Có một hôm đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang thuyết pháp độ sinh ở núi Linh Thứu, thành Xá Vệ, thì từ bên ngoài truyền vào một cái tin kỳ lạ khiến dân chúng trong cả thành Xá Vệ đâu đâu cũng xôn xao bàn tán.

Tin ấy như sau : Trong gia đình phú ông nọ mới sinh ra một đứa bé trai, nhưng kỳ lạ thay, thằng bé sinh ra không có tai, không có mắt, không có cả tay chân, và bất hạnh hơn nữa là hơn một trăm ngày trước khi nó ra đời thì cha nó mất đi. Vì thế tuy nó có 5 người chị nhưng trong nhà không có huynh trưởng, và gia sản tiền muôn bạc vạn ấy là do đứa bé trai tay chân và năm căn không đầy đủ ấy thừa hưởng. Như thế thì phải nói phúc báo của nó không phải là ít, nhưng không biết kiếp trước nó đã tạo nên tội ác nào để hôm nay mang một hình hài khốn khổ đến dường ấy ?

Các đệ tử của Phật nghe chuyện ấy, vội chạy tới gặp Phật thỉnh Ngài giải thích căn duyên. Ðức Phật là bậc đại giác, trong vũ trụ không có chuyện chi mà Ngài không biết, không hiểu rõ ngọn nguồn. Hôm ấy, nhìn các vị đệ tử đang ngồi xung quanh bốn bề, Ngài từ hòa nói :
–          Ta vui lòng thuyết giảng cho các ông biết về sự việc mà các ông mới được nghe nói đó. Chuyện này xảy ra trong một kiếp rất lâu xa về trước. Lúc ấy có một vị phú ông sinh ra hai cậu con trai, người anh tên là Ðàn Nhược, người em tên là Thi La.

Ðức Phật ngừng lại một lúc rồi tiếp tục nói :
–          Từ thuở bé Ðàn Nhược đã rất thành thật, trung tín, tính tình lại rộng rãi, thích bố thí, thấy việc nghĩa thì dũng cảm ra tay hành động ngay. Người trong thành ai cũng tán thán, danh tiếng của chàng ngày càng lan xa. Khi vua nước ấy nghe tiếng một người hiền đức như thế thì cho người dò xét khắp nơi xem điều ấy có thật hay không ? Khi biết được danh ấy không phải là hư truyền, vua phái sứ thần mời Ðàn Nhược lên kinh thành và phong cho chàng quan chức “Bình Sự”, đó là tên vua đặt cho người công minh chính đại duy nhất trong cả nước. Căn cứ theo luật pháp đương thời của nước ấy, trong dân gian ai có mượn tài sản vật dụng gì của ai thì không cần lập khế ước văn tự hay viết tờ giấy nợ, chỉ cần đến trước mặt quan Bình Sự xin chứng minh cho là đủ.

Cho tới cả những chuyện tranh cãi, kiện tụng, nếu không tự giải quyết với nhau được thì cũng đưa nhau ra trước mặt quan Bình Sự, nhờ ông phán quyết một cách công bình. Trong cái thời chưa có luật pháp, chưa có công ước như thế, quan Bình Sự phán quyết như thế nào thì mọi người phải tuyệt đối theo đó phục tùng. Trước khi mời được Ðàn Nhược về làm quan Bình Sự thì nhà vua đã phải tự mình giải quyết, xử lý hết mọi chuyện lớn nhỏ trong nước. Nay có quan Bình Sự đảm nhiệm việc ấy, dĩ nhiên vua đỡ được rất nhiều rắc rối phiền phức. Nhưng Ðàn Nhược từ khi giữ chức Bình Sự thì trách nhiệm thật là trọng đại, khiến ông bận bịu cả ngày, thường ăn không ngon, ngủ không yên nữa. Ðã vậy, không những ông không hưởng được bổng lộc của triều đình cũng không ăn đồng trinh nào của người dân, mà có khi, để giải quyết một sự việc nào đó cho ổn thỏa, ông còn phải móc tiền từ chính hầu bao của mình ra để giải hòa mọi xích mích.

Một người có quyền lực, có khả năng giải trừ mọi tranh chấp giữa người dân và giúp vua giữ gìn chính nghĩa, thật xứng đáng được mọi người kính trọng. Nhưng chỉ một lần hành động sai quấy, Ðàn Nhược đã mất lòng tin cậy của một số dân chúng và theo nguyên tắc nhân quả, đã chiêu cảm cái thống khổ của ngày hôm nay.

Nguyên nhân là vì lúc ấy có một nhà buôn rất nghèo, muốn tìm một vài người cùng ra nước ngoài làm ăn. Nhưng muốn thế cần phải có rất nhiều vốn, trước hết phải chuẩn bị một con tàu lớn, rồi tìm người dẫn đường, thuê người chèo thuyền, mua sẵn lương thực và đồ dùng cần thiết lúc ở giữa biển. Phải chuẩn bị quá nhiều thứ, phải cần quá nhiều vốn, nhà buôn nghèo cùng kia cảm thấy đau cả đầu ! Ðể sống cho qua ngày đã là một điều khó khăn quá rồi, số tiền to lớn kia tìm đâu ra đây ? Cuối cùng ông cũng tìm ra một cách. Số là ông quen biết nhiều với Thi La, em trai của quan Bình Sự Ðàn Nhược. Không ai là không biết là hai anh em nhà này đã chia nhau một gia tài kếch sù. Thế mà tuy có tiền, Thi La là một nho sĩ đọc sách, thành thật chất phác, không biết và cũng không thích buôn bán làm ăn, kinh doanh kiếm thêm tiền.

Vì vậy, nhà buôn nọ nghĩ rằng tốt hơn hết là tìm tới Thi La. Ông dùng lời mềm mỏng khéo léo để thuyết phục gia đình Thi La cho ông mượn một số tiền, rồi khi ông buôn bán thành công sẽ hoàn tiền lại cộng với lợi tức nữa. Những lời đường mật của nhà buôn đã làm cho Thi La động lòng, ông còn nói thêm :
–          Bạn chỉ cần xuất một số tiền, phần còn lại một mình tôi lo liệu, bạn cứ yên tâm ở nhà chờ tôi làm ăn thành công trở về, tôi sẽ lập tức đem tiền vốn và tiền lời tới tận nhà trả cho bạn.

Thi La vốn là một người thật tình nên bằng lòng ngay. Khi chuẩn bị xong số tiền, Thi La bèn đem con trai của mình cùng nhà buôn kia tới nhà người anh là quan Bình Sự, nhờ anh chứng minh cho :
–          Có một nhà buôn tên là … muốn ra nước ngoài làm ăn, cần tới một vạn đồng tiền vàng. Khi làm ăn thành công rồi ông ta sẽ lập tức đem tiền về trả cho em, cộng thêm một số tiền lời. Em đã chấp thuận lời ông  ta yêu cầu. Nếu lúc ấy em còn sống thì quá tốt, ông ta chỉ cần trả cho em. Nếu em có qua đời, thì số tiền ấy phải giao lại cho con trai em đây. Xin quan Bình Sự vui lòng làm người chứng.

Quan Bình Sự gật đầu chấp thuận. Nhà buôn nhận tiền rồi, chuẩn bị linh đình và khi mọi sự sẵn sàng thì lên tàu ra biển. Không ngờ trời không thuận lòng người, tàu ra giữa biển thì thình lình gặp gió to bão lớn, lật úp tàu xuống khiến người trên tàu bị rơi xuống nước. Về sau tuy được cứu sống, nhưng nhà buôn nọ trở về tay không, thân thể tuy không hề hấn gì mà một đồng xu cũng không còn. Không có cách gì trả nợ đã đành, mà sinh sống cũng vô cùng khó khăn. Bạn bè thân thích của ông ai cũng nhiều lần khuyến khích ông ra nước ngoài làm giàu một lần nữa, họ nói rằng kẻ nào bị tai nạn lớn mà không chết thì về sau hưởng đại phúc.

Nhà buôn tin những lời nói ấy, lấy lại can đảm, tìm cách tậu vốn và ấn định ngày xuất hành. Ra nước ngoài lần thứ hai ông may mắn hơn, gió thổi thuận chiều, chỉ mấy tháng sau là ông làm ăn thành công, trở về với vàng bạc đầy rương. Thi La thì bất hạnh, trong thời gian ấy đã ra người thiên cổ. Khi nhà buôn kia về tới cố hương, nghe tin Thi La không còn nữa thì gạt luôn chuyện trả nợ ra khỏi đầu và tiếp tục lo làm giàu.

Một chuyến, rồi thêm một chuyến nữa đi xa, nhà buôn nọ từ từ kiếm được thật nhiều tiền, bây giờ không những không cần lo tới miếng cơm manh áo, mà mái nhà tranh lúc trước nay đã biến thành một tòa nhà to lớn hoa lệ, vật dụng cần thiết trong nhà dư dả, đời sống trở nên xa xỉ, từ một nhà buôn nghèo cùng ông đã trở thành một tay cự phú, tiền rừng bạc biển. Có một hôm, người con trai của Thi La gặp nhà buôn nọ giữa đường, thấy ông này ăn mặc xa hoa, dáng điệu sung túc, cưỡi con tuấn mã vung roi ngựa chạy qua mặt cậu, cậu bèn vội chạy tới gọi lại để đòi món nợ ngày trước.

Nhà buôn trả lời vài ngày nữa sẽ đến tận nhà cậu để thôn tính chuyện nợ nần. Chiều về tới nhà, nghĩ tới việc trả nợ, nhà buôn nghĩ rằng “nếu trả tiền cho hắn thì tài sản của ta sẽ sa sút rất nhiều”, lúc trước mượn một vạn đồng tiền vàng, nay cộng thêm tiền lãi thì con số phải trả sẽ trở nên kinh khủng ! Ông bèn nảy ra một ý nghĩ xấu xa : lúc mượn tiền không có khế ước văn tự gì làm chứng, chỉ có mỗi một người là quan Bình Sự chứng minh. Nay làm sao để quan đừng chứng minh cho nữa thì vấn đề sẽ được giải quyết êm đẹp. Người con của Thi La không có bằng chứng thì hắn làm gì được ta nữa ? Thế rồi ông nghĩ ra một mưu kế để bắt quan Bình Sự làm theo ý mình.

Tay nhà buôn vô lương tâm đó biết rằng vợ của Ðàn Nhược Bình Sự rất thích nữ trang, bèn nắm lấy nhược điểm đó, cầm một viên ngọc quý đến thăm Bình Sự phu nhân. Khi gặp phu nhân nhà buôn nói :
–          Tôi có viên ngọc báu trị giá ngàn vàng, xin kính tặng phu nhân, nhưng lại có một điều cần đến sự giúp đỡ của phu nhân.

Nói tới đây nhà buôn ngừng lại một chút, nhìn phu nhân dò xét phản ứng, rồi nói tiếp :
–          Ðiều ấy rất đơn giản, chỉ xin phu nhân nói với quan Bình Sự một tiếng, nói ông đừng chứng minh là tôi có mượn tiền cháu ông ấy là xong.

Phu nhân nhìn viên ngọc ưa thích vô cùng, nhưng trước một việc vô đạo đức như thế, đối với lương tâm coi không được, hơn nữa bà thừa biết rằng quan Bình Sự làm việc rất quang minh chính đại, nên bà miễn cưỡng trả lời :
–          Quan Bình Sự cả đời chính trực, việc này tôi e rất khó, đợi tối nay nhà tôi về tôi nói thử một tiếng xem sao !

Tối đến quan Bình Sự Ðàn Nhược về nhà, phu nhân đem lời yêu cầu của nhà buôn ra xin quan Bình Sự thỏa thuận cho, nhưng quan Bình Sự không đồng ý làm cái chuyện thất đức ấy.

Hôm sau, nhà buôn lại đến, tay cầm một viên ngọc châu to hơn, đẹp hơn viên hôm trước. Tuy đêm qua quan Bình Sự đã từ chối, nhưng trước một viên ngọc quý trị giá 5 ngàn tiền vàng, phu nhân làm sao bỏ qua cho nổi. Chỉ một lời nói là viên ngọc ấy về tay mình, phu nhân hoàn toàn bị mê hoặc, nên không suy nghĩ gì thêm, bà ưng thuận giúp đỡ cho nhà buôn được toại nguyện. Khi Ðàn Nhược về tới nhà, phu nhân dùng lời ngọt ngào dịu dàng khuyến dụ chồng nhưng không có kết quả, cuối cùng bà đem bản lĩnh của một người đàn bà ra thi thố, một là khóc lóc, hai là cãi cọ, ba là treo cổ tự tử. Lúc ấy quan Bình Sự Ðàn Nhược bị đẩy vào đường cùng. Ðể giữ hòa khí trong gia đình, ông không làm gì khác hơn là cùng phu nhân chôn vùi lương tâm, làm cái chuyện tham lam, thất đức kia.

Hôm sau con trai của Thi La kéo người nhà buôn đến gặp quan Bình Sự, yêu cầu quan làm chứng, nhưng lương tâm Ðàn Nhược đã bị mê muội :
–          Ðầu óc ta nay đã lẫn mất rồi, ta không hề nhớ tới chuyện ấy !

Lần ấy quan Bình Sự Ðàn Nhược đã làm một chuyện xấu ác, nên chết rồi bị đọa địa ngục, chịu tất cả mọi thống khổ. Nay tuy sinh trong cõi người nhưng đời đời kiếp kiếp phải chịu phần số năm căn không đầy đủ như thế. Nhưng trong quá khứ, ông cũng đã từng là một người thích bố thí, nên được sinh trong một gia đình giàu sang.

Một người mà năm căn không đầy đủ thì có nhiều tiền bạc để làm gì ? Cho nên có câu nói “một lần sa ngã là hận thiên thu”. Xử sự không công bằng, làm chứng gian, có thể lừa gạt được người khác nhưng làm sao lừa gạt được nhân quả !

Trích: “Phật Giáo Cố Sự Đại Toàn” / Việt Dịch: Diệu Hạnh Giao Trinh