128. Phật dạy: Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm, dù tìm khắp thế gian nầy, chẳng có nơi nào trốn khỏi tử thần.

Lược giảng

Chết là một định luật tất yếu. Xưa nay, không một ai tránh khỏi. Cái mà không ai tránh khỏi, thì trốn nơi đâu thoát được. Trốn không được, thì phải đối diện. Đối diện để quán chiếu. Quán chiếu thật sâu vào lý vô thường. Đời người một thoáng qua, như bóng câu cửa sổ. Thấy rõ lý vô thường sinh diệt, con người không còn sợ chết. Không sợ hãi, thì có gì mà phải chạy trốn. Chạy trốn vô ích. Hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào cái chết. Chết là hoại diệt mà hoại diệt không có nghĩa là mất hẳn. Làm sao cắt đứt dòng sinh mạng? Sinh mạng là một nguồn sống vĩnh cữu. Đi tìm cái vĩnh cữu trong cái sanh diệt. Lội xuống dòng nước để nhìn nước chảy trôi, đó không phải là cái hứng thú lắm sao? Có lội xuống và chiêm nghiệm thật sâu vào dòng nước đang chảy, ta mới thấy được sự sinh động của nước. Cứ đứng trên bờ nhìn xuống, làm sao cảm nhận được cái lạnh, cái ấm của nước. Vô thường cũng là một sự sống của muôn vật. Sự đổi thay là một nguồn sống luôn đổi mới. Không ai muốn cuộc đời cứ ngưng đọng một chỗ. Thế thì, còn gì đáng chán cho bằng. Một đứa bé sanh ra, rồi muôn đời vẫn là đứa bé. Như vậy, đứa bé đó có gì là sống. Giá trị sống để tiếp nhận những cái đẹp của đứa bé không có. Cứ đứng yên như thế, thì thật là vô vị. Và cuộc sống của con người và muôn loài chỉ còn là những cái xác chết khô cứng.

Nhờ sự đổi thay của vạn vật, con người mới có những cái đổi mới thích thú trong đời sống. Hôm nay phải có tiến bộ hơn hôm qua. Như vậy, hiện tượng vô thường cho ta nhiều bài học thú vị. Tại sao ta phải sợ vô thường? Ta sợ vô thường là vì ta không bắt kịp với sự sống mới. Ta sống cứ theo một nhịp điệu ôn lại. Cũng ngần ấy công việc, rồi cũng lặp đi lặp lại như cái máy. Không gì buồn chán bằng, cứ hát đi hát lại một bản nhạc cũ rích suốt ngày. Làm công việc mà ta cảm thấy buồn chán, tại vì ta không mấy hứng thú với công việc mà ta đang làm. Làm vì một lý do bắt buộc phải cho xong việc. Làm trong sự uể oải, buồn ngủ. Rõ ràng, là ta đã mất hết cái hứng thú làm việc. Bởi ta muốn công việc đứng lại nguyên vị thế trong cái vô thường. Nhưng làm sao ta cho nó đứng nguyên vị thế đây? Trong cơ thể ta đang vận chuyển, từng tế bào của ta hiện đang thay đổi. Các tế bào của ta, chúng cũng đang đi tìm nguồn sống. Chúng cũng đang vươn lên từng sát na để tìm khuynh hướng đổi mới. Thế thì, muốn cho cuộc sống luôn luôn linh động, thì ta phải cám ơn vạn vật vô thường.

Tìm cái chơn thường trong cái vô thường, đó cũng chỉ là một cách nói. Trong cái vô thường đã sẵn có cái chơn thường, chớ có đâu khác mà tìm. Ý niệm tìm, từ căn bản của nó đã là sai rồi. Ta cứ hồn nhiên vui sống theo cái lương tâm của ta. Ta không bỏ công tìm kiếm gì cả. Cứ nhìn thẳng vào sự sống mà sống. Chết, chỉ là một hiện tượng sinh diệt biến đổi. Một trạng thái sinh thành chuyển tiếp. Không chết là bế tắc của dòng sống. Nước vẫn chảy và mây vẫn trôi. Không ai có quyền bắt nước phải dừng lại và bắt mây phải ngừng trôi. Thật là vô lý. Người nào bắt mây nhốt gió, thì đó là thái độ của kẻ điên rồ. Ngay ý niệm khởi bắt và nhốt đã là một sự lầm lẫn rất lớn. Chân lý là chân lý, làm sao bắt nhốt. Có ai dại dột bắt nhốt một nguồn sống bao giờ. Nguồn sống vẫn luôn linh động trong sự đổi thay kia mà!

Đối diện khác với nghĩa chạy trốn rất xa. Còn có ý niệm chạy trốn, là còn sống trong sống thế giới ảo tưởng. Tất nhiên, không phải là thế giới hiện thực. Thế giới hiện thực là thế giới đang xảy ra. Điều quan trọng là ta có bắt kịp và tỉnh thức cái đang xảy ra đó hay không? Hay là ta cứ thả trôi cuộn mình theo một thế giới hiện tượng. Đuổi theo thế giới hiện tượng sinh diệt là ta đã tiêu diệt nguồn sống. Ta thực sự là kẻ biến dạng, mất mình. Mất mình một cách đáng thương!…Trốn chạy một chân lý có được không? Câu hỏi đặt ra như thế, thật là ngớ ngẩn. Ngớ ngẩn đến độ mà bạn phải ôm bụng cười. Có thể cười đến vỡ bụng ra cũng không chừng. Đã là chân lý làm sao trốn chạy? Đời sống của chúng ta hiện nay đã và đang lâm vào tình trạng ngớ ngẩn đó. Phật nói, tử thần không ai trốn khỏi. Không trốn khỏi mà chúng ta vẫn sợ. Thật sự chúng ta không muốn nghe tới và cũng không muốn nhận diện. Rõ ràng là chúng ta không dám nhìn thẳng vào lẽ thật. Tử thần là sự sinh diệt khôn lường. Chữ thần là một sự biến hóa không lường. Sinh sinh hóa hóa, hóa hóa sinh sinh. Cứ thế mà thay đổi không dừng. Một lẽ thật như thế mà chúng ta lại quên đi. Chúng ta bị cuốn hút theo thế giới vật chất. Chúng ta đuổi rượt theo những cái bóng dợn hay xây dựng những tòa lâu đài trên bãi cát. Giống như những Càn thát bà thành. Chúng ta bỏ ra cả cuộc đời để chạy theo những ảo ảnh giả danh đó. Nhưng thực tế, chúng ta không hay biết, dù đã được Phật Tổ thức nhắc rất nhiều. Xin mọi người hãy nắm bắt lấy mình trong mỗi phút giây hành động…

Thích Phước Thái