TỨ PHẦN LUẬT 四分律

Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.  
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng 
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng 

—o0o—

CHƯƠNG I: BA-LA-DI[1]

I. BẤT TỊNH HẠNH

A. DUYÊN KHỞI

1. SỰ KIỆN TỲ-LAN-NHÃ

Một thời, đức Phật cùng chúng đại tỳ-kheo gồm năm trăm vị, du hóa đến thành Tô-la-bà,[2] tuần tự du hành đến Tỳ-lan-nhã ,[3] và đêm ấy ngủ dưới bóng cây na-lâu-la-tân-châu-man-đà-la.[4] Bấy giờ bà-la-môn Tỳ-lan-nhã nghe Sa-môn Cù-đàm, họ Thích, bỏ dòng họ Thích đi xuất gia tầm đạo, đã từ nước Tô-la-bà dẫn chúng tỳ-kheo gồm năm trăm vị, tuần tự du hành đến Tỳ-lan-nhã này, và nghỉ đêm dưới bóng cây na-lân-la-tân-châu-man-đà-la. Sa-môn Cù-đàm này có danh xưng lớn như vầy: “Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn. Ngài ở giữa các chúng Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn công bố chánh pháp do tự thân chứng nghiệm bằng thắng trí. Pháp ấy thiện xảo ở khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối, có nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh, tự nhiên được tu tập đầy đủ. Lành thay! Chúng ta được chiêm ngưỡng con người Vô trước[5] như vậy. Nay ta nên đến thăm hỏi Sa-môn Cù-đàm.»

Bấy giờ, bà-la-môn Tỳ-lan-nhã liền đến chỗ đức Thế tôn. Khi đến nơi, hỏi chào thăm viếng nhau rồi, ngồi qua một bên.

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện thuyết pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Bà-la-môn sau khi nghe đức Phật nói pháp, lòng sanh hoan hỷ, liền thưa:

«Cúi xin đức Thế tôn thương xót chấp thuận thỉnh cầu của con, cùng với chúng tỳ-kheo an cư ba tháng mùa mưa.»

Đức Thế tôn và Tăng tỳ-kheo im lặng nhận lời. Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã biết đức Thế tôn đã im lặng nhận lời thỉnh của mình, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật rồi cáo lui.

Thế tôn cùng chúng tỳ-kheo gồm năm trăm vị nhận lời an cư ba tháng mùa mưa. Bấy giờ có người lái ngựa từ nước Ba-ly[6] lùa năm trăm thớt ngựa đến Tỳ-lan-nhã và ở đây đóng trại chín mươi ngày mùa hạ.

Thời điểm này gặp lúc mất mùa, lúa gạo quý giá, nhân dân đói khát, xương trắng ngổn ngang, khất thực khó được. Bà-la-môn Tỳ-lan-nhã tuy thỉnh Như Lai và Tăng tỳ-kheo an cư ba tháng, nhưng hoàn toàn không cúng dường, cung cấp những nhu cầu cần thiết. Tại sao vậy? [569a1] Vì bị ám bởi Ma Ba-tuần.

Bấy giờ, các tỳ-kheo ở Tỳ-lan-nhã khất thực không được, nên phải đến khất thực nơi người lái ngựa kia. Lúc ấy, người lái ngựa tự nghĩ: «Hiện nay mất mùa, lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất thực khó được, xương trắng ngổn ngang. Các tỳ-kheo kia khất thực không được nên đến đây. Nay ta có nên dùng lúa mạch của ngựa mỗi ngày bố thí cho tỳ-kheo năm thăng, Thế tôn một đấu hay chăng?» Nghĩ như vậy rồi, mỗi ngày ông bố thí cho các tỳ-kheo năm thăng lúa mạch của ngựa, Thế tôn một đấu.

Đức Thế tôn nhận được phần lúa ngựa rồi, trao cho A-nan. A-nan khiến người xay làm cơm khô để dâng Phật. Đức Phật dùng cơm khô, còn các tỳ-kheo nấu chín rồi mới ăn. Do đó, giữa đức Phật cùng các tỳ-kheo thức ăn có khác.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-liên đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, lui ngồi một bên, thưa:

«Kính bạch Đại đức, hiện nay lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, khất thực khó được; thực phẩm của các tỳ-kheo rất là thô xấu, nên tất cả đều bị gầy ốm. Nếu đức Thế tôn cho phép, các tỳ-kheo có thần túc đến nước Uất-đơn-việt[7] lấy thức ăn bằng gạo của loại lúa chín muộn tự nhiên,[8] thì chúng con sẽ đi.»

Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:

«Các vị tỳ-kheo có thần túc thì có thể đến đó để lấy thức ăn bằng gạo lúa tự nhiên, còn các vị tỳ-kheo không có thần túc thì thế nào?»

Tôn giả Mục-liên thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, các vị có thần túc thì họ tùy ý đến, còn các vị không có thần túc thì con sẽ dùng sức thần túc của con để giúp các vị đến đó.»[9]

Đức Phật bảo Tôn giả Mục-liên:

«Thôi đi, thôi đi, đừng nói vậy! Tại sao? Các ông là những con người[10] đã chứng đắc thần túc thì có thể làm như vậy. Còn các vị tỳ-kheo ở đời vị lai sẽ làm sao?»

2. XÁ-LỢI-PHẤT THƯA HỎI

Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất ở nơi nhàn tĩnh, nghĩ như vầy: «Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài? Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp không tồn tại lâu dài?» Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, đến chỗ Thế tôn, đầu mặt đảnh lễ, ngồi qua một bên. Một lát sau, rời chỗ ngồi, đứng dậy thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, vừa rồi ở chỗ nhàn tĩnh, con nghĩ: ‹Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài? Vị Đẳng chánh giác nào có phạm hạnh tu tập và Phật pháp không tồn tại lâu dài?› Cúi xin đức Thế tôn khai thị cho con.»

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

«Đức Phật Tỳ-bà-thi, đức Phật Thức-khí, đức Phật Câu-lưu-tôn, đức Phật Ca-diếp, các vị Phật này có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài. Pháp của Phật Tùy-diệp, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, thì không tồn tại lâu dài.»

Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

«Do nhơn duyên gì mà [569b1] Phật Tỳ-bà-thi,[11] đức Phật Thức,[12] đức Phật Câu-lưu-tôn,[13] đức Phật Ca-diệp,[14] các vị Phật này có phạm hạnh tu tập và Phật pháp tồn tại lâu dài; Pháp của Phật Tùy-diệp,[15] Phật Câu-na-hàm Mâu-ni,[16] thì không tồn tại lâu dài?»[17]

Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

«Đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Tùy-diệp không công bố pháp rộng rãi như: Khế kinh, Kỳ-dạ kinh, Thọ ký, Phương đẳng kinh, Vị tằng hữu kinh, Thí dụ kinh, Ưu-bà-đề-xá kinh.[18] Không vì người rộng nói Khế kinh, cho đến Ưu-bà-đề-xá kinh, không kết giới cũng không thuyết giới, cho nên các đệ tử mỏi mệt nhàm chán,[19] vì vậy cho nên pháp không tồn tại dài lâu. Khi đức Thế tôn kia biết tâm các đệ tự mỏi mệt nhàm chán thì chỉ dạy như vầy:[20] ‹Điều này nên niệm; điều này không nên niệm. Điều này nên tư duy; điều này không nên tư duy. Điều này nên đoạn; điều này nên thành tựu và an trú.›

«Này Xá-lợi-phất, xa xưa về trước, đức Phật Tùy-diệp cùng với một ngàn tỳ-kheo sống trong rừng Kinh sợ .[21] Này Xá-lợi-phất, nếu có người nào chưa lìa dục mà vào trong rừng kia, thì lông trong người đều bị dựng ngược lên, cho nên gọi là rừng Khủng úy.[22]

«Lại nữa, này Xá-lợi-phất, đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Tùy-diệp Như lai, là bậc Chí chơn, Đẳng chánh giác, quán trong tâm một ngàn vị tỳ-kheo mỏi mệt nhàm chán, thì vì họ nói pháp: ‹Điều này nên niệm; điều này không nên niệm. Điều này nên tư duy; điều này không nên tư duy. Điều này nên đoạn; điều này nên thành tựu và an trú.›

«Này Xá-lợi-phất, nên biết, lúc bấy giờ đức Phật kia và các vị Thinh văn còn ở đời thì Phật pháp được truyền rộng rãi. Nhưng sau khi đức Phật kia và các Thinh văn[23] diệt độ, mọi người trong thế gian đời sau, đủ mọi thành phần, đủ các dòng họ, đủ các gia tộc xuất gia. Đó là lý do khiến cho Phật pháp mau diệt, không tồn tại lâu dài. Tại sao vậy? Vì không được thâu nhiếp bằng kinh pháp.

«Này Xá-lợi-phất, ví như các loại hoa rải trên mặt bàn, gió thổi thì bay. Tại sao vậy? Vì không dùng sợi chỉ xâu nó lại, cho nên như vậy.

«Này Xá-lợi-phất, đức Phật kia và các chúng Thinh văn khi còn ở đời thì Phật pháp lưu bố. Nhưng sau khi đức Phật kia và chúng Thinh văn diệt độ, người trong thế gian, đủ mọi thành phần, đủ các dòng họ, đủ các gia tộc xuất gia khiến cho chánh pháp mau diệt, không tồn tại lâu dài. Tại sao? Vì không được thâu nhiếp bằng kinh pháp.»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

«Đức Phật Tỳ-Bà-thi, đức Phật Thức, đức Phật Câu-lưu-tôn, đức Phật Ca-diếp vì các đệ tử rộng nói kinh pháp, từ Khế kinh cho đến Ưu-bà-xá kinh, cũng kết giới, cũng thuyết giới. Khi tâm chúng đệ tử [569c1] mỏi mệt nhàm chán, đức Phật biết tâm của họ mỏi mệt nhàm chán, chỉ dạy như vầy: ‹Điều này nên niệm; điều này không nên niệm. Điều này nên tư duy; điều này không nên tư duy. Điều này nên đoạn; điều này nên thành tựu và an trú.›

«Như vậy, này Xá-lợi-phất, các đức Phật kia và chúng Thinh văn khi còn ở đời thì Phật pháp lưu bố. Nếu các đức Phật kia và chúng Thinh văn sau khi diệt độ; người trong thế gian đời sau, đủ mọi thành phần, đủ các dòng họ, đủ các gia tộc xuất gia, không khiến cho Phật pháp mau diệt. Tại sao vậy? Vì được thâu nhiếp bằng kinh pháp.

«Này Xá-lợi-phất, ví như các loại hoa rải trên mặt bàn được xâu lại bằng sợi chỉ; tuy bị gió thổi nhưng không bị phân tán. Tại sao vậy? Nhờ sợi chỉ khéo xâu giữ lại.

«Cũng vậy, này Xá-lợi-phất, đức Phật kia cùng chúng Thinh văn ở đời rộng nói Phật pháp, như trên.

«Này Xá-lợi-phất, do nhân duyên này mà Phật pháp thời đức Phật Tỳ-bà-thi, cho đến đức Phật Ca-diệp được tồn tại lâu dài, và cũng do nhân duyên này mà Phật pháp thời đức Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, đức Phật Tùy-diếp không tồn tại lâu dài.»

Lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, mặc y trống vai bên hữu, đầu gối hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:

«Kính bạch đức Thế tôn, nay chính là lúc. Cúi xin đức Đại Thánh vì các tỳ-kheo kết giới, thuyết giới, khiến cho phạm hạnh được tu tập, pháp được tồn tại lâu dài.»

Đức Thế tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:

«Hãy thôi![24] Như Lai tự biết thời. Này Xá-lợi-phất, vì sao Như Lai chưa vì các tỳ-kheo kết giới? Vì trong chúng tỳ-kheo chưa có ai phạm pháp hữu lậu. Nếu có người nào phạm pháp hữu lậu, nhiên hậu Thế tôn mới vì các tỳ-kheo kết giới để đoạn pháp hữu lậu kia. Này Xá-lợi-phất, khi tỳ-kheo chưa được lợi dưỡng thì chắc chắn chưa sanh pháp hữu lậu. Nếu tỳ-kheo được lợi dưỡng thì pháp hữu lậu liền sanh. Nếu pháp hữu lậu đã sanh, Thế tôn mới vì các tỳ-kheo kiết giới, vì muốn khiến cho họ đoạn pháp hữu lậu vậy.

«Này Xá-lợi-phất, tỳ-kheo chưa sanh pháp hữu lậu chỉ vì chưa có danh tiếng, chưa ai biết đến nhiều, chưa có tiếng đồn nhiều, chưa có tài nghiệp nhiều. Nếu tỳ-kheo được danh tiếng, cho đến nhiều tài nghiệp thì pháp hữu lậu liền sanh. Nếu có pháp hữu lậu sanh, nhiên hậu Thế tôn sẽ vì đệ tử kiết giới để đoạn pháp hữu lậu. Này Xá-lợi-phất, hãy thôi! Như lai tự biết thời.»

3. NHÂN DUYÊN TU-ĐỀ-NA: KẾT GIỚI LẦN THỨ NHẤT

Bấy giờ Thế tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Khi ấy, có Tu-đề-na Tử ở thôn Ca-lan-đà .[25] Trong thôn này, ông là người có nhiều tiền của, lắm đồ châu báu, với lòng tin kiên cố, xuất gia hành đạo.

[570a1] Vào lúc bấy giờ, lúa thóc khan hiếm, các tỳ-kheo khất thực khó được. Tu-đề-na Tử tự nghĩ như vầy: «Hiện nay mất mùa, các tỳ-kheo khất thực khó được. Ta nên hướng dẫn các tỳ-kheo đến thôn Ca-lan-đà để khất thực. Các tỳ-kheo sẽ nhân bởi ta mà được lợi dưỡng lớn để có thể tu phạm hạnh. Cũng khiến cho dòng họ ta tích cực hành bố thí, làm các phước đức.» Nghĩ như vậy rồi, Tu-đề-na Tử liền dẫn các tỳ-kheo về thôn Ca-lan-đà.

Mẹ của ông Tu-đề-na nghe con mình dẫn các tỳ-kheo về lại bổn thôn, liền đến đón. Khi đến chỗ con, bà nói với con trai của mình:

«Con nên bỏ đạo, trở về làm người bạch y. Tại sao vậy? Vì cha con đã qua đời, mẹ sống đơn độc, sợ gia tài sẽ rơi vào cửa nhà quan. Của cải của cha con vốn đã nhiều, huống là tài sản của tổ phụ để lại vô lượng. Thật là đáng tiếc! Do vậy, nay con hãy bỏ đạo để trở về đời.»

Tu-đề-na trả lời mẹ:

«Con không thể bỏ đạo, để làm những việc phi pháp này. Hiện tại con rất thích phạm hạnh, tu đạo vô thượng.»

Ba lần người mẹ bảo như vậy, cũng ba lần người con thưa:

«Không thể bỏ đạo để trở về thế tục được!»

Bà mẹ liền bỏ ra về. Bà ta đến chỗ người con dâu, nói:

«Khi nào nguyệt kỳ của con đến, tin cho mẹ biết.»

Người dâu tự biết nguyệt kỳ sắp đến, nên đến thưa với mẹ chồng:

«Thưa đại gia, nguyệt kỳ của con sắp đến.»

Bà mẹ chồng bảo:

«Con nên dùng y phục và nữ trang của ngày cưới trang điểm thân con rồi đến đây.»

Người con dâu theo lời mẹ chồng dạy, liền tự trang điểm thân mình; rồi cùng mẹ đến chỗ người chồng. Đến nơi, bà mẹ chồng nói với con bà:

«Nay đã đến lúc, con phải bỏ đạo về đời. Tại sao vậy? Vì nếu con không bỏ đạo, tài vật của nhà ta sẽ bị thu vào cửa nhà quan.»

Người con thưa với mẹ:

«Con không thể bỏ đạo!»

Sau khi ba lần nói như vậy, bà nói với con trai:

«Hôm nay hoa thủy của vợ con đã xuất. Con nên lưu lại đứa con để dòng dõi của con không bị đứt.»

Người con thưa:

«Việc này rất dễ. Con có thể làm được.»

Lúc bấy giờ, trước khi Phật chế giới, Ca-lan-đà Tử không thấy được dục là ô uế, liền nắm tay người vợ cũ dẫn vào trong vườn, nơi chỗ khuất vắng, ba lần làm việc bất tịnh. Ngay khi ấy, trong vườn có con quỷ vừa mệnh chung liền gá vào thai. Nương nơi thai đủ chín tháng, sanh ra một hài nhi nam, dung mạo đoan chánh, có một không hai trên đời, được đặt tên là Chủng Tử,[26] các căn đầy đủ. Theo thời gian, Chủng Tử khôn lớn, cạo tóc, mặc cà sa, với lòng tin vững chắc xuất gia học đạo, tinh cần không biếng nhác, đắc quả A-la-hán, thần thông biến hóa, oai đức vô lượng, cho nên có hiệu là Tôn giả Chủng Tử.[27]

Tu-đề-na tập oai nghi của Sa-môn, không việc gì không biết, gặp việc gì cũng làm được; [570b1] và cũng có thể dạy bảo người khác.

Từ khi Tu-đề-na làm việc bất tịnh rồi, về sau thường ôm lòng sầu ưu. Các đồng học thấy vậy hỏi:

«Thầy có điều gì sầu ưu phải chăng? Thầy tu phạm hạnh lâu, oai nghi lễ tiết không việc gì không biết, tại sao sầu ưu? Hay là không thích sống đời sống phạm hạnh nữa?»

Tu-đề-na nói:

«Tôi rất thích đời sống phạm hạnh. Nhưng gần đây, nơi chỗ khuất vắng, tôi đã phạm ác hạnh; cùng vợ cũ[28] làm việc bất tịnh, nên ưu sầu.»

Các tỳ-kheo nói với Tu-đề-na:

«Tại sao thầy lại làm việc xấu như vậy? Trong pháp thanh tịnh của đức Như Lai, ở trong dục mà không dục, ở trong cấu bẩn mà không cấu bẩn, hay đoạn trừ khát ái, phá bỏ hang ổ, trừ các trói buộc, ái diệt tận chứng Niết-bàn. Tại sao nay Thầy lại ở trong pháp thanh tịnh này cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh?»

Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, cúi đầu lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc ấy đức Thế tôn do nhơn duyên này mà tập hợp các tỳ-kheo.

Đức Thế tôn có khi biết mà vẫn hỏi, có khi biết mà không hỏi; đôi khi đúng lúc thì hỏi, đôi khi đúng lúc mà không hỏi; hợp nghĩa[29]. Bấy giờ đức Thế tôn biết đúng thời, hợp nghĩa, cho nên hỏi Tu-đề-na:

«Thật sự ông có cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh hay không?»

«Đúng như vậy, bạch Thế tôn. Con đã phạm bất tịnh hạnh.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách:

«Việc ông làm là sai, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận. Ông đã làm điều chẳng nên làm.

«Tu-đề-na, tại sao ở trong pháp thanh tịnh này, (như trên, cho đến) ái diệt tận chứng Niết-bàn, lại cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh?»

Đức phật bảo các tỳ-kheo:

«Thà để nam căn vào trong miệng con rắn độc, không nên để vào nữ căn. Tại sao vậy? Vì duyên này không đọa nơi đường ác, còn nếu phạm vào người nữ thì thân hoại mạng chung đọa vào ba đường ác. Tại sao vậy? Ta đã dùng vô số phương tiện nói pháp đoạn dục, đoạn dục tưởng, diệt dục niệm, trừ tan sức nóng của dục, vượt ra khỏi sự kết buộc của ái. Ta đã dùng vô số phương tiện nói, dục như lửa, dục như bó đuốc cỏ khô trong tay, cũng như trái cây, lại như vật tạm mượn, cũng như xương khô, như cục thịt, như cảnh mộng, như mũi dao nhọn được dẫm lên, như đồ gốm mới làm đựng nước để dưới nắng sáng giữa ngày, như đầu con rắn độc, như con dao xoay vòng, như trên cọc nhọn, như ngọn lao bén đâm.[30] Dục rất là nhớp nhúa, rất là xấu ác, là điều mà Phật quở trách.

«Tu-đề-na, ngươi ở trong giáo pháp thanh tịnh của Ta, (như trên, cho đến) ái diệt tận chứng Niết-bàn, lại cùng vợ cũ làm hạnh bất tịnh.»

[570c01] Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách, rồi bảo các tỳ-kheo:

«Tu-đề-na là người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới đầu tiên. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, nhắm đến mười cú nghĩa :[31] 1. Nhiếp thủ đối với Tăng. 2. Khiến cho Tăng hoan hỷ. 3. Khiến cho Tăng an lạc. 4. Khiến cho người chưa tín thì có tín. 5. Người đã có tín khiến tăng tưởng. 6. Để điều phục người chưa được điều phục. 7. Người có tàm quý được an lạc. 8. Đoạn hữu lậu hiện tại. 9. Đoạn hữu lậu đời vị lai. 10. Chánh pháp được tồn tại lâu dài .[32]

«Muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy:

Tỳ-kheo nào, phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.»

Đức Thế tôn đã kết giới như vậy cho các tỳ-kheo.

4. NHÂN DUYÊN BẠT-XÀ TỬ: KẾT GIỚI LẦN THỨ HAI

Bấy giờ, tỳ-kheo Bạt-xà Tử[33] sầu ưu không muốn sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng với vợ cũ hành bất tịnh hạnh. Sau đó suy nghĩ, «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, phạm bất tịnh hạnh, hành pháp dâm dục, tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Song ta vì sầu ưu, không muốn sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh. Như vậy ta có phạm ba-la-di không? Ta sẽ làm như thế nào đây?» Bèn nói với các đồng học:

«Thưa Trưởng lão, đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Song tôi vì sầu ưu, không muốn sống tịnh hạnh, trở về nhà cùng vợ cũ hành bất tịnh hạnh. Như vậy tôi có phạm ba-la-di không? Tôi sẽ làm như thế nào đây? Lành thay, Trưởng lão vì tôi đem việc này bạch lên đức Phật. Tùy theo đức Phật dạy như thế nào, tôi sẽ phụng hành như thế ấy.»

Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc bấy giờ đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo. Ngài dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Bạt-xà Tử:

«Việc ông làm là sai, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận. Ông đã làm điều chẳng nên làm.

«Thế nào, người ngu si, không thích tịnh hạnh, trở về nhà cùng vợ cũ làm bất tịnh hạnh? Vừa mới để vào là ba-la-di. Ông là người ngu si, phạm ba-la-di, không được sống chung. Cho nên, này các tỳ-kheo, nếu có ai không thích tịnh hạnh, cho phép xả giới về nhà. Sau đó, muốn xuất gia lại, ở trong Phật pháp tu tịnh hạnh, nên độ cho xuất gia, thọ đại giới. Từ nay về sau [571a01] nên thuyết giới như vầy:

«Tỳ-kheo nào, cùng với tỳ-kheo đồng giới, không xả giới, giới sút kém không tự phát lồ,[34] phạm bất tịnh hạnh, làm pháp dâm dục, tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.»

Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy.

5. NHÂN DUYÊN VƯỢN CÁI: KẾT GIỚI LẦN THỨ BA

Tỳ-kheo khất thực[35] sống ở trong rừng.

Trong khu rừng này, trước đó có một con vượn cái[36] đã ở. Tỳ-kheo khất thực này mỗi khi vào thôn khất thực, rồi trở về lại rừng, ăn xong, mang thức ăn còn dư cho con vượn cái này ăn. Cứ như vậy, dần dần thuần phục được nó. Nó đi theo sau tỳ-kheo, thậm chí dùng tay bắt, nó vẫn không chạy. Tỳ-kheo này liền bắt con vượn cái này, cùng làm bất tịnh hạnh.

Bấy giờ, có một số đông tỳ-kheo đi xem xét các trú xứ,[37] tuần tự đến khu rừng này. Lúc ấy, con vượn cái ở trước mặt các tỳ-kheo, xoay lưng lại, bày tỏ dấu hiệu hành dâm. Các tỳ-kheo suy nghĩ: «Con vượn cái này ở trước mặt chúng ta, xoay lưng lại, bày tỏ dấu hiệu hành dâm, đâu không cùng với tỳ-kheo khác làm bất tịnh hạnh hay chăng?» Các tỳ-kheo cùng bảo nhau ẩn mình nơi chỗ vắng để rình xem.

Tỳ-kheo khất thực kia trở lại khu rừng, ăn xong, dùng thức ăn dư cho con vượn. Con vượn ăn rồi, cùng làm bất tịnh hạnh. Các tỳ-kheo thấy vậy, liền đến nói với tỳ-kheo khất thực ấy rằng:

«Đức Như Lai há không chế cấm tỳ-kheo không được làm bất tịnh hạnh hay chăng?»

Vị tỳ-kheo kia bảo:

«Đức Như Lai cấm chế nam phạm với phụ nữ chứ không chế cấm với súc sanh.»

Các tỳ-kheo nghe nói lời như vậy rồi, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này liền tập hợp Tăng tỳ-kheo, dùng vô số phương tiện quở trách vị tỳ-kheo khất thực kia:

«Tỳ-kheo, sao lại cùng với vượn cái làm bất tịnh hạnh? Vừa để vào liền phạm ba-la-di. Nay muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy:

B. GIỚI VĂN

Tỳ-kheo nào, cùng với tỳ-kheo đồng giới, không hoàn giới, giới sút kém, không tự phát lồ, cho đến cùng với loài súc sanh, phạm bất tịnh hạnh; Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.

C. THÍCH NGHĨA

Tỳ-kheo nào: gồm có tỳ-kheo danh tự, tỳ-kheo tương tợ, tỳ-kheo tự xưng, tỳ-kheo thiện lai, tỳ-kheo khất cầu,[38] tỳ-kheo mặc y cát tiệt,[39] tỳ-kheo phá kiết sử, tỳ-kheo thọ đại giới do bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu hợp cách.[40] Trong số các tỳ-kheo này, tỳ-kheo ở đây đề cập đến là tỳ-kheo thọ đại giới bạch tứ yết-ma như pháp thành tựu hợp cách. Trụ trong pháp tỳ-kheo đó gọi là tỳ-kheo.

Cùng với tỳ-kheo:[41] ở đây chỉ các tỳ-kheo khác thọ đại giới bạch tứ yết-ma [571b01] như pháp thành tựu hợp cách, trụ trong pháp tỳ-kheo. Đó là nghĩa ‹cùng với tỳ-kheo.›

Thế nào gọi là đồng giới?[42] Đối với giới mà Ta (Phật) đã kết cho các đệ tử, thà chết chứ không phạm. Trong đây, cùng với các tỳ-kheo khác duy nhất giới, đồng nhất giới, bình đẳng giới; đó gọi là đồng giới.

Thế nào gọi là không xả giới? Xả giới khi đang điên cuồng; xả giới trước người điên cuồng; xả giới khi đau đớn; xả giới trước người đau đớn; xả giới khi điếc; xả giới khi câm; xả giới khi câm điếc; xả giới trước người câm; xả giới trước người điếc; xả giới trước người câm điếc. Người trung quốc xả giới trước người biên địa; người biên địa xả giới trước người trung quốc. Chỗ không tĩnh, tưởng là tĩnh mà xả giới. Tĩnh tưởng là không tĩnh mà xả giới. Giỡn cười xả giới. Trước trời, rồng, dạ xoa, ngạ quỷ, người ngủ, người chết, người không biết gì, không tự nói hoặc nói mà người nghe không hiểu…, các trường hợp như vậy không gọi là xả giới.

Thế nào gọi là xả giới? Nếu tỳ-kheo không thích tu phạm hạnh, muốn được trở về nhà, nhàm chán pháp tỳ-kheo, thường ôm lòng hổ thẹn ,[43] tham thú vui tại gia, tham muốn pháp ưu-bà-tắc, hoặc chỉ niệm tưởng pháp sa-di,[44] hoặc ưa pháp ngoại đạo, ưa pháp đệ tử ngoại đạo,[45] ưa pháp phi sa-môn, phi Thích tử, bèn nói lên lời nói như vầy: «Tôi xả Phật, xả Pháp, xả tỳ-kheo Tăng, xả Hòa-thượng, xả đồng Hòa-thượng, xả A-xà-lê, xả đồng A-xà-lê, xả các phạm hạnh,[46] xả giới, xả luật, xả học sự, nhận pháp ở nhà. Tôi làm tịnh nhơn. Tôi làm ưu-bà-tắc. Tôi làm sa-di. Tôi làm ngoại đạo. Tôi làm đệ tử ngoại đạo. Tôi làm phi Sa-môn, phi Thích chủng tử.»

Hoặc lại nói như vầy: «Thôi, không cần Phật. Phật đối với tôi đâu có ích gì. Tôi lìa bỏ chỗ Phật.» Cho đến đối với học sự cũng nói như vậy. Hoặc lại nói những lời nói khác hủy báng Phật, Pháp và Tăng cho đến học sự; khen ngợi gia nghiệp, cho đến phi Sa-môn, phi Thích tử. Bằng lời nói như vậy một cách rõ ràng để nói thì gọi là xả giới.

Giới sút kém :[47] hoặc có giới sút kém mà không xả giới, hoặc có giới sút kém mà xả giới.

Tại sao gọi là giới sút kém mà không xả giới? Nếu tỳ-kheo sầu ưu, không thích phạm hạnh, muốn được về nhà, nhàm chán pháp tỳ-kheo, ôm lòng xấu hổ, ý muốn ở nhà, cho đến ưa muốn làm pháp phi Sa-môn, phi Thích tử, bèn nói như vầy: «Tôi nghĩ đến cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, xóm làng, thành ấp, [571c01] ruộng vườn, ao hồ. Tôi muốn xả Phật, Pháp, Tăng, cho đến học sự.» Liền muốn thọ trì gia nghiệp, cho đến, phi Sa-môn, phi Thích tử. Như vậy gọi là giới sút kém mà không xả giới.

Thế nào gọi là giới sút kém mà xả giới? Nếu khởi tư duy như vầy: ‹Tôi muốn xả giới.› Rồi xả giới. Như vậy gọi là giới sút kém mà xả giới.

Bất tịnh hạnh:[48] là pháp dâm dục.

Cho đến cùng với súc sanh là chỉ đối tượng có thể hành dâm.

Thế nào là ba-la-di ?[49] Ví như cái đầu của con người đã bị chặt thì không thể mọc trở lại. Tỳ-kheo cũng như vậy, người phạm pháp này không còn thành tỳ-kheo nữa, cho nên gọi là ba-la-di.

Thế nào gọi là không được sống chung?[50] Có hai trường hợp gọi là được sống chung: đồng một yết-ma, đồng một thuyết giới. Không được cùng chung làm hai việc này cho nên gọi không được sống chung.

D. PHẠM TƯỚNG

Có ba trường hợp hành bất tịnh hạnh thành ba-la-di: loài người, phi nhơn, súc sanh.

Lại có năm loại hành bất tịnh hạnh phạm ba-la-di: thuộc loài người là phụ nữ, đồng nữ, có hai hình,[51] huỳnh môn,[52] người nam. Nơi năm đối tượng này hành bất tịnh hạnh phạm ba-la-di.

Đối với ba loại giống cái hành bất tịnh hạnh, thành ba-la-di. Những gì là ba? Người nữ, phi nhân[53] nữ, súc sanh cái. Đối với ba đối tượng này hành bất tịnh hạnh, thành ba-la-di. Ba loại đồng nữ, ba loại nhị hình, ba loại bất năng nam, ba loại người nam; đối với những loại này hành bất tịnh hạnh, thành ba-la-di. Cũng như vậy, phạm ba nơi của người phụ nữ, thành ba-la-di. Ba nơi là, đường đại tiện, đường tiểu tiện và miệng. Cũng vậy, ba nơi của loài phi nhân cái, súc sanh giống cái, đồng nữ loài người, đồng nữ loài phi nhơn, súc sanh mới lớn, người nhị hình, phi nhân nhị hình, súc sanh nhị hình.

Hành bất tịnh hạnh ở hai nơi của người huỳnh môn, thành ba-la-di. Hai nơi là đường đại tiện và miệng. Phi nhân huỳnh môn, súc sanh huỳnh môn cũng vậy. Ở hai nơi loại bất năng nam, súc sanh đực cũng như vậy.

Tỳ-kheo với tâm dâm, hướng đến nơi đường đại tiện, đường tiểu tiện và miệng của người phụ nữ; vừa vào thì phạm; không vào không phạm. Hai bên có vật cách; hoặc bên có vật cách, bên kia không; hoặc bên kia không có vật cách, bên này có; hoặc cả hai bên đều không có vật cách; thảy đều thành ba-la-di.

Nếu tỳ-kheo với ý dâm, hướng đến ba nơi của hạng phi nhân nữ, súc sanh cái, đồng nữ người, đồng nữ phi nhân, súc sanh nhị hình cũng như vậy. Hay hướng đến hai nơi của người huỳnh môn, phi nhân huỳnh môn, súc sanh huỳnh môn; người nam, phi nhân nam; súc sanh đực lại cũng như vậy.

Nếu tỳ-kheo với ý dâm hướng đến đường đại tiện, đường tiểu tiện và miệng của người phụ nữ đang ngủ hoặc chết mà chưa hư hoại hay phần nhiều hư hoại, vừa để vào liền phạm, không vào thì không phạm. Có vật ngăn cách hay không vật ngăn cách cũng vậy… cho đến, người nam cũng như vậy.

Nếu tỳ-kheo bị oan gia áp bức đưa đến chỗ người phụ nữ, cưỡng đem nam căn đặt vào trong ba nơi. Khi mới để vào có cảm giác thích thú, khi vào rồi, khi ra cũng như vậy, phạm ba-la-di. Khi mới vào, và khi vào rồi có cảm giác thích thú, nhưng khi ra thì không, vẫn phạm ba-la-di. Khi mới vào, khi vào rồi không cảm thấy thích thú, nhưng khi ra có cảm thọ lạc, cũng phạm ba-la-di. Khi vào thọ lạc, khi vào rồi và khi ra không thọ lạc cũng mắc tội ba-la-di. Khi mới vào không thọ lạc, khi vào rồi và khi ra có thọ lạc, mắc tội ba-la-di. Khi mới vào và khi vào rồi không thọ lạc, khi ra thọ lạc, mắc tội ba-la-di. Có vật ngăn cách, không vật ngăn cách cũng như vậy… từ giống cái chẳng phải người cho đến người nam cũng như vậy.

Nếu tỳ-kheo bị oan gia áp bức đưa đến chỗ người phụ nữ đang ngủ, hoặc là thây chết chưa hoại, hay phần lớn chưa hoại… mà có cảm giác thọ lạc cũng như vậy. Có vật cách hay không vật cách cũng như vậy. Từ giống cái phi nhân cho đến người nam cũng như vậy.

Nếu oan gia cưỡng nắm nam căn của tỳ-kheo đặt vào trong đường đại tiện để làm việc bất tịnh, khi đặt vào có cảm giác thọ lạc, mắc tội ba-la-di. Khi vào rồi thọ lạc, khi ra thọ lạc cũng như trên đã nói, cho đến có vật cách hay không vật cách cũng như vậy.

Từ đạo vào đạo; từ đạo vào phi đạo;[54] từ phi đạo vào đạo. Hoặc vào có chừng mức, hoặc vào hết; hoặc nói hoặc không nói. Nếu, với tâm dâm, cho đến chỉ vào như sợi lông, đều phạm ba-la-di. Phương tiện mà không vào, phạm thâu-lan-giá.[55]

Nếu tỳ-kheo phương tiện muốn tìm cầu làm bất tịnh hạnh, thành thì phạm ba-la-di, không thành thì phạm thâu-lan-giá.

Nếu tỳ-kheo dạy tỳ-kheo làm bất tịnh hạnh; tỳ-kheo kia làm theo lời dạy (thì tỳ-kheo dạy) phạm thâu-lan-giá; (tỳ-kheo kia) không làm theo lời dạy (thì tỳ-kheo dạy) mắc đột-kiết-la. Tỳ-kheo-ni dạy tỳ-kheo, làm phạm thâu-lan-giá, không làm thì mắc đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, các chúng khác dạy nhau làm hạnh bất tịnh, làm hay không làm đều mắc đột-kiết-la.

Nếu tử thi phân nửa bị hư hoại mà làm bất tịnh hạnh, khi để vào liền phạm thâu-lan-giá. Nếu phần lớn bị hư hoại, hay bị hoại hết thì phạm thâu-lan-giá. Nơi kẽ hở của xương làm hạnh bất tịnh, phạm thâu-lan-giá. Đào đất làm thành lỗ, hoặc nơi miệng bình, phạm thâu-lan-giá. Tưởng là đạo hay nghi như vậy, tất cả đều phạm thâu-lan-giá.

Nếu nơi đạo mà khởi ý tưởng là đạo, phạm ba-la-di. Nếu nghi là đạo, phạm ba-la-di. Nếu nơi đạo mà tưởng phi đạo, phạm ba-la-di. Phi đạo mà tưởng là đạo, phạm thâu-lan-giá. Phi đạo mà nghi, phạm thâu-lan-giá.

Tỳ-kheo-ni ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni mắc đột-kiết-la diệt tẫn. Đó là phạm.[56]

Sự không phạm: khi ngủ không hay biết, không thọ lạc, hoàn toàn không có ý dâm thì không phạm.

Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. bức bách thì không phạm.[57]


II. BẤT DỮ THỦ

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Thế tôn du hóa nơi thành La-duyệt, trong núi Kỳ-xà-quật.[58] Bấy giờ trong thành La-duyệt có tỳ-kheo tự là Đàn-ni-ca,[59] con người thợ đồ gốm, lưu trú trong một thảo am nơi chỗ khuất vắng.[60] Sau khi vị tỳ-kheo kia vào trong thôn khất thực, có người lấy củi, phá thảo am của tỳ-kheo đem về làm củi. Tỳ-kheo kia khất thực xong trở về thấy thảo am không còn, bèn khởi ý nghĩ: «Ta đã sống một mình nơi khuất vắng; tự mình lấy cỏ cây làm am để ở. Khi vào thôn khất thực, người lấy củi phá am thất của ta đem đi. Bản thân ta có tay nghề; ta có thể trộn bùn đất làm thành căn nhà toàn bằng gạch[61].»

Tỳ-kheo kia nghĩ xong, liền trộn bùn đất làm thành căn nhà toàn bằng gạch; rồi lấy củi và phân bò mà nung, căn nhà có màu sắc đỏ tươi như lửa.

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn từ trên núi Kỳ-xà-quật đi xuống. Từ xa trông thấy cái nhà màu đỏ như lửa rồi, Ngài biết mà cố hỏi các tỳ-kheo:

«Cái gì màu đỏ vậy?»

Các tỳ-kheo bạch Phật:

«Kính bạch đức Thế tôn, có một tỳ-kheo tên là Đàn-ni-ca, con người thợ đồ gốm. Tỳ-kheo ấy một mình ở nơi khuất vắng, làm một cái thất bằng cỏ để ở. Khi đi khất thực, bị những người lấy củi phá cái thất mang đi. Vị tỳ-kheo ấy khi về, thấy thất của mình bị phá liền nghĩ: ‹Ta có tay nghề, ta có thể làm một cái thất toàn bằng gạch.› Nghĩ như vậy rồi liền làm. Cái nhà sắc đỏ đó là của tỳ-kheo Đàn-ni-ca.»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện để quở trách vị tỳ-kheo kia:

«Việc ngươi làm sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao, tỳ-kheo Đàn-ni-ca, con người thợ gốm, tự mình làm thất, tập trung với nhiều số lượng củi, phân bò v.v… rồi nung. Ta thường dùng vô số phương tiện nói đến lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Tại sao người ngu si này tự mình trộn bùn đất làm thất, dồn chứa gai củi và phân bò để nung? Từ nay về sau, các ông không được làm thất toàn bằng gạch có màu đỏ như lửa như thế.[62] Nếu làm, phạm đột-kiết-la.»

Lúc bấy giờ đức Thế tôn ra lệnh cho các tỳ-kheo:

«Các ông tập hợp lại, cùng nhau nhanh chóng đến chỗ thất của Đàn-ni-ca mà phá bỏ đi.»[63]

Các tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, đến đập phá cái thất đó. Đàn-ni-ca thấy các tỳ-kheo đập phá cái thất của mình bèn hỏi:

«Tôi có lỗi gì mà đập phá thất của tôi ?»

Các tỳ-kheo trả lời:

«Thầy không có lỗi. Chúng tôi cũng không ghét Thầy. Song chúng tôi vừa nhận lời dạy của đức Thế tôn, nên đến đây phá thất của Thầy.»

Tỳ-kheo Đàn-ni-ca nói:

«Nếu đức Thế tôn đã dạy, các Thầy cứ tùy nghi.»

Lúc bấy giờ Bình-sa, Vua nước Ma-kiệt[64] có người giữ cây gỗ nhà nước,[65] cùng với tỳ-kheo Đàn-ni-ca là bạn thân từ thời còn nhỏ, nên tỳ-kheo Đàn-ni-ca đến chỗ người giữ cây gỗ ấy nói rằng:

«Ông bạn có biết chăng, Vua Bình Sa cho tôi cây gỗ. Nay tôi cần gỗ, ông bạn có thể cho tôi nhận được không ?»

Người giữ gỗ nói:

«Nếu nhà Vua đã cho, thì loại tốt hay loại xấu, cần nhiều hay ít, cứ tùy ý lấy.»

Loại cây gỗ thiết yếu của nhà Vua[66] để dành, bị tỳ-kheo Đàn-ni-ca chặt mang đi.

Khi ấy có một vị Đại thần tổng giám sát các sự việc của thành,[67] đến chỗ chứa gỗ, thấy những cây gỗ thiết yếu, mà nhà Vua lưu trữ, bị chặt lung tung, liền hỏi người giữ gỗ rằng:

«Những cây gỗ thiết yếu này nhà Vua lưu trữ ở đây, ai chặt mang đi ?»

Người giữ gỗ nói:

«Tỳ-kheo Đàn-ni-ca đến nơi tôi và nói, ‹Nhà Vua cho tôi gỗ. Nay tôi cần, có thể lấy được không?› Tôi trả lời: ‹Nhà Vua cho thì Thầy cứ lấy.› Tỳ-kheo liền vào vựa chứa cây lưu trữ chặt mang đi.»

Khi Đại thần nghe nói như vậy rồi, liền phiền trách nhà Vua rằng: ‹Tại sao đem loại gỗ thiết yếu này cho tỳ-kheo? Trong khi còn có những thứ gỗ khác có thể cho được không cho, mà khiến tỳ-kheo này chặt đứt gỗ thiết yếu mang đi!› Rồi vị Đại thần đến chỗ nhà Vua tâu:

«Tâu Đại vương, số cây gỗ thiết yếu được lưu trữ, tại sao nay lại cho tỳ-kheo chặt mang đi? Còn có nhiều thứ gỗ khác có thể cho được, sao lại phá hoại loại gỗ quí đó?»

Nhà Vua bảo rằng:

«Ta hoàn toàn không nhớ đã đem gỗ cho ai. Nếu Đại thần có nhớ thì nhắc lại cho ta.»

Khi ấy vị Đại thần liền cho đi bắt người giữ cây gỗ đến chỗ nhà Vua. Người giữ cây gỗ từ xa thấy tỳ-kheo Đàn-ni-ca, liền kêu nói:

«Đại đức, vì Thầy lấy gỗ mà tôi bị bắt. Đại đức hãy vì tôi, đi đến đó để giải quyết. Xin thương xót tôi.»

Tỳ-kheo trả lời:

«Ông cứ đến đó. Tôi cũng đi ngay đây.»

Sau đó tỳ-kheo Đàn-ni-ca đến chỗ nhà Vua, đứng im lặng trước mặt Vua.

Nhà Vua liền hỏi:

«Đại đức, có thật là tôi cho Thầy gỗ hay không?»

Tỳ-kheo đáp:

«Sự thật nhà Vua có cho tôi gỗ.»

Nhà Vua nói:

«Tôi không nhớ là có cho người gỗ. Thầy hãy nhắc lại để tôi nhớ.»

Tỳ-kheo báo rằng:

«Đại vương còn nhớ chăng? Khi mới đăng vị, từ miệng nhà Vua nói ra rằng, ‹Trong thời tôi còn trị nước, [573a1] trong phạm vi quốc giới, có các Sa-môn, Bà-la-môn nào biết tàm quý, ưa học giới, cho thì lấy, không cho không lấy; cho thì dùng, không cho không dùng. Kể từ hôm nay, các Sa-môn, Bà-la-môn được phép tùy ý dùng cỏ cây và nước. Không được không cho mà dùng. Từ nay về sau cho phép Sa-môn, Bà-la-môn tùy ý dùng cỏ cây và nước.›»

Nhà Vua nói:

«Này Đại đức, khi tôi mới đăng vị, thật sự có nói như vậy. Đại đức, tôi nói đối với vật vô chủ chứ không nói đối với vật có chủ. Tội của Đại đức đáng chết.»

Nhà Vua lại tự nghĩ: «Ta là Vua Quán đỉnh, dòng Sát-lợi,[68] đâu có thể chỉ vì một ít gỗ mà đoạn mạng người xuất gia. Điều ấy không nên.»

Bấy giờ, nhà Vua dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo rồi ra lệnh các thần thuộc, phóng thích tỳ-kheo. Các thần thuộc y lệnh Vua, phóng thích tỳ-kheo.

Sau đó các thần thuộc này lớn tiếng bình luận, bất bình, rằng, ‹Nhà Vua nghĩ sao? Tội đáng chết như vậy mà chỉ khiển trách rồi thả.›

Lúc ấy, trong thành La-duyệt có các cư sĩ không tin ưa Phật pháp, họ đều chỉ trích rằng, «Sa-môn Thích tử không có tàm quý, không biết sợ là gì, nên lấy vật không cho. Bên ngoài tự nói ta biết chánh pháp. Như vậy làm gì có chánh pháp! Gỗ của nhà Vua còn lấy, huống là của người khác? Chúng ta từ nay về sau đừng gần gũi với sa-môn Thích tử, lễ bái hỏi chào, cúng dường cung kính. Đừng cho vào thôn ta, cũng đừng cho nghỉ ngơi.»

Bấy giờ có các tỳ-kheo nghe chuyện ấy. Trong số đó có những kẻ thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, biết tàm quý, ưa học giới, hiềm trách Đàn-ni-ca: «Sao lại ăn trộm cây gỗ của Vua Bình-sa.»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo; tuy biết vẫn cố hỏi tỳ-kheo Đàn-ni-ca:

«Có thật ngươi lấy gỗ mà nhà Vua không cho?»

Đàn-ni-ca thưa:

«Bạch Thế tôn, thực sự đúng như vậy.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Đàn-ni-ca:

«Việc ngươi làm sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp Sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải pháp tùy thuận, làm đều không nên làm. Này, Đàn-ni-ca, sao lại lấy gỗ mà nhà Vua không cho? Ta dùng vô số phương tiện khen ngợi sự lấy những gì đã được cho. Nay ngươi sao lại lấy gỗ mà nhà Vua không cho?»

Khi ấy có một tỳ-kheo tên là Ca-lâu , vốn là Đại thần của nhà Vua,[69] rành về thế pháp, ngồi trong chúng, cách đức Thế tôn không xa. Đức Thế tôn biết mà vẫn hỏi tỳ-kheo Ca-lâu:

«Theo pháp luật của nhà Vua, không cho mà lấy, vật trị giá bao nhiêu phải tội chết?»[70]

Tỳ-kheo Ca-lâu bạch Phật:

«Nếu lấy năm tiền[71] hay vật trị giá năm tiền sẽ bị tội chết.»

«Tỳ-kheo Đàn-ni-ca, sao lại lấy gỗ mà nhà Vua không cho?»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo Đàn-ni-ca, rồi bảo các tỳ-kheo:

«Tỳ-kheo Đàn-ni-ca là kẻ ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, tập mười cú nghĩa,… cho đến để chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Muốn thuyết giới nên thuyết như vầy:

B. GIỚI VĂN

Tỳ-kheo nào, nơi thôn xóm hay chỗ trống vắng, với tâm trộm cắp, lấy vật không được cho. Tùy theo vật không được cho mà lấy, hoặc bị Vua hay Đại thần của Vua bắt, hoặc giết, hoặc trói, hoặc đuổi ra khỏi nước, rằng ‹Ngươi là giặc, ngươi ngu si, ngươi không biết gì.› Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.[72]

C. THÍCH NGHĨA

Tỳ-kheo: Nghĩa như trên.

Thôn : có bốn loại, 1. Chung quanh đều có tường xây thấp. 2. Chung quanh có hàng rào. 3. Có rào và tường nhưng không giáp vòng. 4. Chung quanh đều có nhà.[73]

Chỗ trống vắng:[74] khoảng đất trống không và vắng vẻ ở ngoài thôn.

Vật không được cho: vật mà người khác không vất bỏ.[75]

Trộm cắp: lấy với tâm trộm cắp.[76]

Tùy theo vật không được cho mà lấy: là năm tiền hay trị giá năm tiền.[77]

Vua: là người tự tại, không lệ thuộc ai.

Đại thần: Chỉ chung cho các vị Đại thần trợ giúp nhà Vua.

Ba-la-di không được sống chung: như trên đã nói.

D. PHẠM TƯỚNG

Có ba trường hợp lấy vật không được cho phạm ba-la-di: tự tay lấy, giám sát sự lấy, khiến người lấy.

Lại có ba trường hợp lấy vật không được cho phạm ba-la-di: lấy vật với ý tưởng không phải của mình, lấy vật với ý chẳng phải tạm dùng, lấy vật không được đồng ý.

Lại có ba loại[78] lấy: lấy vật của người, tưởng vật của người, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có ba loại lấy: lấy vật có chủ, tưởng là có chủ, di chuyển khỏi nguyên vị trí.

Lại có ba loại lấy: lấy vật có người khác giám hộ, tưởng có người khác giám hộ, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có bốn loại lấy vật không cho thành ba-la-di:[79] tự tay mình lấy, giám sát sự lấy, sai người lấy, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có bốn loại lấy thành ba-la-di: lấy vật với ý tưởng chẳng phải của mình, không phải lấy tạm, không được đồng ý mà lấy, và dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có bốn loại lấy: lấy vật của người, tưởng vật của người, trọng vật,[80] dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có bốn loại lấy: có chủ, tưởng là có chủ, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có bốn loại lấy: người khác giám hộ, tưởng có người khác giám hộ, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có năm loại không cho mà lấy thành ba-la-di: tự tay mình lấy, giám sát người khác lấy, khiến người khác lấy, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có năm loại: lấy vật với ý tưởng chẳng phải của mình, không có ý tạm lấy, chẳng phải đồng ý mà lấy, trọng vật, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có năm loại lấy: lấy vật của người, tưởng là vật của người, trọng vật, với tâm trộm, và dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có năm loại: có chủ, tưởng có chủ, trọng vật, với tâm trộm, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có năm loại lấy: vật có người khác giám hộ, trọng vật, với tâm trộm cắp, dời khỏi nguyên vị trí.

Lại có sáu loại không cho mà lấy thành ba-la-di: tự tay mình lấy, giám sát người lấy, sai người lấy, trọng vật, với tâm trộm cắp, và dời khỏi chỗ cũ. Chẳng phải vật của mình, tưởng là chẳng phải vật của mình, có sáu loại như vậy. Đó gọi là sáu loại lấy trộm phạm tội ba-la-di.

Vị trí :[81] vị trí trong lòng đất, vị trí trên đất, vị trí trên cộ, vị trí trong gánh, vị trí trong hư không, vị trí trên cây, vị trí thôn, vị trí a-lan-nhã, vị trí ruộng, vị trí xứ sở, vị trí ghe thuyền, vị trí nước. Hoặc lén qua ải mà không đóng thuế. Hoặc lấy vật của người khác ký thác. Hoặc lấy nước; lấy tăm, trái cây, thảo mộc, chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, sản nghiệp chung. Hoặc cùng hẹn,[82] hoặc rình chờ,[83] hoặc canh giữ,[84] hoặc chặn lối đường hiểm. Như vậy gọi là vị trí.[85]

Vị trí trong lòng đất :[86] các kho tàng chôn dưới đất chưa ai phát hiện, như bảy báu gồm vàng, bạc, lưu ly, chơn châu, bích ngọc, xa cừ, mã não; các thứ vàng ròng,[87] vật báu làm bằng vàng, áo, chăn; hoặc lại có những nhu yếu phẩm khác có chủ và được chôn trong lòng đất. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí; vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá.

Vị trí trên đất :[88] các thứ không chôn dưới đất như bảy báu gồm vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ và ở trên mặt đất. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá.

Vị trí trên cộ :[89] cộ có bốn loại, cộ voi, cộ ngựa, cộ xe, cộ đi bộ. Hoặc lại có các phương tiện chuyên chở khác đều gọi là cộ. Các thứ trên cộ như bảy báu gồm vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí; vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, [574a1] nhưng không nhắc, phạm thâu-lan-giá. Hoặc dẫn xe cộ từ đường chính đến đường chính, từ đường chính đến đường phụ, từ đường phụ đến đường chính, từ trong hầm lên trên bờ hầm, từ trên bờ hầm đến trong hầm, như vậy lấy cộ rời khỏi nguyên vị trí. Vừa rời khỏi nguyên vị trí, phạm ba-la-di. Nếu phương tiện muốn lấy mà không lấy, phạm tội thâu-lan-giá.

Vị trí gánh : vật đội trên đầu, vật vác trên vai, vật cõng sau lưng, hay ôm trước ngực; hoặc lại có các vật khuân vác khác. Trên những gánh này có các vật như bảy báu gồm vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc, phạm thâu-lan-giá. Hoặc mang gánh từ đường chính đến đường chính, từ đường chính đến đường phụ, từ đường phụ đến đường chính, từ trong hầm lên trên bờ hầm, từ trên bờ hầm đến trong hầm. Như vậy với tâm trộm mà mang khỏi chỗ cũ; vừa rời khỏi vị trí của vật, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn lấy mà không lấy mắc tội thâu-lan-giá.

Vị trí trống không :[90] những vật mà gió thổi bay như lông, kiếp-bối, câu-giá-la, sai-la-ba-ni, sô ma, gai, bông, bát-đam-lam-bà, đầu-đầu-la, chim nhạn, chim hạc, chim khổng tước, chim anh võ, chim bồ câu. Lại có vật hữu dụng khác, có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng mà không nhắc nỗi, phạm thâu-lan-giá.

Vị trí bên trên : [91] vật được nhấc lên để trên cây, trên tường, trên rào, trên vực, trên cọc bằng ngà voi,[92] trên giá móc áo, trên võng, trên giường cây, trên nệm lớn nhỏ, trên gối, trên chiếu trải trên đất. Trên những thứ này mà có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng mà không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá.

Vị trí thôn : Có bốn loại thôn xóm như trên đã nói.[93] Trong thôn xóm này, có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng mà không nhắc nổi, phạm thâu-lan-giá. Dùng máy móc công kích, phá hoại thôn xóm; hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện bác mê hoặc lừa dối mà lấy; vừa lấy được, thành ba-la-di; phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Vị trí a-lan-nhã : vùng đất trống ở ngoài thôn mà có chủ. Nơi chỗ đất trống nầy mà có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu phương tiện muốn nhắc lên, nhưng không nhắc, phạm thâu-lan-giá. Hoặc bằng phương tiện phá hoại vùng đất trống của người khác, hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối để lấy. Vừa lấy được, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Vị trí ruộng : ruộng trồng lúa dé, ruộng trồng lúa mạch, ruộng trồng mía. Hoặc lại có các loại ruộng khác mà nơi đó có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu dùng phương tiện phá hoại ruộng của người hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối để lấy. Vừa lấy được, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Xứ sở :[94] hoặc là khu vực của nhà, hoặc khu vực chợ quán, hoặc là vườn cây, hoặc là vườn rau, hoặc ao hồ, hoặc sân trước, hoặc sau nhà, hoặc là những nơi khác mà ở đó có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Nếu dùng phương tiện phá hoại xứ sở của người, hoặc cho nước ngập, hoặc dựa vào cường lực của người quen thân, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối để lấy. Vừa lấy được, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Vị trí ghe thuyền : thuyền nhỏ, thuyền lớn, thuyền bầu,[95] thuyền độc mộc,[96] thuyền bành, thuyền buồm, thuyền hình con rùa, thuyền hình con ba ba, thuyền bằng da, thuyền bằng phao nổi, thuyền bằng trái cây,[97] thuyền treo,[98] thuyền cánh bè; hoặc những loại thuyền khác mà nơi đó có vàng, bạc, v.v… cho đến, áo, chăn; hoặc những nhu yếu phẩm khác có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Hoặc từ bờ này đến bờ kia, từ bờ kia đến bờ này; hoặc ngược dòng, hoặc xuôi dòng; hoặc cho chìm dưới đáy nước, hoặc dời lên trên bờ; hoặc cởi (thuyền) rồi dời đi chỗ khác, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không được, mắc tội Thâu-lan-giá.

Vị trí nước : kho tàng chứa vàng bạc bảy báu và các thứ áo chăn chìm dưới đáy nước, hoặc con rái cá, hoặc cá, hoặc ba ba, hoặc cá sấu,[99] hoặc hoa ưu-bát-la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-vật-đầu, hoa phân-đà-lợi,[100] và các vật khác ở trong nước, có chủ. Những vật này có giá trị năm tiền hoặc quá năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá. Nếu dùng phương tiện phá hoại chỗ nước của người… cho đến, mắc tội thâu-lan-giá, như trên đã nói.

Không đóng thuế :[101] theo pháp luật, tỳ-kheo không phải đóng thuế. Nếu vật của bạch y cần phải đóng thuế mà tỳ-kheo với tâm ăn trộm mang hộ cho người khác qua khỏi chỗ đóng thuế, hoặc ném ra ngoài cửa ải, vật trị giá năm tiền hay trên năm tiền, hoặc chôn dấu, di chuyển, hoặc dùng lời lẽ biện luận mê hoặc lừa dối, hoặc dùng chú thuật để đưa qua… cho đến, phương tiện, thì phạm thâu-lan-giá, như trên.

Lấy vật ký thác của người: vật của người gởi mang đi mà đem tâm trộm cắp, trị giá năm tiền hay trên năm tiền; từ trên đầu dời xuống vai, từ trên vai dời lên đầu;[102] từ bên vai hữu dời qua bên vai tả, từ bên vai tả dời qua bên vai hữu; từ nơi tay tả dời qua tay hữu, từ tay hữu dời qua tay tả; hoặc ôm trong lòng, hoặc để nơi đất mà dời khỏi nguyên vị trí. Vừa dời khỏi vị trí cũ, thành ba-la-di. Phương tiện… thâu-lan-giá.

Nước: các loại nước thơm, hoặc nước thuốc, được đựng trong các đồ đựng nước như lu, vại lớn nhỏ, hoặc các loại dụng cụ chứa nước khác, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí; vật vừa rời khỏi nguyên vị trí thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được mắc tội thâu-lan-giá.

Tăm:[103] hoặc một hoặc hai, hoặc nhiều cây, hoặc một nắm, một bó, một ôm, một gánh; hoặc có ướp hương, hoặc có thoa thuốc, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Vườn: tất cả cỏ cây rừng rú hoa quả có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Chúng sanh không chân: như rắn, cá, và tất cả các loài chúng sanh không có chân khác có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Chúng sanh hai chân: loài người, loài phi nhơn, chim và các loại chúng sanh hai chân, có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Chúng sanh bốn chân : [575a1] như voi, ngựa, bò, lạc đà, lừa, nai, dê và các loại chúng sanh bốn chân, có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp; lấy bằng cách lôi kéo đi chỗ khác, hoặc chôn dấu đi, hoặc di chuyển khỏi nguyên vị trí. Vật vừa rời khỏi nguyên vị trí, thành ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Chúng sanh nhiều chân : như ong, uất-châu-long-già,[104] hoặc rết,[105] hay chúng sanh nhiều chân khác, có chủ, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Sản nghiệp chung:[106] tài vật kiếm được do sự nghiệp chung cần phải chia chung, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Cùng hẹn:[107] cùng với người khác giao ước, lúc nào đó đi, lúc nào đó đến; hoặc đục vách lấy của, hoặc giữa đường cướp lấy, hoặc đốt cháy; từ đó được tài vật chung. Những vật ấy có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Dò xét: «Tôi sẽ đến quan sát thôn kia; hoặc thành ấp, chỗ thuyền đò, hang núi, hoặc chỗ dân cư, chỗ chợ quán, nơi làm việc.» Những tài vật thu được từ những nơi đó thành của chung, có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được, mắc tội thâu-lan-giá.

Canh giữ: «Tôi sẽ canh giữ tài vật kiếm được từ bên ngoài. Những vật kiếm được chia chung.» Những vật ấy có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được mắc tội thâu-lan-giá.

Canh đường: «Tôi sẽ canh gác nơi đường. Nếu có quân của nhà Vua đến, quân của giặc đến, quân của trưởng giả đến sẽ báo cho nhau biết. Tài vật kiếm được sẽ chia chung.» Những vật ấy có giá trị năm tiền hoặc hơn năm tiền, nếu lấy với tâm trộm cắp, phạm ba-la-di. Phương tiện muốn lấy mà không lấy được mắc tội thâu-lan-giá.

Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền, được hơn năm tiền, thành ba-la-di. Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền mà được năm tiền, thành ba-la-di. Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền được dưới năm tiền, thâu-lan-giá. Nếu phương tiện tìm cầu hơn năm tiền mà không được, thâu-lan-giá. Nếu phương tiện tìm cầu năm tiền mà được hơn năm tiền, thành ba-la-di. Phương tiện tìm cầu năm tiền mà được dưới năm tiền, thành thâu-lan-giá. Phương tiện tìm cầu năm tiền mà không được, thành thâu-lan-giá. Phương tiện tìm cầu dưới năm tiền, được hơn năm tiền, thành ba-la-di. Phương tiện tìm cầu năm tiền mà được, thành ba-la-di. Phương tiện tìm cầu dưới năm tiền, được dưới năm tiền, thành thâu-lan-giá. Phương tiện tìm cầu dưới năm tiền mà không được, đột-kiết-la.

Sai người phương tiện tìm cầu năm tiền, được hơn năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu hơn năm tiền, được năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, được dưới năm tiền cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu hơn năm tiền mà không được, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, được hơn năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, mà được năm tiền, cả hai đều phạm ba-la-di. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, mà không được dưới năm tiền, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, mà không được, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền mà hơn năm tiền, người lấy phạm ba-la-di; người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền, được năm tiền; người lấy phạm ba-la-di; người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền, được dưới năm tiền, cả hai đều phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu dưới năm tiền mà không được, cả hai đều phạm đột-kiết-la. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền hoặc hơn năm tiền; nhưng người được dạy lấy vật khác; người lấy phạm ba-la-di, người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền, hoặc hơn năm tiền; nhưng người nhận lời dạy lại lấy vật ở chỗ khác, người lấy phạm ba-la-di, người dạy phạm thâu-lan-giá. Phương tiện sai người tìm cầu năm tiền hoặc hơn năm tiền; người nhận lời dạy là người bị sai chứ không có tâm trộm cắp, lấy được năm tiền hoặc hơn năm tiền, người dạy phạm ba-la-di, kẻ bị sai không phạm. Nếu sai người lấy vật,[108] người nhận lời dạy hiểu là dạy lấy trộm; nếu lấy được trị giá năm tiền hoặc hơn năm tiền, người nhận lời dạy phạm ba-la-di, người dạy không phạm.

Có chủ, biết rõ là có chủ, không cho mà lấy, trị giá năm tiền hay hơn năm tiền, phạm ba-la-di. Nghi là có chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền, phạm thâu-lan-giá. Không chủ, tưởng có chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền phạm thâu-lan-giá. Không chủ tưởng có chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền phạm thâu-lan-giá. Nghi là vật không chủ, lấy năm tiền hoặc hơn năm tiền, phạm thâu-lan-giá. Lấy vật có chủ, tưởng vật có chủ, dưới năm tiền, phạm đột-kiết-la. Không chủ tưởng là có chủ lấy dưới năm tiền phạm đột-kiết-la. Nghi là vật không chủ lấy dưới năm tiền phạm đột-kiết-la.

Tỳ-kheo-ni, ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, Sa-di-ni: đột-kiết-la, tẫn xuất. Đó là phạm.

Sự không phạm: lấy với ý tưởng được cho, tưởng là của mình, với ý tưởng là đồ vất bỏ, với ý tưởng tạm lấy, với ý tưởng là thân hữu… tất cả những trường hợp trên không phạm.

Người không phạm: phạm đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách. Đó là không phạm.[109]


III. ĐOẠN NHÂN MẠNG[110]

A. DUYÊN KHỞI

Một thời, đức Thế tôn du hóa Tỳ-xá-ly,[111] ở trong giảng đường, bên sông Di hầu.[112] Bằng vô số phương tiện, Phật giảng cho các tỳ-kheo thực hành (quán) bất tịnh,[113] khen ngợi sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi tư duy về sự thực hành quán bất tịnh.

Các tỳ-kheo khởi ý nghĩ: «Nay đức Thế tôn vì chúng ta nói thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi tư duy về sự thực hành quán bất tịnh.»

Bấy giờ, các tỳ-kheo liền dùng vô số phương tiện tu tập quán bất tịnh. Sau khi từ thiền định tỉnh giác, các vi ấy sinh ghê tởm thân mạng, sầu ưu, không an lạc. Cũng như con trai hay con gái yêu thích bản thân,[114] đem rắn chết, chó chết, người chết cột nơi cổ mình, để rồi ghê tởm mùi hôi thối ấy. Các tỳ-kheo cũng như vậy, bằng vô số phương tiện tu tập quán bất tịnh, ghê tởm thân mạng, sầu ưu, không an lạc, bèn tìm dao muốn tự sát, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết.

Các tỳ-kheo ở trong một khu vườn, bên sông Bà-cầu,[115] khởi ý nghĩ: «Đức Thế tôn đã từng dùng vô số phương tiện nói về sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi sự thực hành (quán) bất tịnh, khen ngợi tư duy về sự thực hành quán bất tịnh. Tỳ-kheo kia dùng vô số phương tiện tập tu quán bất tịnh, sinh ghê tởm thân mạng, sầu ưu, không an lạc, tìm dao muốn tự sát, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết.»

Bấy giờ, có tỳ-kheo tên là Vật-lực-già Nan-đề,[116] dòng sa-môn xuất gia,[117] tay cầm dao bén vào trong vườn Bà-cầu.[118] Có một tỳ-kheo đang ghê tởm thân mạng ô uế bất tịnh,[119] từ xa thấy tỳ-kheo Vật-lực-già Nan-đề đến, bèn nói rằng:

«Đại đức, hãy đoạn mạng tôi. Tôi đem y bát cho ông.»

Vật-lực-già liền chịu thuê bằng y bát, tức thì đoạn mạng vị tỳ-kheo ấy. Y đi đến bờ sông kia để rửa dao. Lòng sanh hối hận, tự nói: «Hôm nay thật bất lợi cho ta; [576a1] thật chẳng lành cho ta. Tỳ-kheo kia không tội lỗi gì, ta lại nhận lời đoạn mạng căn của ông ấy.»

Vào lúc đó, có một Thiên ma[120] biết tâm niệm của tỳ-kheo này, liền dùng thần túc đến trước Vật-lực-già Nan-đề. Đứng trên mặt nước mà không chìm; khen ngợi, khuyến khích rằng:

«Lành thay, lành thay thiện nam tử! Hôm nay ông được công đức lớn; đã độ người chưa được độ.»

Tỳ-kheo Nan-đề nghe Thiên ma khen rồi, sự hối hận kia tan biến, liền khởi ý nghĩ: «Nay ta đặng công đức lớn; độ người chưa được độ.» Nghĩ như vậy rồi, lại cầm dao vào trong vườn[121] mà hỏi:

«Ai chưa độ, nay tôi sẽ độ cho.»

Khi ấy, có tỳ-kheo chưa ly dục, thấy tỳ-kheo Vật-lực-già Nan-đề, thì quá kinh hoảng, lông trong người dựng ngược lên. Vật-lực-già Nan-đề thấy vậy, nói các tỳ-kheo rằng:

«Các ngài chớ sợ. Các căn chưa thuần thục, thì chưa thể hóa kiếp được. Đợi đến lúc thành thục, tôi sẽ hoá kiếp cho.» Trong số các tỳ-kheo ái dục đã diệt tận, thấy Vật-lực-già Nan-đề, lòng không sợ sệt, lông trong người không dựng ngược lên.

Khi ấy tỳ-kheo Vật-lực-già Nan-đề hoặc một ngày giết một tỳ-kheo, hoặc giết hai, ba, bốn, năm cho đến sáu mươi người. Xác chết trong vườn kia vất bỏ bừa bãi, hôi thối, bất tịnh, giống như một bãi tha ma.

Lúc bấy giờ, có các cư sĩ lễ bái các chùa. Lần hồi đến vườn kia, thấy vậy, ai nấy đều kinh sợ, lấy làm kỳ quái, cùng nhau chê bai: «Trong vườn này có sự đại biến. Sa-môn Thích tử không có lòng từ mẫn; giết hại nhau. Tự xưng rằng ta tu chánh pháp. Như vậy đâu có gì là chánh pháp? Họ giết hại lẫn nhau. Các tỳ-kheo còn tự giết nhau huống là đối với người khác. Từ nay chúng ta chớ nên kính phụng, thừa sự, cúng dường Sa-môn Thích tử nữa.»

Họ rao truyền trong thôn ấp, đừng cho cư trú và vãng lai. Khi ấy các cư sĩ thấy trong vườn này uế ác như vậy nên không tới lui nữa.

Bấy giờ, tỳ-kheo trú tại Tỳ-xá-ly, có nhân duyên nhỏ, tập hợp lại một chỗ.[122] Lúc ấy, đức Thế tôn quan sát số lượng các chúng tỳ-kheo giảm thiểu, và các đại tỳ-kheo có tiếng tăm đều không có mặt. Đức Thế tôn tuy đã biết nhưng vẫn hỏi A-nan:

«Chúng tăng tại sao giảm thiểu? Các Đại đức nổi tiếng ở đâu mà không thấy mặt hôm nay?»

Tôn giả A-nan đem nhơn duyên đã xảy ra trình bày đầy đủ với Phật:

«Thế tôn trước đây dùng vô số phương tiện vì các tỳ-kheo thuyết giảng một cách rộng rãi về sự thực hành (quán) bất tịnh, khen sự thực hành (quán) bất tịnh, khen tư duy sự thực hành (quán) bất tịnh. Các tỳ-kheo nghe rồi tu tập, nhàm tởm thân mạng, tìm người đoạn mạng. Do vậy mà số lượng bị giảm thiểu. Cúi xin đức Thế tôn vì các tỳ-kheo mà phương tiện thuyết pháp khác, khiến cho tâm mọi người khai mở, vĩnh viễn không nghi hoặc.»

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

«Nay hãy tập hợp các tỳ-kheo nơi giảng đường.»

Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, tập hợp các tỳ-kheo nơi giảng đường; rồi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng qua một bên, thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, nay chúng Tăng đã họp, nguyện đức Thánh biết thời.»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn liền đến giảng đường, ngồi giữa đại chúng, bảo các tỳ-kheo:

«Có A-na-ba-na tam-muội ,[123] tịch nhiên khoái lạc. Các pháp bất thiện đã sanh, nó có khả năng diệt trừ, vĩnh viễn không phát sanh trở lại. Ví như tiết trời mùa thu, sau cơn mưa thì không còn bụi nhơ. Lại như một trận mưa lớn có khả năng chận đứng luồng gió mạnh. A-na ban-na tam-muội cũng lại như vậy, tịch tịnh khoái lạc. Với các pháp bất thiện đã sanh, nó có khả năng diệt trừ.»

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn dùng vô số phương tiện vì các tỳ-kheo nói a-na ban-na tam-muội, khen a-na ban-na tam muội, khen sự tu tập a-na ban-na tam-muội. Các tỳ-kheo liền khởi ý nghĩ: «Đức Thế tôn hôm nay dùng vô số phương tiện vì chúng ta nói a-na ban-na tam-muội, khen a-na ban-na tam muội, khen sự tu tập a-na ban-na tam-muội. Chúng ta hãy tinh cần tu tập.»

Rồi các tỳ-kheo liền bằng đủ phương tiện khác nhau tư duy, nhập a-na ban-na tam- muội. Sau khi từ a-na ban-na tam-muội tỉnh giác, họ tự biết mình chứng đắc pháp tăng thượng thù thắng, an trụ nơi quả chứng.

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, bằng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo trong vườn Bà-cừu:

«Việc làm của các ngươi là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp của sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, là việc không nên làm. Làm sao các tỳ-kheo trong vườn Bà-cừu này lại ngu si mà dứt mạng lẫn nhau?»

Đức Thế tôn sau khi dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Các tỳ-kheo trong vườn Bà-cừu là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo mà kiết giới, tập mười cú nghĩa… cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.»

Người muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy:

B. GIỚI VĂN

Tỳ-kheo nào, cố ý tự tay dứt sinh mạng người,[124] cầm dao đưa người, khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết, nói: ‹Này nam tử, ích gì cuộc sống xấu ác này, thà chết còn hơn sống!› Với tâm tư duy như vậy, dùng mọi phương tiện khen ngợi sự chết, khuyến khích cho chết; tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.[125]

C. THÍCH NGHĨA

Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Người :[126] từ khi thức đầu tiên[127] cho đến khi thức sau cùng mà dứt mạng sống của nó.

Giết :[128] tự mình giết, chỉ sai người giết, sai sứ giết, sai người đi và về mà giết, hoặc trùng sứ mà giết, hoặc sai sứ luân chuyển giết, hoặc nhờ ngườì đàn ông giết, hoặc sai người tìm người đàn ông giết, tìm cầu người cầm dao giết, sai người tìm cầu cầm dao giết, ra dấu bằng thân, miệng nói, thân miệng đều hiện tướng, hoặc gởi thư, sai khiến người đưa thư, giết bằng hầm hố, bằng ỷ phát,[129] cho uống thuốc, đặt dụng cụ giết.

– Tự mình giết: dùng tay hoặc gạch đá, dao, trượng, và các vật khác để tự mình giết. Người giết phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, phạm thâu-lan-giá.

– Chỉ sai người giết:[130] khi giết, tự mình giám sát việc giết,[131] sai người trước[132] ném vào trong nước, lửa; hoặc từ trên núi xô xuống hố sâu, hoặc khiến voi chà chết; hoặc khiến ác thú ăn, hoặc khiến rắn cắn, và các lệnh giết khác. Người giết phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá.

– Sai sứ giết: tỳ-kheo sai khiến sứ giả đoạn mạng người nào đó. (Người ấy) vâng lời mà đi,[133] nếu đoạn được mạng, thành ba-la-di. Phương tiện mà không đoạn được mạng, thâu-lan-giá.

– Sai người đi và về mà giết:[134] Tỳ-kheo sai sứ đi đoạn mạng người nào đó. Vâng theo lời nói mà đi, muốn giết mà chưa được trở về, sau đó lại vâng theo lời dạy trước mà đi giết lần nữa. Nếu giết được, thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá.

– Trùng sứ mà giết:[135] tỳ-kheo sai sứ giả, «Ngươi hãy đi đoạn mạng người đó.» Lại nối tiếp sai sứ như vậy, cho đến bốn, năm lần. Người được sai liền đến giết. Giết được, thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá.

– Sứ giả luân chuyển mà giết:[136] tỳ-kheo sai sứ, «Ngươi hãy đoạn mạng người đó.» Người bị sai lại sai người khác, cho đến một trăm hay một ngàn lần sai như vậy để đoạn mạng người kia. Đoạn được thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá.

– Tìm cầu nam tử giết: như nói, «Trong đây ai biết có người như vậy, có khả năng dùng dao, có phương tiện, học tập lâu, không sợ sệt, không bỏ cuộc, có thể đoạn mạng của người nào đó?» Người được sai liền đi đoạn mạng người kia. Đoạn được, (người tìm cầu) thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, thâu-lan-giá.

– Sai người tìm cầu nam tử giết: như sai người, «Trong đây ai biết có người như vậy, có khả năng dùng dao, có phương tiện, học tập lâu, không sợ sệt, không bỏ cuộc, có thể đoạn mạng của người nào đó?» Người bị sai liền đến đoạn mạng người kia. Đoạn được, (người sai) phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết, phạm thâu-lan-giá.

– Tìm cầu người cầm dao giết: tự mình tìm cầu, nói «Ai là người dũng kiện có khả năng cầm dao đoạn mạng người nào đó?» Người kia liền đến giết. Giết được, thành ba-la-di, không giết được, phạm thâu-lan-giá.

– Sai [577a1] người tìm cầu kẻ cầm dao giết: cũng như vậy.

– Ra dấu bằng thân:[137] thân làm dấu hiệu giết. Như làm cho rớt vào trong nước, trong lửa, từ trên cao rớt xuống đáy hang sâu; hoặc khiến voi chà chết, khiến ác thú ăn, độc xà cắn. Người kia do nơi dấu hiệu bằng thân nầy mà tự mình giết, phạm ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, phạm thâu-lan-giá.

– Miệng nói:[138] hoặc nói thế này, «Ngươi đã làm điều ác, không có tâm nhân từ, lòng ôm sự độc hại, không làm các điều thiện; ngươi không làm việc cứu hộ. Ngươi sống sẽ chịu nhiều tội báo, không bằng chết.» Hoặc là nói như vầy: «Ngươi không làm các điều bạo ác, có nhân từ, không ôm lòng độc hại, ngươi đã làm các điều thiện như vậy, ngươi đã làm công đức, ngươi đã làm việc cứu hộ. Ngươi sống để chịu các khổ. Nếu ngươi chết sẽ sanh Thiên.» Nhơn lời nói nầy, người kia tự sát; thành ba-la-di. Phương tiện mà không sát được, phạm thâu-lan-giá.

– Ra dấu bằng thân và miệng: cũng như vậy.

– Sai sứ:[139] sai sứ đến người kia nói, «Ngươi đã làm điều ác,… điều thiện», nói đầy đủ như trên. Nhơn nơi miệng của người sứ khen sự chết này, mà người kia tự sát; thành ba-la-di. Phương tiện mà không chết được, phạm thâu-lan-giá.

– Gởi thư:[140] viết thư[141] nói, «ngươi đã làm điều ác,… điều thiện», nói đầy đủ như trên.

– Sai bảo khiến sứ viết thư: cũng như vậy.

– Hầm hố:[142] xét biết người kia sẽ đi qua lại trên tuyến đường đó; giữa đường đào một cái hầm sâu, trong hầm để lửa hoặc dao, hoặc rắn độc, hoặc chông nhọn, hoặc dùng thuốc độc bôi lên vật nhọn bén. Người kia rơi vào trong đó, nếu chết, thành ba-la-di. Phương tiện mà không giết được, phạm thâu-lan-giá.

– Ỷ phát:[143] biết người kia sẽ đứng tựa[144] nơi chỗ nào đó, hoặc nơi cây, nơi tường, nơi rào; bên ngoài đó để lửa, dao, chông, rắn độc, thoa chất độc nơi vật nhọn bén, bẫy gài, khiến người kia rơi vào đó; nếu chết, thành ba-la-di. Phương tiện mà không chết, phạm thâu-lan-giá.

– Cho uống thuốc: biết người kia bệnh, cho loại thuốc không đúng[145], hoặc tạp độc, hoặc quá hạn, cùng các loại thuốc khiến cho chết, thành ba-la-di. Cho thuốc mà chẳng chết, thành thâu-lan-giá.

– Đặt dụng cụ giết:[146] trước đã biết người kia vốn đã nhàm chán cái thân hèn hạ này nên đem dao, đồ độc, hoặc dây và các thứ dụng cụ làm cho chết để đó. Người kia dùng một trong những vật này để tự sát; nếu chết, (người đặt) ba-la-di. Phương tiện mà không chết, (người đặt) thành thâu-lan-giá.

Nếu làm các việc như vậy, cho đến các phương tiện khác để giết, người kia do đó mà chết, thành ba-la-di. Phương tiện mà không chết, phạm thâu-lan-giá.

Nếu con của trời, con của rồng, con của a-tu-la, con của kiền-thát-bà, con của dạ-xoa, ngạ quỷ; hoặc trong loài súc sanh mà con nào có trí hiểu biết được tiếng người, hoặc lại có khả năng biến hình, phương tiện tìm cầu giết chết. Người giết, thâu-lan-giá. Phương tiện mà không chết, đột-kiết-la. Súc sanh không thể biến hình, giết nó thành ba-dạ-đề. Phương tiện mà không chết, đột-kiết-la.

Thật người, tưởng là người mà giết, ba-la-di. Nghi là người, thâu-lan-giá. Người, tưởng chẳng phải người, thâu-lan-giá. Chẳng phải người tưởng là người, thâu-lan-giá. Nghi chẳng phải người, thâu-lan-giá.

Tỳ-kheo-ni, ba-la-di. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la, diệt tẫn, Đó là trường hợp phạm.[147]

Sự không phạm: là ném dao, trượng, gạch, đá nhầm trúng người kia chết. Xây cất phòng xá, làm rơi đá, gỗ, cây, đòn tay… chết người. Người bệnh nặng mà dìu, đỡ nằm, ngồi, đi, đứng, tắm rửa, khi uống thuốc, từ chỗ lạnh đến chỗ nóng, từ chỗ nóng đến chỗ lạnh, vào phòng, ra phòng, đến nhà xí, trở về… tất cả không có tâm sát hại mà (người bịnh) chết thì (người đỡ) không phạm.

Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.


IV. ĐẠI VỌNG NGỮ

A. DUYÊN KHỞI

1. KẾT GỚI LẦN THỨ NHẤT

Một thời, đức Thế tôn du hóa tại Tỳ-xá-ly,[148] ở trong giảng đường Cao-các bên sông Di hầu. Bấy giờ gặp lúc lúa gạo quý hiếm,[149] nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Đức Thế tôn bảo Tôn giả A-nan:

«Hãy tập họp tất cả tỳ-kheo trú ở Tỳ-xá-ly vào giảng đường.»

Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, tập hợp các tỳ-kheo tại giảng đường. Chúng tăng tập hợp xong, Tôn giả đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, thưa:

«Tất cả các tỳ-kheo có mặt tại Tỳ-xá-ly đã tập hợp tại giảng đường. Cúi xin đức Thánh biết thời.»

Khi ấy, đức Thế tôn liền đến giảng đường, ngồi giữa đại chúng, bảo các tỳ-kheo:

«Các ngươi nên biết, hiện nay gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Các ngươi ai có thân hữu tri thức đồng Hòa thượng, cùng thầy, ở gần Tỳ-xá-ly này, thì đến đó nương nhờ, cùng tùy theo sự thích hợp mà an cư. Ta cũng sẽ an cư nơi nầy. Tại sao vậy? Vì thức ăn khó khăn, nên khiến cho chúng tăng mệt nhọc.»

Các tỳ-kheo nghe đức Thế tôn dạy rồi, mỗi người đều theo thân hữu tri thức đồng Hòa thượng, đồng thầy, ở gần Tỳ-xá-ly mà an cư. Đức Thế tôn cũng an cư trong thành Tỳ-xá-ly.

Khi ấy, có số đông tỳ-kheo an cư ở trong Tăng-già-lam bên sông Bà-cừu, khởi ý niệm: «Như hiện nay trong nước này lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Chúng ta nên dùng phương tiện thế nào để khỏi khổ sở vì ẩm thực?» Họ nghĩ ra phương tiện như sau: «Nay ta nên đến các nhà cư sĩ nói: ‹Tôi đạt được pháp thượng nhơn. Tôi là A-la-hán, đạt được thiền, đạt được thần thông, biết được tâm người khác.› Rồi lại khen tỳ-kheo nào đó chứng đắc A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác. Trong đó có những cư sĩ tin ưa, có thức ăn uống gì không dám tự ăn riêng, không cho vợ con, mà lại mang đến cúng dường chúng ta. Các cư sĩ kia cũng sẽ khen ngợi chúng ta: ‹Các vị tỳ-kheo này thật sự là ruộng phước, đáng tôn kính.› Như vậy chúng ta có thể nhận được thức ăn uống ngon bổ, có thể sống an lạc, không bị vấn đề khất thực gây khó khổ.»

Lúc bấy giờ, các tỳ-kheo ở bên sông Bà-cừu suy nghĩ như vậy rồi liền đến nhà các cư sĩ, tự nói:

«Tôi chứng đắc pháp thượng nhân. Tôi là A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác.»

Lại khen vị tỳ-kheo nào đó chứng đắc A-la-hán, đắc thiền, đắc thần thông, biết được tâm người khác.

Khi ấy các cư sĩ tin ưa, tin nhận lời nói kia, liền đem thức ăn uống có được và phần của vợ con không dám cho ăn hết, mang đến cúng dường cho các tỳ-kheo và nói: «Đây là bậc đáng tôn kính của thế gian.»

Các tỳ-kheo này nhờ thọ sự cúng dường của các vị cư sĩ nên nhan sắc sáng sủa, tươi vui, khí lực đầy đủ. Các tỳ-kheo khác an cư tại Tỳ-xá-ly nhan sắc tiều tụy, hình thể khô héo, y phục rách rưới. An cư xong, thu xếp y bát đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Lúc bấy giờ, đức Thế tôn hỏi han các tỳ-kheo:

«Các ngươi đi đứng có được hòa hiệp an lạc chăng? Không khổ vì ẩm thực chăng?»

Các tỳ-kheo thưa:

«Kính bạch đức Thế tôn, chúng con đi đứng hòa hiệp, an lạc; nhưng gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Vì vậy mà khổ.»

Trong khi đó, các tỳ-kheo an cư trong Tăng-già-lam, bên sông Bà-cừu thì nhan sắc sáng sủa, tươi vui, khí lực đầy đủ. An cư xong thu xếp y bát, đến chỗ đức Thế tôn. Đến nơi, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên.

Bấy giờ, đức Thế tôn hỏi han các tỳ-kheo:

«Các ngươi đi đứng có được hòa hiệp an lạc chăng? Không khổ vì ẩm thực chăng?»

Các tỳ-kheo bạch Phật:

«Kính bạch đức Thế tôn, chúng con đi đứng hòa hợp an lạc; không gặp phải khó khăn về ẩm thực.»

Đức Phật hỏi:

«Hiện nay gặp lúc lúa gạo quý hiếm, nhơn dân đói khổ, khất thực khó được. Các ngươi dùng phương tiện nào mà không gặp phải khó khăn vì vấn đề ẩm thực?»

Các tỳ-kheo liền đem nhơn duyên trước trình bày đầy đủ với đức Thế tôn và thưa:

«Nhờ vậy chúng con không gặp phải khó khăn về ẩm thực.»

Đức Thế tôn hỏi các tỳ-kheo:

«Sự thật các ngươi có chứng đắc như vậy không?»

Các tỳ-kheo thưa:

«Hoặc có người chứng thật. Hoặc có người không chứng thật.»

[578a1] Đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Các ngươi, những kẻ ngu si, thật có mà còn không nên nói với người, huống là không thật mà lại đến nói với người!»

Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:

«Trong đời có hai hạng giặc:[150] một là thật chẳng phải tịnh hạnh mà tự xưng là tịnh hạnh. Hai là vì miệng và bụng nên không chơn thật, chẳng phải mình có mà ở trong chúng cố ý nói lời vọng ngữ, tự xưng rằng đạt được pháp thượng nhân. Trong hai hạng giặc này, kẻ vì miệng và bụng nên không chơn thật, chẳng phải mình có mà ở trong đại chúng cố ý nói lời vọng ngữ: tự xưng mình đạt được pháp thượng nhơn, là kẻ giặc lớn nhất không gì bằng. Tại sao vậy? Vì chúng ăn trộm thức ăn uống của người.»

Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo an cư trong Tăng-già-lam bên sông Bà-cừu rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Đây là những người ngu si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là những người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau Ta vì các tỳ-kheo mà kiết giới, tập mười cú nghĩa, cho đến, để chánh pháp tồn tại lâu dài.››

Người muốn thuyết giới, nên thuyết như vầy:

«Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‹Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.› Vào lúc khác, tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vầy: ‹Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.› Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.»

2. KẾT GIỚ LẦN THỨ HAI

Khi đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy rồi, lúc ấy có một tỳ-kheo tăng thượng mạn nói với người rằng: «Tôi đắc đạo.» Thời gian sau, vị ấy tinh tấn không giải đãi, cần cầu phương tiện, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Vị ấy nghĩ như vầy: «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‘Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Vào lúc khác, Tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vậy: ‘Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.’ Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Với tâm kiêu mạn, tôi đã tự nói tôi đắc đạo. Thời gian sau với tâm siêng năng, phương tiện tinh tấn, không giải đãi, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Như vậy tôi há không phạm ba-la-di? Nay phải làm thế nào?» Vị ấy tìm các tỳ-kheo đồng ý:[151] «Đức Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới: ‹Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‘Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.’ Vào lúc khác, Tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vậy: ‘Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ.’ Tỳ-kheo này là kẻ ba-la-di, không được sống chung.› Tôi với tâm tăng thượng mạn tự xưng là tôi đắc đạo. Thời gian sau do sự siêng năng, phương tiện tinh tấn không giải đãi, chứng đắc pháp thù thắng tối thượng. Như vậy tôi há không phạm ba-la-di sao? Lành thay, Đại đức vì tôi bạch Phật. Tùy theo lời Phật dạy, tôi sẽ vâng làm.»

Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế tôn. Lúc ấy, đức Thế tôn do nhơn này tập hợp tỳ-kheo Tăng, vì các tỳ-kheo tùy thuận thuyết pháp, dùng vô số phương tiện tán thán đầu-đà, tán thán[152] thiểu dục tri túc, ưa xuất ly, và bảo các tỳ-kheo:

«Người tăng thượng mạn không phạm.»

Từ nay về sau nên nói giới như vầy:

B. GIỚI VĂN

Tỳ-kheo nào, thật không sở tri mà tự xưng rằng: ‹Tôi chứng đắc pháp thượng nhơn, tôi biết như vậy, tôi thấy như vậy.› Vào lúc khác, tỳ-kheo ấy hoặc bị người cật vấn, hoặc không người cật vấn, muốn tự thanh tịnh nên nói như vầy: ‹Tôi thật không biết, không thấy, mà nói có biết có thấy, nói lời hư dối vọng ngữ,› trừ tăng thượng mạn, Tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.

C. THÍCH NGHĨA

Tỳ-kheo: nghĩa như trên.

Không biết không thấy: thật sự không thấy biết.

Tự xưng: tự mình xưng nói có tín, giới, thí, văn, trí tuệ, biện tài.

Pháp của người: ấm của con người, giới của con người, nhập của con người.[153]

Pháp thượng nhơn : các pháp có khả năng thành tựu xuất ly.[154]

Tự nói:[155] tự nói niệm tại thân, tự nói chánh ức niệm, tự nói trì giới, tự nói có dục, tự nói không buông lung, tự nói tinh tấn, tự nói đắc định, tự nói đắc chánh thọ, tự nói có đạo, tự nói tu tập, tự nói có huệ, tự nói kiến, tự nói đắc, tự nói quả.

– Tự nói niệm tại thân:[156] có niệm có khả năng dẫn đến xuất ly; chuyên cần, thân cận pháp này, tu tập và phát triển rộng lớn, như điều khiển cỗ xe, thủ hộ và quán sát, khéo đạt được bình đẳng, đã được quyết định, không còn khó khăn, được[157] tự tại. Như vậy gọi là tự mình nói đặng thân niệm xứ.

– Tự nói chánh ức niệm: có niệm có khả năng dẫn đến xuất ly; chuyên cần, thân cận pháp này, tu tập và phát triển rộng lớn, như điều khiển cỗ xe, thủ hộ và quán sát, khéo đạt được bình đẳng, đã được quyết định, không còn khó khăn, được tự tại. Như vậy gọi là tự mình nói chánh ức niệm.

– Tự nói đắc giới, tự nói có dục, tự nói không buông lung, tự nói tinh tấn, cũng được nói như trên.

– Tự nói đắc định: nói chứng đắc tam-muội có giác có quán;[158] tam-muội không giác có quán;[159] tam-muội không giác, không quán;[160] tam muội không – vô tướng – vô tác;[161] chuyên cần, thân cận tư duy định này. Ngoài ra như trên đã nói.

– Tự nói đắc chánh thọ:[162] chánh thọ có tưởng, chánh thọ không tưởng, chánh thọ tùy pháp, chánh thọ tâm tưởng, chánh thọ trừ sắc tưởng, chánh thọ không trừ sắc tưởng, chánh thọ trừ nhập,[163] chánh thọ nhất thiết nhập,[164] làm quen, học tập, gần gũi, tư duy chánh thọ này. Ngoài ra như trên đã nói.

– Tự nói có đạo: từ đạo có một chi đạo cho đến đạo có mười một chi; chuyên cần, thân cận tư duy đạo này. Ngoài ra như trên đã nói.

– Tự nói tu: tu giới, tu định, tu trí, tu giải thoát huệ, tu kiến giải thoát huệ, chuyên cần, thân cận. Ngoài ra như trên đã nói.

– Tự nói có trí: pháp trí,[165] tỉ trí,[166] đẳng trí,[167] tha tâm trí làm quen, học tập, gần gũi, tư duy trí này. Ngoài ra như trên đã nói.

– Tự nói kiến:[168] thấy khổ, thấy tập, thấy tận và thấy đạo. Hoặc lại nói như vầy: thiên nhãn thanh tịnh quán các chúng sanh, hoặc sanh, hoặc tử, hoặc có sắc đẹp, hoặc có sắc xấu, hoặc thiện thú, ác thú; hoặc biết có tốt xấu, quý tiện, tùy theo nghiệp báo của chúng sanh. Biết điều đó đúng như thật, chuyên cần, thân cận. Ngoài ra như trên đã nói.

– Tự nói đắc: đắc Tu-đà-hoàn, đắc Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, làm quen, học tập, gần gũi. Ngoài ra như trên đã nói.

– Tự nói quả: Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm quả, A-la-hán quả, làm quen, học tập, gần gũi… ngoài ra như trên đã nói.

Với những sự hư vọng, không thiệt như vậy; không biết, không thấy mà nói với người: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn.» Tự miệng mình nói với người mà người ấy hiểu, phạm ba-la-di. Nói mà người ấy không hiểu, phạm thâu-lan-giá.

Hoặc dùng tay làm dấu, hoặc sai sứ, hoặc viết thư, hoặc ra dấu hiệu cho biết, mà người ấy biết, phạm ba-la-di, không biết phạm thâu-lan-giá.

Tự mình ở chỗ vắng người, khởi ý tưởng là không vắng người, miệng nói: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn», phạm thâu-lan-giá. Chỗ không vắng khởi ý tưởng là vắng, miệng mình nói: «Tôi đạt được pháp thượng nhơn», phạm thâu-lan-giá. Nói với chư Thiên, A-tu-la, Càn-thát-bà, Dạ-xoa, ngạ quỷ, súc sanh có thể biến hình, có trí, là mình đắc pháp thượng nhơn, mà những hàng ấy hiểu, phạm thâu-lan-giá; chúng không hiểu, phạm đột-kiết-la. Làm dấu bằng tay, sai sứ, viết thư, ra dấu mà người kia hiểu, phạm thâu-lan-giá; không hiểu, phạm đột-kiết-la. Nói với súc sanh không thể biến hình, là mình đắc pháp thượng nhơn, phạm đột-kiết-la.

Nếu thật sự người đắc đạo mà nói với vị đại tỳ-kheo không đồng ý,[169] mình đạt được pháp thượng nhơn, phạm đột-kiết-la. Nếu giảng cho người về căn, lực, giác ý, giải thoát, tam-muội, chánh thọ mà lại nói rằng: «tôi đạt được», [579a1] phạm ba-la-di.

Người, khởi ý tưởng là người, phạm ba-la-di. Nghi là người, phạm thâu-lan-giá. Người mà tưởng chẳng phải người, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải người mà tưởng là người, phạm thâu-lan-giá. Chẳng phải người mà nghi cũng phạm thâu-lan-giá.

Tỳ-kheo-ni ba-la-di; thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, phạm đột-kiết-la, tẫn xuất. Đó gọi là phạm.

Sự không phạm: người tăng thượng mạn tự nói là nghiệp báo nhơn duyên chứ chẳng phải tu đạt được, hoặc hướng đến vị đại tỳ-kheo đồng ý[170] mà nói pháp thượng nhơn. Hoặc giảng cho người về căn, lực, giác ý, giải thoát, tam-muội, chánh thọ mà không tự xưng là «tôi đạt được.» Hoặc vui đùa mà nói; hoặc nói lướt nhanh; nói chỗ vắng, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này nói nhầm việc kia thì không phạm.

Người không phạm: người phạm đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng loạn tâm, thống não, bức bách.


[1] (T22n1428, tr.568c6 四波羅夷法之一)

[2] Tô-la-bà quốc 蘇羅婆國; Ngũ phần: Tu-lại-bà quốc 須賴婆國; cả hai phiên âm từ Skt. Śūrasena (Pali: Sūrasena), 1 trong 16 đại quốc thời Phật; xem Trường A-hàm 5, «Kinh Xà-ni-sa;» D.18. Javasabha. Tăng kỳ: Xá-vệ quốc 舍衛國, (Skt. Śrāvasti, Pali: Sāvatthī). Thập tụng: Phật tại Tì-da-li 毘耶離, Skt. Vaiśāli (Pali: Vesālī).

[3] Tì-lan-nhã 毘籣若. Pali: Verañjā, thị trấn gần Sāvatthī, trên đường đi Vesālī.

[4] Na-lân-la-tân-châu-mạn-đà-la 那隣羅濱洲曼陀羅; Pali: Naḷerupucimanda, cây pucimanda (Nimba) có miếu thờ dạ-xoa Naḷeru. Ngũ phần: trú lâm thọ hạ 住林樹下.

[5] Vô trước nhân 無著人 , một dịch nghĩa khác của từ A-la-hán.

[6] Ba-li quốc 波離國; Ngũ phần: Ba-lị quốc 波利國. Pali (Vin.iii. 6): Uttarāpathakā assavāṇijā, những người buôn ngựa từ Uttarāpatha, địa danh chỉ chung vùng Bắc Ấn.

[7] Uất-đan-việt 鬱單越; Skt.(=Pali): Uttarāpatha.

[8] Tự nhiên canh mễ 自然粳米, một thứ lúa tự nhiên mọc, không do người trồng; xem Trường A-hàm 6, kinh Tiểu duyên, Đại 1 tr. 38a1. Cf., D.iii.88 (Aggañña-suttanta): akaṭṭha-pāko sāli pātur ahosi akaṇo athuso, xuất hiện loại lúa chín tự nhiên không do gieo trồng, không vỏ, không cám.

[9] Pali (Vin.iii. 7), Mahāmoggallāna bạch Phật: «Phần dưới kia của đại địa này rất sung túc. Con sẽ chuyển ngược đại địa để các tỳ-kheo có thể có thức ăn.»

[10] Nguyên Hán: trượng phu 丈夫.

[11] Tỳ-bà-thi Phật 毘婆尸佛; Ngũ phần: Duy-vệ Phật 維衛佛. Pali: Vipassī

[12] Thức Phật 式佛; Ngũ phần: Thi-khí Phật 尸葉佛. Pali: Sikhī.

[13] Câu-lưu-tôn Phật 拘留孫佛; Ngũ phần: Câu-lâu-tôn Phật 拘樓孫佛. Pali: Kakusandha.

[14] Ca-diệp Phật 迦葉佛. Pali: Kassapa.

[15] Tuỳ-diệp Phật 隨葉佛. Pali: Vissabhu.

[16] Câu-na-hàm Mâu-ni Phật 拘那含牟尼佛 Konāgamana.

[17] Pali, Pārājikā I, tr.7: các Thế tôn Vipassī, Sikkhī và Vessabhu, phạm hạnh không tồn tại lâu dài. Các Thế tôn Kakusandha, Koṇāgamana, Kassapa có phạm hạnh tồn tại lâu dài. Ngũ phần (T22n1421, tr.1b26) cũng nói như Pali.

[18] 12 bộ phận Thánh điển : Khế kinh 契經, Kỳ-dạ kinh 祇夜經, Thọ ký 授記經, Cú kinh 句經, Nhân duyên kinh因緣經, Bản sanh kinh本生經, Thiện đạo kinh善道經, Phương đẳng kinh 方等經, Vị tằng hữu kinh 未曾有經, Thí dụ kinh 譬喻經, Ưu-bà-đề-xá kinh 優波提舍經. Liệt kê theo Pali, chỉ có 9: suttaṃ geyyaṃ veyyākaraṇaṃ gāthā udānaṃ itivuttakaṃ jātakaṃ abbhutadhammaṃ vedallaṃ.

[19] Có điểm ngữ pháp đáng lưu ý trong bản Hán dịch. Trong bản Pali (Vin. iii. 8): (…) kilāsuno ahesuṃ sāvakānaṃ vitthārena dhammaṃ desetuṃ, «(Các đức Thế tôn này) không tích cực (=mệt mỏi) thuyết pháp cho các đệ tử.» Tính từ kilāsuno (mệt mỏi = không tích cực, chủ cách, số nhiều, Hán: bì yếm 疲厭) phẩm định các danh từ Thế tôn (bhagavā ) chứ không phẩm định cho danh từ sāvakānaṃ (chỉ định cách, số nhiều, Hán: chư đệ tử 諸弟子) như trong Hán dịch.

[20] Ngũ phần (T22n1421, tr.1c10): «Thuyết pháp cho đệ tử bằng tâm niệm chứ không nói ra miệng rằng…»

[21] Khủng úy lâm 恐畏林. Ngũ phần: khủng bố lâm 恐怖林. Pali.: aññtarasmiṃ bhiṃsanake vanasaṇḍe, trong một khu rừng có nhiều sự kinh sợ kia. Hình như không chỉ khu rừng có tên là Kinh sợ (Khủng bố hay Khủng uý). Trong thời Thích tôn, cũng có một khu rừng mang tên như vậy, Pali: Bhesakalāvana (Khủng bố lâm) thuộc nước Bhagga (Bà-kỳ); Cf. A.ii. 61, iii. 295; S.iii. 1, iv. 116.

[22] Pali kết luận: «Do nguyên nhân này, phạm hạnh (brahmacariya) của các Thế tôn Vipassī, Sikkhī, Vessabhu không tồn tại lâu dài (na ciraṭṭhitikaṃ ahosi).»

[23] Pali: buddhānubhānaṃ sāvakānaṃ, các đệ tử đã giác ngộ theo Phật.

[24] Hán: thả chỉ 且止. Pali: āgamehi tvaṃ Sāriputta, «Hãy chờ đợi, này Xá-lợi-phất.»

[25] Con trai của Tu-đề-na ở thôn Ca-lan-đà 迦蘭陀村須提那子. Ngũ phần: con trai của trưởng giả Na-lan-đà tên là Tu-đề-na. Tăng kỳ: thành Tỳ-da-ly có con trai trưởng giả tên là Da-xá 耶舍. Thập tụng: Con trai trưởng giả tên là Tu-đề-na Gia-lan-đà 加蘭陀 Căn bản: Con trai của Yết-lan-đạc-ca tên là Tô-trần-na 羯蘭鐸迦子蘇陳那. Pali (Vin.iii. 11): Sudinno nāma Kalanda(ka)putto seṭṭhiputto, Sudinna, con trai của phú hộ Kalandaka.

[26] Tứ phần, Căn bản: Chủng Tử 種子. Tăng kỳ, Thập tụng: Tục Chủng 續種. Pali: Bījaka.

[27] Pali, Vin.iii.19, về sau, Bījaka và mẹ đều xuất gia, và cả hai đều đắc quả A-la-hán.

[28] Nguyên Hán: cố nhị 故二. Pali: purāṇadutiyakā.

[29] Nghĩa 義; đây hiểu là phù hợp với mục đích giải thoát.

[30] Các thí dụ về tai hại của dục, xem Trung A-hàm 54 (T1, tr.763c17); Cf. Pali, M.22. Alagaddūpama.

[31] Tập thập cú nghĩa 集十句義. Ngũ phần, Thập tụng: dĩ thập lợi cố 以十利故; Tăng-kỳ: thập sự lợi ích 十事利益. Pali: dasa atthavase paṭicca, căn cứ trên 10 ý nghĩa (mục đích).

[32] Ngũ phần (T22n1421, tr.3c1): 1. Tăng hoà hiệp; 2. Tăng đoàn kết; 3. Chế ngự người xấu; 4. Để cho người biết hổ thẹn được yên vui; 5. Đoạn hữu lậu đời này; 6. Diệt hữu lậu đời sau; 7. Khiến người chưa tin có tín tâm; 8. Khiến người có tín tâm được tăng trưởng; 9. Để Chánh pháp lâu dài; 10. Phân biệt tì-ni phạm hạnh tồn tại lâu dài. Tăng kỳ (T22n1425, tr.228c24): 1. Nhiếp Tăng; 2. Cực nhiếp Tăng; 3. Để Tăng an lạc; 4. Chiết phục người không biết hỗ thẹn; 5. Để người có tàm quý sống yên vui; 6. Người chưa tin được tin; 7. Người đã tin thì tin thêm; 8. Trong đời này được lậu tận; 9. Các lậu đời vị lai không sinh; 10. Để chánh pháp cửu trụ. Căn bản (T23n1442, tr.629b22), như Pali. Pali, Vin.iii. tr.32: saṅghasuṭṭhutāya (vì sự ưu mỹ của Tăng); saṅghaphāsutāya (vì sự an lạc của Tăng); dummaṅkūnaṃ puggalānaṃ niggahāya (để chế phục hạng người không biết hỗ thẹn) ; pesalānaṃ bhikhūnaṃ phāsuvihārāya (để các tỳ-kheo nhu hòa sống an lạc); diṭṭhadhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya (để ngăn chặn hữu lậu đời này); sampāratikānaṃ āsavānaṃ paṭighātāya (để đối trị hữu lậu đời sau); appasannānaṃ pasādāya (vì tịnh tín của người chưa có tín); pasannānaṃ bhiyyobhāvāya (vì sự tăng trưởng của người có tín); saddhammaṭṭhitiyā (vì sự trường tồn của chánh pháp); vinayānuggahāya (để nhiếp hộ tì-ni).

[33] Bạt-xà Tử 跋闍子 . Tăng kỳ (T22n1425, tr.231b24), Phật trụ Tì-xá-li, có hai người Li-xa 離車子. Thập tụng (T23n1435, tr.1c22), Phật tại Xá-vệ, tỳ-kheo tên Bạt-kì Tử 跋耆子. Ngũ phần (T22n1421, tr.4a1), một số đông các tỳ-kheo; nhưng sự kiện được đề cập sau nhân duyên vượn cái. Pali, Vin.iii.23, sambahulā vesālikā vajjiputtakā bhikkhū, một số đông các tỳ-kheo người Vajji ở Vesālī. Nhưng sự kiện đề cập sau nhân duyên vượn cái như Ngũ phần.

[34] Nguyên Hán: Giới luy bất tự hối 戒羸不自悔 . Thập tụng: giới luy bất xuất 戒羸不出. Pali: dubbalyaṃ anāvikatvā, không tuyên bố sự bất lực của mình (không kham nổi đời sống tỳ-kheo).

[35] Khất thực tỳ-kheo 乞食比丘; Tỳ-kheo sống chỉ bằng khất thực; một trong 12 hạnh đầu đà. Ngũ phần (T22n1421, tr.3c6): a-lan-nhã tỳ-kheo 阿練若比丘; Thập tụng (T23n1435, tr.2a1), một tỳ-kheo sống một mình trong rừng, ở Câu-tát-la. Pali (Vin. iii. 22), một tỳ kheo sống trong rừng Đại lâm (Mahāvana), Vesāli.

[36] Hán: thư di hầu 雌獼猴; Pali: makkaṭī.

[37] Hán: án hành trú xứ 案行住處; Ngũ phần: án hành ngoạ cụ 案行臥具. Pali, nt., senāsanacarikaṃ āhiṇḍantā, du hành để tìm chỗ ngủ nghỉ.

[38] Khất cầu tỳ-kheo 乞求比丘; Ngũ phần: khất tỳ-kheo 乞比丘; Thập tụng (T23n1435, tr.2b30): khất tỳ-kheo, vì xin ăn nơi người khác. Như bà-la-môn khi đi xin ăn cũng tự nói ‹Ta là tỳ-kheo.› Pali: bhikkhakoti bhikkhu, tỳ-kheo, là người hành khất.

[39] Cát tiệt y 割截衣; Ngũ phần: hoại sắc cát tiệt y 壞色割截衣. Pali: bhinnapaṭadharoti bhikkhu, tỳ-kheo, là người mặc y từ những miếng vải rách.

[40] Pali: samaggena saṅghena ñatticatutthena kammena akuppena ṭhānārahena upasampanno ti bhikkhu, tỳ-kheo, là người thọ cụ túc (=đã thành tựu) với sự hợp cách không di động do bạch tứ yết-ma bởi Tăng hoà hiệp.

[41] Hán: cộng tỳ-kheo 共比丘. Pali: bhikkhūnaṃ, sở hữu cách số nhiều của bhikkhu: (học xứ) của các tỳ-kheo. Bản Hán hiểu là chỉ định cách: ‹đối với (=dành cho) các Tỳ-kheo›.

[42] Đồng giới 同戒; Ngũ phần: đồng học giới pháp 同學戒法; Thập tụng: đồng nhập tỳ-kheo học pháp 同入比丘學法 ; Căn bản: đồng đẳng học xứ. Pali: sikkhā-sājīva-samāpanno, đã chấp nhận đời sống và học xứ (của các tỳ-kheo); giải thích (Vin. iii. 23): sikkhā (học) chỉ cho ba học: tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ (adhisīla, adhicitta, adhipaññā); sājīvaṃ (đời sống): chỉ các học xứ mà Phật đã qui định (bhagavatā paññattaṃ sikkhāpadaṃ).

[43] Nghĩa là, cảm thấy xấu hổ khi nghĩ mình là tỳ-kheo. Cf. Pali, Vin.iii.24: bhikkhubhāvaṃ aṭṭīyamāno harāyamāno, khó chịu và xấu hổ vì mình là tỳ-kheo.

[44] Cf. Pali, nt., sāmaṇerabhāvaṃ patthayamāno, ước muốn làm sa-di (hơn là làm tỳ-kheo).

[45] Cf. Pali, nt., titthayasāvakabhāvaṃ patthayamāno, ước muốn làm đệ tử của ngoại đạo

[46] Chư phạm hạnh 諸梵行 ; cũng nói là đồng phạm hạnh (Pali: sabrahmacārin) đây chỉ các tỳ-kheo đồng học, hay bạn đồng tu.

[47] Hán: giới luy 戒羸 . Pali, nt., dubbalyaṃ, sự yếu đuối (của mình).

[48] Bất tịnh hạnh (hành) 不淨行 , cũng nói là phi phạm hạnh. Phạm hạnh (Skt.=Pali: brahmacariya) nguyên nghĩa, sống cuộc đời (đoạn dục để) phụng sự Phạm thiên. Trong Phật giáo, chỉ sự đoạn trừ dâm dục. Luận trí độ 20: «Chư thiên đoạn trừ dâm dục đều được gọi là Phạm.» Hán dịch «tịnh hạnh» theo nghĩa ly dục thanh tịnh.

[49] Ngũ phần (T22n1421, tr.4c21): «Ba-la-di, gọi là đọa pháp, là ác pháp, là đoạn đầu pháp.» Tăng kỳ (T22n1425, tr.237b24): «Ba-la-di, là đối với pháp trí mà thối thất, đọa lạc, không có đạo quả phần.» Thập tụng (T23n1435, tr.4b13): «Ba-la-di, là đọa lạc, không bằng 墮不如; là tội cực ác, sâu nặng.» Căn bản (T23n1442, tr.630c6): «Ba-la-thị-ca 波羅市迦, là tội cực trọng, rất đáng ghê tởm, rất đáng bị ruồng bỏ… mất thể tính Bí-sô, trái ngược với thể tính Niết-bàn; là sự đọa lạc, sụp đổ, bị kẻ khác đánh bại không còn cứu được nữa.» Pali, Vin.iii.28: pārājiko hotī ti seyyathāpi nāma puriso sīrascchinno abhobbo tena sarīrabandhanena jīvituṃ, «Pārājika, người phạm ba-la-di, như một người mà cái đầu đã bị chặt không thể sống với thân được ráp nối lại.»

[50] Bất cộng trú 不共住. Pali, nt., asaṃvāso ti saṃvāso nāma ekakammaṃ ekuddeso samasikkhatā, «Bất cộng trú: đồng nhất yết-ma, đồng nhất thuyết giới, đồng đẳng học xứ, đó là cộng trú.»

[51] Nhị hình 二形 . Ngũ phần, Thập tụng: nhị căn 二根. Pali: ubhatovyañjana, lưỡng tính, ái nam ái nữ.

[52] Huỳnh môn 黃門 , bất năng nam 不能男. Căn bản: bán-trạch-ca 半擇迦. Pali: paṇḍaka, người bị hoạn/ thiến.

[53] Phi nhân 非人 , chỉ các loại trời, thần, và tương tự. Pali: amanussa.

[54] Đạo 道, chỉ các đường đại và tiểu tiện; phi đạo 非道, chỉ các đường khác. Pali: magga: passāva-magga, vacca-magga.

[55] Thâu-lan-giá 偷蘭遮 . Ngũ phần: thâu-la-giá 偷羅遮. Pali: thulla/thūlaccaya; Skt. sthūlātyaya, dịch: thô tội, đại tội, trọng tội; Thiện kiến 9: «Thâu-lan (Pali: thulla, thūla; Skt. sthūla), nghĩa là lớn. Giá 遮, chỉ sự chướng ngại đạo, về sau đọa ác đạo.»

[56] Thập tụng (T23n1435, tr.2c29), nhân duyên Nan-đề: Phật tại Xá-vệ. Bấy giờ Nan-đề tu thiền trong rừng, bị Ma thiên thần dụ, dẫn đến chỗ hành dâm với con ngựa cái đã chết. Ngay sau đó tức thì tỉnh ngộ, chạy thẳng về tinh-xá, khẩn thiết xin Tăng đừng diệt tẫn. Phật khiến các tỳ-kheo tác pháp bạch tứ yết-ma cho Nan-đề sám tội ba-la-di, gọi là «Yết-ma dữ học pháp 與學法 .» Nhân đó, Phật quy định các điều kiện và các phận sự cho tỳ-kheo được dữ học pháp. Cf. Tứ phần 35 (T22n1428, tr.809a8), về yết-ma dữ học pháp cho Nan-đề.

[57] Tăng kỳ (T22n1425, tr.238a23) phần kết, «Thế tôn trú tại thành Tỳ-da-ly, sau thành đạo năm thứ 5, nửa tháng thứ năm, ngày 12, sau bữa ăn trưa, bóng ngả về phía đông cỡ nửa người đang ngồi, nhân trường hợp Trưởng lão Da-xá Ca-lan-đà Tử, chế giới này.»

[58] La-duyệt thành Kỳ-xà-quật sơn 羅閱城耆闍崛山. Ngũ phần (T22n1421, tr.5b1), Phật tại Vương-xá thành王舍城. Căn bản (T23n1442, tr.635c24): Phật tại Vương-xá, bên bờ ao Yết-lan-đạc, trong vườn Trúc lâm 王舍城羯闌鐸迦池竹林園中. Pali, Vni.iii.41: rājagahe viharati gijjhakūṭe pabbate.

[59] Đàn-ni-ca đào sư tử 檀尼迦陶師子 . Ngũ phần, Thập tụng: Đạt-ni-ca 達尼迦. Tăng kỳ: ngoã sư tử trưởng lão Đạt-nị-già 瓦師子長老達膩伽. Căn bản: Đản-ni-ca bí-sô đào sư tử 但尼迦苾芻陶師子. Pali: dhaniyo kumbhakāraputto.

[60] Nhàn tĩnh xứ 閑靜處 , cũng nói là a-lan-nhã (Pali: arañña), thường chỉ khu rừng vắng, không thú dữ. Ngũ phần: Ất-la sơn 乙羅山. Căn bản: tại a-lan-nhã 阿蘭若. Pali: Isigilipassa, hang Tiên nhân.

[61] Hán: toàn thành ngõa ốc 全成瓦屋. Pali: sabbamattikāmayaṃ kūṭikaṃ, căn nhà làm toàn bằng đất sét.

[62] Ngũ phần (T22n1421, tr.5b21): Tỳ-kheo làm nhà toàn bằng gạch nung, phạm thâu-lan-giá.

[63] Pali còn thêm: mā pacchimā janatā pāṇesu pātavyataṃ āpajjati, chớ để người sau gây hại cho các sinh vật.

[64] Ma-kiệt quốc Bình-sa vương 摩竭國瓶沙王. Thập tụng: Ma-kiệt quốc chủ Vi-đề-hi Tử A-xà-thế vương 摩竭國主韋提希子阿闍世王. Căn bản: Ma-yết-đà quốc Thắng Thân chi tử Vị Sinh Oán Vương 摩揭陀國勝身之子未生怨王. Pali, Vin.iii.43, chuyện xảy ra dưới triều vua Seniya Bimbisāra vua nước Magadha.

[65] Thủ tài nhân 守材人. Ngũ phần: điển tài lệnh 典材令. Tăng kỳ: mộc tượng đại thần Da-thâu-đà 木匠大臣耶輸陀. Thập tụng: tài mộc sư 材木師. Căn bản: chưởng mộc đại thần 掌木大臣. Pali: dārugaha gaṇaka.

[66] Cf. Vin.iii. 43: devagahadārūni nagarapaṭisaṅkhārikāni, gỗ được giữ cho Vua để tu sửa thành.

[67] Ngũ phần: Vũ xá đại thần 雨舍大臣. Pali: Vassakāra, đại thần của nước Magadha.

[68] Sát-lợi vương Thủy kiêu đầu chủng 剎利王水澆頭種.

[69] Ca-lâu 迦樓. V.iii. 45: purāṇavohāriko mahāmatto, (tỳ-kheo) nguyên là đại thần tư pháp.

[70] Vin. nt., … coraṃ gahetvā hanati vā bandhati vā pabbājeti vā, «… sau khi bắt tên trộm hoặc sát hại, hoặc cột trói, hoặc trục xuất.»

[71] Vin.nt., pādena… tena kho pana samayena rājagahe pañcamāsako pādo hoti, «bằng 1 pāda… thời bấy giờ, ở Rājagaha, 1 pāda = 5 māsaka.»

[72] Ngũ phần, giới này được kết hai lần. Tăng kỳ, giới được kết ba lần; thời gian kết giới: Thành đạo năm thứ 6, mùa đông, nửa tháng phần hai, ngày 10 (tức ngày 20 tháng âm lịch), sau bữa trưa, lúc bóng sáng ngả về đông dài bằng 2 người rưỡi. Thập tụng, Căn bản, cũng như Tứ phần, giới kết một lần. Pali, giới kết hai lần.

[73] Pali còn thêm yếu tố: chỗ mà một thương đội đóng trại hơn 4 tháng cũng được gọi là làng (gāma).

[74] Nhàn tĩnh xứ. Ngũ phần, Tăng kỳ, Thập tụng: không địa 空地. Căn bản: không nhàn xứ 空閑處. Pali, Vin.ii.48: araññaṃ, khu rừng, và giải thích, trừ làng và các khu phụ cận làng, còn lại đều là arañña (ṭhapetvā gāmañ ca gāmūpacārañ ca avasesaṃ araññaṃ nāma).

[75] Bất dữ thủ 不與取 . Pali: adinnaṃ nāmaṃ yaṃ adinnaṃ anissaṭṭhaṃ apariccattaṃ rakkhittaṃ gopitaṃ mamāyitaṃ parapariggahitaṃ (Vin.iii.46), vật không được cho, là những gì không được cho, không được tặng, không bị vất bỏ, được bảo vệ, được canh chừng.

[76] Đạo tâm thủ 盜心取 ; Ngũ phần (T22n1421, tr.6a22): vật sở thuộc của người khác, được người khác bảo vệ, không được cho mà lấy, gọi là đạo tâm 盜心. Pali: theyyasaṅkhātan ti theyyacitto avaharaṇacitto, với tâm lén trộm, với tâm cướp giựt, gọi là (lấy) bằng cách lén trộm.

[77] Ngũ tiền 五錢 ; Tăng kỳ (T22n1425, tr.244b1): Vương pháp không nhất định. Hoặc trộm nhỏ mà chết. Hoăc trộm lớn mà không chết. Theo phép vua Bình-sa, 19 tiền là 1 kế-lị-sa-bàn (Pali: kahāpaṇa); 1 kế-lị-sa-bàn phân làm tư; trộm vật giá trị ¼ thì bị tội chết. Căn bản: ngũ ma-sái 五摩灑. Pali, Vin.iii. tr.48: pañcamāsakaṃ. Theo nghĩa đen, 1 māsaka (Skt. māṣaka) là vật có giá trị trao đổi bằng 1 hạt đậu (đỗ).

[78] Hán: tam chủng 三種, khác với trên chỉ 3 trường hợp; từ đây trở xuống, chủng (loại), chỉ các yếu tố hội đủ để cấu thành tội phạm.

[79] Nên hiểu là 4 yếu tố hội đủ để cấu thành tội phạm.

[80] Thập tụng: trọng vật 重物 , chỉ vật giá trị 5 tiền hoặc quá 5 tiền.

[81] Hán: xứ 處, xác định nguyên vị trí của vật trộm để xác định yếu tố cấu thành tội phạm.

[82] Pali: saṅketakammaṃ, hẹn nhau ăn trộm.

[83] Pali: ocarako, trinh sát.

[84] Pali: oṇirakkho, người canh giữ tài vật (do người khác ký thác), lấy trộm vật mình canh giữ.

[85] Tăng kỳ 3 (T22n1425, tr.245a28), 16 vật: đất, vật trong đất, nước, vật trong nước, thuyền, vật trong thuyền, cộ, vật trong cộ, loài bốn chân, vật trên (thân) loài bốn chân, hai chân, vật trên (thân) loài hai chân, không chân, vật trên (thân) loài không chân, hư không (?), vật trong hư không.

[86] Địa xứ 地處. Pali: bhūmaṭṭhaṃ.

[87] Nguyên Hán: sanh tượng 生像, Pali, theo nghĩa đen: jātarūpa.

[88] Địa thượng xứ 地上處. Pali: thalaṭṭhaṃ, vật trên đất liền.

[89] Hán: thừa 乘, cũng đọc là thặng. Ngũ phần: thừa thừa vật 乘乘物, xe cộ và vật trong xe cộ. Pali: yānaṃ yānaṭṭhaṃ xe cộ và vật trong/trên xe cộ.

[90] Không xứ 空處; Ngũ phần: hư không vật 虛空物, chỉ vật được đặt vào hư không do bởi thần lực, hoặc vật ngậm bởi chim có chủ, hoặc vật có chủ mà gió thổi đến. Tăng kỳ: hư không hư không trung vật 虛空虛空中物, chỉ các loại cây lá, hoa quả. Pali: ākāsaṭṭhaṃ, vật trong hư không, chỉ những vật phi hành trong hư không (ākāsagataṃ): chim chóc, giải lụa, vải vóc, cho đến vàng (từ trên người) bị rơi xuống đất.

[91] Thượng xứ 上處; trong liệt kê nói là thọ thượng 樹上. Pali: vehāsaṭṭhaṃ, nghĩa gần như trong hư không, nhưng được giải thích là vật trên giường, trên ghế, trên tượng, trên cọc, v.v…

[92] Nguyên Hán: long nha 龍牙. Xem cht.39, Ni-tát-kỳ 15.

[93] Pali: gāmaṭṭhaṃ, trong thôn xóm, vật được cất tại bốn chỗ: trong đất (bhūmaṭṭhaṃ), trên đất liền (thalaṭṭhaṃ), trong hư không (ākāsaṭṭhaṃ), trong khoảng trống (vehāsaṭṭhaṃ).

[94] Xứ sở 處所, chỉ phạm vi cư trú của người. Pali: vihāraṭṭhaṃ, vật trong khu vực cư trú, có bốn chỗ, như trong thôn xóm, xem cht. 93 trên.

[95] Bản Cao-ly: đài thuyền 臺船; Tống-Nguyên-Minh: hồ thuyền 壺船 Pali: nāvā nāma yāya tarati, thuyền, chỉ phương tiện qua sông.

[96] Nhất mộc thuyền 一木船, loại ghe thuyền được làm từ một khúc cây/gỗ.

[97] Quả thuyền 果船.

[98] Huyền thuyền 懸船.

[99] Nguyên Hán âm: thất-thâu ma-la 失收摩羅; Pali: suṃsumāra (Skt. śiśumāra), cá sấu.

[100] Các loại hoa trong nước : ưu-bát-la 優钵羅 (Pali: uppala, Skt. utpala, sen/súng xanh, thanh thụy liên hoa); bát-đầu-ma 钵頭摩 (Pali: paduma, Skt. padma, sen/súng đỏ); câu-vật-đầu 拘勿頭 (Pali=Skt. kumuda, sen trằng, hay hồng), phân-đà-lị/lợi 分陀利 (Pali=Skt. puṇḍarīka, sen trắng).

[101] Pali: suṅkaghāṭa, trạm thuế (tại các cửa khẩu biên giới).

[102] Các thủ đoạn đánh tráo vật ký thác để sang đoạt.

[103] Hán: dương chi 楊支 . Pali: dantapoṇaṃ, đồ chà răng, thường được làm bằng gỗ thông.

[104] Hán: uất-châu-long-già 鬱周隆伽; Pali: uccāliṅga, loại mao trùng (sâu róm).

[105] Hán: bách túc 百足; Pali: satapadī.

[106] Đồng tài nghiệp 同財業.

[107] Cộng yếu 共要; Pali: saṃketakamma.

[108] Giáo thủ vật 教取物, dạy đi lấy vật không nhất thiết bảo đi ăn trộm.

[109] Bản Hán, hết quyển 1.

[110] Tứ phần, quyển 2 (T22n1428, tr.575c6); Ngũ phần 2 (T22n1421, tr.7a27); Tăng-kỳ 4 (T22n1425, tr.253c9); Tát-bà-đa 3 (T23n1440, tr.518a21); Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7b21).

[111] Tỳ-xá-ly 毘舍離; Sk. Vaiśālī (Pl.) Vesāli.

[112] Di hầu giang biên 獼猴江邊; Thập tụng 2, Bạt-kỳ quốc Bạt-cầu-ma hà thượng 跋耆國跋求摩河上 tức Pali, sông Vaggumudā, thuộc nước Vajji, gần chỗ Phật nhập Niết-bàn. Pali, Vn.iii.70, Vesāliyam viharati mahāvane kūṭāgārasālāyaṃ, trú tại Vesālī, trong rừng Đại lâm, trong một ngôi nhà sàn.

[113] Thuyết bất tịnh hành 說不淨行. Ngũ phần 2, nt., tu bất tịnh quán 修不淨觀; Pali, Vn.iii.nt., asubhabhāvana.

[114] Nguyên Hán: tự hỉ nam tử…自喜男子; Thập tụng 2, nt., niên thiếu tự hỷ nghiêm sức 年少自喜嚴飾; Vn.iii.dd., maṇḍanajātiko, thích trang điểm.

[115] Bà-cầu hà 婆裘河; tức Pali, sông Vaggumudā.

[116] Vật-lực-già Nan-đề 物刀伽難提 (Sk. Mṛga-nandī?); Ngũ phần (T22n1421, tr.7b5), Di-lân chiên-đà-la 彌鄰旃陀羅, một người chiên-đà-la tên là Di-lân; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7c4), Lộc Trượng phạm chí 鹿杖梵志, một người phạm chí tên Lộc Trượng (Skt. Mṛgadaṇḍa, tức Pali Migadaṇḍa, thay vì Migalaṇḍa). Pali, Vn.iii.68, Migalaṇḍika samaṇakuttaka, một người giả trang Sa-môn tên là Migalaṇḍa.

[117] Phụ chú trong bản Hán: «Nói Sa-môn chủng, chỉ dòng họ.» Tức Pali samaṇa-kūla: dòng họ Sa-môn, thay vì samaṇakuttaka, giả trang Sa-môn.

[118] Bà-cừu viên 婆裘園; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7b21), Bạt-cầu-ma hà 跋求摩河; Pali, Vn.iii.68: Vaggumudā nadī, sông Vaggumudā

[119] Tăng-kỳ 4 (T22n1425, tr.253c9): một tỳ-kheo bệnh lâu ngày, đau đớn không chịu nổi, bèn nhờ tỳ-kheo nuôi bệnh giết giùm.

[120] Thập tụng (T23n1435, tr.7c7): Ma thiên thần 魔天神; Ngũ phần (T2n1421, tr.7b9): Tự tại thiên ma 自在天魔. Pali, Vn.iii.68: mārakāyikā devatā, một thiên thần thuộc hạ của Māra.

[121] Thập tụng: đến trú xứ kia. Pali, Vn.iii.68: vihārena vihāraṃ pariveṇena pariveṇaṃ, từ tinh xá đến tinh xá, từ phòng đến phòng.

[122] Thập tụng 2 (T23n1435, tr.7c15): ngày 15 trong tháng, lúc thuyết giới.

[123] A-na-ba-na tam-muội 阿那般那三昧; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.8a13): a-na ban-na niệm 阿那般那念; Ngũ phần 2 (T22n1421, tr.7c6): an-ban niệm 安般念; Pali, Vn. iii. 70: ānāpānassati-samādhi, sự tập trung trên hơi thở ra vào.

[124] Hán: đoạn nhân mạng 斷人命; Pali: manussaviggahaṃ jīvitā voropeyya, tước đoạt sinh mạng của con người.

[125] Ngũ phần 2, giới này được kết bởi ba lần: Lần thứ nhất, tỳ-kheo giết người, nhân duyên cũng gần như Tứ phần với một vài chi tiết khác biệt. Lần thứ hai, tỳ-kheo bệnh muốn tự sát, nhân vì có giới cấm giết người nên các tỳ-kheo đưa dao cho người bịnh tự sát; Phật kết thêm lần nữa. Thứ ba, tỳ-kheo bệnh muốn tự sát nhưng các tỳ-kheo không dám giúp phương tiện, bèn đi tìm thợ săn, khuyến khích giết giùm; Phật kết thêm lần nữa. Pali, Phật kết hai lần; lần thứ nhất, giết và giúp phương tiện tự sát; thứ hai, khuyến khích người tự sát. Tăng-kỳ và Thập tụng, kết một lần như Tứ phần. Đại tỳ-kheo giới bản (T1426, tr. 549c15): giới được kết sau khi thành Phật năm thứ sáu, ngày 9, nửa tháng phần thứ ba, mùa đông.

[126] Hán: nhân 人. Pali: manussaviggaha, thân thể con người. Ngũ phần giới bản: nhược nhân, nhược tợ nhân 若人若似人. Thập tụng: nhược nhân nhược loại nhân 若人若類人 (người và loại tợ của người).

[127] Hán: sơ thức 初識. Pali: paṭhaṃ paṭisandhicittaṃ, kết sanh tâm đầu tiên.

[128] Hán: sát 殺. Văn kết giới nói: đoạn nhân mạng 斷人命, không nói từ sát.

[129] Ỷ phát 倚發; bản Thánh: ỷ bát 倚撥.

[130] Giáo sát 教殺. Pali: adhiṭṭhāyā, bằng sự giám thị (giám sát giết), tức giết bằng sự ra lịnh, hay chỉ đạo.

[131] Bản Cao-li: … khán giáo 看教…; bản Tống-Nguyên-Minh: … khán sát 看殺…

[132] Hán: tiền nhân 前人; đây chỉ thuộc hạ.

[133] Hán: tùy ngữ trụ 隨語住; có lẽ chính xác là tùy ngữ vãng 隨語往, đi theo lời (chỉ đạo).

[134] Hán: vãng lai sứ 往來使; Pali: gatapaccāgatena dūtena, bởi sứ giả đi và quay trở lại.

[135] Hán: trùng sứ 重使. Pali: dūtaparamparāya, sứ giả này tiếp theo sứ giả khác, một chuỗi sứ giả.

[136] Hán: triển chuyển sứ 展轉使. Pali: visakkiyena dūtena, bởi sứ giả lần lượt giết nhau (để phi tang thủ phạm).

[137] Thân hiện tướng 身現相. Đây chỉ sự ra dấu để khuyến khích người tự sát. Pali, Vin.i.76: kāyena saṃvaṇṇeti.

[138] Khẩu thuyết 口說; khuyên người tự sát bằng lời nói. Pali: vācāya saṃvaṇṇeti.

[139] Khiển sứ 遣使; tức là sai người đi khuyến khích người kia tự sát. Pali: dūtena saṃvaṇṇeti, khuyến khích (chết) bằng sứ giả.

[140] Khiển thư 遣書. Pali: lekhāya saṃvaṇṇeti, khuyến khích (chết) bằng cách viết (thư).

[141] Hán: chấp thư 執書, nghĩa đen «cầm thư.» Pali: lekhaṃ chindati, «khắc văn tự;» VA. 452 giải thích: paṇṇe vā potthake vā akkharāni likkhati, «viết các chữ cái lên lá hay sách.» Văn luật, Vin.i.76, còn nói: akkharakkharāya āpatti dukkaṭassa, mỗi âm tiết là một tội đột-kiết-la.

[142] Khanh hãm 坑陷; Ngũ phần 2 (T22, tr.9a1): ưu-bà-đầu 優婆頭 Tăng kỳ 4 (T22, tr. 256a6): ô-mãn-thổ 烏滿吐; Pali: opāta.

[143] Ỷ phát 倚發; bản Tống-Nguyên-Minh: ỷ bát 倚撥. Thập tụng 2: cơ bát 機撥 (phát động bằng máy móc hay bẫy cài); Ngũ phần 2: a-ba-xa 阿波奢. Pali: apassena: vật để tựa, bẫy ngụy trang.

[144] Hán: ỷ phát, xem cht. 143 trên.

[145] Phi dược 非藥.

[146] An sát cụ 安殺具. Ngũ phần: ưu-ba-hại 優波害; Tăng-kỳ: a-ba-khâm-mãn 阿波欽滿; Pali: upanikkhipana (skt, upanikṣepana)

[147] Tăng-kỳ, (T22n1425, tr.257c4): hội đủ 5 yếu tố, phạm ba-la-di: 1. người; 2. có ấn tượng đó là người; 3. phương tiện để giết; 4. cố ý giết chết; 5. người ấy chết.

[148] Tăng-kỳ 4 (T22n1425, tr.257c16): Phật tại Xá-vệ thành. Thập tụng 2 (T23n1435, tr.11a6): Phật an cư mùa hạ tại Duy-da-li. Pali, Vin. iii.87: Vesāliyaṃ viharati mahāvane kūṭāgārasālāyaṃ, trú tại Vesāli, trong rừng Mahāvana, trong một ngôi nhà sàn (Trùng các giảng đường).

[149] Pali, nt: nạn đói kém tại Vajjī.

[150] Ngũ phần 2 (T22n1421, tr.9b17): năm đại tặc 五大賊; Thập tụng 2 (T23n1435, tr.12a12): ba đại tặc 三大賊.

[151] Đồng ý tỳ-kheo 同意比丘, xem cht. 169, ch.i (Tăng-già-bà-thi-sa 8). Ngũ phần 2, Pali: hỏi ý kiến A-nan.

[152] Để bản: đoan nghiêm 端嚴. Bản Thánh: đoan nghiêm vi diệu pháp 端嚴微妙法.

[153] Nhân pháp 人法 đồng nghĩa với nhân ấm 人陰: pháp ở đây được hiểu là uẩn, xứ và giới. Tăng kỳ (T22n1425, tr.260c24): nhân pháp, chỉ ngũ dục, 5 hạ phần kết… cho đến, 10 thiện và bất thiện nghiệp đạo.

[154] Ngũ phần (T22n1421, tr.9c24): quá nhân pháp 過人法, chỉ hết thảy pháp xuất yếu , tức các thiền, giải thoát, tam-muội, chánh thọ, các Thánh đạo và Thánh quả. Tăng kỳ (T22n1425, tr.261a7): quá nhân pháp, chỉ 10 trí,… vô sanh trí,… cho đến 10 vô học pháp, 10 lậu tận lực. Pali, Vin.i.91: uttaramanusadhammo nāma jhānaṃ vimokkho samādhi samāpatti ñāṇadassanaṃ…, «Pháp của bậc thượng nhân, chỉ cho thiền, giải thoát, chánh định, chánh thọ, tri kiến…»

[155] Hán: tự ngôn 自言, tức nói những điều liên hệ đến mình, nói gợi ý về mình. Pali: attupanāyikam

[156] Niệm tại thân 念在身; đây chỉ thân niệm xứ. Tham chiếu, Trường A-hàm 9 (T1, tr.50c9), Trung A-hàm 24 (T1, tr.582b20), Pháp uẩn túc luận 5 (T26, tr.475c27); Pali, D.ii. tr. 94, 290 (No 22. Mahāsatipaṭṭhāna, i. tr.56 (Satipaṭṭhāna): idha bhikkhave bhikkhu kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ, «Tỳ-kheo sống quán thân nơi thân, bằng nhiệt tâm, bằng chánh trí, chánh niệm, có thể chế ngự tham ưu ở đời.»

[157] Đắc 得, bản Thánh: phục 復.

[158] Hữu giác hữu quán tam-muội 有覺有觀三昧 hay hữu tầm hữu tứ tam-ma-địa (đẳng trì; pali: savitakka-savicāra-samādhi), chánh định với sự có mặt của tầm và tứ; chỉ trạng thái sơ thiền. Cf. Câu-xá 28, (T29, tr.149c5).

[159] Vô giác hữu quán tam-muội 無覺有觀三昧 , hay vô tầm duy từ tam-ma-địa, trạng thái trung gian tĩnh lự, giữa sơ và nhị thiền. Cf. Câu-xá 28, (T, tr.149c5).

[160] Chỉ các trang thái định từ nhị thiền trở lên.

[161] Không, vô tướng, vô tác tam-muội 空無相無作三昧, hay không, vô tướng, vô nguyện tam-ma-địa, chỉ ba giải thoát môn . Cf. Câu-xá 28, (T29, tr.149c22).

[162] Chánh thọ , cũng dịch là đẳng chí (Pali. samāpatti: tam-ma-bát-để).

[163] Trừ nhập chánh thọ 除入正受, chỉ 8 thắng xứ (Pali: aṭṭha abhibhāyatanāni); Cf. Câu-xá 29, (T29, tr.151c12); Cf. Pali, D.iii. tr.260, Saṅgīti-suttanta.

[164] Nhất thiết nhập 一切入 , chỉ 10 biến xứ định (Pali: dasa kasiṇāyatanāni). Cf. Câu-xá 29 (T29, tr.151c24); D.iii. 268 (Saṅgītisuttanta).

[165] Pháp trí 法智 (skt. dharma-jñāna), trí tuệ nhận thức bốn Thánh đế thuộc Dục giới. Xem Câu-xá 26, (T29, tr. 135b6).

[166] Tỉ trí 比智 hay loại trí (Skt. anvaya-jñāna), trí nhận thức bốn Thánh đế thuộc thượng giới. Xem Câu-xá 26, (T29, tr. 135b6).

[167] Đẳng trí 等智 , có lẽ chỉ hiện quán biên thế tục trí (Skt. abhisamayāntyākhya-laukika-jñāna), tức trí thuộc phàm phu địa tu quán 16 hành tướng của bốn Thánh đế. Xem Câu-xá 26, (T29, tr. 183b15).

[168] Kiến 見, chỉ tri kiến trong giai đoạn kiến đạo (darśnamārga).

[169] Chỉ tỳ-kheo không thân thiết.

[170] Các luật khác không nói đến trường hợp không phạm này.

    Xem thêm:

  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Tán Duyên Khởi - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 5. Ba La Đề Đề Xá Ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 4. Thất Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 7. Thức-xoa-ca-la-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 3. Ngũ Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 10. Chiêm Ba - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 1. Ba-la-di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 3. Bất Định - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 5. Da Thuộc - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 2. Tăng-già-bà-thi-sa - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 17. Tỳ Kheo Ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 14. Già Yết Ma - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 5. Điều Độ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 4. Ba-dật-đề - Luật Tạng