Chi vị đồng tu, xin chào mọi người!
Phía trước đã giảng đến “Cơ sở của việc sửa lỗi”, nói đến chúng ta phải biết hổ thẹn, kế đến phải phát tâm úy kính. Chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, không phải chỉ sợ thiên địa quỷ thần thấy biết mà còn phải sợ sự chỉ trích của dư luận xã hội. Hôm nay chúng ta xem tiếp văn bản phía sau:
[Bất duy thị dã, nhất tức thượng tồn, di thiên chi ác, do khả hối cải]. (Không chỉ như vậy, chỉ cần còn một hơi thở, các tội ác đều có thể hối sửa.)
Đây là y cứ lí luận của việc sửa đổi làm mới. Con người chỉ cần là vẫn còn một hơi thở thì tội nghiệp cực đại trong một đời đều có thể hối cải.
[Cổ nhân hữu nhất sanh tác ác, lâm tử hối ngộ, phát nhất thiện tâm, toại đắc thiện chung giả]. (Người xưa có người cả đời làm ác, nhưng trước khi chết ăn năn lỗi lầm, phát một niệm thiện, liền an ổn qua đời.)
Đây là đưa ra chứng cứ để thuyết minh cho chúng ta. Ví dụ như thế, từ xưa đến nay, trong và ngoài nước đều có rất nhiều, chỉ cần tỉ mỉ mà quan sát, bạn liền có thể thấy được. Tại sao một đời tạo tác tội nghiệp cực trọng, chỉ cần chân thành sám hối thì những tội chướng đó liền có thể tiêu trừ, đạo lí là ở chỗ nào? Thực tại mà nói thì đạo lí này quá sâu quá sâu, không phải phàm phu có thể lí giải được. Phật tại trong kinh có nói: không chỉ phàm phu không thể lí giải, mà ngay cả Thánh giả Nhị thừa, Quyền giáo Bồ tát đều không có cách nào lí giải được. Tại sao? Điều này có liên quan đến nguồn gốc của hư không pháp giới vũ trụ, khởi nguyên của sinh mệnh, khởi nguồn của chúng sanh; liên quan đến đại đạo lí này, trong kinh Lăng Nghiêm, Phật giảng được rất thấu triệt, rất rõ ràng. Cho nên, người xưa Trung Quốc tán thán kinh Lăng Nghiêm rằng: khai trí huệ là Lăng Nghiêm, thành Phật là Pháp Hoa, tôi tin tưởng hai câu nói này rất nhiều đồng tu đều đã nghe nói qua. Trong kinh Lăng Nghiêm nói được rất minh bạch, Phật nói với chúng ta, hư không pháp giới quốc độ chúng sanh bổn lai là một thể. Do vậy, tội ác cực đại, chỉ cần hồi đầu, cái gọi là “hồi đầu thị ngạn”-quay đầu là bờ. Đây là đạo lí, phía sau nói đến:
[Vị nhất niệm mãnh lệ] (Cho nên người ta nói một niệm dũng mãnh). “Mãnh lệ”, hai từ này vô cùng quan trọng.
[Túc dĩ địch bách niên chi ác dã.] (cũng đủ để gột sạch tội ác trăm năm). Phía sau cử ra một ví dụ nói với chúng ta:
[Thí như thiên niên u cốc], (Thí như một hang tối ngàn năm).
Chúng ta ngày nay trong lúc đi du ngoạn gặp được rất nhiều nham động, thạch nhũ động, đó đều là “thiên niên u cốc”.
[Nhất đăng tài chiếu, tắc thiên niên chi ám câu trừ], (vừa thắp lên ngọn đuốc thì ngàn năm tối tăm liền biến mất.)
Chúng ta vừa thắp lên một ngọn đèn thì ngàn năm tối tăm liền bị phá trừ.
[Cố quá bất luận cửu cận, duy dĩ cải vi quý]. (Cho nên không cần biết là tội lỗi nhiều ít hay lâu mau, điều quan trọng là phải biết hối cải.)
Lỗi lầm cũng như bóng tối, chỉ cần một ngọn đèn liền có thể phá tan bòng tối. Ngọn đèn này được tỉ dụ với trí huệ, với giác ngộ, chân chánh giác ngộ, quá khứ tạo tác lỗi lầm, chỉ cần một niệm giác, một niệm chân trí huệ hiện tiền, lỗi lầm liền tiêu trừ. Tuy nhiên, cái niệm giác, cái niệm trí huệ này vô cùng khó có được, vô cùng đáng quý. Vì sao? Bởi vì chúng ta mê đắm trong dục vọng tình chấp đã qúa lâu rồi, từ vô lượng kiếp đã mê muội trong dục vọng tình chấp. Sinh mệnh là vĩnh hằng, sinh mệnh không phải là ngắn tạm mà là vĩnh hằng. Thân mạng chúng ra rất ngắn ngủi, nhưng tinh thần thì trường cửu; trong nhà Phật nói, chúng ta có Pháp thân huệ mạng, đó thì là vĩnh hằng. Cho nên, vô lượng kiếp sinh tử luân hồi, mê mất đi bổn tánh, mù quáng vô tri nên cho rằng thân thể này là ta, vì vậy mà tham đồ hưởng thụ ngũ dục lục trần, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp, điều này tạo thành những sự việc không như ý trong hiện đời. Chúng ta nếu muốn gặp lành tránh dữ, trước tiên phải biết sửa sai. Sửa sai, Liễu Phàm tiên sinh đã đem những kinh nghiệm của bản thân ông, tại đây tỉ mỉ nói ra cho chúng ta, đặc biệt đề tỉnh chúng ta, chỉ cần còn một hơi thở, chỉ cần chịu sửa đổi, tội lỗi dù lớn hơn nữa cũng có thể tiêu trừ. Tiếp theo ông nói:
[Đản trần thế vô thường, nhục thân dịch vẫn, nhất tức bất chúc, dục cải vô do hĩ.] (Nhưng đời người vô thường, thân thể dễ hoại. Một khi hơi thở không còn nữa, muốn hối cải cũng đã muộn).
Trần thế là chỉ thế gian này. Không chỉ thân này của chúng ta vô thường, quốc độ cũng là vô thường. Phật trong kinh “Bát đại nhân giác”, ở đoạn đầu đã nói với chúng ta: “Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy”. Hai câu này là lời cảnh báo chân thật, thế gian là vô thường, biến đổi trong mỗi sát na, thân thể này của chúng ta rất dễ dàng mất đi. Thân người khó được mà dễ mất, một hơi không thở ra thì thân mạng đời này đã kết thúc rồi. Đến lúc này, bạn có muốn cải đổi cũng không có biện pháp nữa, chính là “dục cải vô do hĩ” vậy.
[Minh tắc thiên bách niên đam phụ ác danh, tuy hiếu tử từ tôn, bất năng tẩy dịch]. (Trên dương thế mang tiếng xấu trăm ngàn năm, dù có con hiếu cháu ngoan vẫn không cách nào rửa sạch được.)
Đây là luận theo thế tục, bạn tạo tác ác nghiệp quá nặng, tiếng ác của bạn truyền đến đời sau, người hậu thế nghe đến tên của bạn thì liền sanh lòng chán ghét. Giống như trong lịch sử Trung Quốc, thông thường từ trên những bài nghiên cứu nhỏ, chúng ta xem thấy Tần Cối đời Tống: Đây là một người cả đời tạo tác ác nghiệp nặng nề, để lại tiếng xấu trăm ngàn năm, con cháu ông ta dù có hiếu đến đâu cũng không cách gì giúp ông ta rửa sạch tiếng xấu, đây là một ví dụ.
[U tắc thiên bách kiếp trầm luân ngục báo, tuy thánh hiền Phật Bồ tát, bất năng viên dẫn, ô đắc bất úy]. (Dưới cõi âm, trăm ngàn kiếp bị đọa vào địa ngục, dù chư thánh hiền, chư Phật-bồ tát có lòng thương xót cũng chẳng thể cứu được. Vậy không lo sợ sao được?).
Như vậy làm sao không sợ? Thế gian lưu tiếng xấu, là một việc rất không vinh hạnh gì. Người hiện tại thường nói “vinh dự là sinh mạng thứ hai của con người”, con người xem trọng vinh dự như thế, kỳ thật đây chỉ là yếu tố thứ yếu. Nghiêm trọng nhất là quả báo đời sau. Ác nghiệp tạo tác quá nhiều, tội thập ác ngũ nghịch, Phật tại trên kinh thời thời khắc khắc đều đề tỉnh chúng ta, đây là tội nghiệp đọa địa ngục A Tỳ. Nói đến địa ngục, đó là nơi vô cùng đáng sợ. Phật tại trong “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh” nói được rất rõ ràng, tạo tác tội nghiệp cực trọng, sẽ cảm lấy quả báo nơi địa ngục. Địa ngục từ đâu mà có?
Năm xưa lúc tôi mới học Phật, lão cư sĩ Chu Kính Trụ đã kể cho tôi một câu chuyện, đây là sự việc có thật. Nhạc phụ của ông là tiên sinh Chương Thái Viêm, lúc đó ở tại Bắc Kinh, ông ấy có một đoạn thời gian được Đông Nhạc Đại Đế mời làm phán quan. Đây là nói đến có quỷ thần, chân thật là có! Đông Nhạc Đại Đế ở Thái Sơn tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, địa ngục trong sự quản hạt của ông có năm, sáu tỉnh, phạm vi quản hạt rất lớn. Cát hung họa phước, sự sống chết của con người trong địa ngục này đều do ông chưởng lí. Địa vị của Phán quan rất cao, tương đương với bí thư trưởng. Đông Nhạc Đại Đế mời Chương Thái Viêm đến đảm nhiệm công việc này. Tiên sinh Chương Thái Viêm nói, buổi tối quỷ tốt mang kiệu đến, lúc đó không có xe, mang kiệu đến mời ông ngồi lên kiệu, ông liền đi làm việc. Ngày hôm sau, lúc tờ mờ sáng, ông mới xong việc, liền mang ông quay trở về. Ông ngày đêm đều không nghỉ ngơi, ban ngày ông tại nhân gian chúng ta làm việc, tối đến ông lại đến quỷ đạo làm việc.
Ông cũng thường thường đem những điều ông thấy được nghe được trong quỷ đạo kể lại cho một số bạn bè. Có một lần, ông kể đến việc ông hỏi Đông Nhạc Đại Đế (Vua Diêm La so với Đông Nhạc Đại Đế vẫn còn cao hơn một bậc), ông nói: “hình phạt trong địa ngục, có một lọai gọi là pháo lạc”, pháo lạc là đốt cột đồng cháy đỏ, rồi bắt tội nhân ôm lấy. Chương Thái Viêm nói: “Hình phạt đó quá tàn nhẫn, hi vọng Đông Nhạc Đại Đế hãy phát lòng từ bi, đem hình phạt này bỏ đi”. Đông Nhạc Đại Đế nghe xong câu nói này, gật gật đầu không nói gì. Rồi ông bảo: “Ngài hãy đi quan sát đã, hãy đến hình trường xem xét trước đi”. Thế là Đông Nhạc Đại Đế liền phái hai tiểu quỷ đưa Chương Thái Viêm đến hình trường xem xét, ông liền đi xem. Sau khi đến nơi đó, tiểu quỷ liền nói với ông, chúng nói: “Đây là hình trường, mời ngài xem”. Ông nhìn không thấy gì cả, thế là hốt nhiên đại ngộ, nguyên lai hình phạt trong địa ngục không phải là do Diêm La vương thiết lập, không phải do ông ta đặt ra, nên cũng không có cách gì bỏ đi. Vậy hình phạt này từ đâu mà có? Chính là do tội nghiệp của bạn chiêu cảm mà biến hiện ra. Cũng giống như người gặp phải ác mộng, tự làm tự chịu, hoàn tòan không phải là do người khác tạo ra bắt bạn phải chịu. Ông hoát nhiên đại ngộ, về sau ông không đề xuất vấn đề này nữa, ông mới hiểu được đạo lí chân thật Phật nói trong kinh. Tất cả mọi cảnh giới: cho dù là cảnh giới hoan hỷ, hay cảnh giới thống khổ, không một cảnh nào không phải là do tự tâm biến hiện ra, đây chính là Phật tại trên kinh Hoa Nghiêm nói: Nhất thiết pháp, bao gồm, thiên thượng, địa ngục, đều là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm, chính là chân tâm của bạn, thức là vọng tâm, y theo vọng tâm mà tạo tác thiện nghiệp ác nghiệp. Tâm của bạn thiện lành; bạn làm việc thiện thì tự nhiên cảnh giới xuất hiện ra là chí thiện mỹ mãn. Tâm ác, niệm ác, hành vi ác thì cảnh giới hiện ra tự nhiên là tai nạn. Cho nên, thiên thượng là do tự tâm bạn biến hiện ra, địa ngục cũng là tự tâm chúng ta biến hiện ra, hòan cảnh sống hiền tại của chúng ta cũng vẫn là do tự tâm biến hiện ra.
Thế là có người liền hỏi: “Tâm của tôi làm sao có thể biến hiện ra được cảnh giới như vậy?” Đây đích thực là một vấn đề then chốt. Cái gì là tâm? Tâm ở tại chỗ nào? Tâm có hình dạng ra sao? Đây là vấn đề lớn trong nhà Phật. Nếu như có thể đem vấn đề này giải quyết, câu này có nghĩa, vấn đề gì bạn cũng đều có thể giải quyết được, đây gọi là từ căn bản mà giải quyết. Vấn đề này được nói đến trong kinh Lăng Nghiêm, sở dĩ vậy nên nói: Khai trí huệ là Lăng Nghiêm, không sai! Ở đoạn đầu của kinh Lăng Nghiêm, Thích Ca Mâu Ni Phật cùng tôn giả A Nan thảo luận về chân tâm, vọng tâm, tâm ở tại chỗ nào, tâm có hình dạng ra sao, tâm có tác dụng gì? Kinh văn quá dài, bao gồm 10 quyển, thảo luận về vấn đề này. Cho nên thiền tông nói rằng: “Nhược nhân thức đắc tâm, đại địa vô thốn thổ”. Ý nghĩa của câu nói này là: một người chân chánh có thể nhận thức “tâm” được rõ ràng minh bạch, thì thế -xuất thế gian tất cả mọi pháp bạn đều thông đạt không nghi ngại. Đây là sự thật.
Cho nên, nhất thiết duy tâm tạo, nhất thiết pháp duy thức sở biến. Vì vậy, chúng ta không thể không lo sợ. Cảnh địa ngục hiện tiền, chư Phật Bồ Tát tuy rằng đại từ đại bi, liệu có thể cứu độ bạn được hay không? Nếu như bạn chấp mê bất ngộ, Địa Tạng Vương Bồ tát dù có từ bi hơn nữa cũng không cứu nổi bạn. Phật Bồ Tát đích thực là thường ở tại địa ngục để cứu giúp cho những khổ nạn chúng sanh, đau họng nhọc lòng mà giáo hóa chúng. Người tiếp nhận nhất định phải giác ngộ, nhất định phải tin tưởng, có thể giải, có thể hành, như vậy anh ta mới có có hội thoát li khỏi khổ báo của địa ngục, sau đó mỗi tầng mỗi tầng không ngừng đề thăng lên. Cho nên ân đức của Phật là lớn nhất, còn siêu vượt hơn cả cha mẹ. Cha mẹ đối với ta là ân đức trong một đời này, còn ân đức của chư Phật Bồ tát đối với chúng ta là đời đời kiếp kiếp, vĩnh viễn không thể xả ly. Chúng ta tạo tác tội ác có nghiêm trọng hơn, các ngài cũng không bỏ rơi chúng ta. Điểm này thực tại mà nói thật quá vĩ đại, là điều chúng ta nên hướng đến các ngài học tập. Lại xem kinh văn phía sau:
[Đệ tam, tu phát dũng tâm], (thứ ba là phát tâm dũng mãnh).
Dũng mãnh tinh tiến, sửa sai làm mới. Nói đến sửa sai, Liễu Phàm tiên sinh đề xuất ra ba tâm, ba tâm này chúng ta nhất định phải ghi nhớ. Điều thứ nhất là tâm tri sỉ-tâm biết hổ thẹn, làm người không thể không biết hổ thẹn; thứ hai là tâm kính úy; thứ ba là tâm dũng mãnh. Bạn nếu có thể có đủ ba tâm này thì việc sửa sai không khó nữa. Ông nói:
[Nhân bất cải quá, đa thị nhân tuần thoái súc], (Nhiều người không chịu sửa lỗi, đa số là vì phóng túng biết lỗi mà không sửa nên bị thoái hậu.)
“Nhân tuần” là qua loa đại khái. Bất luận làm việc gì cũng không nỗ lực, cho nên lỗi lầm của bạn khó sửa được. “Thoái súc” chính là thóai chuyển. Đây chính là lí do tại sao con người không thể sửa sai, bao nhiêu người muốn sửa lỗi mà sửa không được, chính bởi 4 chữ “nhân tuần thoái súc” làm chướng ngại.
[Ngô tu phấn nhiên chấn tác, bất dụng trì nghi, bất phiền đẳng đãi]. (Chúng ta cần phải phấn chấn dụng công, không chờ đợi, không trù trừ, hoài nghi nữa).
Đây chính là dáng vẻ của tâm dũng mãnh. Cái gì gọi là “dũng mãnh”? Cần phải phấn chấn lên, tuyệt đối không hồ nghi, phải lập tức sửa sai. Không nên nói rằng: lỗi lầm này “đợi đến ngày mai, đợi đến năm sau” hãy sửa. Vậy thì bạn không cách gì sửa sai được. Phải lập tức sửa ngay, không được chần chừ.
[Tiểu giả như mang thứ tại nhục, tốc dữ quyết dịch, đại giả như độc xà giảo chỉ, tốc dữ trảm trừ, vô ti hào ngưng trệ, thử Phong Lôi chi sở dĩ vi ích dã]. (tạm dịch : Phạm lỗi lầm nhỏ như bị gai đâm, phải lễ gai ngay tại chỗ; phạm lỗi lầm lớn như bị rắn độc cắn ngón tay, phải chặt liền tức khắc, phải dứt khoát không chút chần chừ do dự. Làm được như vậy mới có ích lợi như quẻ Phong Lôi vậy.
Lỗi nhỏ cũng giống như gai đâm vào thịt, chúng ta phải nhanh chóng lễ gai ra. Đây là chúng ta có kinh nghiệm. Lỗi lớn ví như bị rắn độc cắn vào ngón tay, ngay lập tức phải đem ngón tay đó chặt đứt. Nếu như không chặt, nọc độc của nó chạy vào tim, sẽ khiến người mất mạng. Vào lúc đó, quyết không được do dự, phải làm ngay tức khắc, không tơ hào nghi ngại. Đây chính là nói : “Phong Lôi chi sở dĩ vi ích-lợi ích của quẻ Lôi Phong”, Phong Lôi là một quẻ trong kinh Dịch, nắm được hiện tượng của nó, gió thổi sấm chớp; hiện tượng ngày xuân, vạn vật sinh trưởng, cho nên nó có ích lợi, nên gọi là “Phong Lôi ích”. Tại đây có thể hình dung được tướng trạng của việc dũng mãnh sửa sai, lập tức đoạn dứt.
[Cụ thị tam tâm, tắc hữu quá tư cải, như xuân băng ngộ nhật, hà hoạn bất tiêu hồ]. (Có đầy đủ ba tâm ấy, ắt lỗi lầm đều cải sửa được ngay, cũng như băng tuyết mùa xuân gặp mặt trời, há tội lỗi chẳng tiêu tan ư!).
Sửa lỗi cần phải có đủ ba cái tâm trên, sau đó bạn mới có thể sửa. Hai câu sau là tỉ dụ, thí như băng mùa xuân, băng ngày xuân gặp phải ánh nắng mặt trời, mặt trời xuất hiện thì băng liền tan chảy. Đem băng tỉ dụ cho tội ác, lấy Thái dương chỉ cho tâm dũng mãnh; dũng mãnh sửa sai, thì lỗi lầm này của bạn liền tiêu trừ.
[Nhiên nhân chi quá, hữu tùng sự thượng cải giả, hữu tùng lí thượng cải giả, hữu tùng tâm thượng cải giả. Công phu bất đồng, hiệu nghiệm diệc dị], (Tuy nhiên, tội lỗi có thể theo sự tướng, theo lý, hoặc theo tâm mà cải sửa. Dụng công không giống nhau thì hiệu quả cũng không tương đồng).
Đây là nói ba hiệu quả không tương đồng, có người từ trên sự mà sửa, có người từ trên lý mà sửa, có người từ trên tâm mà sửa. Tuy nhiên chư vị cần phải biết, cần phải có đủ ba tâm phía trước đã nói. Nếu như không có ba tâm đó, bất luận là bạn từ trên phương diện nào cũng không có cách gì mà hạ thủ, đều là không đạt được hiệu quả. Phía sau là cùng chúng ta phân biệt, trước tiên là nói « từ trên sự mà sửa ».
[Như tiền nhật sát sanh, kim giới bất sát; tiền nhật nộ lị, kim giới bất nộ; thử tựu kì sự nhi cải chi giả dã, cường chế ư ngoại, kì nan bách bội, thả bệnh căn chung tại, đông diệt tây sanh, phi cứu cánh khuyếch nhiên chi đạo dã.] (tạm dịch : Như ngày trước phạm lỗi sát sinh, ngày nay giữ giới không sát sinh nữa; như ngày trước nóng giận mắng chửi, ngày nay giữ giới không nóng giận nữa. Như thế gọi là theo sự mà cải sửa vậy. Chỉ miễn cưỡng kiềm chế từ bên ngoài, thực là khó trăm phần vì bệnh căn vẫn còn, tội này hết tội kia liền sanh, không phải là phương pháp cứu cánh.)
Đây là trước tiên nói về từ trên “sự” mà sửa. Từ trên sự mà sửa thì khó thành tựu, đây là một loại hành vi ép chế. Chỉ tạm ngừng phạm lỗi mà thôi, cách này đích thực là có giới hạn, có điểm bão hòa, sửa đổi không triệt để. Cử ra một thí dụ, thí như trước đây bạn hay sát sanh, hiện tại đã phát tâm trì giới, bạn đi thọ giới, thọ ngũ giới: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Bạn phát tâm trì giới, năm giới này giúp chúng ta đoạn trừ năm loại tập khí nghiêm trọng; vì tập khí quá nghiêm trọng nên đoạn trừ vô cùng khó khăn. Bạn hiện tại không sát sanh, bạn sẽ giữ giới không sát sanh này bao lâu? Lúc trước bạn thường hay nổi nóng, thích mắng người, hiện tại nhờ trì giới nên bạn không nóng giận nữa. Cử ra ví dụ này cho thấy đây là từ trên sự mà sửa, là một loại hành vi ép chế, rất khó khăn.
[Bệnh căn chung tại]-bệnh căn là tại đây, Tại sao? Tham sân si mạn là gốc bệnh, đây là thứ không thể đoạn trừ, cho nên một khi cảnh giới hiện tiền, tham sân si mạn sẽ lại khởi hiện hành. Có một số người thiện căn sâu dày, có thể đè phục xuống được. Nếu người không đủ thiện căn, ngày ngày thường gặp phải nghịch cảnh quá lớn, thì không cách nào chế phục được. Nếu chướng duyên ít thì họ mới có thể làm được, có thể khống chế được, nhưng nếu chướng ngại lớn thì không có khả năng. Phía sau nói: “lỗi này vừa trừ, lỗi kia lại sanh, đây không phải là phương pháp cứu cánh”. Đây là từ trên sự mà sửa. Cho nên chúng ta cần phải liễu giải, người học Phật rất nhiều, đều có thiện tâm, đều muốn sửa sai, mọi người phát tâm đi thọ giới, sau khi thọ giới lại làm không được. Tôi gặp được không ít người, họ hỏi tôi: “Thưa pháp sư, con đã thọ giới rồi, lại không làm được, lại phạm giới, phá giới, vậy phải làm sao?” Việc này thì khó.
Kế đến, Liễu Phàm dạy cho chúng ta từ trên lí mà sửa, lí luận- công phu này so với phía trước cao hơn một tầng.
[Thiện cải quá giả], thiện thì có thể, người có thể sửa lỗi.
[Vị cấm kỳ sự, tiên minh kỳ lí], (khi còn chưa phạm cấm giới, trước hết phải biết rõ đạo lý.)
Nếu như chúng ta muốn nghĩ đến không sát sanh, trên mặt “sự” hòan toàn chưa đoạn, ý nói hiện tại ta vẫn chưa bỏ được việc sát sanh. Trước tiên phải hiểu rõ vì sao không sát sanh, phải đem cái đạo lí này hiểu cho minh bạch.
[Như quá tại sát sanh], chúng ta có cái lỗi sát sanh này.
[tư tức viết], “tư” là phải thường thường nghĩ.
[Thượng đế hiếu sinh, vật giai luyến mệnh, sát bỉ dưỡng kỉ, há năng tự an?] (Thượng đế hiếu sinh, mọi vật đều yêu sinh mạng của mình, giết chúng để nuôi dưỡng thân mình, há có thể an lòng sao?)
Trước đây, vì không ai dạy nên chúng ta hồ đồ, sau này không dám nghĩ đến việc này nữa. Sau khi tiếp nhận sự giáo huấn của thánh hiền, chúng ta nghe được những lời giáo huấn này, thường thường ghi nhớ trong lòng. Đích thực là trời có đức hiếu sinh, tất cả động vật, nào có đạo lí không yêu tiếc thân mạng của mình? Ngay cả đến muỗi kiến cũng đều tham sống sợ chết, chúng ta sao có thể nghĩ rằng giết chúng để nuôi dưỡng thân mình chứ, tâm chúng ta liệu có an ổn không? Nếu như ngược lại, mọi người giết chúng ta để nuôi dưỡng họ, chúng ta có cam tâm tình nguyện hay sao? Phải thường thường phải nghĩ đến đạo lí này.
[Thả bỉ chi sát dã]. Bạn phải thường nghĩ đến trạng huống của động vật khi bị giết.
[Ký thọ đồ cát, phục nhập đỉnh hoạch]. (đã chịu chặt, cắt, mổ xẻ cho vào nồi nấu nướng). “Đỉnh nhập” là bị nấu nướng trong nồi.
[Chủng chủng thống khổ, triệt nhập cốt tủy.] (chúng phải chịu bao nhiêu nỗi thống khổ đau đớn thấu nhập cốt tủy).
Chúng ta thử đặt mình vào vị trí của nó mà suy nghĩ, nếu như động vật đó là ta, ta bị người khác giết hại, sau đó bị họ nấu nướng, bị ăn thịt.
[Kỷ chi dưỡng dã, trân cao la liệt, thực quá tức không].
Chúng ta phải thường thường nghĩ đến điều này. Tôi là năm hai mươi sáu tuổi gặp được quyển sách này, sau khi đọc xong, tôi vô cùng cảm động. Cho nên sau khi tiếp xúc, đại khái là sau sáu tháng, tôi liền ăn chay trường. Tôi thường thường nghĩ đến, “không nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh”, luôn nghĩ đến những trạng huống này, thật đáng sợ! Lại nghĩ đến quả báo, mà thấy lạnh người.
Lúc trước, cha tôi còn sống, ông là quân nhân. Thời gian kháng chiến, trong nhà tôi súng ống rất nhiều. Lúc đó, tôi vẫn còn nhớ rất rõ, súng ngắn, súng dài, trong nhà tôi đại khái là có tám cái. Cha tôi rất thích săn bắn, khi còn nhỏ chúng tôi thường theo cha đi săn bắn, ngày ngày có đồ tươi để ăn. Nhưng sau khi kháng chiến thắng lợi, cái trạng huống mà cha tôi chết, cùng với trên kinh Địa Tạng nói hoàn toàn tương đồng. Ông ầy phát bệnh cuồng, nhìn thấy núi, ông liền chạy lên núi rất giống dã thú, dáng vẻ của ông hoàn toàn giống với thú; thấy nước, ông liền chạy xuống khoan. Phật tại trên kinh nói về quả báo của sát sanh, tôi đã đích thân nhìn thấy. Nghĩ tới tình cảnh của cha tôi từ lúc phát bệnh cho đến lúc tử vong, tôi vô cùng kinh sợ! Bản thân tôi cũng săn thú ba năm, cũng giết không ít chúng sanh, cho nên nghĩ đến tình cảnh đó, lại đọc quyển sách này, tôi không dám nữa. Tôi bắt đầu từ năm 26 tuổi ăn trường chay, phóng sanh để chuộc lỗi, tội sát sanh trong quá khứ quá nặng. Cho nên sau khi tôi học Phật, tôi chỉ làm ba việc: in kinh, là học Ấn Quang Đại sư; phóng sanh để tiêu trừ tội nghiệp sát sanh; bố thí thuốc men, xem thấy có rất nhiều người bị bệnh rất khổ, người nghèo không có khả năng mua thuốc, tôi mỗi tháng quyên một ít tiền để bố thí thuốc men. Tôi làm ba sự việc này, rất đơn giản, rất đơn thuần.
Ở đoạn này, văn tự nói rất hay, “kỉ chi dưỡng dã”, đây là nói tập quán sinh hoạt thường ngày của con người chúng ta.
[Trân cao la liệt], đây là nói món ăn của chúng ta phong phú, bạn có nghĩ đến “thực quá tức không” hay không? Chúng ta tham đồ mỹ vị, vì ai mà tham đồ? Chúng ta sát sanh ăn thịt, cũng là vì ai? Đầu lưỡi phân biệt đươc mùi vị. Chẳng qua chỉ là ba tấc lưỡi mà thôi, lại tạo tác vô lượng vô biện tội nghiệp, thật không đáng! Đây là đạo lí, đây là sự thật, chúng ta đã chân thật nghĩ qua hay chưa?
Nếu như nói ăn chay không có dinh dưỡng, thức ăn chay có cản trở cho sức khỏe, tôi có thể làm chứng minh cho quý vị, tôi ăn chay đến nay đã tròn 50 năm, tôi một đời không có sinh bệnh, xác thực là khỏe mạnh trường thọ. Thể lực của tôi không suy, tình trạng sức khỏe cũng có thể duy trì được lâu dài, nguyên nhân tại vì sao? vì ăn chay. Thực tại mà nói, tôi đối với cái sự việc dưỡng sinh vô cùng hàm hồ, không có tìm cầu, chân thật là không có hiểu biết. Duy chỉ có một điều đáng tiếc trên thân thể là răng của tôi không tốt. Răng của tôi không rụng, đều là răng tốt, chỉ là răng không dủ tiêu chuẩn. Nguyên nhân gì? Không biết cách bảo vệ răng. Đến năm ngoái, có một đồng tu đưa tôi đi khám răng, tẩy răng cho tôi. Bác sĩ tẩy răng nói với tôi rằng: “Thưa pháp sư, răng của ngài rất tốt, bảo vệ được rất tốt. Đây là chỗ đắc lực của việc ngài ăn chay. Hơn bảy mươi tuổi, răng của người khác đều không bằng Ngài”. Ông ấy dạy cho tôi cách bảo vệ răng: “Sau mỗi lần ăn, nhất định phải đánh răng, xúc miệng, nhưng không dùng kem đánh răng. Kem đánh răng chỉ dùng vào hai lần sáng, tối. Bình thường súc miệng nhiều, đánh răng nhiều.” Cái này tôi không hiểu. Trước đây tôi chỉ là sáng sớm đánh răng một lần, buổi tối không đánh răng, cho nên đối với răng không có chiếu cố tốt. Nếu như tôi sớm gặp được vị bác sĩ đó, lúc trẻ biết cách bảo vệ răng, thì hiện tại răng của tôi cùng với người hai, ba mươi tuổi như nhau. Cho nên vị bác sĩ đó bảo tôi phải biết bảo vệ răng cho tốt. Tôi đã từng cho là rất tốt rồi, nhưng vẫn là chưa đủ tốt. Hiện tại tôi đã hiểu được, sau khi ăn cái gì, tôi liền đánh răng súc miệng. Trong kẻ răng nhất định không để tồn tại bất cứ thứ gì, điều đó rất dễ mang theo vi khuẩn. Răng tốt, hệ thống tiêu hóa của chúng ta mới tốt được, người mới có thể không sinh bệnh.
Ăn chay đối với sức khỏe có lợi ích rất lớn, đặc biệt là độ tuổi trung niên trở lên. Sau độ tuổi trung niên không biết chế độ trị liệu trên ẩm thực, đối với sức khỏe thân thể có ảnh hưởng rất lớn. Đây là từ chế độ ăn uống hàng ngày, chúng ta thường nói đến vệ sinh. Người thế gian hiểu biết cần phải có vệ sinh, thế nhưng vẫn còn một điều quan trọng mà mọi người sơ suất, đó là cái gì? Vệ sinh, sinh là tính tình tốt, nó có ảnh hưởng đến tâm lí. Cho nên Islam giáo (Hồi giáo), ăn uống của họ rất có quy củ, có rất nhiều thứ họ không thể ăn. Tôi đã từng nghiên cứu giáo nghĩa của họ, tại sao lại không ăn? Nguyên nhân vì những động vật đó tính tình không tốt. Phàm là động vật, thực vật tính tình không tốt, họ đều không ăn. Tại sao? Sợ ảnh hưởng đến tính tình của mình. Họ biết giữ vệ sinh, bảo vệ tâm trạng tốt, chúng ta ngày nay nói đến tâm trạng, đây là so với người thường cao minh hơn. Về sau, tôi đọc kinh Phật, Phật nói được càng cao minh hơn, Phật nói ba điều, ngoại trừ nói cần có vệ sinh, còn có vệ tánh, vệ tâm; nhằm để bảo hộ tâm từ bi của chúng ta, bảo hộ tâm thiện lương của chúng ta. Cho nên, không ăn thịt của tất cả chúng sanh, điều này có đạo lí. Nhà Phật xác thực là thông tình đạt lí, người thông thường chúng ta nói là, giáo học này hợp tình, hợp lí, hợp pháp, đây không phải là bất biến, nó rất sống động, chúng ta phải hiểu được đạo lí này.
Trong các loại rau, nhà Phật có 5 loại không thể ăn, năm loại này gọi là “ngũ huân thái”. Chư vị hãy thử nghĩ mà xem, chữ “huân” là bộ thảo (cỏ), “huân” không phải là thịt, thịt gọi là “tinh-thịt sống”; nhà Phật gọi là “huân tinh”, điều này thì ngăn cấm. Thịt là thuộc về “tinh”, “huân” là chỉ cho năm loại, năm loại rau, nhưng tổng thể đều là một loại: hành, tỏi, hẹ, nén, kiệu; năm loại này thì không được ăn. Tại sao không được ăn? Năm loại này ăn vào sẽ kích thích sinh lí, dễ phát tâm sân hận, bởi vì nguyên nhân là để ngăn ngừa nóng giận, cho nên phải ngăn trừ. Nấu thức ăn, mấy thứ này có thể sản sinh ra hooc-môn, dễ dẫn khởi tính dục, chính là nguyên nhân này, không phải là gì khác. Nhưng nếu như chỉ dùng nó làm hương liệu, phối với rau thì có thể được. Tại sao? Nó không thể khởi dụng. Cho nên, nhất định phải hiểu được những cấm kị của nhà Phật dụng ý là ở tại chỗ này.
Giới cấm uống ruợu trong nhà Phật, ngũ giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu, Phật nói bản thân rượu không có tội, nhưng khi uống rượu say sợ bạn gây ra sát, đạo, dâm, vọng. Cho nên giới cấm rượu là phòng ngừa, bản thân nó không có tội, điều này chúng ta phải hiểu. Tuy nhiên, khi nấu ăn nếu dùng hương rượu thì không sao cả. Hương rượu này, bạn phải biết rằng nó không thể làm say. Nhà Phật chế định những giới này đều thông tình đạt lí, đặc biệt giới rượu có khai duyên rất nhiều, “khai duyên” tức là khai giới mà không phạm giới, trong một thời kỳ nhất định có thể uống rượu. Trong giới kinh có nói, bảy mươi tuổi trở lên, tình trạng sức khỏe kém, máu huyết lưu thông chậm, mỗi bữa ăn đều có thể uống một li rượu. Tại sao? giúp cho máu huyết tuần hòan, đây là dùng làm thuốc. Trong trung dược, có rất nhiều lúc dùng rượu làm dẫn dược, đều có thể dùng. Cho nên không phải nói cái gì cũng không được dùng. Hiện tại có rất nhiều người trì giới, đối với những giới nhỏ nhặt này trì giữ rất nghiêm, còn giới trọng thì khinh suất, điều này thì sai rồi, hòan toàn làm sai rồi! Cho nên, cái sự việc này không thể không tỉ mỉ phân biệt, đừng nên chết cứng trên giới điều, nếu như vậy thì cái gì cũng hành không thông. Có người nói “giới điều giết người”, đây là do họ hiểu sai ý nghĩa của nó, xác xác thực thực là cách nghĩ cách nói của người thông thường. Họ không biết giới luật nhà Phật rất sống động, giới luật có khai, già, trì, phạm. Bạn nhất định phải hiểu được tinh thần của nó, phải hiểu được Phật vì sao lại chế ra giới điều này. Giới này phải vận dụng như thế nào trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, vận dụng ra sao dưới tình huống gì; nó sống động, linh họat. Bạn mới hiểu được, giới luật là đại tự do, giới luật là đại tự tại, là đọan ác hành thiện. Minh bạch đạo lí này, chúng ta tự nhiên có thể chọn lựa ăn chay, hoan hỷ ăn chay.
Dưỡng tâm là dưỡng tâm thanh tịnh, cần phải nuôi dưỡng tâm chân thành, tâm bình đẳng, tâm từ bi. Bạn phải biết dưỡng tâm, dưỡng tánh; lại hiểu được dưỡng sanh, giữ vệ sinh, thân thể bạn tự nhiên khỏe mạnh, bạn làm sao có thể sanh bệnh? Tân Gia Ba có cư sĩ Hứa Triết, bà năm nay đã 102 tuổi, bà thường nói: “Chúng ta muốn trường thọ, chúng ta không muốn già, chúng ta không muốn bệnh”. 102 tuổi, mỗi ngày vẫn chiếu cố cho nhiều bệnh nhân nghèo khổ, mỗi ngày đều rất bận rộn. 102 tuổi, ngoại trừ đầu tóc bạc phơ, răng chỉ rụng có một cái, tôi nhìn không ra bà có bệnh. Khỏe mạnh, hoạt bát, giống như người trẻ tuổi. Cho nên tại Tân Gia Ba, mọi người đều biết “người thanh niên 102 tuổi”, đây là tấm gương đáng cho chúng ta học tập, noi theo.
[Sơ thực thái canh, tẫn khả sung phúc, hà tất tường bỉ chi sanh, tổn kỉ chi phúc tai] (canh dưa cũng đủ no bụng, hà tất phải sát hại mạng chúng sanh, làm tổn phúc báu của chính mình.)
Hà tất phải giết động vật khác để làm tổn hại phúc báu của mình ư? Đây quyết định là hành vi, suy nghĩ sai lầm.
Hôm nay chỉ giảng đến đây thôi. A MI ĐÀ PHẬT
Website Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ dịch giả Diệu Âm đã gửi tặng các bài dịch từ pháp âm “Liễu Phàm Tứ Huấn” do Hoà Thượng Tịnh Không giảng tại Trung Quốc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.