125. Đem ác ý xâm phạm đến người không tà vạy, người thanh tịnh vô nhiễm, tội ác sẽ trở lại làm hại kẻ ác như ngược gió tung bụi.

Lược giảng

Pháp cú nầy, Phật cho chúng ta thấy rõ lòng dạ của con người đố kỵ. Kẻ có tâm đố kỵ, ganh tỵ, bao giờ cũng tìm đủ mọi cách nói xấu người hơn họ. Họ là kẻ thích làm nô lệ cho bản ngã. Nói xấu, chê bai, dìm kẻ khác xuống, mục đích là để nâng cao bản ngã của họ lên. Họ thuộc hạng người hay khoác lác phô trương. Gặp ai, họ cũng tự đề cao họ. Họ khoe khoang những việc họ làm. Ai chạm đến bản ngã của họ, thì người đó khó sống với họ. Hạng người nầy, rất nhiều trong xã hội. Họ ít khi nhìn lại họ. Họ thích nhìn lỗi người để phê bình, chỉ trích nói xấu. Đối với họ, không người nào tốt cả. Họ sống ba hoa bằng cái miệng. Họ nói tía lia, và có tài phịa chuyện đặt điều rất hay. Sở trường của họ là nói khoác, nói móc, chuyện không họ bươi ra cho có, chuyện có họ khỏa lấp lại thành không. Đối với hạng người nầy, khi giao tiếp, ta nên cẩn thận. Phật cho họ là kẻ luôn có ác ý, hay hãm hại kẻ hiền lương. Họ có nhiều mưu sĩ thủ đoạn. Người hiền sợ họ còn hơn sợ rắn độc.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: Người ác nghe ai làm điều lành quyết đến phá đó, vậy các ông nên tự ngăn dứt chớ không nên giận trách. Kẻ mang điều ác đến thì họ sẽ chịu điều ác đó. (Thích Hoàn Quan dịch)

Phật dạy rằng kẻ mang lòng ác

Hãm hại người lòng dạ thẳng ngay

Nghe ai hành thiện hằng ngày

Tìm đủ mọi cách hại ngay tức thì

Người biết tu nhẫn suy ngăn dứt

Chớ sanh lòng tức bực mà chi

Hơn nhau một tiếng ích gì

Chỉ thêm chuốc lấy thị phi vào mình

Thà nhẫn nhịn làm thinh chịu dại

Kẻ hơn ta chuốc mãi khổ đau

Nhân nào quả nấy trả mau

Đã gieo nhân ác đáo đầu lụy thân.

(T. Phước Thái)

Bài kinh nầy, Phật khuyên những ai đã và đang hành thiện, khi bị kẻ ác tâm hãm hại, thì phải nên cố gắng nhẫn nại, đừng vì đó mà nổi sân si lên trách mắng họ. Nếu thế, thì hậu quả sẽ rất là tai hại. Cho nên, ta phải vận dụng trí huệ để mà hóa giải mọi ngôn từ hay hành động giả trá, do lòng si mê của họ gây ra. Chỉ có trí huệ mới thực sự đem lại sự lợi lạc cho chúng ta. Còn kẻ nào gieo gió thì ắt sẽ gặp bão. Luật nhân quả tất yếu là như thế. Người sáng suốt, nên thương kẻ mê mờ.

Một bài kinh khác, cũng trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy:

– Có người nghe ta giữ đạo, thật hành lòng đại nhân từ, nên đến mắng ta, ta làm thinh không đáp.

Người kia thôi mắng, ta hỏi rằng:

– Ông đem lễ vật cho người, người kia không nhận, lễ ấy có về ông chăng?

Đáp rằng:

– Về chứ!

Phật nói rằng:

– Nay ông mắng ta, giờ ta không nhận thì ông tự chuốc lấy họa về thân ông rồi, cũng như vang theo tiếng, bóng theo hình, hẳn không rời nhau. Vậy thì cẩn thận chớ có làm ác”.

(Giáo sư Hoàn Quan dịch)

Bài kinh nầy, ngoài việc Phật khuyên con người không nên ôm ấp tâm niệm ác để hại người. Đức Phật còn cho chúng ta một bài học nhẫn nhục thật sống động mà nó được biểu hiện qua hình ảnh bản thân đức Phật. Trên bước đường tu tập, hẳn nhiên chúng ta sẽ gặp nhiều chướng duyên từ nội tâm cho đến ngoại cảnh. Mà ngoại cảnh dù cảnh thuận hay cảnh nghịch thật khó nhẫn nại. Trong trường hợp nầy, chúng ta thấy có người (dĩ nhiên là ngoại đạo) thấy đức Phật đang thật hành lòng từ ban rãi khắp cho mọi người, thế là họ sanh tâm đố kỵ, ganh ghét, tìm cách hại Phật, bằng cách thô bạo là mắng chưởi thậm tệ đức Phật. Đức Phật vẫn giữ một thái độ rất khoan dung, từ tốn, không biểu lộ khó chịu dù là một thái độ khó chịu nhỏ nhặt cũng không có. Từ tấm lòng rộng lượng bao dung đó, đức Phật ôn tồn nêu ra một thí dụ hết sức cụ thể mà đối phương không thể nào nói được. Đồng thời, Đức Phật còn thương và khuyên họ nên cố gắng làm lành, vì luật nhân quả rất công bằng không chừa một ai cả. Hễ có gây nhân thiện hoặc bất thiện đều phải lãnh lấy hậu quả sướng khổ tùy theo chỗ tạo nhân, dụ như vang theo tiếng và bóng theo hình, không bao giờ sai chạy.

Bài học nhẫn nhục nầy tạo cho chúng ta có thêm nghị lực sức chịu đựng trước mọi hoàn cảnh thuận nghịch khen chê, để chúng ta vững tiến trên bước đường tu học giải thoát.

Khổng Tử nói: “Hàm huyết phún nhơn, tiên ô tự khẩu”. Nghĩa là ngậm máu phun người, thì sẽ dơ miệng mình trước. Mình muốn chưởi người, lòng mình đã bất an xáo trộn trước. Thế nên, ở đây, Phật dạy, kẻ ác hại người hiền như ngược gió tung bụi. Hành động nầy, khác nào như kẻ cầm lửa đốt trời, hay phun nước bọt lên trời, tất cả đều rước họa hại vào thân, tức là hại người trở lại hại mình vậy.

Thích Phước Thái