05 -Lời khuyên song thân 

Kính cha má,

Hội Niệm Phật vừa kết thúc một khóa niệm Phật ba tuần vào ngày 17/12/00. Nhìn thấy người ta tu mà con cảm thấy thương hại, tội nghiệp cho cha má, anh chị em, bà con, con cháu của mình. Vì nghiệp báo của cuộc đời quá nặng mà mãi mãi trầm luân trong bể khổ, hết lo chuyện này rồi chuyện khác, hết kiếm tiền lại nghĩa ơn, hết lo nhà rồi lo nợ đời. Hì hục suốt cuộc đời, rồi đến khi gần già trực nhìn lại không được một cái gì hết, chỉ còn một khối nghiệp vĩ đại mang theo, chỉ còn một cảnh giới hãi hùng phải chịu trong hàng vạn kiếp. Ôi! Thật tội nghiệp! Thật đáng thương! Mấy tấm hình này có tấm con chụp Bà Bảy Tịnh-Bửu, người mà con nói trong thơ trước, còn mấy tấm kia người ta chụp còn sót lại trong tháng trước, con gởi về luôn để cha má hình dung phần nào cảnh tu Niệm Phật.

Mình sống trên đời để làm gì? Tranh danh đoạt lợi? Có lợi được hay không, khi chính bản thân mình bị dìm vào ngục tối ngàn năm. Có tiền, có sung sướng không nếu sau khi hết thân này ta đầu thai vào hàng súc sanh ngu muội, bị người ta bắt cày bừa rồi sau cùng họ mổ để ăn thịt?… Không phải ta chết đi là hết đâu cha má. Chắc chắn ta vẫn còn sống, mà còn sống rất lâu rất lâu. Đó là sự thực. Tu hành đừng nên bừa bãi, đừng nghĩ rằng chết là hết mà cứ làm ào nói ốn để sau cùng dở khóc, dở cười, lỡ sụp hố rồi muốn thoát ra đâu còn được nữa!

Cha má nên biết rằng, cái cảnh giới của người sắp chết và sau khi chết trong bốn mươi chín ngày của Thân-Trung-Ấm rất đáng sợ. Ngay trong giờ phút sắp lâm chung, con người có thể bị rơi vào những cảnh giới thật hãi hùng ghê rợn không thể tả được. Có lúc thấy lửa cháy bừng thiêu đốt, có lúc bị dìm vào băng tuyết lạnh thấu xương, có lúc bị ma quỷ rượt cắn xé thân thể, cọp, beo, đầâu trâu, mặt ngựa, ba đầu, sáu tay… nhào tới vồ chụp lấy. Nói chung rất nhiều cảnh giới hãi hùng ùn ùn kéo đến, nào là ánh sáng thay đổi đủ màu đủ sắc, sấm chớp, ma quái, quỷ dữ thay phiên nhau chụp giựt lấy ta để lôi ta vào cảnh giới của chúng… không sao diễn tả được. Nghiên cứu trong kinh sách Mật-tông, cha má sẽ thấy rõ hơn, ở đây con không cách nào kể chi tiết được. Chính vì thấy những cảnh quá hãi hùng cho nên người sắp chết thường la hét, trợn mắt, tay chân cứng đơ, giãy giụa, đau đớn, v.v… trước khi nằm ngay đơ buông xuôi theo định mệnh đi theo nghiệp thọ báo. Hễ tu hành tốt thì trở lại làm người, lên trời, còn tu không xong thì theo vào địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh, những đường hung hiểm.

Thưa cha má, người không hiểu đạo họ không tin, người hiểu đạo họ lo tu hành từng chút, từng chút. Người không hiểu đạo họ cứ lo công danh, điạ vị, tiền bạc, cứ lo ăn nhậu cho đã rồi buông lời hủy báng pháp Phật. Người hiểu đạo rồi họ âm thầm tu niệm mặc cho người đời nói gì thì nói. Cái hơn, thua hãy chờ mà coi, bảy mươi, tám mươi năm trong đời đâu có nghĩa lý gì so với ngàn vạn ức triệu năm sau đó. Đó là cảnh giới mình sẽ sống.

Cảnh giới hãi hùng kia là giả hay thật? Thưa cha má, có thể cho là giả cũng được, nhưng trong cái giả đó chính ta thụ hưởng, chính ta có sướng, có khổ, có sợ, có vui. Cái thụ hưởng này lại có thực rõ ràng không trốn thoát được! Nếu trong đời cha má đã từng nằm thấy ác mộng thì lấy đó làm ví dụ. Ác mộng là giả hay thực? Là giả. Nhưng khi trực giấc thì sợ toát mồ hôi, nhiều lúc sợ đến hét thành tiếùng, sợ đến ngủ không được, sợ muốn điên luôn. Có nhiều người nằm mộng mà sinh ra giết người, nhảy lầu, tự tử… tất cả cái đó đều là sự thật, một sự thật hiển nhiên mà chỉ có một mình người đó thấy, người nằm sát bên cạnh không hề hay biết. Cảnh giới ghê gớm như vậy đó! Cảnh giới trong mộng đến với ta chỉ một vài giây thôi mà dễ sợ như vậy.

Bây giờ con xin hỏi, giả sử ác mộng đó kéo dài một ngày mình chịu nổi không? Cha má có dám nằm ngủ nữa không? Có dám ở nhà một mình không? Hơn nữa, nếu như cảnh giới đó diễn ra một tháng, liệu sẽ như thế nào? Mình có còn bình tĩnh nữa không? Có còn là người bình thường nữa không? Có phải, nếu không tiêu mạng thì cũng điên khùng, loạn tâm, trở thành người gỗ, người ma, người trong nhà thương điên không hở thưa cha má?

Hãy vào bệnh viện tâm thần nhìn cảnh tượng những người ở đó thì hiểu liền. Mỗi khi lên cơn là họ la hét, kêu gào, họ nhào lộn, nhảy lầu, họ trợn mắt, cắn xé… hàng chục nhân viên trực sẵn nhào vào quật họ xuống, trói tay, đè cổ, rồi người khác tới chích một mũi thuốc mê… làm cho cơ bắp tê liệt nằm xuội lơ. Ai cũng tưởng vậy là xong, nhưng thực ra, chính người đó vẫn còn tiếp tục sống trong cảnh hãi hùng đau khổ của chính họ mà đâu có ai hay, ai thấy?!!!

Cái cảnh giới của người tạo nghiệp lúc chết giông giống như vậy. Gần tới giờ phút lâm chung là họ đã bắt đầu thọ lấy rồi. Sau đó trải suốt trong bốn mươi chín ngày lăn lộn hết cảnh này sang cảnh khác vô cùng đau khổ, hãi kinh! Tùy theo nghiệp báo, mà đương sự chịu nhiều hay ít và sau cùng bị lôi theo quả báo lớn nhất của nghiệp chướng, muôn đời khó thoát ra. Những người sống bừa bãi, làm điều bất thiện, không tin quả báo luân hồi, nếu cơ may nào đó bị rơi vào cảnh giới đó một ngày thôi, con tin chắc họ sẽ quỳ lạy cho đến lỗ đầu xước trán để xin tu hành, cầu Phật cứu độ, chứ đừng nói chi đến việc đợi mời, đợi nhắc.

Cái cảnh giới này từ đâu mà có? Chính là quả báo của nghiệp chướng do chính người đó tạo ra trong lúc còn sống trong đời này và nhiều đời trước lưu lại. “Nhân duyên quả báo tơ hào không sai”. Khi còn khoẻ mạnh, năng lực còn dồi dào, ma chướng nghiệp báo chưa làm gì mình được. Lúc sắp sửa lìa đời, khí lực khô kiệt là lúc tất cả oan gia, trái chủ nhào vào đòi nợ, nhào vào xâu xé mảnh hình hài của thần thức. Trong từng phút giây bao nhiêu cảnh tượng đổ tới dồn dập, lúc trắng, lúc xanh, lúc tối om mờ mịt, lúc chói sáng muốn nổ tròng mắt, lúc lửa cháy bừng bừng, lúc nước dâng cuồn cuộn lôi tuột thần thức vào cảnh hãi hùng… tất cả đều là quả báo do chính họ đã tạo ra.

Niệm Phật là để xoá tan tất cả cảnh giới đó chỉ còn lại cảnh giới Phật, cảnh giới Tây-phương Cực-lạc an vui thanh tịnh cho thần thức chúng ta nương theo đó mà đi. Cho nên, nếùu người nào còn chút minh mẫn, may mắn, ngay giờ phút quan trọng đó trực nhớ đến Phật, mở lời niệm Nam-mô A-di-đà Phật thì tức khắc, tất cả cảnh giới kia đều tan biến. Trong Kinh Vô-Lượng-Thọ, lời nguyện của Phật A-di-đà nói, nếu trước phút lâm chung “người nào nghe được danh hiệu Ta, chí tâm tin kính, ai có căn lành tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh nước Ta, cho đến mười niệm không được sanh, Ta thề không thành bậc Chánh-Giác”. Đức Phật A-di-đà đã thề như vậy thì chắc chắn Ngài giữ lời, nếu Ngài không giữ lời thì Ngài không thành Phật được. Mà Ngài đã thành Phật rồi thì đó là sự thật, ta không được quyền nghi ngờ nữa.

Vì thế, xin cha má phải thành tâm kính trọng câu Phật hiệu này. Nó vô cùng vi diệu, cái oai lực vô cùng dũng mãnh, bao nhiêu tội ác trùng trùng, thì một câu nhứt tâm niệm Phật có thể tẩy xóa sạch trơn tám mươi ức kiếp nghiệp chướng. Nếu cha má không tin thì có thể thử thì biết liền. Ví dụ, nếu có dịp gặp cơn ác mộng, đang lúc sợ hãi ráng cố gắng niệm “A-di-đà Phật”, chắc chắn nhất định cơn ác mộng sẽ biến mất ngay. Nếu người nào thường gặp ma quỉ, hãy mách với họ, đừng sợ, cứ bình tĩnh niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, chắc chắn ma quỉ tan biến ngay lập tức. Một tiếng không tan thì hai tiếng tan, hai tiếng chưa tan, ba tiếng bắt buộc nó phải chạy ngay. Nhưng có điều cần phải nhớ là phải vững tâm tin tưởng, không sợ, chứ còn sợ quá hồn vía lên mây thì làm sao nhớ Phật mà niệm. Cho nên, chỉ cần mười tiếng Phật hiệu là được giải thoát. Nhưng khổ nỗi, lúc đó thần thức tán loạn, tâm hồn hãi kinh, thân thể đau nhức, con cái khóc than, còn bị ma quỷ nhào vào xâu xé, trăm thứ trăm điều chi phối làm sao mà cất được tiếng niệm Phật. Cho nên phải tập niệm Phật ngay tức thì là như vậy.

Cha má còn nhớ trong một thư trước con có nói, hễ quen với ai thì nợ người đó, nợ họ thì chắc chắn phải theo họ trả nợ. Con khuyên cha má hãy quen với Phật để theo Phật giải thoát cuộc đời, sống an vui, tự tại nơi nước Phật, đừng tham lam ba thứ thần thông, phước báu tầm thường mà mang hại cho huệ mạng của mình. Tất cả thứ bùa ngải, tất cả những phép tiên, đình miễu… xin đừng tham luyến tới. Nếu gặp dịp thì lễ bái để tỏ lòng cung kính rồi về, tuyệt đối đừng cầu xin gì ở họ cả. Mình sống kính trọng họ, không được hỗn hào với họ là đủ rồi, đừng vì một cái phước lợi nhỏ như được tiền, được mua mau bán đắc… mà cầu xin họ hộ trì. Vì như vậy mình đã mắc nợ họ rồi, nợ họ thì khó lắm đó. Nếu lỡ đã nợ rồi thì bây giờ xin thành tâm tạ ơn họ rồi thôi, xin đừng bao giờ cầu xin bảo hộ nữa mới được.

Hãy dành hết thì giờ để niệm Phật. Thân lạy Phật, tâm nhớ Phật, miệng niêïm Phật, Thân-Khẩu-Ý đều hướng về Phật thì chắc chắn cha má sẽ về với cảnh Phật, sẽ thành Phật. Tất cả mọi cảnh giới hung hiểm khác sẽ không bao giờ dám đến gần cha má được. Phật đã nói rõ ràng trong kinh rằng, người nào thành tâm niệm Phật thì chư Phật mười phương hộ niệm cho người đó, Long-Thiên, Hộ-Pháp và hai mươi lăm vị Bồ-tát ngày đêm bảo vệ cho người đó. Chính vì lý do này mà tiếng niệm A-di-đà Phật có một uy lực kinh thiên động địa, cứu mình qua khỏi cửu pháp giới, liễu thoát sanh tử luân hồi, đi thẳng về nước Phật chỉ trong một đời tu hành này mà thôi. Một pháp môn quá ư vi diệu, quá ư thù thắng mà nói ra không ai tin cả. Ở đây, từng người tu hành, từng người vãng sanh về Tây-phương. Mỗi khi có người vãng sanh họ đều ghi vào sách chi tiết, tên, tuổi, họ hàng, quê chốn, và ra đi làm sao. Thậm chí có người còn hẹn lại đi trễ vài ngày, hoặc đi sớm vài ngày nữa là khác. Họ về với Phật một cách rõ ràng không còn nghi ngờ chút nào nữa cả.

Pháp môn này chỉ cần ba thứ: Tín-Nguyện-Hạnh. Nghĩa là:

Một là tin tưởng chắc chắn Phật cứu được mình, chắc chắn có Tây-phương Thế-giới Cực-lạc, bốn mươi tám đại nguyện của Phật A-di-đà đưa ra để cứu tất cả chúng sanh;

Hai là mỗi ngày đều phát tâm cầu nguyện sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà, thành tâm cầu, chí thiết nguyện sanh về đó sau khi hết báo thân này;

Ba là trì danh hiệu Phật mà niệm liên tục ngày đêm, nhớ đâu niệm đó, đi đứng nằm ngồi, tranh thủ từng chút thời gian để niệm Phật, khi đi ngủ cứ việc “A-di-đà Phật, A-di-đà Phật…” cho đến khi thiếp ngủ thì thôi.

Chỉ có thế mà thôi, chắc chắn cha má sẽ về với Phật. Chỉ có thế là giải thoát mà đến nay không biết bao nhiêu thư từ con gởi về mà dòng họ ta chưa người nào tin tưởng để làm. Chính vì thế mà con thương hại, tội nghiệp cho cha má, cho anh chị em, cho con cháu mình không có thiện căn phước báu để tin Phật, không đủ phước lành cất tiếng niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Thật là tiếc quá đi! Hãy nhớ, Bồ-tát Đại-Thế-Chí dạy: “Nhớ Phật, Niệm Phật, hiện tại tương lai chắc chắn thấy Phật”. Cứ một đường “nhất hướng chuyên niệm” chắc chắn cha má sẽ thành công. Lời nói này đúng y kinh sách của Phật dạy, không bao giờ sai.

Thưa cha má, khi nghiên cứu đến kinh điển của Phật, con mới thấy tất cả những cái mà người ta gọi là bí mật, cái mà người ta gọi là thiên cơ, huyền bí… thật ra đã được đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói rõ ràng trong kinh từ mấy ngàn năm trước rồi mà mình không hay. Tại vì kinh điển nguyên thủy bằng tiếng Phạn, Ấn-Độ nên mình đọc không được. Sau này, một phần được dịch sang tiếng Hoa, chứa trong Tam Tạng kinh điển, là cả một rừng sách tiếng Tàu, làm sao mình đọc, làm sao thế gian này đọc cho được. Vì thế, con người vẫn cứ mãi đi vào con đường cụt dẫn tới đọa đày. Đời mạt pháp này mặc sức cho ngoại đạo mệnh danh này, mệnh danh nọ lộng hành, lôi chúng sanh vào con đường đọa lạc. Thấy mà sợ. Con xin nói chắc với cha má rằng, cứ khoảng chừng vài chục năm thì lại có thêm cái gọi là “tôn giáo” nổi lên, cứ tự xưng là Tiên, Phật, Thánh… xuống phàm cứu độ, lôi số người nhẹ dạ, hiếu kỳ vào đường tu hành lạ lùng nguy hiểm. Thấy vậy mà sợ, mà ghê! Thấy vậy mà con ngày đêm luôn nguyện cầu chư Phật gia hộ cho cha má tỉnh ngộ quay về với Phật, ngày đêm niệm Phật A-di-đà, cầu vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới, để hết báo thân này đừng trở lại thế giới Ta-bà này nữa. Nếu không, không cách nào thoát khỏi cạm bẫy.

Ở quê mình, cha má không thấy người ta tu hành. Ở đây, con hằng ngày tu chung với họ. Họ tranh thủ từng giờ, từng phút để niệm Phật. Hằng ngày họ nghe Hòa Thượng giảng kinh. Các Ngài có thể là chư Phật, Bồ-tát xuống phàm để nói lên chánh pháp của Phật để cứu người đang quằn quại của thời mạt pháp này, cứu chúng sanh đang bị cạm bẫy giăng bủa khắp nơi, bẫy con người vào con đường mê lầm đọa lạc, sanh tử vô cùng vô tận.

Cha má suy nghĩ đi, con đành tùy duyên mà thôi, cha má muốn được cứu độ hãy niệm Phật A-di-đà. Hễ ngày nào phát tâm tin tưởng niệm Nam-mô A-di-đà Phật, thì bắt đầu từ đó cha má có cơ hội được cứu. Nếu không, thì không ai có thể cứu được huệ mạng của cha má cả. Nếu chần chừ, cứ việc dùng cái kiến thức thế gian mà phân với giải, đến lúc đã quá trễ rồi, thì thôi đành buông tay, trôi theo nghiệp báo. Lúc đó cảnh giới của cha cha thọ, cảnh giới của má má thọ, không ai thọ giùm ai, không ai cứu được ai cả.

A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Brisbane 19/12/2000). 

Làm lợi cho mình một cách chân chính là làm lợi cho người. Chư vị có thể làm lợi cho chúng sanh càng nhiều thì tư lợi của chính quí vị càng lớn.

(Pháp Sư Tịnh-Không).

(Độ sanh vô sở trụ tâm nhi hành bố thí)

06 -Lời khuyên song thân

Cha má kính thương,

Thời gian như tên bắn, mạng người vô thường biết còn mất lúc nào mà chờ, mà đợi. Khi con đã quyết định nghỉ làm thì con không còn tiền bạc nữa, con chỉ đủ để ăn hàng ngày là được. Về việc phụng dưỡng cha má, con cũng xin đóng góp cùng với anh chị em, việc này không ai được quyền từ chối. Cái phước đó lớn hay nhỏ tùy theo tâm tu hành của cha má. Con thường nói, hễ người có tu thì tự nhiên được hưởng phước, còn người cứ chạy cầu phước thì phước sẽ tận và rồi sẽ lận đận trong trong cảnh khó khăn, thoát không được nghiệp báo!

Cái lo chính là, tuổi già cha má đã có quyết định rõ đường đi chưa? Trong lá thư cha ký tên, còn nét chữ là người nào viết (em Thứ phải không?), chứng tỏ cha đã yếu hay đang bị bệnh, sao không nói cho con biết lý do? Cuộc đời quá vô thường, cha má không hay biết sao!

Cái nhà hư sập thì không tốt, nhưng cha má lo buồn làm chi? Hồi trước mình tới hai căn nhà thật to. Căn kia đâu rồi? Ngày bà nội còn sống, bà lo từng chút, tằn tiện từng đồng để làm vốn. Vốn đó đâu rồi? Bà đâu rồi? Ông đâu rồi? Nhà mình ruộng đất nhiều, hương quả từ đường lớn lắm… bây giờ đâu rồi? Nhìn chung quanh, ông bà Dư đâu rồi? Ông Hai Thuận, một đời lặn lội với việc nước, bây giờ đâu rồi? Con được tin ông Mười bị nạn nước, mấy năm trước chú Năm bị nạn xe, v.v… Tất cả đều đâu rồi? Thời gian như một giấc mơ, rõ ràng là một giấc mơ thôi cha má ạ. Đến giờ phút này con nghĩ cha má phải thấm thía cuộc sống vô thường, cái hão huyền của danh vọng, cái sự nghiệp phù du…

Thưa cha má, con viết đến giòng chữ này mà muốn rơi nước mắt. Con muốn rơi nước mắt hay thực sự con đang khóc đây? Nếu không thương cha má làm sao con rơi được nước mắt? Nếu cha má chưa hạ quyết tâm tu hành thì con cảm nhận rõ được đường nào cha má sẽ tới… làm sao con không nghẹn ngào cho được! Con thấy đau đến đứt ruột, đứt gan mà không biết làm sao nói thấu, làm sao cứu. Con trút tất cả tâm gan ra để khuyên cha má, nhưng khi nhận được thư thì chỉ thấy nhấn mạnh đến căn nhà “Từ Đường” mà thôi, chứ chưa có một ý định cho ngày mai mình sẽ đi đâu. Ngày mai lỡ sa lầy rồi liệu có đứng lên nổi hay không đây? Lúc mãn cái thân giả tạo này rồi, liệu có còn cái phước bước lại vào căn nhà đó để ngồi được trên bàn thờ mà hưởng mấy đồ cúng của con cháu hay không? Thưa cha má, hãy suy nghĩ cho kỹ lời con nói đi, chứ đừng nghe người khác bàn ra tán vào bừa bãi mà sau cùng, chính cha má không còn cứu vãn được nữa. Ngày nào con chưa nhận được lời hứa phát tâm niệm Phật của cha má, ngày đó con vẫn chưa an tâm, vẫn còn thấy thương tâm. Chắc rằng cái gì cũng tùy duyên, nhưng còn nước con còn cố gắng tát, còn nói tiếng nói, con còn tha thiết khuyên cha má niệm Phật. Con đã thấy được con đường giải thoát vô cùng quý giá, con không đành để cha má mất phần. Mong sao sự thành tâm của con cảm hoá được cha má. Thật quá thương hại cho chúng sanh sao cứ vẫn mê mê, mờ mờ đâm đầu vào con đường khổ lụy, không có một chút giác ngộ gì cả trước bao nhiêu sự phũ phàng trắng trợn xảy ra hằng ngày trước mắt!

Việc sửa chữa nhà “Từ-Đường” thì tốt, chứ không sao. Hiện giờ con chưa có khả năng lắm, nhưng con cũng cố gắng tiếp thêm sau…. Nhưng điều quan trọng nhất hiện giờ không phải là căn nhà từ đường, mà chính là cha má có hiểu thấu đường đi chưa? Nếu hiểu được, thì con xin đề nghị là cha má hãy giao việc sửa nhà cho anh chị Hai, anh chị Ba, hay anh chị Bốn gì đó trực tiếp làm. Con cháu giúp tiền để sửa thì hãy giao cho họ, sửa sao cũng được. Riêng cha má hãy buông xả tất cả đi, an nhàn ngồi niệm Phật. Tìm chỗ mát mẻ, treo cái võng đong đưa mà niệm Phật. Cơm nước, nói em Mười, em Thứ nấu giùm đem tới. Bỏ chuyện thăm nom bà con, bỏ chuyện lễ nghĩa phải chẳng đi. Hãy dũng mãnh, cứng rắn lo cho huệ mạng của mình. Trăm ngàn lần khuyên cha má hiểu thấu, đừng chạy theo cái tập tục thường tình của thế đời mà quên chuyện khổđau ngàn vạn năm sau đó! Nếu sơ ý, không ai tới đó để thăm cha má, không ai tới cứu mình được đâu. Cái nhà dù muốn dù không nó cũng chỉ là một vật chúng duyên sanh, là cột kèo đất đá kết thành, nó sẽ phải “Thành-Trụ-Hoại-Không” mà thôi.

Thư này, con xin nói thẳng một điều, lấy kinh của chính đức Phật Thích-ca Mâu-ni ra ấn chứng, thì hầu hết ông bà mình không tìm ra một người có hy vọng vãng sanh nơi tốt đẹp. Đây là một sự thực đau lòng! Cái “Từ-Đường” thì cứ việc thờ cái hình, còn người chết thì vẫn khổ đau, vẫn quằn quại than khóc ngày đêm mà mình không hay biết gì hết! Giỗ cúng ông bà chỉ là sự thương tưởng, là gương giáo dục lòng người, để giữ cho người sau biết gia phả, chứ thực tế, có ông bà nào về hưởng được đâu? Vì có được siêu thoát mới về thăm nhà, chứ bị đoạ rồi làm sao có khả năng trở lại được! Quả thật là quá oái oăm! Thật là đau buốt cả tim gan. Quặn thắt, quặn thắt đó cha má ạ!

Trong khi đó, ở đây con hằng ngày biết được từng người, từng người họ vãng sanh về với Phật. Trong kinh nói, những người có hiện tượng như vậy, họ đã trở thành Bồ-tát, hưởng phước lạc vui sướng nơi cõi Tây-phương, họ không còn bị chết nữa, họ không còn đọa lạc, họ được thần thông tự tại, du hí khắp cả mười phương, dạo chơi thoải mái. Về tới thế giới Cực-lạc rồi, đó mới chính là chỗ gặp được bà con giòng họ nhiều đời nhiều kiếp. Còn lỡ sa đọa chỉ còn một mình khổ đau thọ nghiệp báo thì làm sao về hưởng giỗ? Cho nên người ở Tây-phương Cực-lạc họ nhìn cảnh chúng sanh mà vô cùng thương hại. Họ muốn cứu giúp mà giúp không được, vì chúng sanh ngu muội không vâng lời, không chịu tin lời Phật dạy, cứ tỉnh bơ dắt nhau đâm đầu vào hầm lửa. Nghĩ như vậy mà con thật sự rơi nước mắt khi ngồi đây viết thư cho cha má.

Cha má có biết không? Vì con đường giải thoát ởù ngay trước mặt của cha má, con đem đến tận tay mà cha má cứ hững hờ. Với người bình thường, Phật nói: “môït người không làm được việc công đức, nếu phát tâm Bồ-đề một lòng chuyên niệm danh hiệu A-di-đà Phật, vui vẻ tin tưởng, không sanh tâm nghi hoặc, chí thành nguyện sanh về nước Cực-lạc. Thì người đó khi lâm chung sẽ chiêm bao thấy Phật A-di-đà và cũng được vãng sanh”. (hạ bối vãng sanh, phẩm 24, kinh Vô-Lượng-Thọ). Chỉ cần chuyên cần , thật thà niệm Nam-mô A-di-đà Phật và cầu về Tây-phương Tịnh-độ thì được về với Phật. Phật không đòi hỏi gì cả, chỉ cần chí thành, không nghi, rồi phát nguyện vãng sanh là đủ. Đơn giản, dễ dàng, rốt ráo, tối thù thắng, chỉ cần một thời gian ngắn trong một đời này thôi con người có thể thực hiện một cuộc hành trình vượt qua hơn mười vạn ức cõi Phật để trở thành vị Bồ-tát Bất-thối, nghĩa là chỉ còn một đời thành Phật, sống tại thế giới Phật. Đoạn kinh trên là nói người tu dở, chưa có công đức gì cả vẫn về với Phật. Còn ta chuyên tâm niệm Phật làm sao không được đi! Chắc chắn như vậy. Thế mà sao không chịu tu?

Thưa cha má, lúc đầu con cũng đâu có tin. Nhưng khi biết được nhiều người họ về với Phật, họ vãng sanh tự nhiên, thoải mái, vui vẻ y hệt như những điều trong kinh Phật nói. Thật là một duyên lành kỳ lạ cho con gặp được Phật đạo và thấy được pháp nhiệm mầu.

Con vừa mới nhận được một quyển sách ở Mỹ gởi tặng, con sẽ gởi về cha má coi. Ở đây, những việc vãng sanh như trong sách viết con đã biết quá nhiều. Con đã hiểu tường tận cái lý của nó rồi, cho nên con gởi về cha má, anh chị em, bà con coi. Quyển sách này là ở bên Mỹ họ chụp hình, sưu tập được một số người vừa mới vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới với Phật A-di-đà trong khoảng thời gian 1995-2000. Cha má chờ khoảng một tháng nữa sẽ nhận được. Đây là quyển sách của một người Việt ở Mỹ sưu tập được một số người vãng sanh, chứ thực ra số người thành tâm niệm Phật cầu về Tây-phương được vãng sanh vô số. Con ở đây đang có hai quyển kể chuyện những người vãng sanh, con không đếm được bao nhiêu người trong đó. Nhiều quá không thể nào ghi chép cho hết. Thậm chí, có người chỉ thành tâm niệm Phật có ba ngày thôi cũng có kết quả.

Ví dụ, như cách đây không xa, có một người Hoa ở Mỹ, không phải đạo Phật, bị bệnh ung thư hết chữa được. Nhà rất giàu, gia đình tìm khắp nơi hỏi hễ người nào chữa được thì ông thù lao không cần điều kiện. May mắn gặp được Hội-Tịnh-tông (tức hội niệm Phật), họ khuyên ông ta rằng, giữ cái thân nát bét đó thêm vài ba năm nữa làm gì cho khổ, sao không buông bỏ hết đi, nguyện sanh về Tây-phương với Phật hưởng vô tận vô biên sung sướng có hơn không. Nếu mạng đã tận thì về Cực-lạc, nếu chưa tận tự nhiên hết bệnh.

Ông tin tưởng làm theo, nhờ hội tới hộ niệm giùm luôn hai ngày đêm, ông thấy có Phật tới. Lần đầu tiên ông tả người giống đức Địa-Tạng-Vương Bồ-tát. Họ bảo ông đừng đi, cứ thành tâm tiếp tục niệm Phật. Ngày thứ ba, đức Phật A-di-đà cùng Bồ-tát Quán-Thế-Âm, Thế Chí tới tiếp dẫn. Ông chắp tay cảm ơn và ra đi một cách tự nhiên. Theo kinh Phật mà nói, thì ông đã vãng sanh thành bậc Bồ-tát bất-thối chuyển, và sẽ viên mãn quả Phật tại thế giới Cực-lạc của Phật. Chuyện kể giống hệt như huyền thọai, ai không hiểu đạo nghe thì mắc cười. Nhưng, thưa cha má đó là sự thực. Một sự thật không thể tưởng tượng được. Khoa học một tỉ năm nữa cũng không giải thích được đâu!

Thưa cha má, cơ hội thoát ly khỏi lục đạo luân hồi đang ở trong tầm tay của cha má, của anh chị em, của các con cháu, của tất cả mọi người, bà con, cô bác ở xứ Đông-Lâm, xin đừng để vụt mất. Nếu ai nghe lời con, quyết định phát tâm tin Phật, niệm Phật cầu về Tây-phương. Một đời này, khi lâm chung khỏi phải trở lại làm trâu làm bò, làm người kiếm ăn từng bữa, khỏi phải sợ căn nhà bị mối ăn, khỏi phải ngày đêm lo sầu khổ cực. Đó là sự thực, con không nói ngoa chút nào hết.

Nếu ngộ được đạo, cha má cũng nên khuyên con cháu tin Phật. Nên la rầy người nào còn tự cao ngã mạn, coi thường pháp Phật. Dù họ không tin nhưng cha cũng nói, ít ra một lần, rồi tùy theo duyên lành của họ. Con xin nói thẳng thắn rằng, trí huệ của họ có ai đã đạt được đến tiến sĩ, thạc sĩ gì đâu, thì kiến thức của họ cũng chưa tới đâu mà sao lại dám vỗ ngực xưng tên, lỗ mãng… Trên thế giới nhiều người khoa học gia, tiến sĩ, bác sĩ chức vụ của họ đến chỗ chinh phục thế giới, mà khi ngộ đạo họ bỏ một cái rụp, quyết chí tìm đường vãng sanh thay, huống chi là con cháu mình, một đời loanh quanh trong một chỗ như cái ốc đảo, sự hiểu biết tới đâu, cái thấy tới đâu mà dám cao ngạo? Cái kiến thức cỏn con như ếch ngồi đáy giếng mà dám trịch thượng coi trời như cái vung à?

Cho nên, con thành tâm khuyên tất cả anh chị em hãy mau mau giác ngộ, đừng đứng đó dùng cái trí hạn hẹp của mình mà suy lường cái vi diệu siêu tuyệt của chư Phật mà mang tội khó gỡ nổi! Còn tu thì phải biết minh mẫn, phải biết giựt mình, phải biết thấy rõ giữa liễu-giáo và bất-liễu-giáo, chứ không, thì dễ bị mê trong cái kiến chấp sai lầm mà mất đường giải thoát. Trong kinh Lăng-Nghiêm, Phật nói rằng, trong buổi mạt pháp này, Ma-Vương lộng hành dưới trần thế. Họ tìm mọi cách hay ho, tự xưng là Phật, Thánh, Tiên tùm lum để dụ hoặc cho chúng sanh mất phần về Tây-phương với Phật. Vì con đã hiểu, đã thấy cho nên con rất sợ. Ngày đêm con cầu nguyện chư Phật gia trì cho cha má mau mau thức tỉnh để vững tiến con đường giải thoát.

Con đường đó là niệm Phật, trong bất cứ tình huống nào, bất cứ sự nguy hiểm nào, gặp bất cứ sự cố kinh khủng như thế nào đi nữa, nhất thiết không sợ, cứ một lòng một dạ niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Con xin nói chắc chắn rằng tất cả mọi cảnh giới hung hiểm phải tan biến ngay lập tức. Vững tâm an lành. Trong các kinh A-di-đà, kinh Vô-Lượng-Thọ, kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ… Phật nói rằng người nào thành tâm niệm danh hiệu A-di-đà Phật thì được A-di-đà phóng quang nhiếp thọ, được tất cả chư Phật mười phương đồng hộâ niệm gia trì. Vì thế, âm thanh A-di-đà Phật đã trở thành một cái siêu thần chú, có sức mạnh có thể đưa một người phàm vượt lên hàng Phật, Thánh. Nếu không nhờ đến câu Phật hiệu, thì thời đại này không cách nào thoát được cái lưới mê đạo đang bủa khắp nơi trên dương trần này đâu. Đó là điều con thấy rõ như ban ngày.

Cho nên, con xin mạnh dạn nói rằng, tu hành mà cứ lý luận rằng, tu là làm hiền, kiếm chút phước báu để đời sau tu tiếp, sống lần lần cho đến kỳ Long-Hoa, thì xin nói thực rằng coi chừng chỉ hết đời này thôi, đời sau nếu không rơi vào ba đường ác, thì cũng khó mà thoát khỏi ma chướng. Xin đọc thư con thật kỹ, đọc cho thực nhiều, kêu gọi anh chị em trong nhà cùng đọc, để giác ngộ người nào hay người đó.

Sẵn dịp con cũng xin mách một điều, là muốn biết cụ thể, người chết thần thức của họ đi về đâu, cha má có thể thử nghiệïm liền, coi trong bà con, làng xóm mình có được phước báu hay không, họ chết đi đâu, bằng cách nhớ câu thơ này:

Đảnh Thánh, Nhãn sanh Thiên.

Tâm Nhơn, Phúc Ngã Quỷ.

Bàng sanh Túc hạ hành. 

Địa ngục Cước để xuất.

Nóng tại đỉnh đầu là vãng sanh về cõi Phật-Thánh: tuyệt vời, viên mãn Phật đạo; nóng chỗ con mắt thì sanh về cõi Trời: tốt; nóng tại ngực thì sanh làm người: tạm được; nóng tại bụng thì thành Ngã-quỷ: quá xấu; nóng tại đầu gối thành Súc-vật: xấu; nóng tại bàn chân xuống Địa-ngục: xấu tàn tệ.

Viết tới đây thì con vừa nhận được thư em Thứ gởi tới, cho hay tin ông Bảy Long qua đời. Tội nghiệp quá. Cuộc đời thật sự như giấc chiêm bao. Ôi! “Đản niệm vô thường, thận vô phóng dật!” cha má ơi! Ông Bảy tu hành, một đời ăn chay nhưng cuối đời ăn mặn. Em Thứ nó hỏi, như vậy là sao? Sẵn đây con nói sơ một chút, việc ăn chay, ăn mặn không đến nỗi gì lắm. Ông khổ quá, yếu sức thì vậy cũng được. Còn chuyện tu hành, dù rằng ngày con còn ở nhà chưa hiểu đạo Phật, con rất khâm phục ông, tướng mạo như tiên. Khi con biết đạo rồi, giờ suy nghĩ lại cách tu, thì ông tiếng là tu đạo Phật nhưng thực tế ông tu theo pháp Thần Tiên hơn là tu theo Phật, dù rằng ông có thờ Phật. Không biết sau này ông có thay đổi gì không? Con chỉ nói theo những gì còn nhớ lại cách đây mấy chục năm về trước mà thôi. Ông rất thân với ông thầy Bốn ở Chánh-Thạnh là người thờ Thần Tướng.

Theo lời Pháp của Hòa Thượng Tịnh Không, lấy kinh Phật-Đảnh-Thủ-Lăng-Nghiêm ấn chứng, thì đó là Quỷ-Thần-Đạo. Đã liên hệ với Quỷ Thần thì đành chịu vậy thôi! Còn tu Tiên là tu Nhân chứ không có gì khác. Tiên và Nhân cùng một cảnh giới, nhưng tiên thì sống thọ hơn một chút với một ít phép hữu lậu, thế thôi. Trong kinh Phật, thường chỉ có sáu đường luân hồi là: Thiên, Nhơn, A-Tu-La (Quỷ Thần), Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Riêng trong Kinh Phật-Đảnh-Thủ-Lăng-Nghiêm, vì để cho chúng sanh đời sau phân biệt đâu là chánh, đâu là tà, Phật mới nói đến cảnh giới Tiên, thành ra có bảy đường là: Thiên, Tiên, Nhơn, A-tu-la, Súc-Sanh, Ngạ-Quỷ, Địa-ngục.

Cho nên học Phật mà ít học pháp thì dù có tu suốt một đời, lý đạo chưa chắc đã thông! Nói với Thứ, con sẽ viết thư cho em sau. Thứ giỏi lắm đó, đáng khen!

Như vậy, tu theo đạo Tiên Hiền, nghĩa là để làm Tiên, làm người Hiền, thì dù tu có giỏi cho mấy cũng chỉ nóng ở ngực mà thôi, còn tu không giỏi thì hầu hết nóng bụng, nóng đầu gối, nóng bàn chân. Rất khó có người nóng ở mắt, thì còn gì mơ đến đỉnh đầu. Thảm thương quá!

Cũng xin nhắc nhở rằng, nếu thâm hiểu đạo thì chỉ nhìn cũng biết. Tốt nhất là thành tâm niệm Phật hộ niệm chứ đừng nên thử, vì trong vòng tám tiếng đồng hồ, thần thức vẫn còn cảm nhận. Nếu họ đang ứng cảm cảnh giới tốt, mình làm họ đau, tâm họ sân nộ, trong nháy mắt có thể bị đọa liền. Tội nghiệp lắm!.

Thôi, con xin ngừng. Qua nhiều thư từ, chắc cha má hiểu được lòng con. Mong cha má hiểu thấu lẽ đạo, xa lánh lối đời, nhất hướng chuyên niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Bí quyết thành Phật đang ở trong tay, chỉ cần nắm giữ, bước là tới. Khoảng cách giữa cha má với chư Phật chỉ cách nhau có một niệm “Nam-mô A-di-đà Phật” mà thôi. Đừng nên chần chờ, lỡ vụt mất rồi “bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ”.

Nam-mô A-di-đà Phật.
Con kính thư.
(Viết xong, Úc Châu ngày 27/3/2001). 

(Tam Tâm bất khả đắc,
Vạn pháp nhân duyên sanh)

Cái giá trị tu hành phong phú nhất để đạt đến sự viên mãn chân chánh là nhất định phải niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực-lạc. Đây là lời tâm huyết của hết thảy chư Phật, chân thành, khẩn thiết nhất, khuyến khích dẫn dắt chúng ta.

(Pháp Sư Tịnh Không).

07 -Lời khuyên song thân

Cha má kính thương,

Sao con cứ muốn viết thư cho cha má hoài, không viết chịu không được. Nếu ngừng vài ngày thì con thấy cái điều con muốn nói với cha sao nó tràn ngập lên. Vì thực tế, nếu có viết hoài thì cũng viết không hết. Bên cạnh đó, không biết cha má có thâu lượm được tất cả ý của con không? Con vẫn cứ sợ cha má lơ là, rồi nghe người này nói vào, người kia nói ra, rốt cuộc bao nhiêu thư con gửi về thành ra vô dụng.

Thưa cha má, vào giữa thời đại này, tìm một người hiểu lý đạo không dễ đâu, thì những người hằng ngày đến với cha má, tìm đâu ra một người biết khuyến tấn tu hành, làm thiện, nhất là ủng hộ chuyện niệm Phật cầu sanh Cực-lạc Thế-Giới, là chuyện giống như huyền thoại, như trên trời rơi xuống, khó cho một người bình thường hiểu tới. Dù ngay trong bà con, anh em, chú bác của mình chưa chắc đã có người thức tỉnh chứ đừng nói chi đến người bên ngoài. Ấy thế, đem chuyện giải thoát này mà bàn với người không biết đạo thì tốt hơn đừng bàn. Cái bệnh nặng nhất của chúng sanh trong thời này làø nghiệp chướng, đã kết tập lâu đời nhiều kiếp, nó kết thành một khối vô minh kiên cố, muốn phá nó đâu phải dễ. Vô minh lôi kéo theo vô minh. Đã là vô minh thì làm sao họ dễ dàng chấp nhận giác ngộ! Mình hồi giờ chung sống trong cái vô minh bất giác đó, mình nhậu lai rai với họ, mình ơn nghĩa thị phi với họ, mình đánh cờ tướng với họ… bỗng nhiên mình muốn thoát ra làm sao tránh khỏi sự dị nghị dèm pha. Cho nên, nếu tâm mình không vững sẽ không đi được. Niềm tin vừa mới lóe lên có thể bị dập tắt liền. Hậu quả đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc.

Chính vì thế mà con muốn viết thư cho cha má, viết hoài là muốn nhắc nhở cha má rằng, đời mình phải tự lo lấy, tự mình phải cứu lấy mình. Phải bình lặng lấy chơn tánh ra để phán xét thực hư, tự quyết định lý tưởng tương lai, đừng nên để tâm xao lãng mà bị lung lay bởi những lời mê vọng.

Ở đây càng niệm Phật con càng thấm sâu vào lời Phật dạy. Ngủ một đêm sáng ra con hiểu thêm vào một cảnh giới. Hôm qua ngồi niệm Phật trong Niệm Phật Đường mấy tiếng đồng hồ ra, bỗng nhiên con lại có sự bừng ngộ thêm về câu Phật hiệu “A-di-đà-Phật”. Lạ thật! Càng ngày con càng thấy vi diệu, càng lúc hình như con càng rõ hơn cái cực kỳ vi linh của âm thanh “Nam-mô A-di-đà Phật”. Con không biết làm sao để diễn tả được sự thấy của con trong những giờ phút bừng tỉnh này. Cứ mỗi lần bộc phát ra một tia sáng con lại mở kinh ra, lại thấy thêm một điều vi diệu nữa. Lạ quá! Cũng là dòng kinh đó, mình đọc hoài, tưởng là hiểu, đâu ngờ từng giây phút, mình lại thấy nó khác, cao hơn, thâm hơn, ý nghĩa rõ hơn.

 Trong lúc ngồi niệm Phật, con chợt thấy sao giữa mình với Phật không còn khoảng cách nữa. Muốn về với Phật sao dễ quá đi. Như trước đây, nghĩ ra nước ngoài khó lắm. Cô Ba (Trung Ái) xem chỉ tay, đoán tử vi nói con “Sao Tuần bị triệt”, không thể đi được(!). Nhưng con đã đi được, có gì đâu mà khó! Tại tự mình không muốn đó thôi. Bây giờ, đi tới Tây-phương Cực-lạc, thế giới của Đức Phật A-di-đà, cũng giống như vậy thôi. Đi vượt biển còn bị nguy hiểm, còn bị sóng đánh chìm tàu, chứ đi về Tây-phương thì được khuyến khích, được giúp đỡ, được tiền hô hậu ủng, thì làm sao khó được. Hơn thế nữa, người ủng hộ mình không phải là người thường, mà là một đấng chí tôn vô thượng, là “Phật trung chi vương”, là đức Phật A-di-đà. Cộng thêm nữa, chư Phật mười phương đều gia hộ, Long-Thiên Hộ-Pháp, chư đại Bồ-tát ngày đêm bảo vệ cho mình. Cha má nghĩ thử trong điều kiện tuyệt đối an toàn đó mình đi khó hay dễ?

Con chợt nghĩ đến điều này tự nhiên tâm thần phấn khởi lạ thường. Rõ ràng con vừa ngộ thêm một điều nữa, một cảnh giới sung sướng khó tả được. Phật A-di-đà có lời nguyện này: “Khi Ta thành Phật, mạng sống lâu vô lượng, trong nước vô số hàng Thinh-Văn, Trời, Người, mạng sống của họ cũng lâu vô lượng, (Nguyện 15). Giả sử chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới, đều thành bậc Duyên-Giác, ở trong trăm ngàn kiếp, đều cùng nhau đếm tính, nếu biết được số lượng kia, Ta thề không thành bậc Chánh-Giác”. (Nguyện 16, kinh Vô-Lượng-Thọ).

Lạ không! Số lượng người ở cõi Tây-phương Tịnh-độ như vậy là quá đông, quá nhiều, nhiều đến nỗi không thể đếm được nữa. Dưới địa cầu chúng ta, người đông, nên người ta đang lo nạn nhân mãn! Đông, nhưng dù sao cũng còn đếm được là hiện nay cỡ hơn sáu tỉ người, còn ở cõi Cực-lạc thì chư Thượng-Thiện-Nhơn đông đến nỗi trăm ngàn kiếp đếm không xuể, thì thử hỏi cái số lượng ấy nhiều đến mức độ nào? Điều này trong kinh Phật nói cách đây mấy ngàn năm rồi, chứ mới đây đâu.

Nhớ lại một câu kinh, bừng tỉnh thêm một điều, là điều kiện để về đến cõi Cực-lạc quá dễ dàng, mà hồi giờ mình không biết. Điều kiện chỉ cần người nào, “nguyện sanh về nước Ta, niệm đến mười niệm, nếu không được sanh, Ta thề không thành bậc Chánh-Giác. Duy trừ tội ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”. (Nguyện 18). Mười niệm này là niệm trước khi lâm chung. Như vậy bất cứ ai trước khi lâm chung, muốn sanh về Cực-lạc, mở lời niệm được muời câu “A-di-đà-Phật” thì được Phật A-di-đà đến tiếp dẫn về Tây-phương, vĩnh viễn an nhàn tự tại, bất sanh bất tử.

Vì quá dễ dàng cho nên hồi giờ rất nhiều người, từ khắp mọi quốc độ vãng sanh về đó, từ nhiều kiếp đến nay, biết bao nhiêu mà kể. (Nên nhớ một kiếp không phải là một đời). Hơn nữa, hễ về đó rồi thì sống hoài không bao giờ chết, thì làm sao số luợng không cao cho được!

Ấy thế mà vẫn còn vô lượng chúng sanh bị triền miên đọa đày trong sáu đường khổ não. Tại sao vậy? Thưa cha má, tại họ không chịu tin. Người có tu hành nhưng lại coi kinh Phật giống như một thứ “quyền thuyết” đưa ra để khuyến khích mà thôi, dụ khị cho con người sợ mà tránh làm điều sai trái thôi, chứ trong thâm tâm họ không tin như vậy. Hễ không tin thì không đi, không đi thì không bao giờ tới được! Trong khi đó, khi con phát hiện có người vãng sanh thật sự, mở kinh ra ấn chứng rõ ràng như hai cộng hai là bốn, con giựt mình tỉnh ngộ.

Lời Phật dạy trong kinh điển đúng sự thật chứ không phải là quyền thuyết. Ngài muốn độ tận chúng sanh, Ngài nói toàn sự thật mà con người không chịu nghe theo, lại cứ khai thác theo kiến thức của thế gian, vô tình họ biến kinh Phật trở thành một thứ triết lý phi thực. Thật oan uổng! Chứ thực ra Phật pháp vừa cao siêu vừa thực tế. Cao siêu vì nói những cảnh giới mà loài người chúng ta không thể hiểu nổi, ví dụ như cảnh thế giới Tây-phương Cực-lạc. Thực tế là vì những cảnh giới đó có thực. Một số người Việt-Nam niệm Phật vãng sanh trong khoảng vài năm trở lại đây đã xác định rõ ràng. Năm ngoái con qua bên Pháp cũng nghe có vài người vãng sanh. Như vậy số lượng người vãng sanh về nước Phật khá nhiều chứ không ít. Nội người Việt-Nam mình thôi, trong vòng mấy năm, cũng đếm đến mấy chục người. Người Tàu họ vãng sanh nhiều hơn vì họ tin tưởng nhiều hơn, tu hành nghiêm chỉnh hơn. Còn các dân tộc khác nữa thì sao? Điều này chứng minh được rằng số người vãng sanh về nước Cực-lạc, trở thành bậc bất thối Bồ-tát nhiều không thể đếm hết.

Trong kinh Phật nói, “Giả linh tam thiên đại thiên thế giới chúng sanh, tất thành Duyên-Giác, ư bá thiên kiếp tất cộng kế giáo, nhược năng tri kỳ lượng số giả, bất thụ Chánh-Giác” (Vô-Lượng-Thọ/Phẩm 6/ N:16)”. (Nghĩa là, giả như trong một tỉ thế giới, tất cả chúng sanh đều trở thành bậc Duyên-Giác, trong trăm ngàn kiếp cùng nhau đếm số Bồ-tát trên cõi Tây-phương, mà đếm được số lượng thì Đức Phật A-di-đà thề không thành Phật). Một lời nói của một vị Phật đã thành Phật rồi đâu phải để nói chơi. Chắc chắn đúng như vậy.

Thưa cha má, cha và má đều là người có tu đạo, chắc phải hiểu cái kiếp người lận đận lao đao, vài chục năm vô thường khổ não, chạy đôn, chạy đáo rốt cuộc cũng hoàn về bàn tay trắng. Nếu mà sơ ý ta cứ bơi mãi trong biển khổ trầm luân, ta bơi bao giờ cho tới bờ bến Giác. Bên cạnh đó có chiếc thuyền Bát-Nhã, đức Phật đứng trên thuyền đưa tay xuống cứu ta lên, ta không chịu “đưa tay”. Mình đang bị đọa đày trong sáu đường khổ cực, Phật tới, bảo hãy niệm Phật đi, để ta cứu cho. Thế thôi, mà ta không chịu?! Đi được hay không chỉ cần một cái đưa tay lên, giữa Phật và ta rõ ràng cách nhau chỉ có một niệm. Một niệm Phật thôi để thành Phật, như vậy mà người ta không chịu niệm. Uổng biết chừng nào! Tội nghiệp thực! Cha má hãy nghe lời con đi, viết thư cho con, con cần biết cha má đã thực sự bắt đầu niệm A-di-đà Phật hay chưa?

 Khi biết được sự vãng sanh của người niệm Phật, họ ra đi trước phút lâm chung, nghĩa là họ còn đang sống mà niệm Nam-mô A-di-đà Phật và từ giã đi theo Phật. Họ sống mà đi chứ không phải chết mới đi, họ từ từ ra đi nhẹ nhàng thoải mái giống y hệt như kinh Phật dạy, hễ ai: “kiên cố bất thối, phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh Ngã quốc, nhất tâm niệm Ngã, trú dạ bất đoạn, lâm thọ chung thời, Ngã dữ chư Bồ-tát chúng, nghinh hiện kỳ tiền, kinh tu du gian, tức sanh Ngã quốc”. (Phẩm 6, N/20, kinh Vô-Lượng-Thọ). Nghĩa là, hễ người nào tâm cương quyết không thối chuyển, đem căn lành hồi hướng, nguyện sanh về nước Ta, một lòng niệm Ta, ngày đêm không gián đoạn, khi lâm chung Ta cùng chư Bồ-tát hiện ở trước mặt, trong khoảng giây phút liền sanh về nước Ta).

Họ biểu diễn sự vãng sanh giống y hệt như lời Phật dạy. Rất nhiều người như vậy chứ không phải ít, vì mình không có duyên nhìn thấy, mình không đủ phương tiện thông tin, đi đến để thăm tận mặt. Vì mình cứ lo làm ăn từ sáng tới chiều, không còn giờ để chứng kiến cảnh người ta niệm Phật vãng sanh về với Phật chứ không phải không có. Ví dụ, như năm 1996, bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết, ở Mỹ, niệm Phật được vãng sanh, trước khi vãng sanh, con gái bà gọi điện thoại hỏi Hòa Thượng Tịnh Không, vị thượng thủ Tịnh-tông thế giới, (người làm lễ quy y cho con). Trong điện thoại Ngài nói rằng: “Tam Thánh Tây-phương cùng chư Thượng-Nhơn đang chờ trước cửa muốn đi lúc nào cứ đi”. Từ xa trong điện thoại Ngài cũng biết được Tam Thánh: Di-Đà, Quán-Âm, Thế-Chí đang chờ trước cửa, trong khi con cháu ở đầy nhà không hay biết gì hết. Khi vãng sanh quang minh của Phật chiếu tới thân thể bà làm sáng cả gian phòng. (Căn phòng đó thấp nhỏ nấp sau dãy nhà lầu cao chọc trời, quanh năm không có chút ánh sáng lọt vào). Khi vãng sanh mùi thơm xông ra khắp nhà, lan ra tới bên ngoài cả hàng mấy tiếng đồng hồ. Theo như Ngài Tịnh Không giải thích đó là chư Thiên tới chiêm ngưỡng một vị đang về Tây-phương. (Chuyện niệm Phật vãng sanh lưu xá lợi, con đang nhờ người đem về cho cha má, nhớ đọc và xem hình). Cho nên có tu mới có chứng, có đắc mới thấy, sự vi diệu không thể giải thích được.

 Cha má ơi, sở dĩ con viết thư về cha má liên tục cứ nói chuyện niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực-lạc là vì con thật sự thành tâm muốn cứu cha má trong một đời này. Thọ mạng mỗi người đã định sẵn rồi. Cầu giữ cái xác thịt này trường thọ là vọng tưởng, thiếu thực tế, mê muội, hão huyền! Vì con người mê muội, quá sợ chết cho nên thường tạo nên những tư tưởng sai lầm, những hành động oan uổng cho người thân! Họ cứ mơ chuyện hão huyền người thân sống mãi, cho nên việc sanh ly tử biệt trở thành nỗi bi thương thống thiết! Chứ không ngờ rằng cuộc đời của mỗi người không bao giờ chết cả. Chúng ta vẫn tiếp tục sống, nhưng sống ở cảnh giới khác mà thôi.

Chính con đã chứng thật được một sự thật mà trí óc bình thường của con người không thể tưởng tượng được. Bao nhiêu người cho đó là hoang đường huyền thoại, chứ còn con, con dứt khoát khẳng định nó sự thực không còn chối cãi được nữa. Thực sự có thế giới Cực-lạc thật là siêu tuyệt, vì quá siêu tuyệt, vượt khỏi sự suy tưởng của con người, cho nên không thể nào dùng lý lẽ bình thường để hiểu. Trong kinh Phật nói đúng, thẳng thắn, ngay thật, có chứng minh cụ thể. Trên thế giới này chưa có tôn giáo nào dám đưa ra sự chứng minh rõ rệt, hùng hồn như vậy cả!

Cha má hãy niệm Phật đi. Ngày nào cha má chưa viết thư cho con hứa niệm Phật, con còn nhắc hoài. Nếu lỡ mất cơ hội này ngàn kiếp sau chưa chắc sẽ gặp lại đâu cha má ạ.

Cuộc đời này trước sau ai mà không ra đi. Cha má nghĩ thử coi, “Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế”, (nghĩa là sáng còn tối mất, một tích tắc đã qua thế giới khác rồi), còn đâu mà tham với tiếc cái thân xác này. Chỉ cần sơ ý, một tích tắc thôi con muốn tìm cha, tìm đâu cho ra! Con muốn tìm má tìm đâu cho thấy! Mà dù có thấy đi nữa cũng không cách nào cứu được nữa rồi. Ván đã đóng thuyền, trôi theo dòng sanh tử vô biên, ai theo nghiệp đó làm sao cứu được? Khi mình ra đi, mình trôi theo dòng nghiệp báo vô tận, vô cùng, vô phương, trong đó mình dễ gì làm chủ được!

Khi trời mưa lụt, nước dâng tràn bờ, đứng trên cầu nhìn xuống dòng nước cuồn cuộn chảy, cha má thả một mảnh cây, rồi sau đó thả thêm mảnh cây nữa, và nhìn thử coi, hai mảnh cây ấy có gặp nhau được hay không? Mỗi mảnh trôi dạt mỗi phương. Cho dù có thả cùng một lúc, nó cũng tách xa, dễ gì gặp lại. Dòng nước cuồn cuộn là dòng nghiệp lực, hai mảnh gỗ là nghiệp chướng, là thần thức của chúng ta. Dòng nghiệp lực nó dày vò thần thức chúng ta giống như vậy đó. “Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Dù có nổi nó cũng bị trôi tuột tới một phương trời vô định, kẻ nam người bắc chứ chắc gì gặp lại. Đâu dễ gì ta trở lại căn nhà từ đường để thọ hưởng. Còn không, “Vụng tu thì chìm”, nó dìm mình xuống tận chín lớp bùn đen, âm u mù mịt biết ngày nào lên. Thọ lãnh quả báo này chỉ có đơn độc một mình mình chịu mà thôi, không ai đến thăm nom, han hỏi mình được.

(Viết đến đây con chợt nghĩ đến Thím Năm. Chú Năm mất, Thím chung tình xây nấm mộ bên cạnh để chờ ngày xuống âm ty gặp lại chú! Thật đáng thương! Với cái nhìn thế tục thì thấy có nghĩa tình. Còn khi đã hiểu đạo, thì đây là việc làm điên rồ, tự mình dẫn mình vào con đường cùng đoạ lạc mà không cứu vãn được gì cả. Cha má nên vì lòng từ bi ai mẫn mà đánh tiếng cảnh cáo Thím, chứ không thì tội nghiệp lắm!)

Thưa cha má, con thương cha má con khuyên cha má niệm Phật. Má thương cha, má nên khuyên cha Niệm Phật. Cha thương Má, cha nên nhắc nhở má niệm Phật. Cha má thương con cái, cha má hãy dạy các anh chị em, con cháu đều niệm Phật. Thương nhau phải cùng nhau niệm Phật, cùng cầu về một nơi, đó là con đường tuyệt diệu nhất mới gặp nhau được thôi. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói, “Chư Thiên Nhân Dân cùng với những lọai côn trùng nhỏ nhít, khi đã sanh về nước Ta, đều trở thành Bồ-tát”(phẩm số 5). Sanh về đó tất cả chúng ta đều trở thành “chư Thượng-Thiện-Nhơn, câu hội nhứt xứ” (kinh A-di-đà)”. Thượng-Thiện-Nhơn đây không phải là người, mà đều là Bồ-tát cả. Con sẽ gởi về quyển sách “Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” của chú Tịnh Hải ở Mỹ vừa mới thu thập mấy năm nay thôi. Cha má hãy đọc kỹ đi, sự thật đó. Những bộ óc, trái tim… bằng máu huyết, bằng thịt xương, mà dưới sức nóng lò thiêu tới hai, ba ngàn độ, có thể làm chảy nhão sắt thép, nhưng không cháy nổi nhục thân của người khi đã đắc đạo, nó đã trở thành “kim­cang Na-la-diên thân” (Nguyện 32/phẩm 6/Vô Lượng Thọ).

Ngài Thích-Thiền-Tâm (người viết quyển “Niệm Phật thập yếu”). Ngài để lại cái răng xá lợi mà người ta dùng máy cắt, khoan, đục chỉ có nẹt lửa chứ không trầy trụa gì cả. Cái răng trong miệng Ngài nó nghe tiếng niệm Phật đã trở thành kim cương bất hoại. Sự linh diệu của tiếng niệm Phật không thể nào nghĩ bàn được. Khoa học nào dám đứng ra giải thích! Có nhà bác học nào dám mở lời biện bạch! Khắp nơi trên thế giới, nhiều nhà tu hành vãng sanh lưu lại luôn cả nhục thân hàng ngàn năm, hai ba trăm năm. Ở Thái-lan, có vị Sư lưu lại nhục thân hai ba năm nay rồi, không ướp thuốc thang gì cả…

Cha má ơi, con thương cha má nhiều lắm. Nhưng cái thương khi hiểu được đạo khác lúc còn đang mê mờ thế tục. Khoảng thời gian lưu lại trên thế gian này thực ra không đáng gì cả so với thời gian vô thỉ vô chung. Người chết đi rõ ràng không mất. Trong thư cho Mười Phương, con kể chuyện người bạn kỹ sư của con bị con ma nữ chạy theo vào nhà, đeo theo sát bên mình mấy ngày, làm cho hắn kêu cầu cứu thất thanh, càng chứng tỏ mạng người không phải chỉ thấy vào cái xác thịt mà thôi đâu. Có người chết làm quỷ, có người làm ma, có người làm trâu bò chó mèo, có người xuống địa-ngục, lên thiên đàng, có người thành Bồ-tát, Phật. Ta tu đúng cách, theo đúng chánh pháp, ta trở thành Bồ-tát, Phật chỉ trong một đời này thôi. “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền, tương lai chắc chắn thấy Phật” và sẽ về với Phật, viên mãn một đời thành Phật, vĩnh viễn thoát khỏi kiếp luân-hồi đọa đày.

Thưa cha má, con muốn nhắc lại lời này, là có thể chính cha má là người có đại phúc đại thiện nhất trong dòng tộc gia phả của mình, từ cổ thủy đến nay chưa ai bì được. Ngay như bà nội, ông Bảy, suốt đời tu hành nhưng chưa chắc đã thoát, trong khi cha má có được những đứa con tha thiết khuyến tu. Nếu thiện căn đã phát lộ, thì chính cha má sẽ ghi vào lịch sử của dòng tộc mình, người đầu tiên đắc đạo vãng sanh thành Phật.

Nhớ ngày bà nội lâm chung, bà đau quằn quại tháng này qua tháng khác, những ngày cuối cùng, bà chống đối kịch liệt việc chích thuốc, truyền nước biển. Nhưng các chú, các cô, nguời nhà cứ đè tay, đè chân không cho bà giãy giụa, để người y tá truyền bình nước biển. Còn những người con khác thì kêu réo khóc than: “Mẹ! Cố gắng sống thêm mẹ ơi!”. Họ thật sự tỏ được lòng thương bà Nội. Nhưng kết quả thì sao? Bà lúc đó đã cấm khẩu, đã đuối sức. Đầu óc bà đã quay cuồng, đau khổ trong những cảnh giới hãi hùng! Bà thèm một giây phút yên lặng, con cháu lại không cho. Bà giận đến nỗi mắt bà trợn lên chống đối, nhưng con cháu không chịu vâng lời, cứ việc làm theo cái suy nghĩ nông cạn của mình!

Cha má nên biết, người sắp lâm chung, thân thể của họ đau nhức “như con rùa đang bị lột cái mai”, lúc đó bất cứ một động tác nào động đến thân thể sẽ làm cho người bệnh đau đớn không thể chịu nổi được. Tội nghiệp cho bà Nội. Bà sinh ra nhiều người con, người thì theo Tiên, người theo Thần, người theo Vô-Thần, không một người nào theo Phật, niệm Phật chân chính cả, cho nên mới xảy ra cảnh tượng bi thương đó! Giờ phút quan trọng nhất cuộc đời, bà cần một tiếng niệm “Nam-mô A-di-đà Phật”, để bà nương theo quang minh của Phật mà siêu sanh nhưng không được! Trong khi con cháu cứ nhào vô gây sự đau đớn, tạo cho tâm bà sân nộ, gây cái nhân đọa lạc vào cảnh tối tăm!

Thưa cha má, vì không hiểu đạo, con cháu cứ việc làm những chuyện ĐẠI NGHỊCH BẤT HIẾU một cách tự nhiên. Thật thương tâm, thương tâm quá!

Thưa cha má, con đã nói đến cùng lý lẽ, con tha thiết tỏ bày đến rơi nước mắt. Con thương cha má, con nguyện cứu cho được cha má. Đến giờ phút này mà cha má không nghe theo thì con cũng không còn biết làm sao được nữa. Còn như cha má đã ngộ được, hãy thành tâm làm ngay việc này: Thân thờ A-di-đà Phật, Tâm nghĩ A-di-đà Phật, miệng luôn niệm A-di-đà Phật, một lòng nguyện cầu sanh về Cực-lạc Thế-Giới, chắc chắn sẽ được vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, một đời thành Phật. Chính cha má sẽ chứng minh cho mọi người cùng thấy việc này.

A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu, ngày 10/4/2001).

Vạn pháp giai không, nhân quả bất không.

(Lời Phật dạy).

08 -Lời khuyên song thân

Kính Cha Má,

Sắp sửa có người về Việt-Nam, con gửi thư về thăm cha má cộng với mấy băng thuyết pháp, và mấy món quà nhỏ cho em Thứ niệm Phật. Trong anh chị em nhà mình đã có người nghe theo lời con khuyên vậy cũng là đại phước rồi. Em Thứ niệm Phật, em Thứ được hưởng thiện lợi, cha má niệm Phật cha má được hưởng thiện lợi. Ai tu nấy đắc, không ai tu giùm cho ai được cả. Cái lo lắng lớn nhất của con hiện giờ là cha má tuổi già sức yếu, viêïc tu hành giải thoát trở thành vấn đề tối cấp bách và quan trọng. Khi cha má nhận được một số băng thuyết pháp thì cố gắng nương theo đó tu tập, những thư này chỉ là cái mối đầu cho cha má tiếp nhận lời pháp thôi.

Trong suốt thời gian qua con liên tục viết thư về cha má, cũng chỉ nhắm tới một chuyện là cố gắng khơi cho được cái đầu mối đó, để từ đó cha má đi vào con đường Phật đạo, pháp môn giải thoát. Khả năng của con nhiều lắm cũng chỉ giúp cha má thấy rõ cái đầu mối đó thôi, còn có ngộ nhập vào sự giải thoát hay không hoàn toàn tùy theo quyết tâm của cha má, chứ con không thể nào đi giùm cho cha má được.

Nhận thư, con không biết cha má có giờ đọc không? Có thích thú không? Có nhận thấy được cái tầm quan trọng của nó không? Nếu càng đọc mà cha má càng cảm thấy vui, cảm thấy phấn khởi thì con mừng lắm, một ngày rất gần cha má sẽ thấy được sự an lạc vì tìm được nguồn sáng để đi. Còn nếu ngược lại, thì đó là do căn phần của cha má. Cha má cứ bình tĩnh, thoải mái, rồi suy nghĩ lại. Dù sao đi nữa con cũng moi đến tận đáy lòng chí thành chí hiếu để nói. Biết như vậy cha má cũng nên có lần giựt mình nghĩ lại, mỗi lần giựt mình hãy bảo em Thứ, hay em Mười đọc lại thư của con. Đọc đi đọc lại nhiều lần, biết chừng đâu, một ngày nào đó cha má sẽ liễu ngộ. Ở đây, con vẫn hằng cầu chư Phật gia trì cho cha má.

Ngày hôm kia, tức là ngày 17/4/2001, Thầy Ngộ Thông đi giảng pháp ở Sydney về, thầy nói với tụi con rằng, “Phật tử Sydney họ tu rất tinh tấn. Họ niệm Phật không còn lấy số ngàn nữa, mà đơn vị là vạn. Nghĩa là mỗi ngày họ tự đặt tiêu chuẩn một vạn, hai vạn, ba vạn, có người niệm đến năm vạn câu Phật hiệu một ngày”. Càng ngày họ càng quyết tâm tu hành, họ quyết tâm đi cho đến Tây-phương Cực-lạc với Phật A-di-đà mới thôi. Ở Việt-Nam, mình khó thấy, khó nghe, khó hiểu chuyện này. Nhưng, khi đi ra ngoài dạo khắp nơi, con bừng tỉnh, ngỡ ngàng trước những tâm hồn cương quyết, chí thành, chí thiết.

Thì ra, trong kinh Phật nói, con số nhân thiên vãng sanh về Tây-phương vô lượng vô số, không thể nào đếm hết, đó là sự thưc. Có một quyển sách tựa đề là “Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá lợi”, con sẽ chuyển vềø cho cha má đọc, trong đó có những người Việt-Nam vừa mới vãng sanh mấy năm nay. Số người ghi trong sách là thu thập được, còn biết bao nhiêu người vãng sanh khác mà chưa thu thập. Khi sách ấy tới Úc-châu, người đọc được họ phát tâm tu hành rất nhiều. Con người là vậy đó, Phật dạy rõ ràng trong kinh không chịu tin, phải chờ cho có bằng chứng rồi mới phát nguyện Niệm Phật. Đó cũng còn may, có người vẫn không tin, tìm đủ lý lẽ để từ khước. Sự thật là gì? Là chính nghiệp chướng quá nặng, che lấp mất cả tánh giác ngộ, vì vậy họ vẫn chưa chịu cúi đầu lạy Phật, chưa chịu gội rửa tội chướng của mình. Tội nghiệp thay, biết bao giờ họ mới thoát nạn đây?

Thấy cái tác dụng của quyển sách khá cao, quý Sư ở Sydney mới kêu gọi cho ấn tống tiếp. Quý Thầy muốn bổ túc thêm mấy người nữa cũng vừa vãng sanh, trong đó có một bà cụ vãng sanh cách đây cỡ một năm, bà cụ này con đã từng gặp. Bà là người Việt gốc Hoa. Cách đây cỡ năm năm, bà bị ung thư đến thời kỳ chót, bệnh viện cho về nhà chờ chết trong vòng hai, ba tháng. Bà may mắn gặp người ta khuyên: buông xả cái thân rã thối này đi cho rồi, niệm Phật cầu sanh về Tịnh-độ để một đời này về với Phật, thành Phật, thì hay hơn không! Bà tin tưởng, không thèm dùng đến thuốc thang nữa, một lòng niệm Phật cầu sanh Tây-phương. Bà niệm Phật ngày đêm cầu cho chết sớm. Thế nhưng hai tháng, ba tháng, một năm, hai năm, ba năm trôi qua, bà chờ chết mà không chết, ngược lại sức khỏe bà càng ngày càng tốt.

Năm 1999, bà lên Brisbane dự khóa niệm Phật mười tuần tại niệm Phật Đường ở Brisbane. Con gặp được bà trong dịp này. Năm 2000, bà vãng sanh, lưu lại rất nhiều xá lợi. Ngày vãng sanh con cũng có nghe, nhưng Sydney và Brisbane cách xa cả ngàn cây số cho nên con không tận mắt chứng kiến. Xá lợi của bà hiện phân phát thờ ở các chùa ở Sydney. Tính ra thời gian bà niệm Phật khoảng hơn bốn năm.

Thưa cha má, sự vi diệu của pháp niệm Phật khó diễn tả được! Bà Bác đó niệm Phật cầu cho chết, vô tình bà thoát cái chết từ ba tháng trở thành bốn năm rưỡi. Bà thoát khỏi tử thần bệnh ung thư, để hưởng trọn tuổi dương tám mươi lăm tuổi rồi về với Phật. Rõ ràng “Nhất cú Di-Đà vô biệt niệm, bất lao đàng chỉ đáo Tây-phương”. Niệm một câu “A-di-đà Phật” cứu mình vượt khỏi lục-đạo luân-hồi, vượt ra ngoài Tam-giới (dục-giới, sắc-giới, vô-sắc-giới), đi thẳng về Tây-phương với Phật. Chuyện này còn nghi ngờ nữa sao!

 Ngài Ngẫu-Ích Đại sư, Tổ sư đời thứ chín Tịnh-độ Tông, khai thị rằng: “được vãng sanh là nhờ TÍN và NGUYỆN. Phẩm vị cao hay thấp nhờ công phu niệm Phật sâu hay cạn”. Như vậy, một người chỉ cần có lòng TIN vững chắc và chí NGUYỆN tha thiết thì được vãng sanh. Còn niệm Phật là để cho phẩm vị cao hay thấp mà thôi. Đây là sự thật. Có người nghe vậy mới nói, bây giờ mình chỉ “Tin” Phật rồi “Nguyện” vãng sanh thôi, đâu cần gì niệm Phật, mình cũng về Tây-phương vậy! Xin thưa thẳng rằng, không thể! Tại sao? Vì khi đã có tư tưởng như vậy thì cái TIN đó là giả chứ không phải thật. “Tin” một vài bữa và sau đó thì bỏ luôn. Tin giả thì không bao giờ siêu sanh được cả. Vì người tin Phật chắc chắn không bao giờ dám quên Phật.

TÍN thì phải tìm mọi cách giữ vững lòng tin, củng cố nhắc nhở lòng tin. Trong tâm không bao giờ ly xa Phật, nghĩa là phải niệm Phật. Niệm Phật để nhớ Phật, niệm Phật để làm Phật, niệm Phật để tâm thanh tịnh, niệm Phật để khống chế phiền não… Niệm Phật để tâm mình chỉ còn có Phật, ngoài Phật ra không còn thứ gì khác lọt vào tâm cả. Đó mới là TIN PHẬT. Phật tức Tâm, Tâm tức Phật chính là chỗ này đây. Đạt đến cảnh giới này mới chắc chắn về tới Tây-phương thành Phật. Còn người chỉ nói TIN suông mà không niệm Phật, thì Tin đó là miệng tin chứ không phải tâm tin, dù họ có nhớ Phật, chắc chắn cũng chỉ nội trong một vài ngày, thậm chí vài phút thôi, sau đó tâm họ đã bắt đầu điên đảo, thị phi, bắt đầu hơn thua xả láng rồi. Hễ không niệm Phật thì sẽ niệm tiền bạc, niệm cuốc đất, niệm vườn rau, niệm yêu thương, niệm ganh tị, niệm buôn bán… lúc đó Phật đâu còn nữa! TIN như vậy, dù lúc mới phát khởi có cao như núi, nó cũng sụp đổ tan tành theo nghiệp chướng phiền não thế gian. Lòng TIN sụp đổ rồi thì NGUYỆN kia làm sao còn tồn tại?

Ấy thế, Ngài Ngẫu-Ích nói TÍN là Thành tín, là Thâm tín, là Thực tín… chứ không phải là sơ tín, tùy hứng tín. Có thực tâm TIN mới có thiết tha phát NGUYỆN. Đã thiết tha về Tây-phương rồi thì ai dám lơ là việc niệm Phật. Vì thế TÍN-NGUYỆN-HẠNH tuy ba mà một, một mà ba. Được một điều thì tất cả ba điều đều đầy đủ vậy.

Niệm Phật tới “Nhất tâm bất loạn” thì vãng sanh Thượng Phẩm. Nhưng thực ra dễ gì đạt được cảnh giới đó. Như vậy làm sao vãng sanh dễ dàng được? Thưa cha má, Đới-Nghiệp vãng sanh. Nghĩa là nghiệp chướng vẫn còn, nhưng nhờ gia lực của Phật mà được vãng sanh. Đây là một điều kiện di dân vô cùng thù thắng, mà đức Phật A-di-đà đã phát nguyện để cứu độ chúng sanh. Đây là phương tiện độ sanh cực kỳ vi diệu, cực kỳ rốt ráo, nên tất cả chư Phật mười phương đã đồng thanh hộ niệm. Chính vì thế mà câu Phật hiệu “Nam-mô A-di-đà Phật” đã trở thành một siêu lực lượng, không thể nghĩ bàn, có thể cứu độ tất cả chúng sanh trong cửu pháp giới, từ Đẳng-Giác Bồ-tát cho đến địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh, một đời bình đẳng thành Phật.

Cho nên, một người chỉ cần có lòng TÍN Tâm nơi Phật vững chắc, phát NGUYỆN vãng sanh thiết tha chân thực, thì tự họ thấy rõ con đường đi, tự họ ngày đêm không rời câu Phật hiệu. Bao nhiêu người vãng sanh một cách tự nhiên, trước sự ngỡ ngàng của khoa học. Cái năng lực này chỉ có Phật mới làm nổi thôi. Sự việc này đã vượt xa tri thức của nhân loại, muốn giải thích cũng giải thích không được! Muốn tìm hiểu không thể hiểu nổi! Phật nói, đây là pháp môn “nan tín chi pháp”, dù cho hàng Bồ-tát cũng không thể hiểu được, chỉ có Phật với Phật mới hiểu thôi, Bồ-tát cũng chỉ có thể dùng lòng TIN mà vào đất Phật.

Trong giảng ký của Hòa Thượng Tịnh Không, có một đoạn Ngài nói: “Phát tâm Bồ-đề tức là phát đại nguyện cầu vãng sanh. Tâm nguyện cầu vãng sanh này tức là tâm Bồ-đề Vô-Thượng. Một mực chuyên niệm, nhất tâm về một phương hướng chuyên niệm Phật A-di-đà.

Người như thế chính là “Đương-Cơ”. Chỉ cần phù hợp tiêu chuẩn này không có một người nào không vãng sanh. Do đó Đại sư Thiện-Đạo nói, “Một trăm người tu một trăm người vãng sanh, một ngàn người tu một ngàn người vãng sanh, gọi là muôn người tu muôn người chứng”. Đại sư Thiện-Đạo là đệ nhị Tổ-Sư Tông Tịnh-độ, người đời Đường, Ngài chuyên Niệm Phật, có lần Ngài niệm Phật cứ mỗi câu Phật hiệu từ trong miệng phát ra một đạo hào quang dài, câu này tiếp câu khác hào quang tiếp tục kéo dài như vậy. Thật không thể tưởng tượng được!.

“Trăm người tu trăm người chứng, ngàn người tu ngàn người chứng”. Câu nói giống như trò đùa, nhưng đó là sự thực. Ngài Vĩnh-Minh Diên-Thọ, là Phật A-di-đà tái lai, cho nên trong nhà Phật lấy ngày vía Ngài làm ngày vía đức A-di-đà. Ngài là một thiền sư, nhưng khi ngộ đạo lại ngộ từ câu Phật hiệu “Nam-mô A-di-đà Phật”. Khi thấy hàng đệ tử so đo giữa Thiền và Tịnh, Ngài cảnh cáo rằng: “Hữõu Thiền vô Tịnh-độ, thập nhơn cửu tha lộ, Vô Thiền hữu Tịnh-độ, vạn nhơn đắc vạn nhơn”. Những người niệm Phật cầu sanh Cực-lạc Thế-Giới, nếu cứ một lòng trung thành niêïm Phật, không một người nào không đắc đạo. Thế gian chưa có pháp môn nào vi diệu, kỳ lạ như vậy được!

Khi đã hiểu được lý đạo nhiệm mầu rồi, cha má mới thấy người niệm Phật là người có thiện căn phúc đức sâu dày nhất trong tất cả mọi giai cấp chúng sanh. Những người dù có giỏi tới đâu, có danh vọng địa vị cao tới đâu, có tu hành lâu tới đâu, có chức sắc lớn tới cỡ nào, nếu không niêïm Phật, theo như Ngài Tịnh-Không nói, “đó cũng chỉ là người tầm thường mà thôi!”. Chức quyền càng lớn càng tạo nhiều ác nghiệp, quả báo chắc sẽ là tam ác đạo. Người mà say sưa làm giàu, đến khi mạng chung, vì họ tiếc của, nên rất dễ dàng đầu thai thành những con vật giữ của, như con chó chẳng hạn, hằng ngày cứ lảng vảng trước nhà để giữ của. Oái oăm thay, giả như họ sinh ra những đứa con vô đạo, thích ăn thịt chó, thì hậu quả còn thê lương biết chừng nào!… Như vậy họ làm sao sánh bằng với bà bác bị bệnh ung thư, tám mươi lăm tuổi, niệm Phật vãng sanh ở Sydney.

Thưa cha má, cuộc đời như áng phù vân, thì sao còn chấp vào đấy để ngàn đời mê muội sầu đau! Thư trước con có gởi về cha má hình của Hòa-Thượng Tịnh-Không, con chụp Ngài trước di ảnh của bà Hán làm quản tràng của Hội-Tịnh-tông. Bà Hán là một đại triệu phú ở Đài-loan và Tân-Gia-Ba. Tài sản của Bà nghe nói phải giựt mình. Thế mà khi ngộ đạo, bà đem hầu hết tài sản ra cúng dường cho người niệm Phật. Bà xây dựng nhiều đạo tràng, bà nuôi hàng trăm Tăng Ni, nuôi tất cả những người đến đạo tràng niệm Phật, không nhận một đồng phí tổn. Bà đem tài sản tính bằng đơn vị bạc triệu đô-la, mà bà đã khổ công kiếm được suốt đời ra chỉ để mua cho được một tấm vé về Tây-phương Cực-lạc với Phật A-di-đà. Ở Mã­lai, có những người ngộ đạo, họ dốc hết tài sản cả mười triệu đô la để xây đạo tràng, để in kinh, in tượng Phật, cúng dường cho mọi người niệm Phật. Một khi đã liễu ngộ đường giải thoát rồi, thì tất cả tiền tài, danh lợi, ơn nghĩa của thế gian trở thành cái chướng ngại đáng kể, trói buộc con người trong luân hồi lục đạo, cho nên họ tìm cách xả bỏ cho hết để tạo phước đức, lót đường về tới cảnh giới Tây-phương. Nhìn thấy những tâm Bồ-tát đó, nghĩ lại những người đi cuốc từng lát đất, làm thuê từng ngày để kiếm từng bữa cơm, mà tâm vẫn cứ hách dịch, vẫn cứ cho cuộc đời này là sướng, là sang, không thèm nghĩ đến cơ giải thoát. Đây không phải là điều đáng thương sao?!

Thưa cha má, tới ngày hôm nay tất cả thư con gởi về chỉ nhắm tới một điều là để củng cố niềm tin vững chắc cho cha má mà thôi. Có được niềm tin vững rồi thì con từ từ gởi dần tài liệu Phật pháp về để cha má nghe, theo đó mà tu tiến. Thường thường, từ trước tới giờ mình sống chung hòa với bà con hàng xóm, ít người hiểu đạo. Họ đều mơ hồ trong sự giải thoát, nên khi nghe nói đến Tây-phương Cực-lạc, thì ai cũng nghĩ đến chuyện chết, họ sợ đến hồn vía. Hễ không biết Phật, không hiểu đạo, họ thường bàn chuyện tầm phào, làm lung lay chí nguyện vãng sanh của mình. Nếu cha má không vững lòng tin, không quyết tâm đi thì tiếc cho một đời làm lành, đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc. Bao nhiêu lời tha thiết khẩn cầu của con hướng về cha má sẽ tan theo mây gió. Nên nhớ, ăn chay, làm lành không phải là chánh yếu của tu hành. Làm lành mà không có trí tuệ vẫn dễ tiếp tay cho tội ác, tạo nghiêïp đọa lạc trong sinh tử luân hồi. Còn khi niệm Phật thì tự nhiên làm thiện, nhưng thiện này được soi sáng bởi quang minh của Phật, không thể sai lạc được.

Cha má ơi! Đời vô thường sáng còn tối mất, lỡ một dịp rồi, thời gian phải tính bằng KIẾP, (nghĩa là hàng triệu triệu đời) luân-hồi chứ không phải đơn giản. Lúc đó dù con có thương cha má tới đâu, có thành khẩn tới đâu, có moi luôn quả tim này bầm nhuyễn, đắp thành chữ A-DI-ĐÀ PHẬT để cầu cho cha má siêu sanh cũng khó mà cầu được, cha má có hiểu không?

Trở lại chuyệïn niệm Phật, Phật dạy chỉ cần mười niệm trước khi lâm chung thì chắc chắn được vãng sanh. Xin cha má hãy lập thệ đi, quyết thề rằng sẽ niệm cho được mười câu “A-di-đà Phật” trước khi rời bỏ thân xác này. Chỉ thế mà thôi, đủ rồi. Ở đây chính con cũng vậy, con quyết thề dứt khoát phải niệm cho được mười tiếng Phật hiệu A-di-đà Phật trước lúc con lâm chung. Phật A-di-đà đã phát nguyện rằng, người nào “phát nguyện sanh về nước ta, dẫu đến niệm được mười niệm, nếu không được vãng sanh, Ta thề không thành bậc Chánh-Giác”. Như vậy, mình niệm mười niệm trước khi lâm chung, thì chắc chắn được vãng sanh. Phật đã nói ra một lời không thể nào Ngài quên được. Tuyệt đối Phật không bao giờ vọng ngữ, thì mình còn ngồi đây đặt vấn đề làm chi?

Tuy nhiên,có điều đừng nghĩ rằng niệm mười niệm là dễ dàng. Người mà bình thời không niệm Phật, thì đến thời điểm quan trọng nhất không thể nào niệm được đâu, dù một niệm, dù một phần mười niệm. Vì thế,người tu niệm Phật họ thường chuẩn bị rất chu đáo. Họ tranh thủ từng chút thời gian để niệm Phật, niệm càng nhiều càng tốt, niệm thành thói quen, niệm thành một thứ phản xạ tự nhiên, họ trói tâm họ với danh hiệu A-di-đà Phật. Lúc nằm xuống giường, họ cứ thầm niêïm Phật cho đến khi thiếp luôn. Khi thức giấc, niệm Phật liền. Người biết niệm Phật không sợ mất ngủ, càng mất ngủ họ càng thích vì họ có thêm giờ để niệm Phật. Đến một lúc nào đó ngay trong giấc ngủ họ vẫn niệm Phật như thường.

Ở Sydney, có người tự nguyện niệm năm mươi ngàn câu Phật hiệu mỗi ngày, có người hứa còn thở, còn niệm Phật. Chính con đây, nếu ngày nào không đi làm con niệm đến hai ba chục ngàn câu là chuyện dễ dàng. Còn đi làm thì khi có giờ rảnh con niệm, cứ niệm liên tục, không cần đếm, một hơi thở ít nhất là một niệm. Mình phải tập sự niệm Phật để cho câu Phật hiệu xuất hiện trong tâm liên tục, tự nhiên như cái máy niệm Phật con gởi cha má vậy, dù mình có liệng nó xuống dưới nước, trước khi nước tràn vào làm tắt nghẽn tất cả mạch điện, thì nó cũng niệm được ít ra mười tiếng “A-Di-Đà Phật” trước khi nó chết.

Cha má ơi! Xin hãy quyết chí đi và đừng chần chờ nữa. Cha má có biết không, muốn thành Phật mà còn hẹn thì con ma “Vô-thường” nó thích biết dường nào! Hôm trước nói chuyện điện thoại với chị Ba, con hay được ông Mười Tịnh bị nạn nước lụt. Tội nghiệp! Ví dụ, như trong lúc bị dòng nước cuốn trôi, ông chỉ thốt lên mười câu Phật hiệu để cầu về Tây-phương, con tin tưởng chắc chắn rằng ông sẽ được cứu, hoăïc là thoát nạn, hoặc là được vãng sanh. Nếu được vãng sanh thì ông Mười sẽ về báo mộng cho vợ con hay liền là mình đã được về với Phật. Khi tìm được xác, xác thân sẽ vẫn còn mềm mại, còn tươi như thường, dù ngâm dưới nước nhiều ngày.

Tiếc thay, một đời không tin Phật, làm gì biết đến câu A-di-đà Phật để mà niệm, mà dù có biết Phật đi nữa, nhưng bình thời không niệm Phật, thì lúc đó hồn vía đã thất kinh rồi, làm sao còn niệm được nữa. Cho nên phải tập niệm Phật là vậy.

Tu hành muốn thành được đạo quả, mình phải đặt tiêu chuẩn cao thì mới khỏi uổng phí tâm sức. Tiêu chuẩn cao thì mới tinh tấn công phu, có tinh tấn công phu mới đạt phẩm vị cao được. Hòøøa-Thượng Tịnh-Không dạy, phải cầu cho được thượng phẩm mà tu, nếu lỡ có rớt cũng còn được trung phẩm, tệ quá thì cũng đạt hạ phẩm là giá chót, nghĩa là cũng còn được về tới Tây-phương. Nếu tu tà tà cầu hạ phẩm lỡ rớt đài thì còn gì nữa mà nói! Cha má tuổi đã lớn rồi, tranh thủ thời gian mà niệm Phật. Niệm càng nhiều càng tốt. Nếu sức khỏe yếu thì con đề nghị cứ niệm nhẹ nhàng, niệm theo hơi thở. Thở bình thường, hít vào rồi theo hơi thở ra niệm một câu “Nam-mô A-di-đà Phật”. Sau vài ba tháng quen rồi, thì niệm nhanh dần. Niệm bốn chữ cho nhanh, thở vào: “A-di-đà Phật”, thở ra: “A-di-đà Phật”. Hễ còn thở còn niệm. Khi công phu thành khối thì chắc chắn thành tựu viên mãn. Bà bảy Tịnh Bửu mới niệm Phật hơn một năm thôi mà bà đã niệm được rất nhanh và đã thành khối.

Một điều phải nhớ là: Niệm Phật để cầu vãng sanh, đừng vì cái lợi nhỏ mà dùng câu Phật hiệu để luyện khí, luyện thần, như đạo Tiên mà sau này khó trốn khỏi tai họa. Nên lập thệ nguyện vãng sanh hằng ngày. TUYỆT ĐỐI KHÔNG nguyện sinh lại làm người dù là Tiên, là Hiền, là phú quý… Hồi hướng tất cả công đức tu hành về Tây-phương. Nên hồi hướng sau mỗi lần tu hành, hoặc sau khi làm một điều thiện lành. Nguyện vãng sanh và hồi hướng phải thật thành tâm, thành ý. Một thời gian ngắn thôi, cha má sẽ thấy được sự cảm ứng rõ rệt!

Thôi con ngừng để cha má niệm Phật. Bồ-tát Đại-Thế-Chí nói, “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai tất định kiến Phật”. Xin cha má hãy một lòng tin chắc như vậy.

A-di-đà Phật
Con kính thư.
(Viết xong, Úc châu, ngày 19/4/2001). 

Khéo giữ gìn cái nghiệp của miệng đừng nghị bàn lỗi của người khác, khéo giữ gìn cái nghiệp của thân đừng để mất luật nghi, khéo giữ gìn cái nghiệp của ý để được thanh tịnh không ô nhiễm.

(Lời Phật).

(Còn tiếp)