TỨ PHẦN LUẬT 四分律

Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.  
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng 
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng 

—o0o—

CHƯƠNG V: DA THUỘC

I. NHÂN DUYÊN THỦ-LUNG-NA

1. Hai bàn chân

[843b12] Một thời, đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Bấy giờ tại thành Chiêm-ba[1] có con ông đại trưởng giả, tự là Thủ-lung-na.[2] Cha mẹ của Thủ-lung-na chỉ sanh được một con nên rất thương yêu. Từ nhỏ đến lớn quen sống vui sướng, chân chưa từng dẫm lên đất để đi, dưới bàn chân mọc lông. Vua nước Ma-kiệt[3] nghe trong thành Chiêm-ba có con ông đại trưởng giả, tự là Thủ-lung-na. Cha mẹ của Thủ-lung-na chỉ sanh được một con nên rất thương yêu. Từ nhỏ đến lớn quen sống vui sướng, chân chưa từng dẫm lên đất để đi, dưới bàn chân mọc lông. Vua muốn được thấy, liền ra lệnh cho ông chủ thành Chiêm-ba[4] bảo các trưởng giả đều đem con của mình đến chỗ nhà Vua. Ông chủ thành Chiêm-ba ra lịnh các ông trưởng giả đem con của họ đến chỗ Vua Ma-kiệt. Khi đến nơi, họ đảnh lễ sát chân nhà Vua, rồi đứng qua một bên, tâu với Vua:

«Đại vương muốn thấy con của các đại trưởng giả trong thành Chiêm-ba. Đây là một đứa từ nhỏ đến lớn quen theo sống sung sướng, cha mẹ rất thương yêu, chân chưa từng dẫm lên đất để đi, dưới bàn chân mọc lông. Xin Vua cho phép dùng vải trải trên đất.»

Vua cho phép lấy vải trải trên đất. Con ông trưởng giả có tên Thủ-lung-na liền dùng vải trải trên đất, bước đến chỗ nhà Vua, đầu mặt kính lễ. Nhà Vua thấy dưới bàn chân mọc lông. Lòng Vua rất hoan hỷ, liền ban cho[5] những lợi ích trong đời hiện tại và nói:

«Ta đã cho các ngươi những lợi ích trong đời hiện tại. Đức Thế Tôn hiện ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá. Các ngươi có thể đến đó để chiêm ngưỡng và lễ bái hỏi chào Ngài. Ngài sẽ cho ngươi những điều có lợi ích cho đời sau.»

Bấy giờ, chủ thành Chiêm-ba và các trưởng giả nghe Vua nói, rồi cùng nhau đến trong núi Kỳ-xà-quật. Lúc ấy Trưởng lão Ta-kiệt-đà[6] là thị giả của Phật, đang ngồi trên tảng đá lớn ở một chỗ nọ. Ông chủ thành Chiêm-ba đến chỗ trưởng lão Ta-kiệt-đà, hỏi:

«Hiện nay đức Thế Tôn ở đâu? Chúng tôi muốn diện kiến đức Như Lai.»

Ta-kiệt-đà bảo:

«Chờ một chút! Trưởng giả hãy để tôi bạch Phật.»

Trưởng lão Ta-kiệt-đà liền biến mất khỏi tảng đá, trong khoảnh khắc như đại lực sĩ co duỗi cánh tay, đến trước đức Phật, bạch:

«Trưởng giả Chiêm-ba muốn diện kiến đức Thế Tôn.»

Phật bảo:

«Ông đến nơi nhà mát trải chỗ ngồi. Ta sẽ đến đó.»

Ta-kiệt-đà vâng lời dạy, trải chỗ ngồi xong, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên bạch:

«Con đã trải chỗ ngồi xong. Bây giờ là phải thời.»

Đức Thế Tôn từ trong nhà bước ra, đến ngồi vào chỗ ngồi đã trải sẵn, bảo Ta-kiệt-đà:

«Mời trưởng giả Chiêm-ba đến!»

Trưởng lão Ta-kiệt-đà liền biến mất trước đức Phật, trong khoảnh khắc như kẻ lực sĩ co duỗi cánh tay, đã có mặt nơi tảng đá.

Ông trưởng giả thấy liền khen:

«Thật chưa từng có! Đệ tử đức Thế Tôn thần túc còn như thế, huống là đức Như Lai.»

Ta-kiệt-đà nói:

«Thưa Trưởng giả. Bây giờ là phải thời.»

Ông chủ thành Chiêm-ba đến chỗ đức Phật, đầu mặt kính lễ rồi lui ra ngồi một bên. Đức Thế Tôn liền vì ông chủ thành Chiêm-ba và các con trưởng giả phương tiện nói pháp. Ngài nói pháp về bố thí, về trì giới, về sanh thiên. Họ liền ngay trên chỗ ngồi mà được sự thanh tịnh của con mắt pháp, thấy pháp đắc pháp, đạt được quả chứng, không còn thối lui; bạch Phật rằng:

«Đại đức, chúng con từ nay về sau, xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn nhận chúng con làm người ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sanh, cho đến không uống rượu.»

Con ông trưởng giả có tên Thủ-lung-na ngồi trong đám đông, nghĩ rằng: «Ta nghe lời Phật dạy, ở tại gia cùng vợ con khó tu hạnh thanh tịnh. Nay ta nên theo Phật, xin cạo bỏ râu tóc, xuất gia làm đạo.» Rồi có ý chờ mọi người giải tán.

Bấy giờ chủ thành Chiêm-ba nghe đức Phật phương tiện nói các pháp, sanh tâm đại hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ, nhiễu quanh đức Phật và cáo lui. Con ông trưởng giả tên là Thủ-lung-na trở lại, đến chỗ đức Phật, đầu mặt làm lễ, rồi lui ra đứng một bên, bạch đức Thế Tôn:

«Con vừa nghe Phật nói, nếu ở tại gia cùng vợ con khó có thể tu hạnh thanh tịnh. Nay con muốn theo đức Thế Tôn, xin cạo bỏ râu tóc, cho con xuất gia làm đạo.»

Đức Phật hỏi Thủ-lung-na.

«Cha mẹ ông đã cho phép chưa?»

Thủ-lung-na thưa:

«Thế Tôn, cha mẹ con chưa cho phép.»

Đức Phât [844a1] dạy:

«Nếu cha mẹ con không cho phép, Như Lai không nhận con xuất gia.»

Thủ-lung-na thưa:

«Con sẽ tìm cách để cha mẹ con cho phép.»

Đức Phật dạy:

«Nay phải thời.»

Bấy giờ Thủ-lung-na trở lại thành Chiêm-ba, đến chỗ cha mẹ thưa:

«Con vừa nghe Phật nói, sống tại gia cùng vợ con không thể tu hạnh thanh tịnh được. Nay con muốn theo Phật cạo bỏ râu tóc để xuất gia hành đạo. Xin cha mẹ cho phép.»

Cha mẹ Thủ-lung-na nói:

«Phép xuất gia quá khó. Làm sa-môn cũng không phải dễ. Chi bằng con sống tại gia, vui với ái dục, tuỳ ý làm việc phước. Khỏi phải xuất gia.»

Thủ-lung-na nghe cha mẹ nói như vậy, vẫn cố xin lần thứ hai, lần thứ ba như vậy, chứ không chịu thôi. Thủ-lung-na ba lần thưa xin cha mẹ như vậy, cha mẹ vẫn không cho. Bấy giờ, Thủ-lung-na liền từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi ngồi xuống đất và nói:

«Từ nay trở đi, con không tắm rửa, không thoa hương thơm, không uống nước, không ăn. Hoặc chết, hoặc xuất gia.»

Một ngày không ăn, cho đến năm ngày không ăn. Bà con, bạn bè của Thủ-lung-na nghe Thủ-lung-na muốn theo Phật cạo bỏ râu tóc, xuất gia làm đạo mà cha mẹ không cho, đã không ăn cho đến năm ngày. Các bà con thân quen của Thủ-lung-na bèn đến chỗ Thủ-lung-na, nói:

«Đứng dậy đi, Thủ-lung-na. Hãy đi tắm, thoa hương thơm, ăn uống, làm việc phước đức theo ý muốn. Chứ xuất gia không phải dễ. Làm sa-môn cũng rất khó. Thôi đi, đừng xuất gia nữa.»

Thủ-lung-na nghe các bà con thân quen nói như vậy, vẫn giữ nguyên ý nguyện. Bấy giờ các bạn của Thủ-lung-na đến chỗ cha mẹ của Thủ-lung-na nói:

«Hãy cho Thủ-lung-na xuất gia làm đạo. Nếu vui sống xuất gia thì còn thường gặp. Nếu không vui xuất gia nữa, sẽ trở về lại. Chứ nếu để Thủ-lung-na chết thì làm sao?»

Cha mẹ Thủ-lung-na nghe xong liền nói:

«Thôi thì tùy ý xuất gia.»

Thủ-lung-na nghe cha mẹ cho phép rồi, trong lòng tự nghĩ: «Nay ta gầy yếu thế này không kham ngày ăn một bữa. Cần phải bồi dưỡng một chút.» Khi Thủ-lung-na có ít nhiều sức khỏe, liền đến chỗ cha mẹ thưa:

«Nay con xin đi xuất gia.»

Cha mẹ nói:

«Nay hợp thời.»

Thủ-lung-na liền đến chỗ đức Thế Tôn trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá, đầu mặt kính lễ rồi đứng qua một bên, bạch Phật:

«Cha mẹ con đã cho con xuất gia làm đạo. Cúi xin Phật độ cho con, được thọ đại giới.»

Đức Phật liền cho xuất gia thọ đại giới.

Bấy giờ cha mẹ Thủ-lung-na, trong khoảng cách giữa hai thành, thiết lập bảy trạm ngựa để mang thức ăn còn nóng đến Thủ-lung-na cho kịp thời. Đến giờ, Thủ-lung-na đem thức ăn này cúng dường các Thượng tọa, rồi tự mình vào thành khất thực. Cha mẹ Thủ-lung-na nghe con mình đem thức ăn này dâng cúng cho các tỳ-kheo, rồi tự mình khất thực, nên từ đó về sau không đưa thức ăn nữa.

2. Giây đàn căng

Bấy giờ, Thủ-lung-na đến ở bên sông Ôn thủy, trong rừng Thi-đà,[7] siêng năng tinh tấn kinh hành, đến độ bàn chân rỉ máu, khiến chỗ kinh hành đất dính đầy máu như chỗ lò sát sanh. Thủ-lung-na ở chỗ vắng tư duy như vầy: «Nay ta siêng năng tinh tấn, trong hàng đệ tử của đức Phật không có ai hơn. Tại sao không được vô lậu giải thoát? Gia đình ta có của cải, có thể vui sống, tuỳ ý làm việc phước đức. Hay là ta xả giới về nhà, không tiếp tục làm đạo nữa.»

Bấy giờ đức Thế Tôn biết tâm niệm đó của Thủ-lung-na nên trong khoảnh khắc như người lực sĩ co duỗi tay, từ Kỳ-xà-quật đến rừng Thi-đà, thấy chỗ kinh hành đất dính máu như lò sát sanh. Ngài biết mà vẫn hỏi các tỳ-kheo:

«Ai kinh hành nơi đây mà đất dính máu, như chỗ lò sát sanh thế này?»

Các tỳ-kheo bạch Phật:

«Tỳ-kheo Thủ-lung-na siêng năng tinh tấn kinh hành, bàn chân rỉ máu, nên đất dính máu như vậy.»

Đức Phật bảo kêu Thủ-lung-na đến. Tỳ-kheo vâng lời dạy của đức Phật đến chỗ Thủ-lung-na nói:

«Đức Thế Tôn bảo kêu Thầy đến.»

Thủ-lung-na nghe đức Phật kêu liền đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi lui ra ngồi một bên. Đức Phật biết mà vẫn cố hỏi:

«Vừa rồi ở nơi chỗ vắng ông nghĩ như vầy: ‹Nay ta siêng năng tinh tấn, trong hàng đệ tử của đức Phật không có ai hơn. Tại sao không được vô lậu giải thoát? Gia đình ta có của cải, có thể vui sống, tuỳ ý làm việc phước đức. Hay là ta xả giới về nhà, không tiếp tục làm đạo nữa.› Có thật vậy chăng?»

«Kính bạch đức Thế Tôn, có thật như vậy.»

Đức Thế Tôn nói:

«Nay Ta hỏi ông. Cứ tuỳ ý mà trả lời. Khi ông còn ở nhà, có hay chơi đàn không?»

«Bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy, lúc còn ở nhà con hay chơi đàn.»

«Này Thủ-lung-na, khi dây đàn căng quá thì âm thanh có tốt hay không?»

«Bạch Đức Thế Tôn, không.»

«Này Thủ-lung-na, khi dây đàn chùng, âm thanh có tốt hay không?»

«Bạch Đức Thế Tôn, không.»

«Này Thủ-lung-na, khi dây đàn không chùng không căng quá, thì âm thanh có tốt hay không?»

«Kính bạch Đức Thế Tôn, âm thanh tốt.»

Đức Thế Tôn nói:

«Cũng vậy, này Thủ-lung-na, nếu tinh tấn quá thì bị chao động. Ít tinh tấn thì sanh biếng nhác. Nên tinh tấn vừa phải đối với các căn.»[8]

Thủ-lung-na nghe đức Phật lược nói giáo giới rồi, một mình ở nơi chỗ vắng siêng năng tinh tấn, tâm không phóng dật, đầu đêm, sau đêm kỉnh giác lòng mình, tu hành pháp trợ đạo, để đạt mục đích của người xuất gia, không bao lâu đắc quả, ngay trong đời này mà chứng đắc vô thượng tịnh hạnh, biết rằng, ‹Sự sanh đã dứt; phạm hạnh đã vững; điều cần làm đã làm xong; không còn tái sinh đời sau nữa.› Thủ-lung-na đắc đạo A-la-hán.

3. Sáu tín giải

Khi Thủ-lung-na đắc đạo A-la-hán rồi, đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên bạch Phật:[9]

«Nếu có tỳ-kheo đạt được A-la-hán rồi, dứt sạch các hữu lậu, vị ấy an lạc trong sáu trường hợp:[10] an lạc với xuất ly, an lạc nơi sự không sân hận, an lạc nơi đời sống tịch tĩnh, an lạc nơi sự diệt tận ái dục, an lạc nơi sự diệt tận thủ uẩn, an lạc nơi sự không si. Nếu có tỳ-kheo đạt được A-la-hán, sạch các hữu lậu, vị ấy an lạc nơi sáu xứ này. Bạch đức Thế Tôn, có trường hợp nào không y nơi tín mà được xuất ly hay chăng?»

«Không nên có ý nghĩ là không y trên tín mà có an lạc nơi sự xuất ly để đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si.»[11]

«Bạch Đức Thế Tôn, có trường hợp nào, không y vào trì giới mà được an lạc nơi sự không sân nhuế hay chăng?»[12]

«Không nên có ý nghĩ là không y vào trì giới mà có an lạc nơi sự không sân nhuế để đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si.»

«Bạch Thế Tôn, có trường hợp nào, không đoạn các lợi dưỡng mà có an lạc nơi sự tịch tĩnh[13] hay chăng?»[14]

«Không nên có ý nghĩ là không đoạn lợi dưỡng mà có an lạc sự tịch tĩnh để đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si.

«Vị kia do có sự an lạc nơi ái tận, an lạc nơi sự diệt tận thủ uẩn, an lạc nơi vô si mà đạt được đạo A-la-hán, dứt sạch hữu lậu, diệt tận dục, vô dục, diệt tận nhuế, không còn nhuế, diệt tận si, vô si.

«Tỳ kheo như vậy tâm giải thoát hữu lậu, đối với sắc được nhận thức nhiều bởi con mắt, huệ giải thoát, tâm giải thoát, cả hai đều không nhiễm ô. Thức không cùng với tạp sắc, trú thiền thứ tư. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy.

«Bạch Thế Tôn, cũng như núi đá lớn nguyên vẹn, không bị sứt, không không bị thủng, không kẻ nứt. Nếu từ phương đông có trận mưa to gió lớn đưa đến thì núi này không bị di chuyển, không bị lay động. Từ phương nam, tây, bắc cũng như vậy. Cũng vậy, bạch đức Thế Tôn, nếu tỳ-kheo được đạo A-la-hán, tâm được giải thoát, dứt sạch các hữu lậu, đối với sắc được nhận thức nhiều bởi con mắt, huệ giải thoát, tâm [845a1] giải thoát, cả hai đều không nhiễm ô, thức không cùng với tạp sắc, trú thiền thứ tư. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy.»

Nói như vậy rồi nói kệ:

Người tin tưởng xuất ly,

Tỳ-kheo ưa vắng lặng,

Ưa thích không sân nhuế,

Và an lạc nơi ái tận,

An lạc không thủ uẩn,

Tâm không còn ngu si,

Xét biết không khởi nữa;

Từ đây được giải thoát.

Chính nhờ giải thoát này

Liền được tâm tĩnh lặng.

Đã đạt được vô quán,

Không còn gì phải làm.

Thí như hòn núi lớn

Gió không thể hoại được.

Sắc, thanh cũng như vậy,

Cùng hương, vị, xúc, pháp;

Đối với pháp thiện ác,

Kẻ trí không dao động

Tâm an trụ giải thoát,

Mà quán sự diệt tận.[15]

Thủ-lung-na sau khi nói bài kệ như vậy, được đức Phật ấn chứng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước đức Phật kính lễ sát chân rồi cáo lui.

Thủ-lung-na ra đi không lâu, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Nên tự ghi nhận như vầy về sự đắc đạo. Chỉ nói về nghĩa, chứ không nói thẳng là đã đắc. Đừng nên như những tỳ-kheo ngu si kia hoan hỷ tự ghi nhận, rồi sau không có sở đắc, luống tự khổ nhọc.»

Một hôm, Thủ-lung-na đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi lui ngồi qua một bên, đức Phật bảo Thủ-lung-na:

«Bình sanh của ông quen sung sướng, không quen đi bộ. Cho phép ông ở trong chùa mang dép một lớp.»

Thủ-lung-na liền bạch Phật:

«Con đã xả bỏ năm cỗ voi chúa, xuất gia làm đạo. Nay nếu con mang giày một lớp không khỏi có người cười rằng, Thủ-lung-na bỏ năm cỗ voi chúa, xuất gia làm đạo, lại tham dép một lớp. Nếu đức Thế Tôn cho phép các tỳ-kheo dùng thì con mới dùng.»

Đức Phật im lặng chấp nhận và do nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, ưa xuất ly, rồi bảo các tỳ-kheo:

«Vì hộ thân, hộ y, hộ ngọa cụ, cho phép khi ở trong chùa được mang dép một lớp.»

Bấy giờ các tỳ-kheo mang dép một lớp, không bao lâu bị lủng hư. Đức Phật cho dùng vỏ cây hoặc da vá lại, dùng chỉ để may. Nếu bị đứt thì nên dùng gân hay lông may lại. Bấy giờ cần dùi để dùi, tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật cho phép sử dụng dùi để dùi.[16]


II. NHÂN DUYÊN ỨC NHĨ

1. Tăng già biên địa

Bấy giờ Đại Ca-chiên-diên ở trong sườn núi Câu-lưu Hoan hỷ[17] tại nước A-bàn-đề,[18] cùng với Ức Nhĩ ưu-bà-tắc,[19] có cả người sai khiến.[20]

Bấy giờ, Ức Nhĩ lòng tự nghĩ rằng:

«Như lời Phật dạy, nếu ta sống tại gia cùng với vợ con, không thể tu hạnh thanh tịnh được. Ta hãy cạo bỏ râu tóc xuất gia làm đạo.»

Ức Nhĩ liền đến chỗ Đại Ca-chiên-diên thưa:

«Con nghe lời Phật dạy, nếu sống tại gia cùng với vợ con, không thể tu hạnh thanh tịnh được. Cúi xin Đại đức cho con xuất gia thọ đại giới.»

Ca-chiên-diên nói:

«Xuất gia là việc rất khó. Làm sa-môn cũng không phải là dễ. Ông nên sống tại gia, hộ trì Phật giới, tùy theo thời tu hành theo lời Phật dạy.»

Ức Nhĩ thưa xin ba lần. Đại Ca-chiên-diên thấy Ức Nhĩ ân cần ba phen, bèn cho xuất gia, nhưng đến ba năm mới được thọ đại giới. Tại sao vậy? Bởi vì không đủ Tăng gồm mười vị. Ức Nhĩ thọ giới chưa bao lâu liền đắc đạo A-la-hán. Tự ghi nhận sự đắc đạo như trước đã nói.

Bấy giờ Ức Nhĩ nghe đức Phật có công đức tướng hảo trang nghiêm, các căn tịch tịnh, vô thượng điều phục, như tượng vương, như vực suối trong vắt, người nghe đều hoan hỷ. Ức Nhĩ muốn đến yết kiến đức Phật nên đến chỗ Ca-chiên-diên thưa:

«Con nghe công đức của Phật như vậy, muốn đến yết kiến Như Lai, bậc Vô sở trước, Đẳng chánh giác.»

Ca-chiên-diên nói:

«Công đức của Phật như lời ông nói.»

Ca-chiên-diên nói tiếp:

«Ông nhơn danh tôi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, thăm hỏi Thế Tôn: ‹Thế Tôn đi đứng khỏe mạnh không? Ít bịnh, an lạc không?› Rồi ông đem năm việc sau đây đến bạch đức Thế Tôn:

«1. Tại nước A-thấp-bà A-bàn-đề ít Tỳ-kheo, nên thọ đại giới khó khăn, ba năm mới tổ chức được.[21] Tại sao như vậy? Vì không đủ Tăng mười vị. Từ nay về sau, cúi xin đức Thế Tôn phương tiện khai cho thế nào để nước A-thấp-bà A-bàn-đề được thọ đại giới dễ dàng.

«2. A-thấp-bà A-bàn-đề nhiều chông gai, sỏi đá; giày dép một lớp dễ bị hư rách. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép mang giày dép hai lớp.

«3. A-thấp-bà A-bàn-đề người đời ưa tắm. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép tỳ-kheo thường thường tắm rửa.

«4. Như các phương khác có những loại ngọa cụ tốt như y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu[22] như vậy. Nước A-thấp-bà A-bàn-đề cũng dùng da làm ngọa cụ như da sơn dương, da cừu, da hươu.[23] Cúi xin đức Thế Tôn cho phép được dùng ngọa cụ bằng da.

«5. Có tỳ-kheo đến địa phương khác. Sau đó, trú xứ cũ được y,[24] không dám nhận; vì sợ phạm ni-tát-kỳ. Cúi xin đức Thế Tôn phương tiện khai cho được nhận.»

Tỳ-kheo Ức Nhĩ nghe Đại Ca-chiên-diên nói, im lặng thọ trì, từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt kính lễ, nhiễu quanh rồi cáo lui. Ức Nhĩ nghe đức Thế Tôn ở trong núi Kỳ-xà-quật, thành Vương-xá. Ức Nhĩ mang đầy đủ ba y và bát đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên, đức Phật liền ủy lạo bằng cách hỏi:

«Trụ chỉ có được an lạc hay không? Có vất vả vì sự ăn uống không ?»

Ức Nhĩ bạch Phật, trụ chỉ được an lạc, không bị vất vả bởi thức ăn. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

«Sửa soạn chỗ cho các tỳ-kheo nghỉ.»

Tôn giả A-nan tự biết, theo thường pháp của đức Thế Tôn, là muốn cho khách tỳ-kheo cùng nghỉ với Ngài, nên mới bảo A-nan sửa soạn. Tôn giả vâng lời Phật dạy, vào trong phòng nơi đức Phật nghỉ, sửa soạn một chỗ ngồi đối diện với chỗ ngồi của Ngài. Rồi trở lại chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, bạch đức Thế Tôn:

«Con đã sửa soạn chỗ cho khách tỳ-kheo nghỉ xong. Con xin phép được mời khách vào.»

Đức Thế Tôn liền đứng dậy vào phòng, đến chỗ ngồi. Ức Nhĩ cùng vào phòng với đức Phật, ngồi vào chỗ ngồi đối diện. Đức Thế Tôn ngồi tĩnh lặng trong giây lát, rồi bảo Ức Nhĩ:

«Ông có thể nói pháp không?»

Ức Nhĩ nghe lời Phật dạy, bèn ở trước đức Phật, nói «Mười sáu cú nghĩa»,[25] không thêm, không bớt, không hoại, âm thanh trong trẻo, chương cú thứ tự rõ ràng có thể hiểu được. Bấy giờ, đức Thế Tôn nghĩ: ‹Hay thay, tỳ-kheo này nói kinh pháp mười sáu cú nghĩa, không tăng, không giảm, không hư hoại, âm thinh trong trẻo, thứ tự chương cú rõ ràng, có thể hiểu được.› Đức Phật hỏi Ức Nhĩ:

«Trước đây ông làm gì?»

Ức Nhĩ thưa:

«Từ lâu, con thấy dục là tai hại. Nhưng thọ giới được thì rất khó. Phải đợi đến ba năm. Vì sao vây? Vì không đủ chúng mười vị.»

Ức Nhĩ nghĩ rằng nay đã đúng lúc bạch lên đức Thế Tôn năm việc mà Hòa thượng Ca-chiên-diên dặn. Ức Nhĩ bạch Phật:

«Hòa thượng Ca-chiên-diên của con dặn con nhơn danh người đê đầu đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn và xin được vấn an sức khỏe Thế Tôn: ‹Thế Tôn đi đứng khỏe mạnh không? Ít [846a1] bịnh, an lạc không?› »

Rôi Ức Nhĩ trình bày năm việc như trên lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn chấp thuận bằng sự im lặng.

Sáng sớm hôm sau, đức Phật dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu đà, oai nghi tề chỉnh, thiểu dục tri túc, ưa nơi không nhàn, và bảo các tỳ-kheo:

«Cho phép nước A-thấp-bà A-bàn-đề có người thứ năm là người trì luật[26] thì được thọ đại giới. Các nơi khác gặp trường hợp như vậy cũng cho phép. Nơi khác là: phương Đông có nước tên là Bạch mộc điều;[27] ngoài nước ấy thì được phép. Phương Nam có tháp tên là Tĩnh thiện,[28] ngoài tháp ra thì được phép. Phương Tây có Quốc sơn tên là Nhất-sư-lê Tiên nhơn chủng,[29] ngoài núi ra thì được phép. Phương Bắc có nước tên là Trụ,[30] ngoài ra thì được phép. Ngoài các nơi như trên nếu có người thứ năm là người trì luật thì được phép thọ giới.

«Cho phép nước A-thấp-bà A-bàn-đề mang giày dép hai lớp.

«Cho phép nước A-thấp-bà A-bàn-đề thường xuyên được tắm rửa.

«Cho phép nước đó trải da của loài sơn dương, cừu, da hươu làm ngọa cụ.

«Cho phép các tỳ-kheo nhận được y đủ mười ngày. Quá hạn nên xả. Xả rồi sám hối.»

2. Những quy định về da thuộc

i. Quy định chung về giày dép

Bấy giờ, có tỳ-kheo nhận được đôi dép vá bằng da; khi ở cách Phật không xa, bèn xé lột ra cho hư hoại, vì sợ phạm mang dép hai lớp. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi tỳ-kheo ấy:

«Sao ông xé đôi dép cho hư hoại?»

Vị tỳ-kheo thưa:

«Vì con sợ phạm giới mang dép hai lớp.»

Đức Phật dạy:

«Giày dép bị lủng hư, được phép vá hai lớp.»

Các tỳ-kheo nhận được loại da chưa thuộc. Đức Phật dạy:

«Cho phép thuộc da cho mềm. Hoặc tự mình làm cho nó mềm, hoặc nhờ người làm cho mềm rồi mới cắt làm giày dép một lớp.»

Cần dao, Phật cho phép chứa dao. Cần ván, Phật cho phép chứa ván. Cần gân, cần lông, cần chỉ da… đức Phật đều cho phép chứa. Cần kéo, đức Phật cho phép chứa kéo. Dao lụt, cho phép mài, cho phép chứa đá mài.

Bấy giờ, các tỳ-kheo để rải rác dao, dùi, gân, lông, chỉ da, kéo, không có chỗ cất. Đức Phật dạy:

«Cho phép làm cái túi để đựng. Hoặc lấy tre đan thành lồng; hoặc lấy vỏ cây làm thành cái lồng. Cho phép dùng đãy bằng lông bọc bên ngoài. Có thể dùng một trong mười loại vải để làm cái đãy.

Các tỳ-kheo dùng da để làm. Đức Phật dạy:

«Không được dùng da làm.»

Các tỳ-kheo để y mới trên giày dép rồi ngồi, làm bẩn y. Đức Phật dạy:

«Không được để y mới lên trên giày dép rồi ngồi lên trên. Các tỳ-kheo cũng không được ngồi trên da. Trừ nước A-thấp-bà A-bàn-đề.»

Các tỳ-kheo đem giày dép để ở trước rồi ngủ, chó ngậm đem đi. Đức Phật dạy:

«Không được để giày dép ở trước rồi ngủ. Nên lấy cỏ phủ lại. Hoặc úp hai đế lại với nhau rồi để dưới ni-sư-đàn.»

Tỳ-kheo đem giày dép để một bên rồi ngủ. Khi lăn qua, nằm trên giày dép, với tâm cẩn thận nghĩ, sợ phạm tội nằm ngủ trên da. Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Có tỳ-kheo đem giày dép để trong bình bát mang đi. Tỳ-kheo khác thấy, nhờm gớm. Đức Phật dạy:

«Không nên để giày dép trong bình bát. Nên giữ bát cho sạch sẽ.»

Có tỳ-kheo một tay cầm cả giày dép và bình bát. Tỳ-kheo khác thấy, nhờm gớm. Đức Phật dạy:

«Không được một tay cầm cả giày dép và bình bát. Nên một tay cầm bình bát, một tay xách giày dép.»

Các tỳ-kheo lội qua nước bùn, vén y không được. Y rớt trong nước bùn. Đức Phật dạy:

«Cho phép dùng ngón tay móc giày dép. Bình bát để trong bàn tay. Một tay vén y.»

ii. Các loại da

Các tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la, du hành trong nhơn gian. Đến nơi thôn không có trú xứ tỳ-kheo. Nghỉ đêm tại nhà ông thợ làm đồ gốm, gần bên chỗ nhồi bùn có da thú. Tỳ-kheo ngủ bên trên, sáng ngày mới thấy, sợ phạm ngủ trên da. Đức Phật dạy:

«Không phạm.»

Nhóm sáu tỳ-kheo tích trữ loại da lớn[31] như sư tử, cọp, beo, rái cá, mèo rừng, ca-la,[32] cáo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được chứa tất cả da lớn.»

Nhóm sáu tỳ-kheo ngồi trên giường cao lớn, hoặc ngồi một mình trên giường dây, giường cây, giường ngà voi, trải bằng da ngựa, da voi; đệm bông, ngọa cụ tạp sắc, cù lâu,[33] dùng các loại lông con rái cá độn làm nệm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được ngồi trên giường cao lớn, cho đến dùng lông con rái cá độn làm nệm.»

Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ trải giường cao rộng tốt đẹp cho tỳ-kheo, mời tỳ-kheo ngồi. Các tỳ-kheo nói:

«Đức Phật không cho phép chúng tôi ngồi trên giường cao lớn.»

Các bạch y thưa:

«Chúng con đâu có cái giường nào khác.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép ngồi. Trừ loại giường bằng vật báu, ngoài ra, nơi nhà bạch y, được phép được ngồi.»

Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ vì tỳ-kheo trải giường bằng da, giường đơn.[34] Các tỳ-kheo e ngại không dám ngồi, nghĩ rằng: ‹Đức Phật không cho chúng ta ngồi trên da thú, trừ tại nước A-thấp-bà A-bàn-đề.› Các bạch y thưa:

«Chúng con không có cái giường nào khác.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép nơi nhà bạch y được ngồi.»

Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ trải giường dây, giường cây dài. Các tỳ-kheo e ngại không dám ngồi vì Phật không cho phép họ và thượng tọa cùng ngồi trên một giường. Các bạch y thưa:

«Chúng con không đủ chỗ cho mỗi vị ngồi riêng một giường.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép nơi nhà bạch y được ngồi chung.»

Các tỳ-kheo đến nhà bạch y. Họ trải đãy bằng da. Tỳ-kheo có tâm e ngại, nghĩ rằng: ‹Đức Phật không cho phép ngồi trên da.›

Các cư sĩ thưa:

«Chúng con không có chỗ ngồi nào khác.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép nơi nhà bạch y được ngồi.»

Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử có đàn-việt là một người chăn bò. Sáng sớm, Bạt-nan-đà khoác y đến nhà đàn-việt, trải chỗ ngồi. Lúc đó, người chăn bò đến ngồi nghe pháp. Bạt-nan-đà Thích tử khéo léo vì ông nói pháp, dùng mọi phương tiện khuyến hóa người đàn-việt khiến rất hoan hỷ, nên hỏi:

«Đạt đức cần gì?»

Bạt-nan-đà nói:

«Thôi. Tôi không cần gì. Như thế là cúng dường rồi.»

Người đàn-việt lại thưa:

«Xin Thầy cần gì cứ nói.»

Bạt-nan-đà nói:

«Thôi, tôi không cần gì. Tôi có nói ra cũng không đáp ứng được đâu!»

Người đàn-việt nói:

«Đại đức cứ nói, con sẽ dâng cúng.»

Cách đó không xa có một con bê khoang, Bạt-nan-đà nói:

«Tôi cần loại da đó.»

Người đàn-việt thưa:

«Xin ngài đợi một chút, để con giết nó đã.»

Người ấy liền giết con bê, lột da cúng cho Bạt-nan-đà. Bạt-nan-đà nhận được da rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy mang đi. Con bò mẹ rống la thống thiết, đi theo Bạt-nan-đà đến cửa Kỳ-hoàn. Các tỳ-kheo thấy hỏi:

«Con bò này tại sao rống la và đi theo thầy?»

Bạt-nan-đà nói:

«Đây là da của con nó. Tôi mang về nên nó đi theo.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được xin da sống. Nếu xin, sẽ như pháp trị.»

iii. Các vật dụng bằng da

1. Các tỳ-kheo e ngại không dám đeo phao nổi qua sông. Đức Phật dạy:

«Được phép.»

Các tỳ-kheo nắm đuôi trâu lội qua sông. Khi qua khỏi sông mới biết là trâu cái nên e ngại. Đức Phật dạy:

«Không phạm. Tuy nhiên, từ nay về sau, không nên nắm đuôi trâu cái qua sông.»

Các tỳ-kheo không dám ngồi trên thảm bằng da để qua sông. Đức Phật dạy:

«Được phép ngồi.»

Các tỳ-kheo e ngại không dám ngồi trên thuyền bằng da để qua sông. Đức Phật dạy:

«Cho phép được ngồi trên thuyền bằng da để qua sông. Hoặc ngồi hay nằm tùy ý.»

2. Các tỳ-kheo dùng da làm đãy đựng dao, không dùng vật gì bao phủ dao lại nên bị hư. Đức Phật dạy:

«Nên dùng lông mịn hoặc kiếp-bối hay da lớn bao phủ dao lại.»

Các tỳ-kheo chứa giày dép da hai lớp. Đức Phật dạy:

«Không được chứa giày dép da hai lớp.»

Các tỳ-kheo chứa giày dép da ca-na-phú-la.[35] Đức Phật dạy:

«Không được chứa giày dép da ca-na-phú-la.»

Tỳ-kheo cùng với bạch [847a1] y nước Câu-tát-la cùng đi trên đường, bị vật nhọn đâm chảy máu dưới chân rất trầm trọng, không thể đi được. Bạch y thấy vậy liền đưa giày dép mình mang cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo e ngại phạm xử dụng giày dép da ca-na-phú-la nên không dám nhận. Đức Phật dạy:

«Có nhân duyên như vậy thì cho phép thọ dụng.»

Nhóm sáu tỳ-kheo chứa giày dép bằng sừng xoay.[36] Đức Phật dạy:

«Không được chứa giày dép bằng sừng xoay.»

Các tỳ-kheo chứa giày dép bằng sừng nai. Đức Phật dạy:

«Không được chứa giày dép bằng sừng nai.»

Các tỳ-kheo chứa giày dép a-la-lê.[37] Đức Phật dạy:

«Không được chứa như vậy.»

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng da nhiều màu làm dây cột giày dép. Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng bố bằng lụa làm dây cột giày dép. Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo chứa giày dép phú-la-bạt-đà-la.[38] Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép chơn-thệ-lê.[39] Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép bện hai bên.[40] Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép có nhiều dây. Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép hình cuốn.[41] Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép bằng da lớn, da sư tử, da cọp, da beo, da rái cá, da mèo rừng, da nhiều màu, da cáo. Đức Phật dạy:

«Tất cả loài da đó không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng da lớn viền giày dép hoặc dùng làm dây, hoặc dùng để vá. Đức Phật dạy:

«Không được dùng để viền hay làm dây hoặc vá.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép màu xanh. Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng màu xanh viền giày dép, hoặc dùng làm dây hay vá. Đức Phật dạy:

«Không được dùng màu xanh viền giày dép, hoặc làm dây hay vá.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép màu vàng. Đức Phật dạy:

«Không được mang.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép viền màu vàng, hoặc làm dây cột hay vá. Đức Phật dạy:

«Không được dùng giày dép, hoặc dây cột vá có viền màu vàng.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép màu đỏ. Đức Phật dạy:

«Không được mang giày dép màu đỏ, dây cột và vá cũng như vậy.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép màu trắng. Đức Phật dạy:

«Không được mang giày dép màu trắng, dây cột viền, đường vá viền cũng như vậy.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép giống như lông công. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép màu gấm.[42] Đức Phật dạy:

«Không được dùng như vậy.»

Tỳ-kheo kia nhận được giày dép màu gấm đã làm thành. Đức Phật dạy:

«Không được chứa; nếu làm mất màu thì được phép chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép độn bằng loại lông mịn. Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép độn bằng kiếp-bối.[43] Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng tơ lụa độn giày dép. Đức Phật dạy:

«Không được chứa dùng.»

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng cỏ bẹ, cỏ bà-sa, cỏ xá-la, cỏ hán-đà-la[44] độn giày dép. Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

«Này nhóm sáu tỳ-kheo, các ông là những người si. Điều nào Ta ngăn cấm, lại làm các điều khác. Từ nay về sau, tất cả loại giày dép có độn đều không được chứa để dùng.»

Bấy giờ, các tỳ-kheo gặp trời mưa bùn bẩn chân, bẩn tọa cụ, bẩn thân ngọa cụ. Đức Phật cho phép vì hộ thân, hộ tọa cụ, trong Tăng-già-lam được mang giày dép bằng cỏ bồ để rửa chân. Khi mang giày dép bằng cỏ bồ để rửa chân rồi, nước vào trong giày dép bẩn chân, bẩn tọa cụ, bẩn thân, bẩn ngọa cụ. Đức Phật cho phép dùng vỏ cây, hoặc da đóng dưới gót.

3. Bấy giờ, trong nước Xá-vệ, nhóm sáu tỳ-kheo mang guốc bằng khâm-bà-la.[45] Đức Phật dạy:

«Không được dùng guốc bằng bốn loại cỏ như vậy và không được mang.»

Khi đức Phật ở tại thành Vương-xá, thì bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo lột vỏ cây đa-la[46] để làm guốc, nên cây bị khô héo. Các cư sĩ thấy cùng nhau cơ hiềm: ‹Sa môn thích tử không biết hổ thẹn, đoạn mạng sống mà tự nói tôi biết chánh pháp. Lột vỏ cây đa-la để làm guốc khiến cho cây bị khô chết. Như vậy có gì là chánh pháp?› Tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Khi đức Thế Tôn ở tại nước Câu-thiểm-di, thì bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo mang guốc bằng gỗ đi như ngựa, âm thanh rối loạn các vị tọa thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được mang guốc gỗ.»

Các tỳ-kheo e ngại không dám mang guốc vào nhà đại tiểu tiện, không dám mang guốc để rửa chân. Đức Phật dạy:

«Trừ mang đi đường. Các trường hợp trên được mang.»

Thế Tôn ở tại nước Ta-kiệt-đề. Bấy giờ, tỳ-kheo Tỳ-xá-ly Bạt-xà Tử[47] mang guốc bằng vàng, guốc bằng bạc. Đức Phật dạy:

«Không được mang.»

Ông ta lại mang guốc bằng lưu ly. Đức Phật dạy:

«Không được dùng.»

Ông ta tự làm và mang guốc bằng vật báu. Đức Phật dạy:

«Không được mang.»

Sau đó ông lại mang guốc gỗ quí. Đức Phật dạy:

«Không được mang.»

Đức Phật dạy tiếp:

«Ông là người si. Ta cấm thứ này, ông lại vội sắm các thứ khác để mang. Từ nay về sau, không được mang tất cả loại guốc.»

4. Thế Tôn ở tại nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo cùng đức Phật đi kinh hành mà mang giày dép. Phật bảo các tỳ-kheo:

«Đệ tử thọ học với các công xảo sư ở bên ngoài còn có sự cung kính đối với Thầy. Còn nhóm sáu tỳ-kheo này là những người ngu si, mới mang giày dép cùng Phật đi kinh hành.»

Đức Phật dạy tiếp:

«Từ nay về sau, không được mang tất cả mọi thứ giày dép như vậy.»

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo đối với Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê, mà kinh hành nơi chỗ tốt, còn đồng hàng Hòa thượng kinh hành nơi chỗ xấu. Mình kinh hành nơi chỗ cao, còn đồng hàng Hòa thượng kinh hành nơi chỗ thấp. Mình đi trước, còn đồng hàng Hòa thượng đi sau. Cùng nói với đồng hàng Hòa thượng, cùng kinh hành, lật ngược y, y quấn cổ, y trùm đầu, trùm hai vai, mang giày dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được để Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, hoặc A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê kinh hành nơi chỗ xấu mà mình kinh hành nơi chỗ tốt, cho đến mang giày dép, tất cả đều không được.»

Nhóm sáu tỳ-kheo đối với Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê phủ y lên hai vai, mang giày dép, hoặc có việc trao hay nhận, không trống vai bên hữu, không cởi bỏ giày dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau, khi đối trước Hòa thượng đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê phải trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, khi có việc trao hay nhận.»

Các tỳ-kheo ở tại nhà bạch y đối với Hòa thượng đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê, có việc trao hay nhận, trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, nên bị lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Tại nhà bạch y, đối trước Hòa thượng đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê khỏi phải trống vai bên hữu, khỏi phải cởi bỏ giày dép, khi có việc trao hay nhận.»

Bấy giờ có tỳ-kheo cùng tỳ-kheo khác cùng đi trên đường. Một tỳ-kheo đến tỳ-kheo khác xin nước. Các tỳ-kheo nghĩ: ‹Đức Phật không cho phép mang giày dép khi có việc trao hay nhận.› Tỳ-kheo kia liền cởi bỏ giày dép để lấy nước, nên bị mất giày dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép trên đường đi, tùy ý mang giày dép khi có việc trao hay nhận.»

Có tỳ-kheo, lúc xẩm tối, đến tỳ-kheo khác xin nước. Vị kia nghĩ: ‹Đức Phật không cho phép mang giày dép khi có việc trao hay nhận.› Bấy giờ, trú xứ nọ lại cách xa chỗ lấy nước, tuy sợ độc trùng, nhưng tỳ-kheo kia vẫn cởi bỏ giày dép, đến đó để lấy nước, nên bị độc trùng cắn chân đau nhức, không vui. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Sau khi mặt trời lặn, phải đi xa lấy nước, vì sợ độc trùng nên được phép mang giày dép, khi có việc trao hay nhận.»

Nhóm sáu tỳ-kheo thấy Hòa thượng đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê đồng hàng A-xà-lê không đứng dậy đón rước. Các [848a1] tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nên đứng dậy chào tiếp. Trừ khi ăn hoặc khi làm pháp dư thực, hay khi bệnh thì nói: ‹Đại đức biết cho, tôi vì nhân duyên như vậy nên không đứng dậy chào đón được.› »

Hòa thượng là người trao giới cho mình. Đồng hàng Hòa thượng là những vị đã đủ mười hạ.

A-xà-lê có năm hạng: xuất gia A-xà-lê, thọ giới A-xà-lê, giáo thọ A-xà-lê, dạy kinh A-xà-lê, y chỉ A-xà-lê.

Xuất gia A-xà-lê là người hướng dẫn mình xuất gia.

Thọ giới A-xà-lê là vị làm yết-ma khi mình thọ giới.

Giáo thọ A-xà-lê là vị dạy mình oai nghi.

Dạy kinh A-xà-lê là từ nơi vị đó mình được học kinh, đọc kinh, noi theo đường tu hành, hoặc thuyết nghĩa cho đến một câu trong bốn câu của bài kệ.

Y chỉ A-xà-lê là vị ấy mình nương vào để sống, dù chỉ trong một đêm.

Đồng hàng A-xà-lê là những vị đã đủ năm tuổi. Trừ y chỉ A-xà-lê.[48]

5. Phòng ở của tỳ-kheo này nên lau quét. Lau quét rồi mà còn bụi thì dùng nước bùn trét lên trên. Trét bùn rồi mà còn bẩn thì lấy đồ trải lên. Đồ trải đó hoặc là y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù-lâu, hoặc một trong mười loại y.

Các tỳ-kheo không rửa chân mà đi trên đồ trải. Đức Phật dạy:

«Bên cửa nên để đồ chùi chân. Nếu vẫn không sạch, thì ngoài cửa nên để nước rửa chân.»

Tỳ-kheo rửa chân rồi, khi chân chưa khô, bước lên trên đồ trải, nên đồ trải bị hư mục. Đức Phật dạy:

«Chân chưa khô, không được bước lên trên đồ trải. Nếu có việc gấp thì lấy chân chùi trên đầu gối, hoặc chùi nơi lòng bàn chân, hoặc lấy tay chùi, hoặc dùng vật xấu chùi.»

Các tỳ-kheo vì Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê trao hay nhận điều gì, phải rửa chân mãi cực nhọc, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Từ nay về sau, nếu vì Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê cần trao hay nhận điều gì cho phép dùng cái mâm đồng, cái khay, cái kỷ. Tất cả vật cần dùng hay thức ăn đều để hết lên trên đó, rồi trao một lần.»

Có tỳ-kheo dưới chân bị thủng, gặp lúc trời mưa. Các tỳ-kheo dìu đến nơi nhà vệ sinh bị ngã, nằm trên bùn rất khổ sở. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép vì hộ thân, hộ y, hộ ngọa cụ, trong Tăng-già-lam được mang giày dép một lớp.»

Các tỳ-kheo trên đường đi vì Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê có việc trao hay nhận, phải trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép mệt nhọc. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu trên đường đi vì Hòa thượng, đồng hàng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng hàng A-xà-lê có việc trao hay nhận, nên đưa lên trên đầu hoặc trên vai để trao hay nhận.»

6. Phật ở nước Xá-vệ. Bấy giờ nhóm sáu tỳ-kheo mang giày dép vào tụ lạc. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm nói: ‹Sa-môn Thích tử tự nói mình biết chánh pháp. Nhưng vào tụ lạc mà mang giày dép, giống như Vua hay đại thần của Vua. Như vậy có gì là chánh pháp?› Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được mang giày dép vào tụ lạc.»

Các tỳ-kheo bệnh, với tâm e ngại không dám mang giày dép vào tụ lạc. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép các tỳ-kheo bệnh mang giày dép vào tụ lạc.»

Nhóm sáu tỳ-kheo mượn cớ bệnh mang giày dép vào tụ lạc. Các tỳ-kheo thấy nói: ‹Đức Phật đâu cho phép mang giày dép vào tụ lạc?›

Vị kia nói:

«Tôi bị bệnh.»

Các tỳ-kheo hỏi:

«Bệnh gì?»

Vị kia nói:

«Thưa trưởng lão, đức Phật há không nói, nếu có người nào đó chỉ trong chốt lát mà không vui, thì gọi là bệnh hay sao? Vì vậy cho nên chúng tôi mượn cớ bị bệnh.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được mượn cớ bệnh để mang giày dép vào tụ lạc.»

Bấy giờ, trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta gót chân bị đau, cần mang giày dép trùm ngoài gót chân. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép mang giày dép trùm ngoài gót chân. Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta trên đường đi, mắt bị mờ, ngón chân bị thương tích bởi đá sỏi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép mang giày dép trùm ngoài ngón chân.»

Tất-lăng-già-bà-ta có nhiều thân hữu, trên đường cùng đi, nhận được nhiều đại mạch, tiểu mạch, đậu ban, gạo lúa tám. Các tỳ-kheo nghi không dám nhận, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép nhận.»

Các tỳ-kheo nhận rồi không biết để đâu, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép đựng trong cái đãy hay cái khăn.»

Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta, trên đường đi, nhận được sữa, dầu, mật, đường cát. Các tỳ-kheo không dám lấy bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép nhận lấy.»

Nhận lấy rồi không biết để đâu bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Dùng cái bát cạn cho vào trong cái bát nhỏ hay cái bát vừa để nhận. Cái bát cạn để vào trong cái bát nhỏ, cái bát nhỏ để vào cái bát vừa, cái bát vừa để vào trong cái bát lớn.»

Các tỳ-kheo không biết cái bát cạn để trong cái bát nhỏ, cái bát nhỏ để vào trong cái bát vừa, thì cái bát vừa phải tịnh thí hay không,[49] bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Khỏi phải tịnh thí.»

7. Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta già yếu không thể đi bộ được, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép dùng cái xe kéo bộ hay cái kiệu, hoặc xe ngựa. Nhưng không được kéo bởi người nữ, trâu bò cái, ngựa cái, không được xử dụng.»

Tất-lăng-già-bà-ta, trên đường đi có người cúng loại xe kéo,[50] không dám nhận, bạch Phật. Phật cho phép nhận.

Lại có người cúng loại xe kéo bằng da, không dám nhận, bạch Phật. Phật cho phép nhận, rồi dùng một trong mười loại y phủ lên trên chỗ da.

Lại có người cúng loại xe kéo được bện bằng da, không dám nhận, bạch Phật. Phật cho phép nhận, với điều là bỏ loại dây bằng da, bằng tóc, còn các loại dây khác thì không sao.

Các tỳ-kheo cần cái càng xe, bạch Phật, đức Phật cho phép làm.

Các tỳ-kheo cần dây cột xe, bạch Phật. Đức Phật cho phép làm. Nếu dây thừng bị đứt thì cho phép làm bằng da.

Nếu khiêng xe, vai bị đau; cho phép làm gối để lót. Nếu phía sau đau, cũng cho phép làm cái gối để lót. Bấy giờ không biết nên để ai khiêng, bạch Phật. Đức Phật dạy:

Cho phép tỳ-kheo, hoặc người giúp việc trong Tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc hay sa-di. Nếu nhận được xe thì cũng như vậy. Nếu xe bằng da thì nên dùng một trong mười loại y phủ chỗ da lại rồi dùng. Nếu được xe bện bằng da thì trừ loại dây bằng da, bằng tóc, ngoài ra được dùng. Các vị không biết nên để ai kéo, bạch Phật. Đức Phật dạy:

Cho phép tỳ-kheo, hoặc người giúp việc trong Tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc hay sa-di kéo.

Trưởng lão Tất-lăng-già-bà-ta nhận được người coi Tăng-già-lam. Đức Phật dạy:

«Được phép nuôi.»

8. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo làm giường bằng da, giường đơn bằng da. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Họ lại làm nệm da, gối da, ngọa cụ da, đồ trải dưới đất bằng da. Khi trải dưới đất bị sanh trùng, đem vào phòng, hôi thối. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Bấy giờ, có bà-la-môn xuất gia làm đạo, đem da y-sư[51] làm vật chùi chân, để trong cửa. Đức Phật dạy:

«Cho phép chứa.»

Các tỳ-kheo xách nước, dây xách nước thường bị đứt. Đức Phật dạy:

Cho phép dùng da làm dây để xách. Nếu gàu bị hư, Phật cho phép dùng da để làm. Dây bị đứt, Phật cho phép làm bằng da.

Dây cửa ngõ thường bị đứt, Phật cho phép làm bằng da. Khi mở cửa, đóng cửa đau tay, Phật cho phép dùng miếng da lớn trùm lên.

Chốt cửa không xoay được, đức Phật cho phép để miếng da. Trên cái chốt bị hư Phật cho phép dùng da xâu lại. Nếu bị kêu cũng vậy.

Chân giường dây, giường cây bị hư, Phật cho phép dùng da xâu lại.

Có các tỳ-kheo bị đau chân, Phật cho phép dùng miếng da lớn phủ lên trên cho [849a1] chỗ đau lành. Sau đó, bỏ đi.

Tỳ-kheo dùng dây lợp lại nhà bị đứt, Phật cho phép dùng da làm.

Dây cửa sổ thường bị đứt, Phật cho phép dùng cước hay lông để làm.

9. Nhóm sáu tỳ-kheo chứa đãy đựng bình bát, đãy đựng giày dép, đãy đựng kim chỉ bằng da. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được chứa như vậy.»

Bấy giờ có người thợ mộc xuất gia làm Tỳ-kheo, chứa đãy da để đựng đồ nghề. Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Thợ mộc xuất gia làm Tỳ-kheo, tất cả đồ nghề không được cất chứa. Chúng tăng được gỗ làm đồ dùng, bạch Phật. đức Phật cho phép chứa. Không biết dùng đựng vật gì. Đức Phật dạy:

«Mười loại y, tùy ý chứa đựng.»

Bình đựng dầu, sữa của tỳ-kheo để không kín đáo. Đức Phật dạy:

Cho phép dùng da ướt phủ lên. Nếu bị trùng cắn lủng thì dùng bùn trét lên.

Tỳ-kheo nhận được đồ đựng dầu bằng da có hình hoa, e ngại không dám chứa. Đức Phật cho phép chứa.

Tỳ-kheo nhận được đồ đựng dầu bằng sừng, e ngại không dám chứa. Đức Phật cho phép chứa. Nếu phía trên, phía dưới hay bên hông bị lủng thì dùng da ràng lại.

10. Khi đức Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, bấy giờ có tỳ-kheo bị cây nhọn đâm vào chân bị thương, cần giày dép mềm. Đức Phật cho phép xử dụng.

Bấy giờ, đức Phật cùng Tôn giả A-nan đi đến rừng Thi-đà, cách chỗ gò mả không xa, thấy có đôi giày hai lớp quý giá. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi A-nan:

«Tại sao ông không lấy đôi giày ấy?»

Tôn giả A-nan thưa:

«Sợ phạm phải điều dùng giày hai lớp.»

Đức Phật dạy:

«Xem đó như vật phấn tảo thì được lấy.»

Có tỳ-kheo trên đường đi, cách chỗ gò mả không xa, thấy da người chết dày, được xâu nơi cây gỗ, bèn lột lấy đem về phòng cắt làm đôi giày một lớp. Trong phòng có mùi thối. Các tỳ-kheo khác hỏi:

«Tại sao trong phòng có mùi hôi thối?»

Tỳ-kheo kia trình bày sự việc với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được chứa da người. Nếu chứa, phạm thâu-lan-giá. Ngoài ra, các thứ da bất tịnh khả ố khác cũng không được chứa, nếu chứa phạm đột-kết-la.»

11. Bấy giờ, có tỳ-kheo từ nước giá lạnh[52] đến, chân bị nứt, đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân rồi đứng lui qua một bên. Đức Phật biết mà vẫn hỏi:

«Tại sao chân ông bị nứt?»

Vị ấy bạch Phật:

«Con từ xứ lạnh đến nên bị nứt.»

Đức Phật hỏi tỳ-kheo ấy:

Nước đó họ mang bằng thứ gì?

Vị tỳ-kheo ấy thưa:

«Mang dép da phú-la-am.»[53]

Đức Phật dạy:

«Cho phép mang như vậy. Nếu cần dùng tất thì cho phép dùng tất. Cho phép đến nơi cư sĩ, vợ cư sĩ chẳng phải bà con để xin. Không được chứa dư. Nếu chứa dư, sẽ như pháp trị.»

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng da làm dây lưng. Đức Phật dạy:

«Không được dùng da làm dây lưng, dây ngồi thiền.»

Tỳ-kheo chứa đồ bằng da. Đức Phật dạy:

«Không được chứa.»

Tỳ-kheo dùng da làm mão. Đức Phật dạy:

«Không được dùng như vậy.»

Tỳ-kheo làm khẩn-thù-thán[54] bằng da. Phật dạy:

«Không được.»

Tỳ-kheo không lau chùi giày dép nên bẩn chân, bẩn ngọa cụ. Đức Phật dạy:

«Phải lau chùi giày dép.»

Tỳ-kheo rửa chân chưa khô mang giày dép nên giày dép bị hư mục. Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Tỳ-kheo không thường giặt vật lau chân. Các tỳ-kheo thấy bẩn gớm. Đức Phật dạy:

«Nên giặt.»

Vị ấy giặt rồi không vắt không phơi, bị sanh trùng. Phật dạy:

«Nên giặt rồi vắt, hong cho khô.»


[1] Chiêm-bà 瞻婆. Pali: Campā, thủ phủ của nước Aṅga, lân bang thân thiện với Magadha.

[2] Thủ-lung-na 守籠那. Pali (Vin.i. 179): Soṇo-Koḷiviso seṭṭhi-putto, Soṇa-Koḷivisa, con trai của một nhà phú hộ.

[3] Pali, ibid., rājā Magadho Seniyo Bimbíāro.

[4] Thành chủ Chiêm-ba la vua nước Ương-già, không phải thần dân của Vua nước Ma-kiệt. Nhưng Ma-kiệt và Ương-già có thời liên kết. Vin. ibid., Bimbisāra cai trị 80 ngàn thôn. Vua tập tọp 80 ngàn thôn trưởng.

[5] Pali, cho 80 ngàn thôn trưởng.

[6] Ta-kiệt-đà 娑竭陀. Pali: Sāgata. Truyện về vị thị giả này, xem Phần I, Ch. v, duyên khởi ba-dật-đề 51 (tỳ-kheo uống rượu).

[7] Thi-đà lâm尸陀林. Pali: Sītavana, bãi tha-ma ngoại thành Vương-xá. Chỗ thiêu vất xác người chết.

[8] Cf. Vin.i. 183: accāraddhavīriyaṃ uddhaccāya saṃvattati, atilīnavīriyaṃ kosajjāya saṃvattati…indriyānañca samataṃ paṭivijjha, «nỗ lực tinh tấn thái quá đưa đến loạn động. Ít gắng sức tinh tấn sinh ra dã dượi. Hãy giữ các căn quân bình.»

[9] Tham chiếu, Trung A-hàm 29 (T01, tr.611c), Tạp A-hàm 9 (T02, tr.62b), Tăng nhất 13 (T02, tr.162). Pali, A. iii. 374 Soṇa-sutta.

[10] Cf. Vin.ibid., chaṭṭhāni adhimutto, sáu thắng giải hay tín giải (xác tín): nekkhamma, xuất ly hay thoát ly gia đình; paviveka, viễn ly hay sống ẩn dật; avyāpajja, không thù hận; upādānakkhata, đã sạch các thủ (phiền não); taṇhakkhaya, ái tận; asammoha, vô si.

[11] Tham chiếu, Pali, Vin.i.ibid., «Chớ có quan điểm rằng, tôn giả này duy chỉ y trên tín mà có tín giải về sự xuất ly… Y trên sự diệt tận của tham, do ly tham, có tín giải về xuất ly. Y trên sự diệt tận sân, do vô sân, mà có tín giải xuất ly…»

[12] Tham chiếu Pali, ibid., «Đừng nên có quan điểm rằng, tôn giả này tin giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa) là tối thắng, do đó mà có tín giải nơi sự không não hại.»

[13] Tịch tĩnh; Pali: paviveka: viễn ly, sống xa lánh, ẩn dật.

[14] Tham chiếu Pali, ibid., «Đừng có quan điểm rằng, tôn giả này vì tham trước lợi dưỡng mà có tín giải nơi sự viễn ly.»

[15] Tham chiếu Pali, inid., ṭhitaṃ cittaṃ vippamuttaṃ, vayañcas-sānupassatīti, Tâm đã giải thoát, an trụ; vị ấy quan sát sự chìm xuống của nó.

[16] Hết quyển 38.

[17] Câu-lưu Hoan hỷ sơn khúc 拘留歡喜山曲. Pali, Vin.i. 194: Kuraraghare papāte pabbate, trên sườn núi Papāta, thị trấn Kuraraghara. Ngũ phần 21 (T22n1421, tr.144a13): A-thấp-ba A-vân-đầu quốc Ba-lâu-đa sơn 阿濕波阿雲頭國波樓多山.

[18] A-bàn-đề quốc, 阿槃提國. Pali, Vin.i. 194, Avantī.

[19] Ức Nhĩ ưu-bà-tắc億耳優婆塞. Ngũ phần 21, ibid., cư sĩ tên là Sa-môn Ức Nhĩ 沙門 億耳. Pali, Vin.i. 194, Soṇa Kuṭikaṇṇa.

[20] Hán: sử nhân câu 使人俱. Cf. Pali, ibid., Soṇo upasako Kuṭikaṇṇo āyasmato Mahā-Kaccānassa upaṭṭhako hoti, ưu-bà-tắc Soṇa Kuṭikaṇṇa là người phục vụ cho Trưởng lão Đại Ca-chiên-diên. Bản Hán hiểu upaṭṭhako, người phục vụ, là nhân vật thứ ba; không phải là từ đồng cách.

[21] Ngũ phần 21, ibid., Ức Nhĩ thọ sa-di 6 năm mới thọ cụ túc.

[22] Y-lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, cù lâu 伊梨延陀耄羅耄耄羅氍氀. Pali (Vin.i. 195): eragu, moragu, majjhāru, jantu. Thập tụng: ma nhục phú (phủ đệm gai), mao nhục phú (phủ đệm lông), hoa y nhục phú (phủ đệm áo bông) 麻褥覆毛褥覆花衣褥覆.

[23] Cổ dương, bạch dương, lộc 羖羊白羊鹿. Pali: eḷakacamma, ajacamma, migacamma.

[24] Y được dành cho tỳ-kheo vắng mặt tại trú xứ cũ.

[25] Thập lục cú nghĩa 十六句義. Ngũ phần, ibid., Thập lục nghĩa phẩm kinh 十六義品 經. Thập tụng 25 (T23n1435, p181b25): Ba-la-diên-tát-giá-đà-xá-tu-đố-lộ 波羅延薩遮 陀舍修妒路. Pali, Vin.i. 196, Aṭṭhakavaggikāni, được hiểu là Nghĩa phẩm, hay Bát kệ phẩm, gồm 16 kinh, 210 kệ, Phẩm thứ tư thuộc bộ Suttanipāta.

[26] Trì luật ngũ nhân 持律五人. Nên hiểu là thứ năm là người trì luật. Tăng năm người, có một người trì luật. Không đòi hỏi tất cả năm vị đều là trì luật. Do đó không nên hiểu nhóm từ Hán này là «Năm người trì luật.» Thập tụng 25 (T23n1435 tr.181c29): trì luật đệ ngũ 持律第五. Cf. Vin.i. 197: vinayadharapañcamena.

[27] Bạch mộc điều 白木調. Hán dịch này phù hợp Pali: Setakaṇṇika; nhưng Vin.i.197 nói thị trấn này ở về phía nam, gần với Thập tụng, ibid., trung nam phương, Bạch mộc tụ lạc 白木聚落. Lấy đây làm mốc. Qua khỏi đây, được xem là biên địa.

[28] Tĩnh thiện 靜善. Không tìm thấy tương đương trong Thập tụng và Pali. Tham chiếu, Thập tụng: phương đông có tụ lạc bà-la-môn tên là Già-lang 伽郎. Tương đương Pali: Kajaṅgala, thị trấn nhỏ ở về phía đông.

[29] Nhất-sư-lê Tiên nhơn chủng 一師梨仙人種. Có lẽ Thập tụng nói là Ưu-thi-la sơn 優尸羅山, ở phương bắc; Tương đương Pali: Usīraddhaja, về phía bắc.

[30] Trụ 柱. tên nước. Thập tụng: phương tây có tụ lạc bà-la-môn tên là Trụ 住婆羅門 聚落. Pali: về phía tây có ngôi làng bà-la-môn tên là Thūna, mà hai bản Hán đều đọc là Thāna.

[31] Đại bì 大皮; Cf. Thập tụng 25 (tr.182a 23), da của năm loại thú gọi là da lớn (kích cỡ): sư tử, cọp, beo, rái cá và chồn.

[32] Ca-la 迦羅. không biết con gì. Có lẽ Pali (Vin.i.186): kāḷaka, con sóc (?). Hoặc Skt. kālaka, một loại rắn nước (Wogihara: hắc long)

[33] Cù-lâu 氍氀; chưa rõ. Xem cht. 31 Ch. vi: Y ở sau. Tham chiếu Trương A-hàm 3, kinh số 2. Du hành, T01, tr. 23b.

[34] Độc tọa sàng 獨坐床. Xem Phần II, tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 83 & cht. 142.

[35] Ca-na-phú-la 迦那富羅. Xem dưới.

[36] Triền giác cách tỷ 旋角革屣. Không hiểu «sừng xoay» là cái gì. Đoạn tương đương trong Mahāvagga v (Vin.i.186): meṇḍavisāṇavaddhika (có mõm giày làm bằng sừng con cừu), ajavisāṇavaddhika (có mõm giày làm bằng sừng hươu).

[37] A-la-lê cách tỷ 阿羅梨革屣. (?)

[38] Phú-la-bạt-đà-la 富羅跋陀羅. Pali, ibid., puṭabaddha, một loại giày ống, cao đến đầu gối.

[39] Chơn-thệ-lê 真誓梨. Pali: tittirapattika (?), loại dép có hình cánh chim chá-cô.

[40] Biên biên cách tỷ 編邊革屣.

[41] Quyển hình cách tỷ 捲形.

[42] Cẩm sắc 錦色; nên hiểu là «được thêu màu.»

[43] Tức bông gòn.

[44] Bà-sa 婆娑, Pali (Vin.i. 189): pabbaja, một loại cỏ lau (cỏ tim đèn). Hán-đà-la 漢陀羅; Pali: hintāla, giống cây chà-là; một loại cây cọ. Xá-la, 舍羅. Chưa rõ loại cỏ này; hoăc Pali: sara, cỏ lau.

[45] Khâm-bà-la 欽婆羅, vải dệt bằng lông thú. Pali (Vin. i. 190): kambala.

[46] Đa-la 多羅. Pali (Vin.i. 189): tālataruṇa, tāla non hay chồi cây tāla; loại cây lá hình quạt; loại cây cọ.

[47] Tỳ-xá-ly Bạt-xà Tử 毘舍離跋闍子. Người họ Bạt-xà (Pali: Vajjiputta) ở Tỳ-xá-ly (Pali: Vesāli).

[48] Chưa đủ 10 tuổi hạ, không được làm y chỉ.

[49] Tác tịnh, vì sợ phạm súc trưởng bát; ni-tát-kỳ 21.

[50] Liễn 輦; xe do người kéo.

[51] Y-sư bì 伊師皮.

[52] Hàn tuyết quốc 寒雪國.

[53] Phú-la-am-đề 富羅菴鞮. Cf. Bì cách sự (T23, tr.1059b1): tại vùng có tuyết lạnh, cho dùng giày phú-la. Xem thêm Ngũ phần 21 (T22n1421 tr.146c24) Có lẽ một loại giày ống. Wogihara, Skt. pūla: loại giày có giây đai. Mahāvyutpatti, 272 (21): pūlā, hữu đái ngoa 有帶靴, phú-la 富羅. Nhất thiét kinh âm nghĩa (T54n2128 tr.740b07): phúc-la 腹羅, cũng viết là 福羅; hoặc nói là phú-la 富羅, chính xác nói là bố-la 布羅; dịch là đoản áo ngoa 短靿靴, loại giày ống cổ ngắn (?). Phiên dịch danh nghĩa (T54n2131, tr.1108b17): phú-la 富羅, chính xác là phúc-la 腹羅, dịch là đoản áo ngoa 短靿靴. Không rõ Pali tương đương.

[54] Khẩn-thù-thán 緊殊炭. Chưa rõ cái gì.

    Xem thêm:

  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 10. Chiêm Ba - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 17. Tỳ Kheo Ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 5. Điều Độ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 1. Ba-la-di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 4. Thất Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 4. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 3. Ngũ Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 4. Ba-dật-đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 14. Già Yết Ma - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 2. Tăng-già-bà-thi-sa - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Tán Duyên Khởi - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 12. Người - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 5. Ba La Đề Đề Xá Ni - Luật Tạng