TỨ PHẦN LUẬT 四分律
Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng
—o0o—
CHƯƠNG II: TĂNG-GIÀ-BÀ-THI-SA[1]
I. MAI MỐI *
Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, Thế tôn dùng nhơn duyên này[2] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, làm mai mối đem lời người nam nói với người nữ; đem lời người nữ nói với người nam; hoặc để thành việc vợ chồng, hoặc vì việc tư thông, cho đến chỉ trong chốc lát. Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, nên xả, tăng-già-bà-thi-sa.[3]
II. VÔ CĂN BẮNG *
Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, Thế tôn dùng nhơn duyên này[4] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, [5]vu khống bằng pháp ba-la-di không căn cứ, muốn hủy hoại đời sống thanh tịnh của vị kia. Về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là không căn cứ, Tỳ-kheo-ni này nói rằng: ‹Tôi vì thù hận nên nói như vậy.› Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
III. GIẢ CĂN BÁNG *
Một thời, đức Thế tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, đức Thế tôn dùng nhơn duyên này[6] tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, vì giận hờn, không hoan hỷ, dựa vào tiểu tiết trong phần sự khác, đối với tỳ-kheo-ni không phải là ba-la-di, mà vu khống bằng pháp ba-la-di không có căn cứ, muốn hủy hoại đời sống thanh tịnh của vị ấy, về sau, dù bị cật vấn hay không bị cật vấn, sự việc ấy được biết là dựa lấy tiểu tiết trong phần sự khác, tỳ-kheo-ni này tự nói rằng: ‹Tôi vì thù hận nên nói như vậy.› Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
IV. TỐ TỤNG[7]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni sống ở nơi a-lan-nhã. Nơi đó, có một cư sĩ cất tinh xá, cúng dường cho Tăng tỳ-kheo-ni ở.
Sau đó một thời gian, có việc xấu xảy ra cho tỳ-kheo-ni nơi trú xứ a-lan-nhã. Các tỳ-kheo-ni bỏ tịnh xá này đi. Khi cư sĩ qua đời, người con của cư sĩ đến cày đất nơi tịnh xá. Các tỳ-kheo-ni thấy, nói:
«Đất này của chúng Tăng, đừng cày.»
Con của cư sĩ trả lời:
«Đúng vậy! Khi cha tôi còn sinh tiền, làm tịnh xá này cúng cho Tăng tỳ-kheo-ni. Tăng Tỳ-kheo-ni bỏ đi. Cha tôi qua đời. Nay tôi cày để trồng trọt, chứ để bỏ đất không hay sao?»
Con của cư sĩ nói như vậy rồi cứ tiếp tục cày. Tỳ-kheo-ni đến quan đoán sự thưa kiện.
Bấy giờ, các quan đoán sự liền kêu con của cư sĩ đến. Y theo pháp luật quyết đoán, tịch thâu tài sản của con cư sĩ nhập vào nhà quan.
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Tỳ-kheo-ni sao lại đến nhà quan thưa kiện con của cư sĩ, khiến cho nhà quan tịch thâu tài sản của họ?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo, các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tỳ-kheo-ni sao lại đến cửa quan kiện thưa?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, thưa kiện người, hoặc cư sĩ, con cư sĩ, hoặc kẻ tôi tớ, người làm thuê, hoặc ngày, hoặc đêm, hay trong một niệm, trong khảy móng tay, hay trong chốc lát. Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
Thế tôn, vì tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Bấy giờ, có người vợ nhỏ của vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la, làm một tinh xá cúng cho tỳ-kheo-ni. Tỳ-kheo-ni kia nhận rồi ở một thời gian, sau đó bỏ đi du hành trong nhân gian. Vợ nhỏ của vua, nghe tỳ-kheo-ni bỏ tịnh xá, du hành trong nhơn gian, vội đem tịnh xá này chuyển cúng cho nữ Phạm chí. Tỳ-kheo-ni kia nghe nghĩ rằng: «Ta vừa đi vắng, vội đem tịnh xá của ta cúng cho người khác.» Tỳ-kheo-ni liền trở về lại tịnh xá, nói với nữ Phạm chí:
«Cô dọn đi! Tại sao ở tịnh xá của tôi?»
Nữ Phạm chí kia nói:
«Tinh xá này vốn là của cô thật! Thí chủ đã xây cất cho cô, nhưng cô bỏ đi du hành trong nhơn gian, thí chủ đó đã đem cúng cho tôi rồi. Bây giờ tôi không thể bỏ đi.»
Tỳ-kheo-ni kia giận, xô kéo, bảo nữ Phạm chí ra.
[719a1]Bấy giờ, nữ Phạm chí đến quan đoán sự thưa. Các quan đoán sự kêu tỳ-kheo-ni đến. Tỳ-kheo-ni nghi, không dám đến, tự nghĩ: «Thế tôn chế giới, không được đến cửa quan kiện tụng.»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch với đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, nếu có quan kêu thì phải đến.»
Tỳ-kheo-ni liền đến chỗ quan đoán sự. Các quan đoán sự hỏi:
«A-di! Sự việc ấy thế nào? Cứ nói rõ ràng.»
Tỳ-kheo-ni kia trả lời:
«Tất cả đất đai đều thuộc về nhà vua. Gia sự thuộc về cư sĩ. Phòng xá thuộc thí chủ. Giường ghế, ngọa cụ cũng vậy. Sửa sang phòng xá làm chỗ cơ ngơi cho chúng Tăng được nhiều phước. Tại sao vậy? Do thí chủ cúng, tôi được cư trú.»
Các quan đoán sự vặn nói:
«Như A-di nói, ‹Tất cả đất đai đều thuộc về nhà vua. Gia sự thuộc về cư sĩ. Phòng xá thuộc thí chủ. Giường ghế, ngọa cụ cũng vậy. Sửa sang phòng xá làm chỗ cơ ngơi cho chúng Tăng được nhiều phước. Tại sao vậy? Do thí chủ cúng, tôi được cư trú.› Nay tịnh xá này nên giao cho nữ Phạm chí ở.»
Các Tỳ-kheo đến bạch với đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni này không khéo nói. Quan đoán sự cũng không khéo giải quyết. Tại sao vậy? Lần thí trước là như pháp, lần thí sau là phi pháp. Vua Ba-tư-nặc nghe Tỳ-kheo-ni nói như vậy, các quan đoán sự giải quyết như vậy, đức Thế tôn giảng như vậy. Nhà vua phạt, tịch thu tất cả tài sản nhập của quan đoán sự vào nhà công khố.
Các tỳ-kheo nghe, đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo: Từ nay về sau, nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, đến quan thưa kiện cư sĩ, con cư sĩ, kẻ tôi tớ, người làm thuê,[8] hoặc ngày hoặc đêm, hay trong khoảnh khắc, trong cái búng ngón tay, hay trong chốc lát.[9] Tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Kiện tụng nhau:[10] Đến cửa quan cùng nhau tranh cãi ngay, gian.
Cư sĩ: là người không xuất gia.
Con: là do cư sĩ sanh ra.
Tôi tớ: hoặc thuê mướn hay do trong nhà sanh ra.
Người làm thuê: trả tiền bảo họ làm.
Nữ Phạm chí: Kẻ nữ xuất gia ngoài pháp này.
Nếu tỳ-kheo-ni kiện thưa người khác, hoặc cư sĩ, hoặc con cư sĩ, hoặc tôi tớ, hoặc người làm thuê, hoặc ngày đêm, hoặc trong khoảnh khắc, hay trong cái búng ngón tay, hoặc trong chốc lát. Như nữ Phạm chí đến cửa quan trình bày sự việc này. Quan đoán sự hạ thủ phê án, ni phạm tăng-già-bà-thi-sa. Chỉ nói miệng mà không ghi thành danh tự, ni phạm thâu-lan-giá.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc bị kêu; hoặc có việc cần đến tâu; hoặc bị cường lực bắt đi, hoặc bị cột dẫn đến, hoặc mạng nạn, phạm hạnh nạn; tuy miệng nói mà không báo cáo với quan thì không phạm.
Người không phạm: người phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
V. ĐỘ NỮ TẶC[11]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trên lầu các bên sông Di hầu tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, những người phụ nữ dòng Ly-xa ra ngoài dạo chơi. Trong đám đông đó có nữ tặc trà trộn cùng đi; đợi lúc vui đùa, trộm lấy của cải rồi tẩu thoát.
Bấy giờ, các phụ nữ sai người đến báo cáo với Ly-xa, «ở đây có bọn tặc nữ lấy của cải của chúng tôi đào thóat, yêu cầu vì chúng tôi tầm nã.» Các Ly-xa sai người tầm nã, nếu bắt được thì giết liền.
Bấy giờ, tặc nữ nghe tin sai người tìm được thì giết liền, nên liền bỏ Tỳ-xá-ly trốn thoát đến thành Vương-xá, vào trong Tăng-già-lam nơi ni chúng ở, thưa với các ni rằng:
«Con có lòng tin, muốn xuất gia.»
Chư ni nghe vậy, liền độ cho xuất gia, thọ giới cụ túc.
Bấy giờ, các Ly-xa nghe tặc nữ trốn thoát đến thành Vương-xá, liền đến báo cáo với Bình-Sa vương nước Ma-kiệt:
«Có tặc nữ lấy của cải của phụ nữ tôi trốn thoát đến đây, yêu cầu vua vì tôi tầm nã cho.»
Bấy giờ, Bình-sa vương liền ra lệnh cho tả hữu truy nã bao vây tìm kiếm. Các quan tả hữu tâu với nhà vua:
«Có một tặc nữ đang ở trong Tăng-già-lam của ni, xuất gia học đạo.»
Khi Bình-sa vương nghe, có một tặc nữ đến đây, và tỳ-kheo-ni đã độ cho xuất gia học đạo, liền sai người tin cho Ly-xa rằng:
«Tôi nghe có một nữ tặc đang ở trong Tăng-già-lam của ni, nhưng đã xuất gia học đạo. Tôi không thể nói được.»
Bấy giờ, các Ly-xa cùng nhau cơ hiềm: «Các tỳ-kheo-ni không biết hổ thẹn. Họ đều là tặc nữ. Bên ngoài tự xưng, tôi biết chánh pháp. Tại sao tặc nữ, có tội đáng chết, mọi người đều biết, mà họ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Như vậy có gì là Chánh pháp?»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni kia: «Tại sao cô độ tặc nữ xuất gia hành đạo?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni kia:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao biết là tặc nữ mà độ cho xuất gia thọ giới cụ túc?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo ni nào, nữ gian tặc phạm tội đáng chết, mọi người đều biết, mà độ cho xuất gia, thọ giới cụ túc; tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
Thế tôn vì các tỳ-kheo-ni kiết giới như vậy. Có người làm giặc trong thành rồi ra ngoài thôn. Ngoài thôn làm giặc rồi vào trong thành. Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni không biết họ là giặc hay không phải giặc, tội đáng chết hay không đáng chết, người biết hay không biết. Sau mới biết họ là giặc phạm tội đáng chết, có người biết, nên nói là phạm tăng-già-bà-thi-sa, hoặc nghi. Đức Phật dạy:
«Không biết thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, đã biết là gái gian tặc, tội đáng chết nhiều người biết,[12] mà không hỏi đại thần của vua, không hỏi dòng họ,[13] lại độ cho xuất gia thọ giới cụ túc. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Giặc (cướp):[14] trộm năm tiền hoặc trên năm tiền.
Đáng chết: tức bị xử vào tội chết.
Nhiều người biết:[15] Vua biết, đại thần biết, nhân dân biết.
Vua: không nương vào người để có ăn.
Đại thần: Nhận địa vị quan trọng của nhà vua, giúp quản lý việc nước.
Dòng họ:[16] Xá-di, Câu-ly-di-ninh, Bạt-kỳ, Mãn-la, Tô-ma.
Tỳ-kheo-ni kia biết tặc nữ, tội đáng chết, nhiều người biết, không hỏi[17] đại thần của vua, họ hàng liền độ cho học đạo, ba phen yết-ma xong, Hòa-thượng ni phạm tăng-già-bà-thi-sa; hai phen yết-ma xong, phạm ba thâu-lan-giá; yết-ma lần đầu xong, phạm hai thâu-lan-giá; bạch xong, phạm một thâu-lan-giá; nếu bạch chưa xong, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, nếu có cạo tóc, hoặc cho xuất gia, cho thọ giới, tập hợp chúng Tăng, tất cả đều phạm đột-kiết-la, đủ chúng cũng phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, phạm đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, [720a1] sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Nếu không biết; hoặc có tâu với vua, đại thần, họ hàng. Hoặc tội đáng chết, vua cho xuất gia. Hoặc có tội, cho xuất gia. Hoặc trong trường hợp giam cầm rồi phóng thích cho đi xuất gia. Hoặc cầu cứu khiến được thoát khỏi. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
VI. TỰ Ý GIẢI TỘI[18]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Uỷ-thứ[19] bị Tăng cử tội, như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà cô ấy không thuận theo, có tội mà không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho cọng trú, mà tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà không bạch với ni Tăng, ni Tăng không sai khiến, vội tự ý ra ngoài giới tác pháp yết-ma giải tội cho Uỷ-thứ.
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, quở trách tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rằng: «Tại sao, ni Tăng như pháp, như luật, như lời Phật dạy, cử tội tỳ-kheo-ni Uỷ-thứ, mà cô không thuận theo, có tội không sám hối, Tăng chưa tác pháp cọng trú, ni Tăng không sai khiến, mà cô vội tự ý ra ngoài cương giới, giải tội cho cô ấy?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo, quở trách Thâu-la-nan-đà:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Thâu-la-nan-đà, tại sao, ni Tăng như pháp, như luật, như lời Phật dạy cử tội tỳ-kheo-ni Uỷ-thứ, cô ấy không thuận theo, có tội không sám hối, Tăng chưa tác pháp cho phép cọng trú; ni Tăng không sai khiến, mà cô vội tự ý ra ngoài cương giới tác pháp yết-ma giải tội cho cô ấy?»
Đức Thế tôn bảo các tỳ-kheo:
«Thâu-la-nan-đà là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, biết tỳ-kheo-ni kia bị Tăng cử tội,[20] như pháp, như luật, như lời Phật dạy, mà không thuận theo, chưa sám hối, Tăng chưa cho tác pháp yết ma ở chung; vì thương nhau,[21] không hỏi Tăng, Tăng không sai bảo, ra ngoài giới tác yết ma giải tội. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tăng: nghĩa cũng như trên.
Cử tội: Tăng bạch tứ yết-ma để cử.
Pháp: như pháp, như luật, như lời Phật dạy.
Không thuận tùng: không tuân hành theo pháp trị tội do Phật chế.
Không sám hối: có tội mà không hướng đến người nói lên sự ăn năn.
Chưa tác pháp cho phép cọng trú: bị Tăng cử tội, chưa được giải tội.
Vì thương nhau nên không hỏi Tăng, Tăng không sai khiến, ra ngoài giới tác yết-ma giải tội, ba phen yết-ma xong, tăng-già-bà-thi-sa; bạch nhị yết-ma xong, ba thâu-lan-giá; bạch nhất yết-ma xong, hai thâu-lan-giá; bạch xong, một thâu-lan-giá; bạch chưa xong, đột-kiết-la; trước khi chưa bạch, tập chúng, đủ chúng, tất cả đều đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: có bạch với chúng Tăng, hoặc được Tăng sai khiến; hoặc phạm nhơn hạ ý sám bổn tội. Hoặc Tăng vì giận hờn nên không giải tội cho người kia, thì giải mà không phạm. Hoặc trước đó Tăng tác pháp yết-ma rồi, Tăng này di chuyển, hoặc chết, đi xa, thôi tu, hay bị giặc bắt dẫn đi, hoặc bị nước cuốn trôi; bấy giờ giải tội cho, không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
VII. ĐỘC HÀNH[22]
A. DUYÊN KHỞI
1. Một thời, đức Thế tôn ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni một mình vén cao y lội qua sông, từ bờ bên này đến bờ bên kia. Tỳ-kheo-ni này lại có nhan sắc xinh đẹp.
Bấy giờ, có một kẻ giặc để ý, chờ cô ni kia lội qua sông xong, liền ôm lấy và quấy rối. Các cư sĩ thấy, cùng nhau cơ hiềm rằng: «Tỳ-kheo-ni này không biết tàm quý, hành pháp bất tịnh. Bên ngoài tự xưng, tôi biết chánh pháp. Một mình vén y cao, lội qua sông như dâm nữ không khác. Như vậy có gì là chánh pháp?»
2. Bấy giờ, tỳ-kheo-ni Sai-ma có nhiều đệ tử. Cách Tăng-già-lam không xa, có một thôn xóm quen biết. Vì việc cần, nên bỏ chúng, một mình vào thôn. Các cư sĩ thấy, bảo nhau: «Tỳ-kheo-ni Sai-ma này một mình đi vào thôn là muốn kiếm đàn ông.»
3. Tỳ-kheo-ni kia một mình nghỉ đêm lại nơi thôn, không trở về. Các cư sĩ lại nói: «Sở dĩ cô ni ngủ lại thôn một mình, chính là cần đàn ông.»
4. Bấy giờ, có nhóm sáu tỳ-kheo-ni và Thâu-la-nan-đà cùng số đông tỳ-kheo-ni trên con đường giữa Câu-tát-la và Khoáng dã. Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà thường một mình đi sau chót. Các tỳ-kheo-ni thấy nói:
«Này các cô! Tại sao các cô không cùng với chúng tôi đi, mà cứ đi sau. Nhóm sáu ni trả lời:
«Các cô cứ đi theo đường của các cô. Chuyện gì các cô can dự đến việc của chúng tôi?»
Ni chúng liền nói:
«Các cô không nghe đức Phật kiết giới, nên cùng bạn đồng đi hay chăng?»
Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và Thâu-la-nan-đà trả lời:
«Các cô không biết tôi chăng?»
Chư ni nói:
«Không biết.»
Thâu-la-nan-đà nói:
«Sở dĩ, chúng tôi đi sau là muốn gặp đàn ông.»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách những tỳ-kheo-ni kia rằng: «Sao tỳ-kheo-ni lại vén cao y một mình lội qua sông? Vào trong thôn một mình? Ngủ lại đêm một mình? Cùng với bạn đi mà lại một mình đi sau?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo dùng vô số phương tiện quở trách những tỳ-kheo-ni kia rằng:
«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao tỳ-kheo-ni lại một mình vén cao y lội qua sông? Một mình đi vào thôn xóm? Một mình ngủ lại đêm? Cùng với bạn đi sau một mình?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách những tỳ-kheo-ni kia rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Các tỳ-kheo-ni này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, lội qua nước một mình, vào xóm một mình, ngủ đêm một mình, đi sau một mình.[23] Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Nước: nước sông, một mình không nên lội qua.
1. Tỳ-kheo-ni kia nên tìm tỳ-kheo-ni cùng lội. Tỳ-kheo-ni nên từ từ vén y khi vào nước, đợi bạn. Tỳ-kheo-ni đi trước vội vàng vào trong nước, khiến cho bạn không đi kịp, tăng-già-bà-thi-sa. Khi xuống nước, tùy theo mức nước sâu cạn mà vén y lên, đợi bạn đi sau. Nếu vội vàng xuống nước, không đợi bạn đi sau, phạm thâu-lan-giá. Đến bờ bên kia, từ từ xổ y xuống, đợi bạn đi sau; nếu vội vàng đi, không từ từ xổ y xuống; lên bờ không đợi bạn đi sau, phạm thâu-lan-giá.
2. Tỳ-kheo-ni kia nên tìm một tỳ-kheo-ni cùng đi vào xóm. Nếu tỳ-kheo-ni một mình đi vào xóm, tùy theo chỗ đến, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nếu đi qua vùng đồng trống một mình, quá một khoảng cách, đánh một tiếng trống không nghe, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Một mình, đi chưa đến nơi xóm, phạm thâu-lan-giá. Dưới tầm không nghe một tiếng trống, phạm thâu-lan-giá. Một mình đi vào trong xóm, cùng một cương giới, phạm đột-kiết-la. Tìm phương tiện muốn đi mà không đi; hoặc kết bạn muốn đi mà không đi; tất cả đều phạm đột-kiết-la.
3. Tỳ-kheo-ni kia cùng ngủ, nên nằm trong tầm tay duỗi ra đụng nhau. Tỳ-kheo-ni kia ngủ một mình, khi hông chạm đất phạm tăng-già-bà-thi-sa. Mỗi lần nghiêng mình qua lại, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tỳ-kheo-ni cùng ở trong xóm khi nằm ngủ, phải nằm trong tầm duỗi cánh tay đụng nhau. Nếu duỗi cánh tay không đụng nhau, mỗi lần nghiêng mình là phạm một tăng-già-bà-thi-sa.
4. Tỳ-kheo-ni kia cùng đi trên một đường, không được cách xa (đồng bạn) nơi thấy nghe. Nếu tỳ-kheo-ni cùng đi trên một đường mà ở ngoài tầm nghe và thấy (của đồng bạn), phạm tăng-già-bà-thi-sa. Ngoài chỗ thấy mà không ngoài tầm nghe, phạm thâu-lan-giá. Cách chỗ nghe, không cách chỗ thấy, phạm thâu-lan-giá.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm:
1. Hai tỳ-kheo-ni cùng lội qua nước, khi xuống nước, tùy theo mức nước sâu cạn mà từ từ vén y, đợi bạn đi sau; khi vào nước không đi nhanh, đợi bạn, khi lên bờ từ từ xổ y, đợi bạn; hoặc vượt qua bằng thần túc, bằng xe cộ, hay bằng thuyền, bằng cầu. Hoặc tỳ-kheo-ni đồng hành qua đời, hay thôi tu, đi sau, hoặc bị giặc dẫn đi, mạng nạn, phạm hạnh nạn, nạn ác thú. Hoặc bị cường lực bắt, bị trói dẫn đi. Hoặc bị nước cuốn trôi. Thảy đều không phạm.
2. Nếu, hai tỳ-kheo-ni vào xóm, mà khi đang ở trong xóm có một tỳ-kheo-ni đồng bạn qua đời, hoặc thôi tu, hoặc đi xa, hoặc bị giặc dẫn đi, cho đến bị nước cuốn trôi, như trên, thì không phạm.
3. Nếu cùng hai tỳ-kheo-ni ngủ lại đêm, duỗi cánh tay ra phải đụng nhau; hoặc một tỳ-kheo-ni đi ra ngoài đại tiểu tiện, hoặc thọ kinh, tụng kinh; hoặc ưa ở chỗ vắng một mình khi đi kinh hành; hoặc vì tỳ-kheo-ni bị bệnh, nấu canh, cháo, cơm; hoặc qua đời, thôi tu, đi xa, hoặc bị giặc dẫn đi, cho đến bị nước cuốn trôi cũng như trên, thì không phạm.
4. Hai tỳ-kheo-ni cùng đi không cách nhau chỗ thấy chỗ nghe thì không phạm; hoặc một tỳ-kheo-ni đi ra ngoài đại tiểu tiện, hoặc mạng chung, thôi tu, hoặc bị giặc bắt dẫn đi, cho đến bị nước cuốn trôi, như trên, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.[24]
VIII. NHẬN CỦA NAM NHIỄM TÂM[25]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, giá lúa gạo nhảy vọt lên, trở thành kham hiếm, khất thực khó được. Có tỳ-kheo-ni vào thành khất thực, mang bát về không. Cùng lúc ấy, tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà đến giờ, đắp y bưng bát, vào thành khất thực, tuần tự đến nhà một người buôn, đứng im lặng. Tỳ-kheo-ni Đề-xá là người có nhan sắc xinh đẹp, nên người buôn thấy, liền để ý cô, và đến trước mặt hỏi:
«A-di cần gì?»
Đề-xá trả lời:
«Tôi muốn khất thực.»
Nhà buôn bảo:
«Cô đưa bát đây.»
Đề-xá trao bát. Nhà buôn lấy cơm canh đựng đầy bát, rồi trao lại cho tỳ-kheo-ni Đề-xá.
Sau đó, thường xuyên Đề-xá cũng mặc y bưng bát đến đó, im lặng đứng. Nhà buôn cũng lại hỏi:
«A-di cần thứ gì?»
«Tôi cần khất thực.»
Nhà buôn cũng lại lấy bát đựng đầy cơm canh rồi trao lại cho Đề-xá.
Các tỳ-kheo-ni thấy vậy hỏi:
«Hiện nay ngũ cốc khan hiếm, khất thực khó được. Hầu hết chúng tôi mang bát vào thành khất thực, trở về bát không. Hằng ngày cô đi khất thực, khi trở về đều được đầy bát. Lý do nào cô được như vậy?»
Đề-xá trả lời:
«Các cô khất, cũng có thể được vậy.»
Lại một ngày khác, Tỳ-kheo-ni Đề-xá cũng mặc y bưng bát đến nhà người buôn đó. Người kia từ xa trông thấy Tỳ-kheo-ni đến, liền tự tính nhẩm: Từ trước đến nay ta đã cho cô ni này ăn, tính theo giá có thể đủ 500 tiền vàng, bằng với giá mua một người nữ. Vừa nghĩ như vậy xong, ông ta liền đến trước ôm cô tỳ-kheo-ni, muốn hành dâm. Tỳ-kheo-ni kia liền kêu la:
«Đừng làm vậy, đừng làm vậy!»
Người lân cận liền hỏi:
«Vừa rồi, sao cô la lớn thế?»
Đề-xá trả lời:
«Người này bắt tôi.»
Người kia hỏi:
«Sao ông bắt tỳ-kheo-ni?»
Đáp:
«Tôi trước sau cho tỳ-kheo-ni này ăn, tính ra giá trị bằng 500 tiền vàng. Đủ để mua một cô gái. Nếu tỳ-kheo-ni này không ham thích tôi, sao lại nhận đồ ăn của tôi.»
Người kia hỏi:
«Có thật vậy không cô?»
Cô trả lời:
«Có thật vậy.»
Người kia hỏi:
«Cô biết ý người ta cho cô ăn không?»
Đáp:
«Biết.»
Người kia nói:
«Cô đã biết rồi. Sao còn kêu la?»
Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe biết. Trong đó có người thiểu dục, tri túc, biết tàm quý, hiềm trách tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà: «Tại sao tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô nhận thức ăn của người cho có tâm nhiễm ô?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn vì nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao đem tâm nhiễm ô thọ nhận thức ăn của người có tâm nhiễm ô?» Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:
«Tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà này là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là người đầu tiên phạm giới này. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, có tâm nhiễm ô,[26] đến người nam cũng có tâm nhiễm ô nhận, thứ có thể ăn, thức ăn và các vật khác. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
Thế tôn vì các tỳ-kheo kiết giới như vậy. Các tỳ-kheo-ni không biết người ấy có tâm nhiễm ô hay không, sau mới biết họ có tâm nhiễm ô, nên nói mình phạm Tăng-già-bà-thi-sa, hoặc nghi. Đức Phật dạy:
«Không biết thì không phạm.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, với tâm nhiẽm ô, biết người nam có tâm nhiễm ô[27] mà đến người ấy nhận, thứ có thể ăn, thức ăn và các vật khác. Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tâm nhiễm ô: tâm nhiễm trước dục.
Người nam có tâm nhiễm ô: nam tử có tâm nhiễm đắm trước dục.
Thứ có thể ăn: Thức ăn bằng gốc (củ), thức ăn bằng cọng, thức ăn bằng lá, thức ăn bằng bông, thức ăn bằng trái, thức ăn bằng dầu, thức ăn bằng hồ ma, thức ăn bằng hắc thạch mật, thức ăn bằng tế mạt.[28]
Thức ăn: cơm, bánh bột, cơm khô, cá và thịt.[29]
Các vật khác: vàng, bạc, trân, bảo, ma ni, chơn châu, tỳ lưu ly, kha bối, bích ngọc, san hô, hoặc tiền sanh tượng kim.
Tỳ-kheo-ni với tâm nhiễm ô, biết người nam có tâm nhiễm ô, [722a1] đến người đó nhận vật có thể ăn và thức ăn, cùng các vật dụng khác. Người (nam) kia đưa; (tỳ-kheo-ni) này nhận, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Người (nam) này đưa; (tỳ-kheo-ni) không nhận, thâu-lan-giá. Phương tiện muốn cho mà không cho, hoặc cùng hẹn, hoặc (tỳ-kheo-ni) ăn năn rồi trả lại; tất cả đều thâu-lan-giá.
Con trai của chư Thiên, con trai của A-tu-la, con trai Càn-thát-bà, con trai Dạ-xoa, con trai ngạ quỉ, súc sanh đực có thể biến hình; (tỳ-kheo-ni) đến nơi chúng mà nhận vật có thể ăn và thức ăn, cùng các vật khác; kẻ kia đưa, (tỳ-kheo-ni) này nhận, thâu-lan-giá. Với loài không thể biến hình, (tỳ-kheo-ni) phạm đột-kiết-la.
Đến nơi người nữ có tâm nhiễm nhận vật có thể ăn và thức ăn, cùng các vật khác, đột-kiết-la.
Tâm nhiễm ô tưởng là tâm nhiễm ô, tăng-già-bà-thi-sa. Tâm nhiễm ô, thâu-lan-giá. Tâm không nhiễm ô, tưởng là tâm nhiểm ô, thâu-lan-giá. Tâm không nhiễm ô, nghi, thâu-lan-giá.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Trước không biết, hoặc mình không có tâm nhiễm ô, người kia cũng không có tâm nhiễm ô, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
IX. TÁN TRỢ NI KHẤT THỰC BẤT CHÍNH[30]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, giá lúa gạo nhảy vọt, khất cầu khó được, các tỳ-kheo-ni vào thành khất thực, mang bát không về. Tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà vào thành khất thực cũng mang bát không về.
Các tỳ-kheo-ni hỏi tỳ-kheo-ni Đề-xá Nan-đà rằng:
«Thường khi cô khất thực mang về đầy bát, tại sao nay mang bát không về, khất thực khó được chăng?»
Đề-xá trả lời:
«Thật vậy.»
Chư ni hỏi:
«Tại sao vậy?»
Đề-xá nói:
«Này, các cô! Trước đây tôi thường đến nơi nhà người thương gia xin, nên dễ dàng được. Nay tôi không đến đó, nên xin khó được.»
Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, Thâu-la-nan-đà và mẹ của tỳ-kheo-ni Đề-xá nói với tỳ-kheo-ni Đề-xá rằng:
«Dầu cho người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận, có sao đâu?»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni, Thâu-la-nan-đà và mẹ của ni Đề-xá rằng: «Sao các cô nói với ni Đề-xá, ‹Dầu cho người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận, có sao đâu?›»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn.
Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách lục quần, Thâu-la-nan-đà và mẹ của tỳ-kheo-ni Đề-xá.
«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Sao các cô nói với ni Đề-xá, ‹Dầu cho người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận, có sao đâu?›»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách lục quần, Thâu-la-nan-đà và mẹ của ni Đề-xá rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Những tỳ-kheo-ni này, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, dạy tỳ-kheo-ni nói như vầy: ‹Đại tỷ, người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận.› Tỳ-kheo-ni phạm pháp này lần đầu, tăng-già-bà-thi-sa, phải bị xả trí.[31]
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tỳ-kheo-ni kia nói với tỳ-kheo-ni: «Đại tỷ, người kia có tâm nhiễm ô hay không có tâm nhiễm ô, can hệ gì đến cô? Miễn cô, tự mình không có tâm nhiễm ô, thì khi nhận được thức ăn, cứ thanh tịnh mà nhận.» Nói rõ ràng, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Nói không rõ ràng, phạm thâu-lan-giá.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: hoặc nói vui chơi, nói gấp vội, nói một mình, nói trong mộng, hay muốn nói việc này nhầm nói việc khác thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
X. PHÁ HOÀ HIỆP TĂNG *
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này[32] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, ta vì Tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, muốn phá hoại hòa hợp tăng, tiến hành phá hoại hòa hợp tăng, chấp chặt pháp phá hòa hợp tăng, kiên trì không bỏ. Các tỳ-kheo-ni kia nên can gián tỳ-kheo này rằng: ‹Đại tỷ chớ phá hòa hợp Tăng, chớ tiến hành phá hoại hòa hiệp tăng, chớ chấp chặt phá hoại hòa hợp Tăng kiên trì không bỏ. Đại tỷ, nên cùng Tăng hòa hợp, vì cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ không tranh chấp, đồng một thầy học, hòa hợp như nước với sữa thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc.› Tỳ-kheo-ni ấy khi được can gián như vậy ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt, nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.[33]
XI.TÙY THUẬN PHÁ TĂNG *
Một thời, đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành La-duyệt. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này[34] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, có bè đảng từ một, hoặc hai, hoặc ba, cho đến vô số. Các tỳ-kheo-ni bè đảng ấy nói với các tỳ-kheo-ni rằng: ‹Đại tỷ, chớ can gián tỳ-kheo-ni ấy. Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như pháp. Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như luật. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói, chúng tôi ưa thích. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói chúng tôi chấp nhận.› Chúng tỳ-kheo-ni nên nói với tỳ-kheo-ni bè đảng ấy rằng: ‹Đại tỷ chớ nói như vầy: ‹Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như pháp. Tỳ-kheo-ni ấy là tỳ-kheo-ni nói như luật. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói chúng tôi ưa thích. Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói là chúng tôi chấp nhận.› Tại sao vậy? Những điều tỳ-kheo-ni ấy nói là phi pháp, là phi luật. Đại tỷ, chớ phá hoại hòa hợp Tăng. Các cô nên hoan hỷ hòa hợp Tăng. Đại tỷ cùng Tăng hòa hợp, hoan hỷ, không tranh chấp, đồng học một thầy, hòa hợp như nước với sữa, ở trong Phật pháp mới có tăng ích an lạc.› Các tỳ-kheo-ni bè đảng được can gián như vậy mà kiên trì không bỏ. Chúng tỳ-kheo-ni kia nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
XII. Ô THA GIA *
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, đức Thế tôn vì nhơn duyên này[35] tập hợp Tăng tỳ-kheo bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, nương tựa nơi làng xóm hoặc nơi thành ấp mà làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe; [723a1] hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe. Tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, cô làm hoen ô nhà người, có hành vi xấu, sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe; hành vi xấu mọi người đều thấy đều nghe. Đại tỷ, cô làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu, nay nên xa lìa xóm làng này, không nên ở nơi đây nữa.›
Tỳ-kheo-ni ấy nói với tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, các tỳ-kheo-ni có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy mà có người bị đuổi có người không bị đuổi.›
Các Tỳ-kheo-ni nên trả lời tỳ-kheo-ni ấy rằng: ‹Đại tỷ, cô chớ nói: ‹Các tỳ-kheo-ni có thiên vi, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh. Vì có tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy mà có người bị đuổi có người không bị đuổi. Tại sao vậy? Các tỳ-kheo-ni không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Tỳ-kheo-ni đồng tội như vậy, không có người bị đuổi, không có người không bị đuổi, mà vì đại tỷ, là người làm hoen ố nhà người, có hành vi xấu. Sự làm hoen ố nhà người mọi người đều thấy đều nghe.› Khi các tỳ-kheo-ni này can gián mà tỳ-kheo-ni kia kiên trì không bỏ, các tỳ-kheo-ni này nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
XIII. ÁC TÁNH BẤT THỌ GIÁN NGỮ *
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại Câu-thiểm-di. Bấy giờ, đức Thế tôn dùng nhơn duyên này[36] tập hợp Tăng tỳ-kheo, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, ta vì tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, có tánh ngoan cố không nghe lời người khuyên, đã được các tỳ-kheo-ni khuyên can như pháp về những điều trong học giới, tự thân không nhận lời can gián, lại nói: ‹Các đại tỷ, chớ nói với tôi điều gì hoặc tốt, hoặc xấu, tôi cũng không nói với các đại tỷ điều gì hoặc tốt hoặc xấu. Các đại tỷ hãy thôi, chớ can gián tôi.› Các tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, cô chớ tự thân không nhận lời can gián. Đại tỷ, hãy tự thân nhận lời can gián. Đại tỷ như pháp can gián các tỳ-kheo-ni. Các tỳ-kheo-ni cũng sẽ như pháp can gián đại tỷ. Như vậy, chúng đệ tử Phật được tăng ích lần lượt can gián lẫn nhau, lần lượt chỉ bảo cho nhau, lần lượt phát lồ với nhau.› Khi tỳ-kheo-ni này được can gián như vậy, kiên trì không bỏ, các tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
XIV. TƯƠNG THÂN TƯƠNG TRỢ ÁC HÀNH[37]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có hai Tỳ-kheo-ni, một tên là Tô-ma, một tên là Bà-phả-di, cùng sống gần gũi với nhau, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn khắp, hỗ tương cùng che dấu tội lỗi cho nhau. Các Tỳ-kheo-ni nói rằng:
«Đại tỷ, hai vị chớ nên gần gũi nhau, cùng nhau làm việc ác, tiếng xấu đồn vang, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau. Hai vị, nếu không gần gũi ăn ở với nhau, làm các việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che dấu tội lỗi cho nhau, thì ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc.»
Nhưng họ vẫn cố chấp, không chịu cải hối.
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết tàm quý cơ hiềm tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di: «Tại sao hai cô cùng nhau gần gũi, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau? Các tỳ-kheo-ni đã khuyên rằng, ‹Đại tỷ, hai vị chớ nên gần gũi nhau, cùng nhau làm việc ác, tiếng xấu đồn vang, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau. Hai vị, nếu không gần gũi ăn ở với nhau, làm các việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che dấu tội lỗi cho nhau, thì ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc.› Nhưng các vị vẫn cố chấp không chịu cải hối!»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Phật. Đức Phật vì nhơn duyên này tập hợp các tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di:
«Việc các cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao hai cô cùng nhau gần gũi, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt cùng che dấu tội lỗi cho nhau? Các tỳ-kheo-ni đã khuyên rằng, ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên gần gũi nhau, cùng làm điều ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không gần gũi nhau, cùng làm việc ác, tiếng xấu đồn vang, cùng nhau che dấu tội lỗi nhau thì ở trong Phật pháp có tăng ích, sống an lạc.› Nhưng cả hai vẫn cố chấp không chịu cải hối. Thế là sao?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Cho phép Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma.»
Nên can gián như vầy: Trong ni chúng, sai một vị có thể tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch như vầy:
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe. Tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di nầy sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp, hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Các tỳ-kheo-ni khác đã can gián rằng: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Nhưng họ vẫn cố chấp không chịu cải hối. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này, nói: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Đây là lời tác bạch.
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di này cùng nhau gần gũi cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt cùng nhau che dấu tội lỗi. Các tỳ-kheo-ni khác đã nói: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Nhưng họ vẫn cố chấp không chịu cải hối. Nay, Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này, nói: ‹Đại tỷ, hai cô chớ nên sống gần gũi nhau, cùng nhau làm việc xấu, tiếng xấu đồn khắp; đừng hỗ tương che dấu tội lỗi cho nhau. Nếu, hai cô không cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm xấu, tiếng xấu đồn khắp, thì ở trong Phật pháp có sự tăng ích, sống an lạc.› Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can ngăn cho bỏ việc này, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yất-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
«Tăng đã chấp thuận trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp nhận nên im lặng. Được ghi nhận như vậy.»
Tăng tác pháp can gián bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo, đến bạch lên đức Phật. Đức Phật dạy:
Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như các tỳ-kheo-ni này thì Tăng tỳ-kheo-ni cũng sẽ trao cho pháp quở trách can gián bạch tứ yết-ma như vậy.
«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, gần gũi sống chung, [724a1] cùng nhau làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, lần lượt che giấu tội lỗi cho nhau. Các tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, các cô chớ gần gũi sống chung, cùng nhau làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, cùng nhau che tội. Nếu các cô không gần gũi sống chung thì trong Phật pháp được tăng ích, sống an lạc.› Khi tỳ-kheo-ni này can gián, tỳ-kheo-ni kia, kiên trì không bỏ. Tỳ-kheo-ni này nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni kia phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Gần gũi: thường cùng nhau vui đùa, thường cùng nhau giỡn cợt, thường cùng nhau nói chuyện.
Hạnh ác: tự mình trồng bông, trồng cây, dạy người trồng. Tự mình tưới nước, dạy người tưới. Tự mình hái hoa, dạy người hái hoa. Tự mình làm tràng hoa, dạy người làm. Tự mình dùng chỉ xâu, dạy người xâu. Tự mình mang đi, dạy người mang đi. Tự mình cầm tràng hoa đi, dạy người cầm đi. Tự mình lấy chỉ xâu cầm đi, dạy người lấy chỉ xâu cầm đi. Hoặc ở trong thôn cùng người, cùng nam tử đứng ngồi chung chạ, ăn uống chung một đồ đựng, nói cười, vui đùa, tự mình ca múa hát xướng, hoặc người khác làm mình xướng họa, hoặc nói lối, hoặc đánh trống, thổi ống tiêu, làm tiếng kêu của con chim tước, hay các loài chim, hoặc nhảy, hoặc đi khập khểnh, hoặc thổi địch, hoặc tự uốn éo thân hình, hoặc thọ nhận sự ngắm nghía giỡn chơi…
Tiếng ác: tức lời nói xấu đồn khắp bốn phương, không chỗ nào không nghe.
Tội: che dấu các tội khác, trừ tám pháp ba-la-di.
Nếu tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm ác, tiếng ác đồn khắp, cùng nhau che tội lỗi. Các tỳ-kheo-ni khác nên can gián tỳ-kheo-ni này: «Các đại tỷ! Các cô chớ nên cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm ác, tiếng ác vang khắp, cùng nhau che tội cho nhau. Nếu, các cô không cùng nhau gần gũi cùng nhau làm ác, tiếng ác đồn khắp, thì ở trong Phật pháp được tăng ích, sống an lạc. Các cô nên chấm dứt việc này, đừng để cho Tăng phải quở trách can gián mà phạm tội trọng.»
Nếu họ nghe lời thì tốt, bằng không nghe lời thì nên tác bạch. Tác bạch rồi nên nói: «Này cô, tôi đã tác bạch rồi, còn các pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách can gián mà phạm trọng tội.»
Nếu nghe theo lời thì tốt, bằng không nghe theo lời thì nên tác pháp sơ yết-ma. Tác pháp sơ yết-ma rồi, nên nói lại: «Nầy cô, tôi đã tác bạch và sơ yết-ma rồi, còn hai yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách can gián, mà phạm trọng tội.»
Nếu nghe theo lời thì tốt, bằng không nghe theo thì tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi, lại nên nói: «Nầy cô, tôi đã tác bạch và yết-ma hai lần rồi, còn lại một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách can gián mà phạm trọng tội.»
Nếu họ nghe theo thời tốt, bằng không nghe theo, yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tác bạch xong, hai yết-ma, rồi bỏ thì phạm ba thâu-lan-giá.
Bạch xong, một yết-ma rồi bỏ phạm hai thâu-lan-giá. Bạch xong rồi bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Chưa bạch xong, bỏ thì phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm hạnh ác, tiếng ác đồn đãi, tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo tùy theo đó mà phạm. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: khi mới bắt đầu nói liền bỏ; hoặc tác pháp quở trách phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, phi pháp phi luật phi Phật dạy bảo mà quở trách, hoặc tất cả không quở trách can gián. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách.
XV. TÁN TRỢ ÁC HÀNH[38]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, hai tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di bị Tăng quở trách can gián rồi, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, tỳ-kheo-ni Thâu-lan-nan-đà bảo họ rằng: «Hai cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà: «Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp quở trách can gián rồi, tại sao các cô bảo họ: ‹Các cô nên cùng ở với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng ở với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.›»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn.
Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách lục quần và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà:
«Tăng đã vì tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di tác pháp quở trách can gián, tại sao các cô lại bảo họ: ‹Các cô nên cùng ở với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng ở với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.›?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà rồi bảo các tỳ-kheo:
Cho phép Tăng tỳ-kheo-ni trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách bằng bạch tứ yết-ma. Nên can gián như vầy: Trong ni chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tac bạch:
«Đại tỷ tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này, Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di pháp can gián quở trách mà họ lại bảo rằng: ‹Các cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách, cho bỏ việc này, nói: ‹Các cô đừng nói như vầy: ‘Các cô đừng sống riêng, nên sống chung.’ Cũng đừng nói: ‘Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.’› Nhưng chỉ có hai tỳ-kheo-ni này cùng nhau gần gũi, làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che tội cho nhau chứ không có cô nào nữa. Nếu, tỳ-kheo-ni không gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp thì ở trong Phật pháp mới có tăng ích, sống an lạc. Đây là lời tác bạch.
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà này, Tăng đã trao cho tỳ-kheo-ni Tô-ma và Bà-phả-di phép can gián mà họ lại bảo: ‹Các cô nên cùng sống với nhau. Tại sao vậy? Vì tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.› Nay Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà pháp quở trách cho bỏ việc này, bảo: ‹Các cô đừng nói như vầy: ‘Các cô đừng sống riêng, nên sống chung.’ Cũng đừng nói: ‘Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni khác cùng sống với nhau, gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, [725a1] tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Chúng Tăng vì thù hận nên bảo các cô sống riêng.’ Nhưng chỉ có hai tỳ-kheo-ni này cùng nhau gần gũi, làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che tội cho nhau chứ không có cô nào nữa. Nếu tỳ-kheo-ni không gần gũi nhau, cùng làm hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp thì ở trong Phật pháp có Tăng ích, sống an lạc.›
«Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng vì nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà tác pháp quở trách can gián cho bỏ việc này thì im lặng, vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần đầu.» (yết-ma lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
«Tăng đã chấp thuận quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà khiến cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Tăng đã vì nhóm sáu tỳ-kheo-ni và tỳ-kheo-ni Thâu-la-nan-đà tác pháp can gián quở trách bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn dạy:
«Nếu có tỳ-kheo-ni nào như vậy, Tăng cũng sẽ tác pháp quở trách cho bỏ việc ấy bằng bạch tứ yết-ma như vậy.
«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, khi Tăng tỳ-kheo-ni vì họ tác pháp quở trách, mà tỳ-kheo-ni khác dạy họ như vầy: ‹Các cô đừng sống riêng, nên sống chung với nhau. Tôi cũng thấy có các tỳ-kheo-ni khác không sống riêng; cùng sống với nhau, cùng làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô sống riêng.› Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, cô đừng bảo các tỳ-kheo-ni khác rằng: ‘Các cô đừng sống riêng. Tôi cũng thấy có các tỳ-kheo-ni sống với nhau làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô sống riêng.’ Nay chỉ có hai tỳ-kheo-ni này, cùng sống với nhau, cùng làm các hạnh ác, tiếng xấu đồn khắp, che dấu tội cho nhau, chớ không có cô nào nữa. Nếu các tỳ-kheo-ni này sống riêng thì ở trong Phật pháp mới tăng ích, sống an lạc.› Khi các tỳ-kheo-ni này can gián tỳ-kheo-ni kia, kiên trì không bỏ, thì các tỳ-kheo-ni nên ba lần can gián, khiến cho bỏ việc này. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt; không bỏ, tỳ-kheo-ni này phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Tăng: cũng như trên.
Khi Tỳ-kheo-ni nào bị Tăng tác pháp quở trách, các tỳ-kheo-ni khác bảo: «Các cô đừng ở riêng, nên ở chung. Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi, cùng nhau làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.» Tỳ-kheo-ni này nên can gián tỳ-kheo-ni kia: «Đại tỷ! Cô đừng bảo các tỳ-kheo-ni rằng: ‹Các cô đừng ở riêng nên ở chung. Tôi cũng thấy các tỳ-kheo-ni cùng nhau gần gũi cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.› Nay, chỉ có hai tỳ-kheo-ni này chớ không có cô nào nữa. Các cô cùng nhau gần gũi, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, che tội cho nhau. Nếu tỳ-kheo-ni này ở riêng thì có tăng ích, sống an lạc trong Phật pháp. Nay, các cô nên bỏ việc này, đừng để tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.»
Nếu nghe theo thì tốt, bằng không nên tác bạch. Tác bạch rồi nên nói: «Đại tỷ! Tôi đã tác bạch rồi. Còn có các yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này.»
Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, nên tác pháp yết-ma lần đầu. Tác pháp yết-ma lần đầu nên nói: «Tôi đã tác bạch và tác pháp yết-ma lần đầu rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, lại phạm trọng tội.»
Nếu nghe theo lời thì tốt; bằng không, thì tác pháp yết-ma lần thứ hai. Tác pháp yết-ma lần thứ hai xong, nên nói: «Này cô! Tôi đã tác bạch yết-ma lần thứ hai rồi, chỉ còn một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để cho Tăng quở trách mà phạm trọng tội.»
Nếu nghe theo lời thì tốt; bằng không, tác bạch yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tác yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ phạm hai thâu-lan-giá. Tác bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bạch chưa xong mà bỏ, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, dạy rằng: «Các cô đừng ở riêng. Tôi cũng thấy tỳ-kheo-ni khác cùng ở chung, cùng làm hạnh ác, tiếng ác đồn khắp, cùng che tội cho nhau. Tăng vì không bằng lòng các cô nên bảo các cô ở riêng.» Tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như vậy, khi Tăng trao pháp can gián. Có tỳ-kheo bảo: «Đừng bỏ!» Lúc quở trách, phạm thâu-lan-giá; lúc chưa quở trách, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni bảo: «Đừng bỏ!» Khi quở trách, phạm thâu-lan-giá; chưa quở trách, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ; hoặc tác pháp quở trách phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng, phi pháp phi luật, phi Phật dạy bảo mà quở trách; tất cả không thành quở trách. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XVI. DỌA BỎ ĐẠO[39]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo-ni, chỉ vì một việc nhỏ giận hờn không vui, liền nói như vầy: «Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ có sa-môn Thích tử mà còn có sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.»
Bấy giờ, các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni: «Tại sao các cô chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui liền nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các Sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.›?»
Các tỳ-kheo-ni bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp các Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni:
«Tại sao các cô chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui liền nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.›?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni rồi, bảo các tỳ-kheo:
Cho phép Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni pháp quở trách, cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma. Nên quở trách như vầy: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, theo sự việc trên tác bạch:
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này, chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không [726a1] vui, liền vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni pháp quở trách, bỏ việc này, nên nói: ‹Này cô! Chớ nên vì một việc nhỏ giận hờn không vui, liền nói ‘Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ có sa-môn Thích tử, mà còn có sa-môn bà-la-môn khác cũng tu phạm hạnh, chúng tôi có thể đến đó tu phạm hạnh.’› Đây là lời tác bạch.
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Nhóm sáu tỳ-kheo-ni này chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui liền vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Nay Tăng trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni này pháp quở trách, bỏ việc ấy. Nói rằng, ‹Đại tỷ, chớ nên vì một việc nhỏ, giận hờn không vui, liền vội nói: ‘Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử, mà còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.’› Các đại tỷ nào chấp thuận Tăng tác pháp quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni, cho bỏ việc này, thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như vậy).
«Tăng đã chấp thuận trao cho nhóm sáu tỳ-kheo-ni pháp quở trách, cho bỏ việc này rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»
Tăng tác pháp quở trách nhóm sáu tỳ-kheo-ni cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma như vậy rồi, bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch đức Thế tôn. Đức Thế tôn bảo các Tỳ-kheo:
«Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như vậy. Tăng cũng sẽ trao cho pháp quở trách bằng bạch tứ yết-ma như vậy.
«Từ nay về sau, Ta vì các Tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo-ni nào, chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui, bèn vội nói: ‹tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia rằng: ‹Đại tỷ, đừng chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui, bèn vội nói: ‘Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.’› Các tỳ-kheo-ni khi can gián mà tỳ-kheo-ni kia kiên trì không bỏ; các tỳ-kheo-ni nên can gián ba lần cho bỏ việc ấy. Cho đến ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Nếu tỳ-kheo-ni chỉ vì một việc nhỏ, giận hờn không vui bèn vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh, chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh.› Tỳ-kheo-ni này can gián tỳ-kheo-ni kia: «Đại tỷ! Cô đừng vì một việc nhỏ giận hờn không vui, vội nói: ‹Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn của bà-la-môn khác cũng tu phạm hạnh, chúng tôi có thể đến đó tu phạm hạnh.› Cô nên bỏ việc này đừng để Tăng quở trách mà phạm trọng tội.»
Nếu nghe lời thì tốt. Bằng không, nên tác bạch. Tác bạch rồi, nên nói: «Tôi đã bạch rồi, còn các pháp yết-ma nữa, cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.»
Nếu nghe theo thì tốt; bằng không, nên tác pháp yết-ma thứ nhất. Tác pháp yết-ma lần thứ nhất rồi, nên nói: «Tôi đã tác bạch và tác yết-ma lần thứ nhất rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.»
Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, nên tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai rồi, cũng nên nói: «Tôi đã tác bạch và tác hai pháp yết-ma rồi, còn một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, lại phạm trọng tội.»
Nếu nghe lời thì tốt; bằng không, tác yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Tác pháp yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Tác yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ, phạm hai thâu-lan-giá. Tác bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bạch chưa xong, đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, vì một việc nhỏ giận hờn, không vui, bèn vội nói: «Tôi bỏ Phật, bỏ Pháp, bỏ Tăng. Không phải chỉ riêng có sa-môn Thích tử mà thôi, còn có các sa-môn của bà-la-môn khác tu phạm hạnh. Chúng tôi cũng có thể đến đó tu phạm hạnh;» tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: khi mới nói liền bỏ. Hoặc phi pháp biệt chúng quở trách, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hợp chúng quở trách. Phi luật phi Phật dạy bảo quở trách. Hoặc tất cả không tác pháp quở trách. Thảy đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
XVII. VU TĂNG THIÊN VỊ[40]
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở trong vườn Cù-sư-la, tại Câu-thiệm-di. Bấy giờ, có tỳ-kheo-ni tên Hắc,[41] ưa gây gổ. Sau khi không khéo ghi nhớ tránh sự,[42] bèn giận hờn nói: «Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.»
Các tỳ-kheo-ni nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống hạnh đầu-đà, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách tỳ-kheo-ni Hắc: «Tại sao cô ưa gây gổ; khi không khéo ghi nhớ tránh sự, bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.›?»
Các tỳ-kheo-ni đến bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo đến bạch lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách tỳ-kheo-ni Hắc:
«Việc cô làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao cô ưa gây gổ; khi không khéo ghi nhớ tránh sự, bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.›?»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Từ nay về sau, cho phép Tăng vì tỳ-kheo-ni Hắc tác pháp quở trách cho bỏ việc này, bằng bạch tứ yết-ma. Theo sự việc trên tác bạch:
«Đại tỷ Tăng, xin lắng nghe! Tỳ-kheo-ni Hắc này, ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận nay Tăng trao cho tỳ-kheo-ni (Hắc)… pháp quở trách cho bỏ việc này. Nói rằng, ‹Đại tỷ! Cô đừng ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‘Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.’ [727a1] Chính nơi cô có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Đây là lời tác bạch:
«Đại tỷ Tăng nghe cho! Tỳ-kheo-ni Hắc này ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Nay Tăng trao cho tỳ-kheo-ni (Hắc)… pháp quở trách cho bỏ việc này. ‹Này cô! Cô đừng ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‘Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.’ Chính nơi cô có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Các đại tỷ nào chấp nhận Tăng trao cho tỳ-kheo-ni pháp quở trách cho bỏ việc này thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Đây là yết-ma lần thứ nhất.» (lần thứ hia, lần thứ ba cũng nói như vậy).
«Tăng đã đồng ý trao cho tỳ-kheo-ni Hắc pháp quở trách cho bỏ việc này rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.»
Tăng trao cho tỳ-kheo-ni Hắc pháp quở trách, bằng pháp bạch tứ yết-ma rồi, bạch với các tỳ-kheo, các tỳ-kheo dùng nhơn duyên này bạch lên đức Phật, đức Phật dạy:
«Nếu có Tỳ-kheo-ni nào như thế này, Tăng tỳ-kheo ni cũng sẽ trao cho pháp bạch tứ yết-ma quở trách như vậy.
«Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo-ni kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp cửu trụ.»
Muốn nói giới nên nói như sau:
Tỳ-kheo-ni nào, ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‹Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.› Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia: ‹Này cô! Cô đừng ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn nói: ‘Tăng có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.’ Chính nơi cô có thiên vị, có giận hờn, có sợ hãi, có bất minh.›
Khi các tỳ-kheo-ni can gián mà tỳ-kheo-ni kia kiên trì không bỏ, các tỳ-kheo-ni nên ba lần can gián, bỏ thì tốt. Nếu không bỏ, tỳ-kheo-ni ấy phạm ba pháp tăng-già-bà-thi-sa, cần xả trí.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo-ni: nghĩa như trên.
Gây gổ:[43] có bốn loại: Ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh, và sự tránh.
Tăng: đồng nhất yết-ma, đồng nhất thuyết giới.
Tỳ-kheo-ni ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ, gây gổ xong lại giận hờn nói: Tăng có ái có nhuế có bố có si. Các tỳ-kheo-ni nên can gián tỳ-kheo-ni kia: «Đại tỷ! Cô chớ nên ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó bèn giận hờn, nói ‹Tăng có thiên vị, có thù nghịch, có sợ hãi, có bất minh.› Mà sự thật, Tăng không có thiên vị, không có thù nghịch, không có sợ hãi, không có bất minh. Này cô, nên bỏ việc này, đừng để tăng phải quở trách mà phạm trọng tội.»
Cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác bạch. Tác bạch xong, nên nói: «Tôi đã tác bạch xong, còn các pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.»
Cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác pháp yết-ma lần thứ nhất. Yết-ma lần thứ nhất xong, nên nói: «Tôi đã tác yết-ma lần thứ nhất rồi, còn hai pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.»
Nếu cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, nên tác yết-ma lần thứ hai. Tác yết-ma lần thứ hai xong, cũng phải nói: «Tôi đã tác pháp yết-ma lần thứ hai rồi, còn lại một pháp yết-ma nữa. Cô nên bỏ việc này, đừng để Tăng phải quở trách, mà phạm trọng tội.»
Cô ấy nghe theo thì tốt. Bằng không, tác yết-ma lần thứ ba xong, phạm tăng-già-bà-thi-sa. Yết-ma lần thứ hai xong mà bỏ, phạm ba thâu-lan-giá. Yết-ma lần thứ nhất xong mà bỏ, phạm hai thâu-lan-giá. Bạch xong mà bỏ, phạm một thâu-lan-giá. Bạch chưa xong mà bỏ, phạm đột-kiết-la. Trước khi chưa bạch, ưa gây gổ, không khéo ghi nhớ tránh sự, sau đó lại giận hờn, nói: ‹Tăng có ái có nhuế có bố có si,› tất cả đều phạm đột-kiết-la.
Nếu tỳ-kheo-ni ưa đấu tranh, khi Tăng trao cho pháp yết-ma quở trách, tỳ-kheo bảo: ‹Đừng bỏ!› Nếu Tăng đã tác pháp quở trách, (tỳ-kheo ấy) phạm thâu-lan-giá; chưa quở trách, phạm đột-kiết-la. Nếu tỳ-kheo-ni bảo: «đừng bỏ!» Tăng quở trách rồi, (tỳ-kheo-ni ấy) phạm thâu-lan-giá; chưa quở trách phạm đột-kiết-la. Trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, dạy người khác bảo: «đừng bỏ!» Tất cả đều đột-kiết-la.
Tỳ-kheo, đột-kiết-la. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Khi mới nói liền bỏ. Hoặc quở trách phi pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, phi pháp hòa hợp chúng, pháp biệt chúng, tợ pháp biệt chúng, tợ pháp hòa hiệp chúng, phi pháp phi luật phi Phật dạy bảo. Hoặc tất cả không tác pháp quở trách thì không phạm.
Người không phạm: người phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.
[1] Tứ phần, Ngũ phần, Thập tụng: 17 điều, trong đó, 7 thông giới. Tăng kỳ: 19 điều, 6 thông giới. Căn bản: 20 điều. Pali, 17 điều, trong đó 7 thông giới. Không có giới văn của các thông giới.
[2] Thông giới, duyên khởi, xem Phần I, Chương ii Tăng-già-bà-thi-sa 5.
[3] Hán: phạm sơ pháp ưng xả tăng-già-bà-thi-sa 犯初法應捨 僧伽婆尸沙. Ngũ phần: sơ phạm tăng-già-bà-thi-sa khả hối quá 初犯僧伽婆尸沙可悔過. Tăng kỳ: thị pháp sơ tội tăng-già-bà-thi-sa 是法初罪僧伽婆尸沙. Thập tụng: thị pháp sơ phạm tăng-già-bà-thi-sa khả hối quá 是法初犯僧伽婆尸沙可悔過. Pali, Vin. i.224: ayaṃ bhikkhunī paṭhamāpattikaṃ dhammaṃ āpannā nissāranīyaṃ saṅghādisesam, «tỳ-kheo-ni này phạm pháp lần thứ nhất, tăng-già-bà-thi-sa, cần phải xả ly.» Nghĩa là, ngay khi vi phạm lần đầu, tức thành tăng-già-bà-thi-sa với hình phạt là bị cách ly với Tăng mà không kinh qua sự khuyến cáo (asamanubhāsanāya).
[4] Duyên khởi, xem Phần I, Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 8.
[5] Nên thêm văn: «đối với tỳ-kheo-ni không phạm ba-la-di mà (vu khống).» Xem giới văn trong thông giới tỳ kheo.
[6] Duyên khởi, xem Phần I, Ch.ii Tăng-già-bà-thi-sa 9.
[7] Ngũ phần, tăng-gìa-bà-thi-sa 7. Pali, biệt giới 1. Tăng kỳ: 4.
[8] Pali, thêm: antamaso samaṇapatibbājakenāpi, cho đến sa-môn du sỹ (xuất gia ngoại đạo).
[9] «Hoặc ngày, hoặc đêm..» các bộ không có các chi tiết thời gian này.
[10] Hán: tương ngôn 相言 . Ngũ phần: ngôn nhân 言人. Pali: ussaya-vādika, kiện cáo.
[11] Ngũ phần, tăng-già-bà-thi-sa 5. Tăng kỳ: 8. Pali, biệt giới 2.
[12] Pali: coriṃ vajjhaṃ viditaṃ.
[13] Pali, Vin. 226, «Chưa được phép của Vua, của Tăng (saṅgha), của chúng (gana), của hội đoàn (seṇi), trừ phi hợp pháp (kappā).»
[14] Pali: corī, nữ tặc. Phân biệt ăn trộm (adinnadāna: bất dữ thủ), lấy trộm vật dưới 5 māsaka), và trộm cướp (cora), trộm vật có giá trên 5 māsaka.
[15] Pali: viditā: aññehi manussehi ñātā hoti, esā vajjhā’ ti, tội chết đã được công bố, mọi người đều biết «Người này đáng bị giết.»
[16] Pali, chi tiết: (được hứa khả bởi) Tăng tức tỳ-kheo-ni Tăng (saṅgho nāma bhikkhunisaṅgho vuccati); bởi cộng đồng (gaṇo: chúng hay chúng hội); bởi hội đoàn (pūgo: đoàn thể), tập đoàn (seṇi); và chưa được miễn tội (aññatra kappā)
[17] Không hỏi: không xin phép. Pali: apaloketabbo, chưa được sự hứa khả (của…); bản Hán hiểu là do động từ āpucchati: hỏi xin phép.
[18] Ngũ phần, tăng-già-bà-thi-sa 6. Tăng kỳ: 8. Thập tụng: 10. Pali, biệt giới 4.
[19] Xem Ch. i ba-la-di 8 & cht. 47. Thập tụng 43 (T23n1435, tr.310b19): tỳ-kheo-ni Xiển-đề 闡提, em gái của Xa-nặc, tính ngang ngược, bị các tỳ-kheo-ni tác yết-ma bất kiến tẫn (bị xả trí vì ngoan cố không nhận tội). Mẹ là tỳ-kheo-ni Ưu-bà-hòa 憂婆和, vốn là người đoán sự của Tăng, tự ý ra ngoài giới tác pháp giải tội. Pali, Vin.iv. 231: tỳ-kheo-ni Caṇḍaklī bị các tỳ-kheo xả trí vì không nhận tội (āpattiyā adassane ukkhipi). Tỳ-kheo-ni Thullanandā tự ý tập hợp tỳ-kheo-ni giải tội cho Caṇḍakalī.
[20] Pali: saṅghena ukkhitaṃ, bị Tăng xả trí.
[21] Vị ái cố 為愛故. Các bộ không có chi tiết này.
[22] Pali, Tăng tàn biệt giới 3.
[23] Bốn độc, bốn trường hợp tỳ-kheo-ni không được phép đơn độc: độc độ, độc vãng, độc túc, độc lưu.
[24] Bản Hán, hết quyển 22.
[25] Pali, biệt giới 5.
[26] Tăng kỳ: lậu tâm 漏心. Pali: avassutā: sārattā apekkhavatī paṭibaddhacittā, tâm nhiễm dục, tức là tâm tham luyến, trông chờ, đắm nhiễm.
[27] Tăng kỳ: «tỳ-kheo-ni không có lậu tâm; từ người nam có lậu tâm.» Pali: bhikkhunī avassutā avassutass purisapugalassa hatthato, tỳ-kheo-ni có tâm ô nhiễm, (nhận) từ tay đàn ông có tâm ô nhiễm.
[28] Đây chỉ loại thức ăn cứng khư-đà-ni, xem Phần I, cht. 188 Ch.v Ba-dật-đề 35. Pali: khādanīyaṃ.
[29] Đây chỉ loại thức ăn mềm, hay chánh thực , hay bồ-xà-ni; xem Phần I, cht. 180, Ch.v ba-dật-đề 35. Pali: bhojanīyaṃ.
[30] Pali, biệt giới 8.
[31] Các bộ giống nhau. Riêng Tăng kỳ (T22n1425, tr.521c5): tỳ-kheo-ni (nói như vậy), sau ba lần được can gián mà không bỏ, tăng-già-bà-thi-sa.
[32] Thông giới, duyên khởi, xem Phần I, Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 10.
[33] Hán: phạm tam pháp ưng xả tăng-già-bà-thi-sa 犯三法應捨 僧伽婆尸沙. Ngũ phần: tam gián phạm tăng-già-bà-thi-sa khả hối quá 三諫犯僧伽婆尸沙可悔過. Pali, không có giới văn cho thông giới này. Tham khảo biệt giới 7 (Vin.iv. 236): yāvatatiyakaṃ dhammaṃ āpannā nissaraṇīyaṃ saṅghādisesaṃ, phạm pháp nầy, (được can gián) cho đến lần thứ ba, tăng-già-bà-thi-sa cần xả trí.
[34] Thông giới, duyên khởi, xem Phần I, Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 11.
[35] Thông giới, duyên khởi, xem Phần I, Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 12.
[36] Thông giới, duyên khởi, xem Phần I Ch. ii Tăng-già-bà-thi-sa 13.
[37] Pali, biệt giới 9.
[38] Pali, biệt giới 10.
[39] Pali, biệt giới 7.
[40] Pali, biệt giới 8.
[41] Hắc 黑, Pali: Caṇḍakāḷī.
[42] Bất thiện ức trì tránh sự. Nghĩa là, bị đuối lý, mỗi khi có sự gây gổ. Pali: adhikaraṇe paccākatā, bị cự tuyệt trong khi có tránh sự. Giải thích: paccākatā nāma parājitā vuccati, bị cự tuyệt, nghĩa là bị thua.
[43] Hán: đấu tránh 鬥諍. Pali: adhikaraṇa, tránh sự, có 4.