Có một hôm, tôn giả A Nan đi cùng với đức Phật ra ngoài thành hành hóa. Ðến một chỗ đó, đức Phật thình lình ngừng bước, quay đầu lại hỏi tôn giả A Nan :
– A Nan ! Ngay đây có rất nhiều, rất nhiều rắn độc đang ẩn núp trong lòng đất, ông có thấy không ?
Tôn giả A Nan đã chứng được thiên nhãn thông nên nhìn thấy rất rõ ràng, ngài trả lời : – Thưa vâng, bạch Thế Tôn ! Ðệ tử đã nhìn thấy.
Nói xong, hai người khoan thai tiếp tục bước đi. Khi đức Phật và A Nan đi ngang qua chỗ ấy thì có một người làm công cũng vừa đến sau lưng hai người. Người này nghe lời đối thoại giữa đức Phật và A Nan bèn lấy làm lạ, tự nghĩ :
– Không lẽ mắt của hai vị sa môn này lợi hại đến thế sao, đến nỗi nhìn thấy tất cả những gì được chôn dấu dưới mặt dất ? Ðể ta đào đất lên xem thử dưới ấy có nhiều rắn độc như họ nói không. Nếu thật sự có rắn độc cũng chẳng hề gì, dù sao đi nữa chúng cũng không hại ta nổi.
Nghĩ thế xong, ông bèn đi lấy cuốc tới đào đất chỗ ấy. Khi ông đào xuống được khoảng 3 thước, bỗng nhiên nhìn thấy từ phía dưới có ánh sáng chói lọi chiếu lên. Thì ra chôn dấu dưới lòng đất không phải là rắn độc, mà là rất nhiều vàng bạc châu báu ! Người làm công này mừng quá, nói không ra lời, nghĩ rằng :
– Ðây là vận may của ta, ta nên đem hết về nhà.
Rồi bèn vội vàng lén lút mang hết kho tàng về nhà mình. Từ một người làm công nghèo rách mồng tơi, chỉ một bước ông đã biến thành một tay triệu phú. Tuy ông có rất nhiều tiền, sống một cuộc sống hết sức sung sướng thoải mái, nhưng ông có một người hàng xóm ở sát bên tường rất ganh ghét ông. Ngay từ trước hai bên đã không ưa nhau, nay người hàng xóm thấy ông này bỗng nhiên trở nên giàu có nên trong lòng lúc nào cũng ngờ vực và ganh tị, bèn tìm cách điều tra xem tiền của ấy từ đâu ra.
Không lâu sau, nghe được một đứa bé kể lại rẳng tiền của này do ông nọ đào được kho tàng mà có, thế là người hàng xóm vội đi báo cáo cho nhà vua biết. Theo luật pháp đương thời của nước ấy, bất kỳ ai đào được kho tàng cũng đều phải trình tâu lên triều đình, và kho tàng ấy phải được đưa vào ngân khố của quốc gia. Thế nhưng người làm công nói trên lại không tuân hành luật pháp, nên khi việc này đến tai nhà vua, nhà vua nổi trận lôi đình ra lệnh bắt giam người ấy về tra tấn hạch hỏi, bắt phải khai chỗ đã đào được kho tàng, nghĩ rằng biết đâu chỗ ấy còn sót lại bảo vật nào chăng ?
Sự thật thì kho tàng đã được đào sạch cả rồi, nhưng nhà vua không chịu tin, vẫn cho tra khảo đánh đập người làm công nọ cho bầm thịt nát xương, rồi còn cho mật thám vào ngục tối ở chung với ông, dò xét xem ông có dấu giếm điều chi không. Ông đem hết sự thật ra kể cho mật thám nghe, nhưng trước khi nói, ông thành kính chắp tay ngước nhìn lên trời, sa nước mắt mà rằng :
– Lời của đức Phật thật là không bao giờ sai quấy. Lúc Ngài đi ngang chỗ chôn kho tàng, Ngài đã nói với tôn giả A Nan rằng đất này độc hiểm nên có rất nhiều rắn độc ẩn núp ở phía dưới. Tôi thật là ngu si nên nghe thế muốn biết thực hư ra sao, bèn đem cuốc đến đào đất lên. Ðào ra mới thấy ở phía dưới toàn là châu báu, tôi mừng không kể xiết, mới bí mật đem kho tàng về nhà. Lúc ấy tôi cho rằng đó là vận may của tôi, còn đức Phật và A Nan mới là kẻ ngu si nên không biết làm giàu. Nào có ngờ đâu vì việc này mà chiêu cảm đại họa, chỉ hận là lúc ấy tôi không tin lời đức Phật, bây giờ mới biết rằng vàng bạc châu báu không khác gì rắn độc, nên mới đưa tôi đến cái tai vạ bị tra tấn đến tan xương nát thịt ngày hôm nay !
Mật thám đem câu chuyện lên trình tâu nhà vua, nhà vua nghe xong, biết người làm công đã tin lời đức Phật rồi và đã phát nguyện hối cải, nên mới thả cho ông ra khỏi ngục mà nói:
– Thế Tôn đại từ bi mới gọi kho tàng là ổ rắn độc để khuyên người khác tránh xa. Người ta không tin lời đức Phật nên nổi lòng tham và tạo tội. Nếu nghe nhớ lời Phật dạy thì có tai nạn nào còn lụy đến thân nữa ?
Nói xong, nhà vua cho phép người làm công trở về nhà.
Trích “Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn” / Việt dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh