TỨ PHẦN LUẬT 四分律

Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.  
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng 
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng 

—o0o—

CHƯƠNG X: CHIÊM-BA

1. Cử tội phi pháp

Thế Tôn ở tại thành Chiêm-ba.[1] Tại nước Già-thi,[2] có thôn Bà-sa-bà.[3] Bấy giờ, trú xứ nọ có cựu tỳ-kheo,[4] thường tiếp mọi người, giống như nguồn suối,[5] nói như vầy: «Nếu tỳ-kheo chưa đến mà đến làm khách,[6] tôi sẽ cung cấp các thứ cần dùng, như nấu nước tắm, đồ ăn, thức uống để cúng dường.»

Bấy giờ, có số đông tỳ-kheo ở nước Già-thi du hành trong nhân gian đến nơi xóm Bà-sa-bà. Tỳ-kheo kia liền cung cấp các thứ cần dùng, và cúng dường đồ ăn thức uống. Sau đó một thời gian, tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: «Ta không thể thường xuyên đến bạch y đòi xin đồ ăn thức uống, và cung cấp đầy đủ như nước để tắm rửa, hay nấu cháo để cúng dường nữa. Khách tỳ-kheo này từ xa đến, hiện tại đã hết mệt mỏi. Trước kia chưa có người quen biết chứ hiện nay đã có. Nay ta không thể đi hỏi xin thêm được nữa.» Rồi ông ngưng.

Tỳ-kheo khách này lại nghĩ như vầy: «Tỳ-kheo kia ghét chúng ta. Trước đây đã cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng, như đồ ăn thức uống, nước tắm rửa cho chúng ta. Nay lại ngưng, không cung cấp cho ta. Chúng ta có nên cử tội tỳ-kheo kia không?» Họ liền nhóm họp để cử tội tỳ-kheo kia.

Tỳ-kheo kia nghĩ: «Nay ta không thể tự biết là phạm hay chẳng phạm, là cử tội đúng hay cử tội không đúng, là như pháp cử yết-ma thành tựu, hay không như pháp cử yết-ma không thành tựu. Nay ta có thể đến chỗ đức Thế Tôn ở Chiêm-ba, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ với đức Thế Tôn. Nếu Thế Tôn có chỉ dạy gì thì tùy theo lời dạy của đức Thế Tôn ta sẽ thi hành.»

Lúc bấy giờ, cựu tỳ-kheo kia, đắp y mang bát đến Chiêm-ba, qua chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ, rồi đứng qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi khách tỳ-kheo:

«Khất cầu có dễ được không? Sống có hòa hợp không? Đi đường có mệt nhọc lắm không?»

Tỳ-kheo khách thưa:

«Con sống hòa hợp. Khất cầu dễ được. Đi đường không mệt nhọc.»

Đức Phật hỏi tiếp:

«Thầy ở đâu đến?»

Tỳ-kheo thưa:

«Con ở nơi xóm Bà-sa-bà, nước Già-thi, là cựu trú tỳ-kheo ở một trú xứ nọ. Con thường đón tiếp và cung cấp những gì cần thiết cho những vị khách giống như dòng nước suối. Nếu có khách tỳ-kheo chưa đến mà đến làm khách đều được cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng như đồ ăn thức uống hoặc làm cháo, nước tắm… Sau đó có số đông tỳ-kheo tại nước Già-thi du hành trong nhân gian đến xóm Bà-sa-bà, bấy giờ con liền cung cấp đầy đủ những thứ cần dùng như đồ ăn thức uống, hoặc làm cháo, nước tắm rửa… Bạch Đại đức, khi ấy con nghĩ như vầy: ‹Ta không thể thường xuyên đến nhà bạch y đòi xin đồ ăn thức uống, và những thứ cần dùng được. Quý khách tỳ-kheo này hiện tại đã hết mệt mỏi. Trước kia chưa có người quen biết, hiện tại đã có rồi. Nay ta không thể đến hỏi xin được nữa.› Rồi con ngưng cung cấp. Khách tỳ-kheo này lại nghĩ, ‹Tỳ-kheo cựu trú kia ghét chúng ta. Trước đây thường cung cấp đầy đủ cho ta các thứ cần dùng như thức ăn uống, cháo, nước tắm rửa… Nay lại không cung cấp cho chúng ta nữa. Chúng ta có thể cử tội tỳ-kheo kia.› Các vị ấy liền họp lại để cử tội. Bạch Đại đức Thế Tôn con nghĩ như vầy, ‹Ta không thể biết là phạm hay không phạm, là cử tội đúng hay sai, là như pháp cử yết-ma thành tựu hay không như pháp cử yết-ma không thành tựu? Nay ta nên đến chỗ đức Thế Tôn ở thành Chiêm-ba đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Nếu đức Thế Tôn có dạy gì, thì tùy theo lời dạy của đức Thế Tôn mà thi hành.› »

Đức Phật bảo tỳ-kheo kia:

«Ông là tỳ-kheo không phạm, chẳng phải phạm. Cử tội sai quấy, không thành cử. Cử tội ông như vậy là phi pháp. Tỳ-kheo ấy yết-ma không thành tựu. Này tỳ-kheo, ông trở về xóm Bà-sa-bà, cung cấp những thứ cần dùng cho khách tỳ-kheo như trước giống như nguồn suối. Này tỳ-kheo, Ta trợ bạn ông, như pháp, chẳng phải chẳng như pháp.»

Bấy giờ các khách tỳ-kheo kia từ xóm Bà-sa-bà du hành trong nhân gian đến nước Già-thi, tới chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ rồi đứng lui qua một bên. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn an ủi khách tỳ-kheo:

«Các ngươi trụ chỉ có hòa hiệp không? Không do khất thực mà phải vất vả chăng?»

Tỳ-kheo này thưa:

«Trụ chỉ được hòa hiệp. Không do khất thực mà phải vất vả.»

Đức Phật hỏi tiếp:

«Các thầy từ đâu đến?»

«Chúng con từ tụ lạc Bà-sa-bà đến.»

Đức Phật hỏi?

«Nghe nói có cựu trú tỳ-kheo thường hay cung cấp cho khách tỳ-kheo những thứ cần dùng, như nước suối, mà các thầy cử tội người ấy, phải không?»

Các vị ấy trả lời:

«Sự thật như vậy.»

Đức Thế Tôn hỏi:

«Bằng vào sự gì các ông cử tội như vậy?»

Các vị này thưa:

«Không sự việc, không nhân duyên.»[7]

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện ha trách các tỳ-kheo này:

«Các ông làm điều sai quấy chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm việc không nên làm. Các ông là những người ngu si. Sao cựu tỳ-kheo kia, như nguồn nước suối, cung cấp cho khách tỳ-kheo, mà các ông không duyên, không sự gì, lại cử tội?»

2. Túc số yết-ma

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sau khi ha trách rồi, bảo các tỳ-kheo:

«Có bốn loại yết-ma: phi pháp yết-ma, phi pháp biệt chúng yết-ma, phi pháp hòa hợp yết-ma, pháp biệt chúng yết-ma.[8] Trong này, hai yết-ma: phi pháp yết-ma, biệt chúng yết-ma, thì không được làm. Nếu làm sẽ như pháp trị. Chỉ có pháp yết-ma, và hòa hợp yết-ma thì nên làm.

«Có bốn trường hợp túc số:[9] Có người được kể trong túc số nhưng không được quyền ngăn. Có người không được kể trong túc số mà được quyền ngăn. Có người không được kể trong túc số mà cũng không được quyền ngăn. Có người được kể trong túc số và cũng được quyền ngăn.

«Thế nào là người được quyền túc số mà không được quyền ngăn? Là người bị tác pháp yết-ma ha trách, yết-ma tẫn, yết-ma y chỉ, yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y. Những người này được kể túc số mà không được quyền ngăn.

«Thế nào là người không được kể túc số mà được quyền ngăn? Là người muốn thọ đại giới. Người này không được kể túc số mà được quyền ngăn.

«Thế nào là người không được kể túc số cũng không được ngăn? Tỳ-kheo tác yết-ma, tỳ-kheo-ni không được kể túc số cũng không được ngăn. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni; hoặc người phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc thọ giới với tặc tâm, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc giết cha giết mẹ, hoặc giết A-la-hán, hoặc phá Tăng, hoặc ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhơn, súc sanh, hoặc hai căn, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc đáng diệt; hoặc biệt trú, hoặc ở trên giới trường, thần túc trên hư không, hoặc ẩn hình, hoặc lìa chỗ thấy nghe, hoặc là người tác yết-ma: Những người như vậy không được kể túc số cũng không được ngăn.

[886a1]«Thế nào là người được kể túc số cũng được quyền ngăn? Là thiện tỳ-kheo, đồng trụ một giới, không dùng thần túc ở trên không, không ẩn hình, không lìa chỗ thấy nghe, cho đến nói với người gần bên. Những người như vậy được kể túc số mà cũng được quyền ngăn.»

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo, một người cử tội một người, một người cử tội hai người, hoặc cử tội ba người, hoặc cử tội Tăng. Hai người cử tội một người, hai người cử tội hai người, hai người cử tội ba người, hoặc cử tội Tăng. Ba người cử tội một người, hoặc cử tội hai người, hoặc cử tội ba người, hoặc cử tội Tăng, hay Tăng cử tội Tăng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được một người cử tội một người, hai người, ba người, hay cử tội Tăng. Không được hai người cử tội một người, hai người, ba người, cử tội Tăng. Không được ba người cử tội một người, hai người, ba người, hay cử tội Tăng. Không được Tăng cử tội Tăng.

«Nếu một người cử tội một người là phi pháp yết-ma, phi tỳ-ni yết-ma, không được làm như vậy. Hoặc một người cử tội hai người, ba người hay Tăng. Hoặc hai người cử tội một người, hai người, ba người, hay Tăng. Hoặc ba người cử tội một người, hai người, ba người, hay Tăng. Hoặc Tăng cử tội Tăng, là phi pháp yết-ma, phi tỳ-ni yết-ma, không được làm như vậy.»

Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tác pháp yết-ma chồng,[10] như tác yết-ma ha trách rồi lại tác yết-ma tẫn; tác y chỉ rồi lại ngăn không cho đến nhà bạch y; trao cho pháp cử tội rồi lại cho pháp ba-lợi-bà-sa; cho pháp bổn nhật trị rồi lại cho pháp ma-na-đỏa; cho pháp a-phù-ha-na rồi, lại cho pháp hiện tiền tỳ-ni; cho pháp ức niệm tỳ-ni rồi, lại trao cho pháp bất si tỳ-ni; cho pháp tự ngôn rồi, lại cho pháp mích tội; cho pháp mích tội tướng rồi, lại cho pháp như cỏ che đất. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được tác pháp yết-ma chồng. Không được tác yết-ma ha trách rồi lại tác yết-ma tẫn, cho đến như cỏ che đất.»

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

3. Túc số Tăng

«Có bốn loại Tăng:[11] Tăng bốn vị, Tăng năm vị, Tăng mười vị, Tăng hai mươi vị.

«Tăng bốn vị: trừ tự tứ, thọ đại giới, xuất tội, còn tất cả các pháp yết-ma như pháp khác đều làm được.

«Tăng năm vị: trừ trường hợp thọ đại giới nơi đô hội, xuất tội, còn tất cả các pháp yết-ma như pháp khác đều làm được.

«Tăng mười vị: chỉ trừ xuất tội, còn tất cả các pháp yết-ma như pháp khác đều làm được.

«Tăng hai mươi vị: tất cả các pháp yết-ma như pháp đều làm được, huống nữa là hơn hai mươi vị.

«Nếu cần bốn vị để tác pháp yết-ma mà thiếu một vị thì yết-ma ấy thành, là phi pháp, phi tỳ-ni. Nếu dùng tỳ-kheo-ni làm người thứ tư, hoặc dùng thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, hoặc người phạm biên tội, hoặc phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm thọ giới, hoặc phá nội ngoại đạo, hoặc huỳnh môn, hoặc giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, ác tâm làm thân Phật ra máu, hoặc phi nhơn hoặc súc sanh, hoặc người hai căn, hoặc kẻ bị cử, diệt tẫn, hoặc đáng diệt tẫn, người tác yết-ma. Lấy những hạng người như vậy để được túc số bốn vị, thì yết-ma đó phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy. Tăng năm vị, mười vị, hai mươi vị cũng như vậy.»

4. Yết-ma bất thành

Lúc bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tác yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Họ tác yết-ma phi pháp biệt chúng, yết-ma phi pháp hòa hợp, yết-ma pháp biệt chúng, yết-ma pháp tương tợ biệt chúng, yết-ma pháp tương tợ hòa hợp, tác yết-ma ha bất chỉ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được tác yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni, không được tác yết-ma phi pháp biệt chúng, không được tác yết-ma phi pháp hòa hợp, không được tác yết-ma pháp biệt chúng, không được tác yết-ma pháp tương tợ biệt chúng, không được tác yết-ma pháp tương tợ hòa hợp, không được tác yết-ma ha bất chỉ.»

1. Thế nào là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni?

Bạch nhị yết-ma mà tác bạch rồi không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Với bạch nhị yết-ma, tác hai lần bạch mà không tác yết-ma; tác ba lần bạch mà không tác yết-ma; nhiều lần tác bạch mà không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Bạch nhị yết-ma mà một lần tác bạch hai lần yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Với bạch nhị yết-ma mà một lần tác bạch mà ba lần yết-ma, một lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma; hai lần tác bạch mà một lần yết-ma, hai lần tác bạch mà hai lần yết-ma; hai lần tác bạch mà ba lần yết-ma; hai lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma; ba lần tác bạch mà một lần yết-ma; ba lần tác bạch mà hai lần yết-ma; ba lần tác bạch mà ba lần yết-ma; ba lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà một lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà hai lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà ba lần yết-ma; nhiều lần tác bạch mà nhiều lần yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Bạch nhị yết-ma mà một lần yết-ma, không tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Với bạch nhị yết-ma mà hai lần yết-ma không tác bạch, ba lần yết-ma không tác bạch, nhiều lần yết-ma không tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Bạch nhị yết-ma mà một lần yết-ma hai lần bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Với bạch nhị yết-ma, một lần yết-ma mà ba lần bạch; một lần yết-ma mà nhiều lần bạch; hai lần yết-ma mà một lần bạch; hai lần yết-ma mà hai lần bạch; hai lần yết-ma mà ba lần bạch; hai lần yết-ma mà nhiều lần bạch; ba lần yết-ma mà một lần bạch; ba lần yết-ma mà hai lần bạch; ba lần yết-ma mà ba lần bạch; ba lần yết-ma mà nhiều lần bạch; nhiều lần yết-ma mà một lần bạch; nhiều lần yết-ma mà hai lần bạch; nhiều lần yết-ma mà ba lần bạch; nhiều lần yết-ma mà nhiều lần bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni, không được như vậy.

Bạch nhị yết-ma mà không như pháp tác bạch, không như yết-ma pháp tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Với bạch tứ yết-ma, mà một lần bạch không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Với bạch tứ yết-ma, hai lần bạch mà không tác yết-ma; ba lần bạch mà không tác yết-ma; nhiều lần bạch mà không tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni yết-ma. Không được như vậy.

Với bạch tứ yết-ma, một lần bạch mà một lần yết-ma, một lần bạch mà hai lần yết-ma, một lần bạch mà nhiều lần yết-ma; hai lần bạch mà một lần yết-ma, hai lần bạch mà hai lần yết-ma, hai lần bạch mà ba lần yết-ma, hai lần bạch mà nhiều lần yết-ma; ba lần bạch mà một lần yết-ma, ba lần bạch mà hai lần yết-ma, ba lần bạch mà ba lần yết-ma, ba lần bạch mà nhiều lần yết-ma; nhiều lần bạch mà một lần yết-ma, nhiều lần bạch mà hai lần yết-ma, nhiều lần bạch mà ba lần yết-ma, nhiều lần bạch mà nhiều lần yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Với bạch tứ yết ma, một lần tác yết ma mà không tác bạch. Đó là yết ma phi pháp, phi tỳ ni, không được làm.

Với bạch tứ yết-ma, hai lần yết-ma mà không tác bạch, ba lần yết-ma mà không tác bạch, nhiều lần yết-ma mà không tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Với bạch tứ yết-ma, một lần yết-ma mà một lần tác bạch, một lần yết-ma mà hai lần tác bạch, một lần yết-ma mà ba lần tác bạch, một lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch; hai lần yết-ma mà một lần tác bạch, hai lần yết-ma mà hai lần tác bạch, hai lần yết-ma mà ba lần tác bạch, hai lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch; ba lần yết-ma mà một lần tác bạch, ba lần yết-ma mà hai lần tác bạch, ba lần yết-ma mà ba lần tác bạch, ba lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch; nhiều lần yết-ma mà một lần tác bạch, nhiều lần yết-ma mà hai lần [887a1] tác bạch, nhiều lần yết-ma mà ba lần tác bạch, nhiều lần yết-ma mà nhiều lần tác bạch. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Tác bạch tứ yết-ma mà không như pháp bạch mà tác bạch, không như pháp ba yết-ma mà tác yết-ma. Đó gọi là yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được như vậy.

Trong đây, có tỳ-kheo thấy không có tội.[12] Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy phạm tội, có thấy không?› Vị ấy trả lời: ‹Không thấy.› Bấy giờ tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không thấy tội.[13] Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trong đây, có tỳ-kheo không có tội phải sám hối.[14] Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy phạm tội, nên sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không sám hối.› Vị kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trong đây, có tỳ-kheo không có ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không xả.› Vị kia liền cử yết-ma không xả ác kiến. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trong đây, có tỳ-kheo thấy không có tội, và không có tội phải sám hối. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội không? Thầy nên sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội. Tôi không sám hối.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội không sám hối. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trong đây, có tỳ-kheo thấy không tội, không ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy có tội? Có ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội. Không có ác kiến không xả.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, và ác kiến không xả. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trong đây, có tỳ-kheo không có tội sám hối, không có ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội nên sám hối. Có ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không sám hối. Tôi không ác kiến không xả.› Vị kia liền cử yết-ma không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo thấy không tội, không có tội sám hối, không ác kiến không xả. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội? Thầy nên sám hối. Thầy hãy xả ác kiến.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội. Tôi không sám hối. Tôi không ác kiến không bỏ.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo không tội thấy không tội. Nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội hay không?› Vị ấy trả lời: ‹Thấy.› Tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không thấy tội. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo không tội sám hối, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội nên sám.› Vị ấy trả lời: ‹Sẽ sám hối.› Tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi sẽ xả.› Vị kia liền cử yết-ma ác kiến không xả. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo không tội, thấy không tội, không sám hối, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội nên sám hối.› Vị ấy đáp: ‹Tôi thấy tội, sẽ sám hối.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, không sám hối. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo không thấy tội, không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội, ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi thấy tội. Sẽ xả ác kiến.› Vị kia cử yết-ma không thấy tội, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo không tội sám hối, không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo kia nói rằng: ‹Thầy có tội sám hối, ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Sẽ sám hối, xả ác kiến.› Vị kia liền cử yết-ma không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo thấy không tội, không tội sám hối, không ác kiến không xả, nhưng tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội, nên sám hối, ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi thấy tội, sẽ sám hối, xả ác kiến.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội, không sám hối, ác kiến không bỏ. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội, thấy không?› Vị ấy trả lời: ‹Thấy.› Nhưng vị kia liền cử yết-ma không thấy tội. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo có tội sám hối. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội nên sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi sẽ sám hối.› Nhưng vị kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo có ác kiến không xả, các tỳ-kheo nói rằng: ‹Thầy có ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Sẽ xả.› Nhưng vị kia liền cử yết-ma không xả ác kiến. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội, có tội nên sám hối. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy có tội nên sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi thấy có tội sẽ sám hối.› Nhưng vị kia liền tác yết-ma bất kiến tội, bất sám hối. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội, có ác kiến không xả. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy có tội. Ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi thấy tội. Sẽ xả ác kiến.› Nhưng tỳ-kheo kia liền cử yết-ma không thấy tội, ác kiến không xả. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo có tội sám, có ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội nên sám hối. Ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi sẽ sám hối. Sẽ xả ác kiến.› Nhưng vị kia liền cử yết-ma bất kiến sám hối, bất xả ác kiến. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội sám hối, ác kiến không xả. Các tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy tội. Nên sám hối. Ác kiến nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi thấy tội. Sẽ sám hối. Xả ác kiến.› Nhưng vị kia cử yết-ma không thấy tội, không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:

«Yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni. Không được làm vậy.

Đó là những yết-ma phi pháp, phi tỳ-ni.

2. Thế nào là yết-ma như pháp như tỳ-ni?

Bạch nhị yết-ma, như pháp bạch mà tác bạch, như pháp yết-ma mà tác yết-ma. Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.

Bạch tứ yết-ma, như pháp bạch mà tác bạch, như pháp yết-ma mà tác yết-ma. Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.

Trường hợp, có tỳ-kheo thấy có tội,[15] tỳ-kheo khác hỏi rằng: ‹Thầy có tội, thấy không?› Vị ấy trả lời: ‹Không thấy.› Vị kia liền cử yết-ma không thấy tội. Đức Phật dạy:

«Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.»

Trường hợp có tỳ-kheo có tội nên sám hối. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội nên sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không sám hối.› Vị kia liền cử yết-ma không sám hối. Đức Phật dạy:

«Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. [887a1] Nên làm như vậy.»

Trường hợp có tỳ-kheo ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Không xả.› Vị kia liền cử yết-ma ác kiến không xả. Đức Phật dạy:

«Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.»

Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội, có tội sám hối. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy có tội. Có tội sám hối.› Vị ấy trả lời: ‹Không thấy. Không sám hối.› Vị kia liền như điều vị ấy phạm, tác yết-ma không thấy tội, không sám hối, đức Phật dạy:

«Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.»

Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội, có ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội. Có ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội, ác kiến không xả.› Vị kia liền như điều vị ấy phạm, tác yết-ma không thấy tội, ác kiến không xả, Phật dạy:

«Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.»

Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội, sám hối, ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy có tội. Nên sám hối. Ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không sám hối. Không xả ác kiến.› Vị kia liền như điều vị ấy phạm tác yết-ma không sám hối, không xả ác kiến, đức Phật dạy:

«Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.»

Trường hợp có tỳ-kheo thấy có tội sám hối, ác kiến không xả. Tỳ-kheo khác nói rằng: ‹Thầy thấy có tội. Nên sám hối. Ác kiến, nên xả.› Vị ấy trả lời: ‹Tôi không thấy tội. Không sám hối. Không xả ác kiến.› Vị kia liền như điều vị ấy phạm tác yết-ma không thấy tội, không sám hối, không xả ác kiến. Đức Phật dạy:

«Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni. Nên làm như vậy.»

Tất cả những yết-ma đó đều như pháp như tỳ-ni.

3. Thế nào là yết-ma phi pháp biệt chúng?

Khi yết-ma đồng một trú xứ, có vị không đến, đáng ra nên dữ dục nhưng không dữ dục. Người hiện tiền có quyền ngăn bèn ngăn. Vị kia tác bạch nhị yết-ma, nhưng lại tác bạch tứ yết-ma; bạch việc này mà lại tác yết-ma vì việc kia. Đó gọi là yết-ma phi pháp và biệt chúng.

4Thế nào là yết-ma phi pháp hòa hợp?

Trường hợp đồng một trú xứ, hòa hợp một chỗ để yết-ma, người nên dữ dục thì dữ dục, người hiện tiền được phép ngăn thì không ngăn. Vị kia tác bạch nhị yết-ma, lại tác bạch tứ yết-ma; bạch việc này mà lại tác yết-ma vì việc kia. Đó là yết-ma phi pháp nhưng hòa hợp.

5. Thế nào là yết-ma như pháp biệt chúng?

Khi yết-ma đồng một trú xứ, có vị không đến, người nên dữ dục lại không dữ dục, người hiện tiền được phép ngăn thì ngăn. Vị kia tác bạch nhị, bạch tứ yết-ma như pháp tác. Đó là yết-ma như pháp nhưng biệt chúng.

 6. Thế nào là yết-ma pháp tương tợ biệt chúng?

Đồng một trú xứ khi yết-ma, có người không đến, nên dữ dục mà không dữ dục, người hiện tiền có quyền ngăn bèn ngăn. Tác bạch nhị, bạch tứ yết-ma, (đúng pháp nhưng), trước tác yết-ma sau mới tác bạch. Đó là yết-ma tương tợ như pháp, và biệt chúng.

7. Thế nào là yết-ma pháp tương tợ hòa hợp?

Đồng một trú xứ khi yết-ma, có người không đến thì dữ dục, người hiện tiền được phép ngăn thì không ngăn. Bạch nhị, bạch tứ yết-ma, trước tác yết-ma sau mới tác bạch. Đó là yết-ma tương tợ như pháp, nhưng hòa hợp.

5. Ngăn yết-ma

Những hạng người nào ngăn[16] thành ngăn? Hoặc có người ngăn thành ngăn, có người ngăn không thành ngăn?

Người nào ngăn không thành ngăn?

Tỳ-kheo tác yết-ma, tỳ-kheo-ni ngăn, không thành ngăn. Thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni; hoặc nói phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, hoặc tặc tâm thọ giới, hoặc phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha mẹ, giết A-la-hán, ác tâm làm thân Phật ra máu, phá hòa hợp Tăng, phi nhơn, súc sanh, hai căn, hoặc bị cử, hoặc diệt tẫn, hoặc nên diệt tẫn, hoặc ở trên giới trường, hoặc tác biệt trú, hoặc dùng thần túc ở trên không, hoặc ẩn hình, hoặc lìa chỗ thấy, nghe, hoặc vị làm yết-ma. Những người như vậy ngăn, không thành ngăn.

Thế nào gọi là ngăn thành ngăn?

Thiện tỳ-kheo đồng ở trong một giới, không ở trên hư không, không ẩn hình, không lìa chỗ nghe thấy, cho đến nói tỳ-kheo ngồi gần. Những hạng người như vậy ngăn, thành ngăn. Đó là ngăn yết-ma.

Lúc bấy giờ, Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:

«Đáng làm yết-ma ha trách mà cho làm yết-ma tẫn; yết-ma có như pháp như tỳ-ni không?»

Đức Phật bảo Ưu-ba-ly:

«Đó không phải là yết-ma như pháp.»

Ưu-ba-ly lại bạch Phật rằng:

«Nên trao cho yết-ma ha trách, mà trao cho pháp yết-ma y chỉ, hay là pháp yết-ma ngăn không cho đến nhà bạch y, cho đến như cỏ che đất, như vậy yết-ma có như pháp như tỳ-ni không?»

Đức Phật dạy:

«Không như pháp. Không được, đáng cho pháp yết-ma ha trách mà lại trao cho pháp yết-ma tẫn, cho đến như cỏ che đất. Đó là yết-ma phi pháp phi tỳ-ni. Không được làm như vậy. Cũng vậy cho đến như cỏ che đất đều là yết-ma phi pháp phi tỳ-ni. Không được làm như vậy.»

Đức Phật bảo Ưu-ba-ly:

«Đáng làm yết-ma ha trách thì nên cho làm pháp yết-ma ha trách. Đó là yết-ma như pháp như tỳ-ni, nên làm. Cũng vậy, cho đến yết-ma như cỏ che đất, đều là yết-ma như pháp như tỳ-ni, nên làm.

Lúc bấy giờ, có trú xứ nọ, chúng Tăng cho tỳ-kheo yết-ma ha trách,[17] mà lại làm yết-ma phi pháp biệt chúng. Chúng Tăng khác nghe[18] Tăng cho tỳ-kheo yết-ma ha trách mà lại làm yết-ma phi pháp biệt chúng, nên yết-ma không thành, bèn nói, «Chúng ta hãy cùng tác yết-ma ha trách.» Liền tác yết-ma ha trách phi pháp hòa hợp.

Lại có chỗ khác,[19] Tăng nghe chúng Tăng kia cho tỳ-kheo yết-ma ha trách phi pháp hòa hợp, nên yết-ma không thành; bèn nói, «Chúng ta hãy làm yết-ma ha trách.» Họ liền làm yết-ma ha trách như pháp biệt chúng.

Tăng chỗ khác nghe, chúng Tăng kia cho tỳ-kheo yết-ma ha trách, yết-ma như pháp biệt chúng, nên yết-ma không thành; bèn nói, «Chúng ta hãy làm pháp yết-ma ha trách.» Liền tác yết-ma ha trách, pháp tương tợ biệt chúng.

Tăng chỗ khác nghe, chúng Tăng kia cho tỳ-kheo yết-ma ha trách, pháp tương tợ biệt chúng nên yết-ma không thành; bèn nói, «Chúng ta hãy tác yết-ma ha trách.» Yết-ma như pháp tương tợ hòa hợp.

Tỳ-kheo kia nghĩ như vầy: «Ta nên làm thế nào?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Các yết-ma như trên không như pháp, không thành tựu. Tất cả những yết-ma nào như vậy đều không thành tựu.»

Lúc bấy giờ, có trú xứ nọ chúng Tăng vì tỳ-kheo tác yết-ma phi pháp biệt chúng. Khi ấy trong Tăng có nhiều tranh tụng nhau. Có vị nói yết-ma phi pháp biệt chúng, có vị nói phi pháp hòa hợp, có vị nói pháp biệt chúng, có vị nói pháp tượng tợ biệt chúng, có vị nói pháp tương tợ hòa hợp, có vị nói yết-ma thành tựu, có vị nói không thành tựu. Các tỳ-kheo không biết như thế nào, báo lại tỳ-kheo khác, đến bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Trú xứ kia, chúng Tăng vì tỳ-kheo tác yết-ma ha trách, phi pháp biệt chúng. Khi ấy trong Tăng có nhiều tranh tụng nhau. Có vị nói yết-ma phi pháp biệt chúng, cho đến, có vị nói yết-ma thành tựu, có vị nói không thành tựu. Trong tăng, vị nào nói phi pháp biệt chúng, thì đây là lời nói đúng pháp. Cho đến vị nào nói pháp tương tợ hòa hợp, thì đây cũng là lời nói đúng pháp.»

Lúc bấy giờ [889a1], Ưu-ba-ly từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, quỳ gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật:

«Nếu có tỳ-kheo trước đó Tăng trao cho pháp yết-ma, sau đó chúng Tăng cho giải. Như vậy có thành giải hay không thành giải?»

Đức Phật bảo Ưu-ba-ly:

«Hoặc thành, hoặc không thành.»

Ưu-ba-ly lại hỏi:

«Thế nào là thành, thế nào là không thành?»

Đức Phật dạy:

«Này Ưu-ba-ly, có mười ba hạng người,[20] trước đó Tăng vì họ tác yết-ma, thì không thành giải. Trừ mười ba hạng người này ra, còn các người khác, tác yết-ma rồi, nếu Tăng trao cho pháp giải thì thành giải.»

Ưu-ba-ly lại hỏi Phật:

«Nếu trước đó Tăng vì họ tác yết-ma, rồi cho yết-ma giải. Khi ấy, người bị đuổi, có trở thành bị đuổi hay không?»

Đức Phật dạy:

«Hoặc thành đuổi, hoặc không thành đuổi. Đối với mười ba hạng người, nếu tác yết-ma rồi đuổi thì thành đuổi. Ngoài mười ba hạng người này ra, các người khác tác yết-ma, sau yết-ma giải thì được giải. Khi ấy, nếu đuổi thì không thành đuổi.


[1] Chiêm-ba 瞻波. Pali: Campā, thủ đô của vương quốc Aṅga. Xem Ch.v. Da thuộc, truyện Thủ-lung-na; cht. 1.

[2] Già-thi 伽尸; trên kia, âm là Già-sa. Xem Ch.ix, mục 4, truyện Trường Sanh & cht. 15.

[3] Bà-sa-bà tụ lạc聚落 婆娑婆. Lưu ý cách đọc theo bản Hán về các địa danh này: tại Chiêm-ba thành, Già-thi quốc, Sa-bà tụ lạc 在瞻波城伽尸國婆娑婆聚落. Tham chiếu Pali, Vin.i. 312: … Campāyaṃ viharati… tena kho pana samayena Kāsīsu janapade vāsabhagāmo hoti, «Phật trú tại Campā. Bấy giờ, tại quốc cảnh Kāsi, có một thôn tên là Vāsabha.»

[4] Thập tụng 30, tỳ-kheo này có tên là Cộng Kim 共金. Pali, Vin.i. 312: Kassapagotta.

[5] Có lẽ tương đương Pali: tantibaddho, Horner dịch là «người gắn liền với tục lệ cổ truyền (attached to the tradition)», tức gắn chặt với các phận sự phải làm theo truyền thống của trú xứ đó. Bản Hán dịch Nam truyền dịch là «người chấp sự» và chú thích, là người quản lý các sự việc trong trú xứ, như Ma-ma-đế hay Đế-đế-đà-la. Bản Hán hiểu tanti (sợi dây ràng buộc) theo nghĩa tượng hình là «sự liên tục như giòng suối!»

[6] Vị lai khách tỳ-kheo 未來客比丘; Tham chiếu Pali: kinti anāgatā ca pesalā bhikkhū āgaccheyyuṃ, «làm sao để tỳ-kheo khả ái chưa từng đến có thể đến đây?»

[7] Vô sự vô duyên 無事無緣. Pali: avatthusmiṃ akāraṇe, không dựa trên cơ sở nào, không vì nguyên nhân gì.

[8] Bản Hán dịch thiếu chính xác. Cần sửa lại, bốn loại yết-ma: phi pháp biệt chúng, (như) pháp biệt chúng, phi pháp hòa hiệp, (như) pháp hoà hiệp.

[9] Nguyên Hán: mãn số 滿數.

[10] Trùng tác yết-ma 重作羯磨.

[11] Mahāvagga ix, Có 5 Tăng, 4 Tăng như Tứ phần. Thứ năm: Tăng trên 20 tỳ-kheo.

[12] Pali: āpatti daṭṭhabbā, loại tội cần được thấy; tội mà tự mình phải thấy (phải thừa nhận).

[13] Pali, Vin.i. 322: āpattiyā adassane ukkhipati, yết-ma xả trí vì không nhận tội.

[14] Pali: āpatti paṭikātabbā, loại tội cần được sám hối.

[15] Pali: āpatti daṭṭhabbatā, xem cht. 12 trên.

[16] Ha 呵; tức chỉ trích. Thập tụng: già 遮; nghĩa là ngăn. Ở đây có nghĩa là ngăn không cho tiến hành yết-ma. Pali: saṅghamajjhe paṭikkosanā, sự phi nạn (phủ quyết) giữa Tăng.

[17] Mahāvagga ix, Vin.i. 328: tỳ-kheo ưa gây tranh tụng (bhaṇḍaka-bhikkhu), bị Tăng cho yết-ma khiển trách (tajjanīyakamma, yết-ma ha trách).

[18] Mahāvagga ix, ibid., Tỳ-kheo bị khiển trách đến trú xứ khác, Tăng ở đây biết yết-ma khiển trách này không được làm đúng, muốn làm lại cho đúng.

[19] Tỳ-kheo bị khiển trách lại đi đến trú xứ khác.

[20] 13 trường hợp được kể trong già nạn thọ cụ túc. Xem Chương thọ giới.

    Xem thêm:

  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 2. Thuyết Giới - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 14. Già Yết Ma - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 6. Tỳ Ni Tăng Nhất - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 4. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 5. Da Thuộc - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 3. Ngũ Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 7. Thức-xoa-ca-la-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 12. Người - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 7. Thuốc - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Tán Duyên Khởi - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 2. Tăng-già-bà-thi-sa - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 17. Tỳ Kheo Ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 5. Điều Độ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng