TỨ PHẦN LUẬT 四分律

Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.  
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng 
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng 

—o0o—

CHƯƠNG I: PHÒNG XÁ[1]

1. Ca-lan-đà Trúc Viên

Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại.

Bấy giờ có năm người[1] từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay thưa đức Thế Tôn:

«Chúng con nên ở những loại phòng ốc nào, và xử dụng loại ngọa cụ nào?»

Phật nói:

«Cho phép, ở nơi a-lan-nhã hoặc dưới gốc cây hay nơi phòng trống, nơi hang cốc, trong hốc núi, chỗ đất trống, bên đống cỏ khô, hay đụn cỏ, trong rừng, bên bãi tha ma, bên mé nước. Trải cỏ hay lá để ngồi.»

Các tỳ-kheo nằm không có gối nên bị đau. Đức Phật cho phép, dùng đá, ngói, cây, cánh tay, hay một trong mười loại y để gối.

Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Vua Bình-sa nước Ma-kiệt có ý nghĩ: «Nếu đức Thế Tôn đến đây, trước hết vào khu vườn nào, ta sẽ dâng cúng khu vườn ấy để làm tăng-già-lam. Trong thành Vương xá, Ca-lan-đà Trúc viên[2] này là vườn đứng vào hàng tuyệt hảo.»[3]

Đức Thế Tôn biết tâm niệm nhà vua như vậy nên đến Ca-lan-đà Trúc viên trước tiên. Từ xa Vua thấy đức Thế Tôn liền xuống voi, lấy chiếc nệm trên lưng voi xếp làm bốn lớp trải ra và cung kính thỉnh đức Thế Tôn ngồi. Đức Thế Tôn an tọa nơi chỗ ngồi, Vua Bình-sa cầm bình nước rửa bằng vàng, dâng nước cho đức Phật và bạch:

«Trong thành Vương xá này, khu Ca-lan-đà trong Trúc viên này là đẹp hơn tất cả. Nay con xin dâng cúng đức Thế Tôn. Xin Thế Tôn từ mẫn nạp thọ.»

Đức Phật bảo Vua:

«Đại vương nên đem vườn này dâng cúng cho Phật và bốn phương Tăng. Tại sao vậy? Nếu tăng-già-lam, vườn hay vật trong vườn, phòng xá hay vật trong phòng xá, y bát, tọa cụ, ống đựng kim, tất cả sở hữu của Phật thì chư Thiên, người đời, ma vương, phạm vương, sa-môn, bà-la-môn, đều không thể dùng được, mà cung kính như bảo tháp.»

Vua liền bạch Phật:

«Bạch Đại đức, con xin dâng cúng Ca-lan-đà Trúc viên này lên đức Phật và bốn phương Tăng. Xin Thế Tôn và bốn phương Tăng dũ lòng thương vì con mà thâu nhận.»

Đức Thế Tôn khuyến dụ bằng bài kệ sau đây:

Cúng vườn và cây trái,

Cầu đò đưa rước người.

Đường dài thí giếng nước,

Và phòng nhà để ở.

Những người cúng như vậy,

Ngày đêm phước càng thêm.

Người trì giới vui pháp,

Sẽ được sanh đường lành.

Vua Bình-sa đầu mặt kính lễ sát chân đức Phật rồi ngồi lui qua một bên. Đức Thế Tôn vì Vua phương tiện nói các pháp khiến Vua được hoan hỷ. Vua nghe đức Phật nói pháp được hoan hỷ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ Phật rồi cáo lui.

2. Tinh xá

Bấy giờ, các tỳ-kheo, vào buổi sáng sớm, từ núi Kỳ-xà-quật đến thành Vương xá. Trong thành có ông Đại trưởng giả gặp, bèn hỏi:

«Ban đêm Đại đức nghỉ ở đâu?»

Quý vị trả lời:

«Nghỉ trong hang núi, bên mé nước, dưới gốc cây, nghỉ bên hòn đá, nghỉ trên bãi cỏ.»

Ông trưởng giả hỏi:

«Không có phòng xá hay sao?»

«Không có.»

Ông trưởng giả hỏi tiếp:

«Nếu làm phòng xá có được hay không?»

«Đức Thế Tôn chưa cho phép làm phòng xá.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép, làm phòng xá.»[4]

Ông trưởng giả nghe đức Phật đã cho phép các tỳ-kheo làm phòng xá, liền làm sáu mươi biệt phòng[5] tại núi Kỳ-xà-quật. Đầy đủ tất cả những thứ cần dùng. Rồi ông thỉnh Phật và Tăng sáng ngày mai đến thọ thực và cúng dường phòng xá. Trong đêm ấy, ông chuẩn bị các thức ăn ngon bổ. Sáng ngày, đi báo giờ. Đức Thế Tôn, vào lúc tảng sáng, cùng đại tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, khoác y, bưng bát, đến nhà ông trưởng giả, an tọa nơi chỗ ngồi. Ông trưởng giả tự tay châm chước đầy đủ các thức ăn tinh khiết ngon lành dâng lên Phật và Tăng. Các vị ăn xong, ông trưởng giả lấy bình bằng vàng đựng nước dâng lên đức Thế Tôn, rồi thưa:

«Con cất sáu mươi phòng xá tại núi Kỳ-xà-quật. Đầy đủ tất cả nhưng thứ cần thiết, vì phước đức, vì đại tế tự, để sanh đường lành. Nay con xin dâng cúng đức Phật và bốn phương Tăng. Cúi xin Thế Tôn từ mẫn thâu nhận.»

Đức Thế Tôn nhận rồi, dùng những lời khuyến dụ sau đây để khuyến dụ:

Để ngăn sự lạnh nóng,

Và các loài ác thú,

Mòng, muỗi, các độc trùng,

Và ngăn che mưa nắng,

Bạo bệnh, cùng ác phong;

Tất cả đều ngăn che.

Trì giới không hủy phạm,

Siêng tu trong Phật pháp,

Bền chí và an vui,

Thiền định phân biệt quán.

Cúng phòng xá cho Tăng

Thế Tôn nói, bậc nhất.

Bấy giờ, trưởng giả thành Vương xá lấy cái ghế thấp ngồi trước đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện thuyết pháp, khai hóa, khiến trưởng giả được hoan hỷ. Sau khi nói pháp cho ông trưởng giả, khai hóa, khiến cho hoan hỷ rồi, đức Thế Tôn từ chỗ ngồi ra về.

Khi Vua Bình-sa nghe đức Thế Tôn đã cho phép chúng Tăng làm phòng xá, ông muốn phát nguyện xây cất đại giảng đường tại Ca-lan-đà Trúc viên, như cung điện của vua ngự, cung cấp đầy đủ tất cả những vật cần thiết. Đức Phật cho phép làm.

Có đàn-việt muốn xây lầu các[6] cho Tăng. Phật cho phép. Có đàn-việt muốn làm phòng tỳ-ma-na[7] cho Tăng. Phật cho phép. Có đàn-việt muốn làm phòng hình con voi[8] cho Tăng. Phật cho phép. Có đàn-việt muốn làm các loại phòng xá cho Tăng. Phật cho phép.

Các tỳ-kheo muốn làm phòng, Phật cho phép. Tùy theo phương pháp làm phòng, tất cả những gì cần cũng đều cho phép. Làm phòng rồi, nếu đất bị bụi bẩn nên dùng bùn để trét. Không có đồ trải để nằm nên bệnh, đức Phật Cho phép, dùng y lê-diên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, mao-lâu,[9] hay một trong mười loại y để trải dưới đất. Nếu vẫn còn mắc bệnh, đức Phật cho phép làm giường.

Có năm loại giường, như trên.[10] Có vị muốn giường bện, đức Phật cho phép bện nhưng trừ hai loại dây không được bện là da và tóc. Ngoài ra các loại dây khác được dùng để bện. Nếu dây không đủ thì xâu xuyên qua lỗ mộng để bện thưa. Giường của vị kia không có đồ trải để nằm nên sanh bệnh. Phật cho phép làm nệm để trải nằm. Có vị không biết dùng vật gì để làm, Phật cho phép dùng rơm, cỏ, lông, hay kiếp-bối để độn vào trong. Nếu nệm nhỏ thì trương ra may dính vào bốn phía giường. Nếu đường viền của nệm bị hỏng thì nên vá lại. Nếu đồ độn bị dồn một chỗ thì khâu chập lại. Nếu nệm cáu ghét thì nên may chồng lên một lớp. Nếu may chồng lên mà vẫn cáu ghét thì nên làm tấm giạ nằm phủ lên trên. Các tỳ-kheo không có gối, Phật cho phép làm gối. Các vị không biết làm như thế nào, Phật bảo may vuông hay tròn hoặc ba góc.

3. Giường nằm

1. Bấy giờ, tại thành Vương xá, chúng Tăng nhận được nhiều gai xá-nậu.[11] Các tỳ-kheo nghi không dám nhận. Đức Phật dạy:

«Cho phép, thọ dụng để làm giường dây, giường cây hoặc dệt làm nệm, áo lót, hay làm đồ trải dưới đất, hoặc làm dây, làm nệm độn.

Các tỳ-kheo nhận được giường bện bằng dây cỏ bạt-ma,[12] Phật cho phép dùng.

Rắn, bò cạp, rít, độc trùng vào trong phòng. Các tỳ-kheo chưa ly dục, thấy sợ. Phật cho phép làm chân giường. Nhóm sáu tỳ-kheo làm chân giường cao, đức Phật dạy:

«Không nên làm chân giường cao. Cao nhất là một thước năm hay một gang tay.»[13]

2. Có tỳ-kheo cất y chỗ không bảo đảm. Phật bảo nên để bên đầu nằm. Hoặc để y sau lưng, nằm nghiêng, trở mình, đè lên y. Phật cho phép máng trên dây, hoặc trên cọc long nha, trên cột móc, trên giá y. Có vị để y thường mặc với y không thường mặc chung một chỗ, khi lấy y thường mặc để mặc, bị lộn. Đức Phật dạy:

«Không nên để y thường mặc chung một chỗ với y không thường mặc.»

4. Có vị đem bình bát để chung trong đãy với giày dép, ống đựng kim và dầu. Tỳ-kheo khác thấy, gớm. Đức Phật dạy:

«Đãy đựng bát, ống đựng kim để một chỗ. Đãy đựng giày dép, đồ đựng dầu để một chỗ.»

5. Các tỳ-kheo ở trong phòng bị tối. Đức Phật cho thắp đèn. Cần dầu thì xin dầu. Cần đèn thì xin đèn. Cần đồ đựng dầu thì cho xin đồ đựng dầu. Tỳ-kheo không biết để cây đèn chỗ nào. Đức Phật dạy: Để bên góc của giường dây, giường cây, hoặc trên cái bình. Nếu để trên khám nơi vách, sợ kiến uống dầu, thì nên đậy lại. Nếu đèn không đủ sáng thì kéo tim cho cao lên. Dầu bẩn tay, cho phép, làm đôi đũa. Đũa cây sợ cháy nên làm bằng sắt.

6. Phòng của tỳ-kheo kia, không có cánh cửa nên không chắc chắn, bị kẻ trộm, chăn bò, chăn dê vào lấy bình bát, ống đựng kim, tọa cụ. Đức Phật cho phép làm cánh cửa. Cần làm khung cửa. Phật cho phép. Nếu sợ đóng cửa, trong phòng có mùi hôi. Đức Phật cho phép làm lỗ trên cánh cửa. Rắn, bò cạp theo lỗ vào phòng. Đức Phật cho phép lấy cái tấm ván rèm ngăn lại.

Cửa không có khóa, kẻ trộm, chăn trâu, chăn dê vào lấy y bát, ống đựng kim, tọa cụ của tỳ-kheo. Đức Phật cho phép làm khóa. Tỳ-kheo không biết gắn khóa vào chỗ nào. Đức Phật bảo gắn một bên, hoặc phía trên hay phía dưới. Không biết mở bằng cách nào. Đức Phật bảo để cái lỗ, làm một cái lưỡi gà cong, làm một cái móc. Nếu sợ tối, Phật cho phép trổ cửa sổ. Cửa sổ không được ngăn, bị kẻ trộm, chăn trâu, chăn dê vào lấy y bát, ống đựng kim, tọa cụ. Đức Phật cho phép làm cánh cửa sổ bằng ván ngăn lại. Các vị ấy không biết làm bằng cách nào. Đức Phật dạy làm hình vuông hay hình tròn, hoặc như lỗ tai voi. Ban đêm sợ dơi bay vào, ban ngày sợ chim én bay vào. Đức Phật cho phép bện lưới lồng[14] để ngăn. Hoặc làm song cửa sổ. Cửa sổ không có chốt, bị kẻ trộm, chăn bò, chăn dê vào lấy y bát, ống đựng kim, tọa cụ của tỳ-kheo. Đức Phật bảo cho phép làm chốt cửa. Tỳ-kheo phạm giới kéo cái dây mở cửa sổ lấy y bát, ống đựng kim, tọa cụ của tỳ-kheo bỏ đi. Phật nói, cho phép làm cái chốt cài ngang qua.

4. Chăn màn

1. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng riêng ngọa cụ của chúng Tăng. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: không nên dùng riêng ngọa cụ của chúng Tăng. Đức Phật cho phép làm dấu để biết. Các vị ấy không biết làm dấu như thế nào. Đức Phật dạy: cho phép làm cái hình ma-hê-đà-la,[15] hay làm hình cái chén, hay hình dây nho, hay làm ngũ sắc, hay làm bông sen, hay ghi tên Nhóm sáu tỳ-kheo làm dấu hiệu của Tăng trên vật dụng riêng của mình. Các tỳ-kheo thấy, nói:

«Trưởng lão, đức Thế Tôn không nói như vầy sao, vật của chúng Tăng không nên dùng riêng»

Nhóm sáu trả lời:

«Đây không phải là vật của chúng Tăng mà là vật của tôi.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên làm dấu hiệu của chúng Tăng trên vật riêng của mình. Cho phép nhuộm làm dấu riêng của mình.»

Nhóm sáu tỳ-kheo làm dấu hiệu riêng bằng hình tượng nửa mặt trăng, hoặc dấu hiệu tròn, làm dấu hiệu tia nắng, làm hình cây lúa, làm dấu hiệu một miếng gừng, làm dấu hiệu con bò. Đức Phật dạy:

«Không nên làm như vậy. Cho phép làm như giọt nước rơi trên mặt đất, hay làm như viên phân trâu, hoặc làm cái bánh xe.»

Có vị di chuyển ngọa cụ cố định trong phòng đến chỗ khác. Đức Phật dạy:

«Không nên di chuyển. Nên ghi rõ ràng ngọa cụ của phòng nào.»

2. Có tỳ-kheo có sa-di nhỏ muốn trong phòng có bức phên ngăn. Đức Phật cho phép làm.

Có Tỳ-kheo muốn mở ngõ tắt qua khúc ngăn trước phòng, đức Phật cho phép làm. Muốn làm cái phòng trong ở phía sau, Phật cho phép làm. Cần cánh cửa, Phật cho làm cánh cửa. Cần vách, Phật cho làm vách. Cần vách phân nửa, Phật cũng cho làm. Cần làm giường lớn, Phật cho làm. Cần giường dây nhỏ, Phật cho làm. Cần giường đơn, Phật cho làm. Cần tấm phản, Phật cho làm. Cần đồ trải dưới đất cũng cho trải đất.

Có tỳ-kheo muốn làm cái phòng có bốn mái hiên thò ra, trên đó đặt lan can, Phật cho phép làm.

5. Sảnh đường

1. Ngày Bố-tát, chúng tập đông, sảnh đường[16] nhỏ không thể dung hết. Các tỳ-kheo bạch Phật, Phật cho phép làm lớn ra. Các vị ấy không biết làm thế nào. Đức Phật dạy:

«Hoặc vuông, hoăc tròn, hoặc dài, có hai phòng, ba phòng, bốn phòng; đều cho phép làm. Tất cả những thứ cần để làm nhà lớn, đều cho phép.»

Bấy giờ, ở trong sảnh đường, mỗi người đều chiếm một giường nên không đủ chỗ. Đức Phật dạy:

Nếu xấp xỉ ba tuổi hạ, ngồi chung một giường.[17] Nếu vẫn không đủ thì nên làm giường dài, phản dài. Nếu vẫn không đủ thì bện cỏ làm chỗ ngồi. Bện cỏ làm chỗ ngồi, y bị rách. Phật dạy: «Nên dùng cỏ mềm quấn mép giưòng.» Nếu vẫn không đủ dùng thì dùng nước bùn rưới lên đất, rồi rải cát hay cỏ, lá cây lên trên để ngồi.

Có vị cùng người nữ ngồi trên cỏ, lá. Phât dạy: «Không nên ngồi như vậy.» Có vị cùng người nữ trải y. Phật dạy: «Không nên trải như vậy.» Có vị cùng người nữ ngồi trên y. Đức Phật dạy: «Không nên ngồi như vậy.» Có vị cùng người nữ ngồi trên đá. Phật dạy: «Không nên ngồi như vậy. Nếu một người leo lên mà đá không lung lay thì cho phép leo lên.» Có vị cùng với người nữ lên thuyền,[18] nghi. Phật dạy: «cho phép đi đò ngang, hoặc ngồi, hoặc đứng, hoặc nằm.»

2. Các tỳ-kheo đi kinh hành nơi đất trống, bị nắng, gió và mưa nên bệnh. Đức Phật cho phép làm nhà đi kinh hành.[19] Các vị ấy không biết cách làm. Đức Phật cho phép làm nhà dài theo đường đi. Những vật cần dùng làm nhà đều được cho phép.

Có vị Thượng tọa già bệnh, ốm yếu, khi đi kinh hành bị té xuống đất. Đức Phật cho phép buộc sợi dây hai đầu đường[20] để khi đi vịn tay vào đó. Khi nắm để đi, tay mềm nên bị rách. Phật dạy: Cho phép làm ống tròn như ống trúc rồi luồn sợi dây vào giữa ống. Khi kinh hành, nắm ống mà đi. Đi kinh hành mỏi mệt. Đức Phật cho phép đặt giường ở hai đầu.

3. Tỳ-kheo rửa chân ngoài trời mưa. Nước mưa làm cho y bị hư màu. Phật nói, nên làm chỗ rửa chân riêng. Cần bồn đựng nước thì cho bồn đựng nước. Cần bình đựng nước thì cho bình đựng nước. Cần đá rửa chân thì cho đá rửa chân. Cần tọa cụ thì cho tọa cụ. Có vị rửa chân khi trời mưa, bùn bẩn chân, bẩn y, ngọa cụ. Đức Phật cho phép dùng hòn đá hoặc gạch hay cây lót đường đi.

4. Trong núi Kỳ-xà-quật, cách xa chỗ có nước. Phật cho phép đào mương để đem nước vào. Sợ mương bị sạt lở, Phật cho phép dùng đá hay gạch hoặc cây chận hai bên bờ. Nếu trong chùa, nên đào ao. Sợ bờ ao lở, Đức Phật cũng cho phép dùng đá hay gạch hoặc cây chận xung quanh, bên trên làm nhà che. Sợ bên bờ ao bị bùn lầy, nên trấn bằng đá, gạch ván, đá vụn. Sợ con nít rơi xuống nước, Phật cho phép làm lan can. Nước trong ao bị nóng. Phật cho phép đựng trong bình, ban ngày đem vô trong nhà, ban đêm đem ra để bên ngoài. Nếu để trong nhà bị bùn bẩn thì cho phép cất nhà riêng để nước. Nếu đất bị bùn bẩn chân thì cho phép lót đá hay gạch hoặc đá dăm. Có vị cần đồ đựng nước, cho phép sắm. Có vị dùng vật báu làm đồ đựng nước. Phật nói, không nên dùng vật báu làm đồ đựng nước mà nên dùng sắt hay đồng hoặc sành để làm. Đồ đựng nước không có chỗ để, bị vỡ. Phật nói: Trong nhà đựng nước nên làm cái giá để để.

Chúng Tăng nhận được vỏ sò.[21] Phật cho phép chứa. Lại không biết để đâu. Phật cho phép để chung trong nhà để nước.

6. Cấp Cô Độc

Thế Tôn ở nơi thành Vương xá.

Tại nước Xá-vệ, có cư sĩ tên là Tu-đạt-đa,[22] thường ưa cung cấp bố thí cho những người cùng cực, khổ sở; nhơn việc làm như vậy nên có cái tên là Cấp Cô Độc Thực.[23] Cư sĩ có điền nghiệp nơi thành Vương xá. Năm nào cũng từ nước Xá-vệ đến thành Vương xá để coi ngó điền nghiệp. Trong thành Vương xá có ông trưởng giả là bạn thân.[24] Ông trưởng giả này đang tự trang hoàng nhà cửa để thỉnh Phật và Tăng sáng ngày thọ thực. Nhằm lúc ấy, ông Cấp Cô Độc Thực đến nhà ông trưởng giả. Theo thường lệ, ông trưởng giả thấy ông Cấp Cô Độc Thực đến thì liền ra ngoài nhà nghinh đón, rước vào và mời ngồi. Ngày hôm ấy không đứng dậy đón, không rước vào và mời ngồi, mà cứ cặm cụi tự trang hoàng nhà cửa để rước Phật và Tăng. Ông Cấp Cô Độc Thực đến, thấy vậy, hỏi ông trưởng giả rằng:

«Ông bạn trang hoàng nhà cửa để làm việc gì? Muốn cưới hỏi cho cháu chăng? Muốn thỉnh Vua chăng? Muốn tổ chức đại tế đàn[25] chăng?»

Ông trưởng giả trả lời:

«Tôi không có tổ chức cưới hỏi, cũng không thỉnh Vua. Mà tôi đang tổ chức đại tế đàn là thỉnh Phật và Tăng gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị. Sa-môn Cù-đàm có đại danh xưng, hiệu là Như Lai, Vô sở trước, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế Tôn.»

Ông Cấp Cô Độc Thực hỏi:

«Có thật là Phật hay chăng?»

Ông trưởng giả trả lời:

«Thật là Phật.»

Ba lần hỏi cũng ba lần trả lời: «Thật là Phật.» Cấp Cô Độc Thực hỏi ba lần rồi, lại hỏi:

«Hiện nay đức Phật ở đâu? Nay tôi nuốn đến thăm hỏi Ngài.»

Ông trưởng giả trả lời:

«Hiện nay đức Phật ở trong Ca-lan-đà Trúc viên.»

Bấy giờ, Cấp Cô Độc Thực xem mặt trời, rồi nghĩ: «Bây giờ đến gặp đức Thế Tôn là không phải lúc. Sáng ngày ta sẽ đi.»

Cấp Cô Độc Thực liền về nhà với tâm niệm hướng về đức Phật mà ngủ.

Bấy giờ, có một thiên thần nọ, trước kia là tôn thân của Cấp Cô Độc Thực, vì lòng từ mẫn muốn điều lợi ích đối với Cấp Cô Độc Thực nên nghĩ như sau: «Cấp Cô Độc Thực, Ông muốn gặp đức Thế Tôn thì không nên trì hoản mà không gặp.» Vị thiên thần nọ liền dùng thần lực diệt trừ bóng tối, ánh sáng bỗng nhiên xuất hiện. Cấp Cô Độc Thực thấy ánh sáng, liền thức dậy, tự bảo là trời đã sáng, liền đến cửa thành Thi-ha.[26] Vị thần giữ cửa từ xa thấy Cấp Cô Độc Thực muốn diện kiến đức Thế Tôn liền chứ không trì hoãn, nên mở cửa liền. Cấp Cô Độc Thực ra khỏi cửa rồi, vị thần liền thu hồi thần lực nên ánh sáng liền tiêu mất, bỗng nhiên tối trở lại. Cấp Cô Độc Thực đâm ra sợ sệt, lông trong người dựng ngược, nghĩ rằng có kẻ oan gia muốn hại mình. Vị thần kia thấy Cấp Cô Độc Thực hoảng sợ liền an ủi: «Đừng nên sợ! Đừng nên sợ!» Vị thần nói kệ:

Dầu dùng trăm con ngựa,

Và lại trăm kim anh,

Ngựa xe cả trăm cỗ,

Đồng nữ có trăm người,

Bảy báu là anh lạc,

Trăm voi trắng Tuyết Sơn,

Voi đều có sáu ngà,

Và dùng đống lớn vàng,

Cùng tử ma kim sa,

Vua và nghi vệ của Vua,

Con voi thuần của Vua:

Bằng như trên bố thí,

Không bằng phần mười sáu,

Phước của một bước đi.

«Trưởng giả cứ đi tới, cứ đi tới, sẽ có lợi ích!»

Cấp Cô Độc Thực hỏi:

«Ngươi là ai?»

Vị thần trả lời:

«Tôi là thần Thi-ha.»

Cấp Cô Độc Thực khởi ý nghĩ: «Thật chưa từng có! Ta được thiên thần khích lệ.» Cấp Cô Độc Thực liền đến trong Ca-lan-đà Trúc viên.

Bấy giờ, đức Thế Tôn đang đi kinh hành nơi đất trống, từ xa thấy Cấp Cô Độc Thực đến, ngài trở lại chỗ ngồi, trải chỗ ngồi mà ngồi. Theo thường pháp của các đức Phật, có một vầng sáng tròn tỏa khắp thân. Cấp Cô Độc Thực từ xa thấy đức Thế Tôn tướng mạo đoan chánh, các căn tịch tịnh, tối thượng điều phục, các căn kiên cố, như con đại long, như vực nước lóng trong, không có chút bợn nhơ. Thấy vậy, Cấp Cô Độc Thực phát sinh lòng kính tín. Với lòng tín kính hướng về đức Phật, ông bạch rằng:

«Ngài ngủ có ngon không?»

Đức Phật trả lời:

«Như người đời đều ngủ yên. Nhưng ta thì khác.» Liền khi ấy Phật nói kệ:

Tất cả đều ngủ yên.

Phạm hạnh đạt Niết bàn.

Nếu không phạm các dục,

Được giải thoát các phược.

Tất cả ái đã đoạn,

Điều phục các nhiệt não.

Tĩnh chỉ, nằm nghỉ yên,

Thân tâm đều tịch diệt.

Bấy giờ Cấp Cô Độc Thực đến trước đức Phật kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Đức Thế Tôn vì Cấp Cô Độc Thực phương tiện nói các pháp khai hóa, khiến được hoan hỷ, liền từ chỗ ngồi đạt được con mắt pháp trong sạch, thấy pháp đắc pháp, đặng quả tăng thượng, tâm nhàm chán phát sanh, bạch đức Thế Tôn rằng:

«Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng làm người ưu-bà-tắc của đức Phật. Từ nay về sau trọn đời không sát sanh, cho đếnkhông uống rượu. Cúi xin đức Thế Tôn cùng chúng Tăng nhận lời thỉnh mời của con, an cư chín mươi ngày trong mùa hạ này.»

Đức Phật nói:

«Như Lai đã nhận sự mời thỉnh của Vua Bình-sa rồi.»

Cấp Cô Độc Thực lại thưa:

«Cúi xin nhận sự mời thỉnh vào năm đến.»

Đức Phật lại nói:

«Năm đến Như Lai cũng đã nhận sự mời thỉnh của Vua Bình-sa.»

Cấp Cô Độc Thực lại thưa:

«Xin Đại đức nhận sự mời thỉnh của con vào năm sau nữa.»

Đức Phật trả lời:

«Nếu có trú xứ thanh tịnh như vậy, như vậy, không có ồn ào, không có ác thú, nơi rừng vắng người, có thể tọa thiền, thì Như Lai sẽ an trụ nơi như vậy.»[27]

Cấp Cô Độc Thực liền bạch Phật:

«Kính bạch đức Thế Tôn, điều đó con đã biết. Con sẽ biết thời.»

Cấp Cô Độc Thực thưa tiếp:

«Cúi xin đức Thế Tôn cùng chúng Tăng nhận sự mời thỉnh thọ thực của con vào ngày mai.»

Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng. Cấp Cô Độc Thực từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ sát chân Phật, nhiễu quanh rồi cáo lui.

Vua Bình-sa nghe Cấp Cô Độc Thực thỉnh Phật và Tăng thọ thực vào ngày mai liền sai người đến nói: «Ông là khách trọ ở xứ này. Chúng Tăng thì nhiều đến 1250 người. Ông có thể khỏi phải dọn lễ. Tôi sẽ thiết lễ giùm ông.» Cấp Cô Độc Thực liền sai người đến trả lời với Vua rằng: «Như thế đã là đã giúp tôi rồi. Không cần thiết nữa. Tôi sẽ tự mình chuẩn bị lấy.»

Bấy giờ, đại trưởng giả Ma-kiệt nghe Cấp Cô Độc Thực thỉnh Phật và Tăng thọ thực vào ngày mai, liền đến nói: «Ông là khách trọ ở xứ này. Chúng Tăng thì nhiều đến 1250 người. Ông có thể khỏi phải dọn lễ. Tôi sẽ thiết lễ giùm ông.» Cấp Cô Độc Thực liền trả lời với ông trưởng giả: «Như thế đã là đã giúp tôi rồi. Không cần thiết nữa. Tôi sẽ tự mình chuẩn bị lấy.»

Cấp Cô Độc Thực trở về nhà, trong đêm đó sửa soạn các thức ăn ngon bổ. Khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, cho người đến báo giờ. Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo Tăng đến nhà ông Cấp Cô Độc Thực an tọa nơi chỗ ngồi. Ông Cấp Cô Độc Thực tự tay châm chước các thức ăn ngon bổ cúng dường Phật và chúng Tăng một cách đầy đủ. ăn xong, dẹp bát rồi, ông lấy một chiếc ghế thấp hơn ngồi trước đức Phật. Đức Phật dùng vô số phương tiện vì Cấp Cô Độc Thực nói pháp khai hóa khiến được hoan hỷ. Thuyết pháp xong, đức Phật liền từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Bấy giờ, Cấp Cô Độc Thực từ thành Vương xá trở về nước Xá-vệ. Ông đi đến các thôn xóm, thành ấp, nơi nơi đều ra lệnh như sau: «Nơi nào đất trống, hãy lập vườn trồng cây trái, đào ao, bất cầu đò. Đức Phật đã ra đời. Ngài đã nhận sự mời thỉnh của tôi, hạ an cư tại nước Xá-vệ. Ngài sẽ đi qua con đường này để đến nước Xá-vệ. Cầu mong các người được phước vô lượng.»

Khi đến nước Xá-vệ rồi, Cấp Cô Độc Thực suy nghĩ: «Nơi đây có khu đất nào không xa lắm, không gần lắm, tiện lui tới; đất rộng, bằng phẳng, ban ngày không ồn ào, ban đêm không có tiếng động, không có mòng muỗi, ruồi, ong, loài có nộc độc, ta sẽ mua, lập Tăng-già-lam cho Phật?» Cấp Cô Độc Thực lại nghĩ: «Vương tử Kỳ-đà[28] có vườn rất tốt ở nước Xá-vệ, không gần không xa, tiện lui tới; đất rộng bằng phẳng, ban ngày không có các sự ồn ào, ban đêm không có tiếng động, cũng không có mòng muỗi, rắn độc, nay ta hãy đến chỗ Vương tử Kỳ-đà để hỏi mua.»

Cấp Cô Độc Thực liền đến chỗ Vương tử nói:

«Đức Phật đã xuất thế, Ngài có biết chăng? Đức Phật đã nhận lời mời của tôi an cư mùa hạ tại nước Xá-vệ. Ngôi vườn này Ngài có thể bán cho tôi với giá trăm ngàn tiền vàng?»

Vương tử nói:

«Không bán.»

Cấp Cô Độc Thực lại trình bày như trên:

«Tôi xin mua khu vườn với giá hai trăm, ba trăm, bố trăm ngàn tiền vàng.»

Vương tử nói:

«Nếu ông đem tiền vàng trải hết mặt đất, không trống một chỗ nào, tôi cũng không bán.»

Cấp Cô Độc Thực liền nói:

«Như thế là ngài đã quyết giá, xin ngài nhận cho.»

Vương tử nói:

«Tại sao nói tôi quyết giá?»

Cấp Cô Độc Thực thưa:

«Vừa rồi ngài nói, nếu đem tiền vàng trải khắp mặt đất, không có khoảng trống, há không phải là quyết giá? Xin Vương tử xem lại cựu chế của Vua.»[29]

Vương tử liền xem lại cựu chế của Vua, theo đó, đã nói như vậy tức là đã quyết định giá. Vương tử liền nói:

«Tùy ý trưởng giả.»

Bấy giờ, Cấp Cô Độc Thực trở về nhà, ra lệnh cho gia nhân xuất tiền vàng đem đến trải hết mặt đất khu vườn ông Kỳ-đà vương tử; còn một ít đất chưa trải hết. Kỳ Đà vương tử thấy vậy, liền nghĩ: «Có lẽ đây là một người phi thường, cũng là phước điền phi thường nên mới khiến cho Cấp Cô Độc Thực không tiếc trân bảo như vậy.» Vương tử liền nói với trưởng giả Cấp Cô Độc Thực:

«Thôi, đừng trải vàng nữa. Khoảnh đất còn lại, tôi muốn dâng cúng đức Thế Tôn.»

Cấp Cô Độc Thực nói:

«Điều đó tùy ý ngài.»

7. Thứ bậc Tăng trong già-lam

Đức Thế Tôn từ thành Vương xá cùng với một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian, đến nước Bạt-xà rồi mới quay trở lại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Nhóm sáu tỳ-kheo đi trước đức Phật, để lấy phòng xá cho Hòa thượng, đồng Hòa thượng; A-xà-lê, đồng A-xà-lê; cho tri thức thân hậu của họ. Xá-lợi-phất và Mục-liên đến sau.

Đức Phật hỏi:

«Phòng này của ai?»

Nhóm sáu tỳ-kheo nói:

«Phòng của Hòa thượng, đồng Hòa thượng, A-xà-lê, đồng A-xà-lê, tri thức thân tình của con.»

Vì Xá-lợi-phất và Mục-liên không nhận được phòng để ngủ nên phải ngủ bên ngoài bờ đất. Sáng ngày, Xá-lợi-phất và Mục-liên đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi Xá-lợi-phật và Mục-liên:

«Trong đêm ngủ có an lạc không?»

Thưa:

«Bạch Thế Tôn, an lạc.»

Đức Thế Tôn hỏi:

«Ngủ ở chỗ nào?»

Thưa:

«Ngủ bên ngoài bờ đất.»

Hỏi:

«Tại sao vậy?»

Hai tôn giả đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Phật. Bấy giờ đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng và bảo rằng:

«Theo ý các ngươi, ai xứng đáng ngồi chỗ thứ nhất, nhận nước trước, thọ thực trước; được đứng dậy nghinh đón, lễ bái, cung kính, tôn trọng, hỏi chào?»

Có vị trả lời, người đại tánh xuất gia; có vị trả lời, người tướng mạo đoan chánh; có vị trả lời, người sống a-lan-nhã; có vị trả lời, vị nào trì khất thực; có vị trả lời, người trì y phấn tảo; có vị trả lời, vị làm pháp dư thực không ăn; có vị trả lời, vị nhất tọa thực; có vị trả lời, vị nhất đoàn thực; có vị trả lời, người sống nơi bãi tha ma; có vị trả lời, người ngồi nơi đất trống; có vị trả lời, người sống dưới gốc cây; có vị trả lời, vị thường ngồi; có vị trả lời, vị tùy tọa; có vị trả lời, vị trì ba y; có vị trả lời, vị có khả năng tụng kinh; có vị trả lời, vị đa văn; có vị trả lời, vị pháp sư; có vị trả lời, vị trì luật; có vị trả lời vị ngồi thiền… Đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Các tỳ-kheo, hãy lắng nghe câu chuyện nên cho hay không nên cho.

 «Thuở quá khứ, có ba con vật bạn: voi, khỉ và con tu hú,[30] cùng sống trên cây Ni-câu-luật. Một hôm, ba con vật này suy nghĩ: ‘Chúng ta sống chung, sao không cung kính nhau mà lại khinh mạn nhau? Chúng ta nên tìm hiểu tuổi lớn nhỏ để rồi theo thứ tự lớn nhỏ mà cung kính lẫn nhau. Nếu ai lớn tuổi, thì sẽ được tôn trọng cung kính cúng cường. Lập ra phép tắc như rồi, chúng ta sống chung trong rừng.’ Khỉ và tu hú hỏi con voi: ‘Bạn nhớ có mặt nơi đây lâu mau rồi?’ Voi nói: ‘Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, khi tôi đi, cây ni-câu-luật này mới đụng ngang rốn.’ Voi và tu hú hỏi con khỉ: ‘Bạn nhớ có mặt nơi đây lâu mau rồi?’ Vượn trả lời: ‘Tôi nhớ lúc còn nhỏ đưa tay thì cây ni-câu-luật này mới ngang đầu.’ Voi nói với con khỉ rằng: ‘Như vậy là bạn lớn hơn tôi.’ Voi và con khỉ hỏi con tu hú: ‘Bạn nhớ có mặt nơi đây lâu mau rồi?’ Tu hú trả lời: ‘Tôi nhớ ở bên hữu núi chúa Tuyết sơn có cây ni-câu-luật rất lớn. Tôi ăn trái nơi cây đó, rồi đến đây đại tiện ra hột nên mọc lên cây ni-câu-luật này.’ Hai con kia đều nghĩ: ‘Con chim này lớn tuổi hơn mình.’ Bấy giờ, voi cõng khỉ trên đầu. Khỉ lại cõng tu hú trên vai. Rồi cùng nhau du hành trong nhơn gian. Từ thôn này đến thôn kia, từ thành này đến thành nọ, và tuyên bố: ‘Người nào có sự kính trọng bậc Trưởng lão thì người ấy có thể an trú nơi pháp này, đời này có danh dự, đời sau sanh nơi đường lành.’ Bấy giờ, tu hú nói pháp như vậy, mọi người đều tùy thuận, và sự giáo huấn này cũng được truyền khắp.

«Các ngươi là những người xuất gia trong giáo pháp của Ta, cũng nên cung kính với nhau như vậy thì Phật pháp mới được truyền khắp. Từ nay về sau cho phép tùy theo lớn nhỏ mà cung kính lễ bái, nghinh đón hỏi chào bậc thượng tọa.»

Khi các tỳ-kheo nghe đức Phật dạy là các tỳ-kheo nên tùy theo lớn nhỏ cùng nhau cung kính bậc thượng tọa, các vị lại lễ bái người bạch y, và nói rằng: «Ông lớn tuổi hơn tôi.» Đức Phật dạy:

«Không nên lễ bái người bạch y. Các ngươi đối với người nào nên lễ, và không nên lễ như sau: «Không nên lễ là tất cả những người nữ. Người thọ đại giới trước không lễ người thọ đại giới sau. Những người nói phạm biên tội, phạm tỳ-kheo-ni, tặc tâm thọ giới, phá nội ngoại đạo, huỳnh môn, giết cha mẹ, giết A-la-hán, phá Tăng, ác tâm làm thân Phật ra máu, phi nhơn, súc sanh, hai căn, bị cử, diệt tẫn, đáng diệt tẫn, và tất cả những người nói phi pháp, đều không nên lễ.

«Những người nào nên lễ? sa-di-ni nhỏ nên lễ sa di ni lớn, lễ sa-di, thức-xoa-ma-na, tỳ-kheo-ni, tỳ-kheo, và tháp của những vị, tất cả đều nên lễ. Hoặc sa-di niên thiếu nên lễ sa-di lớn, lễ sa-di-ni, thức-xoa-ma-na, cho đến tỳ-kheo và tháp, tất cả đều nên lễ. Thức xoa-ma-na nhỏ nên lễ thức xoa-ma-na lớn, lễ tỳ-kheo-ni, tỳ-kheo và tháp; thảy đều nên lễ. Tỳ-kheo-ni tuổi nhỏ nên lễ tỳ-kheo-ni lớn, tỳ-kheo và tháp; thảy đều nên lễ. Tỳ-kheo nhỏ nên lễ tỳ-kheo lớn, và tháp của tỳ-kheo, cũng nên lễ. Tất cả chư Thiên, người đời, chư ma, phạm vương, Sa-môn, bà-la-môn đều nên kính lễ Như Lai Thế Tôn, và tháp.»

Khi Đức Thế Tôn dạy kính lễ tháp như vậy, thì các vị lại lễ tháp miếu của bạch y. Đức Phật dạy:

«Không nên lễ tháp miếu của bạch y.»

Có vị đã không lễ tháp miếu của bạch y, lại đi quanh phía bên tả.[31] Vị thần bảo hộ tháp miếu giận. Đức Phật dạy:

«Tùy theo hướng đi đến mà đi. Không nên cố ý đi quanh phía bên tả.»

Các tỳ-kheo nghĩ, «sa-di nên lấy tuổi đời làm lớn nhỏ hay lấy năm xuất gia làm lớn nhỏ?» Đức Phật dạy:

«Nên lấy tuổi đời làm lớn nhỏ. Nếu tuổi đời bằng nhau thì nên lấy tuổi xuất gia làm lớn nhỏ.»

Có vị tỳ-kheo nọ đến trước. Tỳ-kheo đến sau lớn hơn một đêm.[32] Vị đến sau bèn dời tỳ-kheo đến trước đi. Đức Phật dạy:

«Không nên dời, cũng không nên đứng dậy. Cho phép ngồi vào giữa.[33] Khi ngồi vào giữa, lại có sự xê dịch với nhau khiến cho chúng bị náo loạn. Đức Phật dạy:

«Cho phép vị đến sau thì ngồi sau.»

Khi cho ngồi sau, họ lại ngồi sau bạch y. Đức Phật dạy:

«Không nên ngồi như vậy.»

Có vị lại ngồi sau sa-di. Đức Phật dạy:

«Không nên ngồi như vậy. Nên ngồi dưới đại tỳ-kheo.»

Có vị không kịp hậu an cư. Lấy số thọ đại giới mà tính tuổi. Đức Phật dạy:

«Không nên như vậy.»

Hòa thượng A-xà-lê nên giáo thọ về thời tiết như sau: Mùa đông, mùa xuân, mùa hạ, ông được bao nhiêu ngày. Hoặc một tháng, hoặc nửa tháng, hay một ngày; hoặc bữa ăn trước, bữa ăn sau, cho đến theo bóng của mặt trời mà tính.

Nhóm sáu tỳ-kheo ở trong nhà bạch y, thấy Thượng tọa đến, không đứng dậy chào, lại nói: «Đây không phải là Tăng địa.»

Phật nói:

«Không nên nói như vậy. Nên đứng dậy chào.»

Nơi mé nước, dưới gốc cây, bên hòn đá, trên bãi cỏ, trên thuyền, có vị không đứng dậy tránh Thượng tọa, lại nói: «Đây không phải là Tăng địa.» Đức Phật dạy:

«Nên đứng dậy.»

8. Trú trì

Có cư sĩ làm phòng cho Tăng mà không vị nào đến ở, cư sĩ kia nói: «Đại phú trưởng giả nhiều của nhiều tiền, làm phòng cho Tăng, Sa-môn Thích tử đến ở. Còn tôi nghèo khổ, đâu có vị nào đến ở!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

Chúng Tăng nên sai một tỳ-kheo đến ở[34] bằng bạch nhị yết-ma, theo pháp thức sau: trong chúng nên sai một vị có thể tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng đem phòng[35]… này cho tỳ-kheo tên là… liệu lý. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Phòng… này giao cho tỳ-kheo… liệu lý.[36] Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng đem phòng… này giao cho tỳ-kheo tên… liệu lý thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

«Tăng đã chấp thuận giao phòng… này cho tỳ-kheo… liệu lý rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

9. Phòng ốc

Bấy giờ, các tỳ-kheo muốn làm phòng.[37] Đức Phật cho phép. Có vị muốn ban đất cho bằng. Phật cho phép. Nếu có đá, gốc cây, gai, nên dọn dẹp. Nếu có hầm, có kênh, chỗ cao chỗ thấp thì nên làm cho bằng. Nếu cần đề phòng nạn nước lũ thì nên đắp bờ ngăn. Nếu sợ đất có chủ, hoặc nói lôi thôi thì nên giải quyết cho phân minh. Nếu có gốc cây lớn hoặc đá thì nên bứng đi. Không bứng được thì nên đốt. Nếu vẫn không đi,[38] thì sau khi đốt, chế nước hay giấm[39] vào, rồi kê đá mà bẩy đi. Nếu khó phá thì nên dùng chùy sắt để phá ra. Nếu không thể được thì đào cái hầm một bên rồi chôn xuống.

Có vị cần ban đất cho bằng. Sau khi cày, cần ban cho phẳng. Không biết ai có thể ban. Phật nói, hoặc tỳ-kheo, hoặc sa-di, hay người coi Tăng-già-lam, hoặc ưu-bà-tắc.

Có vị cần ngói. Phật cho phép làm, hoặc tự làm hay bảo người làm đều được. Có vị cần khuôn làm ngói. Phật cho phép sắm. Có vị lấy bùn trét vào khuôn ngói. Phật dạy nên dùng vải xấu, nhúng vào nước, lau xung quanh. Chỗ làm ngói có cỏ. Phật dạy nên làm chỗ không có cỏ. Nếu ngói không khô thì nên lật lại. Khi lật, bị đứt cỏ, không phạm. Ngói không bằng thì nên gọt cho bằng. Nếu ngói khô thì nên chất đống lại. Nếu trời mưa thì nên tủ lên trên. Nếu gió thổi thì nên lấy cây hay đá đè lên trên. Nếu sợ trâu, dê, hay các loài súc sanh ăn cỏ tủ lên trên, thì nên lấy bùn bôi lên trên cỏ.

Có vị cần cánh cửa, cho làm cánh cửa. Có vị làm hình rồng rắn bên cửa cánh cửa. Phật dạy, không được làm hình tượng như vậy. Cho phép vẽ hình dây nho hay hình bông sen. Có vị muốn làm hình lá cây nơi cánh cửa. Phật cho phép làm. Có vị muốn làm hình binh mã. Đức Phật dạy, không nên làm như vậy. Nên dùng màu tía hay màu chu, hay năm màu để làm. Có vị dựa vào, nên màu bị mất. Phật dạy, không được dựa như vậy. Có vị Thượng tọa kia già bệnh, và tỳ-kheo từ đường xa mới đến. Tỳ-kheo nếu không dựa thì thân không an ổn. Đức Phật dạy, cho phép dùng cỏ, lá, vỏ cây hay một trong mười loại y lót sau lưng để dựa.

Có tỳ-kheo kia ban ngày, chỗ đông người, nằm sát đất mà ngủ. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm, nói Sa-môn Thích tử tự xưng là giác ngộ mà ban ngày nằm sát đất ngủ hay sao? Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, không được nằm như vậy. Có Thượng tọa kia già bệnh, và tỳ-kheo từ đường xa đến, vì ban ngày không ngủ, nên rất mỏi mệt. Đức Phật cho phép vào trong phòng đóng cửa lại rồi ngủ. Có vị đuổi người bệnh. Phật dạy, không được đuổi người bệnh. Người bệnh cũng không nên đi.

Nhóm sáu tỳ-kheo lấy cớ bệnh không tránh Thượng tọa. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, không được lấy cớ như vậy. Tỳ-kheo bệnh ở trên lầu gác, nơi phòng lớn, đại tiểu tiện, khạc nhổ, nhơ bẩn hôi thối, không sạch. Đức Phật dạy tỳ-kheo bệnh không nên ở trên lầu gác, nơi phòng lớn. Nên ở nơi phòng nhỏ, hoặc làm nhà riêng biệt.

Tỳ-kheo bệnh không thể đến chỗ đại tiểu tiện. Đức Phật dạy cho phép làm nơi đại tiểu tiện gần chỗ ở nhất. Nếu không thể ra khỏi phòng, cho phép để đồ đại tiểu tiện trong phòng, hay không thể đứng dậy ra khỏi giường đức Phật cho phép đục cái lỗ nơi giường, bên dưới để cái bô. Có bệnh nhân khạc nhổ trong phòng, bẩn đất. Đức Phật dạy, không nên nhổ như vậy. Có tỳ-kheo già yếu, là bậc Thượng tọa, dậy nhiều lần, mệt. Đức Phật cho phép làm đồ để nhổ.

Trú xứ nọ đông người, vị kia bắt rận bỏ dưới đất. Đức Phật dạy, không nên bỏ như vậy. Có tỳ-kheo già bệnh, là bậc Thượng tọa, phải dậy nhiều lần để vất rận, nhọc mệt. Đức Phật dạy, cho phép bỏ trong đồ đựng, hoặc lông, hoặc kíp bối, hoặc vật xấu rách hay bông. Nếu rận bò ra, thì nên dùng cái ống để đựng. Có vị dùng vật báu làm ống đựng. Phật dạy, không được dùng vật quý báu làm ống. Cho phép dùng xương, răng, sừng, sắt, đồng, thiếc, chì, ống tre, trúc cây… để làm ống đựng rận. Nếu rận bò ra ngoài thì dùng đồ đậy lại. Có vị dùng vật báu làm đồ đậy. Đức Phật dạy, không nên dùng vật báu làm đồ đậy. Nên dùng xương, răng, cho đến cây để làm. Để chỗ không ổn định, Phật bảo nên dùng dây cột vào trong chân giường.

Bấy giờ, tỳ-kheo phân phòng. Có tỳ-kheo nhận được phòng hư đổ. Vị đó nghĩ như vầy: «Chắc muốn khiến ta tu bổ phòng?» Nên không nhận. Đức Phật dạy nên nhận rồi tùy theo khả năng mà tu bổ. Có tỳ-kheo muốn tu bổ phòng, đức Phật cho phép tu bổ. Tất cả vật cần thiết, đều cho phép cung cấp.

10. Tường rào chùa

Thế Tôn từ Tỳ-xá-ly du hành trong nhân gian, qua nước Bạt-xà, đến nước Xá-vệ, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo. Bấy giờ Cấp Cô Độc Thực nghe đức Thế Tôn đến nước Xá-vệ, liền đánh xe đi nghinh đón. Từ xa thấy đức Phật liền xuống xe, đi bộ đến trước mặt đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện vì Cấp Cô Độc Thực nói pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Hoan hỷ rồi, Cấp Cô Độc Thực bạch đức Thế Tôn:

«Cúi xin Ngài nghỉ nơi Kỳ-hoàn. Sáng mai con thỉnh thọ thực.»

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Cấp Cô Độc Thực biết đức Phật nhận lời rồi, kính lễ cáo lui. Về nhà, trong đêm Cấp Cô Độc Thực chuẩn bị các thức ăn ngon béo rồi, sáng ngày đến thỉnh Phật phú trai. Đức Thế Tôn khoác y, bưng bát, đến nhà ăn, an tọa nơi chỗ ngồi. Cấp Cô Độc Thực tự tay châm chước các thức ăn ngon bổ cúng dường Phật và chúng Tăng một cách đầy đủ. Ăn xong, cất bát, ông dùng bình bằng vàng dâng nước rồi bạch Phật:

«Con xin dâng cúng ngôi vườn Kỳ-hoàn lên đức Thế Tôn. Cúi xin Thế Tôn thâu nhận.»

Đức Phật dạy:

«Này Cư sĩ, Ông nên đem ngôi vườn này dâng cúng cho Phật và bốn phương Tăng. Tại sao vậy? Này cư sĩ, nếu là vườn hay vật trong vườn, phòng hay vật trong phòng, nhà hay vật trong nhà, y bát, tọa cụ, ống đựng kim, của Thế Tôn, thì tất cả chư thiên, người đời, sa-môn, bà-la-môn, ma phạm không thể sử dụng được.»

Theo lời dạy, cư sĩ liền dâng cúng ngôi vườn lên đức Phật và bốn phương Tăng. Đức Thế Tôn dũ lòng thương thọ nhận và nói kệ khuyến dụ:

Trồng cây trái lập vườn,

Hoặc lập cầu và đò,

Đào giếng nơi hoang vắng,

Và bố thì phòng xá.

Những hạng người như vậy,

Ngày đêm phước tăng ích.

Nên giữ giới như pháp

Sau được sanh đường lành.

Bấy giờ, Cấp Cô Độc Thực đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện nói pháp, khai hóa, khiến được hoan hỷ. Cấp Cô Đôc Thực nghe pháp hoan hỷ rồi, kính lễ sát chân, cáo lui.

Bấy giờ trong vườn Kỳ-hoàn bò, dê ra vào tự do không có giới hạn ngăn cấm. Đức Phật bảo đào hào xung quanh cho chúng khỏi vào. Các tỳ-kheo già bệnh là bậc Thượng tọa không thể bước qua được. Phật cho phép làm cầu để đi. Các vị ấy không biết làm thế nào. Phật bảo dùng ván hay gỗ để làm, hoặc dùng dây cột nối liền. Các tỳ-kheo Thượng tọa già bệnh khi đi qua cầu, trượt chân bị ngã xuống. Đức Phật cho phép buộc dây hai bên để vịn. Nếu nắm sợi dây bị té thì nên làm lan can hai bên. Nếu hào không bảo đảm thì nên làm hàng rào. Không có cửa ngõ thì cho phép làm cửa ngõ. Nếu hàng rào không bảo đảm thì nên xây tường. Khi xây tường, cần thứ gì đều cho phép sắm để xây. Nếu không bảo đảm thì nên làm cổng có lầu. Vương tử Kỳ-đà tử muốn làm cổng lầu quý giá tại Kỳ-hoàn[40] được đức Phật đồng ý.

Cây nơi vườn Kỳ-hoàn không được tốt. Phật bảo trồng ba thứ cây, cây bông, cây có trái và cây nhiều lá.

Bấy giờ, có vị tỳ-kheo Thượng tọa, nổi tiếng nhiều người biết, thọ thực nơi Xá-vệ rồi trở về Kỳ-hoàn bị bịnh nhiệt. Đức Phật cho phép dùng cỏ hay lá cây để che, hay lấy một trong mười loại y để che. Nếu vẫn cứ nóng thì nên trồng hai bên đường bằng ba thứ cây trên.

Kỳ-hoàn cách dòng nước xa, Phật cho phép đào mương dẫn nước vào. Mương sạt lỡ, Phật cho phép dùng cỏ để chận. Nếu cỏ bị rã nát, thì nên dùng gạch, đá hay cây để chận. Nếu cần đào giếng thì đào giếng, tất cả những thứ cần dùng đều cho sắm. Khi xách nước, bị bùn làm vỡ gàu xách, cho phép dùng cây gỗ lót xung quanh, để gàu vào giữa. Nếu đồ múc vẫn bị vỡ, cho phép dùng túi bằng lông[41] để đựng. Nếu vẫn bị vỡ, cho phép dùng da thuộc để làm. Nếu dây kéo bị đứt thì nên dùng da. Tỳ-kheo không quen xách, bị đau tay, cho phép dùng bánh xe để quay. Nếu lỗ bánh xe bị hư thì cho phép dùng sắt để làm. Nếu bị nước chảy ngược vào trong giếng thì nên dùng đá, gạch hay cây gỗ ngăn bốn bên. Nếu sợ chỗ rửa, nước đọng lại thành bùn bẩn, thì dùng gạch, đá để lót. Nếu sợ trẻ nít rơi xuống giếng thì nên dùng cây hay gạch đá làm lan can ngăn. Nếu xách nước, gàu bị đứt dây rớt xuống giếng, thì nên dùng móc để móc lên. Cái gàu không có chỗ để ổn định. Đức Phật cho làm cái giá gần bên giếng để móc cái gàu lên.

11. Nhà tắm

Kỳ-hoàn chưa có nhà tắm. Phật cho phép làm. Các vị ấy không biết cách làm. Phật bảo làm vuông hay tròn hoặc tám cạnh. Các vị ấy làm phía trước nhà. Đức Phật nói không nên làm trước nhà mà nên làm một bên, nơi chỗ khuất. Nhà tắm bị gió lạnh. Phật cho làm cửa để đóng lại. Bị khói, cho làm lỗ thông hơi. Bị tối, cho làm cửa sổ. Bị bùn, cho dùng gạch, đá, cây làm cái ghế ngồi tắm. Bị bùn bẩn chân, cho dùng đá hay gạch lót nền. Nếu đầu cây trật khớp, nên đục thành răng chó, ép lại với nhau.

Bấy giờ, khi Thượng tọa muốn mát, thì nhóm sáu tỳ-kheo đóng cửa. Khi Thượng tọa muốn ấm, nhóm sáu tỳ-kheo lại mở cửa. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: phải theo yêu cầu của chúng mà đáp ứng.

Nhóm sáu tỳ-kheo vào nhà tắm trước, chiếm lấy chỗ tốt. Thượng tọa đến sau không có chỗ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy nên tùy theo thứ tự mà ngồi. Vị Thượng tọa không vào, bỏ chỗ trống. Đức Phật dạy, vị thứ tọa nên ngồi. Khói xông lên mặt, Phật cho phép dùng vật để ngăn. Đầu bị nóng, cho phép trùm lại. Lưng nóng, cho phép che. Thân hôi thối, cho phép dùng bùn để tắm. Có tỳ-kheo nọ nghi, không dám dùng hương trộn với bùn. Đức Phật cho phép dùng hương để tắm. Trong nhà tắm, đất bị nóng, cho phép tưới nước cho mát. Có vị cùng bạch y tắm, xem đuôi của nhau, rồi nói, «đuôi người này dài,» «cái đuôi người kia to.» Phật dạy, không được tắm chung với bạch y. Nếu người nào xưng tán Phật, Pháp, Tăng thì cho phép tắm chung.

Các tỳ-kheo dùng y trải dưới đất trống, trời mưa ướt. Đức Phật cho phép xếp lại rồi máng trên vách, trên móc long nha, trên trụ cột hoặc trên giá y. Có vị lo ngại khói xông bẩn y. Đức Phật cho phép làm nhà để y riêng. Có vị khỏa thân chà mình cho người khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân chà mình cho người không khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị không khỏa thân, nghi, e ngại không dám chà mình cho người khỏa thân. Đức Phật cho phép. Có vị khỏa thân cạo tóc cho người khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân cạo tóc cho người không khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị không khỏa thân cạo tóc cho người khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân xỉa răng. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân rửa tay, rửa chân, rửa mặt. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân ăn. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân đại tiểu tiện. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị lộ hình kính lễ người lộ hình. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân kính lễ người không khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị không khỏa thân kính lễ người khỏa thân. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân đi đường. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị khỏa thân đi kinh hành. Phật dạy, không được làm như vậy.

12. Dùng nước

Bấy giờ, nhà tắm nơi Kỳ-hoàn cách xa nước. Phật cho phép đào mương hay đào giếng đem nước vào, như trên. Nếu nước ít thì nên đào mương cho lớn. Có vị xách nước đau tay. Phật cho phép làm con quay để quay. Không biết chứa nước chỗ nào. Phật cho phép đựng trong cái ghè. Khi xách nước, lúc trời mưa, có vị lo y bị ướt. Phật cho phép làm cái nhà trên cái giếng. Tỳ-kheo khỏa thân xách nước, thấy phụ nữ đến, hổ thẹn bèn ngồi xuống. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, không được làm như vậy. Các tỳ-kheo tắm nơi suối, nơi kênh, nơi ao, long nữ giận cơ hiềm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, không được tắm như vậy, cho phép dùng bốn loại tắm được che kín: hoặc chỗ có vách che; hoặc chỗ có lá cây, cỏ che; hoặc lấy nước che thân; hoặc dùng y để che thân.[42] Nếu tắm tại ba chỗ trên, cần dùng thứ gì cho phép được trao đổi lẫn nhau. Dùng y che thân, tất cả đều như pháp.

Người xây cất, được phép tắm. Nếu nước ít thì nên mở rộng chỗ nước. Nếu sợ nước rò rỉ xuống nhiều, thì nên làm chỗ rò nhỏ ở mé.

Các tỳ-kheo tắm nơi đất trống, mắc bệnh. Đức Phật dạy cho phép làm cái nhà tắm nhỏ để tắm. Nếu đất nơi nhà tắm bị bùn, cho phép dùng gạch đá hay cây hoặc đá dăm, cát để lót. Nước đọng lại, cho phép mở đường tháo nước ra ngoài.

13. Đất trống

1. Các tỳ-kheo nấu nước nơi đất trống, trời mưa y bị ướt. Đức Phật cho phép làm nhà để nấu nước. Các tỳ-kheo để củi tươi nơi chỗ đất trống, trời mưa bị ướt. Đức Phật cho phép làm nhà để củi. Có tỳ-kheo coi nấu thức ăn nơi chỗ đất trống, trời mưa y bị ướt làm bẩn vật đựng thức ăn của tịnh nhơn. Đức Phật dạy cho phép làm tịnh trù để nấu thức ăn.

Bấy giờ, các tỳ-kheo được nhà bạch y mời thọ thực, trên đường đi bị mưa ướt y. Đức Phật dạy cho phép nơi khoảng không gian xóm làng nên thiết lập Tăng-già-lam.

2. Tỳ-kheo đại tiểu tiện nơi đất trống, người nữ thấy, tỳ-kheo vội vàng đứng dậy. Đại tiện chưa xong nên sanh bệnh. Đức Phật cho phép làm nhà vệ sinh. Kia chỉ làm một chỗ đại tiện, gặp lúc nhiều người đi phải đứng chờ. Phật cho phép làm nhiều chỗ, nên làm cửa, nên ngăn đừng cho thấy nhau. Tỳ-kheo Thượng toạ già bệnh, đại tiểu tiện xong bị té. Phật cho phép làm lan can hai bên. Có vị đại tiện xong chùi lung tung, hoặc nơi góc tường hoặc nơi hòn đá, hoặc trên cỏ. Phật dạy, không được chùi như vậy. Nên làm chỗ rửa riêng biệt. Có vị tiểu tiện lung tung bẩn đất. Phật dạy, không được tiểu như vậy. Nên tiểu tiện một chỗ ở mé. Nếu vẫn lo ngại bị bẩn thì làm riêng chỗ tiểu tiện. Các vị ấy không biết làm cách nào. Phật dạy đào một cái hầm, bên dưới để hòn đá, đặt một cái ghè lên. Chọc thủng đáy ghè để chỗ rút nước, hai bên lót cây. Nếu sợ hôi thối thì nên đậy lại.

3. Các tỳ-kheo kinh hành nơi đất trống, có rắn, bò cạp, rít. Tỳ-kheo chưa ly dục, thấy sợ. Đức Phật cho phép làm chỗ kinh hành treo. Các thầy không biết cách làm. Đức Phật bảo đào đất trồng trụ rồi lót ván lên trên để đi. Sợ mưa gió, thì làm nhà che bên trên.

14. Lò sưởi

Phật ở tại Câu-thiểm-di.

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng tơ lụa vẽ vời trang sức trong phòng, đốt lửa hơ ấm, khói xông bẩn phòng, bẩn ngọa cụ. Phật dạy, không được làm như vậy.

Các tỳ-kheo mùa đông bị lạnh. Phật cho phép nhúm lửa nơi đất trống để hơ cho ấm. Nhúm lửa nơi đất trống ngồi, bị lạnh sau lưng. Đức Phật cho phép nhen lửa bên ngoài, để cho hết khói rồi bưng vào trong phòng để hơ. Nếu có nhiều người không chấp nhận thì làm riêng nhà sưởi ấm.[43] Các thầy không biết làm sao. Đức Phật cho phép làm vuông, tròn hoặc dài.

Có vị nhúm bếp lung tung. Phật dạy, không được làm như vậy, nên để chính giữa một cái hỏa lò. Các tỳ-kheo nhận được cái lò hình bánh xe.[44] Đức Phật cho phép chứa dùng. Các thầy không biết cho ai đẩy đi. Đức Phật dạy nên giao cho sa-di hoặc tỳ-kheo hay người giữ Tăng-già-lam.

Tỳ-kheo kia không quen thổi lửa, nên thổi lửa mà sinh bệnh. Đức Phật cho phép làm cái ống để thổi. Có vị dùng vật báu để làm ống thổi. Phật dạy, không được dùng vật báu làm mà nên dùng xương, đồng, thiếc hay cỏ xá la, tre, trúc, cây để làm. Nếu sợ miệng ống thổi bị cháy thì cho phép dùng miếng sắt bao ngoài, đừng để củi lửa trong bếp rớt lên trên. Nếu sợ nóng tay nên làm cái kẹp. Có vị dùng vật báu làm cái kẹp. Phật dạy, không được dùng như vậy. Nên dùng xương, răng, đồng, thiếc hay cây để làm. Nếu sợ cái đầu ống bị cháy, cho dùng miếng sắt để bao lại. Có vị muốn gom lửa lại, cho làm cái cào để cào. Muốn giữ lửa lại, cho moi cái hầm cho lửa xuống. Nếu sợ lửa tắt thì dùng tro phủ lên trên.

Các tỳ-kheo dùng nước lạnh rửa mặt, rửa tay, rửa chân nên bị lạnh. Đức Phật cho phép nấu nước nóng để rửa. Các thầy không biết cách nấu. Đức Phật bảo dùng ghè tắm đựng đầy nước để bên lửa. Nếu ghè nhiều để bên lửa không đủ chỗ, làm ba cái nạng chống. Đổ nước đầy cái vò lớn rồi đặt lên đó mà hâm nóng. Nếu cái vò đun lớn khiến cho lửa bị ngộp, thì nên dùng dây treo lên. Nếu dây bị cháy thì dùng ống tre bao cái dây. Nếu ống tre bị cháy thì dùng bùn trét bên ngoài. Khi rót nước, ống bị gãy. Đức Phật bảo nên lấy vật khác kẹp lấy. Khi rót nước sợ chảy ra ngoài nên dùng ống để rót. Nếu cái dây treo bị đứt nên lấy sắt làm cái khâu để móc. Mùa đông, các tỳ-kheo rửa chân bị lạnh. Đức Phật dạy nên để thau rửa mặt, nước rửa chân trong nhà mà rửa. Khi rửa, cần thứ gì nên cung cấp thứ ấy.

Buổi sáng, tỳ-kheo thức dậy xoa dầu nơi chân, vào xóm khất thực, người nữ kính lễ sát chân, dầu dấy nơi tay rồi cầm bình bát tỳ-kheo. Các tỳ-kheo khác thấy gớm. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy, sáng sớm thức dậy không nên thoa dầu nơi chân rồi đi vào xóm khất thực. Các tỳ-kheo chân bị nứt, cho phép thoa dầu từ gót chân cho đến ngón chân. Bấy giờ, chúng Tăng nhận được phòng một tầng. Đức Phật cho phép ở.

15. Thọ nhận phi pháp

Thế Tôn từ nước Ma-kiệt đến thành Khoáng dã. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo dùng các thứ có thêu vẽ hình tượng nam nữ trang hoàng phòng ốc, nhà cửa cho đức Thế Tôn. Phật dạy, không được làm như vậy. Cho phép dùng hình vằn vện của cầm thú có nhiều màu để trang hoàng. Chúng Tăng nhận được hai phòng một cửa. Đức Phật cho phép ở.

Thế Tôn ở nước Xá-vệ. Bấy giờ tôn giả A-nan nhận được phòng riêng. Đức Phật cho phép sử dụng.

Bấy giờ La-hầu-la ở trong rừng Na-lê. Tại đây có cư sĩ không quyên góp ai mà tự mình làm phòng xá cúng cho La-hầu-la. La-hầu-la ở phòng này một thời gian, rồi du hành trong nhân gian. Cư sĩ nghe La-hầu-la du hành nhơn gian lại đem phòng xá cúng cho chúng Tăng.

Khi đức Thế Tôn từ Ma-kiệt-đề du hành trong nhân gian, đến trong rừng Na-lê trải chỗ ngồi an tọa, lúc này La-hầu-la nghe cư sĩ đã đem phòng cúng cho chúng Tăng, liền đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

«Tại Na-lê, có cư sĩ không quyên góp ai mà tự mình làm phòng cúng cho con. Con ở nơi phòng đó một thời gian rồi du hành trong nhân gian. Sau đó, cư sĩ kia lại đem phòng ấy cúng cho chúng Tăng.»

Đức Phật bảo La-hầu-la:

«Ngươi đến chỗ cư sĩ hỏi thế này: Chẳng lẽ ông thấy tôi có điều gì đáng trách, không thanh tịnh, chẳng phải pháp sa-môn, hoặc do miệng nói ra, hay do thân làm tà vạy?»

La-hầu-la vâng lời dạy của đức Thế Tôn, đến chỗ cư sĩ kia nói như trên.

Cư sĩ trả lời: «Con không thấy Tôn giả có điều chi đáng trách, và chẳng phải pháp Sa-môn, hoặc do miệng nói, hay do thân làm không thanh tịnh cả.»

Bấy giờ, La-hầu-la đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch với đức Thế Tôn:

«Vừa rồi theo lời dạy của Như lai, con đến chỗ cư sĩ hỏi, cư sĩ kia trả lời: con không thấy Tôn giả có điều chi đáng trách đối với pháp Sa-môn, cũng không có việc chi là không thanh tịnh, hoặc do miệng nói, hay do thân làm.»

Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, bảo rằng:

«Các thầy khéo lắng nghe: Bố thí phi pháp, thọ nhận phi pháp, ở phi pháp; bố thí như pháp, thọ nhận như pháp, ở như pháp.»

Thế nào là bố thí phi pháp, thọ nhận phi pháp, ở phi pháp?

Hoặc có người tự tâm hỷ lạc, làm phòng đem dâng cúng cho một người; rồi lại đem cúng cho nhiều người. Như vậy là bố thí phi pháp, thọ nhận phi pháp, ở phi pháp. Cúng cho một người; rồi lại đem cúng cho chúng Tăng, cũng như vậy. Cúng cho một người rồi, Tăng bị phá làm hai bộ, cúng cho đồng bộ của mình, cũng như vậy. Cúng cho một người rồi, cúng cho khác bộ cũng như vậy.

Hoặc có người tự tâm hỷ lạc, làm phòng dâng cúng cho số đông người; rồi lại đem dâng cúng cho chúng Tăng. Tức là bố thí phi pháp, thọ nhận phi pháp, ở phi pháp. Cúng cho số đông người rồi, Tăng bị phá làm hai bộ, cúng cho đồng bộ của mình cũng như vậy. Cúng cho số đông người rồi, cúng cho khác bộ cũng như vậy. Cúng cho số đông người rồi cúng cho một người cũng như vậy.

Làm phòng cúng cho Tăng rồi chuyển cúng cho người khác cũng như vậy. Làm phòng rồi cúng cho đồng bộ của mình cũng như vậy. Làm phòng rồi cúng cho khác bộ cũng như vậy. Đó gọi là bố thí phi pháp, thọ nhận phi pháp, ở phi pháp.

Thế nào là bố thí như pháp, thọ nhận như pháp, ở như pháp?

Hoặc có người hỷ lạc tự làm phòng cúng cho một người là cúng như pháp, nhận như pháp, ở như pháp. Cúng cho số đông người, cúng cho Tăng, cúng cho hai bộ Tăng cũng như vậy. Đó gọi là cúng như pháp, nhận như pháp, ở như pháp.

16. Tứ phương Tăng vật

Thế Tôn cùng năm trăm tỳ-kheo du hành nhơn gian tại nước Ca-thi. Bấy giờ tại nước Ki-liên[45] có bốn cựu tỳ-kheo A-thấp-bệ, Bất-na-bà-sa, Ban-đà, Lâu-hê-na.[46] Bốn tỳ-kheo này nghe đức Thế Tôn cùng năm trăm tỳ-kheo du hành nhơn gian sẽ đến Ki-liên. Hai đệ tử của đức Thế Tôn là Xá-lợi-phất và Mục-liên cũng sẽ đến đây đuổi chúng ta ra khỏi trú xứ này. Chúng ta có thể chọn lựa một thượng phòng dành cho đức Thế Tôn, ngoài ra chia làm bốn phần tư hữu. Tăng-già-lam, vật của Tăng-già-lam, phòng xá, vật của phòng xá làm phần của tỳ-kheo thứ nhất. Hũ, ghè, nồi, vạc, búa, đục, đèn, đài, các vật nặng linh tinh làm phần của tỳ-kheo thứ hai. Giường dây, giường cây, nệm lớn, nệm nhỏ, ngọa cụ tạp vật làm phần của tỳ-kheo thứ ba. Cây, gỗ, tre, cỏ, bông trái làm phần của tỳ-kheo thứ tư. Bốn cựu tỳ-kheo chọn lựa thượng phòng dành cho đức Thế Tôn, ngoài ra phân chia làm bốn phần như trên.

Đức Thế Tôn từ nước Ca-thi du hành trong nhân gian, đến Kỳ-liên, trải chỗ ngồi an tọa, rồi bảo Xá-lợi-phất và Mục-liên đến nói với cựu tỳ-kheo kia: «Thế Tôn cùng năm trăm tỳ-kheo đến Ca-thi. Các thầy cần phải dọn chỗ nằm cho các tỳ-kheo.» Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên vâng lời dạy của đức Thế Tôn đến chỗ cựu tỳ-kheo bảo họ trải năm trăm chỗ nằm. Cựu tỳ-kheo trả lời: «Đức Thế Tôn là Pháp chủ, có thể tùy ý đi hay ở. Chúng tôi đã chọn lựa một thượng phòng dành cho đức Thế Tôn. Ngoài ra, chúng tôi đã chia làm bốn phần như trên. Không còn ngọa cụ nào cho Tỳ-kheo khách.» Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên đến chỗ đức Thế Tôn đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này bạch lên đức Thế Tôn một cách đầy đủ. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng rồi bảo rằng:

«Bốn phần đây là vật của bốn phương Tăng, không nên chia, không nên đem về cho mình, không nên mua bán, cũng chẳng phải vật mà Tăng được bán, chẳng phải của nhiều người cho đến một người được quyền bán. Nếu Tăng hay số đông người hoặc một người tự nhập vào của mình, hoặc chia, hoặc mua bán thì không thành, tự nhập không thành, chia không thành, mua bán không thành, phạm thâu-lan-giá.»

Thế nào là vật của Tăng bốn phương?[47]

Tăng-già-lam và vật của Tăng-già-lam; phòng và vật của phòng. Đây là phần thứ nhất. Vật của bốn phương Tăng không nên chia, không nên nhập vào của mình, không nên mua bán. Cho dù là Tăng hay số đông người, hay một người cũng không được chia, không được nhập vào của mình, không được mua bán. Nếu Tăng hay số đông người hoặc một người, đem chia, đem về cho mình hay số đông người hoặc một người, đem chia, đem về cho mình hay mua bán, thì không thành phân, không thành của mình, không thành mua bán, phạm thâu-lan-giá. Phần thứ hai, phần thứ ba cũng như vậy. Trong phần thứ tư, bông trái cho phép chia, hoặc bông hoa dâng lên đức Phật, ngoài ra cũng như trên.[48]

Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có tỳ-kheo làm phòng riêng trong đất của Tăng. Có vị Thượng tọa tỳ-kheo khách đến, bảo: «Dậy, nhường chỗ Thượng toạ!» Tỳ-kheo kia trả lời: «Không dậy.» Thượng tọa hỏi: «Tại sao?» tỳ-kheo kia nói: «Đây là phòng riêng của tôi.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Bảo vị ấy nên dậy đi thì tốt. Nếu không dậy, bảo trả đất lại cho Tăng. Không có lý gì lấy đất của Tăng làm của mình.»

17. Tỳ-kheo Tri sự

Có tỳ-kheo cất cái thất quá vội nên không chắc chắn. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy.» Có vị lại kinh dinh một cái phòng thất mà suốt đời không xong. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Nếu làm cái nhà lầu tốt nhất, lâu lắm cũng trong vòng mười hai năm mà thôi.[49] Ngoài ra, tùy theo lớn nhỏ mà quy định.»

Có vị là người xây dựng[50] cho nên tất cả thời xuân, hạ, đông, chiếm dụng phòng trị sự thường xuyên của Tăng. Phật dạy:

«Không nên làm như vậy. Cho phép, sau ba tháng hạ, chia lại từ Thượng tọa.»

Có tỳ-kheo làm người xây dựng chung cho các Tăng-già-lam, nên chỗ nào cũng nhận phần phòng của mình. Đức Phật dạy, không nên nhận như vậy. Nên nhận một nơi chín mươi ngày để ở. Tại trú xứ đông người, vị làm việc xây cất kia trú ở nhà ăn, nhà ấm, nhà kinh hành, khiến cho khách tỳ-kheo không có chỗ ở. Đức Phật dạy, «Không nên ở như vậy. Nếu tầng dưới sảnh đường là chỗ ở của số đông người thì nên ở tầng trên. Nếu tầng trên sảnh đường là chỗ ở của số đông người thì nên ở tầng dưới.»

Có vị chỉ làm việc xây dựng nhỏ như đắp vách bùn, hoặc vá lại, hoặc san bằng đất, nhưng lại đòi hỏi làm tri sự. Đức Phật dạy, không được như vậy. Có vị sai sa-di, sai người Tăng-già-lam, bèn coi mình tri sự. Phật dạy, không được như vậy. Có vị làm cái phòng nhỏ, đòi hỏi cấp phòng tri sự. Đức Phật dạy, không được như vậy. Nếu phòng được làm có nhận giường dây, giường cây, cho phép cấp cho phòng tri sự. Có vị làm phòng xấu, đòi được cấp phòng tri sự. Đức Phật dạy, không được như vậy. Nếu phòng được làm có đủ các thứ trang hoàng và xông hương, cho phép cho cấp phòng tri sự.

Có tỳ-kheo tri sự, nhận phòng rồi qua đời. Các tỳ-kheo không biết phòng ấy thuộc về của ai, bạch Phật. Đức Phật dạy, tùy ý của Tăng.

Có tỳ-kheo tri sự, sai người bạch Tăng để được cấp phòng. Tỳ-kheo kia đến trong Tăng bạch. Tăng cấp phòng rồi, tỳ-kheo xây cất kia qua đời. Các tỳ-kheo không biết phòng này nên giao cho ai. Đức Phật dạy, tùy ý của Tăng. Tỳ-kheo tri sự sai người trong Tăng xin cấp phòng. Tăng cấp rồi, tỳ-kheo sai (sứ giả) kia qua đời. Các tỳ-kheo không biết phòng này nên giao cho ai. Đức Phật bảo, cho thầy tri sự đó. Tỳ-kheo tri sự qua đời trong mùa hạ an cư. Các tỳ-kheo không biết phòng này nên giao cho ai. Đức Phật dạy, tùy ý của Tăng.

Có tỳ-kheo làm phòng chưa lợp, bỏ đi. Tỳ-kheo khách nói với cựu tỳ-kheo rằng, hãy lợp cái phòng này. Cựu tỳ-kheo nói: «Ai cất thì người đó lợp.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy, cho phép, làm phòng có gác lớn và đẹp nhất cũng trong vòng sáu năm là lợp thành. Còn loại phòng nhỏ hơn tùy theo đó mà lượng định.

Có một tỳ-kheo làm phòng, tỳ-kheo khác lợp, hai tỳ-kheo tranh nhau ai sửa trước, ai sau. Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật dạy ai làm trước thì sửa trước. Có hai tỳ-kheo cùng nhau làm phòng, cùng nhau tranh kẻ làm trước người làm sau. Đức Phật cho phép, cùng nhau làm thì Thượng tọa ở trước.

Tỳ-kheo tri sự, hạ an cư, nhận phòng do mình sửa (để ở), rồi lại nhận phòng khác (để ở). Phật dạy, không được làm như vậy. Nên an cư nơi phòng mình đã sửa chữa.

Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di. Bấy giờ vua Ưu-điền là bạn thân hậu của Bạt-nan-đà, mời Bạt-nan-đà hạ an cư tại Câu-thiểm-di. Bạt-nan-đà nhận lời an cư rồi, nghe trú xứ an cư nọ, Tăng nhận được nhiều y vật, liền đến nơi trú xứ đó một thời gian ngắn, rồi trở lại Câu-thiểm-di. Vua Ưu-điền nghe, cơ hiềm rằng: «Bạt-nan-đà nhận lời mời của tôi an cư rồi. Nghe trú xứ nọ Tăng an cư nhận được nhiều y vật, lại đến nơi đó. Rồi trở lại đây.» Các tỳ-kheo nghe, đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này trình bày đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng quở trách Bạt Nan Đà Thích tử rằng:

«Tại sao, nhận lời mời an cư tại Câu-thiểm-di rồi nghe trú xứ nọ, Tăng hạ an cư nhận được nhiều y vật, lại đến đó ở một thời gian rồi về lại nơi đây?»

Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, Phật bảo các tỳ-kheo:

«Nếu tỳ-kheo nào an cư nơi đây, nghe trú xứ nọ Tăng an cư nhận được nhiều y vật mà đến đó ở, tức là mất trú xứ này. Ở nơi đó một thời gian, trở về trú xứ này, lại mất nơi trú xứ kia.»[51]

Bấy giờ, phòng xá của chúng Tăng cũ hư, có cư sĩ thưa: «Nếu cho phép, con sẽ tu bổ.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép bằng bạch nhị yết-ma.»

Pháp thức như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng yết-ma,[52] dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận, nay Tăng đem phòng này giao cho cư sĩ tên… tu bổ, tỳ-kheo… làm người doanh sự.[53] Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng đem phòng này giao cho cư sĩ tên… tu bổ, tỳ-kheo… làm doanh sự. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng đem phòng này giao cho cư sĩ tên… tu bổ, tỳ-kheo… làm người doanh sự thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

«Tăng đã đồng ý đem phòng này giao cho cư sĩ… tu bổ, tỳ-kheo… làm người doanh sự rồi. Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

Bấy giờ tỳ-kheo doanh sự (tri sự) chưa chia phòng, có việc cần đi. Sau đó các tỳ-kheo chia phòng. Tỳ-kheo doanh sự kia khi trở về hỏi: «Có để phòng doanh sự cho tôi không?» Có vị trả lời: «Không.» Tỳ-kheo doanh sự liền cơ hiềm, trách các tỳ-kheo rằng: «Tôi chưa chia phòng, có việc cần đi. Các vị sau đó lại chia phòng. Tôi có công quả trong này, sao không chia phòng cho tôi?» Các tỳ-kheo không biết như vậy có thành chia hay không? Đức Phật dạy, thành. Nhưng nên đợi người kia về. Vị kia cũng nên dặn người nhận phòng cho mình.

Tỳ-kheo doanh sự chưa chia phòng, có việc cần ra ngoài, dặn tỳ-kheo khác lấy phòng cho mình mà không nói rõ phòng nào. Tỳ-kheo kia xây cất nhiều chỗ, tỳ-kheo này không biết lấy phòng nào. Các tỳ-kheo chia phòng rồi, vị kia về hỏi các tỳ-kheo: «Chia phòng chưa?» «Chia rồi.» «Có để phòng cho tôi không?» «Không.» Vị kia liền cơ hiềm, trách rằng: «Chưa chia phòng, tôi có việc cần đi; dặn tỳ-kheo khác nhận phòng cho tôi. Tôi có đóng góp trong việc này, sao không cho tôi phòng?» Các tỳ-kheo không biết như vậy có thành chia hay không? Đức Phật dạy, thành chia. Nhưng nên đợi người kia về. Người kia cũng nên chỉ rõ phòng nào cần nhận.

Tỳ-kheo doanh sự kia lấy phòng rồi, sau đó khi chia phòng theo thứ tự thì được phòng tốt hơn, liền bỏ phòng trước. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên làm như vậy. Nên từ Thượng tọa phân chia, nếu không có người lấy thì mới cho.»

Tỳ-kheo kia nghi, không dám bốc vào chìa khóa cửa của chúng Tăng, hay cây gậy, cái khoen, cái cọc, cái chuôi bằng xương, bằng đồng, ghế ngồi tắm. Đức Phật dạy cho phép cầm nắm.

Có vị không dám từ trú xứ này di chuyển các vật đến trú xứ kia. Đức Phật dạy cho phép di chuyển.

18. Chia cháo

Có năm pháp không nên sai vì Tăng chia cháo; dù đã sai cũng không được chia: có thiên vị, hay giận hờn, có khiếp sự, ngu si, không biết đã chia hay chưa. Có năm pháp như vậy không nên sai vì Tăng chia cháo. Đã sai, cũng không được chia.

Có năm pháp nên sai vì Tăng chia cháo: không có thiên vị, không hay giận hờn, không có khiếp sợ, không ngu si, biết đã chia hay chưa chia. Có năm pháp như vậy nên sai vì Tăng chia cháo. Nếu đã sai thì khiến vì Tăng chia cháo, chia tiểu thực, chia khư-xà-ni,[54] mời đi phó trai, trải ngọa cụ, chia ngọa cụ, chia y tắm, chia y, cái nào cần lấy, cái nào cần cho. Sai tỳ-kheo sứ, sai sa-di sứ, tất cả cũng như vậy.

Có năm pháp vì Tăng chia cháo vào địa ngục nhanh như tên bắn: có ái, có nhuế, có bố, có si, không biết đã chia chưa. Có năm pháp như vậy mà chia cháo thì vào địa ngục như tên bắn.

Có năm pháp chia cháo được sanh lên cõi trời như tên bắn: Không ái, không nhuế, không bố, không si, biết đã chia hay chưa. Có năm pháp như vậy vì Tăng chia cháo thì sanh lên cõi trời nhanh như tên bắn, cho đến sai sa-di sứ cũng như vậy.


[1] Năm tỳ-kheo đầu tiên.

[2] Xem Phần iii, ch.i, cht. 123.

[3] Xem Phần iii, ch.i, Thọ giới. tr. 72.

[4] Pali, Cullavagga vi. Sesānakkhandhakaṃ, Vin.ii. 246: Thế tôn cho phép năm loại phòng xá (pañca leṇānī): vihāraṃ: tinh xá, aḍḍhayogaṃ: nhà mái bằng, pāsādaṃ: nhà lầu, hammiyaṃ: tầng gác, guhaṃ: hang cốc.

[5] Biệt phòng 別房. Pali (Vin.ii. 148): vihāra, tinh xá.

[6] Lâu các 樓閣, thực chất là nhà sàn. Pali: pāsāda. Xem cht. 4 trên. Cf. Vin. ii. 146

[7] Tỳ-ma-na phòng 毘摩那房. Pali: vimāna, thiên cung. Có lẽ chính xác là hammiya: tầng gác. Xem cht. 4 trên.

[8] Tượng hình phòng 象形房, chưa rõ hình dáng thế nào. Có lẽ chính xác là aḍḍhayoga: nhà mái bằng; Hán đọc là hatthūpa? Xem cht. 4 trên.

[9] Mao lâu 毛氀. Các phần trước đọc là cù-lâu. Xem Phần III, Ch. da thuộc.

[10] Xem Phần I, ch.v Ba-dật-đề 14, cht. 74.

[11] Xá-nậu ma 舍[少/(兔-、)]麻; vải bố bằng gai thô. Pali: sāṇa.

[12] Bạt-ma thảo 跋磨草.

[13] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 84: không được làm chân giương cao quá 8 ngón tay Phật.

[14] Lung sơ 籠疏. Vin.ii. 148: vātapāna-bhasikā (túi, bao cửa sổ). Bản dịch Anh cho là giống như bao cát chắn gió.

[15] Ma-hê-đà-la 摩醯陀羅. Thần Mahīdhara?

[16] Tập đường 集堂; nhà tập họp, hay hội trường của Tăng. Cũng gọi là giảng đường, thị giả đường, cúng đường. Pali: upaṭṭhanasāla, Vin.ii. 153.

[17] Vin.ii. 169: tivassantarena saha nisīditum.

[18] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 28: không đi chung thuyền với tỳ-kheo-ni. Trừ qua đò ngang.

[19] Kinh hành đường 經行堂. Pali: caṅkamanasālā.

[20] Buộc dây vào hai cột ở đầu và cuối đường kinh hành.

[21] Bối 貝.

[22] Tu-đạt-đa 須達多. Phiên âm, tên thật của ông Cấp-cô-độc. Pali: Sudatta.

[23] Cấp Cô Độc Thực 給孤獨食; tức Cấp-cô-độc. Pali: Anāthapiṇḍika (Skt. Athapiṇḍada). Truyện kể, Vin. ii. 154.

[24] Pali, nt., Cấp-cô-độc là em rể của ông trưởng giả thành Xá-vệ.

[25] Đại tự 大祠; một đại lễ tôn giáo quan trọng của Bà-la-môn; xem Trường A-hàm 15, kinh số 23 «Cứu-la-đàn-đầu». Pali, mahāyañña, cf. D. 5. Kūṭadanta-sutta.

[26] Thi ha thành môn 尸呵城門. Vin. ii. Sīvakadvāra.

[27] Pali, Vin.ii. 158: suññāgāre kho, gahapati, tathāgatā abhiramanti, «Gia chủ, các Như lai hoan hỷ trong các nhà trống (không thất).»

[28] Kỳ-đà Vương tử 祇陀王子. Pali: Jeta-kumāra.

[29] Vin.ii. 159: Cấp Cô Độc nhờ pháp quan phân xử. Pháp quan phán: Khu vườn như vậy đã được ngã giá.

[30] Đoạt điểu 鵽鳥. Không rõ chim gì. Từ nguyên: Một loại chim sẻ lớn bằng con le le, đen như quạ, bay rất nhanh; thành bầy đến cả nghìn con. Cũng gọi là «sẻ Đột quyết.» Vin.ii. 161: tittirika, chim chá cô. Anh dịch gọi là con gà gô (partridge).

[31] Đi quanh phía hữu, sợ phạm tội kính lễ tháp miếu quỷ thần.

[32] Đại nhất dạ 大一夜; đây chỉ thọ đại giới trước một ngày.

[33] Người lớn, đến sau, được ngồi vào giữa chúng.

[34] Ngũ phần 25 (T22n1421 tr.167b29): Trú xứ không có tỳ-kheo ở. Phật cho phép cư sĩ thỉnh mọt tỳ-kheo làm Ma-ma-đế 摩摩諦, thường trú để trông coi. Cư sĩ cung cấp các nhu cầu nhật dụng. Tham chiếu Pali, Vin. ii. 159: một người thợ may nghèo, muốn dựng chùa cho Tăng. Nhưng không tự làm nỗi. Ông than: «Mình nghèo, nên không tỳ-kheo nào ngó ngàng đến.» Phật khiến Tăng cử tỳ-kheo doanh sự (navakamma) để giúp cư sĩ dựng chùa.

[35] Pali: vihāra: tinh xá. Trong bản Hán, phòng và tinh xá được hiểu lẫn lộn, đều dịch từ vihāra, cũng gọi là chùa.

[36] Pali: bhikkhuno navakammaṃ, giao cho tỳ-kheo làm doanh sự.

[37] Xem cht. 35 trên.

[38] Các bản Tống-Nguyên-Minh: nhược thạch bất khả khứ 若石不可去: nếu đá khổng thể xeo đi. Bản Cao-ly, không có chữ thạch.

[39] Bản Cao-ly: khổ tửu 苦酒. Tống-Nguyên-Minh, không có chữ khổ.

[40] Vin. ii. 159: khoảng đất trước cổng chưa trải vàng, Vương tử Kỳ-đà không bán, mà cúng luôn cho Phật. Tại đó, ông xây một ngôi nhà nhỏ (koṭṭhaka), một kiểu vọng lâu.

[41] Mao lâu nang 毛氀囊.

[42] Tham chiếu Pali, Vin. ii. 122, Phật cho phép ba loại che tắm: che bằng nhà tắm, che bằng nước, che bằng y (vải). Tắm trong ba chỗ này, các tỳ-kheo khỏa thân nhưng được phép giúp đỡ nhau hay trao nhau những vật dụng cần thiết. Tỳ-kheo khỏa thân phục vụ nhau, hay trao vật cho nhau, phạm đột-kiết-la.

[43] Nhiên hỏa đường 燃火堂, nhà đốt lửa. Ngũ phần 25 (T22n1421 tr.168a19): Mùa lạnh, các tỳ-kheo tập họp, sợ lạnh. Phật cho làm ôn thất 溫室. Pali: aggisālā, nhà lửa; cf. Vin.ii. 154.

[44] Luân hỏa lô 輪火爐.

[45] Xem ch. xi, cht. 13.

[46] A-thấp-bệ 阿濕鞞, Bất-na-bà-sa 不那婆娑, Ban-đà 般陀, Lâu-hê-na 樓醯那. Ngũ phần 25 (T22n1421 tr.168c09): Năm tỳ-kheo ở ấp Ngật-la-ngật-liệt, chia tứ phương Tăng vật thành 5 phần cho 5 người làm tư hữu. Vin. ii. 171, nhóm tỳ-kheo Assaji-Punabbasu ở Kiṭāgiri.

[47] Bốn vật dụng thuộc Tứ phương Tăng. Vin. ii. 170: Năm thứ là Tứ phương Tăng vật không được chia cho cá nhân: 1. ārāmo ārāmavatthu (Tăng-già-lam, và vật thuộc Tăng-già-lam: đất vườn chùa và cây trái các thứ trong vườn), 2. vihāro vihāravatthu (tinh xá và vật dụng thuộc tinh xá: chùa và phòng ốc các thứ của chùa), 3. mañco pīṭhaṃ bhisi bibbohanaṃ (giường, ghế, đệm, gối các thứ), 4. lohakumbhī… (ghè, lu, nồi,… các thứ), 5. valli, veḷu, muñjaṃ, (dây y leo, tre, cỏ muñja,…)

[48] Hết quyển 50.

[49] Ngũ phần 25 (T22n1421 tr.169a12): Tỳ-kheo làm doanh sự, chiếm dụng phòng tri sự quá lâu, Phật quy định, làm doanh sự, được cấp phòng tỳ-kheo doanh sự (tri sự), tối đa 12 năm. Nhưng phải chờ Tăng làm bạch nhị yết-ma cho phép.

[50] Kinh doanh nhân 經營人, hay doanh sự tỳ-kheo 營事比丘, hay tỳ-kheo tri sự của Tăng. Xem đoạn sau, yết-ma Tăng sai tỳ-kheo doanh sự. Cf. Vin.ii. 160: Cư sĩ cất Già-lam cho Tăng, cần người giám đốc xây dựng. Phật cho phép Tăng bạch nhị yết-ma cử người làm quản đốc, tức doanh sự tỳ-kheo, hay Tri sự Tăng. Pali: navakammika.

[51] Xem Phần iii, Ch. An cư.

[52] Yết-ma Tăng sai, cử tỳ-kheo doanh sự, hay tri sự Tăng. Xem cht. 33 trên.

[53] Kinh doanh giả 經營者, tức doanh sự tỳ-kheo, hay tri sự Tăng. Xem cht. 33 trên. Pali: navakammika.

[54] Thức ăn loại cứng.

    Xem thêm:

  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 4. Thất Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Tán Duyên Khởi - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 3. Ngũ Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 5. Ba La Đề Đề Xá Ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 4. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 2. Thuyết Giới - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 7. Thức-xoa-ca-la-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 10. Chiêm Ba - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 5. Điều Độ - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 2. Tăng-già-bà-thi-sa - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 4. Ba-dật-đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 1. Ba-la-di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 5. Da Thuộc - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng