TỨ PHẦN LUẬT 四分律

Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.  
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng 
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng 

—o0o—

CHƯƠNG XIV: GIÀ YẾT-MA[1]

1. Cầu thính

[906a10] Đức Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo nghĩ rằng đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện dạy các tỳ-kheo phải hỗ tương dạy bảo nhau, nghe lời lẫn nhau, liền cử tội tỳ-kheo thanh tịnh. Đức Phật dạy: «Không nên cử tỳ-kheo thanh tịnh vô tội.»

Đức Phật dạy tiếp: «Cho phép phải cầu thính[2] trước.»

Khi nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép cầu thính trước, liền đến tỳ-kheo thanh tịnh mà trước kia đã theo nhóm sáu tỳ-kheo để cầu thính, bảo vị này cầu thính.[3] Đức Phật dạy:

«Không nên như vậy, từ nay về sau cho phép tự mình có năm pháp mới được nhận cầu thính: 1. Đúng thời chứ chẳng phải phi thời. 2. Chơn thật chứ chẳng phải không chơn thật. 3. Lợi ích chứ chẳng phải tổn giảm. 4. Dịu dàng chứ chẳng phải thô lỗ. 5. Từ tâm chứ chẳng phải sân nhuế.»

Nhóm sáu tỳ-kheo tự mình không có năm pháp, tỳ-kheo khác thì tự thân có năm pháp này. Nhóm sáu tỳ-kheo đến cầu thính, vị ấy không cho. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu vị nào tự thân có năm pháp mà được cầu thính thì nên cho.»

Khi người khác cầu thính, nhóm sáu tỳ-kheo liền bỏ đi. Có khi hứa cho người khác, rồi cũng bỏ đi. Đức Phật dạy:

«Không nên như vậy. Cho phép tác tự ngôn.»[4]

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đã hứa với người khác cầu tự ngôn[5] rồi mà vẫn bỏ đi, tự mình tác tự ngôn,[6] tác rồi lại bỏ đi. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.»

2. Già thuyết giới

Đức Phật dạy:

«Cho phép khi bố-tát thuyết giới, có thể ngăn thuyết giới.»

Nhóm sáu tỳ-kheo khi nghe đức Phật cho phép ngăn thuyết giới, liền ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới. Đức Phật dạy:

«Không nên làm như vậy. Các ông lắng nghe. Có trường hợp ngăn thuyết giới như pháp, có trường hợp ngăn thuyết giới không như pháp: một phi pháp, một như pháp, hai phi pháp, hai như pháp, ba phi pháp, ba như pháp, bốn phi pháp, bốn như pháp, năm phi pháp, năm như pháp, sáu phi pháp, sáu như pháp, bảy phi pháp, bảy như pháp, tám phi pháp, tám như pháp, chín phi pháp, chín như pháp, mười phi pháp, mười như pháp.

Thế nào là một phi pháp? Nếu ngăn với tác nhân[7] vô căn cứ[8] là một phi pháp.

Thế nào là một như pháp? Ngăn với tác nhân có căn cứ là một như pháp.

Thế nào là hai phi pháp? Ngăn với tác nhân không căn cứ, và không tác nhân không căn cứ[9] là hai phi pháp.

Thế nào là hai như pháp? Ngăn với tác nhân có căn cứ, hay không có tác nhân nhưng có căn cứ, là hai như pháp.

Thế nào là ba phi pháp? Ngăn bằng sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, mà không có căn cứ là ba phi pháp.

Thế nào là ba như pháp? Ngăn bằng sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, có căn cứ, là ba như pháp.

Thế nào là bốn phi pháp? Ngăn bằng sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi không căn cứ, và tà mạng không căn cứ, là bốn phi pháp.

Thế nào là bốn như pháp? Ngăn bằng phá giới, phá kiến, phá oai nghi có căn cứ, và tà mạng có căn cứ, là bốn như pháp.

Thế nào là năm phi pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, đột-kiết-la, mà không căn cứ, là năm phi pháp.

Thế nào là năm như pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, đột-kiết-la, mà có căn cứ, là năm như pháp.

Thế nào là sáu phi pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới mà không có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá kiến mà không có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá oai nghi mà không có căn cứ; là sáu phi pháp.

Thế nào là sáu như pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới mà có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá kiến mà có căn cứ; có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá oai nghi mà có căn cứ; là sáu như pháp.

Thế nào là bảy phi pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-để-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết, mà không căn cứ, là bảy phi pháp.

Thế nào là bảy như pháp? Ngăn bằng ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết, mà có căn cứ, là bảy như pháp.

Thế nào là tám phi pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, không căn cứ, và tà mạng, mà không căn cứ là tám phi pháp.

Thế nào là tám như pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân về sự phá giới, phá kiến, phá oai nghi, không căn cứ, và tà mạng, mà có căn cứ, là tám như pháp.

Thế nào là chín phi pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá giới; do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá kiến, do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá oai nghi, mà không căn cứ, là chín phi pháp.

Thế nào là chín như pháp? Ngăn do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá giới; do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá kiến, do có tác nhân, hay không có tác nhân, hay vừa có vừa không có tác nhân về sự phá oai nghi, mà có căn cứ, là chín như pháp.

Thế nào là mười phi pháp? Chẳng phải ba-la-di; không được kể vào trong ba-la-di;[10] chẳng phải xả giới; không được kể vào trong xả giới; tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng;[11] không trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng;[12] không được kể vào trong sự trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng; phá giới không được thấy, nghe, nghi phá kiến không được thấy, nghe, nghi; phá oai nghi không được thấy, nghe, nghi. Đó gọi là mười phi pháp.

3. Mười như pháp già

Thế nào là mười như pháp? Ba-la-di; được kể vào trong ba-la-di; xả giới; được kể vào trong xả giới; không tùy theo Tăng yếu như pháp; trái nghịch Tăng yếu như pháp; được kể vào trong sự trái nghịch Tăng yếu như pháp; phá giới được thấy, nghe, nghi; phá kiến được thấy, nghe, nghi; phá oai nghi được thấy, nghe, nghi. Đó gọi là mười như pháp.

Thế nào là phạm ba-la-di? Như dựa vào tướng phạm ba-la-di. Tỳ-kheo thấy những tướng trạng này biết là có phạm ba-la-di. Nếu không thấy tỳ-kheo này phạm ba-la-di, mà nghe tỳ-kheo kia phạm ba-la-di. Tỳ-kheo, bằng vào sự thấy-nghe-nghi này, với sự hiện diện của tỳ-kheo kia, khi bố-tát, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo này tên là… phạm ba-la-di. Chúng Tăng không nên thuyết giới trước tỳ-kheo này. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn thuyết giới.

Khi thuyết giới, chúng Tăng gặp phải tám nạn sự khởi lên như nạn vua, nạn giặc, nạn lửa, nạn nước, nạn bệnh, nạn người, nạn phi nhơn, nạn trùng độc. Tỳ-kheo đó nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này,[13] khi thuyết giới tại trú xứ này hay trú xứ kia,[14] thì phải đối trước tỳ-kheo này, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên… được kể vào trong số ba-la-di, việc này chưa quyết định được. Nay cần phải quyết định. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn thuyết giới.

Thế nào gọi là xả giới? Như dựa vào những tướng trạng mà biết là tỳ-kheo xả giới. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện của tỳ-kheo này là tỳ-kheo xả giới. Nếu không thấy tỳ-kheo này xả giới, mà nghe tỳ-kheo tên… kia đã xả giới tỳ-kheo. Nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này, thì trong khi bố-tát phải ở trước tỳ-kheo, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên… đã xả giới. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi [907a1] ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn thuyết giới.

Khi ấy có tám nạn sự khởi, như nạn vua, cho đến nạn trùng độc. Tỳ-kheo kia nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này, thì khi bố-tát, tại trú xứ này hay trú xứ kia, ở trước tỳ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên… được kể vào trong số xả giới, việc này chưa quyết định được. Nay cần phải quyết định. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn.

Thế nào là không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng? Như dựa vào tướng mạo của sự là không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện này, biết tỳ-kheo này không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu không thấy tỳ-kheo này không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng, mà chỉ nghe tỳ-kheo tên… kia là tỳ-kheo không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này, thì khi bố-tát, đối trước tỳ-kheo, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên… không tùy thuận yêu cầu như pháp của Tăng. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn.

Thế nào là trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng? Như dựa vào tướng mạo của sự trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện này, biết tỳ-kheo này trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu không thấy tỳ-kheo này như pháp Tăng yếu trái nghịch, mà chỉ nghe tỳ-kheo… kia là tỳ-kheo trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Nếu muốn sử dụng thấy-nghe-nghi này, thì khi bố-tát, đối trước tỳ-kheo, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên… trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn.

Khi ngăn thuyết giới mà trong tám nạn sự có bất cứ nạn sự nào khởi lên, từ nạn vua cho đến nạn trùng độc, thì tỳ-kheo kia nếu muốn sử dụng kiến-văn-nghi này nơi trú xứ này hay trú xứ nọ, thì khi bố-tát đối trước tỳ-kheo này, từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên… được kể trong số trái nghịch yêu cầu như pháp của Tăng. Việc này chưa quyết định được. Nay cần phải quyết định. Không nên ở trước vị này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn.

Thế nào là phá giới? Như dựa vào tướng mạo là phá giới. Tỳ-kheo thấy những biểu hiện này biết tỳ-kheo kia phá giới. Nếu không thấy tỳ-kheo này phá giới, mà chỉ nghe tỳ-kheo tên… phá giới. Tỳ-kheo này nếu muốn sử dụng kiến-văn-nghi này, thì khi bố-tát, với dự hiện diện tỳ-kheo này, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa: «Tỳ-kheo tên… phá giới. Không nên ở trước tỳ-kheo này thuyết giới. Nay tôi ngăn tỳ-kheo này thuyết giới.» Như vậy thành ngăn.

Phá kiến, phá oai nghi cũng như vậy. Đó là mười như pháp.

4. Tỳ-kheo cử tội

«Nếu tỳ-kheo nào muốn cử tội tỳ-kheo khác, thì chính mình phải có năm pháp sau đây mới được cử tội người khác: 1. Đúng lúc chứ chẳng phải không đúng lúc. 2. Chơn thật chứ chẳng phải là không chơn thật. 3. Có ích chứ chẳng phải là tổn giảm. 4. Dịu dàng chứ chẳng phải là thô lỗ. 5. Từ tâm chứ chẳng phải là sân nhuế.

«Tỳ-kheo có năm pháp này được cử tội người khác. Tại sao vậy? Ta thấy tỳ-kheo cử tội người khác bằng phi thời chứ chẳng phải bằng đúng thời, bằng sự không chơn thật chứ không bằng chơn thật, cốt gây thiệt hại chứ không vì lợi ích, bằng sự thô lỗ chứ không bằng dịu dàng, bằng sân nhuế chứ không bằng từ tâm. Các tỳ-kheo khác kia nên nói tỳ-kheo này rằng: ‹Tội của thầy được cử phi thời chứ chẳng phải là đúng thời. Đừng vì lời ấy mà khởi sân hận. Bằng sự không chơn thật chứ chẳng phải là chơn thật; cốt gây thiệt hại chứ không vì lợi ích, bằng sự thô lỗ chứ không bằng dịu dàng, bằng sân nhuế chứ không bằng từ tâm. Đừng nên vì vậy mà sân nhuế.› Nếu tỳ-kheo bị người khác cử tội không chơn thật, nên đem năm việc này giải thích và hiểu dụ: ‹Thầy bị cử tội phi thời, không chơn thật, tổn giảm, thô lỗ, sân hận. Đừng nên vì vậy mà ưu sầu.› Người bị cử tội không chơn thật nên dùng năm việc này giải thích và hiểu dụ. Có vị cử tội người khác bằng sự không chơn thật, cần phải bị khiển trách bằng năm sự này: ‹Thầy cử tội người khác phi thời chứ không đúng thời, bằng sự không chơn thật chứ không bằng sự chơn thật, cố gây thiệt hại chứ không vì lợi ích, bằng sự thô lỗ chứ không bằng sự dịu dàng, bằng sân hận chứ không dùng từ tâm. Thật đáng hổ thẹn.› Ai cử tội người khác bằng sự không chơn thật, cần phải bị khiển trách bằng năm việc này. Tại sao vậy? Để cho sau này không cử tội tỳ-kheo thanh tịnh bằng sự không chơn thật. Khiển trách rồi, nên như pháp trị.

«Tỳ-kheo bị cử tội chơn thật thì nên bằng vào năm pháp này để khiển trách như sau: ‹Thầy được cử tội là đúng thời chứ chẳng phải phi thời. Chớ nên sanh sân hận. Chơn thật chứ chẳng phải là không chơn thật, lợi ích chứ chẳng phải là thiệt hại, dịu dàng chứ chẳng phải là thô lỗ, từ tâm chứ chẳng phải là sân nhuế. Chớ nên sanh sân hận.› Tỳ-kheo bị cử chơn thật, cần được khiển trách bằng năm pháp này. Khiển trách rồi, nên như pháp trị.

«Người cử người khác bằng sự chơn thật, cần được khen ngợi bằng năm pháp này: ‹Thầy cử tội người khác đúng thời chứ chẳng phải là phi thời. Chớ nên hối hận. Chơn thật chứ chẳng phải là không chơn thật, lợi ích chứ chẳng phải là thiệt hại, dịu dàng chứ chẳng phải là thô lỗ, từ tâm chứ chẳng phải là sân hận. Chớ nên sanh hối hận.› Người cử tội người khác chơn thật nên được khen ngợi bằng năm pháp này. Tại sao vậy? Để sau này vị ấy có cử tội người khác cũng bằng sự chơn thật mà cử.»

5. Pháp thức già

Tỳ-kheo muốn ngăn thuyết giới, đến trước Thượng tọa thưa: «Tôi muốn ngăn tỳ-kheo… thuyết giới, xin Thượng tọa cho phép.» Vị Thượng tọa nên hỏi: «Chính thầy bên trong có năm pháp không?» Nếu nói không thì nên khuyên vị ấy đừng nên ngăn. Nếu nói có, thì hỏi năm pháp là những gì? Nếu vị ấy không thể nói được thì nên bảo: «Đừng ngăn.» Nếu vị ấy có thể nói được thì nên hỏi: «Thầy đã hỏi ý kiến trung tọa chưa?» Nếu vị ấy nói chưa hỏi thì nên khiến hỏi ý kiến Trung tọa.

Có vị đến trước tỳ-kheo trung tọa nói: «Tôi muốn ngăn tỳ-kheo… thuyết giới. Cúi xin trưởng lão chấp thuận.» Trung tọa nên hỏi: «Chính thầy bên trong có năm pháp không?» Nếu vị ấy nói không thì nên khuyên đừng ngăn. Nếu nói có thì nên hỏi năm pháp ấy là gì? Nếu vị ấy không thể nói được thì khiến đừng ngăn. Nếu có thể nói được thì hỏi: «Thầy đã hỏi ý kiến Thượng tọa chưa?» Nếu nói chưa thì nên bảo nên hỏi ý kiến Thượng tọa. Nếu nói đã hỏi ý kiến rồi thì nên nói: «Thầy đã hỏi ý kiến hạ tọa chưa?» Nếu vị ấy nói chưa thì bảo nên hỏi ý kiến Hạ tọa.

Có vị đến trước tỳ-kheo hạ tọa thưa: «Tôi muốn ngăn tỳ-kheo… thuyết giới, cúi xin hạ tọa chấp thuận.» Hạ tọa nên hỏi: «Chính thầy có năm pháp không?» Nếu vị ấy nói không thì khuyên đừng ngăn. Nếu nói có, thì nên hỏi năm pháp ấy là gì? Nếu vị ấy không thể nói được thì bảo đừng ngăn. Nếu có thể nói được thì nên hỏi: «Thầy đã hỏi ý kiến Thượng tọa chưa?» Nếu vị ấy nói chưa thì nên khiến hỏi ý kiến Thượng tọa. Nếu nói đã hỏi rồi thì nên hỏi: «Thầy đã hỏi ý kiến trung tọa chưa?» Nếu nói chưa thì bảo nên hỏi. Nếu nói đã hỏi rồi thì nên hỏi: «Thầy đã hỏi tỳ-kheo kia chưa?» Nếu nói chưa hỏi thì khiến hỏi.

Tỳ-kheo này nên đến chỗ tỳ-kheo kia nói: «Tôi muốn ngăn trưởng lão thuyết giới. Xin trưởng lão biết cho.» Có vị hỏi: «Bản thân thầy có đủ năm pháp không?» Nếu nói không thì nên khuyên đừng nên ngăn. Nếu nói có thì nên hỏi năm pháp ấy là gì? Nếu không thể nói được thì khuyên chớ nên ngăn. Nếu có thể nói được thì nên hỏi: «Thầy đã hỏi Thượng tọa chưa?» Nếu chưa hỏi thì bảo nên [9081a] hỏi trung tọa, hạ tọa cũng như vậy.

Tỳ-kheo ngăn nên tự quán sát: «Ta làm việc này, có tỳ-kheo đồng bạn hay không?» Nếu không có đồng bạn thì nên nói với tỳ-kheo ngăn kia rằng: «Đừng ngăn.» Nếu có đồng bạn thì nên nói: «Cần phải tùy thời.»

6. Cáo tội

Bấy giờ có trú xứ nọ, khi bố-tát có tỳ-kheo phạm tăng tàn, suy nghĩ: «Ta nên làm như thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu có trú xứ nào, tỳ-kheo phạm tội tăng tàn chúng Tăng nên trao cho ba-lợi-bà-sa.[15] Cho ba-lợi-bà-sa rồi, nếu cần cho bổn nhật trị thì cho, nên cho cho ma-na-đỏa thì cho, nên cho cho xuất tội thì cho cho xuất tội. Tác pháp như vậy rồi thì thuyết giới.»

Bấy giờ có trú xứ nọ,[16] có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề. Trong đó, có tỳ-kheo nói phạm ba-dật-đề; có người nói phạm ba-la-đề-đề-xá-ni. Tỳ-kheo kia nghĩ: «Ta nên thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu có trú xứ nào, tỳ-kheo phạm ba-dật-đề, mà có người nói phạm ba-dật-đề, có người nói phạm ba-la-đề-đề-xá-ni. Trong trường hợp đó, tỳ-kheo nào thấy là phạm ba-dật-đề thì nên hướng dẫn tỳ-kheo kia đến chỗ mắt thấy tai không nghe, bảo như pháp sám hối. Sám hối rồi đến chỗ tỳ-kheo kia nói: «Tỳ-kheo này đã như pháp sám hối tác pháp như vậy rồi thuyết giới.»

Có trú xứ nọ, có tỳ-kheo phạm thâu-lan-giá, trong khi đó có tỳ-kheo nói phạm thâu-lan-giá, có tỳ-kheo nói phạm ba-la-di. Những vị nói phạm thâu-lan-giá đều là đa văn, học A-hàm trì pháp trì luật trì ma-di, được tán trọ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương, đại thần, các ngoại đạo sa-môn, bà-la-môn. Còn những vị nói phạm ba-la-di thì cũng đều là đa văn, học A-hàm trì pháp trì luật trì ma-di, được tán trợ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, quốc vương đại thần, các ngoại đạo sa-môn bà-la-môn. Có vị khởi ý nghĩ: «Nếu nay thuyết giới, Tăng sẽ tranh cãi, phỉ báng nhau, khiến cho Tăng bị vỡ, khiến cho Tăng bị trần cấu, khiến cho Tăng chia rẽ. Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu có trú xứ nào, tỳ-kheo phạm thâu-lan-giá, có vị nói phạm thâu-lan-giá, có vị nói phạm ba-la-di. Các vị nói phạm thâu-lan-giá đều là đa văn, cho đến trì ma-di, được tán trợ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cho đến sa-môn ngoại đạo bà-la-môn. Còn những vị nói phạm ba-la-di cũng đều là đa văn, cho đến trì ma-di, được tán trợ bởi tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, cho đến sa-môn ngoại đạo bà-la-môn. Có vị khởi ý nghĩ: ‹Nếu thuyết giới hôm nay, Tăng sẽ tranh cãi, phỉ báng nhau, khiến Tăng bị vỡ, khiến Tăng bị trần cấu, khiến Tăng chia rẽ. Nếu tỳ-kheo coi vấn đề phá Tăng này là quan trọng thì không nên thuyết giới hôm nay.›»

Đức Phật dạy: «Cho phép ngăn thuyết giới.»

7. Tỳ-kheo ngăn

1. Khi nhóm sáu tỳ-kheo nghe đức Phật cho phép ngăn thuyết giới, thì liền ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới. Đức Phật dạy:

«Không nên ngăn tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới. Các ông nên lắng nghe, tuy ngăn thuyết giới nhưng không thành ngăn. Ngăn có tác nhân nhưng không căn cứ,[17] không thành ngăn. Nếu ngăn có tác nhân có căn cứ mới thành ngăn. Ngăn mà không có tác nhân không căn cứ, không thành ngăn. Ngăn mà không có tác nhân nhưng có căn cứ, cũng thành ngăn. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không tác nhân, đều không căn cứ, không thành ngăn. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không có tác nhân, thảy đều có căn cứ, thành ngăn. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không có tác nhân đều không đầy đủ, và không có căn cứ, cũng vậy. Ngăn mà vừa có tác nhân vừa không có tác nhân, đều đầy đủ, nhưng có căn cứ, cũng vậy.

2. Trong năm cách thuyết giới, khi chưa thuyết giới mà ngăn thuyết giới, không thành ngăn. Thuyết giới rồi mới ngăn thuyết giới, không thành ngăn. Khi đang thuyết giới mà ngăn thuyết giới, thành ngăn.

Nếu tỳ-kheo ngăn thuyết giới có thân hành không thanh tịnh, khẩu hành không thạnh tịnh, tà mạng, si, không khả năng nói, không khả năng biết phương tiện, không hiểu rõ vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: «Trưởng lão, thôi đi. Không cần gây nên sự tranh cãi này.» Nói như vậy rồi thuyết giới. Tỳ-kheo ngăn thuyết giới tuy có thân hành thanh tịnh, nhưng khẩu hành không thanh tịnh, tà mạng, si, không khả năng nói, không biết phương tiện, không hiểu cách vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: «Trưởng lão, thôi đi. Không cần gây nên sự tranh cãi này.» Nói như vậy rồi thuyết giới.

Tỳ-kheo ngăn thuyết giới tuy thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, nhưng tà mạng, si, không khả năng nói, không biết phương tiện, không hiểu cách vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: «Trưởng lão, thôi đi. Không cần gây nên sự tranh cãi này.» Nói như vậy rồi thuyết giới. Tỳ-kheo ngăn thuyết giới, thân hành thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, không tà mạng, có trí tuệ, có khả năng nói, biết phương tiện, rành việc vấn đáp, thì tỳ-kheo khác nên nói: «Trưởng lão ngăn tỳ-kheo này thuyết giới vì lý do gì? Vì phá giới chăng? Vì phá kiến chăng? Vì phá oai nghi chăng?» Nếu vị đó nói, ‹vì phá giới› thì nên hỏi phá những giới nào? Nếu nói, ‹phá ba-la-di› hay nói ‹phá tăng tàn›, hay ‹phá thâu-lan-giá›, như vậy mới gọi là phá giới. Nếu nói không phá giới mà phá kiến cho nên ngăn, thì nên hỏi: ‹Phá những kiến nào?› Nếu nói ‹sáu mươi hai kiến› thì đây là phá kiến. Nếu nói không phá kiến mà phá oai nghi cho nên ngăn, thì nên hỏi: ‹Phá những oai nghi nào?› Nếu nói, ‹phá ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, đột-kiết-la, ác thuyết›, như vậy mới gọi là phá oai nghi. Hỏi tiếp: ‹Do bởi đâu mà ngăn tỳ-kheo này thuyết giới? Do thấy chăng, vì nghe, nghi chăng?› Nếu nói do bởi thấy, thì nên hỏi: ‹Thấy việc gì? Thấy thế nào? Thầy ở chỗ nào? Vị ấy ở chỗ nào? Thấy những gì của ba-la-di, hay là tăng tàn, hay là ba-dật-đề, hay là ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết?› Nếu nói không thấy mà nghe, thì nên hỏi: ‹Nghe những gì? Nghe từ ai? Người ấy là tỳ-kheo hay tỳ-kheo-ni? Là ưu-bà-tắc, ưu-bà-di? Nghe chỗ nào? Tỳ-kheo này phạm ba-la-di, tăng tàn, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết?› Nếu nói không nghe, mà là nghi, thì nên hỏi: ‹Nghi việc gì? Tại sao nghi? Nghe từ ai mà nghi? là tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di? Nghi phạm việc gì? là ba-la-di, là tăng tàng, ba-dật-đề, ba-la-đề-đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết?» Tỳ-kheo ngăn thuyết giới không thể trả lời tỳ-kheo có trí tuệ trì giới nên khiến cho hoan hỷ; thì nếu vị ấy ngăn bằng pháp ba-la-di thì nên kết cho vị ấy pháp tăng tàn;[18] rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng pháp tăng tàn thì kết cho ba-dật-đề; rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng ba-dật-đề, thì nên dùng các pháp sám hối; rồi thuyết giới. Tỳ-kheo ngăn thuyết giới có thể trả lời tỳ-kheo có trí tuệ trì giới khiến hoan hỷ; thì nếu ngăn bằng ba-la-di thì phải diệt tẫn người bị ngăn; rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng tăng tàn, nên buộc cho phú tàng; rồi thuyết giới. Nếu cần cho hành bổn nhật trị thì cho hành bổn nhật trị; rồi thuyết giới. Nếu cần cho hành ma-na-đỏa thì cho hành ma-na-đỏa; rồi thuyết giới. Nếu cần cho yết-ma xuất tội thì cho xuất tội; rồi thuyết giới. Nếu ngăn bằng ba-dật-đề, thì bảo người bị ngăn như pháp sám hối; rồi thuyết giới. Nếu vì các việc khác [909a1] để ngăn, thì sám hối như pháp rồi thuyết giới.

3. Bấy giờ có trú xứ nọ khi thuyết giới, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh thuyết giới. Tỳ-kheo bệnh suy nghĩ: «Ta nên làm thế nào?» Rồi bạch các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu tỳ-kheo bệnh nào ngăn tỳ-kheo bệnh thuyết giới, thì các tỳ-kheo khác nên nói rằng, ‹Đức Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Không nên ngăn tỳ-kheo bệnh, cần phải chờ cho bệnh của Trưởng lão lành, và tỳ-kheo bệnh kia cũng lành đã. Trưởng lão nên nói như pháp.’ Tỳ-kheo kia cũng nên nói như pháp.› Nên nói như vậy rồi thuyết giới.»

Có trú xứ nọ, khi thuyết giới, tỳ-kheo bệnh ngăn tỳ-kheo không bệnh thuyết giới. Các tỳ-kheo khác nên nói, ‹Đức Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Người bệnh không nên ngăn thuyết giới. Cần chờ cho bệnh lành rồi sẽ nói như pháp.’ Vị kia cũng nên như pháp nói.› Nên nói như vậy rồi thuyết giới.»

Có trú xứ nọ, khi thuyết giới, tỳ-kheo không bệnh ngăn tỳ-kheo bệnh thuyết giới. Các tỳ-kheo khác nên nói: ‹Này Trưởng lão, đức Thế Tôn có dạy như vầy: ‘Không nên ngăn tỳ-kheo bệnh. Cần phải chờ bệnh lành rồi hỏi như pháp. Tỳ-kheo kia cũng nói như pháp.’ Nên nói như vậy rồi thuyết giới.›

4. Có trú xứ nọ số đông tỳ-kheo, ngày thuyết giới nghe có tỳ-kheo trú xứ kia ưa đấu tranh mạ lỵ, phỉ báng nhau, miệng tuôn ra lời như gươm giáo, muốn đến đây thuyết giới: «Chúng ta nên làm thế nào?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu có việc như vậy khởi lên thì nên làm hai, ba cách bố-tát bằng như: Nếu thường xuyên thuyết ngày mười lăm thì nên thuyết ngày mười bốn. Nếu thường thuyết ngày mười bốn thì nên thuyết ngày mười ba. Nếu nghe ngày nay họ đến thì nên nhanh chóng tập hợp lại một chỗ để bố-tát. Nếu nghe họ đã đến trong giới thì nên ra ngoài giới để bố-tát. Nếu họ đã vào trong Tăng-già-lam thì nên quét, lau sửa soạn nhà tắm, ghế ngồi tắm, bình nước tắm, dao cạo mồ hôi, bình nước, đồ đựng bùn, vỏ cây, thuốc bột mịn, bùn, hỏi Thượng tọa rồi nhen lửa. Khi khách tỳ-kheo vào trong nhà tắm để tắm thì tất cả tìm cách ra ngoài giới để thuyết giới. Nếu khách tỳ-kheo gọi cựu tỳ-kheo cùng thuyết giới thì nên nói là ‹Chúng tôi đã thuyết giới rồi.› Nếu cựu tỳ-kheo đã thuyết giới, khách tỳ-kheo ngăn thuyết giới, không thành ngăn. Nếu khách tỳ-kheo đang thuyết giới, cựu tỳ-kheo ngăn thuyết giới, thành ngăn. Nếu có thể làm như vậy được thì tốt. Bằng không, tác bạch hoãn ngày thuyết giới. Văn bạch như sau:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Hôm nay không thuyết giới, đến tháng tối trăng sẽ thuyết giới. Đây là lời tác bạch.»

Nên bạch như vậy để hoãn ngày thuyết giới. Nếu tỳ-kheo khách đợi chứ không đi, thì tỳ-kheo nên tác bạch lần thứ hai để hoãn ngày thuyết giới. Văn bạch như sau:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! nay Tăng không thuyết giới, đến tháng có trăng sẽ thuyết giới. Đây là lời tác bạch.»

Nên bạch lần thứ hai như vậy để hoãn ngày thuyết giới. Nếu khách tỳ-kheo không đi, đến tháng có trăng thì nên như pháp cưỡng khách tỳ-kheo cùng vấn đáp.[19]


[1] Tham chiếu, Thập tụng 33 , «Già pháp» (T23n1435 tr.239b); Ngũ phần 28, «Già bố-tát pháp» (T22n1421 tr.180c).

[2] Cầu thính, xem Phần iii. Ch. iv. Tự tứ, mục 2. Cầu thính & cht. 2. Pali okāsakata, dành cho cơ hội, hay cho phép. Cf. Mahāvagga ii (Vin.i. 114): okāsaṃ kārāpetvā āpattiṃ codetuṃ, sau khi xin phép (yêu cầu cho cơ hội) rồi cử tội.

[3] Pali, ibid., karotu āyasmā okāsaṃ, ahaṃ taṃ vattukāmo, (trước khi cử tội, phải nói) «Mong Trưởng lão cho tôi cơ hội nói chuyện với ngài.»

[4] Tác tự ngôn 作自言; có lẽ Pali: paṭiññātakaraṇa, đồng nhất với tự ngôn trị trong 7 diệt tránh. paṭiññā (tự ngôn, hay tự xưng), cũng có nghĩa là sự hứa hẹn.

[5] Nhận lời hứa của người sẽ nhận cầu thính. Xem Ch. Tự tứ, đã dẫn.

[6] Tự mình hứa với người sẽ đến cầu thính. Xem Ch. Tự tứ, đã dẫn.

[7] Tác 作; ở đây được hiểu là nguyên nhân hay lý do. Pali: kāraṇa.

[8] Vô căn 無根, Pali: avatthu (không cơ sở) Cf. Thập tụng 33: vô căn già thuyết giới 無根遮說戒. Trong năm thiên tội, không dẫn được bằng chứng nào cho một tội để ngăn thuyết giới. Ở đây, thuyết giới bị ngăn, vì cho rằng trong chúng có tỳ-kheo phạm tội mà chưa sám hối. Nhưng người ngăn không nêu được bằng chứng phạm tội.

[9] Vô căn tác bất tác 無根作不作.

[10] Thập tụng 33: Tỳ-kheo phạm ba-la-di, nhưng chưa được Tăng nêu tội. Nghĩa là, chưa bị buộc tội là phạm ba-la-di.

[11] Thập tụng 33: Tùy thuận Tăng sự như pháp.

[12] Thập tụng 33: Không khinh Tăng, tức không chối đối các quyết định như pháp của Tăng.

[13] Đoạn văn này bị gãy. Nên dẫn Thập tụng để thêm vào: «Tăng chuẩn bị đề xuất ba-la-di sự đối với một tỳ-kheo. Trong lúc đang kiểm hiệu, một trong tám nạn sau đây xảy ra… Sự việc chưa được quyết đoán, Tăng phải rời chỗ mà đi. Về sau, khi Tăng bố-tát, trước hết phải quyết đoán sự việc của tỳ-kheo này…»

[14] Tăng đang phân xử tại trú xứ này trước khi thuyết giới, gặp nạn sự dời qua trú xứ khác bố-tát, tại đó, tiếp tục phân xử.

[15] Xem cht. 4 trên.

[16] Xem mục Già Tự tứ, Chương Tự tứ.

[17] Vô căn tác; ngăn có lý do nhưng không có cơ sở. Xem cht. 7 & 8 trên.

[18] Tăng-già-bà-thi-sa 8, «Vu khống bằng ba-la-di không căn cứ.»

[19] Đại bộ phận đoạn ngăn thuyết giới nầy tương tự với ngăn tự tứ. Xem Chương Tự tứ, mục «Già tự tứ.»

    Xem thêm:

  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Tán Duyên Khởi - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 4. Thất Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 10. Chiêm Ba - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 5. Ba La Đề Đề Xá Ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 3. Ngũ Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 7. Thức-xoa-ca-la-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 2. Tăng-già-bà-thi-sa - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 1. Ba-la-di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 17. Tỳ Kheo Ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 5. Da Thuộc - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 3. Bất Định - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 1. Phòng Xá - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 4. Ba-dật-đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 5. Điều Độ - Luật Tạng