127. Phật dạy: chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm, dù tìm khắp thế gian nầy, chẳng có nơi nào trốn khỏi nghiệp ác đã gây.

Lược giảng

Một người sau khi gây nghiệp ác rồi, họ tìm đủ mọi cách để trốn tránh, nhưng chỉ được một thời gian. Cuối cùng, họ cũng sa vào lưới pháp luật. Vì quả đất tròn, nên họ có chạy đâu, cũng ở trong vòng trái đất. Họ còn sống, dù trá hình với bất cứ hình thức nào, cũng không thể qua mắt được luật pháp. Nhờ thế, mà con người tương đối sống được có chút yên ổn. Chớ nếu như luật pháp lỏng lẻo, mọi người sẽ khinh thường. Chừng đó, ai muốn gây tội ác chi thì cứ gây, vì luật pháp không đủ khả năng bảo vệ họ. Nhờ sự bảo vệ chặt chẽ của luật pháp, nên con người mới có chút dễ thở để sống. Thật vậy, có người sau khi gây ra án mạng, họ cố trốn tránh biệt tích, nhưng sau đó ít lâu, họ cũng bị truy nã tìm ra. Điều nầy, thỉnh thoảng, ta thấy báo chí thường hay đăng tải. Như vậy, đối với luật pháp thế gian, thì kẻ đã gây ra tội ác, không thể trốn thoát được. Trừ phi, họ biết phép tàng hình hay độn thổ, như Vương Tiễn hay Thổ Hành Tôn, thì mới mong thoát khỏi. Bằng không, thì đừng hòng cao bay xa chạy nơi đâu.

Giả như, họ chết đi, thì họ thoát khỏi luật pháp thế gian, nhưng còn luật nhân quả thì sao? Luật nhân quả cũng không thể nào dung tha họ. Dù họ sanh ra ở nơi đâu, và loài nào, thì cũng phải trả những gì mà họ đã gây tạo. Thế mới là công bằng chớ! Nếu không, thì sao gọi là luật nhân quả cho được? Nhân đã gây, thì quả phải trả. Cho nên, câu pháp cú nầy Phật dạy: chẳng phải bay lên không trung (dù dùng phi thuyền bay trong không trung, nhưng cũng còn phải quay trở lại trái đất, đâu có ở luôn trên đó được. Nhưng, giả sử con người khi tạo trọng tội rồi, lên trên đó trốn được, thì cũng bị người khác lên trên đó kéo xuống, không dễ gì trốn thoát được đâu) Như vậy, bay lên không trung, thì không được rồi. Không bay lên không trung, thì đi đâu? Thì lặn sâu dưới đáy biển. Bây giờ cũng có người lặn sâu dười đáy biển đó chớ! Nhưng rất tiếc, lặn sâu thì được, mà trốn tội lỗi đã gây thì không. Tại sao? Giả như, họ dùng tàu ngầm đi dưới đáy biển, thì có lúc họ cũng phải trồi lên. Nếu không trồi lên, thì có tàu ngầm khác truy tìm họ. Như vậy, tất nhiên là có chiến tranh dưới biển. Điều nầy cũng đã có xảy ra. Sống trong thế giới văn minh, kỹ thuật máy móc tinh vi tối tân, thì không có cái gì mà có thể qua mặt họ được. Thế thì lặn xuống đáy biển cũng không xong. Chỉ còn có cách là chui vào trong hang sâu núi thẳm. Hiện tại có người đã trốn thoát bằng cách chui hang sâu núi thẳm đó chứ. Nhưng liệu họ có trốn thoát được không? Nhưng dẫu có trốn được trong đó, thì chỉ có nước bỏ xác trong đó luôn. Cuối cùng, họ làm mồi ngon cho những con kênh kênh hay loài quạ diều ăn thịt mà thôi.

Tóm lại, pháp cú nầy, Phật cảnh tỉnh cho con người không nên làm ác. Vì làm ác khó trốn thoát khỏi quả báo. Luật pháp tuy vô hình, nhưng đừng hòng thoát khỏi. Luật pháp còn không thoát khỏi, thì làm sao thoát khỏi luật nhân quả? Ý thức được lời Phật dạy, trong đời sống hằng ngày, ta cố tránh gây nghiệp ác chừng nào thì tốt cho ta chừng nấy. Mong sao mọi người cố gắng tạo nghiệp lành, để bản thân mình không khổ và người khác cũng được vui lây. Đó mới thực sự đúng với ý nghĩa con người và mới xứng đáng sống trong xã hội loài người.

Thích Phước Thái