngàn điều có thể làm xong. Nay phát nguyện làm mười ngàn điều, mà đời sống trong nha huyện không có nhiều có hội làm thiện, biết đến bao giờ mới làm xong?).

Đây là nói mẹ của Thiên Khải, chính là vợ của ông, xem thấy trong huyện nha, huyện nha tương đương với ủy ban huyện ngày nay, trong huyện không có nhiều cơ hội để làm thiện. Lúc trước ở quê nhà thường qua lại với xóm làng nên làm thiện dễ dàng; hiện tại làm quan, phu nhân của tri huyện đi đến nơi nào đều có người tiếp đãi, câu này ý nói không có cơ hội giúp ông làm việc thiện. Vậy nên bà rất ưu tư, lo buồn nói: “Ông nay hứa làm mười ngàn việc thiện, đến bao giờ mới có thể làm xong?” Đây là bà đề tỉnh cho Liễu Phàm tiên sinh, Liễu Phàm tiên sinh nghe xong câu nói này cũng cảm thấy ảo não. Ông liền có cảm ứng:

[Dạ gian ngộ mộng kiến nhất thần nhân, dư ngôn thiện sự nan hòan chi cố, thần viết, chỉ giảm lương nhất tiết, vạn hành câu hòan hĩ.]

(Có một đêm ta nằm chiêm bao gặp một vị thần, ta than rằng: Mười ngàn điều thiện khó mà làm xong. Thần bảo: chỉ việc giảm thuế đã đầy đủ công đức cho mười ngàn điều rồi.)

Đây là cảm ứng, tâm chân thành thì liền có cảm ứng. Ông buổi tối nằm mộng thấy một vị thần, ông liền hướng về vị thần ấy thưa hỏi? con hứa làm mười ngàn điều thiện, chỉ sợ là khó có thể hoàn thành tâm nguyện. Vị thần đó liền nói với ông: thiện nguyện của ông đã viên mãn rồi, chỉ một việc giảm thuế, thì một vạn việc thiện của ông đều đã làm xong. Thiên thần đề tỉnh cho ông. Xác thực là có sự việc này.

Phía sau ông nói: [Cái Bảo Đề chi điền], đây là điền tô, thuế ruộng.

[Mỗi mẫu nhị phân tam li bảy hào], mỗi mẫu ruộng phải đóng hai phân ba li bảy hào. Ông cảm thấy thuế ruộng quá cao, sau khi ông làm huyện trưởng, ông đem thuế ruộng giảm đi.

[Dư vi khu xứ, giảm chí nhất phân tứ li lục hào, ủy hữu thử sự], Ta có điều chỉnh lại và giảm xuống thành một phân bốn ly sáu hào. Nhưng vụ đó có đáng mười ngàn điều thiện hay sao ?

Xác thực là có sự việc này, đây là sự việc khi làm huyện trưởng, trong mộng thiên thần đều biết rõ.

[Tâm phả kinh nghi], (tâm liền kinh nghi).

Cái sự việc này, thiên thần làm sao biết được chứ! Thiên thần liền nói với ông: cái sự việc này, ông một vạn điều thiện đã làm viên mãn rồi.

[Thích Huyền Dư thiền sư tự Ngũ Đài lai, dư dĩ mộng cáo tri, thả vấn thử sự nghi tín phủ]. (Thiền sư Thích Huyền Dư từ Ngũ Đài Sơn đến. Ta kể giấc mơ cho thiền sư nghe và hỏi giấc mơ này có đáng tin không).

 Thiền sư Huyền Dư ở Ngũ Đài sơn, họ quen biết nhau đã nhiều năm, đến huyện Bảo Đề gặp ông. Ông đem sự việc trong mộng hướng đến thiền sư Huyền Dư thỉnh giáo, đồng thời hỏi những lời nói của thiên thần có đáng tin hay không.

[Sư viết, thiện tâm chân thiết, tức nhất hành khả đương vạn thiện]. (Sư nói: Nếu có lòng chân thiết làm thiện thì làm một điều có thể tương đương với vạn điều.)

Đây là y cứ lí luận trên kinh điển mà nói. Tại sao? “thiện tâm chân khiết”, chân tâm không có phân biệt, không có chấp trước. Ông ngày nay nói làm ba ngàn việc thiện, một vạn điều thiên, mười vạn điều thiện, đều là cảnh giới của phân biệt chấp trước biến hiện ra, cho nên bạn vẫn còn có phạm vi. Nếu là từ chân tâm làm, chân tâm không có giới hạn, không có phân biệt, không có chấp trước thì việc thiện cực nhỏ cũng có thể biến thành cả hư không pháp giới.  Rất ít người hiểu được đạo lí này. Cho nên thiện của bồ tát là cực vi tế, cái thiện nhỏ cũng biến thành vô lượng vô biên, biến thành đại thiện. Người thế gian như Liễu Phàm tiên sinh, nguyện làm một vạn điều thiện, làm được quá cực khổ, đó là cái thiện nhỏ, tại sao? Vì bạn không thoát li khỏi vọng tưởng phân biệt chấp trước. Câu nói này có nghĩa, có vọng tưởng phân biệt chấp trước, thì việc thiện mà ông làm có giới hạn, có hạn lượng; nếu như li khai được vọng tưởng phân biệt chấp trước, điều thiện cực nhỏ mà ông tu không có hạn lượng, biến thành vô lượng vô biên. Cho nên nói “nhất hành khả đương vạn thiện”, đây là đối với ông mà nói.

Kỳ thực “nhất hành” là đại thiện vô lượng vô biên, chúng ta cần phải biết cái đạo lí này, cho nên mở rộng tâm lượng là việc vô cùng quan trọng. Việc thiện lớn nhỏ tại thế gian của chúng ta làm cùng với tâm lượng chúng ta có liên hệ. Tâm lượng càng lớn, việc thiện nhỏ cũng biến thành đại thiện; nếu tâm lượng của chúng ta vô cùng nhỏ nhen thì đại thiện biến thành tiểu thiện. Cái đạo lí này không thể không hiểu rõ. Hai câu này là trên lí mà nói, phía sau là từ trên sự mà nói:

[Huống hợp huyện giảm lương vạn dân thụ phúc hồ]. (Huống hồ cả huyện đều được giảm thuế, toàn dân đều được hưởng).

Việc này thì một thiện, vạn thiện đều viên mãn. Bạn có thể giảm tô thuế, người trong huyện của bạn, toàn thể nông dân đều được hưởng lợi ích. Cái huyện này của bạn đâu chỉ có một vạn nông dân, huống gì mỗi nông phu đều có gia quyến của họ, trong nhà họ còn có cha mẹ, vợ con, tất cả đều được thọ hưởng. Cái sự việc này, cho nên nói công môn dễ tu thiện. Người xưa tại sao lại mong muốn cầu công danh? tại sao lại muốn làm quan? vì làm quan thì dễ tu thiện. Giống như nông dân, muốn tu một việc thiện thì khó khăn biết bao nhiêu. Còn bạn là huyện trưởng, cái sự việc này, vạn thiện của bạn đều viên mãn rồi, công môn dễ tu thiện. Ngược lại, bạn làm ác cũng dễ. Nếu như bạn cảm thấy tô thuế vẫn là quá ít, nên tăng thêm, thu thêm một chút nữa. Tốt rồi, cái niệm này của bạn đã tạo thành vạn ác. Đạo lí là ở chỗ này, thiện ác chỉ cách nhau trong gang tấc.

Vào thời xưa, chỉ có người làm quan mới có địa vị, mới có quyền thế, anh ta rất dễ dàng làm thiện làm ác, rất thuận tiện, rất dễ dàng. Thời đại hiện nay không như vậy, hiện tại, thời đại này tu đại thiện, tạo đại ác, trong rất nhiều ngành nghề đều có thể làm. Ngành dễ làm nhất, không có gì vượt qua ngành công nghiệp giải trí, thế giới giải trí, công ty truyền thông, quyền năng của chúng còn vượt qua cả đế vương, vượt qua cả lãnh tụ quốc gia. Đặc biệt là đài truyền hình vệ tinh, truyền thông mạng hiện nay, nếu điều mà chúng ta truyền đi là những điều đúng đắn, thiện lành; có thể khởi phát chúng sanh, quảng đại quần chúng, khiến họ giác ngộ, giúp họ đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức. Bạn chỉ cần một giờ phát đi thì đã vượt qua vạn thiện của Liễu Phàm tiên sinh.

Nếu như tiết mục mà chúng ta phát đi là tiêu cực, dạy người sát đạo dâm vọng. Bạn tạo tội trong một giờ chính là đoạ A tỳ địa ngục. Do đây có thể biết ngươi hiện tại bất tất phải đi cầu công danh, bất tất phải làm quan, nắm quyền lực lớn, không cần! Việc đoạn ác tu thiện trong bất cứ ngành nghề nào so với quá khứ đều tiện lợi hơn rất nhiều. Điều này chúng ta cần phải biết. Khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển, mặt này có thể giúp cung cấp cho chúng ta nhiều điều thuận tiện, nhưng phương pháp này có mặt chánh, có mặt phụ. Chúng ta cần phải nhận thức cho rõ ràng, cát hung họa phước xác thực là chỉ trong một niệm của chúng ta.

Cái sự việc này nói được rất rõ ràng, rất minh bạch, Liễu Phàm tiên sinh cũng vô cùng hoan hỷ.

[Ngô tức quyên bổng ngân], quyên góp bổng lộc của ông.

[Thỉnh kỳ tựu Ngũ Đài Sơn trai tăng nhất vạn nhi hồi hướng chi], (Ta bèn đem tiền lương cúng dường, nhờ thiền sư lúc trở về Ngũ Đài Sơn làm trai tăng cúng dường một vạn người, đem công đức ấy hồi hướng.)

Trai tăng là cúng dường bữa cơm cho người xuất gia, gọi là cúng trai tăng. Đây là việc tốt, thỉnh một vạn người xuất gia đến thọ nhận sự cúng dường của ông, đem công đức này hồi hướng.

[Khổng công tóan dư ngũ thập tam tuế hữu ách], (Khổng tiên sinh đoán ta năm 53 tuổi sẽ mất.)

Khổng tiên sinh đoán mệnh cho ông, thọ mạng của ông chỉ đến 53 tuổi, đến năm 53 tuổi ông sẽ qua đời.

[Dư vị thường kì đảo], ông hoàn toàn không cầu trường thọ, cầu sống lâu, ông không cầu.

[Thị tuế cánh vô dạng, kim lục thập cửu hĩ.] (nhưng đến năm đó vẫn bình an trôi qua. Đến năm nay ta đã 69 tuổi rồi).

Năm 53 tuổi, ông rất bình an, ông không cầu sống lâu, nhưng năm nay ông đã 69 tuổi. Thời gian này ông đã từ chức làm tri huyện Bảo Đề, ông cáo quan rồi. Từ câu nói này chúng ta hiểu được, 4 thiên văn chương này là ông viết năm 69 tuổi, để dạy con ông là Thiên Khải.

[Thư viết: thiên nan kham, mệnh mĩ thường, hựu vân, duy mệnh bất ư thường, giai phi cuống ngữ]. (Kinh Thư nói : « Thiên mạng không nên tin, vì mạng người không cố định ». Lại nói : « Chỉ có mạng người mới có thể thay đổi ». Những lời trên không sai chút nào.)

Đây là dẫn dụng lời nói trong “Kinh Thư”: thiên đạo nan tín, tức đạo trời khó tin, tại sao? “dĩ kỳ mệnh chi bất thường”, cũng chính là nói, định số là có thể biến đổi, không phải là thường hằng. Lại nói “duy mệnh bất ư thường”, thiên mệnh vô thường cần phải tu đức. Những câu nói này đều là chân thật, quyết định không phải là vọng ngữ.

[Ngô ư thị nhi tri, phàm xưng họa phúc tự kỷ cù chi giả, nãi thánh hiền chi ngôn, nhược vị họa phúc duy thiên sở mệnh, tắc thế tục chi luận hĩ]. (Ta nhờ vậy mà hiểu: Những ai cho rằng họa phúc là do mình tạo thì đó là lời thánh hiền. Còn cho là trời định, thì đó chẳng qua là lý luận của phàm tục mà thôi.)

Ông đối với đạo lí này rất rõ ràng minh bạch. Vì thế cần phải tiếp nhận sự giáo huấn của Thánh nhân, bản thân phải biết cải tạo vận mệnh, làm chủ vận mệnh, người này là anh hùng hào kiệt. Quyết định không thể giống với phàm phu, một đời chỉ biết nghe theo vận mạng đã định, vậy thì quá sai, quá sai rồi.

 Đặc biệt là không thể tạo tác nghiệp ác, tạo tác tội nghiệp thì tổn hại phước báu của chính mình, làm giảm đi thọ mạng của mình, đây là ngu si đến cùng cực vậy. Vốn dĩ bạn là đại phú đại quý, phú quý của bạn có thể thọ hưởng rất lâu, lại bởi vì bạn tạo tác bất thiện, phước báu của bạn bị chiết giảm, thọ mạng cũng tổn giảm. Đây là người thế gian ngu si. Do đó, người không thể không thọ nhận sự giáo dục, đặc biệt là thọ nhận sự giáo dục của thánh hiền, duy chỉ có sự giáo dục của thánh hiền mới sáng suốt, mới có thể cải tạo vận mệnh của bản thân, nâng cao cảnh giới của bản thân. Hôm nay chỉ giảng đến đây thôi.

Website Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ dịch giả Diệu Âm đã gửi tặng các bài dịch từ pháp âm “Liễu Phàm Tứ Huấn” do Hoà Thượng Tịnh Không giảng tại Trung Quốc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.