Những lời trên, bạn phải nói bằng một tấm lòng chân thật, một quyết tâm muốn thay đổi, một quyết tâm muốn lắng nghe để giúp cho cha mình bớt khổ. Phương pháp này gọi là phương pháp lắng nghe với lòng xót thương, đạo Bụt gọi là bi thính, tại Làng Mai chúng tôi dịch là compassionate listening.

Bạn có hạt giống của lòng xót thương ấy chôn sâu trong lòng mà bạn cứ nghĩ là bạn không thể tha thứ được, không thể chấp nhận được, không thể thương yêu được, bởi vì bạn nghĩ người kia đã nói đã làm những điều đã làm tan nát hết. Nhưng nếu nhìn kỹ lại (trong đạo Bụt gọi là quán chiều) bạn sẽ thấy sở dĩ người kia đã làm và đã nói như thế tại vì người kia có quá nhiều khổ đau bực dọc trong tâm mà không biết cách quản lý và chuyển hóa được cho nên người ấy đã làm vung vãi khổ đau của người ấy ra chung quanh và nhất là trên bạn. Bạn đừng tưởng chỉ có bạn mới là nạn nhân, là người nhận hết thương tích. Người kia sau khi đã nói, đã làm như thế cũng trở thành nạn nhân như bạn, cũng đã mang thêm vào người nhiều thương tích như bạn.

Thấy được sự thật là người ây đang khổ và đang không có lối thoát cho nên bạn cảm thấy lòng xót thương nơi bạn bắt đầu trào dâng. Đó là hạt giống của từ bi nơi bạn đang được tưới tẩm và đang phát hiện thành năng lượng. Và tự nhiên bạn thấy có khả năng tha thứ, chấp nhận và thương yêu. Bạn muốn người ấy nói ra được nỗi lòng để cho người ấy bớt khổ. Đó là ý tốt, đó là tâm thương yêu, đó là nguyện lành. Bạn đang trở thành vị bồ tát Quan Thế Âm, bởi vì Quan Thế Âm là người có khả năng lắng nghe với tâm xót thương. Bạn đừng tưởng đức Quan Thế Âm là một thiên thần đang đứng trên mây. Quan Thế Âm là hạt giống của tình thương chôn vùi trong tâm thức bạn, đã được tưới tẩm bởi sự quán chiếu, và đang trở thành năng lượng giúp bạn có thể lắng nghe người kia với lòng xót thương. Nếu bạn có thể nói ra được những lời trên kia tự đáy lòng, thì người kia, trong trường hợp này là ông thân sinh của bạn, sẽ cảm được tấm chân tình ấy, và trái tim của ông sẽ mở ra. Bạn phải hết sức thành khẩn mới thành công được. Và khi ông nói ra, ông có thể không sử dụng được ngôn từ hòa ái, bởi vì ông chưa có cơ hội luyện tập phép ái ngữ. Lời nói của ông còn có thể chua chát, giận hờn, trách móc và có tính cách buộc tội.

Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương

Nhưng nếu bạn đã nắm được phép lắng nghe thì bạn sẽ không để cho sự bực bội và giận hờn chiếm cứ lây bạn. Bạn vẫn có thể tiếp tục lắng nghe với lòng xót thương, dù ông ây đang sử dụng những lời nói trách móc buộc tội, và nhất là ông ây đang có những tri giác rất sai lầm về bạn và về tình trạng. Làm sao để có thể tiếp tục lắng nghe với tâm từ bi khi những lời người kia nói đụng tới những vết thương sẵn có trong tâm? Đó là bí quyết của sự thực tập. Nếu bạn biết nắm được hơi thở, duy trì được ước muốn lắng nghe để cho người kia nói ra được những điều người kia chưa nói ra được, nếu bạn luôn luôn ý thức là người kia đang khổ, đang có những tri giác sai lầm về bạn và về chính người kia, và việc lắng nghe mà bạn đang làm đây chỉ có một mục đích là làm cho người đó bớt khổ, thì bạn có khả năng tiếp tục lắng nghe được người kia mà những bực bội vẫn không phát khởi trong bạn, và những vết thương trong bạn vẫn không bị đụng tới. Đó là phép lạ của tâm từ bi.

Duy trì được tâm xót thương thì bạn được che chở. Bạn cứ thực tập đi rồi bạn sẽ thấy. Cố nhiên trong khi lắng nghe bạn nhận thấy người ấy có nhiều hiểu lầm, nhiều cố chấp, nhưng bạn không nóng nảy ngắt lời người ấy, vì bạn biết rất rõ nếu bạn cắt lời người ấy, nói cho người ấy biết là người ấy sai lầm, thì người ấy sẽ bực bội, khựng lại, sẽ không còn tiếp tục nói được nữa, và cả hai sẽ bị kéo vào trong một cuộc cãi vã. Bạn thấy được những tri giác sai lầm của người ấy, nhưng bạn tự nhủ: ta hãy lắng nghe đã, mai mốt thế nào ta cũng có cơ hội cung cấp cho người ấy những dữ kiện về những gì đã thực sự xảy ra để người ấy có thể từ từ điều chỉnh nhận thức và tri giác của người ấy. Bây giờ đây công việc ta đang làm là chỉ lắng nghe thôi. Lắng nghe với lòng xót thương. Bởi vì bạn biết rằng do những tri giác sai lầm như thế cho nên người kia mới tự làm khổ mình và làm khổ người mình thương. Duy trì được lòng xót thương ấy suốt trong buổi ngồi nghe là bạn thành công. Bạn thành công là bạn làm được như bồ tát lắng nghe, nghĩa là bồ tát Quan Âm.

(Trích: Tuổi Trẻ Tình Yêu Và Lý Tưởng)
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh