Sợ hãi, chấp nhận và tha thứ

Nhiều người trong chúng ta thường hỏi rất nhiều lần câu hỏi “Vì sao tôi phải chết?” Câu hỏi quan trọng hơn bạn nên hỏi chính bạn là: “Chuyện gì xảy ra trước khi tôi lìa đời?” Bạn nên tới người thân yêu của bạn và hỏi: “Em (hay anh) yêu, em vẫn là người anh cưới ba mươi năm trước hay em là người khác? Vì sao em tới đây? Em sẽ đi về đâu? Vì sao anh lại phải khóc khi em chết đi?” Đó là những câu hỏi rất quan trọng mà nếu chỉ dùng trí khôn, thì ta không thể trả lời. Chúng ta cần điều gì sâu lắng và hoàn hảo hơn để trả lời những câu hỏi này.

Phép thực tập địa xúc (lạy xuống sát đất) có thể giúp ta tiếp xúc được với bản chất vô sinh bất diệt. Nếu ta thực tập địa xúc như Bụt đã thực tập thì ta có thể đạt tới trí tuệ thật sự.

Trong kinh nói rằng một ngày trước khi Bụt thành đạo, Ngài còn chút nghi ngờ về khả năng tỉnh thức tuyệt đối của mình. Ngài đã khá tự tin nhưng có điều gì đó khiến Ngài còn thắc mắc. Ngài bèn thực tập phép địa xúc. Ngài dùng hai bàn tay tiếp xúc với mặt đất để chuyển hóa mối nghi kia. Ngày hôm sau, hoàng tử Siddharta trở thành Bụt Thích Ca.

Trong các chùa tại Á Châu, bạn nhìn thấy các tượng Bụt để một tay chạm mặt đất. Địa xúc là phép thực tập rất sâu có thể giúp ta chuyển hóa sợ hãi, nghi ngờ, thiên kiến và giận dữ.

Tiếp xúc với cả hai bình diện

Bình diện tuyệt đối (bản môn) và bình diện tương đối (tích môn) là hai thực tại liên hệ hỗ tương nhau. Nếu bạn có thể tiếp xúc sâu sắc với một thì bạn cũng tiếp xúc được với bình diện kia. Chúa Jesus có thể được nói tới như là một người con của thường dân và cũng là con của Thượng đế. Là con người thường, Ngài thuộc vào tích môn và trong bản môn, Chúa là con Thượng đế.

Có một vị Bụt trong lịch sử và cũng có một vị Bụt vượt không gian và thời gian. Chúng ta tất cả đều như vậy. Chúng ta thuộc về tích môn, khi sống đời hàng ngày, nhưng ta cũng có một bình diện bản môn, khi ta tập sống về tâm linh. Nếu chúng ta có thể sống với bình diện tuyệt đối cùng lúc với bình diện tương đối thì ta sẽ không còn sợ hãi. Khi không sợ hãi nữa thì có chân hạnh phúc. Ngọn sóng có quyền sống như một ngọn sóng, nhưng nó cần học cách sống như nó là nước vì nó không phải chỉ là sóng mà thôi. Nó cũng là nước. Và nước thì sống mà không sợ hãi như sóng.

Lạy sát đất là một phương pháp dễ làm và có hiệu quả để tiếp xúc với bản môn. Thực tập phép này một ngày kia bạn sẽ tiếp xúc được với bản chất vô sinh bất diệt. Và từ lúc đó bạn sẽ dứt hẳn được các mối lo sợ. Bạn sẽ trở thành con người cưỡi trên sóng sinh tử một cách oai phong vì bạn không còn bị sợ hãi và phiền giận lay động nữa.

Tiếp xúc với đất trong tích môn

Hãy tưởng tượng thời gian như một đường thẳng dọc. Đặt mình vào một chỗ, như đang đứng trên trục thời gian đó, quá khứ phía trên và tương lai phía dưới. Coi các thế hệ tổ tiên đã tới trước bạn, trong đó trẻ nhất là cha mẹ của bạn. Tất cả đều ở trên cái trục thời gian. Dưới bạn, nhìn về con, cháu, chắt vv… và tất cả các thế hệ tương lai. Nếu không có con, bạn có thể coi con cháu là những người tiếp nối của các nhân vật bạn đã tiếp xúc đời này, và tất cả những ai mà bạn đã ảnh hưởng đến họ.

Trong bạn có tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Bạn tiếp xúc với sự hiện diện của cha mẹ trong từng tế bào của cơ thể bạn. Họ thật sự có mặt tại đó, cũng như ông bà, cụ cố của bạn. Làm vậy bạn sẽ nhận thức được mình là tiếp nối của họ. Bạn có thể nghĩ tổ tiên không còn hiện hữu, nhưng ngay cả các khoa học gia cũng cho rằng tổ tiên bạn còn trong bạn, trong các “gien” (genes) di truyền, nghĩa là trong từng tế bào của bạn.

Đối với các thế hệ con cháu cũng vậy. Bạn sẽ hiện diện  trong từng tế bào của chúng. Và bạn cũng hiện diện trong tâm thức của những người mà bạn đã tiếp xúc. Đây là sự thật, không phải chuyện tưởng tượng. Đây là cái lạy, là địa xúc thứ nhất.

Hạt và cây

Hãy nhìn cây mận. Trong mỗi trái mận trên cây có một cái hạt. Hạt đó chứa đựng cây mận và tất cả những thế hệ trước nó. Hạt mận chứa đựng hằng hà sa số cây mận. Trong hạt mận có sự hiểu biết thông minh là làm sao để trở thành một cây mận, làm sao để thành ra cành, lá, hoa và trái mận. Nó không thể tự mình làm như vậy được. Nó chỉ có thể làm được vậy khi nó đã tiếp nhận được kinh nghiệm và gia tài của bao thế hệ tổ tiên. Bạn cũng vậy. Bạn có trí tuệ và thông minh để trở thành một con người vì bạn đã thừa hưởng từ muôn đời trí tuệ không những của tổ tiên huyết thống mà còn của tổ tiên tâm linh nữa.

Tổ tiên tâm linh có trong bạn vì bản chất trời sinh của bạn và sự dưỡng dục bạn nhận được là hai thứ không thể tách rời. Dưỡng dục thay đổi bản chất di truyền. Tâm linh và sự tu học của bạn, là một phần của đời sống hàng ngày, cũng có mặt trong từng tế bào của bạn. Vậy nên các vị thầy tâm linh cũng có trong mỗi tế bào của bạn. Bạn không thể chối bỏ sự hiện hữu của họ.

Bạn có những vị tổ mà bạn ngưỡng mộ. Bạn cũng có những vị tiền nhân với nhiều tính tiêu cực mà bạn không hãnh diện gì, nhưng họ vẫn là tổ tiên của bạn. Một số người trong chúng ta có cha mẹ tuyệt vời, những người khác có cha mẹ rất  đau khổ và họ làm cả gia đình khổ theo. Bạn có thể có các thầy tâm linh không giúp gì bạn và gia đình bạn trong việc biết đạo và sống đạo. Bạn có thể không kính trọng họ, nhưng họ vẫn là tổ tiên của bạn.

Chấp nhận

Chúng ta cần quay về với chính mình và ôm lấy tổ tiên huyết thống cũng như tổ tiên tâm linh của mình. Chúng ta không thể bỏ lơ họ được. Họ là một thực tại và họ có đó. Họ là một phần thân thể và tâm hồn của chúng ta.

Khi bạn lạy xuống đất lần thứ nhất, hãy chấp nhận tất cả tổ tiên với bản chất của họ. Đây là điều quan trọng. Chấp nhận một cách vô điều kiện là bước đầu để mở được cánh cửa kỳ diệu của tha thứ. Jesus đã nói: “Xin hãy tha tội cho chúng con đã xâm phạm kẻ khác và cũng tha tội cho kẻ khác đã xâm phạm chúng con.” Chúa hiểu rằng bước đầu của sự tha thứ là chấp nhận người khác như họ đang là họ, dù họ có làm hại ta.

Muốn chấp nhận kẻ khác như bản chất của họ, chúng ta bắt đầu từ chính mình.  Nếu chúng ta không thể chấp nhận được chúng ta như ta đang là ta, ta sẽ không bao giờ chấp nhận được người khác. Khi tôi nhìn lại tôi, tôi thấy những điều tốt đẹp, tích cực và có thể nói là đáng khen nữa. Nhưng tôi biết mình cũng có một phần tiêu cực trong người. Vậy, trước hết tôi cần nhận biết và chấp nhận chính tôi.

Khi nào thực tập địa xúc ta cũng thực tập thở có chánh niệm, dù là thực tập  trước một tảng đá, ngọn núi, trước một bông hoa hay trước bàn thờ trong nhà. Thở vào thở ra, bạn quán tưởng hình ảnh của tổ tiên, bạn sẽ nhìn thấy các ưu điểm và nhược điểm của họ. Hãy quyết tâm chấp nhận tất cả đều là tổ tiên của mình, không ngần ngại gì hết. Sau đó, bạn lạy xuống, để hai đầu gối tiếp xúc với đất, rồi hai tay, và trán nữa. Giữ tư thế phủ phục đó trong khi quán tưởng hình ảnh họ:

“Thưa Chư Tổ, con là các Ngài với tất cả sức mạnh và yếu đuối của quý vị. Con nhìn thấy những hạt giống tiêu cực và tích cực trong quý vị. Con hiểu rằng các Ngài đã may mắn nên các hạt giống từ bi, vô úy đã được tưới tẩm. Con cũng hiểu rằng quý Ngài đã không may có các hạt giống xấu bị tưới tẩm như ghen tỵ, sợ hãi; nên hạt giống tốt không có cơ hội lớn lên.”

Nếu các hạt giống thiện được tưới tẩm trong cuộc đời một người nào, đó là do may mắn và một phần do cố gắng. Những cái duyên trong đời sống có thể giúp ta gặp cơ hội tưới tẩm những hạt giống kiên nhẫn, đại lượng, từ bi và yêu thương. Người chung quanh có thể giúp ta, và thực tập chánh niệm cũng giúp ta.

Nhưng nếu một người lớn lên trong chiến tranh, hoặc khi gia đình, cộng đồng của họ chịu nhiều khổ đau rồi, thì người đó có thể có nhiều sợ hãi và tuyệt vọng. Nếu cha mẹ họ đã khổ nhiều và sợ sệt người khác cũng như sợ cả thế giới, thì các vị đó có thể truyền sang con cháu những lo lắng và giận dữ của họ. Khi người kia được lớn lên trong tình thương yêu và sự an toàn, các hạt giống thiện trong họ lớn lên và họ có thể truyền các hạt giống tuyệt vời đó sang con cháu.

Nếu bạn có thể nhìn tổ tiên như thế, bạn sẽ hiểu rằng họ cũng là người đau khổ và đã cố gắng tối đa. Sự hiểu biết này sẽ làm tan đi tất cả hờn giận và chối bỏ nơi bạn. Chấp nhận tổ tiên với cả hai mặt yếu và mạnh là điều rất quan trọng. Nó sẽ giúp cho bạn được bình an hơn và ít đi sự sợ hãi.

Bạn cũng có thể nhìn các anh chị mình như các vị tổ tiên trẻ tuổi, vì họ ra đời trước bạn. Họ có những yếu kém cũng như có tài năng mà bạn phải chấp nhận vì bạn nhận thức được rằng bạn cũng có khuyết điểm và tài năng. Bạn thực hiện được sự chấp nhận đó khi bạn lạy xuống đất. Nếu bạn muốn, có thể giữ tư thế lạy phủ phục đó trong 5 – 10 hay 15 phút để nhìn sâu và thực nghiệm sự chấp nhận đó.

Cái lạy thứ nhất có thể cần được lập đi lập lại mấy lần trước khi bạn có thể giải hòa với cha mẹ hay tổ tiên. Nó đòi hỏi phải thực tập nhiều, nhưng bạn cần làm vậy vì cha mẹ và tổ tiên hiện diện trong bạn. Hòa giải với họ nghĩa là bạn hòa giải với chính mình. Chối bỏ họ là chối bỏ chính mình. Nếu bạn có thể thấy được rằng bạn không thể chia cách với tổ tiên, đó là bạn đã tiến bộ nhiều rồi. Tôi tin chắc là bạn sẽ thành công sau một vài ngày hay một tuần lễ thực tập như vậy.

Bạn có thể thực tập thiền lạy hay địa xúc bất cứ tại đâu. Trước bàn thờ tổ tiên, trước một cái cây hay đám mây, ngọn núi hoặc bất kỳ chỗ nào bạn thích. Đứng trước tảng đá hay đám mây hay cái cây hoặc bông hoa trên bàn thờ, hình dung tất cả các vị tổ có mặt trong bạn. Điều này không khó vì thực tế bạn chính là họ. Bạn là tiếp nối của họ. Xin hãy thực tập với một trăm phần trăm con người của bạn.

Tiếp xúc với tương lai

Bước thứ hai trong phép địa xúc là nhìn xuống các hậu sinh của bạn – con, cháu ruột và cháu họ. Nếu bạn có khúc mắc với chúng, bạn nên hình dung như sau:

“Tôi không phải là một thực thể cách biệt với con tôi, vì tôi được tiếp nối nơi con cháu tôi. Chúng mang tôi vào tương lai. Con trai, con gái và học trò tôi là tôi.”

Trong các bản cáo phó tiếng Anh họ luôn luôn viết: “Ông X đã chết và còn tiếp tục sống trong con trai, con gái” (Mr. X has died and is survived by his sons and daughters). Ý nghĩa đó là con ông sẽ tiếp tục sống cho ông. Học trò tôi là tôi và tôi cần sống làm sao để mỗi ngày tôi có thể truyền cho họ con người tốt đẹp nhất của tôi vì họ sẽ mang tôi vào tương lai. Tôi vẫn nói với học trò tôi rằng họ phải ngắm mặt trời mọc cho tôi và tôi sẽ ngắm mặt trời lặn cho họ bằng những con mắt của họ. Tôi bất tử nhờ có các môn sinh.

Vì bạn nhìn thấy bạn trong người bạn đường và trong tổ tiên, bạn cũng nhìn thấy bạn trong con cái. Nhờ có cha mẹ mà bạn có đường đi tới Bụt và tất cả các vị tổ. Học trò tôi biết con đường đi tới Bụt và các thầy tổ là qua tôi. Nhờ con cái bạn có lối đi tới tương lai. Con cần cha để có lối về nguồn, cha cần con để có lối đi vào tương lai và về chốn vô cùng.

Đây là sự thực tập rất cụ thể mà bạn có thể làm một mình hoặc với vài người bạn để hỗ trợ nhau. Ban đầu cần người nào đó hướng dẫn bạn, nhưng sau bạn có thể tự hướng dẫn mình.

Nếu bạn gặp khó khăn với con trai hay con gái bạn, bạn có khuynh hướng nói rằng: “Mày không phải con gái tao, con tao không cư xử như vậy!… Mày không phải con trai tao, con trai tao sẽ không bao giờ làm như thế!” Nếu bạn nhìn sâu vào chính bạn, bạn sẽ thấy những hạt giống bất thiện kia cũng có ở trong bạn. Khi còn trẻ, bạn lầm lỗi và học từ những lỗi lầm đó. Khi con bạn làm sai, bạn cần giúp chúng hiểu ra để không làm lỗi thêm nữa. Khi bạn có thể nhìn được các khuyết điểm của mình, bạn có thể nói: “Mình là ai mà không chấp nhận được con mình?” Con trai bạn chính là bạn. Với phát kiến bất nhị đó, bạn có thể hòa giải với các con bạn. Thực tập lạy sát đất là con đường đưa tới sự hòa giải.

Chánh định

Chánh định là con đường thứ tám trong Bát Chánh Đạo Bụt đã dạy, tám con đường chính đáng để thực tập. Có chánh định trên vô ngã, vô thường và tương tức là điều ta có thể chứng nghiệm khi thực tập địa xúc. Không có chánh định thì không thể giác ngộ. Nếu bạn có thể nhìn vào bạn, nhìn cha mẹ, con cái trong ánh sáng vô thường, vô ngã và tương tức, thì sự hóa giải sẽ tới một cách tự nhiên.

Hãy cho bạn thì giờ để thực tập lễ lạy sát đất một hoặc hai lần mỗi ngày. Bạn có thể dùng các lời khấn sau đây để hướng dẫn phép quán tưởng: “Tiếp xúc với đất, con tiếp xúc với tổ tiên và con cháu của con trong cả hai dòng huyết thống và tâm linh.” Quán tưởng như thế khi bạn đứng trước một nơi nào bạn chọn, rồi lạy xuống sát đất.

Thầy tâm linh của tôi gồm cả Bụt, các vị Bồ tát và các vị môn đệ của Bụt. Trong đó có cả các vị thầy của tôi đang còn tại thế hay đã qua đời. Họ đang có mặt trong tôi vì họ đã truyền cho tôi những hạt giống bình an, trí tuệ, yêu thương và hạnh phúc. Họ đã làm thức dậy trong tôi nguồn tuệ giác và từ bi. Khi nhìn vào các vị tổ tiên tâm linh, tôi nhìn thấy các vị đã hoàn thành việc tu tập chánh niệm, có trí tuệ và từ bi; tôi cũng nhìn thấy các vị thầy còn khiếm khuyết. Tôi chấp nhận họ vì trong tôi cũng có những khiếm khuyết và yếu đuối.

Biết rằng sự thực tập tỉnh thức trong tôi không phải lúc nào cũng hoàn hảo, và tôi không phải lúc nào cũng có hiểu biết thương yêu, tôi mở rộng lòng chấp nhận tất cả các con cháu tôi. Một số con cháu sống cuộc đời khiến tôi tin tưởng và tôn trọng chúng, nhưng cũng có những đứa còn nhiều khó khăn và sự thực tập trồi sụt thất thường. Tôi mở rộng lòng thương và ôm chúng như nhau.

Cũng vậy, tôi chấp nhận tất cả các vị tổ tiên nội ngoại. Tôi chấp nhận các tính thiện và những hành động tốt họ đã làm, cũng như các khiếm khuyết của họ. Tôi mở lòng chấp nhận con cháu với các tính thiện, các tài năng  cũng như các tính bất thiện trong chúng.

Dù bạn theo truyền thống tâm linh nào chăng nữa, bạn cũng có thể kể các vị thầy bạn trong lời quán nguyện. Nếu bạn có gốc rễ Thiên chúa giáo, thì thầy tâm linh của bạn gồm cả chúa Jesus, các đồ đệ của Ngài và các vị thánh cùng các vị thầy đã chỉ dạy cho bạn. Nếu theo Do Thái giáo, bạn cũng có thể gồm các vị thầy tổ trong truyền thống (patriarchs – matriarchs) và các giáo sĩ (rabbis) vào đó.

Các vị tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống, các hậu duệ tinh thần và máu mủ của tôi đều là một phần trong tôi. Tôi là họ và họ là tôi. Tôi không có một tự tánh riêng biệt. Chúng ta hiện hữu như một dòng suối của đời sống kỳ diệu.

Thiền quán trong tích môn

Tích môn là bình diện tương đối, nơi có đi có tới, có sống có chết. Khi chúng ta bắt đầu tiếp xúc với tích môn, chúng ta thường trở nên sợ sệt. Ta sợ vì ta chưa hiểu rằng sinh tử là chuyện không có thật. Bụt dạy: “Cái gì sinh thì sẽ diệt.” Nếu có sinh thì sẽ có tử. Nếu có bên phải thì cũng có bên trái. Nếu có bắt đầu thì sẽ có chấm dứt. Đó là cách mọi sự vật hiện bày ra trong tích môn. Các tăng ni và Phật tử thời Bụt còn tại thế đã thực tập nhận diện sinh tử như những thực tại.

Để đối phó với nỗi sợ hãi trong ta thì thiền quán có thể giúp ta an tâm được một chút. Khởi đầu ta sẽ thực tập dễ hơn nếu được hướng dẫn. Hơi thở là phương tiện đưa ta vào định tâm. Nó hướng ta chú tâm vào đối tượng thiền quán. Ta bắt đầu bằng cách chú tâm vào hơi thở, để sau này khi muốn quán tưởng, ta có thể hướng dẫn được tâm ý mình.

Ta cố gắng hướng tâm vào sự nhận diện thực tại. Đây là bài kệ các tu viện Phật giáo tụng hàng ngày: “Thở vào thở ra, tôi có ý thức là bản thân tôi sẽ hoại diệt, tôi sẽ chết. Bản thân tôi sẽ già, và tôi sẽ bệnh. Vì tôi có cái thân, tôi không thể thoát được đau ốm. Tất cả những gì tôi yêu quý và giữ gìn, bám víu hôm nay, tôi sẽ bỏ lại một ngày nào đó.  Điều duy nhất tôi mang theo được là kết quả của các hành động tôi làm, những lời tôi nói và các ý nghĩ trong tôi.”

Chúng ta cần nhận diện sự thực này và mỉm cười. Đây là phép thực tập đối diện với cái sợ của chính mình. Nỗi sợ đó luôn luôn hiện diện trong chúng ta: sợ ốm đau, sợ chết, sợ bị người thương bỏ rơi. Những lo sợ đó rất nhân bản.

Bụt không khuyên chúng ta nên đè nén các lo sợ. Bụt dạy ta nên mời các nỗi lo sợ đó lên tầng trên tâm thức để nhận diện và mỉm cười với chúng. Thời Bụt còn tại thế cũng như ngày nay, các tăng ni thực tập hàng ngày như thế. Mỗi khi cái sợ nổi lên, bạn lại nhận diện và mỉm cười với nó, cái lo sợ sẽ mất đi một phần sức mạnh của nó. Khi nó trở lại tiềm thức ta, nó trở thành một hạt giống nhỏ hơn trước. Vì vậy, ta cần thực tập mỗi ngày, nhất là khi thân tâm bạn còn khỏe mạnh.

Khi bạn thực tập, tâm trí bạn có thể vẫn chạy theo nhiều ý nghĩ. Nhưng hãy trở về với hơi thở vào, ra. Thở vào biết, thở ra biết; không cần phải kéo dài hơi thở thêm. Bạn không cần thay đổi gì cả, cứ để cho hơi thở ra vào tự nhiên, chỉ có ý thức về hơi thở của mình thôi. Thực tập như thế bạn sẽ được an tịnh.

Khi bạn thấy an tịnh đủ rồi, hãy dùng các lời hướng dẫn dưới đây để tập trung. Lần đầu, bạn hãy nghe hay đọc nguyên cả câu. Khi tiếp tục quán, bạn chỉ cần nhớ vài chữ quan trọng. Bạn không cần phải cố gắng quá. Hãy thư dãn và để cho hơi thở cùng các chữ đó giúp bạn.

Bài thực tập để nhìn sâu và hết sợ

Thở vào, tôi có ý thức là tôi đang thở vào                /Vào
Thở ra, tôi có ý thức là tôi đang thở ra                   /Ra

Thở vào, tôi biết tôi sẽ già              /Già
Thở ra, tôi biết không thể thoát được tuổi già             /Không thoát

Thở vào, tôi biết tôi sẽ bệnh             /Bệnh
Thở ra, tôi biết không thể thoát được bệnh                 /Không thoát

Thở vào, tôi biết tôi sẽ chết                         /Chết
Thở ra, tôi biết không thể thoát chết                /Không thoát

Thở vào, tôi biết một ngày kia tôi sẽ bỏ lại tất cả những gì tôi trân quý               /Bỏ hết
Thở ra, tôi biết không thể giữ được những gì tôi trân quý                             /Không giữ

Thở vào, tôi biết ba nghiệp thân khẩu ý là hành trang duy nhất tôi sẽ mang theo         /Ba nghiệp mang theo
Thở ra, tôi biết không thể thoát được hậu quả của nghiệp đã làm      /Không thoát được quả báo

Thở vào, tôi quyết tâm sẽ sống trong tỉnh thức            /Sống tỉnh thức
Thở ra, tôi thấy niềm vui và hữu ích trong lối sống tỉnh thức              /Vui và hữu ích

Thở vào, tôi nguyện mỗi ngày tặng niềm vui cho người thương              /Tặng niềm vui
Thở ra, tôi nguyện mỗi ngày làm vơi bớt nỗi khổ cho người thương                /Làm vơi khổ

Chấp nhận, tha thứ và đối diện với cái sợ là những kết quả sâu sắc nhất của việc tiếp xúc với đất ở bình diện tích môn. Dùng hơi thở theo phép đó, bạn có thể chữa lành các vết thương. Và bạn có thể học phép địa xúc thứ hai.

Tiếp xúc với đất qua không gian

Trong phép địa xúc thứ nhất, bạn hình dung bạn đứng trên trục dọc của thời gian. Bây giờ bạn hình dung trục ngang, tượng trưng cho không gian. Đường ngang tượng trưng cho không gian đó cắt ngang đường dọc tượng trưng cho thời gian trong bình diện tích môn.

Trong không gian chúng ta nhìn thấy các sinh vật khác trên trái đất: đàn ông, đàn bà, trẻ em, người già, súc vật và tất cả các loài, cây cối, đất đá. Khi nhìn một cái cây ta có thể nghĩ rằng nó ở ngoài ta. Nhưng khi nhìn kỹ hơn ta sẽ thấy cây đó cũng có trong ta nữa. Cây cối là phổi của bạn vì nếu không có cây cối thì bạn không thở được. Cây cối tạo ra dưỡng khí, nay đang là một phần trong thân tôi, và tôi tạo ra thán khí, nay đang là một phần trong cây. Chúng ta có hai lá phổi trong cơ thể, cây cũng thở cho ta và cũng có thể gọi cây là phổi của ta. Phổi trong thân chúng ta làm việc cùng với cây cối để giúp chúng ta hô hấp.

Chuyện tiền thân của Bụt kể những cuộc đời trước khi Ngài đắc đạo. Trong các truyện đó ta được biết Bụt đã từng là cây cối, là chim chóc, con rùa, hòn đá, đám mây, trước khi Ngài là người. Chúng ta cũng thế, trước khi biểu hiện làm người, chúng ta đã là cây, là một vi khuẩn có một tế bào thôi, hay là những con vật lớn xác, là đám mây, là cánh rừng hay hòn đá tảng. Với ánh sáng của khoa học tiến hóa thì không có gì khó hiểu. Vật chất không từng được sinh ra cũng như không hề bị hoại diệt. Nó có thể biến thành năng lượng, và năng lượng có thể trở thành vật chất, nhưng nó không hề bị hủy diệt.

Chúng ta đã luôn luôn là một phần tử của sự vật gì đó, và bất cứ sự vật gì cũng đã từng có trong ta. Tất cả chúng ta đã từng là cây cối. là bông hồng hay là súc vật. Chúng ta vẫn là cây trong giờ phút này. Nhìn mình cho sâu, bạn sẽ thấy cây, đám mây, hoa hồng và chú sóc trong bạn. Bạn không thể nào lấy hết chúng ra ngoài được. Bạn không thể lấy đám mây ra vì 70% cơ thể bạn làm bằng nước. Tiếp nối của mây chính là mưa. Tiếp nối của mưa là sông. Tiếp nối của sông là nước bạn uống để sống. Nếu bạn lấy dạng tiếp nối của mây ra khỏi bạn thì bạn không thể tiếp tục sống được.

Thiên thần ở mọi nơi

Nhìn sâu vào không gian ta cũng sẽ nhìn thấy tất cả các vị đã giác ngộ. Các hiền nhân, các vị Bồ tát. Ta sẽ thấy Thượng đế. Hãy nhìn kỹ, bạn sẽ thấy các Bồ tát ở bất cứ đâu. Bạn sẽ nhận ra những con người cả nam lẫn nữ, có lòng từ bi, đang làm mọi chuyện để giúp đỡ hay bảo vệ loài nguời. Tại Làng Mai chúng tôi thực tập niệm tên Bồ tát Quan Âm, vị Bồ tát biết lắng nghe; Bồ tát Phổ Hiền của hành động; Bồ tát Văn Thù của hiểu biết; và Bồ tát Địa Tạng luôn luôn đi tới những nơi tăm tối khổ đau tràn đầy để giúp các chúng sinh.

Có những Bồ tát mà chúng ta biết tới vì các chuyện về họ được truyền tới chúng ta. Cũng có vô số các vị Bồ tát vô danh tại mọi nơi đang làm các việc thể hiện lòng yêu thương, từ bi và trách nhiệm của họ đối với nhân lọai. Trái tim của quý vị đó tràn đầy tình thương và họ không muốn sống cuộc đời tiêu thụ. Họ ưa sống đơn giản để có thì giờ và năng lực giúp người khác. Họ có mặt khắp nơi. Tôi biết một người sống ở Hòa Lan. Bà tên là Hebe. Trong thế chiến thứ hai bà đã giúp hàng hai mươi ngàn người Do Thái tránh thoát được nạn diệt chủng Holocaust. Tôi không biết bà làm cách nào. Nhìn vào bà, bạn chỉ thấy một người phụ nữ rất nhỏ bé, và cũng chỉ có hai bàn tay. Tôi đã gặp bà và làm việc chung khi bà giúp đỡ trẻ mồ côi Việt Nam.

Có những Bồ tát hình như ít hoạt động nhưng họ rất bình thản và tử tế, sự hiện diện của họ khiến chúng ta trở nên hiểu biết, thương yêu và bao dung hơn.

Có không biết bao nhiêu Bồ tát như thế trên thế giới. Chúng ta phải sống cách nào để có thì giờ nhận biết và tiếp xúc được với họ. Bồ tát không phải là thượng đế hay các nhân vật của thời xa xưa. Họ là những con người bằng xương bằng thịt chung quanh ta. Họ có rất nhiều năng lượng hiểu biết và thương yêu, và chúng ta sẽ được hưởng khi tới gần họ.

Không thể nhận diện các hiền nhân và Bồ tát bằng bề ngoài. Đôi khi họ là các em bé mang lại cho ta rất nhiều niềm vui. Con cái và bạn bè chúng ta cũng có thể là Bồ tát. Đôi khi họ làm cho ta đau khổ, nhưng họ cũng giúp cho tình thương và sự hiểu biết của ta lớn lên.

Bồ tát không bao giờ mệt mỏi hay bỏ cuộc vì các đau khổ chung quanh họ. Đó là những vị cho ta can đảm để sống. Đức Địa Tạng luôn luôn tới những nơi tăm tối nhất để giúp chúng sinh không phải chỉ là một vị. Ngài thị hiện ra bao nhiêu thân khác nhau, ta có thể tìm được Ngài ngay trong thế giới này.

Bồ tát Thường Bất Khinh nói rằng: “Tôi không bao giờ dám coi thường ai.” Ngài cũng có mặt mọi nơi. Đối với bất cứ người nào, Bồ tát cũng nghĩ rằng họ có khả năng tỉnh thức. Ngài giúp cho ta có tự tin và dẹp được mặc cảm yếu kém. Đó là loại mặc cảm làm tê liệt con người. Bồ tát Thường Bất Khinh có khả năng tiếp xúc và đánh thức được các hạt giống tỉnh thức và yêu thương nơi chúng ta. Đó không chỉ là Bồ tát trong kinh Pháp Hoa mà ta còn có thể tìm được Ngài ngay trong xã hội này dưới nhiều hình tướng khác nhau. Ta phải nhận diện cho được Bồ tát Thường Bất Khinh bằng xương bằng thịt chung quanh ta.

Bồ tát Văn Thù là vị Bồ tát trí tuệ. Người nào hiểu mình đều có thể làm cho chúng ta vô cùng sung sướng. Đức Văn Thù có thể nhìn thấy những khó khăn, đau khổ của ta và Ngài không bao giờ bắt lỗi hay trừng phạt ta.  Ngài luôn có mặt bên ta để khuyến khích và soi đường cho ta. Văn Thù không  phải là một nhân vật huyền thoại mà Ngài có mặt quanh ta dưới nhiều hình thức, đôi khi đó là một người anh, chị, em, hay cháu.

Chúng ta không thờ phượng những nhân vật thần thoại. Các vị Bồ tát không phải là những khuôn mặt của quá khứ, sống trên mây cao. Đó là những con người thật, tràn đầy tình thương và quyết tâm. Khi chúng ta có thể hiểu được nỗi đau của người khác và thương họ, là chúng ta tiếp xúc được với Bồ tát đại trí.

Bồ tát Quan Âm biết lắng nghe cũng ở quanh ta. Các nhà trị liệu tâm lý phải học cách lắng nghe của Bồ tát Quan Âm, vị Bồ tát biết hiểu sâu bằng đôi tai của Ngài. Khi chúng ta có thể lắng nghe con cái hay cha mẹ ta, đức Quan Âm đã có mặt trong lòng ta rồi.

Bồ tát Diệu Âm có thể dùng âm nhạc và bài hát để thức tỉnh mọi người. Nếu bạn là thi sĩ, văn sĩ hay nhạc sĩ, bạn có thể là vị Bồ tát đó. Các sáng tạo nghệ thuật của bạn không chỉ giúp cho người ta tạm thời quên đi những đau khổ, mà còn tưới tẩm được những hạt giống của hiểu biết và yêu thương. Giữa chúng ta có nhiều văn thi sĩ và nhạc sĩ đang dùng biển âm thanh để làm con đường hiểu và thương như một cánh cửa mở vào Phật pháp. Đó là ý nghĩa của nguyện vọng mà đức Phổ Hiền đã diễn tả:

“Tôi mong dùng biển âm thanh

Để nói lên những từ ngữ tuyệt vời

Ngợi ca biển đức của Thế Tôn

Trong quá khứ, hiện tại và tương lai.”

Khi lạy xuống sát đất, bạn tiếp xúc với những vị hiền nhân vì họ là một phần của đất và một phần của bạn. Sống trong thế giới ngày nay, bạn rất dễ trở thành một nạn nhân của tuyệt vọng. Bạn cần phải tự bảo vệ. Cách hay nhất là bạn tiếp xúc với các vị Bồ tát có hành động từ bi và thương yêu.

Chúng ta cần tiếp xúc với chư Bụt và Bồ tát hiện tại, ngay tại đây, chứ không chỉ thắp nhang và cầu nguyện họ mà thôi. Khi ta thực sự tiếp xúc được với các vị đó, ta sẽ có nhiều năng lượng vì ta thấy họ có mặt trong ta, và ta là tiếp nối của họ, trong thời gian và trong cả không gian. Ta là một cánh tay của Bồ tát. Cánh tay ta có thể vươn ra rất xa, hàng ngàn dặm. Cánh tay ta có thể vươn tới những chốn tối tăm nhất trên trái đất. Chúng ta có bằng hữu khắp nơi, đó là những cánh tay của ta, và ta cũng là cánh tay của họ.

Kinh Bát Đại Nhân Giác nói rằng: “Sự nghiệp duy nhất của Bồ tát là trí tuệ.”  Các sự nghiệp khác đều không đáng theo đuổi. Không có danh vọng nào bằng dược tuệ giác ta đạt tới khi ta thực tập dừng lại và nhìn sâu vào bản chất của sự vật. Khi nhờ hiểu biết mà ta không còn giận dữ, đó là ta đã có hạt giống trí tuệ rồi. Hãy sống cách nào để cho các vị Bồ tát có thể biểu hiện ra trong ta được.

Hãy nói năng và hành xử như một Bồ tát ngay bây giờ. Đừng nghĩ rằng bạn sẽ là Bồ tát sau này. Vào buổi tối nay, hãy niệm danh hiệu các Bồ tát đại trí, đại bi, đại hạnh và đại nguyện. Tiếp xúc với các nguyện lớn của chư vị Bồ tát sẽ cho chúng ta năng lượng rất mạnh mà ta cần để có thể ôm lấy những con người đau khổ trên thế gian.

Trở thành hải tặc

Tiếp xúc với đất, chúng ta tiếp xúc được các vị Bồ tát và đồng thời cũng tiếp xúc được với tất cả những người đau khổ. Ta phải tiếp xúc với cả hai phía. Chúng ta cần nhớ rằng có những con người đang bị kẹt vào những khổ đau lớn như chiến tranh, đàn áp và bất công. Họ không có cách nào nói lên được những khổ đau và bất công mà họ phải gánh chịu. Có những hải tặc hãm hiếp các thiếu nữ. Có những thương gia giàu có bán khí giới cho các nước nghèo, trong khi trẻ xứ đó không có thức ăn và không có trường để học. Có những chủ hãng dùng sức lao động của trẻ em. Có những người chết trong tù ngục và trại cải tạo. Trong trại cùi, có những trẻ em người lớn cụt hết cả chân tay, mù chữ và không có chút hy vọng nào! Các địa ngục đó cần Bồ tát vô cùng.

Khi chúng ta đứng trước ngọn núi hay bông hoa và quán tưởng trước khi lạy xuống lần thứ hai, ta thấy ta không chỉ là Bồ tát mà còn là nạn nhân của các áp bức, kỳ thị và bất công nữa. Với năng lượng của Bồ tát, ta ôm lấy các nạn nhân khắp nơi. Ta là hải tặc đã hãm hại em bé gái, và ta cũng là em bé gái bị hãm hiếp. Vì chúng ta không có tự tánh riêng biệt, tất cả chúng ta đều có tương quan và ta cũng là tất cả mọi người.

Lối sống của ta có ảnh hưởng trên mọi chuyện. Vậy chúng ta nên suy nghĩ. Chúng ta đã sống ra sao nên thanh niên Thái Lan kia mới trở thành kẻ hiếp dâm? Chúng ta chỉ biết quan tâm tới các nhu cầu vật chất của mình thôi. Gia đình của anh chàng kia bị kẹt vào cảnh nghèo khổ trong nhiều thế hệ. Cha hắn là một người đánh cá, chỉ biết quên sầu bằng cách uống rượu. Ông ta không biết cách dạy con và thường đánh đập chúng. Mẹ hắn không biết làm sao cho con đi học. Mười ba tuổi là hắn phải cùng cha đi tàu ra biển đánh cá rồi. Khi cha chết, hắn tiếp tục công việc thế cha. Hắn không biết hiểu và thương. Hắn muốn thành hải tặc vì chỉ một ngày là cướp được vàng bạc, khiến hắn có thể bớt nghèo – hắn đã sợ sẽ phải nghèo suốt đời. Trên biển không có Cảnh sát, hắn nghĩ: “vậy thì tại sao không theo mấy tên cướp kia mà hãm hiếp mấy cô bé trên chiếc thuyền vượt biên?”

Nếu chúng ta có súng mà bắn thì sẽ giết được anh chàng hải tặc. Nhưng nếu giúp hắn để hắn biết hiểu và thương thì có hơn chăng? Các chính trị gia, các nhà giáo dục và các viên chức chính phủ ở đâu mà không giúp hắn?

Đêm qua, trên bờ biển Thái, có hàng trăm em bé mới được sinh ra trong làng thuyền chài. Nếu chúng không được chăm sóc đủ, không được nuôi dưỡng và giáo dục, thì một số bé sẽ trở thành hải tặc. Đó là lỗi ai? Đó là lỗi của chúng ta: Các viên chức, nhà chính trị do dân bầu ra, các nhà giáo dục. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người đánh cá mà thôi. Nếu tôi sinh ra là một em bé nghèo khổ không hề được học hành, có cha mẹ mù chữ, nghèo khổ suốt đời và không biết cách nuôi dạy tôi, tôi cũng có thể trở thành hải tặc. Nếu bạn bắn chết tôi, thì có giải quyết được gì không? Ai là hải tặc? Có thể là tôi, và em bé bị hãm hiếp cũng có thể là tôi!

Tất cả các khổ não của thế gian là của chúng ta. Chúng ta phải nhìn mình là họ và họ là mình. Khi ta nhìn thấy họ khổ đau, một mũi tên của hiểu biết và thương yêu xuyên vào tim ta. Ta có thể thương họ, ôm lấy họ và tìm cách giúp họ. Ta chỉ có thể làm vậy khi không bị tràn ngập bởi tuyệt vọng về tình trạng của người kia, hay của chính mình.

Đừng chìm lỉm vì tuyệt vọng

Khi bạn tiếp xúc với cái khổ trên thế giới, sự tuyệt vọng sẵn sàng trùm lên bạn.  Nhưng đừng để vì thế mà bị chìm lỉm. Trong cuộc chiến tại Việt Nam, các thanh niên dễ sa vào tình trạng tuyệt vọng vì chiến tranh quá dài, hầu như sẽ không bao giờ chấm dứt. Nó giống như tình trạng tại Trung đông. Các thanh niên Do Thái và Palestine cảm thấy như chiến tranh sẽ không thể chấm dứt. Chúng tôi thực tập để bảo vệ trẻ em và chính chúng ta không bị tuyệt vọng. Bồ tát có thể đứng dậy và cưỡng lại sự tuyệt vọng nhờ khả năng lắng nghe, yêu thương và hiểu biết đủ để nhập cuộc. Khi lạy xuống đất lần thứ hai, chúng ta tiếp xúc với các Bồ tát lớn nhỏ khắp nơi, chúng ta cảm nhận được năng lượng của quý Ngài.

Súc vật, cây cỏ và đất đá cũng đau khổ vì lòng tham của con người. Đất, không khí và nước khổ đau vì chúng ta làm ô nhiễm chúng. Cây cối khổ vì ta phá rừng để kiếm lời. Một số sinh vật bị tuyệt chùng vì sinh môi thiên nhiên bị phá hủy. Loài người cũng giết hại nhau và khai thác nhau. Theo Phật pháp, tất cả chúng sinh đều có khả năng tỉnh thức. Làm sao chúng ta có thể dừng lại, không bị chìm lỉm trong tuyệt vọng? Đó là nhờ sự hiện diện khắp nơi của chư Bụt và Bồ tát. Không phải họ ở trên thiên đường xa xôi đâu, khi chúng ta còn sống, còn chết thì họ còn ở ngay đây với chúng ta.

Lợi lạc cho tất cả mọi người

Lạy xuống đất giúp cho thân tâm ta được thanh tịnh. Nó giúp chúng ta có tuệ giác về vô thường, về tương liên và vô ngã.  Bụt dạy ai nhìn thấy chúng sinh thì sẽ thấy Bụt. Khi lạy xuống đất, ta nhìn thấy Bụt trong ta và ta thấy ta trong Bụt. Chúng ta nhìn được tất cả chúng sinh đau khổ và nhìn thấy ta trong họ. Ở tư thế phủ phục xuống đất, biên giới giữa ta và người khác được xóa đi. Từ đó ta sẽ biết nên làm gì và không nên làm gì trong đời sống hàng ngày. Nhờ tuệ giác đó, chúng ta có thể làm được nhiều chuyện rất hữu ích.

Bạn đã làm gì với đời bạn? Bạn có thực sự tạo được phúc lợi cho bạn, cho người thương và cho các chúng sinh chưa?

Nguyện ước sâu xa của Bồ tát là làm vơi bớt khổ đau. Đó là sự dấn thân của Bụt, của con người giác ngộ. Khi chúng ta có hạnh nguyện của Bồ tát, chúng ta có thể bỏ qua được tất cả những chuyện vô nghĩa đã hấp dẫn ta trước đây. Ta có thể bỏ qua danh vọng và lợi lộc. Khi đã quyết tâm thì những chuyện đó rất dễ bỏ qua. Bụt có trong ta, ta có trong Bụt. Ta có thể trở thành Bụt, ta có thể giác ngộ được như Ngài.

Tự hướng dẫn mình

Hãy dùng các lời khấn sau để hướng dẫn bạn khi bắt đầu thực tập cái lạy thứ hai:

“Tiếp xúc với đất, con tiếp xúc được với tất cả mọi loài và mọi người hiện đang sinh hoạt trên trái đất này như con.” (Hãy đứng quán tưởng tại một nơi bạn ưa thích, trước khi lạy xuống đất.)

“Con là một với sự sống mầu nhiệm đang tuôn trào khắp mọi phương. Con nhìn thấy sự liên hệ giữa con và người khác, cả trong hạnh phúc lẫn trong khổ đau. Con là một với chư vị Bồ tát và các bậc đại nhân đã vượt thoát được ý niệm sinh tử, đã có thể nhìn vào các hình thức sinh tử một cách từ bi, không sợ hãi. Con là một với các vị Bồ tát đang có mặt khắp nơi trên trái đất này. Họ có an lạc, hiểu biết và thương yêu. Họ có thể tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm, có khả năng nuôi dưỡng và chữa lành bệnh, và họ có thể mang những thứ đó tới cho người khác. Họ có khả năng bao trọn thế giới bằng trái tim thương yêu và bàn tay chăm sóc. Con cũng có đủ an lạc và thảnh thơi để có thể hiến tặng niềm vui và sự vô úy cho người ở gần bên. Con không cảm thấy cô đơn hay tuyệt vọng khi con cảm thấy tình thương và hạnh phúc của các Bồ tát hiện đang sống trên trái đất này. Nhìn nhận được tình thương của họ đối với các chúng sinh đau khổ khiến con sống được một cuộc đời có ý nghĩa với niềm an lạc, hạnh phúc thực sự.

“Sức mạnh của con được gia tăng nhờ các vị Bồ tát, con có thể thấy con là một với các chúng sinh đang khổ đau. Con là một với người tàn tật bẩm sinh hay do chiến tranh, tai nạn, bệnh hoạn. Con là một với những người bị kẹt trong tình trạng áp bức. Con là một với những người không có hạnh phúc trong gia đình, không có gốc rễ và an bình trong tâm, luôn khao khát được gặp và tin vào những gì tốt đẹp, hoàn hảo. Con là một với những người trước cái chết đã rất sợ hãi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra và hoảng sợ sẽ bị hủy diệt. Con là em bé phải sống trong cảnh nghèo đói bệnh tật, chân tay khẳng khiu như ống sậy, tương lai không thấy đâu. Con cũng là người chế ra đạn bom để bán cho các nước nghèo. Con là con ếch bơi trong hồ và cũng là con rắn nước muốn nuôi thân bằng con ếch. Con là con sâu cái kiến mà con chim đang săn mồi và con cũng là con chim đang tìm sâu bọ để ăn. Con là rừng cây bị đốn trụi. Con là những giòng sông bị ô nhiễm và con cũng là người thợ đốn gỗ, người làm dơ nước sông và ô nhiễm không khí. Con thấy con trong mọi chúng sinh và tất cả họ đều có trong con.”

Nhìn sâu vào sự không sinh không diệt

Khi chúng ta bắt đầu hiểu được rằng chúng ta là tất cả mọi sự vật thì cái sợ trong ta biến mất. Chúng ta đã tiếp xúc sâu xa được với các bình diện không gian và thời gian. Nhưng muốn thật sự vô úy, không còn chút sợ hãi nào, chúng ta phải nhìn sâu được vào bình diện tuyệt đối của bản môn không sinh không diệt. Chúng ta cần được giải phóng khỏi các quan niệm rằng ta là cái thân này, và ta sẽ chết. Đây là cái lạy thứ ba và sau đây là thiền quán giúp bạn sửa soạn điều đó:

Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào                      /Vào
Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra                        /Ra

Thở vào, tôi có ý thức về ngọn sóng trên đại dương        /Sóng
Thở ra, tôi cười với ngọn sóng                   /Cười

Thở vào, tôi biết có nước trong sóng           /Nước trong sóng
Thở ra, tôi cười với nước trong ngọn sóng               /Cười

Thở vào, tôi thấy sóng được sinh ra                /Sóng sinh ra
Thở ra, tôi cười với sóng mới sinh ra               /Cười

Thở vào, tôi thấy sóng chết đi                 /Sóng chết đi
Thở ra, tôi cười với sóng đã chết                       /Cười

Thở vào, tôi thấy bản chất vô sinh của nước               /Nước vô sinh
Thở ra, tôi cười với bản chất vô sinh của nước         /Cười

Thở vào, tôi thấy bản chất bất diệt của nước         /Nước bất diệt
Thở ra, tôi cười với sự bất diệt của nước                 /Cười

Thở vào, tôi thấy thân tôi được sinh ra               /Thân tôi sinh
Thở ra, tôi cười với sự sinh        /Cười

Thở vào, tôi thấy thân tôi chết đi                /Thân tôi chết
Thở ra, tôi cười với cái chết của thân tôi                 /Cười

Thở vào, tôi thấy bản chất không sinh của thân tôi     /Bản chất không sinh
Thở ra, tôi cười với bản chất vô sinh của thân tôi                   /Cười

Thở vào, tôi thấy bản chất không chết của thân tôi        /Bản chất không chết
Thở ra, tôi cười với bản chất bất diệt của thân tôi                 /Cười

Thở vào, tôi thấy bản chất không sinh của tâm thức tôi         /Tâm thức vô sinh
Thở ra, tôi cười với bản chất vô sinh của tâm thức tôi                  /Cười

Thở vào, tôi chỉ có ý thức về hơi thở vào       /Vào
Thở ra, tôi chỉ có ý thức về  hơi thở ra            /Ra

Tôi không phải là cái thân này

Khi còn là một chú tiểu tôi nghĩ rằng vượt thoát sinh tử là một chuyện gì rất xa xôi. Tôi nghĩ tôi sẽ không thể đạt tới trạng thái đó trong một kiếp người. Nhưng “Sinh Tử” thật ra chỉ là những quan niệm, chúng ta chỉ cần vượt qua được hai quan niệm đó thôi. Khi học điều đó tôi thấy sự sợ hãi là chuyện phải có vì hai quan niệm đó đã giam hãm chúng ta bao nhiêu năm dài.

Nay ta thấy rằng ta phong phú hơn cái thân này. Ta thấy ta không chỉ có cuộc đời này mà chúng ta vô cùng vô tận. Chúng ta thực nghiệm chuyện này trong thiền quán. Nếu chúng ta thành công trong cái lạy thứ nhất và thứ hai, thì cái lạy thứ ba chỉ là trò trẻ con. Đó là một vòng tròn bao cả hai đường dọc thời gian của cái lạy thứ nhất và đường ngang không gian của cái lạy thứ hai. Trong cái lạy đầu, ta thoát được quan niệm mình phân cách với tổ tiên và con cháu. Ta được thoát khỏi ý niệm về thời gian. Trong cái lạy thứ hai, ta vượt qua được quan niệm mình khác với Bụt, Bồ tát và các bậc đại nhân, những chúng sinh đau khổ, súc vật, cây cỏ và đất đá. Ta vượt thoát được ý niệm về không gian. Lần này ta lạy xuống và buông bỏ cái nhìn thân này là ta, ta là một chủ thể có sinh có diệt.

Bình thường ta nghĩ thân này là ta. Ta nghĩ khi thân diệt thì mình cũng bị hoại diệt. Bụt dạy rất rõ rằng thân này không phải là ta.

Tôi thường hỏi các bạn trẻ, tuổi chưa tới ba mươi rằng: “Con đang ở đâu, năm 1966, khi thầy mới rời Việt Nam?” Họ không nên trả lời rằng  họ chưa hiện hữu. Họ phải thấy được rằng họ đã có mặt trong cha mẹ, ông bà họ.

Bạn có thể dùng câu sau đây để tự hướng dẫn bạn khi mới thực tập cái lạy thứ ba: “Tiếp xúc với đất, con loại bỏ ý nghĩ con là cái thân này và thọ mạng của con có giới hạn.” (Đứng trước nơi bạn ưa thích, quán tưởng trước khi lạy xuống).

“Con nhìn thấy cái thân này làm bằng tứ đại không thật sự là con và con không bị giới hạn vào trong thân ấy. Con là một phần của hai dòng sinh mạng huyết thống và truyền thống tâm linh đã hàng ngàn năm truyền tới ngày nay và còn truyền đi trong tương lai hàng ngàn năm nữa. Con là một với tổ tiên con, con là một với tất cả các chúng sinh, dù là họ đang an lạc, vô úy hay họ đang đau khổ sợ hãi. Trong phút này con đang có mặt khắp nơi trên thế giới. Con cũng đang có mặt trong quá khứ và tương lai. Sự tàn hoại của thân xác này không động được tới con, cũng như khi chùm hoa mận rơi rụng, thì không có nghĩa là cây mận chết.

“Con nhìn con như một ngọn sóng trên mặt đại dương. Bản chất của con là nước trong đại dương. Con nhìn thấy con trong tất cả các ngọn sóng khác và thấy các ngọn sóng đó cũng có trong con. Sự biến hiện của hình hài ngọn sóng không ảnh hưởng tới đại dương. Pháp thân và trí tuệ của con không sinh cũng không diệt. Con nhìn thấy con trước khi thân con thể hiện và sau khi thân con tan rã. Ngay giây phút này con cũng thấy con đang hiện diện bên ngoài thân này. Bảy mươi, tám mươi năm không phải là tất cả cuộc đời con. Thọ mạng của con cũng như của chiếc lá, của Bụt, không bị thời gian giới hạn. Con đã vượt qua được ý niệm cho rằng cái thân này là một thực thể riêng biệt với thời gian và không gian.”

Những ai trong các bạn đã tiếp xúc sâu sắc được với bản chất của thời gian và không gian thì có thể tiếp xúc được với bình diện tuyệt đối, với bản môn. Sau khi tiếp xúc với sóng, bạn học cách tiếp xúc với nước.

Không chia cách

Bụt dạy rằng bản chất chân thật của bạn là bản chất không sinh – không diệt, không tới – không lui, không giống – không khác, không có cũng không không. Giáo pháp này hình như trái ngược với giáo pháp dạy rằng cái gì sinh thì sẽ diệt, mọi chuyện đều có thể tàn lụi và ta không thể tránh được cái chết, già lão và bệnh tật. Hãy tập nhìn cho sâu. Bạn sẽ thấy rằng sinh là một ý niệm, tử là một ý niệm, tới-lui, không-có cũng là những ý niệm. Chúng ta phải xả bỏ những ý niệm về thực tại đó. Và chúng ta sẽ tiếp xúc được với chân lý, hay chân như.

Chân như là một thuật ngữ. Nó có nghĩa rằng chân lý thực tại là như vậy. Bạn không thể nói gì về Chân như hay giải thích gì hết. Bạn có thể nói Thượng đế là một chân lý thực tại, và những gì diễn tả về Ngài đều sai. Bất kỳ ý niệm hay tư tưởng nào nói về Thượng đế đều không thể diễn tả được Ngài. Niết bàn cũng vậy. Niết bàn chỉ hiển lộ tự thân sau khi mọi ý nghĩ và quan niệm về Niết bàn được xả bỏ hết. Trong bình diện tương đối, khi quan sát một ngọn sóng ta có thể nói sóng sinh ra, sóng chết đi, sóng cao thấp hay đẹp xấu… ta có thể dùng đủ mọi tĩnh tự để miêu tả sóng vv… Nhưng trong bình diện tuyệt đối, sóng là nước, thì tất cả các tĩnh tự mô tả sóng nói trên đều không có giá trị gì nữa. Không còn sinh-diệt, tới-lui, cao-thấp, không còn xấu-đẹp. Sóng không cần chết mới trở thành nước. Nó lúc nào cũng là nước.

Bây giờ, tu tập như thế, bạn sẽ không còn thấy mình bị chia cách với người thương khi họ chết nữa. Khi có giác kiến sâu sắc, bạn sẽ không còn cảm thấy bơ vơ. Hàng ngày tôi thường nhìn sâu vào mọi thứ chung quanh tôi: cây cối, đồi núi, bạn bè. Tôi nhìn thấy tôi trong tất cả và tôi biết tôi sẽ không chết. Tôi sẽ tiếp tục sống dưới nhiều hình tướng khác. Khi bạn tôi nhìn tôi, họ cũng nên nhìn thấy tôi trong những hình tướng khác hơn là cái thân này. Thực tập như vậy hàng ngày sẽ giúp cho họ không phải than khóc một khi biểu hiện này của tôi biến mất. Vì khi sự biểu hiện này chấm dứt, nó sẽ nhường chỗ cho các biểu hiện khác có mặt.

Sống cạnh người hấp hối

 Ông Cấp Cô Độc là một đệ tử rất thân cận v với Bụt. Ông là người xứ Koshala, phía bắc con sông Gangs, dưới chân rặng Hy Mã Lạp sơn. Ông Cấp Cô Độc là một thương gia thành công và được kính trọng. Mọi người thương quý ông vì ông có tấm lòng rất rộng rãi. Tên thật của ông là Sudatta, nhưng ông được gọi là ông Cấp Cô Độc, có nghĩa là ‘người chu cấp, thương tưởng tới những kẻ nghèo đói.’ Đây là một điều thể hiện sự kính trọng ông, vì ông luôn luôn giúp tất cả những người nghèo hay thất nghiệp và các trẻ mồ côi.

Khi ông mới ba mươi tuổi, một hôm ông đi tới vương quốc Magadha, nơi mà Bụt cũng mới tới. Ông đi thăm người em gái và em rể đang sống tại xứ đó. Ông khá ngạc nhiên thấy các em không đón tiếp ông long trọng ân cần như mọi khi.  Khi hỏi cô em vì sao cô không có thì giờ với ông thì cô cho biết cả nhà đang rất bận rộn để sửa soạn đón tiếp Bụt, một vị thầy tuyệt hảo. Nghe tên Bụt, ông Cấp Cô Độc rất tò mò. Ông hỏi cô em: “Đó là ai vậy?” Cô liền trả lời ông với giọng rất tôn kính Bụt, khiến cho ông nóng lòng muốn tới thăm Bụt ngay.

Sớm hôm sau, ông Cấp Cô Độc đi tới tu viện Trúc lâm để nghe Bụt thuyết pháp. Bài giảng đã khiến ông rất xúc động. Ông Cấp Cô Độc lạy Bụt và thỉnh Ngài tới thuyết giảng tại quê ông để cho gia đình và bạn bè ông được nghe pháp.

Dù Bụt chỉ mới đi thuyết pháp ba năm, Ngài đã có một ngàn hai trăm đệ tử. Trong số các tăng sĩ cùng du hành với Bụt có Ngài Xá lợi Phất. Ngài đã nổi tiếng là một vị đại sư trước khi trở thành đệ tử của Bụt. Khi Thầy Xá Lợi Phất làm môn sinh của Bụt, các sư đệ và môn sinh của Ngài cũng đi theo Ngài.

Bụt nhận lời ông Cấp Cô Độc để tới Shravasti, thủ đô của vương quốc Koshala. Ông Cấp Cô Độc về đó trước để sửa soạn đón tiếp. Ông cần một tăng sĩ đi cùng. Bụt cử Thầy Xá Lợi Phất là người rất giỏi trong việc xây dựng tăng thân, đi cùng với ông Cấp Cô Độc. Hai vị, một tăng sĩ và một cư sĩ đó, chẳng bao lâu trở nên thân thiết với nhau.

Có người nghĩ rằng tu sĩ chỉ thân được với tu sĩ và cư sĩ cũng chỉ gần được cư sĩ thôi. Nhưng không phải vậy. Một khi cả hai cùng có ước vọng tu tập tỉnh thức và nhìn sâu, họ có thể trở thành bạn thân, người cộng sự và bạn đồng tu được. Không có sự phân biệt. Người tu sĩ hay cư sĩ đều có thể là người tốt và là bạn thân thiết của nhau.

Ông Cấp Cô Độc muốn tặng cho Bụt một miếng đất để xây tu viện tại Kosahala. Sau khi tìm kiếm nhiều nơi, ông biết chỉ có một khu đất kia là khá đẹp. Đó là một khu công viên xinh xắn của hoàng thân Kỳ Đà (Jeta). Ông Cấp Cô Độc rất giàu có, nên tin rằng ông có thể thuyết phục hoàng thân bán miếng đất ấy cho ông. Ông hoàng đã trồng nhiều thứ cây đẹp đẽ trên miếng đất nên nó đẹp như một cõi thiên đàng. Khi ông Cấp Cô Độc tới hỏi mua thì hoàng thân từ chối. Ông trả giá cao hơn nhưng vẫn bị từ chối. Cuối cùng ông Cấp Cô Độc hỏi: “Hoàng thân muốn bao nhiêu tiền, tôi cũng sẵn sàng trả.” Ông hoàng trả lời: “Nếu ông có thể phủ kín đất bằng cách trải vàng lá lên đó, thì tôi sẽ bán.” Ông Hoàng nói đùa như thế, không ngờ rằng ông Cấp Cô Độc lại nhận lời.

Ông Cấp Cô Độc mang vàng tới trải khắp khu vườn. Hoàng thân vẫn không muốn bán, nhưng các cố vấn của Ngài nói rằng: “Ngài là hoàng thân quốc thích, thuộc gia đình hoàng tộc, Ngài không thể nuốt lời hứa.”

Hoàng thân Kỳ Đà tự hỏi không hiểu vị thầy tâm linh kia có gì xuất chúng tới độ ông Cấp Cô Độc chịu trả giá cao như thế để mua đất cúng dường. Mọi người liền nói với Hoàng thân Kỳ Đà về Bụt, một đạo sư trẻ tuổi nhưng hoàn toàn tỉnh thức, và các bài giảng cùng lòng từ bi của Ngài không người nào có thể so sánh được. Thấy được sự kính tín và ngưỡng mộ của ông Cấp Cô Độc, Hoàng thân Kỳ Đà bảo ông ngừng, không cần trải thêm vàng ra nữa và nói: “Ông trả như vậy là quá đủ để mua đất rồi. Tôi xin tặng Bụt tất cả cây cối tôi đã trồng, coi như tôi cúng dường Ngài.” Vì thế nên người ta gọi đó là vườn Kỳ Đà – Cấp Cô Độc. Vườn do ông Cấp Cô Độc và cây do Hoàng thân Kỳ Đà hiến tặng cho Bụt. Bụt rất thích khu vườn này và Ngài ở đó tới hai mươi mùa mưa an cư. Bạn có thể tới viếng khu này và nay vẫn còn thấy những dấu tích cổ của các tu viện cổ tại đó.

Trong suốt các năm sau khi gặp Bụt, ông Cấp Cô Độc vẫn tiếp tục công việc giúp người nghèo và hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Cả gia đình ông hàng tuần tới vườn Kỳ Đà nghe pháp và thực tập tỉnh thức. Ông thường dẫn các bạn cùng ngành thương mại tới nghe Bụt giảng dạy. Một lần ông dẫn tới hơn năm trăm thương gia để nghe Bụt dạy các cư sĩ thực tập chánh niệm.  Đa số các bạn ông thọ nhận ngũ giới. Suốt cuộc đời, ông Cấp Cô Độc rất an lạc và hạnh phúc trong việc hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Dù có nhiều thành công, ông Cấp Cô Độc cũng đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời. Có lần mất hết tài sản, sau nhờ các người cộng sự và bè bạn, ông lại trở nên giàu có.

Ba mươi lăm năm sau khi gặp Bụt lần đầu, ông Cấp Cô Độc bị đau nặng. Nghe tin ông bị ốm, Bụt tới thăm ông và nhắc ông thực tập thở khi nằm trên giường bệnh. Rồi Bụt cử Thầy Xá Lợi Phất chăm sóc cho người bạn thân của Thầy. Bụt bảo Thầy Xá Lợi Phất ở lại Koshala với ông Cấp Cô Độc để giúp ông chết một cách bình an.

Khi Thầy Xá Lợi Phất biết tin ông Cấp Cô Độc đang tiến dần tới cái chết, Ngài mời người sư đệ Ananda cùng đi thăm ông với Ngài. Ananda là anh em bà con của Bụt và là người nhớ hết tất cả những bài giảng của Bụt. Ngài là cái duyên chính khiến chúng ta được học giáo pháp của Bụt ngày nay.

Sau buổi khất thực, hai Ngài tới thăm ông Cấp Cô Độc tại nhà ông. Khi hai vị tăng tới nơi, ông Cấp Cô Độc rất vui sướng được gặp hai người, vì ông cảm thấy rất cần gặp quý vị đó. Ông cố hết sức để ngồi dậy đón tiếp hai Thầy cho phải phép, nhưng ông quá yếu nên không thể ngồi lên.

Thầy Xá Lợi Phật nói: “Ông bạn ơi, đừng cố ngồi dậy làm gì. Hãy cứ nằm yên, chúng tôi sẽ mang ghế tới ngồi cạnh ông đây.” Rồi Thầy Xá Lợi Phất hỏi: “Ông bạn cảm thấy thế nào? Có đau lắm không? Cái đau nó tăng hay giảm?”

Ông Cấp Cô Độc trả lời: “Thưa Thầy, hình như cái đau trong thân tôi không giảm mà tăng lên hoài.”

Thầy Xá Lợi Phất liền nói: “Như vậy, tôi đề nghị ông thực tập thiền quán về Tam Bảo nhé.” Thầy giúp ông Cấp Cô Độc thiền quán về Bụt, Pháp và Tăng với sự trợ giúp của Thầy Ananda ngồi kế bên. Thầy Xá Lợi Phất được coi là vị đệ tử xuất sắc nhất của Bụt, như là cánh tay mặt của Bụt vậy. Ngài là sư huynh của hàng ngàn tăng ni. Ngài biết ông Cấp Cô Độc đã có nhiều năm hạnh phúc khi hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Ngài cũng biết rằng khi thiền quán về Tam bảo, ông Cấp Cô Độc sẽ tưới tẩm được các hạt giống hạnh phúc trong ông, ngay lúc khó khăn này.

Ngài cùng ông Cấp Cô Độc thiền quán nhớ tưởng tới bản chất huyền diệu của Bụt, Pháp và Tăng. Chỉ sau sáu phút cơn đau của ông Cấp Cô Độc đã đỡ nhiều vì hạt giống an lạc trong ông đã được tưới tẩm. Cơ thể ông được quân bình lại và ông Cấp Cô Độc mỉm cười.

Tưới tẩm những hạt giống của hạnh phúc là việc rất quan trọng cho người bệnh hay người sắp lìa đời. Tất cả chúng ta đều có những hạt giống hạnh phúc trong mình. Trong những lúc khó khăn như đau ốm hay sắp chết, cần có bạn bè ngồi với ta để giúp ta tiếp xúc được với những hạt giống tốt đó. Nếu không các hạt giống sợ hãi, hối tiếc hay thất vọng sẽ xâm chiếm chúng ta dễ dàng.

Khi ông Cấp Cô Độc có thể mỉm cười, Thầy Xá Lợi Phất biết đã có sự quân bằng giữa cái đau và niềm vui. Ngài mời ông Cấp Cô Độc tiếp tục thiền quán theo Ngài hướng dẫn. “Bạn hãy thực tập theo tôi và Ananda như sau: Thở vào tôi thấy thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân này. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt.”

Khi bạn sắp chết, có lẽ bạn không tỉnh thức gì mấy về cái thân mình. Bạn có thể bị tê bại, và bạn bị kẹt vào ý niệm cái thân ấy là bạn. Bạn bị kẹt vào ý tưởng là khi thân đó chết thì bạn cũng bị diệt. Vì vậy mà bạn sợ hãi. Bạn sợ trở thành hư vô. Sự hoại diệt của cái thân người không thể đụng tới bản chất thật sự của người đó. Bạn cần giải thích cho người đó hiểu rằng anh ta có một đời sống không có giới hạn. Cái thân này chỉ là một biểu hiện, như đám mây. Khi đám mây không còn là mây nữa, nó cũng không mất đi đâu hết. Nó không trở thành hư không mà chỉ chuyển hóa ra thành mưa mà thôi. Vậy thì ta không nên đồng hóa ta với cái thân này. “Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang.”

Thật vậy, ta cần bắt đầu thực tập với mắt, rồi mũi, tai, lưỡi, thân và ý. “Mắt này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào đôi mắt này. Tôi là sự sống thênh thang. Tai này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào đôi tai này. Tôi là sự sống thênh thang. Mũi này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào cái mũi này. Tôi là sự sống thênh thang…”

Thực tập như vậy giúp ta không tự đồng hóa mình với cặp mắt, đôi tai, cái lưỡi, cái mũi hay cái thân mình. Ta khám phá ra các thức của những ngũ quan đó và thấy ta không phải chỉ là các giác quan. Ta phong phú hơn sự biểu hiện của các giác quan đó nhiều. Sự ngừng bặt của các  biểu hiện kia không ảnh hưởng tới ta.

Chúng ta nhìn lại coi cái gì là tự tánh của ta. Trên cơ thể và giác quan, có ngũ uẩn sắc thọ tưởng hành và thức. Nhìn sâu vào từng uẩn, ta nói: “Những thứ đó không phải là ta.” Nhận thức, cảm thọ, tư tưởng tới rồi đi, đó không thể là ta được. Tâm thức cũng như vậy, chỉ là những biểu hiện. Khi các duyên đầy đủ thì chúng biểu hiện. Khi duyên không còn đầy đủ thì chúng không biểu hiện. Dù có biểu hiện ra hay không, những thứ đó cũng không phải là ta.

Thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn ông Cấp Cô Độc qua các thức của giác quan và qua năm uẩn, và ông Cấp Cô Độc thấy chúng không phải là mình. Sau đó Thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn ông thiền quán về tứ đại. Thầy nói với ông Cấp Cô Độc: “Bạn ơi, chúng ta hãy tiếp tục thiền quán. Đất không phải là tôi (đất đây nghĩa là tất cả các chất rắn như thịt, xương, các cơ quan, bắp thịt). Lửa hay hơi nóng để giữ cho thân ấm áp và tiêu thức ăn không phải là tôi. Tôi không kẹt vào yếu tố lửa hay hơi nóng đó. Chất nước trong tôi không phải là tôi. Có nước cùng khắp trong thân tôi, nhưng tôi không bị ràng buộc vào nó. Gió hay không khí trong tôi cũng không phải là tôi vì tôi không bị kiềm tỏa bởi biên giới nào hết.” Thầy Xá Lợi Phất tiếp tục như thế.

Cuối cùng ông Cấp Cô Độc được hướng dẫn thiền quán về sự tương duyên sinh: “Ông bạn thân, ta hãy nhìn sâu hơn nữa. Khi nhân duyên đầy đủ, cái thân ta tự nó biểu hiện. Nó không từ đâu tới, và sau khi hoại diệt nó cũng không đi tới đâu hết.” Khi một sự vật biểu hiện thật sự ta không thấy nó sinh ra. Khi nó ngừng biểu hiện ta cũng không thể gọi là nó chết đi. Chúng ta vượt thoát được các ý niệm tới-đi, có-không, sinh-diệt, giống nhau – khác nhau.  Nó cũng giống hệt như bài giảng mà ta đã học quán chiếu về đám mây, ngọn lửa hay hoa hướng dương.

Khi thực tập tới đó, ông Cấp Cô Độc bắt đầu khóc. Thầy Ananda lấy làm ngạc nhiên. Thầy Ananda trẻ hơn Thầy Xá Lợi Phất nhiều nên Thầy không thấy được sự chuyển hoá và giải thoát của ông Cấp Cô Độc vào lúc đó. Thầy nghĩ rằng ông Cấp Cô Độc khóc vì còn tiếc nuối chuyện gì đó hoặc ông đã thực tập không thành công.

Thầy Ananda hỏi: “Tại sao bạn lại khóc? Bạn có hối tiếc điều gì không?”

Ông Cấp Cô Độc trả lời: “Không, Thầy Ananda, tôi không có gì hối tiếc cả.”

Thầy Ananda lại hỏi: “Hay là bạn thực tập không thành công?”

Ông Cấp Cô Độc trả lời: “Không thưa Thầy Ananda, tôi thực tập rất thành công.”

Thầy Ananda: “Vậy tại sao bạn lại khóc?”

Ông Cấp Cô Độc ràn rụa nước mắt trả lời: “Thầy Ananda ơi, tôi khóc vì tôi sung sướng quá. Tôi đã phục vụ Bụt, Pháp và Tăng ba chục năm qua và tôi chưa bao giờ được giảng dạy và thực tập giáo pháp mầu nhiệm như bài Thầy Xá Lợi Phất mới dạy tôi ngày hôm nay. Tôi sung sướng quá, tôi thảnh thơi quá!”

Thầy Ananda liền nói với ông: “Bạn không biết rằng các tu sĩ chúng tôi được học giáo pháp này hàng ngày sao?”

Ông Cấp Cô Độc mỉm cười và nhỏ nhẹ nói với giọng yếu ớt: “Xin Thầy Ananda hãy trở về thưa với đức Thế Tôn là tôi hiểu bài giảng này. Có lẽ nhiều cư sĩ quá bận rộn nên không tiếp nhận và thực hành được giáo pháp này nhưng cũng có nhiều vị có đủ thảnh thơi và thì giờ để học hỏi và tu tập. Xin đức Thế Tôn hãy dạy giáo pháp này cho các cư sĩ nữa.”

Biết đây là lời yêu cầu cuối cùng của ông Cấp Cô Độc, Thầy Ananda nói: “Dĩ nhiên tôi sẽ làm như bạn yêu cầu, sẽ trình lên đức Thế Tôn ngay khi chúng tôi trở lại tu viện.” Sau khi hai thầy ra về ít lâu, ông Cấp Cô Độc đã chết một cách bình an và không đau đớn.

Câu chuyện này được ghi lại trong “Kinh Dành Cho Người Hấp Hối.” Tôi xin những ai có thể, đều nên học hỏi và hành trì kinh này. Xin đừng để tới lúc đụng chuyện sống chết mới học và hành kinh đó. Xin hãy tập nhìn sâu ngay bây giờ để có thể tiếp xúc được với bản chất không sinh – không diệt, không đến – không đi, không giống nhau – không khác nhau. Làm được như vậy bạn sẽ hết đau buồn, khổ não. Nếu bạn cố gắng thực tập cho tinh chuyên, bạn sẽ nuôi dưỡng được sự vô úy trong bạn. Bạn sẽ có thể chết một cách bình an và hạnh phúc.

Sống hạnh phúc, chết bình an là chuyện có thể làm được. Ta sẽ được như thế khi ta nhìn thấy mình tiếp tục biểu hiện trong các hình thái khác. Ta cũng có thể giúp người khác chết bình an nếu ta có những yếu tố vững chãi và vô úy trong ta. Bao nhiêu người trong chúng ta có cái sợ sẽ thành hư vô. Vì sợ hãi mà ta rất đau khổ. Vì vậy mà ta cần giúp người sắp chết hiểu được cái chân lý: “ta chỉ là sự tiếp nối trong nhiều biểu hiện.” Như vậy ta sẽ không bị chuyện sống chết làm cho ta hoảng sợ, vì ta hiểu đó chỉ là những khái niệm mà thôi. Đó là một cái nhìn rất quan trọng giúp cho ta hết sợ hãi.

Tôi đã lấy những lời lẽ của bài “Kinh Dành Cho Người Hấp Hối” (Anguttara Nikaya) để làm thành một bài hát. Đó là một điệu ru, có thể hát cho người sắp chết nghe, khi họ sắp thở hơi cuối cùng:

“Thân này không phải là tôi

Tôi không kẹt vào nơi thân ấy

Tôi là sự sống thênh thang

Tôi chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt

Này kia biển rộng trời cao

Muôn ngàn tinh tú lao xao

Tất cả đều biểu hiện tôi, từ nguồn linh tâm thức

Tự muôn đời tôi vẫn tự do

Tử sinh là cửa ngõ ra vào

Tử sinh là trò chơi cút bắt

Hãy cười cùng tôi

Hãy nắm tay tôi

Hãy vẫy tay chào để rồi tức thì gặp lại

Gặp lại hôm nay

Gặp lại ngày mai

Chúng ta sẽ gặp nhau nơi suối nguồn

Chúng ta sẽ gặp lại nhau trên muôn vàn nẻo sống.”

Hàng thứ nhất có thể được nhắc lại với các chữ: “Mắt này không phải là tôi, tôi không kẹt vào hai mắt đó… Mũi này… Tai này… Lưỡi này…Ý này… Các hình sắc này… Các âm thanh này…” thay vào chữ “Thân này.”

Khi hát hay đọc bài này cho người hấp hối nghe, ta sẽ giúp họ thoát được ý nghĩ họ có một tự tánh thường hằng dính liền với một phần nào đó trong thân thể của họ. Tất cả các hợp uẩn đều bị tan rã nhưng bản chất thực của ta sẽ không biến vào quên lãng. Việc hướng dẫn thiền quán này sẽ giúp ta không bị vướng vào ý niệm ta là cái thân này, ta là cảm xúc hoặc tư tưởng kia. Thật sự ta không phải là những thứ đó. Ta là sự sống thênh thang. Chúng ta không bị kẹt vào sinh, không bị kẹt vào tử, vào có hoặc vào không. Đó là chân lý của thực tại.

Vậy, xin hãy đừng quá bận rộn trong đời sống hàng ngày. Xin hãy dành thì giờ thực tập. Hãy học cách sống hạnh phúc, bình an và sung sướng ngay hôm nay. Hãy tập nhìn sâu để hiểu được bản chất thật của sinh tử, như vậy bạn sẽ được chết bình an, không sợ hãi. Đây là điều ai cũng có thể làm được.

Nếu bạn thực tập như vậy, không còn sợ hãi, thì khi có người thân quen sắp chết, bạn có thể giúp họ được. Bạn phải biết thực sự bạn muốn làm gì và không muốn làm gì. Bạn là người thông minh nên sẽ biết cách dùng thì giờ một cách khéo léo. Bạn không cần mất thì giờ để làm những chuyện vô ích và tầm thường. Bạn không cần giàu có, không cần phải có danh vọng hay quyền hành. Điều bạn cần là tự do, vững chãi, bình an và hạnh phúc. Bạn cần có thì giờ và năng lực để có thể chia sẻ những thứ đó với người khác.

Hạnh phúc của chúng ta không tùy thuộc vào chuyện ta có nhiều tiền của hay danh vọng. Sự an toàn của chúng ta là do ta có thực tập chánh niệm hay không. Một khi chúng ta có thực tập tỉnh thức thì Bụt, Pháp và Tăng sẽ chăm sóc ta và chúng ta sẽ có hạnh phúc. Đôi mắt sáng, miệng cười tươi và bước chân ta vững chãi trên con đường thênh thang của cuộc sống tự do. Hạnh phúc của ta sẽ nở hoa trên những người sống bên cạnh. Chúng ta sẽ không dùng thì giờ vào những chuyện hời hợt. Ta dùng thì giờ cho sự tu học để làm cho đời sống ta có phẩm chất hơn. Đó là món quà quí nhất ta có thể tặng cho con cháu ta. Đó là những tinh túy ta có thể chia sẻ với bạn bè. Ta cần có thì giờ để tiếp nhận, học hỏi và thực hành những giáo pháp mầu nhiệm của Bụt, như bài dạy cho ông Cấp Cô Độc vào lúc ông hấp hối.

Nương tựa vào gia đình, bè bạn và cộng đồng, tăng thân, ta thay đổi cuộc đời mình. Ta phải sống an vui ngay được chứ không đợi tới mai sau. Ta phải bắt đầu ngay lúc này, tại đây, sống an lạc vui vẻ ngay bây giờ. Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường mình đi.

Bài giảng của Thầy Xá Lợi Phất có thể tặng cho bất cứ ai. Ông Cấp Cơ Độc rất may mắn nhận được giáo pháp đó vào lúc cuối đời. Mọi chuyện đều vô thường và ta không thể biết lúc nào ta sẽ thở hơi cuối cùng. Ta có thể sẽ không may mắn như ông Cấp Cô Độc, có người bạn tâm linh bên cạnh để hướng dẫn khi ta sắp chết. Vì vậy ta không nên để quá trễ. Ta nên thực tập ngay để có thể tự hướng dẫn mình.

Câu chuyện về cái chết thời nay

Vào đầu thập niên 1990, trên đường tới trung tâm Omega thuộc tiểu bang Nữu Ước để hướng dẫn một khóa tu, tôi nhận được tin một người bạn cũ đang nằm hấp hối trong bệnh viện ở ngay phía bắc thành phố Nữu Ước. Ông ta tên là Alfred Hassler. Ông đã từng là giám đốc tổ chức Hòa Giải. Trong những năm 1966 – 1967, ông và tôi thường đồng hành trên nhiều quốc gia để cố gắng vận động chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Sau này khi tôi không được phép trở về xứ nữa, tôi đã nói cho thế giới biết về các hành động vi phạm nhân quyền của cả hai miền Nam Bắc Việt. Hassler đã thay tôi qua Việt Nam để điều hợp các công việc tại đó. Ông giúp các bạn tôi dựng những khu trại giúp nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi cùng nhau nuôi khoảng 8 ngàn trẻ mồ côi. Khi tôi tới Mỹ vào năm 1966, hội Thân hữu Hòa Giải tổ chức các buổi nói chuyện cho tôi.

Khi cô Chân Không và tôi tới bệnh viện, Alfred đã hôn mê. Vợ ông Dorothy, và con gái Laura của ông có mặt bên ông. Laura là người làm việc tình nguyện cho phái đoàn Phật giáo Hòa Bình, khi cô còn rất trẻ.

Khi Dorothy và Laura nhìn thấy chúng tôi, họ rất sung sướng. Laura ráng gọi để cha cô tỉnh lại: “Ba ơi, Thầy tới này – Cô Chân Không có đây này!” Nhưng Alfred không tỉnh lại, ông vẫn chìm trong cơn mê. Tôi bảo cô Chân Không hát cho ông ta nghe. Người sắp chết vẫn có khả năng nghe, dù ta không thấy được điều đó. Cô Chân Không bắt đầu hát: “Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt.” Cô hát lại lần thứ hai, lần thứ ba. Giữa bài lần sau này, Alfred tỉnh lại, mở mắt ra.

Laura rất sung sướng, cô bé gọi: “Ba, ba biết là Thầy có đây không? Ba có biết Sư cô Chân Không cũng có đây không?” Alfred không nói được tiếng nào. Nhìn vào mắt ông chúng tôi hiểu là ông biết chúng tôi đang có mặt. Cô Chân Không bắt đầu nói chuyện với ông về những kinh nghiệm hoạt động chung của chúng tôi cho hòa bình Việt Nam. “Alfred, ông nhớ thời gian ông ở Saigon và ráng gặp Thầy Trí Quang hay không? Hoa Kỳ đã quyết định thả bom Hà Nội ngày hôm trước và Thầy Trí Quang giận quá nên nói là sẽ không gặp một người Tây phương nào nữa, dù họ là bồ câu hay diều hâu.”

“Khi ông tới, thầy không mở cửa. Alfred, ông có nhớ đã ngồi ngoài cửa viết một đoạn ngắn: ‘Tôi là bạn, không phải kẻ thù, tới để giúp cho cuộc chiến sớm chấm dứt trên xứ Thầy. Tôi sẽ không ăn hay uống gì hết cho tới khi Thầy mở cửa cho tôi.’ Ông đã đẩy thư qua khe cửa, Alfred, ông nhớ không? Ông đã nói sẽ ngồi đó cho tới khi cửa mở. Ông nhớ chứ? Chỉ mười lăm phút sau, Thầy Trí Quang mở cửa, miệng cười tươi để mời ông vô phòng… Alfred, ông có nhớ không? Khi ở La Mã, có một đêm không ngủ của ba trăm tu sĩ Thiên chúa giáo, mỗi người mang tên một vị sư Việt Nam đã bị tù vì không chịu gia nhập quân đội.”

Sư cô Chân Không tiếp tục nói với Alfred về những niềm vui mà chúng tôi đã cùng trải qua khi vận động hòa bình cho Việt Nam. Chuyện này có hiệu quả thật mầu nhiệm. Cô ráng làm như Thầy Xá Lợi Phất làm cho ông Cấp Cô Độc. Cô cố gắng tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc cho Afred. Niềm vui của ông là lý tưởng phụng sự hòa bình và chấm dứt khổ đau cho người khác. Khi những hạt giống hạnh phúc được tưới tẩm, trong ông có sự thăng bằng về khổ và vui, nên ông tỏ ra bớt đau đớn.

Trong khi đó tôi thoa bóp chân Aflfred. Tôi nghĩ là một người hấp hối có thể không có ý thức gì mấy về cơ thể của họ vì nó đã bị tê. Laura hỏi: “Ba, ba có biết là Thầy đang thoa bóp chân cho ba không?” Ông ta không nói được nhưng nhìn vào mắt ông, chúng tôi biết ông có nhận ra là chúng tôi đang hiện diện. Bỗng nhiên ông mở miệng kêu lên: “Mầu nhiệm quá, mầu nhiệm quá!” Sau đó ông hôn mê lại và không bao giờ tỉnh nữa.

Đêm hôm đó tôi phải nói Pháp thoại hướng dẫn cho các thiền sinh tại Omega. Chúng tôi từ biệt họ và bảo Dorothy cùng Laura hãy làm theo tôi và cô Chân Không, hãy nói chuyện và hát cho Alfred. Sớm hôm sau tôi được tin Alfred đã chết rất bình an vài giờ sau khi chúng tôi rời ông.

Những người bị hôn mê vẫn có cách để nghe chúng ta nếu ta thật sự có mặt một cách bình an bên cạnh họ. Mười năm trước đây có một sinh viên sống tại Bordeaux, bên Pháp, nghe tin mẹ anh đang hấp hối tại California, anh khóc thật nhiều. Anh không biết khi bay về tới California thì mẹ còn sống hay không. Sư cô Chân Không bảo anh bay ngay về và nếu thấy mẹ còn sống thì hãy làm giống như thầy Thầy Xá Lợi Phất đã làm cho ông Cấp Cô Độc. Cô bảo anh ta hãy nói về những kỷ niệm đẹp đẽ giữa hai mẹ con. Anh cũng nên nhắc tới thời mẹ mới lấy bố và những năm mẹ còn trẻ. Nói với mẹ như thế, anh sẽ gợi lại cho mẹ những điều làm mẹ vui, dù cho mẹ không còn tỉnh.

Khi anh đó tới nhà thương thì mẹ anh đã hôn mê. Dù không hoàn toàn tin rằng người mê man có thể nghe được nhưng anh ta đã làm những gì mà sư cô đã căn dặn. Bác sĩ cho anh biết bà mẹ đã mê cả tuần trước và không hy vọng gì bà sẽ tỉnh lại trước khi chết. Nhưng sau khi nói chuyện với mẹ khoảng một giờ rưỡi đồng hồ, bà tỉnh lại. Khi ngồi bên giường người hấp hối, nếu bạn bình tĩnh và thân tâm bạn hoàn toàn hiện diện tại đó, bạn có thể giúp được người đó chết một cách an nhiên.

Vài năm trước đây, Sư cô Chân Không tới thăm chị cô bị đau rất nặng sau khi thay gan. Sau hai năm cơ thể bà ta từ chối không nhận lá gan mới ghép đó nữa. Bà ấy rất đau đớn. Khi vô tới nhà thương, cô Chân Không thấy cả nhà ai cũng như đầu hàng, thấy không còn giúp gì cho bà ấy được. Dù hôn mê, người bệnh vẫn quằn quại, kêu rên và la hét vì quá đau đớn. Tất cả các con bà, kể cả người con bác sĩ đều cảm thấy bất lực.

Sư cô Chân Không đã mang tới nhà thương cái băng niệm Bồ tát Quan Thế Âm của tăng ni Làng Mai. Dù chị cô đã hôn mê, cô vẫn để cho máy chạy, mắc ống nghe vào tai bà và mở cho âm thanh lớn gần tới tối đa. Năm sáu phút sau, điều kỳ diệu đã xảy ra: chị của sư cô nằm gần như yên lặng, không còn quằn quại kêu la gì nữa hết. Bà ta được bình an như vậy cho tới lúc lìa đời, khoảng năm ngày sau đó.

Trong năm ngày chót đó, chị của Sư cô đã liên tục nghe tiếng niệm Bồ tát. Bà ta đã tới chùa nhiều lần và thường nghe niệm như vậy. Nghe lại khi hấp hối, là tưới tẩm được các hạt giống quý báu và an lạc khi bà còn sống. Bà ta có đức tin và đã thấy được bình diện tâm linh trong cuộc đời, bà đã nghe tụng niệm và nghe Pháp thoại nhiều lần. Cái băng và giọng tụng niệm của tăng ni đã khơi dậy những hạt giống hạnh phúc, những hạt giống mà bác sĩ không biết làm sao tiếp xúc cho được. Ai cũng có thể làm như Sư cô Chân Không, nhưng không có ai nghĩ ra.

Tâm thức của chúng ta giống như cái máy truyền hình có nhiều đài. Khi ta bấm một cái nút, đài ta chọn sẽ hiện ra. Khi ta ngồi bên người hấp hối, ta phải biết nên chọn đài nào. Người thân với bệnh nhân là người tốt nhất để làm việc này. Nếu bạn ở cạnh người hấp hối, bạn nên dùng các hình ảnh và âm thanh có thể tưới tẩm những giờ phút hạnh phúc nhất của người đó. Trong tâm thức của ai cũng có những hạt giống của Tịnh độ hay Niết bàn, của vương quốc Thượng đế hay Thiên đàng.

Nếu chúng ta biết thực tập và thấm nhuần thực tại vô sinh bất diệt, nếu ta hiểu được rằng đến-đi, tới-lui chỉ là những ý niệm, và nếu ta hiện diện một cách vững chãi, bình an, thì ta có thể độ được người sắp chết. Ta có thể giúp họ bớt hẳn sợ hãi và đau khổ. Ta có thể giúp họ chết một cách bình an. Ta có thể giúp chính ta hiểu rằng không có sự chết, nghĩa là không có sợ hãi. Chỉ có sự tiếp tục mà thôi.

— Hết —

Thích Nhất Hạnh

Langmai