Mạn La Hoa là cô gái đẹp nhất của kinh thành U Du. Vừa đẹp đẽ lại vừa giàu sang thuộc dòng danh giá vọng tộc nên cô được không biết bao nhiêu Vương tôn công tử gấm ghé cầu hôn. Cha mẹ cô thuộc dòng dõi danh giá vọng tộc và rất giỏi nghề tướng số. Như bao nhiêu đấng sanh thành khác, song thân của Mạn La Hoa rất lấy làm hãnh diện về cô con gái cưng của mình. Họ nhất định phải chọn cho được chàng trai nào có đầy đủ 32 tướng tốt, bất kể giàu nghèo để gả con gái cho.
Khi ấy đức Thế Tôn của ta mới ngoài 30 tuổi. Trên đường hoằng pháp Ngài đi ngang qua kinh thành U Da. Nhác trông thấy từ dung của Ðức Ðạo Sư, thân phụ cô Mạn La Hoa đã giật mình sửng sốt. Ðây quả là chàng rể đông sàng mà ông bà thầm ao ước. Nhìn tới ngắm lui thấy Ngài quả thật hết chỗ chê, ông Bà la môn thân phụ của Mạn La Hoa liền bước tới ngõ lời:
– Này cậu sa môn! Không nói giấu gì cậu, già đây cũng là người có chút đỉnh danh vọng ở vùng này, già hiếm hoi chỉ được một gái, tuổi vừa đôi tám, bộ dạng cũng huê mỹ mặn mà…không biết bao nhiêu người đã gấm ghé cầu hôn mà già đây chưa nhận lời. Bữa nay chợt gặp cậu đây, già liền sanh lòng yêu mến. Vậy, cậu hãy chịu khó đứng đây, già về dắt má bày trẻ đến bàn chuyện…và đem quần áo tốt cho cậu thay đổi rồi về gia trang của già.
Ðức Thế Tôn làm thinh không đáp. Ông Bà la môn hối hả chạy về nhà, gọi vợ:
– Này má nó ơi! Hỷ tín! Chàng rể nhà ta đã đến rồi. Bà vợ tất tả chạy ra, ông liền thuật lại tự sự rồi dắt vợ đi tìm Ðức Thế Tôn.
Lúc bấy giờ Ðức Thế Tôn đang ngồi thọ thực dưới bóng mát của một tàng cây. Ông lão sốt ruột lẩm bẩm:
– Ủa! Ðâu rồi cà…Rõ ràng là tôi dặn y đứng chờ, y làm thinh có mòi chịu lắm mà!
– Hồi nãy, ba nó gặp ở chỗ nào?
– Thì ngay đây nè! Ðó…dấu chân y còn in rõ nơi đây…má nó thấy không? Bàn chân này có một không hai trên đời này…
– Ông à! Sao tui thấy dấu chân này lạ quá…
– Thì tui đã nói với bà rồi, còn lạ lùng gì nữa…Y đẹp trai số dzách, tướng hảo vô song, xứng đôi vừa lứa với con Hoa nhà mình lắm.
– Ông à…tui thấy không ổn rồi…
– Sao? Bà thấy cái giống gì mà không ổn?
– Cái dấu chân này có vần thiên luân…chứng tỏ người này đã dứt lòng dục nhiễm rồi…Hạng này không chịu lập gia đình đâu ông.
– Thôi đi bà ở đó mà tướng với số. Y đã bằng lòng rồi mà. Kia kìa! Y đang ngồi dưới tàng cây kia.
Hai ông bà liền đến gặp Phật nhắc lại chuyện trăm năm. Ðức Thế Tôn liền tùy cơ nói pháp, sau thời pháp cả hai ông bà đều đắc quả Tu Ðà Hoàn, xin quy y làm đệ tử tục gia của Phật.
Trong khi ấy, Mạn La Hoa ở nhà trang điễm kỹ lưỡng theo lời cha mẹ dặn dò, hồi hộp chờ đợi vị hôn phu thì con hầu gái đã tất tả chạy về mách lẻo trước.
– Tiểu thơ ơi! Tiểu thơ.
– Cái gì?
– Dạ… dạ hỏng rồi!
– Cái gì hỏng? Cá khô hay là cơm khét?
– Dạ… hỏng phải chuyện đó…
– Chứ chuyện gì?
– Dạ…chuyện trăm năm của tiểu thơ đó…
– A! Con bé này láo thật, mi dám xen vào chuyện của chủ nhân à?
Cô hầu gái, bị rầy, tiu nghỉu:
– Xin tiểu thơ tha lỗi cho…từ rày về sao con không dám thế nữa…
– Ðược rồi lần đầu cô tha cho…lần sao thì phải đòn đấy. Mà này, em biết gì…nói cô nghe thử…
– Dạ…dạ cái ông sa môn đó, tuy có đẹp trai thật nhưng mà khinh người số một. Con núp đàng sau cội cây nghe ổng đối đáp với lão gia rõ mồn một… ổng chê rằng…nhưng…con không dám nói đâu…
– Em cứ nói, cô cho phép…
– Thưa tiểu thư, ổng bảo rằng thân thể của tiểu thư bẩn thỉu, hôi thúi lắm…
Mạn La Hoa tái mặt, lần đầu tiên cô mới nghe một lời phẩm bình về cô quá khó nghe như thế. Con hầu gái vẫn thản nhiên nói:
– Ổng nói là: Cô con gái của hai ông bà chỉ có thể mê hoặc những tên đàn ông ngu ngốc thôi…ổng nói là…cơ thể của cô ngày đêm rỉ chảy đủ thứ đồ ô uế như đàm dãi, phân tiểu… Là lúc ổng tu hành ở trong rừng, mấy bà tiên ở trên trời xuống đòi làm hầu thiếp mà ổng còn hỏng thèm…Là, cái thể xác của tiểu thư, cho ổng đụng tới bằng ngón chân, ổng cũng không thèm là…
Quá sức chịu đựng, Mạn La Hoa ném ngay lọ hoa xuống đất, hét:
– Im ngay! Im ngay! Ta cấm mi không được lặp lại những lời này với một kẻ thứ hai nào hết…Nếu trái lời, đừng trách ta độc ác… Nghe rõ chưa?
– Dạ rõ! Thấy nữ chủ nổi trận lôi đình, con hầu gái vội vàng lẩn mất.
Mạn La Hoa nằm vật xuống giường òa lên khóc nức nỡ. Hồi lâu, cô hậm hực nhìn về phía Ðức Thế Tôn đang ngự, chỉ tay gằn giọng:
– Này ông sa môn ngạo mạn kia hãy mở con mắt chống lỗ tai lên mà xem Mạn La Hoa này, ông phải trả giá cho những lời nói hỗn xược của ông…Làm như ta đây là thứ ế ẩm để dành bán sol…không bằng.
Với chủ tâm trả thù Phật, ngày hôm sau Mạn La Hoa cho bắn tin với đại vương thành U Du rằng cô đã bằng lòng. Một tuần sau cô trở thành hoàng phi của vua U Du, đệ nhất phu nhân của vùng Kosambi. Nhiều năm trôi qua, ngày mà hoàng phi Mạn La Hoa chờ đợi đã đến, đức Phật cùng A Nan du hóa qua vùng Kosambi. Những tay chửi lộn mướn chua ngoa nhất của kinh thành đều được tu tập lại…để đón chào đấng Ðạo Sư. Ngài điềm nhiên đi qua những con đường vang rền các âm thanh thô tục như không có chuyện gì xảy ra. Riêng tôn giả A Nan, tối mặt tối mũi trước những âm thanh kỳ quái ấy, bèn bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn…chúng ta đi về thôi…
– Về đâu? Hỡi A Nan…
– Thưa…đi đến một thành phố khác như thành Ðề Xá chẳng hạn.
– Nhỡ nơi ấy cư dân lại đón tiếp thầy trò y hệt nơi đây thì ông tính sao?
– Thưa, chúng ta sẽ đi qua thành Hoa Thị…
– Và nếu tình trạng của thành Hoa Thị lại tương tự như đây thì ông tính sao?
– Bạch Thế Tôn…chúng ta sẽ đi và sẽ đến những nơi nào mà người ta không bạc đãi mình như thành Vương Xá, thành Tỳ Xá Ly chẳng hạn.
– Này A Nan! Tại sao cư dân các thành phố đó lại ưu ái và ân cần với thầy trò mình?
– Thưa…vì họ đã nghe pháp, hiểu pháp, đã có trí huệ để biết đâu là hành động lành, đâu là hành động dữ…nên rất khát khao được chiêm ngưỡng Ðức Thế Tôn.
– Và này A Nan! Còn cư dân vùng này tại sao lại đón tiếp thầy trò mình kiểu này?
– Bạch Thế Tôn, vì họ chưa hề biết đến Phật pháp, chưa phân biệt rõ đâu là nghiệp lành hay nghiệp dữ nên họ mới hành động như thế.
– Này A Nan! Ví như có một vị đại lương y tài giỏi, thương bệnh nhân như con đẻ. Vị lương y này có bao giờ dán bố cáo trước cổng rằng: “Nơi đây bổn hiệu chỉ nhận chữa bệnh cho người lành mạnh hoặc ít bệnh. Còn ai đau nặng thì xin miễn tiếp” hay không?
– Bạch Thế Tôn! Không bao giờ, vì thấy thuốc hay cần cho người bệnh nặng chứ không phải dành riêng cho người khoẻ mạnh.
– Này A Nan, cũng thế, Như Lai ra đời là vì lợi ích cho những chúng sanh si ám chưa phân biệt rõ thiện và ác, chuyên tạo nghiệp dữ để chiêu vời những quả khổ trong ba đường ác. Những người bệnh nặng cần lương y như thế nào thì cư dân nơi đây cũng cần đến sự hiện diện của Như Lai như thế đó. Cư dân của các thành Tỳ Xá Ly cùng Vương Xá giống như những người khoẻ mạnh hay ít bệnh, các đệ tử Như Lai hiện diện nơi đó cũng đủ rồi, còn nơi đây nếu Như Lai không đích thân giáo hóa thì còn ai dám đến nữa hở A Nan?
– Nhưng bạch Thế Tôn ở đây có ai thèm nghe Thế Tôn nói Thế pháp đâu? Họ đã đón tiếp Thế Tôn bằng những gì thối tha bẩn thỉu nhất. Những người bệnh nặng cả mà không cần thầy thuốc thì dù lương y có sẵn lòng từ tâm cũng chỉ luống công vô ích mà thôi.
– Này A Nan! Một người bị bệnh nặng, thân lẫn tâm bị xúc não, thống khổ…không thể nào có những tâm niệm, ngôn ngữ và hành vi như một người bình thường được. Vị lương y phải tận tâm hành nghề không xao xuyến vì lời nói và cử chỉ bất nhã của bệnh nhân, cho đến bao giờ, thấy rằng cư dân vùng này thật sự không còn cần đến Như Lai nữa, Như Lai sẽ đi ngay.
Ngay lúc ấy tên chúa trùm du đãng, thủ lãnh các tay anh chị chửi lộn mướn, liền bước ra nói:
– Thưa sa môn Cồ Ðàm! Con xin đại diện cho cư dân vùng này nói chung, và toàn thể anh chị em chửi lộn mướn chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư nói riêng, xin được ngỏ lời xin lỗi Ngài cùng ông thầy đây. Qua câu chuyện đối đáp giữa thầy trò của Ngài chúng con vô cùng hối hận…Vậy xin Ngài Cồ Ðàm đừng giận, mà hãy ở lại đây để dạy dỗ chúng con, những bệnh nhân đang hấp hối.
Một tuần lễ sau dân chúng thành U Du lại cư xử với đấng đạo sư hệt như cư dân thành Vương Xá, thành Tỳ Xá Ly. Ngày đức đạo sư cùng tôn giả A Nan lên đường đi du hóa nơi khác dân chúng lũ lượt kéo nhau đi tiễn đưa, rải hoa và khóc than rất là bi thiết. Tất cả những sự kiện ấy đều đến tai hoàng phi Mạn La Hoa, bà hoàng này không biết làm gì hơn là trút cơn giận vào những thái giám và thị nữ dưới tay mình.
Em thân mến!
Tất cả mọi chúng sanh đều có Phật tánh, đầy đủ trí huệ như Phật không khác…nhưng có lẽ điểm khác nhau rõ rệt giữa Ngài và chúng ta là: Ðức Thế Tôn chuyển nghịch thành thuận không nề gian khổ trong chuyện độ sanh…còn chúng ta hàng đệ tử Phật – thì gặp phải nghịch cảnh thì vừa chạy vừa khóc, thối thất tâm bồ đề.
Có lần Ðức Thế Tôn đã dạy Sa di La Hầu La như thế này: “Nếu con đòi rằng, mỗi lần đi đến đâu chúng sanh phải trải chiếu bông để đón chân con, để con khỏi dẫm lên gai góc…thì điều đó thật là khó thực hiện…Vì làm sao người ta có thể tìm ra đủ số chiếu để làm vừa lòng con? Chi bằng hãy mang một đôi giày vào chân thì tha hồ mà xông bờ lướt bụi”.
Ðôi giày này tức là đức nhẫn nhục đó em ơi! Bọn mình có thể thêu câu này vào chiếc khăn tay (thường được dùng để quẹt nước mắt và hỉ mũi) hay không, hở nhỏ?
Trích “Hư Hư Lục” / Thích Nữ Như Thủy