123. Như người đi buôn mang nhiều của báu mà thiếu bạn đồng hành, tránh xa con đường nguy hiểm làm sao, như kẻ tham tránh xa thuốc độc như thế nào, thì các ngươi cũng phải tránh xa điều ác thế ấy.
Lược giảng
Phật dạy, người nào muốn được sống yên thân, thì phải tránh xa kẻ ác. Tránh xa kẻ ác, thì không chuốc họa vào thân. Tránh xa như thế nào? Để cụ thể hóa vấn đề cho dễ hiểu, Phật nêu ra hai hình ảnh thí dụ:
1. Như một người đi buôn mang theo nhiều của báu, không có bạn đồng hành, tất nhiên, phải tránh xa con đường nguy hiểm.
2. Người muốn được sống lâu, tất phải tránh xa thuốc độc.
Con đường nguy hiểm và thuốc độc là để dụ cho kẻ ác. Càng tránh xa hai điều nầy chừng nào, thì càng được yên thân chừng nấy. Cũng thế, kẻ ác là kẻ không có lương tâm. Họ có thể hại mình bất cứ lúc nào. Họ là con người có nhiều thủ đoạn gian trá. Không ai có thể đoán định và suy lường lòng họ được. Họ nói một đàng làm một nẻo. Như thế, thì làm sao ta có thể tin họ.
Tốt hơn hết là ta nên tránh xa họ. Vì ta không muốn gây ra những chuyện không hay. Người hiền làm sao sống chung với kẻ ác. Vì hai tâm niệm và hai lối sống khác nhau. Người ác là người luôn luôn toan tính thủ lợi. Làm bất cứ điều gì miễn sao có lợi cho họ thì được. Họ không màng đến dư luận. Việc khen chê đối với họ bằng thừa. Họ thuộc dạng người trái bom nổ chậm. Ngòi nổ đã có sẵn trong họ. Khi cần là họ cho nổ tung ngay. Mở miệng ra, họ nói chuyện toàn là dao to búa lớn. Họ coi mạng sống kẻ khác rẻû như bèo. Họ giết người như trò chơi.
Thuở xưa, ở Việt Nam, dưới triều đại nhà Tiền Lê (980 – 1009), có một vị hôn quân là vua Lê Long Đỉnh, có biệt danh là Lê Ngọa Triều. Ông vua nầy rất tàn ác. Ông xem việc giết người như là một trò đùa để giải trí mua vui. Lúc buồn, ông ra lệnh cho quân hầu bắt những tù nhân phạm tội, bỏ vào trong bao bố, rồi quăng xuống nước sâu cho chết ngộp. Khi người trong bao giãy chết, thì ông khoái chí vỗ tay reo cười.
Hôm nào nổi trận lôi đình, ông cho người róc mía trên đầu các nhà sư để giải buồn. Trước khi thi hành, ông ra lệnh cho các nhà sư phải cạo tóc cho láng sạch. Xong, ông bảo quân hầu cầm dao thật bén, để một khúc mía dựng đứng trên đầu, rồi từ trên róc xuống. Khi róc, làm bộ giả vờ cho dao rớt xuống đầu nhà sư chảy máu ra lênh láng, thấy thế, ông vui cười đắc chí. Thật là một việc làm vô cùng tàn ác.
Ác hơn nữa, kẻ nào có tội, ông bắt phải trèo lên cây thật cao, đến chót vót của cây, bấy giờ ông sai người chặt vào gốc cây cho cây ngã xuống. Thế là, người kia khi từ trên cao theo cây ngã xuống đất giãy chết, thấy thế, ông vỗ tay vui cười thỏa thích.
Thật là một vết nhơ cũng là một tủi nhục cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Đất nước sản sanh ra một con người quá tàn bạo độc ác với dân. May mà ông làm vua ngắn ngủi, chỉ có 4 năm, thọ 24 tuổi, chớ nếu kéo dài, thì không biết dân tộc sẽ sống ra sao? Con người bạo ác như thế thì làm sao có thể sống lâu cho được. Một con người vừa ác lại vừa hoang dâm vô độ. Hoang dâm đến độ kiệt lực, không còn sức để ngồi khi lâm triều. Mỗi khi lâm triều, ông đều nằm dài, không ngồi nỗi. Sử ghi lại, mỗi khi lâm triều, ông nằm dài để nghe các quan tâu rỗi, xong rồi, ông bảo các tên hề nhạy lại lời của các quan tâu. Nhạy theo kiểu làm trò hề, để mọi người nhìn nhau cười trêu nhạo. Ông lấy đó làm một trò cười vui thích.
Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam ta, sử ghi lại chỉ có mỗi một ông vua nầy là bạo ngược đó thôi. Ngoài ra, tất cả đều là những vị minh quân làm vẻ vang cho dân tộc.
Người có tâm tu hành, muốn hướng đời mình về đạo giải thoát, Phật khuyên bảo nên tránh xa điều ác. Gần gũi với điều ác hay những người chuyên làm ác, như cướp của, giết người, đâm heo, thuốc chó, đập đầu bò v.v. không những bất lợi cho mình trong hiện đời, mà còn kéo dài hậu quả đau khổ đến tương lai. Bởi tánh của con người dễ bị tiêm nhiễm. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Gần họ, ít nhiều gì cũng bị lây nhiễm theo thói ác của họ. Tánh ác bao giờ cũng nhiều hơn tánh thiện. Ảnh hưởng điều ác thì dễ mà ảnh hưởng điều lành thì khó. Bản chất của con người là thế. Phật hiểu rõ tâm lý nầy. Nên Ngài bảo chúng ta phải tránh xa điều ác.
Vấn đề tiêm nhiễm điều ác ta thấy nhan nhãn trước mắt. Em A trong gia đình em là một đứa bé ngoan hiền, nói năng nhỏ nhẹ hiền từ lễ độ. Tánh tình của em thật dễ thương. Ai đến nhà em chơi, thấy em lễ độ trong cách cư xử, cũng đều khen ngợi thích mến. Bởi em là đứa bé đã được sự hướng dẫn dạy dỗ của cha mẹ rất kỹ càng. Do đó, phải nói, em là một cậu trai rất dễ dạy ngoan hiền. Thế nhưng, chẳng bao lâu, người ta lại thấy tánh tình của em đã đổi khác. Đổi khác một cách hoàn toàn. Em không còn ngoan hiền dễ thương dễ mến như trước kia nữa. Lý do, là vì em đã giao du với những đứa bạn bất lương. Từ đó, em đã bị tiêm nhiễm theo và rồi không mấy chốc, em đã trở thành một tay anh chị hung ác. Đã biết trước sự tình, cha mẹ em dùng mọi cách giáo dục và ngăn chận. Nhưng tất cả đều vô hiệu quả. Cha mẹ chỉ còn biết kêu trời khóc than mà thôi! Và rồi đành buông tay theo số phận, tới đâu hay đó! Do đó, cho ta thấy, việc tiêm nhiễm điều ác rất là dễ dàng. Vì đầu óc của các em còn non dại. Gần bạn ác, tất nhiên dễ bị ảnh hưởng. Đó là điều khó tránh. Sáng sớm tinh sương, ta bước ra ngoài trời đi dạo, mới đầu, không thấy gì thấm ướt, nhưng đi lâu trong sương, ta mới cảm thấy thấm ướt và lạnh buốt cả người. Thói quen nhiễm của con người cũng thế. Mới đầu, thì thấy không gì, nhưng lâu ngày sẽ thành ra bệnh trạng hết chữa. Biết thế, tốt hơn hết là theo người xưa nói: “ngừa bệnh hơn là chữa bệnh”. Tức càng tránh xa càng tốt. Đó là cách khôn khéo và hay nhứt để trở thành một con người tốt đẹp cho mình và cho xã hội.
Thích Phước Thái