Lúc thiền sư Lâm Tế sắp thị tịch, khai thị đệ tử:
– Sau khi ta nhập diệt, các ông không nên để chánh pháp nhãn tạng của ta cũng diệt theo!
Tam Thánh Huệ Nhiên nghe xong, nói:
– Chúng con là đệ tử, làm sao dám để chánh pháp nhãn tạng của thầy diệt mất.
Lâm Tế hỏi:
– Vậy thì, có người hỏi: “Thế nào là đạo, các ông phải trả lời ra sao?”.
Huệ Nhiên học được phương pháp mà Lâm Tế chỉ dạy học nhân, lập tức hét lớn một tiếng.
Lâm Tế không đồng ý, nói:
– Ai tưởng tượng được chánh pháp nhãn tạng của ta sau này sẽ diệt mất chỗ người hét tiếng hét lớn này ! Nói ra thật đau lòng người!
Nói xong, bèn ngồi ngay ngắn trên pháp tòa thị tịch, lúc đó là đời Đường niên hiệu Hàm Thông thứ 7.
Sau khi Lâm Tế nhập diệt, Huệ Nhiên vẫn chưa hiểu, nói:
– Bình thường có người đến tham học thầy hét lớn một tiếng, vì sao chúng con không học được tiếng hét lớn của thầy?
Bỗng dưng Lâm Tế sống lại, nói:
– Ta ăn cơm, các ông không thể no; ta chết, các ông không thay thế được.
Huệ Nhiên vội quỳ xuống, thưa:
– Bạch thầy ! Xin thầy tha thứ, thỉnh thầy trụ thế để chỉ dạy cho chúng con nhiều hơn.
Lâm Tế hét to một tiếng, nói:
– Ta không cho các ông bắt chước!
Nói xong, Lâm Tế bèn nhập diệt.
Lời bình:
Điều tối kỵ của thiền giả là không thích người bắt chước, như vẽ trái hồ lô, rốt cuộc không giống hồ lô chút nào. Cây gậy của thiền sư Hoàng Bá, tiếng hét của thiền sư Lâm Tế, trà của thiền sư Triệu Châu, bánh của thiền sư Vân Môn, mỗi vị tiếp đãi học nhân có gia phong khác nhau, không phải giống nhau để học. Thiền giả cần phải “Trên không có miếng ngói che đầu, dưới không có tấc đất đặt chân” mới được.
ST