Trước đây tôi đã từng đi nhiều chùa, đọc kinh cũng nhiều, thử qua nhiều môn thiền khác nhau nhưng khi tôi thiền xong 10 ngày với pháp môn được giảng dạy bởi Ngài SN Goenka theo truyền thống của ngài U Ba Khin thì tôi quyết định theo pháp môn này cho đến hết cuộc đời của mình .
Nhiều người thuộc lòng kinh điển, biết rõ những tầng thiền là gì, thông suốt những lời Phật dạy nhưng nếu họ không thực hành thì vẫn còn thiếu sót.
Pháp môn thiền Vipassana được giảng dạy bởi ngài Goenka cho phép chúng ta hiểu rõ những căn bản của pháp hành này đồng thời chứng ngộ tùng bước một những gì mà Đức Phật đã giảng dạy trong suốt 45 năm: Bát chánh Đạo, thập nhị nhân duyên, 37 phẩm trợ đạo….
Pháp môn Goenka (tôi tạm dùng từ ngữ này thay cho pháp thiền Vipassana được giảng dạy bởi ngài Goenka theo truyền thống của ngài U Ba Khin) hiện nay được giảng dạy hoàn toàn miễn phí trên toàn thế giới và đã có mặt tại Vietnam từ năm 2007.
Những thiền sinh cũ đã từng dự một hay nhiều khóa thiền 10 ngày đều gặt hái được nhiều lợi lạc .
Tuy khóa thiền hoàn toàn miễn phí và dành cho tất cả mọi người nhưng những ai yếu bóng vía sẽ chùn bước trước những nội quy, điều lệ của khóa thiền 10 ngày: không nói chuỵên trong vòng chín ngày đầu tiên của khóa thiền, chỉ ăn sáng và ăn trưa, chiều thì thiền sinh mới được dung trái cây, thiền sinh cũ chỉ dung nước chanh, thiền liên tục từ 4g sang đến 9h tối, cứ thiền 1 tiếng thì được nghỉ 5 phút…
Những gì được giảng dạy trong vòng 10 ngày có thể được tóm tắt bằng 3 chữ :
Giới- Định- Tuệ
Do những điều lệ khắt khe của khóa thiền mà thiền sinh không có cơ hội phạm năm giới, họ duy trì năm giới trong suốt khóa thiền.
Ba ngày rưỡi đầu, họ thực hành thiền định bằng cách quán hơi thở và cảm giác chung quanh vùng mũi của mình, vào ngày thứ tư Vipassana chính thức được giảng dạy và vào ngày cuối cùng thiền sinh thực hành Từ bi quán để chia sẻ công đức của việc thực tập thiền với tất cả chúng sanh.
Theo kinh nhiệm riêng của cá nhân tôi thì trình độ thực chứng tùy theo ba la mật của mỗi người. Ngài U Ba Khin tuyên bố: những ai thực lòng cầu đạo và thiền một cách nghiêm túc trong vòng 10 ngày thì đều gặt hái được những kết quả rất khả quan.
Những ngày đầu quả là một cực hình đối với thiền sinh mới, một phần vì thức ăn đạm bạc, một phần không được nói chuyện nhưng chủ yếu là những sự bực bội này được khuếch đại trên bề mặt của tâm thức do công phu thiền tập theo hơi thở. Phương pháp quan sát hơi thở ở đây khác những pháp môn thiền khác là chúng ta chỉ quan sát hơi thở đơn thuần mà không đếm hoặc niệm Phật hoặc xen vào bất kỳ hình ảnh nào. Do đó việc tập trung trở nên khó khăn và thiền sinh cảm thấy không thoải mái khi bắt đầu thưc hành môn thiền này. Nhiều thiền sinh quan niệm là khi tôi bỏ công 10 ngày, ngồi liên tục 10 tiếng 1 ngày, tôi sẽ được an lạc. Nếu các bạn thiền những môn thiền khác về hơi thở mà họ cho phép bạn đếm hoặc tụng niệm danh hiệu một vị Phật, hoặc tụng một câu thần chú, hoặc quán tưởng hình ảnh của một vị Bồ tát nào đó thì bạn rất dễ định tâm. Mà nếu tâm định thì hỷ lạc phát sinh và bạn cảm thấy khoan khoái và nghĩ: oh đây là định, đây là giải thoát, đây là niết bàn.
Pháp thiền của ngài Goenka tạo ra nhiều khó khăn vì mục đích của nó không phải mang lại sự an lạc tạm thời cho các thiền sinh mà là một sự an lạc thực sự sâu lắng, một sự hài hòa nội tâm thực sự và tiến đến giải thoát bằng cách thanh lọc tâm trong những tầng lớp sâu thẳm nhất.
Vì vậy khi theo dõi hơi thở mà bạn không xen vào bất kỳ thứ gì khác thì bạn sẽ có cơ hội quan sát hơi thở của mình đúng như nó là: hơi thở nặng trược, thô thiển, thở dốc, thở cấp bách, đứt hơi. Thêm vào đó thiền sinh còn bị phóng tâm, tâm suy nghĩ lung tung làm cho quá trình quan sát hơi thở liên tục bị gián đoạn. Hoặc là thiền sinh bị hôn trầm hằng tiếng đồng hồ và không thể theo dõi hơi thở của mình.
Tôi từng có kinh nghiệm phục vụ nhiều khóa thiền tại trung tâm Dhamma Mahi ở Pháp và tôi cảm thấy rất khâm phục những thiền sinh mới này. Khi mà thời điểm khó khăn lên đỉnh cao, họ biến chỗ ngồi thiền của họ thành những pháo đài: họ dựng thêm hai ba lớp gối, hoặc chêm thêm những tấm chăn dầy. Họ không quen ngồi xếp bằng như người á đông và họ ngồi theo cách họ có thể nhưng phần đông quyết bám trụ và không bỏ về. Họ ý thức rất cao và chấp hành các nội quy của khóa thiền rất là nghiêm chỉnh.
Mỗi thiền sinh đều có kinh nghiệm riêng của mình và ngài Goenka luôn nhắc nhở không nên so sánh kinh nghiệm của mình với kinh nghiệm của các thiền sinh khác.
Tôi đã thiền qua nhiều khóa mười ngày, và kinh nghiệm mỗi lần mỗi khác nhau nhưng tôi cố gắng diễn tả một vài kinh nghiệm có được của mình
Vào ngày một tôi theo dõi hơi thở một cách bình thường. Mỗi lần phóng tâm, tôi lại trở về hơi thở của mình và không phản ứng.
Qua ngày hai tâm tôi trở nên tinh tế hơn và tôi nhận biết được sự xúc chạm của hơi thở ra, hơi thở vào trong cánh mũi.
Qua ngày ba tôi cảm thấy hơi thở ra nóng hơn hơi thở vào và nhận biết được nhiều cảm giác chung quanh vùng mũi.
Chiều ngày thứ ba và sáng ngày thứ tư, tâm tôi trở nên vi tế hơn. Những cảm giác chung quanh vùng mũi và môi trên trở nên dày đặc. Tôi có cảm giác là bờ miệng tôi bị xé toạc, nó biến dạng, vặn vẹo một cách kỳ dị.
Thông thường trong các trung tâm thiền, kỹ thuật thiền Vipassana sẽ được truyền dạy vào chiều ngày thứ tư.
Đối với vài thiền sinh định lực yếu thì ngày thứ tư đúng là ngày giải thoát vì họ không còn phải ép buộc tâm theo dõi hơi thở hàng giờ. Họ bây giờ có thể điều khiển tâm đi trên khắp bề mặt của cơ thể và tập cho tâm giữ được quân bình trước mọi cảm giác.
Và đây cũng chính là cốt lõi của pháp môn thiền Goenka: quan sát tất cả mọi cảm giác xuất hiện trên cơ thể, giữ bình tâm và không phản ứng.
Có nhiều người viết rằng pháp môn Goenka là chuyên về niệm thọ và không phải pháp môn của Phật. Đây là một nhận định hời hợt không chính xác. Họ phải tự mình có can đảm dự một khóa thiền 10 ngày rồi hãy phê phán.
Nếu chúng ta lấy kinh tứ niệm xứ làm căn bản thì có niệm thân, niêm thọ, niệm tâm và niệm pháp.
Tôi đã thiền theo phái Tào động một trường phái thiền Zen của Nhật dưới trướng của ngài Deshimaru. Phái này chuyên về niệm thân. Họ ngồi trên bồ đoàn cao, giữ người cho thật thẳng, và điều hòa hởi thở. Chỉ có vậy thôi, họ quan niêm phải ngồi thật thẳng như Đức Phật thì sẽ chứng ngộ ( Satori) ngoài ra không cần làm gì thêm hết. Tồi đã ngưng thiền theo môn phái này vì nó chỉ cho một số kết quả nhất định.
Nhiều trường phái theo pháp môn quán tâm, họ liên tục quan sát những gì đang xảy ra trong tâm ( cụ thể là quan sát những tư tưởng đang xảy ra và chánh niệm tất cả mọi viêc trong tứ oai nghi )
Nếu chúng ta quan sát sự phồng xẹp của bụng thì thiền định sẽ tới dễ dàng hơn vì đây là trung tâm năng lượng của con người ( đan điền ). Pháp môn của ngài Goenka thì tập trung quan sát ở phần môi trên vì đây là trung tâm thần kinh rất nhạy cảm của cơ thể. Việc tập trung ở môi trên giúp cho việc thiền quán dễ dàng hơn.
Pháp môn Goenka có những lợi thế sau đây: nếu chúng ta quan sát những cảm giác trên cơ thể thì đồng thời chúng ta cũng quán Tâm vì tất cả những gì đang xảy ra trong tâm đều đi kèm một cảm giác trên cơ thể.
Khi chúng ta quán cảm giác thì chúng ta đang sống trong hiện tại ( cảm giác nóng lạnh, ngứa ngáy, khó chịu … thì bao giờ cũng có thật mà không phải do tưởng tượng).
Khi chúng ta quán những cảm giác này mà không phản ứng thì nghiệp lực được tiêu trừ dần dần.
Điều này sẽ được giảng giải cụ thể trong những bài pháp thoại mười ngày.
Khi thực hành thiền Vipassana theo pháp môn Goenka chúng ta phải quan sát liên tục mọi cảm giác xảy ra trên cơ thể. Tất cả thiền sinh đều kinh nghiệm những cảm giác khác nhau trên cơ thể.
Tôi đã kinh nghiệm nhiều lần rằng có những cảm giác xảy ra là do điều kiện hiện tại: nhiệt độ, thức ăn, tư thế ngồi.
Nhưng có những cảm giác xảy ra rất rõ ràng là do các nghiệp lực từ quá khứ: nhiều lần tôi đang ngồi theo dõi các giảm giác trên thân mình. Các cảm giác thật là vi tế giống như một luồng điện đang di chuyển trong thân từ trên xuống dưới. Đột nhiên trên lưng tôi nổi lên những cảm giác đau đớn như có một vật thể nặng trược như đá được sinh ra ở đó. Tùy theo nghiệp nặng nay nhẹ mà các cảm giác này có thể kéo dài 5-10 phút. Nhiều khi 2-3 tiếng hoặc kéo dài vài ngày.
Sau đó những nghiệp lực này tan biến đi và tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm.
Tôi biết có nhiều thiền sinh có nghiệp lực rất nặng và cảm giác đau đớn khó chịu này có thể kéo dài năm mười năm…
Tôi cũng đã từng kinh nghiệm qua các cơn giận. Nhiều khi cơn giận nổi lên là do sự không bằng lòng về thức ăn, hoặc cách đối đãi của các người phục vụ, hoặc bạn đang nghĩ về những người làm cho bạn buồn phiền. Trên bề mặt cơn giận có vẻ như xuất phát từ một nguyên do nào đó nhưng thật sự không phải vậy. Cơn giận bùng nỗ không cần lý do mà chỉ là do nghiệp lực (sankara ) từ quá khứ và trổi lên trên bề mặt của tâm thức. Tôi đã quan sát liên tục tâm mình và kinh nghiệm được điều này.
Thập nhị nhân duyên:
Đây cũng là một chân lý mà đức Phật đã khám phá ra qua công trình thiền quán của Ngài. Tất cả những gì mà Đức Phật tuyên bố đều từ kinh nghiệm bản thân và không hề do lý thuyết. Nếu chúng ta thiền theo pháp môn Goenka thì kinh nghiệm thực chúng sẽ rất rõ ràng. Tôi sẽ cố gắng giải thích chân lý bằng những danh từ dễ hiểu và căn cứ trên kinh nghiệm thiền quán cũ mình.
Khi chúng ta nhập thất, chúng ta im lặng, ăn một ngày một buổi và chúng ta thiền liên tục từ bốn giờ sáng đến khoảng mười giờ tối. Chúng ta thiền một giờ, nghỉ năm phút xong lại thiền tiếp. Trong những tu viện như vậy, quí vị hành thiền và giữ giới một cách tự nhiên. Thông thường ba ngày đầu dành do thiền định, bảy ngày sau dành cho thiền quán.
Kinh nghiệm thiền cho thấy rằng những người thiền sinh tập sự, họ phải cần ít nhất ba ngày để định tâm. Khi tâm của các thiền sinh tạm thuần thục và trở nên sắc bén, nó sẽ nhận biết được những sự thay đổi mau lẹ của quá trình tư tưởng, sự sinh ra và diệt đi của những chập tư tưởng này. Quan trọng hơn nữa, là chúng ta nhận biết được sự thay đổi, sự sinh ra và diệt đi của những cảm giác vi tế nhất trên thân của chúng ta. Và đó là sự chứng ngộ về vô thường của đức Phật: ngài khám phá ra rằng cơ thể và đầu óc của chúng ta luôn luôn phản ứng do những cảm giác ( vedana ) trên cơ thể gây nên mà không phải do đồ vật bên ngoài.
Đức Phật đã từng tu khổ hạnh vì quan điểm thời bấy giờ cho rằng, nếu chúng ta ép xác, tâm của chúng ta sẽ được thanh tịnh vì khi tâm của chúng ta tiếp xúc với sáu trần bằng mắt mũi, tai, lưỡi, xúc và tâm, chúng ta sẽ tạo nghiệp vì tham sân si khởi động. Sau đó đức Phật đã từ bỏ lối tu hành này vì ngài kinh nghiệm rằng pháp thiền này còn thiếu sót nên không thể đem đến giải thoát. Vậy cái gì còn thiếu sót? Đó chính là cảm giác trên thân thể của chúng ta. Khi lục căn của ta tiếp xúc với lục trần, cảm giác được sinh ra trên thân thể của chúng ta và nếu cảm giác này dể chịu, chúng ta phản ứng bằng cách níu kéo, nếu cảm giác này là khó chịu, chúng ta sẻ sinh ra sân hận và tìm cách chối bỏ chúng.
Vậy chúng ta phản ứng không phải trực tiếp do tiếp xúc với đồ vật bên ngoài mà do cảm giác sinh ra trên cơ thể. Ngay cả khi ngủ, chúng ta cũng không ngừng phản ứng. Ví dụ chúng ta đang ngủ, mà có một con muỗi đốt chúng ta, chúng ta sẽ đập nó một cái bốp. Đó là phần vô thức nằm sâu trong tâm của chúng ta đã phản ứng. Và nó phản ứng từng giờ, từng phút, từng giây liên tục 24 trên 24. Hễ lạc thọ sinh ra, là Vô Thức phản ứng bằng cách níu kéo và nắm giữ, nếu khổ thọ sinh ra, Vô Thức sẽ phản ứng bằng cách chối bỏ chúng.
Sự níu kéo và nắm giữ sinh ra tham, sự chối bỏ sinh ra sân hận và chúng ta bắt đầu tạo nghiệp ( sankara ). Chúng ta tạo nghiệp từng giây, từng phút bởi vì phần vô thức của chúng ta không ngừng phản ứng bằng tham hoặc sân mỗi khi lạc thọ hoặc khổ thọ xuất hiện. Khi chúng ta thiền theo pháp môn Goenka ta sẽ thấy rằng lạc thọ hoặc khổ thọ có mặt trên khắp thân thể của chúng ta. Tại sao những cảm giác này được sinh ra ? Tại vì có sự tiếp xúc của mắt và sự thấy, mũi với mùi vị, lưỡi với sự ăn uống, thân thể với ngoại vật và tâm với tiến trình suy nghĩ. Khi có sự tiếp xúc, cảm giác sẽ được sinh ra, lạc thọ, khổ thọ hay trung thọ.
Tại sao lại có sự tiếp xúc này? Tại vì có lục trần và lục căn. Lục căn do đâu mà có? Từ lúc chúng ta sinh ra thì lục căn xuất hiện. Tại sao lục căn xuất hiện? Lục căn xuất hiện vì có sự sống. Tại sạo lại có sự sống? Sự sống do đâu mà có? Tại vì sự sống được tạo nên do tâm và vật chất. Tại sao tâm và vật chất ( esprit et matiere ) hiện hữu? Vì có sự biết ( conscience ). Sự biết do đâu mà có? Tại vì phản ứng, mỗi lần phản ứng là giúp cho sự biết này xuất hiện. Tại sao chúng ta lại phản ứng? Là vì chúng ta không biết ( vô minh ), do chúng ta không biết rằng mỗi lần phản ứng là nghiệp được sinh ra nên chúng ta tạo nghiệp liên tục, nghiêp lực này lại tiếp tục sinh ra một đời sống mới.
Do có sự sống mà khổ đau có mặt. Vậy khổ đau bắt nguồn từ vô minh.
Muốn chấm dứt khổ đau, phải xóa tan vô minh, nhưng làm sao để xóa tan vô minh và bẻ gãy gông cùm do thập nhị nhân duyên xiềng xích ta vào thế giới này, làm sao xóa tan vô minh, bẽ gãy gông cùm để được giải thoát khi mà sự sống đã bắt đầu?
Tự tử là điều không thể được. Lúc chúng ta tự tử, tâm chúng ta đầy chán nản và sợ hãi và sự đau khổ càng to lớn hơn. Chúng ta sẽ bị rơi vào một đời sống mới tràn đầy đau khổ nên tự tử không phải là cách giải quyết vấn đề giúp ta thoát khổ.
Chúng ta cũng không thể tiêu hủy lục căn vì làm như vậy không khác gì chúng ta tự tử, chúng ta cũng không thể tiêu hủy lục trần vì làm như vậy la chúng ta phải tiêu hủy toàn thế giới bên ngoài mà chúng ta đang sống.
Chỉ còn một cách duy nhất để bẽ gãy gông cùm do thập nhị nhân duyên gây ra là chúng ta đừng phản ứng mỗi khi cảm giác xuất hiện trên thân thể của chúng ta. Trước đó, mỗi khi lạc thọ xuất hiện, chúng ta chạy theo chúng, muốn nắm giữ chúng và khi khổ thọ xuất hiện, chúng ta lại sinh tâm chán ghét và muốn từ bỏ chúng. Tham lam và sân hận sinh ra khổ đau. Vậy muốn tránh khổ đau ngay từ bây giờ chúng ta phải thiền về cảm giác :mỗi khi cảm giác xuất hiện chúng ta phải ý thức được chúng, chúng ta giữ chánh niệm và không phản ứng. Chúng ta quan sát những cảm giác này, và chúng ta thấy những cảm giác sinh ra và lại diệt đi. Sự quan sát này càng ngày càng được cũng cố do công phu thiền quán. Chúng ta hiểu một cách minh bạch rằng những cảm giác này là vô thường. Không có gì để tham lam và chán ghét chúng cả. Do hiểu chúng là vô thường mà tuệ quán phát sinh nơi tâm của chúng ta. Nếu chúng ta không nắm bắt, không chiếm giữ, tâm của chúng ta sẽ được bình an và giải thoát.
Chúng ta có thể tóm tắt luật Thập nhị nhân duyên :
-Vì không biết nên chúng ta phản ứng.
-Do phản ứng ý thức xuất hiện.
-Vì có ý thức, thân và tâm xuất hiện.
-Vì có thân và tâm nên lục căn xuất hiện.
-Do lục căn có mặt, nên có sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
-Vì tiếp xúc nên sinh ra Cảm Giác.
-Do có cảm giác, nên sinh ra tham lam và sân hận.
-Tham lam và sân hận sinh ra chấp thủ ( gắn bó và quyến luyến)
-Do chấp thủ nên sinh ra lòng ham sống.
-Vì muốn sống nên sự sống được hình thành.
-Vì có sự sống nên đau khổ có mặt với già, bệnh tật và chết.
Đạo lộ Giải thoát:
Mỗi một thời khắc mà chúng ta không tạo nghiệp, những nghiệp trong quá khứ sẽ trồi lên và cảm giác sẽ xuất hiện trên thân thể, chúng ta có thể kinh nghiệm được những cảm giác này khi chúng ta thiền quán. Nếu chúng ta giữ chánh niệm và không phản ứng, những cảm giác này sẽ biến mất. Sau đó những nghiệp khác trong quá khứ lại tiếp tục trồi lên, những cảm giác mới lại xuất hiện. Chúng ta lại tiếp tục giữ chánh niệm bằng cách không phản ứng. Cứ mỗi lần thiền quán mà chúng ta chánh niệm, tỉnh giác, giữ cho tâm ta được quân bình, không để cho lạc thọ hoặc khổ thọ chi phối, chúng ta giữ tâm định tĩnh và không phản ứng, những nghiệp chướng này sẽ từ từ được rửa sạch. Tới một lúc nào đó, tất cả nghiệp chướng đều được tiêu trừ do công phu thiền quán, chúng ta đắc quả alahán và giải thoát.
Tất cả tiến trình giải thoát này đều được dựa lên kinh nghiệm của những khóa thiền. Đức Phật đã thiền, đã kinh nghiệm qua tiến trình này và đắc đạo. Khi kinh nghiệm thiền của bạn đã thâm sâu, bạn hiểu rằng quá trình giải thoát bằng cách thanh lọc tâm không dính dáng gì đến kinh điển và kiền thức trừu tựơng.
Chúng ta phải thiền về cảm giác vì nhờ thiền về cảm giác mà chúng ta có thể thoát khỏi sự ràng buộc xiềng xích của thập nhị nhân duyên. Đức Phật nhấn mạnh ta phải thiền về cảm giác ( vedana ) vì đây là đầu dây mối nhợ cột chúng ta vào vòng luân hồi không có lối thoát này.
Và khi bạn thiền theo pháp môn Goenka, bạn kinh nghiệm đây là con đường trực tiếp đưa đến giải thoát:
– Do thiền quán về cảm giác chúng ta hiểu phần Vô Thức ( subsconscience ) hoạt động ra sao, tham sân si nguy hiểm như thế nào nên chúng ta ngừng phản ứng
– Do không phản ứng, nghiệp mới không được tạo ra.
– Do không tạo nghiệp nên ý thức không thể hiện hữu.
– Ý thức không hiện hữu, thân và tâm không thể có mặt.
– Nếu không có thân và tâm, lục căn không thể xuất hiện.
– Không có lục căn, thì không có sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
– Không có tiếp xúc, thì cảm giác không sinh ra.
– Không có cảm giác thì không có tham lam và sân hận.
– Không tham lam và không sân hận thì không có lòng lưu luyến, chấp thủ.
– Nếu không có sự lưu luyến, chấp thủ thì không có lòng ham sống.
– Do không ham sống, nên sự sinh không được hình thành.
– Không sinh ra thì không có sự huỷ hoại, không già , không bịnh tật, không chết. Sự đau khổ chấm dứt.
Cầu mong càng ngày càng nhiều người bước trên đạo lộ giải thoát.
(Nguyễn Từ Nam)