18 -Lời khuyên song thân

Kính cha má,

Khi hiểu được đạo pháp mới thấy tu hành cần phải cẩn thận, sơ hở một tí có thể chuyển xoay họa phước, hễ đúng thì phước, lệch thành ra họa. Vì thế nên người tu thì nhiều mà đắc thì ít. Cái khó nhứt là vì thời này đã mạt pháp rồi, tâm con người bị hoàn cảnh vật chất chi phối quá nhiều. Tâm trí bị ô nhiễm thành ra ai ai cũng thích chạy theo ảo vọng, ít ai lo chuyện giải thoát. Những người già cả, lớn tuổi, lụm cụm họ cảm nhận được sự hão huyền của kiếp người mới thấy mối tu đạo ló dạng. Nhưng tu hành lại quá khó, sơ hở là phạm luật, phạm giới, cho nên nếu mình thực sự muốn thành tựu đạo quả thì phải để tâm chú ý, chứ không nên tự mạn cho rằng mình đã thành công, đã có nhiều công đức.

Như cha má thấy, tu hành trọn đời chỉ cần một lần sân giận, nóng nảy là tất cả công phu đều bị tiêu hủy sạch trơn, bảy tám mươi năm tu tập trở thành số không mà người đó không hay, cứ đinh ninh là mình tu hành ngon lành, hơn nhiều người khác. Cái ngạo mạn nó đóng kín tâm trí lại làm cho họ tự đâm đầu vào ngõ cụt mà không hay. Còn hại hơn thế nữa, cứ một lần giận dữ thì lại cấy vào tâm thức mình một chủng tử địa ngục, khó gỡ ra được. Chủng tử địa ngục trong tâm nhiều hơn các thứ khác thì mình sẽ bị thọ báo ở địa ngục chứ làm sao tránh khỏi. Người tu hành cần ghi nhớ điều này, đừng bao giờ sanh tâm kiêu mạn. Chính Ngài Ấn-Quang Đại sư, vị Tổ thứ mười ba của Tịnh-độ Tông Trung-Hoa, một vị đại tôn sư mà lúc nào cũng tự nhắc nhở rằng công phu của mình còn kém. Cho nên, dù có tu hành nhưng xin cha đừng nên ỷ lại rằng mình đã tu lâu năm, mà còn phải để tâm chú trọng đến vấn đề là đường mình tu đi tới đâu? Có thành tâm chí thiết hay không?…

Niệm Phật là pháp môn tối vi diệu. Kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy mười câu niệm Phật tất vãng sanh, chỉ trừ người mang tội ngũ nghịch và phỉ báng chánh pháp. Nghĩa là, dù người có mang trọng tội đều có thể được cứu độ vãng sanh Tây-phương Cực-lạc Thế-giới nếu biết hối lỗi tu hành. Ngài Tịnh-Không nói, pháp môn niệm Phật thật quá đặc biệt, không thể bàn nghị tới được. Bất kể người có tội hay không, tội nặng hay nhẹ, miễn là biết quay đầu tỉnh ngộ, biết kiệt thành sám hối, biết chí thành tu sửa, thì dù có tội đọa địa ngục đi nữa vẫn được vãng sanh như thường. Đây không hẳn là công của chính mình mà là nhờ thần lực gia trì của Phật A-di-đà.

Thực tế, đây không phải là lời giảng của Hòa-Thượng, mà trong kinh Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhất là các kinh luận Tịnh-độ. Cho nên, người mang trọng tội chắc chắn bị đọa địa ngục, nếu người đó muốn xuống địa ngục để xem thử vài ba vạn kiếp thì khỏi bàn tới, còn như muốn cầu thoát nạn thì vẫn còn kịp. Đó là Niệm Phật. Con xin thưa thẳng rằng thời đại mạt pháp này ngoài câu Nam-mô A-di-đà Phật ra khó tìm đâu ra một năng lực thứ hai. Xin cha má suy nghĩ kỹ, quyết tâm niệm Phật ngày đêm đừng lơ là buông xuôi nữa.

Biết thế mà con người vẫn không chịu tin. Đợi khi nào mới tin đây? Thư trước, con hứa sẽ nêu lên một vài thành tựu như “Thần Kỳ” trong pháp niệm Phật và nói rõ những nguyên do nào có người tu hoài không thành đạt, ngược lại có người thành đạt rất nhanh, rất rõ ràng.

Thưa cha má, tu hành phải xác định rõ mục đích, nếu mình chỉ muốn tu để kiếm chút phước đức nho nhỏ như cầu chút tiền, được trúng số, muốn mua mau bán đắt, được chút lợi lộc thế gian, thì những lá thư của con không có giá trị gì cả, vì con thấy rõ rằng con đường đó sẽ bị đọa lạc, sẽ bị khốn khổ về sau. Lúc vay thì cười hỉ hả, lúc trả tan rã thân tâm, than đâu cho thấu, khóc thầm không xong!

Cái chính của sự tu hành là cốt để giải bài toán giải thoát sanh tử luân hồi. Quý giá hơn nữa là làm sao vãng sanh được tới thế giới Tây-phương trong một đời này. Vì bài toán này quá khó, trên đời này không mấy ai giải được. Sự thật, khó thì khó nhưng rõ ràng có cách giải, có thể thực hiện được ngay trong đời này, tại vì người ta chưa thấy, chưa biết, chưa hiểu cho nên chưa đi được. Thế thôi.

Hôm nay, con cố gắng giải thích thêm, cộng thêm những chứng minh cho cha má, mong sao cha má thức ngộ chân tướng của sự thật mà hạ quyết tâm tu hành. Con cầu xin đức A-di-đà gia trì vào lời thư này để thức tỉnh cha má.

Thưa cha má, người tu hành mong cầu đạo ví như ngươi đi dự thi vậy. Lúc chưa thấy được phương pháp thì nghĩ muốn điên đầu mà nó vẫn rối bùng ben, nhưng một khi đã hiểu được rồi thì cách giải rõ rõ ràng ràng, minh minh bạch bạch. Một mạch, họ làm xong bài toán, họ đậu. Tu hành cũng vậy, một khi ngộ được lý đạo rồi thì cứ một đường thẳng tiến, sự thành đạo chỉ trong một đời này thôi chứ khó gì đâu! Thi cử, con xin nêu ra vài trường hợp sau đây:

*) Một là: Khi đã thấy được phép giải rồi thì người đi thi phải mau mau làm nhanh, một đường từ đầu chí cuối, phải tranh thủ làm để nộp bài đúng giờ. Chắc chắn thi đậu.

Đây là ví dụ cho những người tu hành ngộ đạo, đắc đạo. Trong Phật giáo, những vị Sư tu hành vào lúc thiếu niên và trung niên thường họ thử tu đủ cách, nhưng đến khi tuổi về chiều, quá 50 tuổi về sau, họ thường bắt đầu mới thấy rằng sự giải thoát là điều tối quan trọng. Giáo nghĩa kinh điển dù thông cho mấy, mà sự thoát ly trong đời này còn mờ mịt thì sự tu hành chưa phải là viên mãn. Cho nên một khi đã chợt ngộ ra đạo lý này hầu hết quý Ngài đều buông xuống tất cả, nhứt tâm quay về với câu Phật hiệu A-di-đà Phật để cầu vãng sanh Tịnh-độ trước rồi những chuyện khác sẽ tính sau. Hẳn nhiên cũng có người ngộ đạo theo các pháp môn khác, nhưng hầu hết đều quay về niệm Phật, vì niệm Phật nhờ lực gia trì của Phật mà vượt khỏi tam giới, rút ngắn được ba đại A-tăng-kỳ kiếp, về được tới Tây-phương Cực-lạc quốc. Đó là những người thật sự liễu giải Lý Sự của Phật đạo.

Nếu nghiên cứu trong rừng lịch sử Phật Giáo cha má sẽ rõ ràng chuyện này, nhiều vị Sư niệm Phật mà đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, biễu diễn sự ra đi đúng như câu nói “du-hí-thần-thông”. Chuyện này nhiều lắm con không thể kể hết ở đây được. Khi nào có ghé chùa xin mua những quyển như “Mấy-điệu-sen-thanh”, “Vãng-sanh-ký”, “Chuyện-vãng-sanh”, “Tịnh-độ-Thánh-Hiền-lục”, v.v… để coi thì biết.

Tu sĩ được như vậy, còn người thường, cư sĩ thì sao? Thưa cha má, người nào tu người đó đắc. Trong thế kỷ hai mươi vừa qua, Ngài Hạ-Liên-Cư là một cư sĩ, Ngài chỉ niệm A-di-đà Phật, khi vãng sanh Ngài mời bạn bè tới dự tiệc chia tay rồi đứng giữa chánh điện chắp tay mà thoát hóa, vui vẻ thoải mái. Người biết trước ngày ra đi, đứng cười mà thoát hóa như trò đùa vậy, đây chẳng phải là chuyện “Thần-kỳ” sao?

Chuyện này cũng chưa lạ, thường ngày Ngài có nuôi một con chuột, khi Ngài kinh hành niệm Phật con chuột lắc lẽo đẽo theo sau, giống như ở quê trẻ em nuôi chim se sẻ, khi khôn lớn nó cứ nhảy nhảy theo sau vậy đó. Đến khi Ngài đứng vãng sanh thì thấy nó đã vô chiếc giày của Ngài và đứng vãng sanh theo. Đây đúng thật là chuyện “Thần-kỳ” của thế kỷ!

Trong kinh Phật nói, tất cả chúng sanh nhứt tâm xưng niệm A-di-đà Phật thì được vãng sanh. Chuột là chúng sanh, nó niệm Phật thì nó được vãng sanh và nó cũng được bình đẳng thành Phật ở Tây-phương. Đây là chuyện có thực. Con chuột này, chắc chắn trong đời trước nó là con người có tu Phật, niệm Phật thành thục rồi, nhưng lúc lâm chung sơ ý nẩy lên một niệm ngu si, dại dột nào đó mà lọt vào đường súc sanh, may mắn là gặp được Ngài Hạ-Liên-Cư cứu độ, chứ giả sử như sinh ra rồi đi lang thang, gặp phải chú mèo thì tiêu đời rồi, biết kiếp nào nữa mới thoát đây?…

Cách đây cỡ hơn mười năm ở Đài-Loan, có một lão cư sĩ tên là Lý-Bỉnh-Nam vãng sanh. Ngài là học trò của Tổ sư Thích-Ấn-Quang, vị Tổ sư thứ mười ba của Tịnh-độ Tông Trung-Hoa. Cuộc vãng sanh của Ngài, cả nước Đài-Loan đều thương tiếc. Hằng ngày, hơn sáu trăm người vì nhớ tưởng ơn Ngài cứu độ, đến niệm Phật hộ niệm trước linh cữu trong bốn mươi chín ngày liền, ngày đêm không gián đoạn. Ngài chỉ là một người thường nhưng có những vị Hòa-Thượng phải đảnh lễ, bái làm Thầy. Ngay Hòa-Thượng Tịnh-Không, vị thượng thủ Tịnh-tông thế giới cũng bái Ngài làm thầy và thọ giáo mười năm. Ngài là người niệm Phật và dạy người ta niệm Phật cầu sanh Tây-phương. Trong đời, Ngài cứu độ hơn năm trăm người thực sự được vãng sanh về Tây-phương. Chỉ là một công chức bình thường, nhưng khi vãng sanh có tới khoảng sáu trăm người tự nguyện ngày đêm hộ niệm suốt bốn mươi chín ngày, hàng ngàn người quỳ lạy tiễn đưa linh cửu, hàng triệu người khắp nơi thương tiếc. Phước đức này đâu phải tầm thường, xưa nay dễ ai có được. Phải chăng đây là một chuyện “Thần-kỳ”!

Ngay hiện tại đây, ở đây có một vị tu sĩ hiệu là Thiện-Huệ. Trước đây, Ngài là con rể của Phối-Sư Trần-Quang-Vinh, thống lãnh quân đội Cao-Đài. Ngài tu Cao-Đài ngay trong nội Thánh-Thất Tây-Ninh hơn ba mươi năm, là giáo sư Pháp văn cho trường trung học Cao-Đài hơn ba mươi năm. Trong Thánh-Thất, Ngài có tham gia tổ chức rất nhiều đàn cơ, có lúc tự làm Điển-Ký đàn cơ. Thế nhưng sau cùng Ngài lại thấy được sự giải thoát của đạo Phật và đã xuất gia học Phật hơn hai mươi mấy năm nay. Ngài kiến lập được hai ngôi chùa ở Mỹ-Tho. Trong chuyến viễn du ra nước ngoài vô tình Ngài gặp được lời pháp của Hòa-Thượng Tịnh-Không và trực ngộ ra câu “Nam-mô A-di-đà Phật”. Từ Canada Ngài bay thẳng qua Úc để xin gặp mặt Hòa-Thượng Tịnh-Không và Ngài xin bái Hòa-Thượng Tịnh-Không là Sư-Phụ. Còn hơn thế nữa, Ngài còn thường xuyên ngồi nghe thầy Ngộ-Thông là đệ tử của Hòa-Thượng Tịnh-Không thuyết pháp.

Một vị tu sĩ tám mươi mốt tuổi, lại lắng nghe pháp của một thầy, tuổi đời nhỏ hơn con mình, tuổi đạo chỉ bằng học trò mình. Người bình thường đâu có khả năng làm được chuyện này! Người bình thường, phàm hễ được chút tuổi, chút chức sắc danh vị, họ tự mãn với công phu tu tập năm, sáu mươi năm, họ ngất ngưởng trên cái ngôi sư phụ để cho hàng đệ tử quỳ lạy cung phụng, chứ ai dại gì đi bỏ cái danh vị ấy để cúi mình bái người khác để cầu đạo giải thoát!!! Thế mà Ngài Thiện-Huệ làm được, đây đâu phải là người thường! Tâm phục, khẩu phục! Có những lần Ngài dám mạnh dạn nói rằng: “Năm, sáu mươi năm tu hành của tôi trước đây coi như không có gì hết, bây giờ tôi mới biết là mình thực sự bắt đầu tu hành!”.

Thưa cha má, đây chính là những con người giác ngộ đường tu, đã nhìn được thấu và buông được trót. Nhìn chưa thấu thì buông không được, buông không được thì vô phương cứu vãn vậy.

*) Hai là, có nhiều người ngộ được đường đi, họ sung sướng quá cứ ngồi đó rung đùi lo hưởng cái thú vị khám phá ra chân lý, đến khi kiểng đánh cái “boong”, giựt mình nhìn lại thì ngỡ ngàng vì bài làm của mình vẫn còn là tờ giấy trắng!…

Điều này ví dụ cho những người ngộ đạo mà rớt đài một cách oan uổng! Thật quá oan uổng! Cái lý thì nói oang oang rất hay nhưng chính mình thì không chịu hạ thủ công phu tu tập. Chắc cha má cũng thường thấy những người như vậy, có ích gì cho đạo giải thoát đâu! Xin cha má nên nhớ rằng, “Lý-Đạo” có thể đốn ngộ, nhưng “Sự-Đạo” cần phải tiệm tu thì mới thành đạo. Nghĩa là, người có thể trực nhận ra được đường đi, nhưng phải đi, phải thực hành gấp, phải tinh tấn kiên trì, chuyên tu thì mới thành đạo được. Người hiểu ngộ lý đạo mà không đi thì cũng hoàn không. Chính vì vậy mà con đây vừa tranh thủ thời gian viết thư cho cha má, vừa ngày đêm niệm Phật chứ không dám lơ là. Con khuyên cha má tu hành nhưng chính con không chịu niệm Phật, thì con vẫn phải chịu số phận hẩm hiu như thường.

Thầy Thiện-Huệ khi vừa mới tới đây, Thầy liền cho dán lên tường câu, “Nói nhiều không bằng nói ít, nói ít không bằng nói một câu, nói một câu không bằng KHÔNG NÓI”.

Thầy trương lên để cảnh tỉnh mọi người thì chắc Thầy phải làm, nếu không làm thì Thầy cũng chờ nộp tờ giấy trắng vậy thôi!

Thầy Thiện-Huệ năm nay hơn tám mươi tuổi đời, sức đã yếu, thầy vẫn cố gắng đi kinh hành niệm Phật một ngày tám tiếng, đi không nổi thì Thầy lạy Phật. Thân lạy Phật, Tâm tưởng Phật, Miệng niệm Phật. Thân Khẩu Ý chuyên nhất hướng về A-Di Đà Phật đó gọi “nhất tâm niệm Phật” để cầu vãng sanh. Còn Hòa-Thượng Tịnh-Không thì dạy: “Đa nhất sự bất như thiểu nhất sự, thiểu nhất sự bất như vô sự. Lão thật niệm Phật”. Suốt ngày, ý Ngài ở trong kinh, tâm Ngài trụ ở câu Phật hiệu. Rõ ràng tư tưởng lớn gặp nhau. Những người có chí khí dũng liệt họ đâu thèm tranh giành những thứ hão huyền của thế gian mộng huyễn.

Cha ơi! Cha thường dạy con rằng: “Phật-tức-Tâm, Tâm-tức-Phật”, thì bây giờ đừng thèm nói câu này nữa mà mong cha má hãy làm câu này đi. Thành Phật hay không là làm chứ không phải nói. Phật tức Tâm nghĩa là hễ Phật có gì thì tâm mình có cái đó. Phật vô sanh tử thì tâm vô tử sanh; Phật giác ngộ thì tâm mình vốn có sáng suốt; Phật thiện lành thì tâm mình vốn không ác; Phật thanh tịnh thì tâm mình vốn an lạc… Tâm tức Phật là tâm thiện lành là Phật; tâm thương người là Phật, tâm buông xả, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.. là Phật. Phật tức tâm là “Thị-Tâm-thị-Phật”, tâm tức Phật là “Thị-Tâm-tác-Phật”. Cho nên, hễ “tâm mình LÀ Phật thì tâm mình phải LÀM Phật”, mà “tâm mình LÀM Phật thì chính tâm mình LÀ Phật” chứ còn gì nữa. Đó chính là cái đạo lý “Duy tâm sở hiện” đó cha má ạ.

Cha thường nói “Tâm CHÁNH là Phật, Tâm TÀ là Ma” thì cũng cùng ý nghĩa này, tất cả đều do tâm mình hiện ra. Tâm Chánh tức là tâm niệm Phật, ý tưởng Phật. “Ý Phật Niệm Phật, hiện tại tương lai nhất định thấy Phật”. Tâm, khẩu, ý, chuyên nhất hướng về Phật thì chắc chắn mình sẽ về Tây-phương để thành Phật chứ không đi đâu nữa cả. “Nhất thiết duy tâm tạo” thì học Phật ta hãy làm Phật chứ đừng làm cái gì khác, làm cái gì khác tức khắc mình sẽ thành cái khác đó liền. Đây chính là cái đạo lý “Vạn Pháp duy tâm”, điều mà cha thường dạy con vậy.

“Tâm Tà là Ma”. Tâm Tà là sao? Ví dụ, sân giận là cảnh giới địa-ngục, người thường nóng giận thì tương lai sẽ về địa-ngục; tham lam là cảnh giới của ngạ-quỷ, người có tâm tham lam, chỉ thích tiền, mánh lới lừa lọc để được tiền thì chắc chắn sanh làm ngạ-quỷ; si-ám mê muội trở thành súc-sanh.

Thế nào gọi là si mê? Ví dụ như người suốt ngày cứ say sưa làm cho tâm thần hôn ám, hoặc khi lâm chung luyến tiếc cái nhà mới xây, còn ngại gia tài lớn không ai lo, sợ tiền nợ người ta không trả… đó là những cái niệm ngu si dại dột, nhanh chóng đưa mình đầu thai vào hàng súc sanh. Ví dụ, như con đã nói, vào bụng con chó của người hàng xóm. Khi con chó sinh ra, nó có linh cảm thích vào cái nhà đó để chờ con cháu liệng ra cục xương. Đôi lúc thật oái oăm, lại bị chính con chó mà tiền thời mình thương yêu cưng chìu, nó dí cắn chạy quắn đuôi! Tất cả những hành động hay tư tưởng đưa ta vào tam ác đạo gọi là “Tâm-Tà” hoặc là “Tâm-Ma” vậy!

Tâm tà nó còn bao hàm những chuyện tế vi hơn, nếu không chú ý không thấy. Ví dụ như, người tới chùa để cầu phước lộc, cầu trúng số, cầu khỏe mạnh, cầu buôn bán nhiều lời… cầu nguyện này không có ác, nhưng đó là lối tu tự tư ích kỷ vẫn là tham-lam! Phật không bao giờ cảm ứng chuyện này đâu. Còn có người cầu tái sanh làm người, làm tiên nhân thì tâm bị chấp vào cảnh giới lục đạo trong sanh-tử luân-hồi để chờ ngày đọa lạc… “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, tâm ở đâu tương lai sẽ tới đó.

Cha má ơi! Hiểu thấu đạo lý thâm sâu này rồi thì lý do gì mà còn cố đi sai đường nữa? Hãy mau mau ngày đêm niệm Phật, tâm tâm cầu về Tây-phương. Mình sơ ý đã bỏ phí gần hết cuộc đời rồi, mà bây giờ còn đủng đỉnh rung đùi, thì làm sao nộp bài cho kịp trước khi kiểng đánh đây?!…

*) Ba là, thi rớt là vì không chịu buông bỏ những phương thức rườm rà, cứ tiếc rẻ ráng chép đủ thứ vào trong bài, đến lúc kiểng điểm giờ thì bài mình làm chưa xong!

Điều này ví dụ cho những trường hợp tạp tu. Sự tạp tu, không chuyên nhất thường công phu khó có thể thâm hậu. “Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh”. Đạo cũng giống như đời, hễ “Tinh Tấn” thì dễ thành đạt, còn “Tạp Tấn” thì lỡ cỡ khó đi tới đích. Có nhiều người đã hiểu được sự vi diệu của pháp niệm Phật nhưng vì hồi giờ họ đã tu những pháp môn khác quen rồi nên không nỡ xa. Niệm Phật lại vừa niệm Tiên, cầu Thần, xin xăm, bói toán, v.v… Đây chính là vì tập quán đã quen, tình chấp sâu nặng làm quên mất con đường giải thoát, quên mất mục đích chính của sự tu hành. Những cách tạp tu vô tình nó phá mất công năng câu niệm Phật, biến pháp niệm Phật tối thắng vi diệu một đời thành Phật, thành pháp tu cầu phước báu tầm thường. Tu như vậy thì bị mất sự gia trì của 48 lời đại nguyện của Phật A-di-đà. Trong kinh Phật dạy rất rõ là phải “nhất hướng chuyên niệm A-di-đà Phật”. Không nhất hướng thì đi lòng vòng không có mục đích, cuối cùng đành bị trôi theo nghiệp báo luân hồi, đọa lạc vô cùng vô tận?!

Thường tình, người ta cứ nghĩ rằng tu hành đạo nào cũng được, pháp nào cũng học, Phật nào cũng niệm, Thần nào cũng thờ… có như vậy mới chứng tỏ sự bình đẳng tôn kính, không phân biệt. Thực ra, nếu nói tôn kính tất cả thì đúng nhưng thờ phụng, trì niệm tất cả thì bị lạc. Vì sao vậy?

Thứ nhứt là nếu hiểu rõ về cảnh giới thì mới thấy sự mông lung vô định hướng. Trong vũ trụ này, bây giờ vàng thau lẫn lộn, thiện ác khó phân. Phật là Phật, mà Ma cũng xưng là Phật, họ cũng có lắm đồ chúng, lắm pháp môn nghe rất hay, rất dễ cảm mến! Lạc vào đó rồi khó còn sáng suốt để phân biệt trắng đen.

Hai là thọ mạng mình quá ngắn ngủi, bể khổ thì mênh mông, hiểm nạn trùng trùng, không cho phép ta lang thang thám du nhiều cảnh giới trong đời này.

Ba là: Ma, Quỷ, Thần, Tiên… ta cần phải kính trọng họ nhưng không nên theo họ. Nên áp dụng câu “Kính nhi viễn chi”, một lòng kính trọng nhưng cũng một lòng không theo họ làm đệ tử. Con từng thưa với cha má rằng, hễ quen đâu thì nợ đấy, nên quen với Phật theo về với Phật là hay nhất thôi.

Bốn là: pháp môn niệm Phật là Pháp nhị lực, tạp niệm tự mình đánh mất bổn nguyện oai thần gia trì của Phật A-di-đà. Với sức của con người làm sao dám nghĩ tới chuyện tự vượt qua tam-giới luân-hồi, vượt qua bể khổ mênh mông đây?

Cho nên, muốn vượt qua biển khổ hãy tìm chọn chiếc bè nào vững chắc nhứt để đi, đừng nên tham lam đèo bồng, đứng trên một bè còn đề phòng kéo theo thêm năm bảy bè khác. Mới nhìn thì thấy dường như chắc ăn, nhưng kết quả thì chính những chiếc bè kia nó lôi mình trở lại không thể vượt đi được. Dù có ráng sức thì giữa dòng cũng phải ngã quỵ. Chọn lựa một bè thật chắc chắn có nghĩa là suy nghĩ đắn đo thật kỹ là bè nào có thể đưa mình nổi qua tới bờ kia chứ không thể sơ ý được, vì nếu chọn chiếc bè quá yếu đuối nó sẽ nhận chìm mình trở lại trong bể khổ luân-hồi thì uổng đời tu tập.

Cha má ơi! Đời mình, tự mình cứu lấy, không ai cứu mình được cả. Thần Tiên không thể cứu sanh tử khổ nạn cho mình được, Thần Tiên chỉ có thể hỗ trợ phước lộc cho mình hưởng thụ vài chục năm rồi chết, rồi đọa lạc. Cho nên lỡ chọn chiếc bè yếu thì ngay lập tức phải đổi bè, Thần Tiên cao minh không bao giờ ngăn cản chuyện này cả.

Muốn biết bè nào tốt, bè nào yếu thì kiểm tra kỹ là biết ngay. Kinh cũng như thế, xem kinh nào cứu độ mình thành Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác, thành Phật được là chắc. Kinh nào chỉ nói cho chút lợi, giúp chút lộc, cứu chút nạn… không đá động gì đến việc dứt sanh-tử luân-hồi thì yếu, không thể cứu độ rốt ráo. Chắc chắn kinh pháp không thể nói sai, cứ bình tĩnh xem kỹ thì thấy liền. Chọn kỹ rồi cứ một pháp môn mà đi, trong Tịnh-độ tông thường gọi là “Nhất môn thâm nhập, trường kỳ chuyên tu”, có như vậy mới mong ngày thành đạt.

Tình thực mà nói, ta có thể ví chùa chiền, thánh thất, v.v… giống như trường học, thầy tu là giáo viên, pháp môn là những môn học, kinh điển là sách giáo khoa. Tất cả, mỗi mỗi đều có trình độ cấp bực của nó. Tại mình không suy nghiệm kỹ thành ra mập mờ đó thôi. Học hành muốn cầu tiến tới, thì phải chọn môn học thật kỹ chứ không thể vị nể bạn bè. Tu hành thì phải quyết thành đạo, quyết tự cứu chính mình chứ không phải tu để lấy cảm tình với Thánh, Thần, Tiên, Phật… được. Quý Ngài đâu cần sự cảm tình đó. Tại chính vì mình ngại, mình sợ, mình có tình chấp thâm trọng nên không dám tự quyết, chứ Thần minh nào có cấm cản. Đã là Phật, Thánh, Tiên, Hiền thì đâu có thể có tâm lượng ích kỷ hẹp hòi như thường nhân mà tìm cách bắt buộc chúng sanh phải theo mình! Con nói điều này xin cha má suy nghĩ thử đúng hay sai!

Hiểu được đạo lý rồi thì ta thấy rằng pháp môn, tôn giáo chỉ là phương tiện. Trong kinh Phật dạy rằng, “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”. Có nghĩa là, khi liễu ngộ được đạo rồi thì ngay cả pháp Phật cũng phải bỏ đi để đắc đạo huống chi là những pháp không phải của Phật. Tại sao vậy? Vì pháp môn chỉ là phương tiện Phật nói ra để hướng dẫn mình đi, khi thấy được đường đi rồi, thì Phật dạy, phải liệng cái gánh pháp đó để đi cho nhanh, chứ tại sao lại cứ mang hoài trên vai làm chi cho nặng?

“Pháp thượng ưng xả” nghĩa là phải biết buông hết, bỏ hết những thứ râu ria, chỉ còn giữ lại cái gì cần thiết nhất giúp mình đi được mà thôi. Ngài Thiện-Đạo Đại sư đời nhà Đường nói, “Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di-Đà bổn nguyện hải”, nghĩa là sở dĩ chư Phật thị hiện xuống trần thế là chỉ vì để nói cho chúng sanh biết cái nguyện hải độ sanh của Phật A-di-đà mà thôi. Tất cả vạn pháp chỉ là phương tiện dẫn dắt chúng sanh quy nạp về thế giới Cực-lạc, đó là câu “Nam-mô A-di-đà Phật”, cái đỉnh cao nhất, tối hậu để viên thành Phật Đạo. Nay ta đã tới cái đỉnh này rồi tại sao lại muốn tuột xuống? Chư Tổ sư đều nói, bốn mươi chín năm thuyết kinh giảng đạo của Phật sau cùng cũng chỉ là để giới thiệu cho chúng sanh câu Nam-mô A-di-đà Phật để vãng sanh Tây-phương thành Phật. Giờ đây biết rồi thì mình phải thành Phật chứ, tại sao lại tìm cách đi ngược về đường đọa lạc?!

“Pháp thượng ưng xả” là để vãng sanh Tây-phương thành Phật, phải thực hiện cho được trong đời này. Siêu sanh Tây-phương Cực-lạc là đang còn sống đây ta niệm Phật để về tới Tây-phương thành Phật, chứ không phải chờ đến lúc chết, rồi bảo con cháu chạy mời mấy vị Sư đem tấm hình A-di-đà Phật tới tụng kinh cầu siêu đâu… Thực tế, cầu siêu cho người chết thì ít, mà chính yếu là cầu cho người sống hãy mau mau tỉnh ngộ tu hành, đừng đợi chết rồi thì đã quá muộn đó thôi!

Tất cả pháp môn đều là phương tiện, nhưng niệm Phật có cả cứu cánh luôn, vì “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”, nhân và quả đều ở ngay trong câu Phật hiệu. “Niệm Phật” là pháp môn lấy ngay cái nhân địa Phật để tu thành Phật, nhờ đó mà chúng sanh tiết kiệm cả triệu đời khổ cực tu hành trong sanh tử tử sanh chứ đâu phải là chuyện tầm thường.

Trong nhà Phật thường có câu, “Qua sông liệng bè”. Phật giáo Đại Thừa còn nói mạnh hơn nữa, giữa giòng nếu cần cũng liệng bè luôn. Ai tin được không? Có. Ví dụ, một chiếc bè dập dìm giữa sóng gió trùng dương, gặp một chiếc thuyền cứu nạn mà không nhanh chóng lên thuyền để nó chở qua “bờ kia” còn đợi gì nữa?! Pháp tu Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là vậy đó. Mình tu một nửa, còn nửa kia hãy đưa tay cho Phật cứu. Chính sự cứu độ này đã giúp cho vô số chúng sanh vượt thẳng tới Tây-phương viên thành Phật đạo chỉ vỏn vẹn trong một vài năm thành tâm niệm Phật. Với chiếc thuyền của Phật A-di-đà Ngài cứu độ vô tận vô biên chúng sanh, một vài người lẻ tẻ như chúng ta đâu thấm thía gì đâu mà lo với ngại. Nếu điều này không một ai tin, con vẫn xin khuyên cha má hãy quyết lòng tin tưởng, chắc chắn như vậy. Con đã hiểu, đã thấy, con đang dẫn đường cho cha má leo lên con thuyền đó để được cứu, con không dám nói một lời vọng ngữ đâu. Thời gian qua con đã chứng minh cho cha má quá cụ thể, quá đầy đủ rồi, làm sao còn mập mờ gì nữa? Thời mạt pháp này, nói thực nếu không có sự cứu độ của Phật A-di-đà làm sao có một ai có thể mơ mộng vượt khỏi tam kỳ, siêu việt qua tam giới. Ai dám vỗ ngực tự thoát khỏi sanh-tử luân-hồi đây, thưa cha má!…

*) Bốn là: làm bài sai đề. Chắc chắn phải rớt!

Đây là ví dụ cho người tu sai đường, càng tu càng lạc. Nếu không kịp thời tỉnh ngộ quay lại đến một lúc nào đó, nếu không may mắn được người chỉ điểm, thì có muốn quay lại cũng không biết đâu mà quay. Cái khổ não bi thương nhất của chúng sanh thời mạt pháp là chỗ này. Họ không muốn đi lạc, mà vì cạm bẫy trùng trùng bẫy họ vào hiểm lộ. Trong kinh Phật dạy rằng, đời mạt pháp Phật pháp đã đi dần đến chỗ diệt pháp, ngoại đạo tà phái đang càng ngày càng nhiễu loạn. Từ đây đến chín ngàn năm nữa thì Phật giáo bị diệt là chính vì sự khuấy nhiễu này. Phật dạy chúng đệ tử rằng thời “Mạt pháp Tịnh-độ thành tựu”, chúng sanh hãy mau quay về với pháp môn niệm Phật. Tất cả những pháp môn tự lực khó có thể thoát khỏi cạm bẫy của ngoại đạo. Chỉ có pháp môn niệm Phật được Phật A-di-đà gia trì, chư Phật mười phường cùng hộ niệm, người chí thành niệm Phật sẽ có hai mươi lăm vị Bồ-tát hộ pháp, chính vì thế mới bảo vệ được người niệm Phật an toàn vãng sanh Cực-lạc quốc. Tu pháp của Phật mà Phật còn dặn như vậy, huống chi những pháp tu không xuất phát từ Phật?

Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói: “Đương lai chi thế kinh đạo diệt tận, Ngã dĩ từ bi ai mẫn, đặc lưu thử kinh chỉ trụ bá tuế. Kỳ hữu chúng sanh trị tư kinh giả, tùy ý sở nguyện giai khả đắc độ”. (Nghĩa là, tương lai thế giới này kinh điển của Phật bị diệt hết, Ta vì lòng từ bi ai mẫn, đặc biệt lưu bộ kinh này thêm một trăm năm nữa. Nếu có chúng sanh thọ trì kinh này thì tùy theo sở nguyện đều được cứu độ). Bộ Kinh Vô-Lượng-Thọ dạy chúng sanh niệm A-di-đà Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nghĩa là, khi tất cả pháp Phật bị diệt hết, thì Phật lưu âm hiệu “A-di-đà Phật” lại thêm một trăm năm nữa để độ chúng sanh cuối cùng có duyên với Phật về Tây-phương trước khi Phật pháp diệt tận. Cho nên, câu Phật hiệu uy lực công đức lớn vô biên, thời mạt pháp này ngoài câu Phật hiệu ra, khó có pháp môn nào bảo đảm cho mình thoát hiểm nữa cả. Đây là kinh của Phật nói rõ ràng, xin cha má quyết không thể hồ nghi được.

Cái khổ trong thời mạt tận là hoàn cảnh nhân sinh càng ngày càng hỗn loạn, không biết đâu là chánh, là tà, người thành tâm muốn tu giải thoát lại tu theo tà. Thật đau đớn! Ngài Tịnh-Không vạch ra mấy điểm cụ thể để chúng ta tự cảnh giác hầu phân biệt chánh tà.

1) Là Phật, Bồ-tát không bao giờ dùng thần thông để thâu nạp tín đồ. (Tất cả những loại phép lạ, cơ, bút, bùa ngải, thông linh… đều là những dạng thần thông);

2) Là Phật, Bồ-tát xuất thế không bao giờ thố lộ danh tánh. (Ai tự xưng danh tánh, nhứt định phải “kính nhi viễn chi”);

3) Là lỡ bị lộ danh các Ngài tịch liền. (Người được vinh danh là Thần, Thánh, Tiên, Phật… đủ thứ mà không đi thì phải cẩn thận).

Cha má nên nhớ ở đâu cũng có nêu ra cái chân lý hành đạo riêng nghe hay lắm, nhưng mục đích chính bên trong thì khó lường được!…

*) Năm Là: hỏi rằng, những người không biết gì hết muốn đi thi có thể đậu được không? Trả lời: không thi thì không đậu, nhưng nếu thi nhiều lúc lại đậu rất cao!

Đây là ví dụ cho nhiều người không hiểu đạo, mù tịt tu có được không? Liệu có thành tựu không? Có vãng sanh được không? Phần thư này con xin viết riêng cho má, cho bà Bác mẹ của anh Hai, cho cô Bốn, cho những ông bà cụ đã lụm cụm hồi giờ không hiểu biết gì về đạo pháp cả, tự họ không biết một cách nào để giải bài toán sanh tử, nhưng có thể được thi đậu và nhiều khi còn đậu cao nữa là khác. Nhờ đâu vậy? Thưa cha thưa má, “Cốp-Pi”. Họ biết mình dở rồi, nhưng họ có lòng thành thực mong cầu chỉ điểm, xin mượn bài để chép, khỏi cần ý kiến. Có sao “chép lại” vậy, nhanh tay chép nhanh nhanh để nộp bài cho kịp giờ. Họ đậu và nhiều khi đậu rất cao. Quan trường thi cử xưa nay, hạng người may mắn này không thiếu. Cái mục đích của họ là làm sao đậu trước đã, giải thoát trước đã, thoát ly sanh tử trước cái đã. Sau đó muốn hiểu, muốn biết còn thiếu gì thời gian cho mình thực hiện.

Trên thực tế, người vãng sanh theo diện này rất nhiều, và cách vãng sanh của họ chứng tỏ phẩm vị rất cao, nhiều khi còn cao hơn nhiều vị tu hành nhiều năm nữa là khác. Ví dụ, bà cụ Triệu-Vinh-Phương là một chứng minh cụ thể, chín mươi tuổi mới bắt đầu niệm Phật, không biết một chút Phật pháp nào cả, chín mươi bốn tuổi an nhiên vãng sanh trong ánh quang minh của Phật vào năm 1999, (xem lại cuộn phim). Cụ Trần-Quang-Việt, tám mươi hai tuổi mới bắt đầu tu, tám mươi sáu tuổi vãng sanh tại Singapore năm 2001. Cụ Châu-Quảng-Đại, niệm Phật ba ngày vãng sanh. Còn nhiều lắm, rất nhiều người già cả đến ngày gần chết được may mắn có người chỉ điểm niệm Phật, họ thành tâm tin tưởng, nhứt tâm xưng niệm A-di-đà Phật, một lòng cầu về Tây-phương, họ thành tựu ngay trước mắt, trước sự ngỡ ngàng của những vị tài cao hiểu rộng!

Thưa má, xin má đọc thật kỹ đoạn thư này thì tự nhiên má cảm thấy vô cùng hoan hỉ, vô cùng sung sướng và bắt đầu từ đây má có thể hưởng được một sự an vui tự tại cho đến ngày vãng sanh bất thối thành Phật. Dựa đúng theo kinh Phật chỉ bày, nếu má một lòng tin tưởng, tuyệt đối làm đúng như con chỉ, tuyệt đối không ý kiến, tuyệt đối không thay đổi, tuyệt đối không cần tìm hiểu gì cả. Con dám bảo đảm chẳng bao lâu má sẽ tự biết được ngày ra đi, an nhiên hẹn ngày ra đi, đi trong vui vẻ thoải mái, đi theo Phật vãng sanh rõ ràng giống như cụ Triệu-Vinh-Phương vậy. Nghĩa là, má không còn chết nữa, ngày đi tự má chủ động liệng cái thân già còm khổ cực yếu đuối lại cho con cháu muốn chôn thì chôn, muốn thiêu thì thiêu, còn mình thì nương theo ánh quang minh của Phật về Tây-phương thành Phật. Ngay tích tắc, má sẽ hiểu cái chân tướng của vũ trụ nhân sinh này. Thoát ra khỏi sanh-tử luân-hồi rồi, nhìn lại mới thấy tấn tuồng ở nhân gian này chỉ là một giấc mộng mà hồi giờ mình không hay! Tất cả những bà cụ, ông cụ nào trên thế gian này, nếu phát lòng tin, vững mạnh niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ sẽ hưởng được cái đại phước vãng sanh quí báu này.

Con xin nhắc lại điểm chính yếu để tu:

Một là: tin tưởng vững chắc pháp môn niệm Phật, tin tưởng vững chắc Phật A-di-đà cứu độ, tin tưởng vững chắc mình được vãng sanh về Tây-phương, tuyệt đối không còn suy nghĩ gì cả.

Hai là: sám hối tội lỗi và nguyện vãng sanh. Nghĩa là sáng chiều quỳ trước bàn thờ Phật A-di-đà thành tâm sám hối những tội lỗi từ vô lượng kiếp tới nay, nguyện quyết tâm niệm Phật và mỗi ngày đều hồi hướng công đức cho oan gia, trái chủ. Xong rồi thì phát nguyện vãng sanh, hãy viết câu phát nguyện rõ ràng ngắn gọn và ngày nào cũng đọc như vậy. Sau mỗi lần niệm Phật, hoặc chiều tối hồi hướng công đức về Tây-phương. (Xem lời hồi hướng trong các thư trước. Tuyệt đối, ngoài cầu vãng sanh không được cầu bất cứ điều gì lợi ích cho chính mình cả).

Ba là: ngày đêm sáng trưa chiều tối, đi đứng nằm ngồi, thái rau, bửa củi… lúc nào cũng niệm A-di-đà Phật. Tuyệt đối ngoài niệm câu Phật hiệu, không được niệm một tiếng gì khác nữa cả.

Nếu bị con cái bắt giữ cháu thì ru cháu, đưa cháu, dỗ cháu bằng câu A-di-đà Phật. Đi ra đường mỗi bước chân một câu A-di-đà Phật. Hãy cầm trong tay xâu chuỗi, lúc nào cũng phải lần một hột là một câu A-di-đà Phật. Cắt giảm tất cả chuyện thăm nom bà con, miễn chuyện thị phi nhân nghĩa, miễn bàn luận hơn thua với bất cứ ai. Gặp hai người đang nói chuyện nhất định không tham gia vào thành người thứ ba, nhứt định không chịu đi chung với họ trên một đoạn đường dài để tránh nói chuyện, nếu kẹt quá không thể tránh được thì tìm cách lách ra hoặc đi ngược chiều lại, nghĩa là chỉ gặp nhau chào rồi đi luôn. Muốn vãng sanh là phải như vậy, không được bỏ phí một giây phút nào không niệm Phật cả. Ai nói gì nói, ai chê gì chê, vài ba năm nữa lây lất ở trần thế này có nghĩa gì đâu mà tham luyến.

Hãy nghe lời con đi má, hãy nghe lời con đi cha. Hãy nhắn lời cho cô Bốn, bác gái mẹ anh Hai, tất cả bà con cô bác xa gần hãy nghe lời con, niệm Phật liền đi. Vững mạnh mà đi tự nhiên thấy câu trả lời. Hãy quyết tâm thực hiện đường về Tây-phương. Đừng chần chờ nữa, thời gian không cho phép lề mề đâu. Lỡ một bước rồi ân hận ngàn đời vạn kiếp đó.

Đường về Tây-phương để một đời này thôi viên thành Phật đạo là câu Phật hiệu Nam­mô A-di-đà Phật chứ không phải cái gì khác cả. Tất cả các vị pháp sư suốt cuộc đời nghiên cứu kinh điển, khổ công khổ sức truy tầm con đường giải thoát từ trong rừng kinh biển sách, rốt cuộc cái bí quyết để thành công, một bí tủy của Phật pháp để thành Phật không gì khác hơn là danh hiệu Nam-mô A-di-đà Phật. Ngộ được lý đạo, quý Ngài mau mau buông bỏ tất cả mà niệm Phật, thì tại sao bây giờ có người lại cứ chạy theo con đường tu tập khổ cực của các Ngài mà không chịu nghe lời khuyên chân thành của người đắc đạo?

Bồ-tát Đại-Thế-Chí, người đứng bên phải của Phật A-di-đà dạy, “Thâu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương tục”, cứ thế mà làm thì thành Phật. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đóng hết lại để niệm Phật. Đừng nghe, đừng nhìn, đừng nói, đừng học, đừng hiểu, đừng biết… gì cả, cứ một lòng tin tưởng niệm Phật là thành đạt. Cho nên chính má, cô Bốn, bác gái mẹ anh Hai, tất cả những người già cả quê mùa… là những người hồi giờ không rành kinh điển, không hiểu giáo nghĩa, không biết triết lý gì hết mới chính là cơ duyên tốt nhứt để thành đạo.

Đừng nên mong cầu hiểu đạo, đừng nên cầu mong rõ lý, đừng nên chạy lung tung làm cho tâm mình dao động. Nhất thiết một lòng niệm Phật dù cho có Sư, có Thầy nào đức cao tài giỏi tới chỉ điểm gì khác cũng đừng thay đổi.

Niệm Phật và chỉ niệm Phật thôi mới mong giải thoát cha má ạ.

Nam-mô A-di-đà Phật.
Kính thư.
(Viết xong, Úc Châu ngày 22/4/2002).

 Đừng nên vì những thứ ở ngoài thân mà lãng phí quãng đời trân quí của mình. Phải mau sớm tu hành! (Hòa-Thượng Quãng-Khâm).

19 – Kính cha má,

Tu hành mà hiểu thấu được Phật pháp thì thấy lý thú, vững lòng tin, tinh tấn tiến bước. Mỗi lá thư, đầu tiên con đều nói một chút lý đạo. Cho nên, nếu đọc nhiều thư của con cũng thấy vui với nguồn đạo, thấm lần vào Phật pháp. Còn phần sau của thư thường con nói đến những điểm cụ thể cần thực hiện, cần cho cha má và cũng cần cho những ai muốn niệm Phật cầu sanh về Tịnh-độ. Con biết được hoàn cảnh của cha má, anh chị em, bà con, cô bác ở quê nhà rất khó khăn để nghe được Phật pháp, thành ra con phải dùng cách này để từng bước giải bày. Xin cha má cố gắng đọc kỹ. Cha hoặc má hãy bảo con cháu mỗi người thay phiên nhau đọc cho cha má nghe. Điều này rất có lợi vì nhờ vậy mà con cháu cũng hiểu được đạo, cũng có thể cùng phát tâm tu hành….. nhứt là người nào chưa tin Phật pháp thì cha má cứ nhờ đọc nhiều lần, biết đâu cha má cứu được người đó. Hễ cha má thích con cháu đọc thì con cháu cũng thích đọc cho cha má nghe, hễ có đọc thì có cơ hội hiểu.

Nếu khuyến khích con cái trong nhà đều niệm Phật thì chính cha má đã tạo được một công đức lớn. Nhờ đó mà thiện căn của chính mình tăng trưởng, và cái lợi ích thiết thực nhất là khi lâm chung mình đã có một số người hùng hậu vây quanh để hộ-niệm bảo vệ mình, có vậy mới tránh được cái nạn oán thân, trái chủ. Người niệm Phật cầu vãng sanh luôn luôn chuẩn bị chu đáo cho giờ phút lâm chung, đây là điều tối quan trọng, không thể lơ là được.

Xin đọc lại những thư nói về Hộ-Niệm cho thật kỹ, đừng sơ suất. Người mới tu hành, công phu chưa vững, muốn được “Đới Nghiệp Vãng Sanh” thì luôn luôn cần phải chuẩn bị một số người hộ-niệm lúc lâm chung, nếu không có người hộ-niệm rất dễ bị oán thân, trái chủ, hoặc nghiệp chướng phá hoại vào giờ phút chót làm mất phần vãng sanh.

Một người ở thế gian này mà có cơ duyên niệm được câu Phật hiệu là trong nhiều đời, nhiều kiếp ở quá khứ đã có căn lành phước đức rất lớn. Trong Kinh Vô-Lượng-Thọ, ông vua A-Xà-Vương-Tử khi nghe Phật thuyết về Thế-Giới Tây-phương Cực-lạc của Phật A-di-đà, ông bèn cùng năm trăm vị trưởng lão tùy tùng liền đồng dũng mãnh phát nguyện rằng tương lai sẽ tu thành Phật như Phật A-di-đà. Phật nói, nhóm người này trong tiền tiền kiếp đã có phước đức cúng dường tới bốn trăm ức đức Phật. (1 ức = 100 ngàn; 400 ức = 40.000 ngàn = 40 triệu). Đây là một phước báu vĩ đại, ở thế gian này không dễ mấy ai có được. Ngày nay chúng ta tìm một vị Phật để nhìn thử không có, thậm chí một vị Thánh A-La-Hán thôi cũng không thấy thì làm sao mà có được cái phước báu cúng dường cho bốn trăm ức Phật? Ấy thế mà trong kinh Phật nói nhóm người ấy chỉ được cái phước báu tối thiểu, cái tiêu chuẩn thấp nhứt để giúp cho họ tin được lời Phật, phát được tâm nguyện muốn thành Phật chứ chưa đủ để phát nguyện viên mãn thành Phật.

Lời Phát nguyện viên mãn thành Phật là: Nguyện vãng sanh Tây-phương Tịnh-độ. Nghĩa là người nào phát tâm nguyện cầu vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc thì tự nhiên họ đã có cái phước báu vượt hẳn cái phước báu cúng dường bốn trăm ức đức Phật. Vì nguyện thành Phật là lời nguyện cao cả, nhưng bao lâu để thành Phật thì mông lung vô cùng tận! Một triệu đời hay một triệu kiếp? Một tỷ kiếp hay vô lượng kiếp tu hành nữa để thành Phật đây?! Trong suốt khoảng thời gian vô cùng vô tận đó liệu còn đủ bản lãnh chống chọi với những thế lực hung hiểm không? Có giữ được chí nguyện đó không? Hơn nữa người tự tu thành Phật nhất định phải đoạn diệt rốt ráo tất cả nghiệp chướng, vọng tưởng, chấp trước, vô minh, tham, sân, si, mạn, kiến tư phiền não, trần sa phiền não, đoạn luôn cả bốn tướng: ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ-giả, v.v… tới lúc đó may ra mới mong ngày thành Chánh-Giác. Cha má, anh chị em cứ tự nghĩ thử coi, liệu mình có làm nổi chuyện này không? Rất là khó!

Còn người niệm Phật nguyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc thì hoàn toàn khác, vì họ được đới nghiệp vãng sanh, một đời này họ có thể thực hiện được, một đời này thôi biết bao nhiêu người đã thành công rồi. Thử đếm sơ sơ nội trong vòng mười năm trở lại đây thôi mà có thể một vài trang giấy còn thiếu chỗ để ghi. Đây là sự thật. Người nào có duyên lành thấy được điểm này thì phải biết giựt mình tỉnh ngộ, hãy mau mau niệm Phật cầu vãng sanh Tây-phương, quyết định đừng chần chừ, đừng dùng dằng nửa ở nửa đi, đừng bán tín bán nghi. Nhứt tâm một lòng niệm Phật cầu sanh là được. Đây gọi là dễ. Một pháp môn tu hy hữu trên đời chỉ dành cho người nào có đủ thiện căn, phúc đức, nhân duyên. Đã gặp pháp môn này rồi mà để lỡ qua cơ hội, xin thưa thẳng thắn rằng, một tỷ đời sau chưa chắc sẽ được cái may mắn gặp lại Phật pháp để thực hiện mộng liễu sanh thoát tử.

Thưa cha má, cha thường nêu ra vấn đề thiện căn phước đức, cứ lo ngại là phải tu hành nhiều đời, nhiều kiếp, phải có thiện căn tối thiểu nào đó mới có thể đắc thành Phật quả chứ đâu phải dễ! Thì hôm nay, trong kinh Phật chỉ cho ta biết cái thiện căn tối thiểu đó chính là con số cúng dường bốn trăm ức Phật như trong kinh Phật nói. Con số này quả thật quá lớn! Thế nhưng một người có cái phước đức thiện căn lớn như vậy vẫn chưa đủ để họ Tín-Thọ-Phụng-Hành pháp môn niệm Phật, nghĩa là chưa đủ để thành Phật.

Thế thì liệu mình có được phước đức đó không? Thưa cha má, phước đức này không phải mình nghĩ mà có, mình tìm mà thấy, mình muốn mà được đâu. Nhưng cũng tức cười, nhiều khi chính mình đã có mà mình không hay biết. Vì sao? Vì thần thức của mình vẫn đang bị nhốt tù trong cái thân tứ đại, chân tâm đang chìm trong vô minh cho nên không thấy, không biết. Muốn biết mình có thiện căn vĩ đại hay không hãy lấy cái TÍN-TÂM của mình mà đo, lấy SỰ-PHÁT-NGUYỆN của mình mà lường, hãy coi thử mình có CƠ-DUYÊN gặp được câu A-di-đà Phật hay không thì biết. Ví dụ, trong gia đình mình khi con nói về niệm Phật, người nào khởi phát tín tâm trước hết, phát nguyện trước hết thì biết chắc chắn đã có thiện căn lớn hơn ai hết.

Người nào tín, tho,ï phụng, hành đầy đủ pháp môn niệm Phật thì biết chắc trong tiền tiền kiếp họ đã cúng dường tới bảy, tám, chín trăm… vô số ức Phật mà họ không hay, chứ không phải chỉ có bốn trăm ức đâu. Còn người nào tin nửa vời, hoặc không tin, thì biết là thiện căn của họ không nhiều hoặc là bị chướng ngại gì đó, chưa có cơ duyên thành Phật thành thục trong đời này. Họ muốn tu bồi thêm thiện căn, còn hơn năm trăm triệu năm nữa mới có một đức Phật nữa ra đời. Hãy tính nhẩm thử coi họ sẽ trải qua bao nhiêu kiếp năm nữa?!…

Đã có thiện căn thì sẽ gặp cơ hội vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc thành Phật, mới xui khiến có người điềm chỉ pháp môn niệm Phật. Kinh Phật đã nói như vậy. Bây giờ xem lại coi, phải chăng gia đình mình nhiều người đang được nghe nhắc đến danh hiệu A-di-đà Phật rồi, thì có lẽ trong gia đình mình cha má, anh chị em, bà con, cô bác trong vùng cũng có thể có khá nhiều người đạt đủ tiêu chuẩn mà không hay đó?! Xin đừng tự ngăn cản con đường vãng sanh mà đành cam chịu đọa lạc cha má ạ!…

Bây giờ, giả như có nhiều người cứ nghĩ rằng mình không đủ phước báu thì làm sao đây? Hãy nói với họ, đừng suy nghĩ nữa, cứ phát tâm niệm Phật cho nhiều đi, phát nguyện mỗi ngày niệm năm ngàn câu, rồi mười ngàn câu Phật hiệu, nếu cũng chưa thấy gì thì niệm hai mươi ngàn, ba mươi ngàn… cứ làm đi rồi họ sẽ tự thấy cái phước của họ lớn tới cỡ nào, có đủ tiêu chuẩn hay không sẽ biết liền. Chứ còn cứ ngồi đó than thiếu phước đức mà không chịu niệm Phật, thì tìm đâu ra phước đức đây? Cũng nên nhớ rõ một điều, là dù cho đã có đủ thiện căn phước đức nhưng chỉ muốn hưởng phước, không chịu phát tâm cầu vãng sanh thì cũng như không thôi. Thật là đáng tiếc!

Cha má đã già yếu rồi, con xin cha má hãy quyết chí giác ngộ đường đi, đừng phóng tâm tìm cầu những cái hão huyền của thế thái nhân tình nữa mà rốt cuộc phải chịu trầm luân. Con ở đây lâu lâu nhận được thư từ các cháu, anh chị em. Nghe sơ qua thì thấy có tu, nhưng đọc kỹ lại thì đường đi vẫn còn bị lạc. Đây không phải là cố tình hay bướng bỉnh, mà lại là vô ý lạc đường, thường lấy cái phụ làm chính, trong khi cái chính thì quên mất. Đây có lẽ, một là thói quen, nó cứ lôi cuốn vào đó. Hai là những thư con viết về không chịu đọc kỹ, cứ coi đại khái rồi bỏ qua.

Chính vì thế mà mỗi lần nhận thư thì con đều phát hiện ra sự “lạc nẻo”. Nên nhớ, tu mà sai đường thì vừa tốn công sức, vừa làm giảm mất niềm vui, không những khó có lợi ích mà sau cùng đành thất bại. Ấy là do mình sơ ý chứ không đổ thừa cho Phật pháp không linh được.

Cho nên, tha thiết xin cha má, anh chị em, con cháu… hãy cố gắng nghe pháp cho nhiều, thiếu pháp thì tạm đọc những thư của con cho thật kỹ, có giờ rảnh đọc thêm nhiều lần thì tự nhiên hiểu. Ai còn mập mờ chỗ nào thì mạnh dạn viết thư hỏi, con sẽ trả lời thật rõ ràng cho. Người trong nhà có gì đâu mà ngại.

Muốn về được Tây-phương thì phải biết BUÔNG-XẢ cha má ạ. Buông-xả một phần, mình gần với Phật một phần, buông mười phần, gần mười phần. Không buông xả thì tự trói mình trong lục đạo luân hồi. Buông xả là quên đi những thứ vàng, bạc, nhà cửa, danh vọng, nhân nghĩa, tiếng thơm, tiếng thối… đừng để những thứ tục lụy này vướng bận tới mình nữa thì tự nhiên thấy Phật! Nghĩa là, thấy rõ ràng minh bạch nhưng xin đừng lưu luyến, đừng ham muốn, đừng vui khi có, đừng buồn khi mất, đừng cố nắm bắt chúng như trước giờ nữa, thì mình tự nhiên sẽ đi tới đất Phật trong đời này. Tuổi già thọ mạng mong manh như giọt sương đầu cành, quyết định phải dứt khoát chứ không thể chần chờ như tụi trẻ nữa cha má ơi! Nên nhớ, có khi mình muốn buông xả nhưng có những việc ngầm ý lôi kéo mình lại. Nhiều lúc hành động và tâm ý đều bỏ, nhưng hoàn cảnh, nhân duyên, con cháu, lại trói buộc mình lại đó.

Cho nên cần phải rất nhạy bén để ý mới thấy vấn đề. Nếu không, có nhiều thứ chi phối rất vi tế nó trở ngại việc vãng sanh. Con viết về cha má nhưng lại thường gởi về các anh chị em, là chính con muốn các anh chị em đọc trước đi để cùng hiểu, cùng thấy chữ “Đại-Hiếu” là quan trọng, để cùng nghĩ ra hướng giúp cho cha má tích cực hoàn thành đạo nghiệp. Rất nhiều thư con cứ lập đi lập lại những điểm then chốt là vì điều này. Xin hãy đọc thật kỹ đừng xem lấy lệ nữa.

Nên nhớ, có những việc làm thấy rất hay đối với thế tục, nhưng xét về mặt đạo lại trở thành vụng về, nếu không muốn nói là sai lầm! Ví dụ, có nhiều người cứ tới ngày lễ, ngày giỗ là làm đám, làm tiệc tưng bừng, giết heo, gà… để thết đãi. Sát sanh thì ác nghiệp nặng lắm, chuyện này hoàn toàn không tốt đâu! Có người thích uống rượu, thích một lon bia để ngủ cho ngon. Thế tục thì thấy ngon thật, nhưng về mặt xuất thế thì ngủ ngon trong hơi bia gọi là hôn trầm, càng hôn trầm càng gần với đường súc sanh trong mai hậu.

Uống rượu say là một trong năm giới cấm của Phật, (sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói láo, uống rượu). Người cứ uống rượu rất dễ gây tội ác, nếu không gây tội đi nữa thì tâm trí cũng thường bị hơi men làm u-ám, đời sau dễ chiêu cảm sanh làm súc vật, không tốt đâu! Giận dữ là nghiệp báo địa ngục, keo kiệt thì nghèo khổ, khinh người thì cô đơn, ghét người thì bệnh hoạn, ác thì thành quỷ, hiểm thì thành ma, v.v… tất cả đều không tốt! Hãy khuyên nhau liệng bỏ cho hết đi. Tu hành là quyết quét cho sạch những thứ riêng tư ích kỷ, để cho tâm mình càng ngày càng mở rộng ra. Thế thôi chứ có gì đâu.

Một chuyện nữa cũng nên nhắc thêm, là nhiều người thích tới chùa cầu xin phước lộc, cầu trúng số, cầu giàu có, cầu may mắn… Cầu đó không có ác tâm gì cả, nhưng càng cầu càng càng sai. Có nhiều vị Sư biết vậy mà gỡ không được. Các vị Sư thì gặp hoàn cảnh khó khăn, Phật tử thì không thường nghe pháp, thành ra cứ hễ tới chùa là lạy Phật cầu danh, cầu lợi. Có người ngày ngày cầu xin cho trúng độc đắc để cúng dường Phật!… Đó không phải là tu hành, mà là tạo nghiệp. Đừng nên hối lộ với Phật nữa mà có tội nặng. Chính lòng tham­lam, tự-tư ích-kỷ, là cái hạnh nghiệp của loài ngạ quỷ, sống hàng vạn đời trong đói khát thèm thuồng, chứ có hay ho gì đâu mà cầu!

Hôm trước nhận được thư của cháu Tuyết, con anh chị Hai, cháu có nói “Ông Ngoại được Cậu, Dì tặng quà…”. Cũng vì cái món quà mà con viết thư này đây, nếu anh chị em có hỏi tới con có lẽ con đã bàn thấm thía hơn!

Vì có lòng hiếu thảo con cháu hùn nhau mua sợi dây chuyền tặng cho cha má đeo. Nhìn bằng con mắt thế tục thì hay lắm, con cháu thật sự có tình nghĩa. Nhưng xét cho cùng tới chỗ lý đạo thì coi chừng bị sơ hở! Vì sao vậy? Thưa cha má, như trên con đã nhắc qua, muốn vãng sanh thì phải biết buông-xả, đừng dính mắc vào bất cứ chuyện gì thì mới có hy vọng thoát thân được. Buông-xả thứ gì đây? Gần gũi nhất là “Ngũ-dục, Lục-trần”. Ngũ-dục là “Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy”, lục trần là “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp” (“Xúc” là tiếp xúc, “Pháp” là những phương pháp, triết lý, cách sống, suy nghĩ, TiVi, kịch ảnh, cải lương… của thế gian).

 Trong ngũ-dục, thì tiền tài là món ảnh hưởng rất lớn. Một người trước phút lâm chung chỉ cần khởi một niệm tham luyến ngũ dục thì tức khắc bị đọa lại trong tam đồ liền. Sợi dây chuyền, đôi bông tai, tiền bạc… tiêu biểu cho “Tài”, dễ gây xáo động tâm ý người ra đi. Trong một thời điểm tối quan trọng, tối khó khăn, một khi vừa lóe lên một ý niệm, tâm bị dao động thì có thể thay đổi hẳn cục diện. Nghĩa là thay vì vãng sanh thì lại trở thành đọa lạc. Ngũ-dục, lục-trần là những cái còng lôi mình lại trong luân hồi đọa lạc. Những người tới chùa mà đeo nữ trang đầy mình, xiêm y lòe loẹt thì dù bề ngoài họ có tu hành, nhưng cũng khó mà đắc được gì! Đó không phải là nhìn bề ngoài mà đoán bên trong, nhưng chính cái tham luyến bên trong của họ đã thô thiển lộ ra bên ngoài vậy!

Cho nên, nếu thật sự muốn cầu vãng sanh Tây-phương Cực-lạc trong một báo thân này để trở về cái chân tánh Phật tâm của mình thì phải cẩn thận chú tâm quán xét cho kỹ. Pháp niệm Phật là “Vạn nhân tu vạn nhân đắc”, chỉ cần làm đúng là đi được. Thế nhưng tâm không thanh tịnh, không chịu làm đúng, thường để ngũ dục, lục trần cám dỗ đánh lạc hướng, nhất là giờ phút lâm chung thì cũng đành chịu thua. Bây giờ cụ thể con nêu vài ý kiến cha má nghĩ thử. Con nghĩ tuổi già cả không nên đeo đồ nữ trang trong người làm chi.

Một là, dễ tạo nên tà ý cho những kẻ bất thiện. Những chuyện cướp giựt, giết người đã xảy ra khắp nơi chỉ vì một vài ngàn bạc nhỏ nhoi đã từng xảy ra thì mình cũng cần chú ý. Tuổi trẻ họ đua đòi thì đành như vậy đi, còn cha má đã quá già rồi đeo thứ đó làm chi. Lão-Tử dạy, “Bất kiến sở dục, sử nhân tâm bất loạn”. (Nghĩa là, đừng khơi cái lòng tham thì con người không khởi loạn). Cái sợi dây chuyền dù nhỏ nhoi tới đâu, nhưng đeo trên thân thể một ông cụ ốm yếu lụm cụm là món mồi quá ngon cho lòng tham nổi loạn. Đừng để phải ân hận thì mình cũng đã thiệt thòi rồi, đúng không thưa cha má?

Cho nên, đừng thèm đeo, không thèm cất giữ, đó mới là tự tại. Nếu gia đình có những đứa con bất hiếu ngỗ nghịch, sợ ngày già không ai nuôi, sợ chết không ai chôn, thì cũng ráng cất kỹ để chết có tiền chôn!?… Cha má đâu có những đứa con đó đâu mà lo trước?

Con xin kể ra đây một câu chuyện có thực xảy ra ngay trong làng mình mà con trực nhớ ra, chuyện xảy ra từ ngày con còn nhỏ, có lẽ cha má còn nhớ. Một bà cụ ở với người dâu và đứa cháu nội khờ. Người dâu lại chết trước, bà nội lụm cụm nuôi đứa cháu dại khờ rất tội nghiệp. Bà sống khá thọ trong cảnh côi cút đó. Khi bà chết âm thầm trong nhà, người hàng xóm có liên quan bà con gì đó thường lui tới “giúp đỡ”, thấy vậy, cái hành động giúp đỡ đầu tiên là giựt cái nắm tiền trong tay đã cứng đơ của bà cụ, cái giúp thứ hai là giựt đôi bông tai bằng vàng còn dính trên tai người chết. Đang làm chuyện này thì có một người hàng xóm khác vừa tới, phát hiện ra… Người chết thì đã chết rồi, người giựt thì nay cũng đã nằm trong nấm mồ xanh cỏ. Thật là chua xót! Chuyện là như vậy…

Đời thật quả vô-thường! Nếu bà cụ đó có tu hành, biết đời là mộng huyễn thì giữ chi đôi bông tai? Biết đời là bọt bóng, là ảo ảnh thì nắm làm chi cái gói tiền trong khi chết? Còn người kia nếu có tu hành thì chắc cũng hiểu kiếp sống ngắn ngủi như giọt sương, có đó mà tan biến nhanh như điện chớp, thì giành giựt làm chi những thứ giả tạm cho mang nghiệp vào thân? Rõ ràng những thứ này, sinh không mang tới chết không đem theo, mà tham luyến làm chi vậy?!

Cho nên, đeo mấy thứ vàng bạc để làm chi? Tuổi già chờ từng ngày một để ra đi thì mấy thứ này nên cởi xuống giao lại cho con cái nó giữ, muốn bán, muốn cất tùy ý, cứ miễn sao mình có cơm ăn qua ngày là được. Mua thứ mắc tiền tặng cha má sao bằng tới chùa thỉnh xâu chuỗi về đeo, nó vừa hay vừa rẻ hơn nhiều. Thứ này gặp người xấu, năn nỉ họ lấy cũng không thèm lấy. Nhưng xâu chuỗi để giúp niệm Phật, một hột một câu, hằng ngày niệm liên tục thì một hột chuỗi tàng chứa hàng ngàn, hàng vạn câu Phật hiệu. Đeo câu Phật hiệu lên người để nó nhắc mình niệm Phật, để được giải thoát, nó phải hay hơn những thứ tài vật ngàn vạn lần chứ cha má!

Hai là, nếu cha má đã hiểu được đạo, đã thấy vãng sanh về Tây-phương là điều tối quan trọng, vô cùng quý báu, một cái đại phúc báu trên đời, thì cha má hãy dồn hết nỗ lực vào con đường đó. Con đã gởi về cho An một nửa bộ giảng ký Kinh Vô-Lượng-Thọ của Ngài Tịnh-Không giảng, đây là kinh đức Phật Thích-ca nói về cảnh giới Tây-phương Cực-lạc, cha má cố gắng ngày đêm, đêm ngày bám sát bộ giảng ký này mà nghe, nghe đi nghe lại hàng trăm lần thì tự nhiên thấy hết tất cả. Cha sẽ thấy cái tối thắng không thể nào nghĩ bàn của thế giới đó, đang mở cửa đón mời những người niệm Phật vãng sanh.

Còn một hơi thở còn niệm câu Phật hiệu, còn một cảm giác còn nghĩ tưởng đến Phật A-di-đà. Tất cả đều hướng thẳng về mục đích tối hậu ấy thì mới mong khỏi lạc đường. Suốt cuộc đời mình đã sơ ý để tâm mình chạy đi khắp nơi, quyến luyến toàn là ngũ-dục lục-trần, quên bẵng câu Phật hiệu suốt bảy tám chục năm rồi. Giờ đây đã đến tuổi xế chiều, gần ngày ra đi mà không chú tâm giải thoát, vẫn còn lưu luyến mấy thứ đó nữa thì làm sao có thể cởi thoát mấy cái sợi dây thòng lọng đó được? Chẳng lẽ đã thấy rõ đường đi rồi mà vẫn cam tâm đọa lạc nữa sao, thưa cha má?

Chắc cha má và anh chị em đã coi xong cuộn “Hoa Khai Kiến Phật” rồi chứ gì? Bà cụ Triệu-Vinh-Phương, chín mươi tuổi mới có cơ may niệm Phật, bà quyết lòng tin tưởng đi thẳng một mạch, chín mươi bốn tuổi vãng sanh vào năm 1999. Khi thiêu xác, bà còn biểu diễn một pha ngoạn mục, là chiếc xương biến thành tượng Phật để tặng lại cho những người hộ niệm cho bà. Chuyện này chẳng lẽ chưa tin sao? Trong cuộc đời của Cụ có một sợi dây chuyền vàng rất quý giống như gia bảo vậy, có hột kim cương hình Phật, đế Phật ngồi được làm bằng thứ cát lấy ở sông Hằng-Hà bên Ấn-Độ là nơi tiền thời đức Phật có ngự tới. Sợi dây chuyền quý giá được bà trân quý, là vật bất ly thân trong suốt cuộc đời. Thế nhưng khi đã hiểu đạo, bà gỡ liệng ra và dặn con cháu không được để bà thấy lại lần nữa.

Đó là một quyết định rất là sáng suốt, rất trí dũng. Bà biết tâm tham luyến của bà chưa rửa sạch, suốt chín mươi năm trường chạy theo dục lạc, tiền tài thế gian thì nay vừa mới hiểu đạo, nhưng chưa có công phu làm sao dám khinh thường những sự cám dỗ của vật chất. Cho nên nếu cha má thật sự quan tâm đến huệ-mạng của mình thì phải dứt khoát đoạn tất cả những nguồn tham luyến này, tất cả những thứ gì gây ảnh tượng đam mê phải tìm cách bỏ, bỏ một lần không được thì phải tập bỏ dần hằng ngày, hằng giờ, hằng phút. Nếu lơ là thì dù có thương cha má tới đâu, dù có chuẩn bị cho cha má tới đâu, dù có viết hàng trăm lá thư nữa cũng trở thành vô ích, con cũng chỉ đành rơi nước mắt mà nhìn cha má trôi lăn theo dòng nghiệp báo đọa lạc mà thôi!

Nếu hỏi rằng, thích đeo một sợi dây chuyền, một chiếc nhẫn, một cái lắc vàng có tội lỗi gì đâu? Con xin thưa, đúng đó, không phải là lỗi gì cả nhưng chính nó sẽ là cái bẫy cám dỗ cái tâm mình. Cha má nên nhớ một điều là tất cả mọi cảnh giới ở tương lai đều hình thành ngay trong tâm tưởng của mình trong hiện tại này đây và nhất là tại ngay thời điểm lâm chung. Tưởng nhớ Phật về tới cảnh Phật. Đang niệm Phật, sợi dây chuyền cạ ngưa ngứa tại cổ là đủ cho mình nghĩ tưởng tới nó rồi, tức là tâm bị lạc liền. Niệm Phật, Phật quang bắt đầu hiện ra tiếp dẫn, chỉ cần một tiếng kêu khóc của con cháu thì Phật quang biến mất, cảnh giới xoay hướng, thần-thức bị lôi vào khoảng cách ấm mê mờ để tiếp tục trôi theo dòng nghiệp báo luân hồi. Định lực không mạnh, đang niệm Phật bỗng chợt thấy mẹ mình vẫy tay mình tưởng thiệt, vừa bước theo là xong ngay, nó chộp liền, vì đó chính là Ma-quái đã gạt mình, v.v…

Cho nên con thường nhắc đi nhắc lại rất nhiều thư, và dặn anh chị em hãy thay phiên nhau đọc thư để cha má hiểu và con cũng muốn mọi người trong nhà cùng hiểu để cùng hỗ trợ, hộ-niệm cho nhau. Nhưng đáng tiếc là ai cũng chỉ coi lướt qua, coi lấy lệ rồi mỉm cười!… Trong cuộc đời này chưa chắc có nhiều người hiểu được cái đạo lý giải thoát này đâu. Tìm mờ mắt chưa chắc đã có người chỉ rõ được đường đi nước bước rõ ràng như con đâu cha má ạ. Thư con viết khá dài là để nói rõ, bất cứ ai cũng có thể coi được, hiểu được. Thư khuyên tu hành có gì đâu mà phải ngại riêng tư.

Hỏi rằng tại sao Phật quang lại dễ tan biến vậy? Sao mà yếu vậy? Không phải vậy đâu. Ánh sáng của Phật, như trong kinh nói, “Phật hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết…” nghĩa là Phật quang luôn luôn phổ chiếu khắp mười phương thế giới, tất cả mọi nơi (chứ không phải chỉ riêng quả địa cầu này) để tiếp dẫn chúng sanh, không có giây phút nào ngưng hết. Nhưng bên cạnh đó ta cũng nhớ là ánh sáng của Ma-Vương cũng thường chiếu để tranh nhau tiếp dẫn. Chỉ có khác là ánh sáng của ma thì làm cho tâm mình nóng-nảy, đố-kỵ, giận-dữ, tật-đố, ganh-ghét, tham-lam… dẫn tới sự đọa lạc. Dễ nhận hơn là làm cho ta chói mắt. Còn quang minh của Phật thì làm cho dịu mắt, tâm hồn an-ổn, thanh-tịnh, từ-bi… để giải thoát. Quang minh của Phật tiếp dẫn bình đẳng và tùy duyên, ai tiếp nhận thì được hưởng, ai từ chối thì quang minh biến mất.

Cái tâm của mình thật sự có hai mặt vừa là tấm chắn vừa là hấp thụ. Tưởng tượng như ta đang đứng giữa hai luồng ánh sáng chiếu tới, hễ ta ngăn ánh sáng này thì ánh sáng kia tràn ngập, ta chận ánh sáng kia thì ánh sáng này tràn ngập. Khi tâm ta quyết theo Phật, chỉ Nghĩ – Tưởng – Niệm – Nhớ tới Phật thì tự nhiên tấm chắn sẽ ngăn ánh sáng ma lại và Phật quang tự do chiếu xúc tiếp dẫn ta vãng sanh. Ngược lại, thì tự ta làm ta bị đọa lạc. Đây là ví dụ.

Lời tán thán Phật A-di-đà có câu, “Quang Trung hóa Phật vô số ức, hóa Bồ-tát chúng diệc vô biên”, nghĩa là Phật tiếp dẫn chúng sanh bằng cách phóng ánh sáng đi khắp nơi, trong ánh sáng hóa ra Phật, Phật lại phóng quang, quang minh lại hóa ra Phật… trùng trùng điệp điệp để cứu độ tất cả chúng sanh. Trong quang minh của Phật còn hóa ra Bồ-tát để bảo vệ, hộ pháp, thuyết pháp cho người niệm Phật. Cho nên, niệm Phật nhứt tâm thì tự nhiên được quý Bồ-tát bảo vệ, không nhứt tâm thì quang minh biến mất, Bồ-tát cũng bỏ đi luôn, ma quái tự do hốt gọn thần-thức đi về chỗ đọa lạc .

Trở lại chuyện đeo vàng bạc trên người, thật là điều không tốt! Cất giữ vàng bạc cũng không hay ho gì đâu cha má ạ! Cha má nghĩ thử, pháp môn niệm Phật là pháp tối thắng mà Phật A-di-đà cúng dường cho tất cả chúng sanh, không phân biệt có lỗi hay không, có tội hay không đều được bình đẳng vãng sanh về Tây-phương để thành Phật trong một đời này. Chỉ cần là người đó phải biết thành tâm ăn năn, chí thành sám-hối, một lòng tin tưởng Phật, nhứt tâm nguyện sanh về đó, nhứt hướng chuyên niệm A-di-đà Phật thì được Phật tiếp dẫn. Rất nhiều người đã vãng sanh rồi, nhiều lắm chứ không phải là không có.

Cho nên niệm Phật vi diệu lắm, không thể tưởng tượng được đâu, nhưng nó đòi hỏi phải nhứt tâm niệm Phật, nhứt tâm tưởng Phật, nhứt tâm hướng về Tây-phương thì tự nhiên thành. Còn như lơ đễnh, còn xao lãng, còn mơ chuyện này, chuyện nọ thì đành mất phần vãng sanh. Lúc đó niệm Phật sẽ trở thành thứ phước báu bình thường để đời sau hưởng phước. Cái nguy hiểm là càng nhiều phước thì càng gây nhiều họa, để cuối cùng vẫn phải chịu đọa lạc và bị nặng hơn.

Cho nên chuyện cất giữ tiền tài, nhìn qua thì không dính dấp gì đến chuyện niệm Phật, nhưng xét cho kỹ thì coi chừng nó là cái còng giữ mình lại đó. Cha má nghĩ thử, người thực sự muốn vãng sanh thì tâm tâm phải niệm Phật. Đàng này đi đâu cũng nghĩ tới tiền, ra ngoài mà tâm cứ bồn chồn lo lắng liệu có ai vào nhà ăn trộm không? Mình để chỗ đó có an toàn không? v.v… Thưa cha má, liệu mình còn an tâm niệm Phật nữa không? Đây chỉ là ví dụ, chứ còn biết bao nhiêu thứ khác chi phối tâm trí, nào là ai cho heo ăn? Ai tưới rau? Ai giữ cháu? Ai đi chợ bán giùm cho con?… Khi cái tâm đã trói quyện vào những thứ đó rồi làm sao niệm Phật cho trôi đây?

Xin cha má nhớ cho, niệm Phật chính là TÂM NIỆM CHỨ KHÔNG PHẢI MIỆNG NIỆM. Niệm Phật là trong tâm lúc nào cũng tưởng-nghĩ-nhớ tới Phật, tất cả đều nhứt tâm hướng về Phật mới gọi là niệm Phật. Còn miệng là dùng để nói, kêu, gọi… Phật, chuyên môn hơn một chút gọi là miệng XƯNG PHẬT. Cho nên mới có danh từ là Xưng Niệm. Xưng thuộc về miệng, niệm thuộc về tâm, lâu ngày mình cứ gọi chung là niệm Phật cho đơn giản, chứ thực ra miệng xưng là để nhắc cho cái tâm niệm Phật. Vì cái tâm cứ chạy rông cho nên cái miệng phải xưng A-di-đà Phật cho lớn để kéo cái tâm về, để chuyển hóa hoàn cảnh, chuyển phiền não thành ra A-di-đà Phật để đưa về tâm. Hễ cái tâm càng xao lãng thì niệm càng lớn để đánh thức, đó là cái phương tiện để đánh thức cái tâm. Khi đã thức tỉnh rồi thì tất cả những thứ gì làm tâm mình bị chi phối phải liệng đi, quên đi, bỏ đi để cho tâm mình thanh tịnh niệm Phật. Chứ còn bây giờ đi đâu cũng lo với lắng, giờ giờ phút phút đều nghĩ tới hết chuyện này đến chuyện khác, thì dù cho miệng có kêu “A-di-đà Phật” đến khan cổ bể hầu cũng chỉ là vô ích mà thôi!

Cho nên, tốt nhứt là không giữ thứ gì cả thì an nhiên tự tại. Tiền bạc đừng nên giữ làm gì, có được đồng nào có thể giao hết cho chị Ba, em Thứ hoặc vợ chồng Mười Phương giữ đi. Hãy để tự các con giải quyết sao cũng được, miễn sao cha má có hai bữa cơm hàng ngày là được rồi, mấy người con thay phiên nhau nấu cơm, mình ăn xong niệm Phật, không thấy thoải mái hơn sao?

Ráng lên cha má, chỉ quyết tâm niệm Phật một thời gian trong cuối đời ngắn ngủi này thôi, mà cha má vãng sanh được là vượt hơn người ta tu vạn kiếp chứ không phải nhỏ đâu. Anh chị em, con cháu trong nhà nên thương cha má, hãy cố gắng phụng dưỡng ông bà. Chúng ta cùng nhau cố gắng lo tròn chữ hiếu, đừng vô tình cứ tỉnh bơ mà tội nghiệp cho người sanh thành và cho chính mình nữa vậy.

Nam-mô A-di-đà Phật.
Con kính thư. 

(Viết xong, Brisbane ngày 19/5/2002).

Mình đã hồ đồ,mê muội lúc đầu thai. Giờ đây, mình phải sáng suốt tìm đường đi lúc chết–Con đường ấy chính là niệm“A‐di‐đàPhật”.(Hòa‐Thượng Quảng‐Khâm).

(Còn tiếp)