1. Trong các pháp[2], tâm dẫn đầu, tâm[3] làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm ô nhiễm tạo nghiệp[4] nói năng hoặc hành động, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe.

2. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu đem tâm thanh tịnh tạo nghiệp nói năng hoặc hành động, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình.

Lược giảng

Sống trong thế giới Tục đế, nghiệp lực đóng một vai trò rất quan trọng. Nó vừa là một tác nhân mà cũng vừa là một tác quả. Nhưng động lực chính thúc đẩy tạo thành là do tâm. Tâm ở đây, tức là tâm vọng. Tâm có công năng như một tướng soái chỉ huy toàn bộ. Vì vậy, những hành động được xuất phát tạo thành nghiệp quả phải qua 3 lãnh vực kết hợp chặt chẽ của: thân, khẩu, ý. Thân và khẩu chỉ thi hành theo mệnh lệnh của ý thức. Ý thức là một trong tám món tâm vương. Nó có oai quyền sức mạnh rất lớn. Mọi sự thành bại, tốt xấu, nên hư, đắc thất trong cuộc đời, đều do nó chủ động tạo thành. Nên nói: tâm tạo tác tất cả. Công hay tội đều do nó tạo ra. Nếu nó suy nghĩ điều ác tổn mình hại người, hại vật, thì nó sai khiến thân và miệng làm những điều xấu ác. Dĩ nhiên, kết quả sẽ là một tai hại khốc liệt vô cùng to lớn. Như những trường hợp khủng bố đã xảy ra nhan nhãn hằng ngày khắp nơi trên thế giới. Và đã có biết bao nhiêu chuyện thương tâm khác mà chính do con người tạo ra, thật không có bút mực nào kể cho hết được. Ngược lại, nếu nó suy nghĩ điều lành, thì cũng sẽ thúc đẩy thân và miệng gây nên những lợi ích cho mình và người rất lớn. Cho nên, cặp song yếu pháp cú trên, Phật đã cho chúng ta một hình ảnh song hành rất cụ thể qua hai phương diện thiện và ác. Thiện hay ác, đều do tâm chủ động tạo nghiệp và rồi đưa đến một kết quả đúng theo luật nhân quả, như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe. Qua đó, chúng ta phải cẩn trọng giữ gìn tam nghiệp một cách nghiêm khắc như những quân lính giữ thành. Nếu kẻ giữ thành lơ đểnh không cảnh giác quân giặc, thì thành trì sẽ bị mất về tay quân giặc và hậu quả rất tai hại. Cũng thế, người tu hành, nếu buông lung ở nơi tâm ý, thì hậu quả rất tai hại cho mình và người. Ngược lại, nếu chúng ta khéo gìn giữ tam nghiệp, nhứt là ý nghiệp, một cách nghiêm nhặt, thì kết quả rất là tốt đẹp. Quả đúng với câu: “Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”.

Thích Phước Thái