124. Với bàn tay không thương tích, có thể nắm thuốc độc mà không bị nhiễm độc; với người không làm ác thì không bao giờ bị ác.
Lược giảng
Pháp cú nầy, Phật bảo: Với bàn tay không thương tích, có thể nắm thuốc độc mà không bị nhiễm độc. Điều nầy thật cụ thể. Một bàn tay, khi đã bị thương tích, khi cầm nắm vật gì dơ bẩn, tất dễ bị nhiễm trùng. Ngược lại, bàn tay không thương tích có thể nắm mọi vật không sao. Dù vật đó là thuốc độc.
Qua hình ảnh thí dụ nầy, cho ta thấy, một thực tế trong đời sống. Thực tế là những kẻ đã nhúng tay vào tội ác, có khác nào như tay bị nhiễm độc. Một khi đã tạo nghiệp ác rồi, họ luôn sống trong sự lo âu, sợ hãi. Đi đâu, họ cũng luôn nơm nớp đề phòng cẩn thận. Lúc nào, họ cũng cảm thấy bên họ có nhiều kẻ thù. Những kẻ thù như luôn tìm cách ám hại họ. Sống trong hồi hộp, họ mất hết tự do. Họ không thể đi chơi thong thả như người thường. Họ có cảm giác luật pháp như đang bủa vây bắt họ. Giống như bàn tay của họ đã bị thương tích, nên cầm nắm bất cứ thứ gì cũng sợ bị nhiễm trùng. Họ phải luôn để tâm bảo vệ bàn tay thương tích của họ. Sống như thế, thì thử hỏi còn gì là ý nghĩa của sự sống?
Muốn sống có ý nghĩa, điều quan trọng là ta cố giữ làm sao cho bàn tay của mình đừng bị thương tích. Nghĩa là, Phật dạy, chúng ta đừng làm ác. Các điều ác không làm, thì con người sống rất tự do, thoải mái. Nhìn lên không thấy thẹn với trời, ngó xuống không thấy hổ với mình. Đi đến đâu cũng chẳng sợ ai. Người không làm ác là người có một sức mạnh tinh thần rất lớn. Đúng là: “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Không phải thứ dọc ngang của một sức mạnh bên ngoài; của sự phô trương lực lượng binh hùng tướng mạnh. Dọc ngang theo kiểu của người hùng Từ Hải. Mà là một thứ dọc ngang, họ đã làm chủ được tình cảm của họ trước ngoại cảnh. Họ không còn là kẻ nô lệ hoàn toàn cho ngoại cảnh. Họ là người sống có lý tưởng. Do đó, họ sống ngang dọc trong trời đất. Một thứ ngang dọc có ý hướng cao thượng.
Họ xem tất cả mọi người đều là bạn. Họ không phân biệt màu da chủng tộc. Tâm họ lúc nào cũng nghĩ đến thương người. Vì họ biết rất rõ ở nơi họ. Họ là con người theo đúng nghĩa của nó. Họ chẳng những không làm ác mà họ còn làm các điều lành. Họ là người thấu suốt nhân quả. Họ biết, nếu mình không gieo gió, thì không bao giờ gặp bão. Họ tự kềm chế những trận bão lòng của họ. Họ luôn đề cao cảnh giác. Họ biết, thiếu bảo vệ nghiêm mật, thì bàn tay của họ dễ bị xảy ra thương tích. Người sống như vậy, thì còn gì là sợ ác quả. Họ luôn cố giữ cho bàn tay của họ không bị thương tích. Giả như lỡ đã bị, thì họ gấp rút tìm phương chạy chữa. Họ không để kéo dài. Càng kéo dài, họ càng đau khổ.
Mỗi người hãy nhìn lại bàn tay của chính mình. Xem nó có bị thương tích gì không? Bàn tay vật lý dù sao cũng còn dễ thấy và dễ trị liệu hơn bàn tay tâm lý. Có nhìn kỹ lại cả hai, thì cuộc sống của ta mới thật sự có ý nghĩa và mới xứng đáng làm người. Đừng để bàn tay vật lý hoen ố! Hãy để cho nó trong sạch và nở như hoa sen. Cứ mỗi lần chấp hai bàn tay lại, ta chịu khó nhìn nó thật kỹ và thật lâu. Ta thấy vạn vật sơn hà đại địa đều có mặt. Có mặt thực sự. Ta thấy ta là tất cả, tất cả cũng chỉ là ta. Ta có quyền mĩm cười mỗi khi chấp bàn tay lại. Ta cười cho sự sống có mặt của ta. Ta tiếp cận và vui sống với mọi vật. Ta không còn là cái ta riêng rẽ, mà ta là tất cả.
Đã thế, thì còn gì là cô đơn và không còn gì mà phải lo âu sợ hãi. Hãy cố gắng thực tập cho mình có những giây phút trở về với chánh niệm. Một chánh niệm sáng ngời với bàn tay không thương tích. Một bàn tay dịu hiền và nắm bắt tất cả mà không thẹn với lòng.
Thích Phước Thái