TỨ PHẦN LUẬT 四分律

Hán dịch: Tam tạng Phật-đà Da-xá và Trúc-phật-niệm.  
Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Đức Thắng 
Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên Chứng 

—o0o—

CHƯƠNG II: TẠP SỰ

1. Bát

Thế Tôn ở tại Ba-la-nại, thì bấy giờ có năm tỳ-kheo đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật chúng con nên thọ trì loại bát nào? Đức Phật dạy:

«Cho phép thọ trì bát ca-la, bát xá-la.»[1]

Bấy giờ, có tỳ-kheo vào trong Tăng thọ thực mà không có bình bát. Đức Phật dạy:

«Vị ngồi cạnh nên cho. Nếu trong Tăng có hai loại bát này thì nên cho mượn.»

Bấy giờ, có tỳ-kheo bị rắn phun nọc độc trong bát, không rửa mà dùng để ăn. Ăn xong bị bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên không rửa bát mà đựng thức ăn để ăn. Cho phép, rửa bát rồi mới đựng đồ ăn.»

2. Dao

Các tỳ-kheo tóc dài. Phật cho phép cạo. Hoặc tự cạo, hoặc nhờ người cạo. Cần dao cạo, cho phép sắm. Có vị dùng vật báu làm cán dao. Đức Phật dạy, không được dùng vật báu. Cho phép, dùng đồng, thiếc để làm. Có vị để dao trần, khó cất giữ. Đức Phật cho phép làm bao dao. Có vị dùng vật báu để làm. Đức Phật dạy không được dùng vật báu để làm. Cho phép, dùng xương, ngà voi, đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiếc, cỏ xá-la, trúc, tre, cây để làm. Có vị sợ khua động bao dao làm hư lưỡi dao, Phật cho dùng vật mịn để ngăn, như lông, như kíp bối, như da chó. Nếu sợ rơi, nên dùng sợi dây buộc dính lại. Nếu cầm nơi tay, khó giữ; nên dùng cái đãy để đựng. Đựng trong đãy bị rơi ra, nên dùng cái dây buộc miệng đãy lại. Nếu cầm đi, sợ rơi mất, nên dùng sợi dây buộc nơi vai.

Bấy giờ, các tỳ-kheo dùng dao. Dao bị cuốn lại. Cho phép mài[2] trên tay. Nếu vẫn cuốn, thì nên mài trên đá. Tay cầm đá, sợ mất; nên đựng trong túi dao. Nếu dao lụt, nên gọt.[3] Hoặc mình tự gọt hay nhờ người gọt. Có vị cần dao để gọt.[4] Đức Phật cho phép.

3. Râu-tóc-móng

Tỳ-kheo cạo tóc sợ tóc rơi trên y. Đức Phật cho phép sắm đồ để hứng tóc. Các tỳ-kheo không biết làm như thế nào? Đức Phật cho phép bện bằng tre; hoặc uốn gỗ làm cái vành rồi cáng lá cây lên. Hoặc dùng một trong mười loại y để làm đồ hứng tóc. Có vị để đồ hứng tóc dưới đất nên khi để lên đầu gối để hứng, bùn, đất lang bẩn y. Phật dạy, không được làm như vậy. Cho phép dùng sợi dây buộc trên đầu cây trụ.

Tỳ-kheo lông mũi dài. Phật cho phép nhổ. Hoặc tự mình nhổ hay nhờ người nhổ. Có vị cần nhíp, đức Phật cho phép sắm. Có vị dùng vật báu làm. Phật dạy, không được dùng vật báu làm mà nên dùng xương, ngà voi, đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiếc để làm. Đầu nhíp bị sứt, nên bao bằng sắt. Cầm tay, khó giữ gìn, cho phép để trong bao của dao cạo tóc.

Móng tay của các tỳ-kheo dài. Phật cho phép cắt. Hoặc tự mình cắt hay nhờ người cắt. Có vị cần dao để cắt móng tay, Phật cho phép sắm. Có vị dùng vật quý báu để làm. Phật dạy, không được dùng vật quý báu để làm. Cho phép dùng đồng hay sắt để làm. Cầm nơi tay, kho giữ. Phật cho phép dùng ống nhựa để đựng. Có vị dùng vật quý báu để làm ống. Phật dạy, không được dùng vật quý báu để làm mà nên dùng đồng, sắt, bạch lạp, chì, thiếc, tre hay cây để làm. Sợ trong ống rơi ra nên nhét miệng ống lại. Có vị dùng đồ quý báu để nhét. Phật dạy, không được dùng đồ quý mà nên dùng đồng, thiếc, bạch lạp, chì, kẻm, tre, cây để làm. Nếu sợ để riêng một chỗ bị rơi mất thì nên để chung trong đãy của dao.

Bấy giờ, có tỳ-kheo móng tay dài, đến nhà bạch y. Tỳ-kheo này tướng mạo xinh đẹp, phụ nữ bạch y thấy liền để ý và nói với tỳ-kheo rằng, tôi cùng thầy làm việc như vậy, như vậy. Tỳ-kheo nói, đại tỷ đừng nói như vậy. Pháp của chúng tôi không có việc ấy. Người phụ nữ nói, nếu thầy không làm theo lời của tôi, tôi sẽ tự lấy móng tay cào nơi mắt, nơi thân có thương tích, rồi khi chồng tôi về tôi nói là thầy bảo tôi làm việc như vậy, như vậy, tôi không chịu làm, thầy liền lấy móng tay cào nơi mặt, nơi thân tôi, thương tích đến như vậy. Tỳ-kheo nghe nói như vậy liền hoảng sợ, chạy vội vàng ra khỏi nhà. Trong khi tỳ-kheo vừa chạy ra khỏi nhà thì người chồng cũng vừa từ ngoài về lại nhà. Người phụ nữ kia liền tự lấy móng tay cào vào thân vào mặt nói với người chồng rằng tỳ-kheo bảo em làm việc như vậy, như vậy, em không đồng ý. Tỳ-kheo liền cào vào mặt vào thân em nên có thương tích như vậy. Người chồng liền đuổi theo bắt tỳ-kheo và nói:

«Ông muốn phạm vợ tôi. Vợ tôi không đồng ý, ông cào vào mặt vào mình vợ tôi có thương tích, là sao?»

Tỳ-kheo trả lời:

«Này cư sĩ, ông đừng nói như vậy. Pháp của chúng tôi không có làm việc ấy.»

Người chồng liền nói:

«Tại sao ông bảo tôi đừng nói như vậy? Móng tay của ông dài như vậy kia mà!»

Nói xong, người chồng liền đánh tỳ-kheo gần chết. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên để móng tay dài.»

Nhóm sáu tỳ-kheo cắt móng tay quá sát, khiến cho chảy máu. Phật dạy, không được cắt như vậy. Có vị cắt móng tay như hình bán nguyệt. Phật dạy, không được cắt như vậy. Có vị cắt móng tay nhọn trên đầu. Phật dạy, không được cắt như vậy. Có vị mài móng tay cho sáng. Phật dạy, không được mài như vậy. Có vị nhuộm móng tay thành màu sắc. Phật dạy, không được nhuộm như vậy. Đức Phật lại nói với các tỳ-kheo:

«Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta chế cấm này, để rồi làm bao nhiêu điều khác. Cho phép các tỳ-kheo cắt móng tay vừa gần ngoài da.»

Phật nói, dài nhất bằng hạt lúa là nên cắt.

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng kéo xén râu tóc. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị cạo tóc mà không cạo râu. Đức Phật dạy nên cạo cả râu tóc. Có vị cạo râu mà không cạo tóc. Đức Phật dạy nên cạo cả râu tóc. Có vị nhổ tóc, Phật dạy, không được nhổ. Có vị chừa tóc. Phật dạy, không được để [946a1] như vậy. Có vị vuốt râu mép cho cong lên. Phật dạy, không được vuốt như vậy.

«Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta đã chế cấm này, để rồi làm bao nhiêu việc khác. Từ nay về sau, râu tóc nên cạo hết.»

Các tỳ-kheo không biết tóc dài bao nhiêu thì nên cạo. Đức Phật dạy dài nhất là hai ngón tay, hoặc hai tháng cạo một lần, đó gọi là dài nhất.

Nhóm sáu tỳ-kheo chải râu tóc. Đức Phật dạy không nên chải như vậy. Có vị dùng dầu thoa vào tóc. Phật dạy, không được thoa như vậy.

Nhóm sáu tỳ-kheo kẻ mí con mắt. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói, «Sa-môn Thích tử muốn nhiều không nhàm chán, mà tự xưng mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Giống như người bạch y!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được kẻ mí mắt như vậy.»

Các tỳ-kheo bị bệnh mắt, đức Phật cho phép nhỏ các loại thuốc.

4. Trang sức

Nhóm sáu tỳ-kheo dùng gương soi mặt hoặc soi mặt dưới nước, hay dùng vật mài cho có ánh sáng để soi mặt. Các cư sĩ thấy cơ hiềm, nói: «Sa-môn Thích tử nhiều lòng ham muốn không biết nhàm chán, mà tự xưng là mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi soi gương giống như người bạch y?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên làm như vậy.»

Có tỳ-kheo bị mọc mụt nơi mặt, đức Phật cho phép các tỳ-kheo khác xức thuốc giùm. Nếu một mình ở trong phòng, đức Phật cho phép dùng kiếng soi mặt để xức thuốc. Có tỳ-kheo trau chuốt thân, trau chuốt tóc. Phật dạy, không được làm như vậy. Có tỳ-kheo nhổ nước bọt vào mình rồi chà xát. Đức Phật dạy, không được làm như vậy.

Có vị tắm rửa nơi chỗ đất trống, các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử ham muốn nhiều không nhàm chán, mà tự xưng là mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi tắm rửa nơi chỗ đất trống như bạch y!» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy, Không được tắm như vậy.

Có tỳ-kheo nghĩ, tự đấm vào vai, vào cánh tay, cho nó nở to đẹp. Phật dạy, không được làm như vậy. Có tỳ-kheo bôi hương vào mình cho thơm. Phật bảo, không được như vậy. Tỳ-kheo lo ngại thân mình hôi hám vì mồ hôi, đức Phật cho phép dùng dao để nạo mồ hôi. Có vị dùng vật báu làm. Phật dạy, không được dùng vật báu để làm mà nên dùng xương, ngà voi, đồng, thiếc, sắt, kẽm, cỏ xá la, tre, cây để làm. Nhóm sáu tỳ-kheo làm dao nạo mồ hôi, cái đầu giống như dao cạo tóc, khi nạo mồ hôi, lông trong người cũng đứt luôn. Phật dạy, không được làm như vậy, cũng không nên cất chứa dao như vậy.

Có tỳ-kheo bị bệnh ghẻ lở, dùng thuốc bột thô để rửa nên bị đau. Đức Phật dạy, cho phép dùng thuốc bột thứ mịn, hoặc là bùn mịn, hoặc lụa là, hoặc bông hay trái, tuỳ theo sự thích hợp với thân người bệnh, cho phép người rửa ghẻ dùng để trị các loại ghẻ, cho đến bệnh hôi mồ hôi.

Nhóm sáu tỳ-kheo đeo hoa tai. Phật dạy, không được làm như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo gắn hạt châu trên vành tai. Phật bảo, không được như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo đeo khoen tai. Phật bảo, không được như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng lá đa-la, hoặc chì hoặc thiếc làm cái vòng căng lớn lỗ tai. Phật dạy, không được làm như vậy. Nhóm sáu tỳ-kheo quấn thuỳ tai lại. Phật dạy, không được làm như vậy.

Có vị làm dây lưng bằng chì. Phật dạy, không được làm như vậy. Có vị đeo anh lạc quanh cổ. Phật dạy, không được đeo như vậy. Có vị đeo xuyến nơi tay chân. Phật dạy, không được đeo như vậy. Các vị kia đeo khoen[5] nơi ngón tay. Phật dạy, không được đeo như vậy. Có vị dùng chỉ năm màu buộc nơi nách, nơi lưng, nơi cánh tay. Phật dạy, không được buộc như vậy. Có vị đeo nhẫn.[6] Phật dạy, không được đeo như vậy.

5. Thần biến thị đạo

Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Bấy giờ, Lục sư ngoại đạo cùng đệ tử ở chung với nhau. Bất-lan Ca-diếp[7] cùng chín vạn đệ tử. Mạt-khư-la Cù-xa-la[8] cùng tám vạn đệ tử. Cứ như vậy giảm dần cho đến Ni-kiền Tử[9] cùng bốn vạn người. Khi ấy tại thành Vương xá, có trưởng giả là đệ tử của Lục sư nhận được một khúc gỗ chiên đàn, dùng làm cái bình bát đựng trong cái đãy bằng vật báu, treo lên cây trụ biểu cao trước sân, cùng với lời công bố: «Nếu trong thành Vương xá này có Sa-môn, Bà-la-môn là A-la-hán có đại thần lực, thì cứ lấy chiếc bát này đi.» Khi ấy Phú-lan[10] Ca-diếp đến chỗ ông trưởng giả nói:

«Tôi là A-la-hán có đại thần lực. Xứng đáng thọ trì chiếc bát cùng với đãy. Hãy lấy cho tôi.»

Ông trưởng giả nói:

«Nếu ông là A-la-hán có đại thần lực thì tôi cho ông. Ông hãy lên mà lấy.»

Vị kia muốn lấy nhưng không cách nào lấy được. Bấy giờ, Mạt-khư-la Cù-xa-la, A-di-đầu Xí-xá-khâm-bà-la, Ba-cù Ca-chiên-diên, San-đâu Tỳ-la-tra Tử, Ni-kiền-đà Nhã-đề Tử, đều đến chỗ trưởng giả nói:

«Tôi là A-la-hán có đại thần lực. Xứng đang thọ trì chiếc bát cùng với đãy. Hãy lấy cho tôi.»

Ông trưởng giả nói:

«Nếu ông là A-la-hán có đại thần lực thì tôi cho ông. Ông hãy lên mà lấy.»

Các vị kia muốn lấy mà không cách nào lấy được.

Bấy giờ, Tân-đầu-lô,[11] Đại Mục-liên, cùng ngồi trên một hòn đá lớn. Tân-đầu-lô nói với Mục-liên:

«Thầy là A-la-hán có thần túc, đã được đức Thế Tôn thọ ký vào hạng nhất. Thầy có thể đến đó để lấy.»

Mục-liên nói:

«Tôi chưa từng hiện thần túc trước người bạch y. Thầy cũng là A-la-hán có đại thần lực, đã được đức Thế Tôn thọ ký cho là sư tử hống vào hàng tối thượng bậc nhất.[12] Thầy có thể đến đó lấy.»

Khi Tân-đầu-lô nghe Mục-liên nói rồi, liền cùng với hòn đá vụt mình lên hư không, bay quanh thành Vương-xá bảy vòng. Người trong nước thấy, sợ đá rơi nên lấn nhau chạy trốn. Bấy giờ, ông trưởng giả kia từ trên lầu gác, nhìn thấy Tân-đầu-lô ở trên hư không, liền chắp tay kính lễ, thưa rằng:

«Lấy chiếc bát đi, Tân-đầu-lô!»

Tân-đầu-lô liền lấy chiếc bát. Ông trưởng giả lại nói:

«Xin dừng lại một chút, Tân-đầu-lô!»

Tân-đầu-lô liền dừng lại một chút. Ông trưởng giả tự tay lấy bát và đựng đầy thức ăn ngon bổ dâng cho Tân-đầu-lô. Tân-đầu-lô nhận lại chiếc bát, trở lại dùng thần túc lực nương nơi hư không mà đi. Các tỳ-kheo nghe chuyện, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Tân-đầu-lô rằng: «Sao lại hiện thần thông trước người bạch y?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, biết mà vẫn hỏi Tân-đầu-lô:

«Thầy có hiện thần túc trước người bạch y không?

«Kính bạch đức Thế Tôn! thật có.»

Đức Thế Tôn dùng vô số phương tiện quở trách Tân-đầu-lô:

«Thầy làm việc sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Tại sao đối trước người bạch y mà hiện thần túc? Giống như dâm nữ vì nửa đồng tiền mà trình diện trước mọi người. Thầy cũng như vậy, vì chiếc bát bằng gỗ không đáng gì mà đối trước bạch y hiện thần túc.» Phật dạy:

«Không nên đối trước bạch y hiện thần túc. Nếu hiện, phạm đột-kiết-la. Tỳ-kheo không nên chứa cất bát bằng chiên-đàn. Nếu chứa thì sẽ trị như pháp.[13] Nếu nhận được bát đã làm thành thì nên phá ra chia cho các tỳ-kheo làm thuốc trị mắt.»

Bấy giờ, các ngoại đạo nghe Sa-môn Cù-đàm cấm các tỳ-kheo không được hiện thần túc trước người bạch y. Bèn nghĩ, «Điều mà Sa-môn ấy cấm chế thì trọn đời không ai phạm. Nay chúng ta có thể đến chỗ họ nói rằng: ‘Này Sa-môn Cù-đàm, các ông tự xưng là đắc A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán. Các ông tự xưng là có thần túc, chúng tôi cũng có thần túc. Các ông tự xưng là đại trí [947a1] tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Nay chúng ta có thể cùng hiện thần lực, pháp thượng nhân. Nếu Sa-môn Cù-đàm hiện một pháp thượng nhân, thì chúng tôi sẽ hiện hai. Nếu hiện hai chúng tôi sẽ hiện bốn. Sa-môn Cù-đàm hiện bốn pháp thượng nhân, thì chúng tôi sẽ hiện tám. Nếu hiện tám thì chúng tôi sẽ hiện mười sáu. Nếu hiện mười sáu chúng tôi sẽ hiện ba mươi hai. Nếu hiện ba mươi hai chúng tôi sẽ hiện sáu mươi bốn. Nếu Sa-môn hiện tăng lên, chúng tôi cũng sẽ hiện tăng gấp đôi.’»

Các ngoại đạo đi khắp mọi nơi ở trong thành, tuyên truyền nói rằng: «Sa-môn Cù-đàm tự xưng là có thần lực, thì chúng tôi cũng có thần lực. Tự xưng có đại trí tuệ, thì chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm thi đấu hiện thần lực, pháp thượng nhân. Nếu Sa- môn Cù-đàm hiện một, chúng tôi sẽ hiện hai, tùy theo Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều hay ít, chúng tôi cũng sẽ hiện gấp bội.»[14]

Trong thành Vương xá có một chỗ đất bằng phẳng và rất rộng. Các trưởng giả đem nhiều hoa hương, anh lạc, kỹ nhạc, tràng phan, thức ăn, y phục, thuốc men, ngọa cụ đến cúng dường cho Bà-già-bà[15] của ngoại đạo tại đây. Bấy giờ, có trưởng giả nọ muốn lấy hoa để cúng dường ngoại đạo, đưa tay vào để lấy thì lại không lấy được. Muốn lấy hương anh lạc, tràng phan, kỹ nhạc, ẩm thực, y phục, thuốc men, ngọa cụ để cúng, bàn tay vừa đưa vào để lấy thì cũng không lấy được. Trong khi ấy, có vị trưởng giả kia muốn lấy hoa để cúng dường Phật thì đưa tay vào lấy không có gì trở ngại. Như vậy, tùy ý ông trưởng giả muốn lấy bất cứ thứ gì, cho đến thuốc men, ngọa cụ để cúng cũng đều không trở ngại. Ông trưởng giả liền khởi ý nghĩ: «Hy hữu thay! Thế Tôn có đại thần lực như vậy.» Ông liền bạch Phật:

«Cúi xin đức Thế Tôn cùng đại tỳ-kheo Tăng nhận lời mời thọ thực của con vào ngày mai.»

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Ông trưởng giả biết đức Thế Tôn im lặng nhận lời rồi, liền đến trước kính lễ sát chân Phật rồi cáo lui. Về đến nhà, trong đêm, chuẩn bị mọi thức ăn ngon bổ rồi, sáng ngày ông trưởng giả đến báo giờ. Đức Thế Tôn đắp y bưng bát cùng đại tỳ-kheo Tăng một ngàn hai trăm năm mươi vị đến nhà ông trưởng giả. Khi đức Thế Tôn bước đi, nơi dấu chân có đại thần lực khiến chư thiên trên hư không dùng hoa trời mạn-đà-la, hương chiên đàn, mạt hương, hoa ưu-bát-la, hoa bát-đầu-ma, hoa câu-mâu-đầu, hoa phân-đà-lợi rải nơi dấu chân đức Phật và trổi kỹ nhạc cõi trời ca tụng tán thán Phật. Vị trưởng giả đi theo sau đức Thế Tôn với ý nghĩ: «Âm thanh này là từ dưới đất phát ra hay từ trên trời đưa lại?» Trưởng giả ngửa nhìn lên hư không, từ xa thấy hoa trời mạn-đà-la cho đến hoa phân-đà-lợi, và kỹ nhạc cõi trời cũng từ trong hư không bèn nghĩ: «Âm thanh này không phải từ dưới đất mà là từ trên không đưa lại.» Đức Thế Tôn đến nhà ông trưởng giả, an tọa nơi chỗ ngồi.

Bấy giờ, các ngoại đạo nghe việc này, liền nghĩ: Ông trưởng giả này xưa nay thường cúng dường cho chúng ta, nay tại sao lại thỉnh Phật và Tăng đến cúng dường? Chúng ta có thể đến khiến cho ông ta không đủ chỗ và thức ăn để thết đãi!» Nghĩ xong các ngoại đạo liền cùng quyến thuộc đến nhà ông trưởng giả. Người giữ cửa thấy các ngoại đạo cùng quyến thuộc đến, liền vào thưa với ông trưởng giả rằng:

«Thưa ông chủ, các ngoại đạo cùng quyến thuộc đến, cho vào hay không?»

Ông trưởng giả nói: «Đừng cho vào.»

Đức Phật bảo ông trưởng giả:

«Nên cho họ vào.»

Ông trưởng giả bạch Phật:

«Ngoại đạo đông người. Chỗ nơi chật hẹp, sợ không dung hết.»

Đức Phật dạy:

«Cứ mời vào, nhường nhau thì đủ.»

Ông trưởng giả lại nói:

«Ngoại đạo đông người, chỗ ngồi có hạn, thức ăn có hạn, chỉ đủ cúng Phật và một ngàn hai trăm năm mươi vị Tăng, sợ không đủ.»

Đức Phật nói với ông trưởng giả:

«Cứ mời vào. Nhường nhau thì thức ăn sẽ đủ.»

Đức Thế Tôn dùng thần túc lực khiến cho mặt đất trở thành bằng phẳng, rộng lớn. Nhìn về phương Đông, vô số trăm ngàn toà cao tự nhiên xuất hiện. Phương Nam, Tây, Bắc cũng lại như vậy. Bấy giờ, đức Thế Tôn cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo Tăng, cùng các ngoại đạo đều đủ chỗ ngồi. Ông trưởng giả trưng bày các thức ăn ngon bổ cúng dường đức Phật, tỳ-kheo Tăng và các ngoại đạo, tất cả đều đầy đủ. Phật ăn xong, cất bát. Ông trưởng giả lấy chiếc ghế thấp, ngồi trước đức Phật. Đức Thế Tôn vì ông trưởng giả dùng vô số phương tiện nói pháp, giáo hóa, khiến được hoan hỷ. Nói pháp xong, đức Phật từ chỗ ngồi cáo lui.

Bấy giờ các ngoại đạo cùng quyến thuộc đều đến chỗ Vua Bình-sa, chắp tay trên đầu, nói:

«Cầu nguyện cho Vua thường thắng.»

Rồi tâu:

«Sa-môn Cù-đàm tự nói là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán. Sa-môn Cù-đàm tự nói có thần thông, chúng tôi cũng có thần thông. Sa-môn Cù-đàm tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm thi đua về thần lực và pháp thượng nhơn xem thử ai hơn. Nếu Sa-môn Cù Đam hiện một, chúng tôi sẽ hiện hai, cứ như vậy tùy Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều hay ít, thì chúng tôi sẽ hiện gấp bội họ. Thưa đại vương, nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm thi đua về hiện thần lực và pháp thượng nhơn.»

Bấy giờ, Vua Bình-sa đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc vừa rồi bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn và thưa:

«Cúi xin đức Thế Tôn cùng ngoại đạo thi đua về hiện thần lực và pháp thượng nhơn.» Đức Thế Tôn nói với Vua rằng:

«Thôi, đủ rồi! Như lai tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi.»

Sáng ngày, đức Thế Tôn cùng đại tỳ-kheo chúng từ thành Vương-xá ra đi. Vua Bình-sa dùng năm trăm cổ xe chở các thức ăn ngon bổ theo sau đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn sáng sớm từ thành Vương-xá ra đi, liền nói:

«Sa-môn Cù-đàm không có thể cùng chúng ta thi đua thần thông nên đã ra đi.»

Vua Bình-sa dùng năm trăm chiếc xe chở thức ăn ngon bổ là cho chúng ta chứ không phải là cho Sa-môn Cù-đàm. Nay chúng ta có thể đến chỗ mà Cù-đàm đi đến để nói với Cù-đàm cùng chúng ta thi thố thần lực và pháp thượng nhơn.

Các ngoại đạo liền đi theo sau đức Thế Tôn. Vua Bình-sa nghe đức Phật cùng một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo sớm đã từ thành Vương-xá ra đi, Vua cùng tám mươi bốn ngàn tùy tùng cũng đi theo sau đức Thế Tôn. Phạm Thiên Vương, Thích Đề-hoàn Nhơn, Tứ thiên vương, vô số chư thiên, trăm ngàn đại chúng cũng tùy tùng đức Thế Tôn. Bấy giờ, đức Thế Tôn đến thành Ưu-thiền. Vua thành Ưu-thiền tên là Ba-la-thù-đề.[16] Các ngoại đạo nước Ma-kiệt, và các ngoại đạo thành Ưu-thiền, đều cùng đến chỗ vua Ba-la-thù-đề, chắp tay lên đầu, nói lời khen ngợi:

«Nguyện Vua thường thắng.» Nguyện xong nói:

«Sa-môn Cù-đàm tự xưng mình là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng có thần lực, chúng tôi cũng có thần lực; tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Chúng tôi ở trong thành Vương-xá yêu cầu Cù-đàm cùng chúng tôi biểu diễn thần lực và pháp hơn người, mà Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng tôi thi thố thần lực và pháp hơn người. Nay chúng tôi muốn cùng Cù-đàm thi thố thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm hiện một, thì chúng tôi sẽ hiện hai. Cứ như vậy tùy Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều hay ít, thì chúng tôi đều hiện gấp bội.»

Vua Ba-la-thù-đề liền đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn:

«Lành thay! đức Thế Tôn có thể cùng các ngoại đạo hiện thần lực và pháp hơn người?»

Đức Thế Tôn nói với vua Ba-la-thù-đề:

«Thôi, đủ rồi! Như lai [948a1] tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi.»

Sáng ngày, đức Thế Tôn rời khỏi thành Ưu-thiền. Vua Ba-la-thù-đề dùng năm trăm cổ xe chở các thức ăn ngon bổ theo sau đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn ra đi, tuyên bố rằng: «Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng ta biểu diễn thần lực và pháp hơn người nên mới bỏ đi. Vua dùng năm trăm chiếc xe để chở thức ăn cho chúng ta chứ không phải cho Cù-đàm. Chúng ta sẽ đến chỗ Cù-đàm định đến để cùng Cù-đàm biểu diễn thần lực và pháp hơn người.» Họ liền đi theo sau đức Thế Tôn.

Bấy giờ, Vua Bình-sa nghe đức Thế Tôn đã đi, liền cùng tám mươi bốn ngàn người, vua Ba-la-thù-đề cùng bảy mươi ngàn người, Thích, Phạm, Tứ thiên vương, chư thiên, đại chúng vô số trăm ngàn quyến thuộc vây quanh tùy tùng đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đến an trú trong vườn Cù-sư-la, nước Câu-thiểm-di. Bấy giờ, Ưu-đà-diên là Vua. Các ngoại đạo nước Ma-kiệt, các ngoại đạo nước Ưu-thiền, và các ngoại đạo Câu-thiểm-di cùng đến chỗ vua Ưu-đà-diên chắp tay tới đầu khen rằng:

«Nguyện Vua thường thắng.» Nguyện như vậy rồi nói:

«Sa-môn Cù-đàm tự xưng là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng là có đại thần lực, chúng tôi cũng có thần lực; tự xưng là có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Khi Cù-đàm ở nước Ma-kiệt, nước Ưu-thiền, chúng tôi có yêu cầu cùng biểu diễn thần lực và pháp hơn người, mà Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng tôi biểu diễn thần lực và pháp hơn người nên bỏ đi. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm biểu diễn thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm hiện một, thì chúng tôi sẽ hiện hai, cứ như vậy tùy theo Sa-môn Cù-đàm hiện nhiều ít thì chúng tôi cũng hiện gấp bội.»

Vua Ưu-đà-diên đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn:

«Lành thay! đức Thế Tôn, hãy cùng các ngoại đạo hiển hiện thần lực và pháp hơn người.»

 Đức Thế Tôn nói với Vua:

«Thôi, đủ rồi! Như lai tự biết thời. Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi.»

Sáng sớm hôm sau đức Như lai ra đi. Bấy giờ, vua Ưu-đà-diên cùng năm trăm chiếc xe chở các thức ăn ngon bổ theo sau đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn đi liền nói: «Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng ta biểu diễn thần lực và pháp hơn người nên mới bỏ đi. Vua Ưu-đà-diên chở thức ăn ngon bổ trên năm mươi cổ xe là vì chúng ta chứ không phải vì Cù-đàm. Nay chúng ta có thể đến chỗ mà Cù-đàm sẽ đến để biểu diễn thần lực và pháp hơn người.» Họ liền đi theo sau đức Như Lai.

Bấy giờ, Vua Bình-sa cùng tám mươi bốn ngàn tùy tùng, vua Ưu-thiền cùng bảy mươi ngàn tùy tùng, vua Ưu-đà-diên cùng sáu mươi ngàn tùy tùng tiến bước sau đức Thế Tôn, Thích, Phạm, Tứ thiên vương, vô số trăm ngàn chư thiên đại chúng tùy tùng sau đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đến an trụ trong vườn Ni-câu-luật, nước Ca-duy-la-vệ. Vua Phạm Thí nước Ca-duy-la-vệ là em khác mẹ với đức Phật.[17] Các ngoại đạo nước Ma-kiệt, các ngoại đạo nước Ưu-thiền, các ngoại đạo nước Câu-thiểm-di, và các ngoại đạo nước Ca-duy-la-vệ cùng đến chỗ vua Phạm Thí, chắp tay lên đầu, nguyện Vua thường thắng, rồi bạch với vua Phạm Thí rằng:

«Sa-môn Cù-đàm tự xưng là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng có đại thần lực, chúng tôi cũng có đại thần lực; tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Khi ở nước Ma-kiệt, nước Ưu-thiền, nước Câu-thiểm-di, chúng tôi cùng Sa-môn Cù-đàm thi thố thần lực và pháp hơn người. Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng tôi thi thố thần lực và pháp hơn người nên bỏ đi. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm biểu hiện thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm biểu hiện một thì chúng tôi sẽ biểu hiện hai. Cứ như thế tùy theo Sa-môn Cù-đàm biểu hiện nhiều hay ít thì chúng tôi cũng sẽ biểu hiện gấp bội.»

Vua Phạm Thí đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:

«Cúi xin đức Thế Tôn biểu hiện thần lực và pháp hơn người.»

Đức Phật nói với Vua:

«Thôi, đủ rồi! Như lai tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Hãy làm theo điều Vua muốn. Sáng mai Như Lai sẽ ra đi khỏi Ca-duy-la-vệ.»

Sáng sớm hôm sau, đức Thế Tôn ra đi. Vua Phạm Thí liền dùng năm trăm cổ xe chở các thức ăn đi theo đức Thế Tôn. Các ngoại đạo nghe đức Thế Tôn ra đi, bèn nói: «Sa-môn Cù-đàm không thể cùng chúng ta biểu hiện thần lực và pháp hơn người nên mới bỏ chúng ta ra đi. Vua Phạm Thí chở năm trăm chiếc xe thức ăn là vì chúng ta chứ không phải vì Sa-môn Cù-đàm. Nay chúng ta nên đến chỗ Cù-đàm sẽ đến nói với Cù-đàm cùng chúng ta biểu hiện thần lực và pháp hơn người.» Các ngoại đạo liền cùng quyến thuộc đi theo sau đức Thế Tôn.

Vua Bình-sa nghe đức Phật đã đi liền cùng tám mươi bốn ngàn tùy tùng, vua Ba-la-thù-đề cùng bảy mươi ngàn tùy tùng, vua Ưu-đà-diên cùng sáu mươi ngàn tùy tùng, vua Phạm Thí cùng năm trăm tùy tùng theo sau đức Thế Tôn, Thích, Phạm, Tứ thiên vương cùng các quyến thuộc vô số trăm ngàn người theo sau đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn từ nước Ca-duy-la-vệ du hành nhơn gian đến an trụ trong vườn Kỳ-hoàn nước Xá-vệ. Bấy giờ, vua nước Xá-vệ là Ba-tư-nặc. Các ngoại đạo nước Ma-kiệt-đà, các ngoại đạo nước Ưu-thiền, các ngoại đạo Câu-thiểm-di, các ngoại đạo Ca-duy-la-vệ, và các ngoại đạo nước Xá-vệ cùng đến chỗ vua Ba-tư-nặc chắp tay lên đầu, bạch rằng:

«Cầu nguyện Vua thường thắng.» Cầu nguyện xong, nói:

«Sa-môn Cù-đàm tự xưng là A-la-hán, chúng tôi cũng là A-la-hán; tự xưng là có đại thần lực, chúng tôi cũng có đại thần lực; tự xưng có đại trí tuệ, chúng tôi cũng có đại trí tuệ. Khi Cù-đàm ở nước Ma-kiệt, thành Ưu-thiền, Câu-thiểm-di, nước Ca-duy-la-vệ chúng tôi muốn cùng Cù-đàm biểu hiện thần lực và pháp hơn người, mà Cù-đàm không thể cùng chúng tôi biểu hiện thần lực và pháp hơn người nên bỏ đi. Nay chúng tôi muốn cùng Sa-môn Cù-đàm biểu hiện thần lực và pháp hơn người. Nếu Sa-môn Cù-đàm biểu hiện một thì chúng tôi biểu hiện hai. Cứ như vậy tùy theo sự biểu hiện nhiều hay ít của Sa-môn Cù-đàm mà chúng tôi biểu hiện gấp bội.»

Vua Ba-tư-nặc đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên trên bạch đầy đủ với đức Thế Tôn:

«Lành thay, đức Thế Tôn! Cúi xin ngài biểu hiện thần lực và pháp hơn người.» Đức Phật bảo Vua:

«Thôi, đủ rồi! Như Lai tự biết thời, Khi nào cần hiện thì sẽ hiện. Vào tháng chạp, trong mười lăm ngày, từ mồng một cho đến rằm, Như Lai sẽ hiện thần lực và pháp thượng nhơn. Đại vương nếu muốn xem Như Lai hiện thần lực và pháp thượng nhơn thì đến xem.»[18]

Bấy giờ, tại nước Xá-vệ có một khu đất đặc biệt bằng phẳng rộng rãi, đức Thế Tôn đến đó trải chỗ ngồi an tọa.[19] Phạm thiên vương để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chắp tay bạch đức Thế Tôn:

«Con sẽ trải một toà cao cho Thế Tôn.»

Đức Phật bảo Phạm vương:

«Thôi, được rồi. Như Lai tự biết thời.»

Trời Đế Thích, Tứ thiên vương, Vua Bình-sa, vua Ba-la-thù-đề, vua Ưu-đà-diên, vua Phạm Thí, vua Ba-tư-nặc, Mạt-lợi phu nhân, trưởng giả Lê-sư-đạt-đa, Phú-la-na, tất cả đều nói:

«Con sẽ trải một toà cao cho Thế Tôn.»

Đức Phật bảo:

«Thôi, được rồi. Như Lai tự biết thời.»

Bấy giờ, các cư sĩ có lòng tin đối với ngoại đạo, vì ngoại đạo thiết lập trăm ngàn chỗ ngồi cao có giá trị. Những người có lòng tin ưa, cung kính [949a1] cúng dường đức Thế Tôn theo thứ tự, từ ngày một cho đến ngày thứ mười lăm.

Bấy giờ đức Thế Tôn xoay mặt nhìn về phương Đông, tức thì có vô số trăm ngàn chỗ toà cao tự nhiên xuất hiện. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc cũng lại như vậy. Ngay chính giữa có tòa sư tử cao bằng bảy báu tự nhiên xuất hiện. Như Lai an tọa trên đó. Bấy giờ các đại chúng đều an tọa nơi chỗ ngồi. Theo thứ tự, vị đàn-việt cúng dường ngày hôm ấy dâng cây dương chi lên đức Phật. Thế Tôn nhận và xỉa răng xong, bỏ cây tăm phía sau lưng liền thành cây đại thọ,[20] gốc nhánh cành lá sum suê. Đại chúng thấy thần lực của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, sanh tâm yếm ly liền vì họ dùng vô số phương tiện nói các pháp, khiến cho được hoan hỷ. Bấy giờ, ngay trên chỗ ngồi, trăm ngàn người xa lìa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Đây là ngày đầu đức Thế Tôn thị hiện thần lực biến hóa.

Ngày thứ hai, cây kia trổ hoa, sắc hương đầy đủ. Hoa của cây rơi xuống khắp nơi. Đại chúng gom lại cho đến đầu gối. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di và cả đại chúng đều ngửi được mùi hương của hoa này. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của Thế Tôn như vậy đều rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ dùng vô số phương tiện nói các bài pháp khiến họ được hoan hỷ. Bấy giờ, trên chỗ ngồi, vô số trăm ngàn người xa trần cấu, đặng con mắt pháp trong sạch. Đây là ngày thứ hai đức Thế Tôn thị hiện thần lực biến hóa.

Ngày thứ ba, trái của cây chín và tiết ra mùi thơm. Trái của cây không đợi rung, tự rơi xuống đất mà không bị hư. Tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di và đại chúng đều cùng thọ thực. Dân chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ ba đức Thế Tôn thị hiện thần lực biến hóa.

Bấy giờ có đàn-việt theo thứ tự cúng dường, vào ngày thứ tư dâng nước cho đức Thế Tôn. Thế Tôn lấy một vốc nước đổ xuống chỗ đất phía trước. Do thần lực của Phật, liền thành một cái ao lớn. Nước trong sạch không có bợn nhơ. Người uống trừ được bệnh. Có các tạp hoa ưu-bát-la, bát-đầu-ma, câu-mâu-đầu, phân-đà-lợi; các loài chim khác lạ: chim le le, nhạn, uyên ương, các loài ba ba, rùa, cá trạnh, các loài thủy tộc làm vật trang nghiêm cho cái ao lớn ấy. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp, cho đến được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ tư đức Như Lai thị hiện biến hóa như vậy.

Đến ngày thứ năm, bốn phía của cái ao đều chảy ra một con sông. Dòng nước chảy thẳng không uốn cong, yên lặng không có sóng. Các loại hoa kỳ lạ đều trang nghiêm cho các con sông. Dòng nước của bốn con sông tạo thành tiếng pháp, tất cả các hành đều là vô thường, khổ, không, tất cả các pháp đều vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quan sát biết đại chúng nhận được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch, như trên. Đây là ngày thứ năm đức Thế Tôn thị hiện biến hóa thần lực.

Ngày thứ sáu, đức Thế Tôn hóa đại chúng đều như nhau không có sự sai khác. Đại chúng thấy đức Thế Tôn dùng thần lực biến hóa như vậy đều rất hoan hỷ, được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quan sát biết đại chúng được pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ sáu đức Thế Tôn thị hiện biến hóa như vậy.

Ngày thứ bảy đức Thế Tôn ở trên không trung vì đại chúng nói pháp, chỉ nghe tiếng nói của đức Như Lai mà không thấy hình Như Lai. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, thấy được những việc chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát biết đại chúng coi việc đó là chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh, liền vì họ nói pháp cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên.

Ngày thứ tám, các cư sĩ tin theo ngoại đạo sai người thưa với các ngoại đạo: «Các ngài có biết chăng, Sa-môn Cù-đàm đã hiện thần lực, nay đã tám ngày, sao các Ngài không đến?»

Thật sự họ muốn đến mà không đến được. Đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

«Giả sử dùng sợi dây da thật bền chắn buộc thân của Bất-lan Ca-diếp vào con bò cho nó kéo, khiến dây đứt, cả thân thể rã; nếu không bỏ kiến giải của mình mà cố chấp luận nghị, thì không thể đến chỗ ta được. Cho đến Ni-kiền Tử v.v… cũng như vậy

Bấy giờ, Phạm Thiên vương bảo Thiên đế Thích rằng:

«Các ngoại đạo tự nói họ bằng với đức Thế Tôn, mà nay họ không thể đến để cùng đức Thế Tôn giác đấu thần lực được. Chúng ta hãy phá các cao toà kia.»

Thiên đế Thích bảo Tứ thiên vương:

«Các ngoại đạo tự nói họ bằng với đức Thế Tôn, mà nay họ không thể đến để cùng đức Thế Tôn giác đấu thần lực được. Chúng ta hãy phá các cao toà kia.»

Tứ Thiên vương liền gọi thần gió, thần làm mây, thần làm mưa, thần sấm sét đến bảo rằng:

«Các ngoại đạo tự nói họ bằng với đức Thế Tôn, mà nay họ không thể đến để cùng đức Thế Tôn giác đấu thần lực được. Chúng ta hãy phá các cao toà kia, khiến cho tiêu tan, không còn dấu vết gì nữa.»

Bấy giờ, thần gió v.v… nghe Tứ Thiên vương dạy như vậy rồi, liền phá các cao toà của ngoại đạo khiến không còn bất cứ dấu vết nào. Bấy giờ các ngoại đạo bị mưa to gió lớn thổi ướt dầm dề, liền trốn vào trong hang động, cây cỏ rừng rú.

Có ngoại đạo loã hình, ngoại đạo Tư-ni,[21] Ba-lê Tử Ba-tư-bà-xà-già,[22] lấy một cục đá lớn buộc vào cổ, tự trầm mình xuống hố sâu. Đại chúng thấy thần lực biến hóa của đức Thế Tôn đều rất vui mừng, đắc pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như truớc. Đây là ngày thứ tám đức Thế Tôn thị hiện biến hóa như vậy.

Ngày thứ chín đức Thế Tôn ở trên đảnh Tu-di vì đại chúng nói pháp mà chỉ nghe tiếng chứ không thấy hình. Đại chúng thấy sự biến hóa của đức Thế Tôn như vậy rất hoan hỷ, đắc pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly của họ phát sanh. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ chín đức Thế Tôn thị hiện biến hóa.

Ngày thứ mười đức Thế Tôn nói pháp ở trên cõi Phạm thiên, đại chúng chỉ nghe tiếng nói mà không thấy hình. Đại chúng thấy đức Thế Tôn biến hóa như vậy đều rất hoan hỷ, đắc pháp vị tằng hữu, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch, như trên. Đây là ngày thứ mười đức Thế Tôn thị hiện biến hóa.

Ngày thứ mười một, đức Thế Tôn ở trong đại chúng thị hiện thần túc biến hóa[23] một thân thành nhiều thân, nhiều thân thành một thân, lúc thì ở sát bên, lúc thì ở xa không thấy, hoặc tuy chướng ngại do tường đá ngăn che ở gần núi, nhưng thân Phật xuyên qua không có gì trở ngại; du hành nơi không trung như con chim liệng quanh; ra vào nơi đất như nước; đi trên sóng nước như đi trên đất liền; thân tuôn ra khói lửa bốc cháy như đống lửa lớn; tay sờ măt trời, mặt trăng; thân cao cho đến Phạm Thiên.[24] Đại chúng thấy đức Thế Tôn biến hóa như vậy [950a1] rất hoan hỷ, đạt được pháp chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ mười một đức Thế Tôn thị hiện thần túc biến hóa như vậy.

Ngày thứ mười hai, đức Thế Tôn ở trong đại chúng tâm niệm nói pháp:[25] nên nghĩ như thế này, không nên nghĩ như thế này; nên tư duy thế này, không nên tư duy như thế này; nên đoạn cái này, nên tu hành pháp môn này. Đại chúng thấy đức Thế Tôn dùng thần túc biến hóa như vậy, rất vui mừng, đạt được những việc chưa từng có, phát sanh tâm yểm ly. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên. Đây là ngày thứ mười hai đức Phật thị hiện thần túc biến hóa như vậy.

Ngày thứ mười ba, đức Thế Tôn vì đại chúng nói pháp giáo thọ. Ngài dạy:[26] «Tất cả đang bị bốc cháy. Cái gì mà nói là tất cả đang bị bốc cháy? Mắt đang bị bốc cháy. Sắc đang bị bốc cháy. Thức của mắt đang bị bốc cháy. Xúc của mắt đang bị bốc cháy. Các cảm thọ khổ, lạc, phi khổ phi lạc phát sinh do nhân duyên xúc của mắt, đang bị bốc cháy. Bị bốc cháy bởi cái gì? Bởi lửa dục, lửa nhuế, lửa si. Sao gọi là đang bốc cháy? Đang bốc cháy vì sanh, già, bệnh, chết, sầu ưu, khổ não đều đang bốc cháy. Ta nói đây là chỗ sanh ra khổ. Cho đến ý cũng vậy. Tất cả đều đang bốc cháy.»

Đại chúng nghe đức Thế Tôn nói pháp giáo hóa như vậy đều rất hoan hỷ, cho là việc chưa từng có. Đức Phật liền vì họ nói pháp cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch, như trên. Đây là ngày thứ mười ba đức Như Lai biến hóa như vậy.

Ngày thứ mười bốn, theo thứ tự, người đàn-việt cúng dường, rút một đóa hoa dâng lên đức Thế Tôn. Thế Tôn ngửi xong, ném vào hư không. Do thần lực của đức Phật liền biến thành một vạn bốn ngàn lầu các đài hoa. Trong những lầu các đài hoa này, tất cả đều có tòa Phật ngồi, hai bên đức Phật có Thiên đế Thích và Phạm thiên vương chắp tay kính lễ, nói kệ:

Kính lễ đấng Nhân vương[27]

Bậc đại nhơn vô thượng.

Tất cả không thể biết

Thế Tôn trú thiền nào.

Đại chúng thấy thần lực đức Thế Tôn biến hóa như vậy đều rất vui mừng, được pháp chưa từng có. Đức Thế Tôn liền vì họ nói pháp, cho đến đạt được con mắt pháp trong sạch như trên.

Bấy giờ Vua Bình-sa nước Ma-kiệt, theo thứ tự, ngày thứ mười lăm thiết lễ cúng dường. Trong đêm, sửa soạn các thức ăn. Sáng ngày, dùng các thức ăn ngon bổ cúng dường đức Phật và chúng Tăng. Vua Ba-la-thù-đề, Ưu-đà-diên, Phạm Thí, Ba-tư-nặc, Mạt-lợi phu nhơn, trưởng giả Lê-sư-đạt-đa, Phú-lan-na, tất cả đại chúng đều cúng dường đầy đủ. Phật ăn xong, cất bát, xả bát. Vua Bình-sa lấy một chiếc ghế thấp ngồi trước đức Phật. Khi đức Thế Tôn buông bàn chân ra không ngồi kiết-già nữa, chân vừa đụng nơi bàn thì quả đất sáu lần rung động với mười tám hiện tượng rung động. Dưới bàn chân của đức Thế Tôn có luân tướng xuất hiện. Dấu bánh xe nghìn căm dưới bàn chân của Thế Tôn hiện lên, ánh sáng chiếu soi, từ bánh xe tỏa ra ánh sáng khắp ba ngàn đại thiên quốc độ.

6. Thiên bức luân

Vua Ma-kiệt thấy dấu bánh xe dưới chân đức Thế Tôn như vậy liền từ chỗ ngồi đứng dậy để trống vai bên hữu, chân bên hữu chấm đất, bạch đức Thế Tôn:

«Kính bạch đức Thế Tôn, trước kia làm phước đức gì mà dưới bàn chân có tướng bánh xe ngàn căm hoa, có ánh sáng chiếu soi khắp ba ngàn đại thiên quốc độ như vậy?»

Đức Phật bảo Vua Bình-sa:

Xa xưa về đời quá khứ, có Vua tên là Lợi Ích Chúng Sanh, làm vua cõi Diêm-phù-đề. Bấy giờ, quốc độ Diêm-phù-đề phong phú, nhơn dân no ấm khoái lạc. Có tám mươi bốn ngàn thành ấp, xóm làng có năm mươi lăm ức cơ sở. Vua Lợi Ích chúng Sanh ngự tại thành tên là Huệ quang, đông tây mười hai do-diên, nam bắc bảy do diên. Thành kia rộng lớn, nhân dân no ấm, của cải dồi dào, trang sức khoái lạc. Đệ nhất phu nhân tự là Huệ Sự, không có con. Vì để cầu con, Phu nhơn kính lễ các loại trời thần, thần sông, thần ao, trời Mãn thiện, trời Bảo thiện, thần Mặt trời, thần Mặt trăng, Đế Thích, Phạm Thiên vương, thần đất, nước, gió, lửa, thần Ma-hê-thủ-la thiên tử, thần vườn, thần rừng, thần đường sá, thần quỷ tử mẫu, các thần của xóm làng. Cúng dường khắp nơi để cầu nguyện cho có con. Sau đó một thời gian, Đệ nhất phu nhơn có thai. Người nữ này khi mang thai có ba món trí tuệ: biết người nam có dục ý, biết được khi có thai, biết từ đâu mà có được thọ thai. Khi ấy phu nhơn liền đến chỗ Vua thưa:

«Vua biết chăng, nay thiếp đã có thai.»

Vua nói:

«Tốt lắm!»

Vua liền cung cấp cho Phu nhơn thêm đồ ăn thức uống, y phục, thuốc men, ngọa cụ thuộc loại tối thượng, tất cả các thứ cần dùng đều gia tăng gấp bội. Mười tháng trôi qua, phu nhơn sanh một bé trai, tướng mạo xinh đẹp. Ngày hài nhi chào đời, cũng là ngày tám mươi bốn ngàn thành có tám mươi bốn ngàn mỏ quý tự nhiên xuất hiện. Nơi mỏ bạc thì cây bằng bạc xuất hiện, gốc nhánh cành lá đều bằng bạch ngân. Chỗ nào mỏ vàng thì cây bằng vàng xuất hiện, gốc nhánh cành lá đều bằng vàng. Chỗ nào mỏ lưu ly, pha lê, xích, chơn châu, mã não, xa cừ cũng đều như vậy.

Bấy giờ theo pháp luật của nước, trẻ nít mới sanh hoặc cha mẹ đặt tên, hoặc sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Vua Lợi ích Chúng Sanh nghĩ: Khỏi phải nhờ sa-môn, bà-la-môn đặt tên. Mẹ của hài nhi này tên là Huệ Sự. Nay ta nên đặt tên cho hài nhi là Huệ Đăng. Vua đặt tên hài nhi là Huệ Đăng.

Bấy giờ, Vua giao hài nhi cho bốn bà mẹ chăm nuôi. Một bà lo về thân thể, bà thứ hai lo về tắm giặt, bà thứ ba lo về bú sữa, bà thứ bốn lo về vui chơi. Bà lo về thân thể là lo việc chăm nom hình vóc tất cả các việc. Bà lo về tắm giặt thì lo tắm hài nhi và giặt y phục cho hài nhi. Bà lo về việc bú sữa thì lo về việc bứ sữa, sú cơm. Bà lo về việc vui chơi thì Vương tử nếu ở chỗ voi, ngựa, xe cộ du hý hay hoa hương bảo vật, các loại vui chơi phải phục vụ đầy đủ, cầm cây lộng khổng tước đi sau, giúp vui cho Vương tử, khiến cho được khoái lạc. Đức Thế Tôn nói kệ:

Tất cả phải tiêu vong,

Ở cao, rồi phải rụng.

Đã sanh tất phải chết;

Có mạng đều vô thường.

Chúng sanh chìm cõi Hữu,

Tất cả đều hữu vi.

Tất cả các thế gian,

Nào ai không già chết.

Đây lẽ thường ở đời:

Sanh, sanh, đều phải chết.

Tùy theo nghiệp đã tạo,

Tội phước có quả báo.

Ác nghiệp đọa địa ngục,

Thiện nghiệp sanh lên trời.

Cao hành sanh thiện đạo,

Đặng vô lậu Niết bàn.

Khi vua Lợi Ích Chúng Sanh mạng chung, Vương tử tám, chín tuổi. Bà mẹ cho học các kỹ nghệ, thư họa, toán số, hý tiếu, ca vũ, kỹ nhạc, cỡi voi, ngựa, xe cộ, bắn cung một cách dũng kiện, và mau chóng. Đối với tất cả các kỹ nghệ, Vương tử đều tinh thông lão luyện. Đến tuổi mười bốn, mười lăm, quần thần đến chỗ Vương tử thưa:

«Vương tử có biết chăng, Vua đã mệnh chung. Nay Vương tử nên đăng vương vị, làm vua, thi hành giáo lệnh.»

Vương tử trả lời:

«Nay tôi không thể làm vua và thi hành giáo lệnh của vua được. Tại sao vậy? Đời trước tôi đã từng làm vua sáu năm. Do nhơn duyên ấy mà tôi đã phải đọa vào địa ngục sáu ngàn năm. Cho nên nay tôi không thể làm vua, và thi hành giáo lệnh của vua được.»

Quần thần nói:

«Có phương tiện nào để Vương tử có thể làm vua, thi hành giáo lệnh của vua hay không?»

Vương tử trả lời:

«Có.»

Quần thần hỏi, [951a1] phương tiện đó là gì? Vương tử nói:

«Nếu có thể nói với kẻ nam người nữ trong cõi Diêm-phù-đề này phụng hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến, thì tôi có thể làm vua.»

Quần thần nghe Vương tử dạy như vậy rồi, liền sai sứ công bố rao truyền khắp bốn phương như sau: «Nhân dân biết chăng? Vua Lợi Ích Chúng Sanh đã mệnh chung. Vương tử Huệ Đăng theo thứ tự là phải làm Vua. Nhưng Vương tử nói, Ta không làm vua. Cho đến khi nào kẻ nam người nữ trong Diêm-phù-đề đều phụng hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến, khi ấy ta sẽ làm vua.» Quốc dân nghe công bố như vậy, tất cả đều tu hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến. Quần thần liền đến chỗ vương tử Huệ Đăng thưa:

«Vương tử biết chăng? Kẻ nam người nữ trong Diêm-phù-đề này họ đều tự nói rằng: sẽ phụng hành thập thiện không sát sanh, cho đến không tà kiến. Nay Vương tử có thể đăng Vương vị thi hành giáo lệnh của Vua.» Vương tử nói:

«Lấy lụa đem đến đây!»

Quần thần liền đem lụa bạch tốt nhất đến. Vương tử tự quấn trên đảnh và tuyên bố:

«Thời gian như vậy, có vị quốc chủ như vậy, có tốt đẹp không?»

Quần thần trả lời:

«Rất tốt.»

Khi ấy quần thần tâu với Vua rằng:

«Khi Vua mới sanh, có tám mươi bốn ngàn mỏ quý tự nhiên xuất hiện. Nay hãy đem nhập vào vào kho của Vua.»

Vua nói:

«Cần gì phải nhập vào kho. Hãy đem đến đầu các ngã tư mà bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người nghèo thiếu, cô đơn, già cả. Họ cần gì đều bố thí cho một cách đầy đủ.»

Các đại thần nghe vua Huệ Đăng dạy như vậy rồi, liền ngay nơi tám mươi bốn ngàn thành, chỗ nào có mỏ quý, đều lấy mang đến các đầu ngã tư trong các cửa thành, sự bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người nghèo khổ, cô đơn, già nua. Họ cần chi đều bố thí cho đầy đủ.

Bấy giờ, Thiên đế Thích có ý nghĩ, Vua Huệ Đăng ngay nơi tám mươi bốn ngàn thành, chỗ nào có mỏ quý, đều lấy mang đến các đầu ngã tư trong các cửa thành, sự bố thí cho sa-môn, bà-la-môn, người nghèo khổ, cô đơn, già nua. Họ cần gì đều bố thí cho đầy đủ. Có thể việc làm này sẽ chiếm đoạt ngôi vị của ta. Nhưng nay ta có thể đến thử xem vua Huệ Đăng vì Vô thượng đạo làm việc bố thí có thối chuyển hay không?» Thiên đế Thích liền hóa làm một người đàn ông, nói với mọi người rằng: «Vua Huệ Đăng dạy chúng ta phụng hành thập ác, sát sanh cho đến tà kiến.» Bấy giờ, các đại thần liền đến chỗ vua thưa:

«Sự thật vua có dạy quốc dân phụng hành thập ác, sát sanh cho đến tà kiến hay không?»

Vua trả lời:

«Không! Tại sao vậy? Trước đây ta đã nói, ta không làm vua nếu quốc dân không phụng hành thập thiện, không sát sanh, cho đến không tà kiến. Do đó nay ta đã làm vua thì ta đâu có nói những lời như vậy. Nay các khanh cần trang nghiêm xa giá, ta muốn tự mình đi giáo hóa quốc dân.»[28]

Bấy giờ, Thiên đế Thích nghĩ: «Ta không nên để Vua đi bằng chiếc xe thường của thế gian.» Bèn thắng cỗ xe voi trời. Voi trời có sáu ngà. Ngà nào cũng vậm vỡ. Xe để ngay bên ngoài cửa. Vua Huệ Đăng thấy xa giá bằng voi như vậy, hỏi các đại thần rằng:

«Voi này của ai?»

Các đại thần thưa:

«Không biết là voi của ai. Đây chắc là loại voi của Vua, chứ chẳng phải là người thường có được. Vua có thể xử dụng.»

Vua liền xử dụng.

Vua bảo:

«Hãy đi chỉ cho ta người nào nói: Ta dạy nhân dân phụng hành thập ác.» Người kia liền chỉ Vua. Vua liền hỏi:

«Vua Huệ Đăng có dạy ngươi hành thập ác không?»

Người ấy trả lời:

«Có.»

Vua lại hỏi:

«Có phương tiện nào để ngươi hành thập thiện không?»

Người kia nói:

«Có.»

Vua hỏi:

«Đó là gì?»

Người kia nói:

«Nếu có ai đã thành tựu Bồ-tát, cho tôi được ăn sống ngưới ấy, ăn thịt, uống máu người ấy; tôi mới hành thập thiện.»

Bấy giờ, Vua Huệ Đăng khởi ý nghĩ:

«Từ đời vô thỉ đến nay, ta đã trải qua các cái khổ luân chuyển trong năm đường; hoặc bị chặt tay, chặt chân, xẻo mũi tai, móc mắt, chặt đầu, rốt cuộc nào có lợi ích gì?»

Nghĩ như vậy xong, vua liền lấy dao bén tự xẻo thịt nơi đùi vế mình, dùng đồ đựng máu đưa cho người kia và nói:

«Này nam tử, ngươi hãy ăn thịt và uống máu này, rồi phụng hành thập thiện.»

Người đàn ông kia không kham nổi oai đức của Vua Huệ Đăng, nên liền biến mất, bỗng nhiên Thiên đế Thích đứng trước mặt, hỏi Vua:

«Nay Vua bố thí vì một thiên hạ, hay vì hai, ba bốn thiên hạ? Vì Mặt Trời, Mặt Trăng, Thiên đế Thích, Ma vương, Phạm vương hay chăng?» Vua trả lời:

«Tôi bố thí không vì một thiên hạ, hay hai, ba, bốn thiên hạ, cho đến Ma, Phạm vương. Tôi làm việc bố thí với ý nghĩ như vầy: Muốn cầu Vô thượng chánh chơn Nhất thiết trí, độ người chưa độ, giải thoát người chưa giải thoát, người chưa được Niết-bàn khiến được Niết-bàn, độ sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não. Vì tất cả như vậy.»

Bấy giờ, Thiên đế Thích liền nghĩ: «Nay ta để vua Huệ Đăng phải chết vì vết thương này thì thật không thích đáng.» Thiên đế Thích liền dùng nước cam lồ của trời nhiểu vào nơi vết thương. Vết thương liền bình phục lại như cũ.

Đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Vua Lợi Ích Chúng Sinh đâu phải ai khác, mà là Phụ vương Bạch Tịnh vậy. Đệ nhất phu nhân, nay là mẹ Ma-da. Vua Huệ Đăng, chính là thân Ta đây. Đời trước, Ta đã giáo hóa vô số kẻ nam người nữ nơi cõi Diêm-phù-đề này phụng hành thập thiện, không sát sanh, cho đến không tà kiến. Do nhân duyên như vậy, cho nên dưới bàn chân của ta có dấu bánh xe nghìn căm, ánh sáng chiếu soi ba ngàn đại thiên quốc độ.»

Đại chúng thấy đức Thế Tôn có thần lực biến hóa như vậy, đều rất vui mừng, được pháp chưa từng có, tâm yểm ly phát sanh. Đức Thế Tôn quán sát đại chúng đều hoan hỷ, tâm yểm ly phát sanh, nên dùng vô số phương tiện nói pháp, khiến cho trăm ngàn người, ngay nơi chỗ ngồi xa trần cấu, đạt được con mắt pháp trong sạch. Đây là ngày thứ mười lăm đức Thế Tôn biến hóa.

7. Các loại bát cấm

Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Bấy giờ Vua Bình-sa cho phép các tỳ-kheo tự do ra vào trong cung. Vua đặt người nơi chỗ khuất để nghe các tỳ-kheo có nói gì thì bẩm báo lại. Nơi cung các kia dùng gỗ thi-xa-bà[29] quý giá làm cây trụ. Các tỳ-kheo thấy, nói:

«Gỗ quý giá này thay vì dùng làm cây trụ, nếu dùng làm bình bát cho tỳ-kheo thì hay biết mấy.»

Cung nhơn ở chỗ khuất nghe như vậy, liền đến tâu với vua. Vua liền ra lệnh thay cây trụ mới, lấy gỗ ấy làm bình bát, đem cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không dám nhận, nói: «Đức Phật chưa cho phép chúng tôi nhận bình bát bằng gỗ thi-xa-bà.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

«Không được [952a1] chứa bình bát bằng gỗ. Đây là pháp của ngoại đạo. Nếu chứa, sẽ như pháp trị.

Vua Bình-sa dùng bình bát bằng đá, dâng cúng các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận và nói:

«Đức Phật chưa cho phép chúng tôi dùng bính bát bằng đá.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được dùng loại bát này. Đây là bát theo pháp của Như Lai. Nếu dùng thì phạm thâu-lan-giá.»

Vua Bình-sa làm bát bằng vàng cúng cho tỳ-kheo. Tỳ-kheo không nhận và nói:

«Đức Thế Tôn chưa cho chúng tôi xử dụng bát bằng vàng.»

Các vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Tỳ-kheo không nên cất chứa bát bằng vàng. Đây là pháp của bạch y. Nếu cất chứa sẽ như pháp trị.»

Vua Bình-sa lại làm bình bát bằng bạc, bằng lưu ly, bằng vật báu, bằng tạp bảo để cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận và nói:

«Đức Phật chưa cho chúng tôi chứa cất các loại bình bát như vậy.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên chứa các loại bát đó. Đây là pháp của bạch y. Nếu chứa sẽ trị phạt như pháp.»

Thế Tôn ở tại nước Bà-già-đề. Tỳ-kheo người Bạt-xà ở Tỳ-xá-ly[30] dùng chiếc bình bát bằng vàng. Đức Phật dạy:

«Không được dùng.»

Có vị lại dùng bát bằng bạc, bằng lưu ly, bằng vật báu, bằng tạp bảo. Đức Phật dạy:

«Không được dùng.»

Đức Phật quở:

«Các ông là những người ngu si, tránh dùng cái Ta chế cấm lại dùng các thứ khác. Từ nay về sau, tất cả các loại bát làm bằng vật báu không nên dùng. Nếu dùng sẽ như pháp trị.»

 Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Các Lê-xa[31] nhận được chiếc bát ma-ni rất có giá trị, dùng bột hương chiên đàn đựng đầy bát, đem dâng cúng đức Thế Tôn thưa:

«Bạch Đại đức, xin Ngài từ mẫn nhận chiếc bát ma-ni này.»

Đức Phật nói với các Lê-xa:

«Ta không dùng chiếc bát này.»

Lê-xa lại bạch:

«Cúi xin Ngài từ mẫn nhận bột hương chiên đàn.»

Đức Thế Tôn thọ nhận.

Các Lê-xa nghĩ: «Nên đem chiếc bát này cúng cho ai?» Có người nói nên cho Bất-lan Ca-diếp. Có người nói nên cho Mạt-khư-la Cù-xá-la, A-di-đầu Sí-xá-khâm-bà-la. Có người nói nên cho Ba-hưu Ca-chiên-diên. Có người nói nên cho San-nhã Tỳ-la-tra Tử. Có người nói nên cho Ni-kiền Na-da Tử.[32] Có người nói nên cho Tát-giá Ni-kiền Tử.[33] Vị kia liền đem bát cho Tát-giá Ni-kiền Tử.

Bấy giờ, Tát-giá Ni-kiền Tử nghe, các Lê-xa Tỳ-xá-ly đem các bát ma-ni rất quí giá này cúng cho Sa-môn Cù-đàm không nhận, sau đó mới đem cúng cho mình, do lòng kiêu mạn, cống cao, tật đố, giận dữ không vui, không tự kềm chế nên thốt lên lời hung dữ:

«Giả sử các ngươi cắt lưỡi của các Lê-xa đựng đầy bát, rồi sẽ nhận.»

Các Lê-xa nghĩ:

«Tát-giá Ni-kiền Tử muốn làm tổn hại đến dòng họ chúng ta.»

Họ dùng một cục đá đánh chết. Tát-giá muốn tự liệu lý để rút lại lời nói dữ trước đó, nhưng các Lê-xa không chịu nghe, vẫn đánh chết. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu được lời, thì sự việc được cởi mở.»

Đức Phật dạy:

«Có năm pháp khiến cho lời nói có thể tự nêu rõ lý, không bị chê trách, khiến cho người kia hoan hỷ, sau khỏi hối hận. Năm pháp ấy là gì? Nói điều thiện chứ không nói điều bất thiện. Nói như pháp chứ không nói điều không như pháp. Nói lời êm dịu chứ không nói lời không êm dịu. Nói lời chân thật chứ không nói điều hư dối. Nói điều lợi ích chứ không nói điều không lợi ích. Có năm pháp này thì khiến cho lời nói có thể tự nêu rõ lý, không bị chê trách, khiến cho người kia hoan hỷ, sau khỏi hối hận.»

Phật liền nói kệ:

Ai nói thiện thì thắng;

Nói pháp không phi pháp;

Ái ngữ; chơn thật ngữ;

Lợi ích không tổn hại.

Đối với người khéo nói

Khiến mình không nhiệt não,

Không xâm phạm người khác.

Như vậy là khéo nói.

Khéo nói với ái ngữ

Không bị người kia trách

Khi nói, lời thân thương,

Các ác không tập hợp.

Chí thành nói cam lồ,

Nói thật là tối thượng

Chơn thật như Phật pháp

Thì trụ nơi Niết bàn.

Pháp do đức Phật nói

An ổn đến Niết Bàn

Dứt hết các gốc khổ.

Khéo nói, đây là nhất.

Vua Bình-sa cúng bát sắt cho tỳ-kheo, tỳ-kheo không nhận và nói:

«Đức Phật chưa cho phép chúng tôi dùng bát bằng sắt.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép dùng bát bằng sắt.»

8. Xông bát-Nung bát

1. Bấy giờ, có người làm đồ sắt xuất gia, muốn làm bình bát cho các tỳ-kheo. Bạch Phật. Phật cho phép làm. Người ấy cần lò, đức Phật cho phép xây lò. Người ấy cần búa và kềm, đức Phật cho phép. Người ấy cần ống bệ. Phật cho phép. Người đó cần hòn đá mài, Phật cho phép. Vị đó cần con lăn, đức Phật cho phép. Sợ con lăn, và các vật dụng khác rơi rớt, đức Phật cho phép làm cái đãy để đựng, rồi treo trên cây trụ, trên cây long nha.

Vị kia cất chứa bát không xông nên bị bẩn và hôi. Phật cho phép xông. Vị đó không biết xông bằng cách nào. Phật cho phép dùng cái chõ, hay cái ghè để làm lò. Dùng các loại bùn để thoa. Dùng hột hạnh nhơn, hột gai thoa bên trong. Lấy tro trải lên đất cho bằng, làm chỗ xông bát. Đặt chân chống, rồi để bát lên. Rồi úp lò lên bát. Lấy tro phủ bốn bên, lấy tay ém cho chắc. Lấy củi hoặc phân bò chất xung quanh đốt. Nên xông bát như vậy.

2. Thế Tôn du hành nhơn gian tại nước Tô-ma.[34] Khi ấy có người thợ lò gốm có lòng tin. Đức Thế Tôn chỉ chỗ đất bùn và nói:

«Lấy đất chỗ này mà làm. Nhồi như vậy. Phơi như vậy. Làm bùn như vậy. Trộn đều như vậy. Làm thành cái bát như vậy. Xoa chà như vậy. phơi khô như vậy rồi, làm cái lò cho chắc, để cái bát vào trong. Đậy nắp lại, thoa bùn phủ lên trên. Dùng cây khư-la-đà,[35] hoặc cây táo, hoặc dùng cây thi-xa-bà,[36] cây a-ma-lặc,[37] chất xung quanh rồi đốt. Người kia theo thứ tự làm theo lời Phật dạy, thành loại bát Tô-ma[38] khác lạ, quý giá, rất tốt, đem cúng cho các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo không nhận và nói:

«Đức Phật chưa cho phép chúng tôi xử dụng loại bát như vậy.»

 Các vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép chứa dùng.»

9. Trì bát

1. Thế Tôn ở tại thôn Ưu-già-la.[39] Khi ấy có các tỳ-kheo nhận được bát Ưu-già-la,[40] không dám thọ trì và nói:

«Đức Phật chưa cho phép chúng ta xử dụng loại bát như vậy.»

Các vị ấy bạch Phật. Đức Phật cho phép thọ trì.

Thế Tôn ở tại Ưu-già-xa.[41] Các tỳ-kheo nhận được loại bát Ưu-già-xa, không dám thọ trì và nói:

«Đức Phật chưa cho phép chúng ta thọ trì loại bát này.»

Bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép thọ trì.»

Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Các tỳ-kheo nhận được bát đen, không dám thọ trì và nói:

«Đức Phât chưa cho chúng ta thọ trì loại bát này.»

Bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép thọ trì.»

Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Có các tỳ-kheo nhận được loại bát đỏ, không dám thọ trì, nói:

«Đức Thế Tôn chưa cho chúng ta dùng loại bát như vậy.»

Các vị ấy bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép thọ trì.»

2. Có sáu loại bát: bát bằng sắt, bát tô-ma, bát ưu-già-la, bát ưu-già-xa, bát đen, bát đỏ. Các thứ bát này chia thành hai loại: bát bằng sắt và bát bằng sành. Một thứ đựng được một đấu rưỡi, một thứ đựng ba đấu. Hai loại bát này nên thọ trì.

 3. Có vị máng bát nơi viên ngói sắp rơi. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.»

Có vị để bình bát trên hòn đá sắp rơi. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.

Có vị để bát trên dàn gác. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.»

Có vị để bát giữa đường. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.»

Có vị để bát trên đá. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.»

Có vị để bát dưới gốc cây có trái. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.»

Có vị để bát nơi chỗ đất không bằng, đức Phật bảo: «Không nên để như vậy.»

Có vị một tay cầm hai cái bát. Đức Phật dạy: «Không nên cầm như vậy. Trừ phi để ngón tay ở giữa.

[953a1] Có vị một tay cầm hai cái bát mà mở cữa. Đức Phật dạy: «Không nên như vậy. Trừ có dụng tâm.»

Có vị để bát sau cánh cửa. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.»

Có vị để bát trước cánh cửa. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy.»

Có vị để bát ở dưới giường dây, giường cây. Đức Phật dạy: « Không nên để như vậy.»

Có vị để bát ở giữa các giường cây, giường giây. Đức Phật dạy: « Không nên để như vậy. Trừ trường hợp để tạm trong chốc lát.»

Có vị để bát đầu góc giường giây, giường cây. Đức Phật dạy: «Không nên để như vậy, trừ để tạm trong chốc lát.»

Có vị đứng rửa bát; bát rơi vỡ. Đức Phật dạy: «Không nên đứng rửa như vậy.»

Có vị cố ý làm cho bát bị vỡ để xin bát mới. Đức Phật dạy: « Không nên làm như vậy.»

Có vị để đồ dư trong bát. Đức Phật dạy: «Trong bát không được để bất cứ vật gì.»

Có vị vẽ giây nho, hình bông sen trong bát. Đức Phật dạy: «Không nên vẽ như vậy.»

Có vị làm chữ vạn[42] trong bát. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.»

Có vị viết tên của mình trong bát. Đức Phật dạy: «Không nên viết như vậy.»

Có vị quấn bốn phía bát, chừa miệng. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.»

Có vị quấn hết cả cái bát. Đức Phật dạy: «Không nên bao như vậy. Nên bao quấn hai phần, chừa lại một phần. Nếu có lủng lỗ nhỏ mà nhiều chỗ thì nên bao hết.

Có vị để bát dưới đất, bị hư xông. Đức Phật dạy:

«Không nên để như vậy, nên dùng nước bùn rưới đất rồi mới để. Nếu vẫn bị hư xông, nên để trên lá trên cỏ. Nếu vẫn bị hư xông, nên làm cái chân bát. Nếu vẫn bị hư xông,[43] dùng vật bao dưới đáy.»[44]

Có vị dùng vật báu bao dưới đáy. Đức Phật dạy:

«Không được dùng vật quý, mà nên dùng chì hay thiếc để làm.»

Vị kia sợ bát rơi đổ. Đức Phật dạy:

«Nếu sợ rơi đổ, nên dùng nhựa cây hay sáp (gắn vào đế).

Có vị không rửa bát mà đem cất, tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy:

«Không nên như vậy. Nên rửa rồi mới cất.»

Có vị không dùng tháo đậu để rửa nên không sạch. Đức Phật dạy:

«Không nên rửa như vậy. Nên dùng tháo đậu, hoặc đất, hoặc tro, hay phân bò, hoặc bùn để rửa.»

Có vị dùng phân bò có trộn cát để rửa nên bát bị hỏng. Đức Phật dạy:

«Không nên rửa như vậy. Nên dùng đồ đựng nước ngâm phân bò, để lóng cát, rồi dùng để rửa. Hoặc dùng bột mịn, bùn mịn, hoặc lá, hoặc bông hay trái để rửa cho sạch. Nếu bát có lỗ, bị thức ăn nhét vào trong đó, thì nên cạy ra. Nếu cạy ra bát bị vỡ. Chỗ nào cạy được thì cạy. Chỗ nào không cạy được thì thôi, không sao.»

Có vị rửa bát chưa khô mà đem cất, sanh ra cáu bẩn. Đức Phật dạy:

«Không nên như vậy. Nên để cho khô rồi mới cất.»

Cầm bát nơi tay, khó giữ. Phật cho phép may cái đãy để đựng. Miệng đãy không buộc, bát rơi ra. Phật cho phép buộc lại. Xách đãy đựng bát trên tay, khó giữ. Phật bảo nên dùng cái giây đai mang trên vai. Có tỳ-kheo kẹp bát dưới nách, miệng bát quay vào hông. Trên đường đi, gặp mưa, bị trượt chân té xuống đất, bình bát cấn hông, bị đau. Đức Phật dạy:

«Không nên mang bát như vậy. Nên để miệng bát hướng ra ngoài.»

Bát Tô-ma trong đãy, lấy ra để vô khó khăn, bị vỡ. Đức Phật dạy:

«Nên làm cái hòm hay cái rương để đựng.»

Có vị dùng vật quý báu làm cái hòm cái rương. Đức Phật dạy:

«Không được dùng vật quý báu mà làm. Nên dùng cỏ xá-la, hoặc cây tre để làm. Nếu bát bị đụng nhau thì dùng cỏ hay lá cây, hoặc một trong mười loại y để lót. Nếu bát rơi ra miệng hòm; Phật bảo, nên làm cái nắp đậy lại. Có vị, dùng vật quý báu làm cái nắp. Đức Phật dạy, Không được dùng vật quý báu làm nắp. Nên dùng cỏ xá-la, hoặc tre hay cây mà làm. Nếu nơi để bát không chắc thì nên dùng giây đai máng vào móc long nha.[45]

10. Tịnh quả

Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Vua Bình-sa cho phép các tỳ-kheo tự do ra vào trong vườn xoài.[46] Nhóm sáu tỳ-kheo đến chỗ người giữ vườn nói:

«Tôi cần xoài.»

Người giữ vườn liền hái xoài cho. Nhóm sáu lại đòi hỏi nữa. Người giữ vườn lại cũng hái xoài cho. Nhóm sáu cứ đòi hỏi như vậy cho đến vườn xoài hết cả trái. Sau đó, Vua cần xoài, ra lệnh quan tả hữu hái xoài. Các quan thừa lệnh đến chỗ người giữ vườn bảo hái xoài. Người giữ vườn báo cáo là xoài hết rồi. Các quan hỏi tại sao hết? Người giữ vườn thưa là:

«Sa-môn Thích tử ăn hết.»

Đại thần liền hiềm trách:

«Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, nhiều ham muốn mà tự nói mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp? Người thí tuy không nhàm chán, người nhận phải biết đủ chứ. Tại sao ăn hết vườn xoài của Vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên ăn xoài.»[47]

Các tỳ-kheo khất thực nhận được nước xoài. Phật cho phép dùng. Có vị nhận được trái xoài nấu chín, Phật cho phép dùng. Có vị nhận được nước tương xoài,[48] đức Phật cho phép. Nếu chưa thành rượu thì cho phép uống vào lúc phi thời. Thành rượu rồi, không được uống. Nếu uống sẽ như pháp trị.

Sau đó một thời gian, xoài chín mùi, tôn giả A-nan muốn ăn, đến chỗ đức Phật, đầu diện kính lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:

«Xoài trên cây đã chín mùi.»

Đức Phật dùng nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, vì các tỳ-kheo tùy thuận nói pháp, Ngài dùng vô số phương tiện khen ngợi hạnh đầu-đà đoan nghiêm thiểu dục tri túc, có trí huệ và bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau cho phép ăn xoài.»[49]

11. Câu-chấp

Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di, thì khi ấy Nhóm sáu tỳ-kheo khoác trái câu-chấp[50] để dọa nhau, chọc ghẹo nhau. Các cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, mà tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi khoác trái câu-chấp để dọa nhau, chọc ghẹo nhau, như đại thần của Vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được khoác lộn trái câu-chấp, cũng không được dọa nhau,[51] chọc ghẹo nhau.»

Tỳ-kheo bệnh, đắp câu-chấp, mặt có lông vào trong. Lông bên trong dính nơi mụt ghẻ, bị đau. Phật dạy:

«Nên mặc cái áo lót. Nếu sợ nóng thì nên lộn trái câu-chấp rồi quàng cà-sa phủ lên trên.»

12. Khâu y

Có tỳ-kheo y bị rách. Phật bảo, nên vá lại. Vị ấy không biết vá như thế nào. Đức Phật dạy: «Lấy chỉ khâu lại, hay may chập lại. Nếu có lỗ, lấy đồ đắp lên.» Lỗ rách lớn, miếng đắp nhỏ, khiến y bị chúm lại. Đức Phật dạy: «Không nên vá như vậy. Lớn, nhỏ, tùy theo lỗ rách, rộng ra hai ngón tay, rồi vá. Khi vá sợ y bị chúm lại, nên dùng đá đè bốn góc. Nếu vẫn bị chúm, cắm cọc bốn góc để căng ra. Nếu nó vẫn co lại thì nên làm cái khung đẻ căng ra.» Các vị ấy không biết cách làm. Đức Phật dạy: «Nên dùng gỗ mà làm.»

Có vị cần giây để căng. Phật cho phép dùng giây căng ra để vá.

Các vị ấy không biết dùng cái gì để vá. Phật cho phép dùng lông chim, hoặc cái trâm để vá. Nếu y mỏng, nhuyễn bị rách thì dùng kim để vá. Có vị dùng vật quý báu làm kim. Đức Phật dạy: «Không được dùng như vậy. Nên dùng đồng hay thép để làm.»

Khi vá y, tay bị đau, đức Phật cho phép làm cái đê. Có vị dùng vật quý báu làm đê. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy. Nên dùng đồng, sắt, xương, ngà, sừng, chì, thiếc, bạch lạp, cây, hồ giao để làm.»

Khi vị kia vá y, sợ cong, Phật cho phép dùng giây mực khiến cho thẳng. Có vị cần chỉ tơ, Phật cho phép dùng. Có vị muốn nhuộm chỉ để may y, cần đá vôi, đất đỏ, đất trắng, màu huỳnh, tất cả đều được Phật cho phép dùng. Nếu không định được điểm giữa, nên dùng thước để đo. Có vị dùng vật quý báu làm thước đo. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu để làm. Nên dùng đồng sắt cho đến cây để làm.»

Có vị trương y chấm đất. Khi vá, y dính bụi bẩn. Phật dạy: «Cho phép dùng nước tưới đất cho hết bụi rồi mới trương ra.»

Có vị khi vá y kim bị đụng đất, hư kim. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.»

Có vị trải y trên cỏ xa-bà-la[52] để vá, cỏ dính vào y. Đức Phật dạy: «Không nên làm như vậy.» Có vị trải y trên cỏ, trên lá để vá. Cỏ lá dính vào y. Đức Phật [954a1] dạy: «Không nên trải như vậy. Nên dùng một trong mười loại y hoặc y-lê-điên-đà, mạo-la, mạo-mạo-la, mạo-lâu, trải lên trên đó để vá.»

Tỳ-kheo kia sợ giây, chỉ, kim, dao… các dụng cụ để vá y lạc mất, Phật cho phép làm cái đãy để đựng.

Có vị không tháo y ra khỏi cái khung căng, bị mưa ướt. Đức Phật dạy: «Nên tháo ra.» Các vị ấy không biết tháo ra rồi để khung đâu. Đức Phật dạy: «Cho phép để nơi nhà kinh hành hoặc nơi nhà ấm, nhà ăn. Nếu đem vào nhà không lọt vì cửa hẹp thì để bên ngoài, chỗ không bị mưa ướt, bị gió. Nên treo lên chỗ cao ráo.»

Có vị vá y rồi, tháo ra, không dẹp dọn cây gỗ. Đức Phật dạy: «Nên dọn dẹp.» Các vị ấy không biết dọn dẹp để vào chỗ nào. Đức Phật dạy: «Nên để dưới gác, hoặc trên giường.»

Có vị không dọn dẹp giây. Đức Phật dạy: «Nên cuốn giây lại, để trên chỗ khung căng y.»

Các tỳ-kheo sợ kim rơi mất. Phật cho phép làm cái miếng bằng giạ để để ghim. Nếu vẫn sợ mất thì nên làm cái ống để đựng. Có vị dùng vật quý báu làm cái ống. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu làm. Nên dùng đồng, sắt cho đến tre, cây để làm.» Sợ kim rơi ra, đức Phật cho phép làm nắp đậy lại.

Có vị dùng vật quý báu để làm nắp. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu làm mà nên dùng đồng, sắt, cho đến tre, cây để làm.» Nếu kim bị rỉ sét thì nên để trong bột miến. Nếu vẫn sợ sét, tùy để chỗ nào khiến cho không rỉ sét.

Các tỳ-kheo lo ngại ống đựng kim, dao con, chỉ, và các vật vụn vặt bị lạc mất. Phật cho phép đựng trong cái đãy. Nếu các vật ấy rơi ra, dùng giây cột cái miệng đãy lại. Nếu cầm tay, khó giữ gìn; nên buộc trên vai.

13. Vá bát

Bình bát bằng sắt của tỳ-kheo bị thủng, đức Phật cho phép vá lại, hoặc trám đinh, hoặc trét bùn, hay dán nhựa cây.

Bát Tô-ma bị lủng, đức Phật cho phép dùng hồ giao nhét, hoặc dùng đá vôi, hoặc dùng đất trắng. Bát ca-la đen[53] bị thủng nên dùi cái lỗ, rồi lấy kim chỉ ràng lại. Có vị cần cái dùi khoan, đức Phật cho phép. Có vị dùng vật quý để làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý để làm mà nên dùng đồng sắt.» Nếu sợ chỉ bằng tơ sợi đứt thì nên dùng bằng sợi giây cước, hoặc dùng lông đuôi của bò, ngựa. Nếu sợ trùng cắn cái giây gân thì nên dùng hồ giao trét lên trên. Nếu sợ thức ăn hay nước thấm vào thì cũng nên dùng hồ giao trét lên trên. Nếu cũng lại sợ hư thì dát lá sắt dán vào.

14. Lấy lửa

Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Các tỳ-kheo ở nơi a-lan-nhã dùng hỏa châu để lấy lửa, bọn giặc thấy ngọc châu nên đến quấy phá tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Ở nơi a-lan-nhã, không nên dùng hỏa châu lấy lửa.»

Các tỳ-kheo cần lửa, đức Phật cho phép tỳ-kheo ở nơi a-lan-nhã dùng thuật lấy lửa. Cần bùi nhùi mồi lửa,[54] cho phép. Cần dùi để dùi lửa,[55] cho phép. Cần các thứ để làm giây, đều được cho phép. Dụng cụ lấy lửa bị rơi rớt. Phật cho phép dùng cái đãy để đựng. Dụng cụ dùi lửa để chỗ bị ẩm, Phật cho phép treo dưới giường hay trên móc long nha. Có vị không biết dùng cái gì để nhen lửa, Phật bảo nên dùng cỏ, lá, hoặc sô-ma, hoặc cỏ ma-sí-xa, hoặc phân bò, phân ngựa để lấy lửa. Tỳ-kheo thường xuyên dùi lửa, bị rách tay, đức Phật cho phép nên dùng hỏa châu chỗ khuất để lấy lửa.

15. Lọc nước

Thế Tôn ở tại nước Xá vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo dùng nước có lẫn trùng. Các cư sĩ thấy, cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không có lòng từ, đoạn mạng chúng sanh, mà tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được dùng nước có lẫn trùng. Cho phép làm cái đãy lọc nước.» Các vị ấy không biết làm cách nào. Đức Phật dạy: «Làm như cái thìa, hoặc ba góc, hoặc làm như cái toi, hoặc làm cái bình lọc. Nếu sợ trùng nhỏ lọt qua thì cho cát vào trong cái đãy lọc. Có vị đổ loại cát lọc lẫn trùng nơi đất khô. Đức Phật dạy: «Không nên đổ như vậy. Nên đổ lại dưới nước.»

Bấy giờ, có hai tỳ-kheo cãi lộn nhau, cùng từ nước Câu-tát-la du hành. Một tỳ-kheo có mang đãy lọc nước đi, nên có nước uống. Vị kia không đem đãy lọc nước theo. Hỏi mượn vị kia, nhưng vị kia không cho. Không có nước để uống, nên khát nước quá độ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Tỳ-kheo này phải cho tỳ-kheo kia mượn. Không nên không có đãy lọc nước mà đi, cho đến nửa do tuần. Nếu không có đãy lọc nước nên dùng cái chéo y Tăng-già-lê để lọc.»

16. Ăn ngủ chung

1. Thế Tôn ở tại nước Bà-kỳ-đề.[56] Hai tỳ-kheo Nhóm sáu, nằm ngủ chung một giường. Tỳ-kheo khác thấy, tưởng là cùng nằm với người nữ. Sau khi họ đứng dậy mới biết không phải người nữ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được hai người nằm ngủ chung một giường.»[57]

Có vị nghi không dám cùng người bệnh nằm một giường, đức Phật cho phép cùng người bệnh nằm một giường.

Phật ở tại nước Bà-kỳ-đề. Hai vị trong Nhóm sáu tỳ-kheo đồng đắp chung một cái chăn. Tỳ-kheo khác thấy, tưởng là cùng với người nữ nằm. Sau khi họ đứng dậy mới biết chẳng phải là người nữ. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được hai người nằm đắp chung một cái chăn.»[58]

Các tỳ-kheo chỉ có một cái khăn trải bằng cỏ hay bằng lá. Đức Phật cho phép trên khăn trải này mỗi người riêng một cái khăn trải nằm bằng giạ. Khi thời tiết lạnh chỉ có một cái chăn, Phật cho phép bên trong mỗi người nên mặc áo lót, bên ngoài đắp chung một cái chăn.

 2. Thế Tôn ở tại nước Xá-vệ. Nhóm sáu tỳ-kheo ăn chung một chiếc bát. Các cư sĩ thấy đều cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết tàm quý, mà tự xưng là tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi hai người ăn chung một cái bát, giống như Đại thần của Vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được hai người ăn chung một bát.»

Có tỳ-kheo đựng cơm chung một cái đồ đựng để ăn. Đức Phật dạy: «Nên chia ra và đựng riêng để ăn. Nếu không có bát riêng thì nên ăn phân nửa, còn phân nửa để lại cho người kia ăn. Nếu gần quá giữa ngày thì nên lấy một vắt để ăn rồi đưa cho người kia ăn. Thay nhau ăn như vậy cho kịp giờ.»

3. Nhóm sáu tỳ-kheo nằm dựa gối vào bàn để ăn, các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, mà tự xưng là ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi nằm nghiêng dựa vào bàn để ăn giống như Đại thần của Vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được ăn như vậy.»

Bấy giờ có các Thượng tọa già bệnh không thể tự tay bưng bát để ăn, Phật cho phép buộc nơi đầu góc của giường giây, giường cây, hoặc để trên cái bình.

 4. Nhóm sáu tỳ-kheo đứng trên giường giây, giường cây, nên dây giường bị đứt, khiến cho chăn đắp bị rách. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được đứng như vậy. Nếu tỳ-kheo muốn đưa cái gì hay vói nhận cái gì, thì cho phép đứng trên bệ giường.»

Bấy giờ, có các ngoại đạo, đem cái giường giây lớn làm cái giường giây nhỏ để chứa dùng. Nhóm sáu tỳ-kheo bắt chước ngoại đạo cất chứa giường giây như vậy. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.»

Ca-lưu-đà-di, vì thân hình lớn, mà cái giường trong nhà tắm lại nhỏ nên ngồi không vừa, nghi không dám lấy cái giường lớn bên ngoài để ngồi tắm, chỉ ngồi cái giường nhỏ. Đức Phật dạy: «Trong nhà tắm nên để cả giường lớn và giường nhỏ.»

Nhóm sáu tỳ-kheo chứa cất dụng cụ cày bừa và đồ mò lặn của bạch y. Đức Phật dạy: «Không được cất chứa như vậy.»

Có vị cất chứa cái mâm cái gáo đồ tắm rửa quý báu. Đức Phật dạy: «Không được chứa như vậy.»

 5. Có tỳ-kheo tên là Da-ba-đồ phụng thờ các ngoại đạo, như lửa, như nhật nguyệt, như đạo không nói, pháp của ngoại đạo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được thờ các pháp của ngoại đạo.»

 6. Có tỳ-kheo ở tại a-lan-nhã ăn xong ựa ra nhơi lại. Tỳ-kheo khác nói: «Thầy phạm tội ăn phi thời.» Vị kia nói: «Tôi không phạm tội ăn phi thời, tôi chỉ ựa ra nhơi lại thôi.» Các tỳ-kheo [955a1] bạch Phật. Đức Phật dạy: «tỳ-kheo này vừa từ loài bò đầu thai, nếu không ựa nhơi lại thì không thể sống lâu được. Nếu có tỳ-kheo nào có bệnh như vậy, làm như thế mới dễ chịu, thân không bịnh. Thức ăn chưa ra khỏi miệng được nuốt vô lại.»

 7. Trong Kỳ-hoàn có quạ, có kéc, kêu inh ỏi, làm loạn các tỳ-kheo ngồi thiền. Đức Phật dạy: «Nên khua tiếng cho chúng sợ bay đi. Hoặc giả làm tiếng của giây cung, hay đập vỗ vào cây để cho chúng bay đi.»

 8. Các tỳ-kheo ban đêm tập hợp đến chỗ bố-tát, trời tối. Đức Phật cho phép cầm đuốc. Nếu chỗ ngồi bị tối thì cho phép thắp đèn. Có vị cần đồ đốt đèn, Phật cho phép sắm; cần dầu, cần đèn, cũng cho phép sắm. Nếu đèn không được sáng thì kéo tim cao lên. Nếu bị dầu dính bẩn tay thì cho phép làm đũa để gắp. Nếu sợ cháy đũa thì cho phép làm đũa bằng sắt. Nếu sợ cái tim đèn nằm xuống thì chính giữa nên để cái tim bằng sắt. Nếu vẫn không sáng, thì cho phép làm cái tim cho lớn. Nếu vẫn còn tối thì nên để bốn góc nhà bốn cây đèn. Nếu lại không sáng thì nên làm cây đèn xoay tròn. Nếu vẫn không sáng thì trong nhà, xung quanh đều để đèn, hoặc để đèn giá đứng. Hoặc lấy cái bình, đổ nước vào rồi đổ dầu lên trên, lấy vải bọc hạt cải làm cái tim để thắp.

 8. Bấy giờ, Tỳ-xá-khư Vô-di-la Mẫu sai người mang đến sáu thứ: gường giây một người, lò lửa, lồng đèn, chổi quét, quạt, và cái đấu.[59] Các tỳ-kheo không dám nhận, bạch Phật. Đức Phật cho phép nhận, ngoại trừ cái đấu[60] không nên nhận.

17. Chuyển thể Phật ngôn

Có tỳ-kheo Dũng Mãnh[61] là bà-la-môn xuất gia, đến chỗ đức Thế Tôn, đầu diện kính lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên bạch đức Thế Tôn:

«Bạch Đại đức! Các tỳ-kheo thuộc nhiều dòng họ xuất gia, tên gọi cũng khác, phá hoại nghĩa của kinh Phật. Cúi xin đức Thế Tôn cho phép chúng con vì đức Thế Tôn dùng ngôn luận hoàn hảo của thế gian tu lý kinh Phật.[62]» Đức Phật dạy:

«Các ông là những người ngu si. Đó là sự huỷ hoại bằng cách đem ngôn luận của ngoại đạo mà pha trộn vào trong kinh Phật.»

Đức Phật dạy:

«Cho phép, tùy theo ngôn ngữ, phong tục của từng nước mà giải thích, tụng đọc kinh Phật.»[63]

18. Kín đáo

1. Có tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la, trên đường đi, đến chỗ khuất đại tiểu tiện. Bấy giờ, có người nữ cũng đến chỗ khuất đại tiểu tiện. Cách đó không xa có một cái ao nước, tỳ-kheo đến ao để rửa, người nữ kia cũng đến ao để rửa. Các cư sĩ thấy tỳ-kheo này từ chỗ đó đi ra rửa, người nữ này cũng vậy. Họ bảo chắc tỳ-kheo này xâm phạm người nữ kia. Các tỳ-kheo nghe, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên đại tiểu tiện chỗ như vậy, làm cho người ta sanh nghi. Cũng không nên ở trên ao nước mà rửa.»

2. Bạt-nan-đà Thích tử gần tối đến nhà bạch y, ngồi trong nhà giây lát rồi ra đi không nói với chủ nhà. Trong khi ấy có bọn cướp suốt ngày rình nhà kia. Chiều hôm đó gặp lúc cửa mở nên liền vào. Chúng thu dọn đồ đạt tẩu thoát. Người chủ hỏi ai mở cửa đi ra mà không đóng. Gia nhân trả lời: «Bạt-nan-đà Thích tử.» Các cư sĩ cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết xấu hổ thẹn, mà tự xưng là mình biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi cùng bọn giặc hẹn nhau để đến cướp đoạt của nhà tôi?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên đến nhà bạch y lúc chiều tối.»

Bấy giờ, có các tỳ-kheo vì việc Phật, việc Pháp, việc Tăng, việc Tháp, việc tỳ-kheo bịnh, hoặc đàn-việt mời vào lúc xẩm tối, tỳ-kheo nghi không dám đến. Đức Phật dạy:

«Nếu có những trường hợp như vậy thì nên đến.»

3. Bạt-nan-đà Thích tử với ý dục mà nói pháp cho người nữ. Người nữ kia quan sát biết, liền nói:

«Tại sao Thầy không nói pháp cho chính Thầy?»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không nên vì ý dục mà nói pháp.»

Nhóm sáu tỳ-kheo bói toán cho người nữ. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Nhóm sáu lại đi nhờ người bói toán. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.»

4. Nhóm sáu tỳ-kheo cá cược[64] với người khác. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.»

Người kia được vật liền lấy luôn. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

5. Nhóm sáu tỳ-kheo nắm tay nhau đi ngoài đường, lấn người khác té xuống đất. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không có yểm túc, mà tự nói ta biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi cùng nắm tay nhau đi ngoài đường như đại thần của Vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được đi như vậy.»

Các tỳ-kheo đi trên đường, có người cho đôi guốc, bình hoa đựng dầu. Tỳ-kheo nghi không dám nhận. Đức Phật dạy:

«Cho phép nhận.»

6. Nhóm sáu tỳ-kheo đem đồ vật cho thuê.[65] Đức Phật dạy: «Không được như vậy .»

Nhóm sáu tỳ-kheo giữ vật cho thuê của người khác.[66]

Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.»

 7. Nhóm sáu tỳ-kheo gây gỗ với người khác.

Nói chuyện với Thượng toạ mà lật ngược y, y quần cổ, y phủ đầu, y choàng cả hai vai, mang guốc dép. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy: «Không được như vậy. Nên để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đến trước Thượng tọa, cúi mình, chắp tay thưa: ‹Con có việc cần thưa với Thượng tọa.› Vị thượng tọa nên nói: ‹Như pháp như luật thì nói.› »

19. Dù-gậy-quạt-phất trần

1. Bạt-nan-đà đi đường, cầm cây lọng tròn lớn và đẹp. Các cư sĩ từ xa thấy tưởng là Vua hay Đại thần nên sợ sệt tránh đường. Khi đến gần, xem kỹ mới biết là Bạt-nan-đà, mới cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử ham muốn nhiều không nhàm chán, mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi cầm cây lọng tròn lớn và đẹp đi ngoài đường như Đại thần của Vua, khiến cho chúng tôi sợ phải tránh đường?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «tỳ-kheo không nên cầm cây lọng tròn đi ngoài đường, cũng không được cất chứa.»

Khi trời mưa, các tỳ-kheo đến nhà ăn, hoặc ban đêm tập hợp, lúc Bố-tát, y mới nhuộm bị ướt hư màu. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Vì bảo vệ y, khi ở trong chùa, nên dùng vỏ cây, lá, hoặc tre làm dù để che mưa.»

Có vị cần cán lọng, đức Phật cho phép làm. Vị kia dùng vật quý báu làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu để làm. Nên dùng xương, ngà, bạch lạp, chì thiếc, hay cây để làm.»

Có vị cần chóp lọng, Phật cho phép làm. Vị kia dùng vật quý báu để làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu làm. Cho phép dùng xương, cho đến cây để làm.»

Có vị cần cây lọng rộng, đức Phật cho phép làm. Vị kia dùng vật quý báu để làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu để làm. Nên dùng xương cho đến cây để làm.»

Có vị muốn phủ tàn lọng. Phật cho phép dùng lá cây đa-la, lá cây ma-lâu,[67] vỏ cây để phủ. Nếu sợ bốn phía bị hư, cho phép phủ nhiều lớp.»

Có vị cần cán lọng, đức Phật cho phép làm. Vị kia dùng vật quý báu làm. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu để làm. Nên dùng xương, ngà, bạch lạp, chì thiếc, hay cây để làm.»

Có vị làm cái cán lọng dài, nhưng đem vô đem ra cửa không lọt. Đức Phật dạy: «Nên tháo ra.» Nếu sợ cán sút ra, nên đục cái lỗ để đóng vào. Nếu bị gãy hay cong, cho phép làm bằng sắt, trên đầu làm miếng sắt buộc vào.

 3. Bạt-nan-đà Thích tử bỏ bát vào trong đãy, xỏ vào đầu cây gậy quảy đi. Các cư sĩ thấy tưởng là gia nhân của Vua nên sợ tránh đường. Khi đến gần mới biết là Bạt-nan-đà, nên cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy. Cũng không nên cất chứa cây gậy để quảy bát như vậy.»

Bấy giờ, có tỳ-kheo già bệnh đi đường bị té. Đức Phật dạy: «Già bệnh cho phép cầm gậy.[68] Nếu sợ đầu dưới cây gậy bị cùn, cho phép làm cái khâu bịt lại.» Vị kia dùng vật quý giá làm cái khâu. Đức Phật dạy: «Không được dùng vật quý giá làm mà nên làm bằng xương, răng, bạch lạp, chì thiếc.» Nếu trên đầu cây gậy bị hư hoại, cũng cho phép dùng vật như vậy để làm.

Nhóm sáu tỳ-kheo cất chứa gậy không trung,[69] các cư sĩ cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, không có hổ thẹn, mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi cầm cây gậy không trung như đại thần của vua» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.»

Các tỳ-kheo đi đường thấy rắn rít, bò cạp. Những tỳ-kheo chưa ly dục sợ, bạch Phật. Đức Phật dạy: «Cho phép cầm cây tích trượng[70] để khua động. Hoặc khua ống đồng đựng đá vụn, hoặc đập tre làm cho có tiếng để chúng nó tránh đi.»

 4. Bấy giờ, Nhóm sáu tỳ-kheo cầm cây quạt tròn lớn. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết yểm túc, không có hổ thẹn, mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp trong khi cầm cây quạt tròn lớn như đại thần của vua?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được cầm như vậy.» Có vị nhận được vật đã làm thành, nghi không dám thọ trì, bạch Phật. Phật dạy: «Cho phép nhận cho tháp.» Tỳ-kheo trên đường đi bị nóng, bạch Phật. Đức Phật cho phép dùng lá cây hoặc nhánh cây hoặc cỏ hay một trong mười loại y làm cây quạt để quạt. Nhóm sáu tỳ-kheo cầm cây quạt bằng da. Đức Phật dạy: «Không được dùng.» Nhóm sáu tỳ-kheo ghép ngang dọc mười thanh gỗ rồi phất da lên trên để làm cây quạt. Đức Phật dạy: «Không được làm như vậy.» Cây quạt của tỳ-kheo bị hư, đức Phật cho phép dùng vỏ cây hay lá cây vá lại. Nếu vá bằng da mà bị hư hỏng thì nên dùng chỉ may lại. Nếu dùng chỉ may bị đứt thì nên dùng giây gân để may. Nếu bên lề bị hư thì nên dùng da để buộc.

Khi các tỳ-kheo dùng bữa ăn chính bữa ăn phụ, hoặc ban đêm nhóm hợp, hay lúc thuyết giới bị nóng, đức Phật cho phép làm cây quạt lớn như cỗ xe bằng quạt có cơ quan chuyển động. Các vị ấy không biết bảo ai đẩy. Đức Phật dạy: «Cho phép tỳ-kheo hay sa-di, hoặc người giữ vườn, hay ưu-bà-tắc kéo.»

Nhóm sáu tỳ-kheo dệt cây quạt bằng lông, giết nhiều loại trùng nhỏ hay cỏ, các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn thích tử không biết hổ thẹn, hại nhiều sinh mạng mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi xử dụng cây quạt bằng lông, làm tổn hại nhiều mạng chúng sanh?» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được xử dụng cây quạt bằng lông như vậy.»

 5. Các tỳ-kheo bị trùng nơi cỏ, hay bụi bay nhớp thân, đức Phật cho phép làm cái phất trần. Các vị ấy không biết cách làm. Đức Phật cho phép dùng cỏ, hoặc vỏ cây lá cây dùng chỉ may lại, hoặc dùng lụa vụn cắt may. Có tỳ-kheo nhận được cái đuôi súc vật để phủi bụi. Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật cho phép dùng.

20. Chỗ ngồi

1. Thế Tôn ở tại thành Vương-xá. Ưu-ba-ly cùng các tỳ-kheo bàn luận pháp luật. Các tỳ-kheo cùng đến nghe giới, chỗ ngồi chật hẹp không đủ dung chứa. Đức Phật dạy:

«Hơn kém nhau ba tuổi hạ ngồi chung trên giường cây.[71] Hơn kém nhau hai tuổi hạ ngồi chung trên giường giây nhỏ.»

 2. Tỳ-kheo-niên thiếu tân học chưa rõ việc, các con số lẫn lộn nhau. Phật cho phép dùng con toán để ghi số. Có vị dùng vật quý báu để làm. Phật dạy: «Không được dùng vật quý báu làm. Nên dùng xương, nha, sừng, đồng, sắt, chì, thiếc, bạch lạp, cây để làm.» Có vị để trên đất nhớp tay. Đức Phật dạy: « Không được để trên đất. Nên để trên ván.» Có vị để tấm ván trên đất rồi để trên đầu gối, bẩn y. Đức Phật dạy: «Không được để như vậy. Nên lấy gót chân làm cái ghế.» Có vị sợ con toán rơi rớt, Phật cho phép may cái đãy để đựng. Miệng đãy không buộc lại, nên bị rơi ra. Phật cho phép dùng giây buộc lại, rồi treo trên cây móc long nha, hay trên cây nhọn.

21. Tỏi

Thế Tôn ở tại vườn Kỳ-hoàn, thuyết pháp cho vô số trăm ngàn chúng vây quanh. Bấy giờ có tỳ-kheo ăn tỏi nên đứng xa đức Phật. Đức Thế Tôn biết mà vẫn hỏi tôn giả A-nan:

«Tại sao tỳ-kheo kia đứng xa Như Lai?»

Tôn giả thưa:

«Tỳ-kheo ấy ăn tỏi.»

Đức Phật nói với tôn giả A-nan:

«Đâu có thể vì tham ăn mùi vị như vậy mà không nghe pháp sao? Từ nay về sau, tất cả không nên ăn tỏi.»[72]

Bấy giờ, tôn giả Xá-lợi-phất bị chứng thống phong,[73] thầy thuốc bảo phải ăn tỏi, đức Phật cho phép ăn.

22. Khuân vác

Có tỳ-kheo vác đồ trên lưng mà đi, cư sĩ thấy cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử giống như bạch y, vác đồ trên lưng mà đi.» Họ sanh tâm khinh mạn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: «Không được vác đồ vật trên lưng đi.»[74]

Các tỳ-kheo cần củi để nhuộm như cỏ, phân bò, lông, gai, tự mình vác đi. Đức Phật dạy: «Chỗ không có người thì nên vác. Nếu thấy bạch y thì nên để xuống đất, hoặc di chuyển để trên đầu hay trên vai.»

Có tỳ-kheo Y-lê-a-nhã quấn y quá chặt.[75] Cư sĩ thấy cơ hiềm: «tỳ-kheo như chúng ta, quấn y khuân vác.»[76] Họ sanh tâm khinh mạn, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được quấn y như vậy cũng không nên vác như vậy.»

Các tỳ-kheo ở trong chùa, tập trung ngói đá cây củi, e ngại không dám gánh vác dọn dẹp, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép ở trong chùa thì được gánh vác.»

23. Tháp Thanh văn

Sau khi Xá-lợi-phất, Mục-liên nhập Bát-niết-bàn, có đàn-việt nói: «Nếu đức Thế Tôn cho chúng ta xây tháp thì chúng ta sẽ xây.» Các tỳ-kheo bạch Phật, được đức Phật cho phép. Vị kia không biết xây như thế nào. Đức Phật dạy:

«Xây vuông hay tròn hoặc bát giác.»

Các vị ấy không biết xây bằng thứ gì, đức Phật bảo dùng đá, gạch hoặc cây để xây. Xây rồi nên trét. Các vị ấy không biết dùng thứ gì để trét. Phật cho phép dùng bùn đen. Bùn tro, hoặc bùn phân bò, hay bùn trắng, hoặc dùng đá vôi, hay đát thó. Có vị muốn làm nền tháp, đức Phật cho phép làm. Có vị muốn cúng dường bằng hương hoa. Phật cho phép cúng dường bằng cách xây lan can xung quanh rồi để hương hoa lên trên. Có vị muốn treo tràng phan bảo cái. Phật cho phép treo tràng phan bảo cái. Có vị leo trên tháp, vị thần hộ tháp giận. Đức Phật dạy:

«Không được leo. Nếu cần leo để lấy vật gì thì cho leo.»

Có vị leo lên trên lan can, vị thần hộ tháp giận. Đức Phật dạy:

«Không được leo. Cần lấy cái gì thì cho phép leo.»

Có vị leo lên móc long nha, trên cây cọc. Đức Phật dạy:

«Không được leo. Cần lấy vật gì thì nên leo.»

Có vị leo lên trên tượng để treo bảo cái cúng dường. Đức Phật dạy:

«Không được leo như vậy, nên tạo phương tiện, dùng ghế để leo và treo.»

Tháp kia ở giữa đất trống, bông hoa, đèn dầu, tràng phan bảo cái, kỹ nhạc cúng dường, bị mưa, bị gió, nắng, bụi bặm nhớp nhúa, chim quạ làm bất tịnh. Đức Phật dạy:

«Cho phép làm các loại nhà để che lên trên.»

Khi cất nhà, cần dùng thứ gì, đều cho phép xử dụng. Đất có bụi nên trét bằng bùn đen, bùn phân bò. Nếu cần màu trắng thì dùng đá vôi hay đất thó.

Có vị cần đồ rửa chân nên cho xử dụng. Cần đá lót đường đi, đức Phật cho phép dùng. Có vị cần đất trải, Phật cho phép làm.

Bấy giờ, bên ngoài không có tường để ngăn bò ngựa ra vô, Phật cho phép xây tường. Nếu cần cửa ngõ cho phép làm.

Khi ấy, có đàn-việt nghĩ như sau đối với Xá-lợi-phất và Mục-liên: «Hai vị này lúc còn sanh tiền ta thường cúng dường thức ăn. Nay đã Niết-bàn, nếu đức Thế Tôn cho phép chúng ta sẽ dâng cúng.»

Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép cúng dường.»

Các vị ấy không biết dùng cái gì đựng vật cúng dường. Đức Phật dạy:

«Cho phép dùng cái bát bằng vàng bạc, đồ quý báu, đồ tạp bảo.»

Các vị ấy không biết đem đi bằng cách nào. Đức Phật dạy:

«Cho phép dùng voi ngựa, xe cộ để chở, hoặc đội hay gánh.»

Các vị tỳ-kheo tự mình làm kỹ nhạc, hoặc thổi [957a1] tù và để cúng dường. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có vị e ngại không dám khiến bạch y làm kỹ nhạc cúng dường. Đức Phật dạy:

«Cho phép làm.»

Có vị không biết thức ăn cúng dường nơi tháp rồi, ai thọ dụng. Đức Phật dạy:

«Tỳ-kheo, sa-di, ưu-bà-tắc, hay người xây dựng ăn thức ăn cúng dường ấy.»

Bấy giờ, có đàn-việt khởi ý niệm như sau đối với tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-liên: «Nếu đức Phật cho chúng ta trang nghiêm cúng dường tháp của hai Ngài thì chúng ta sẽ làm.» Đức Phật cho phép làm.

Có vị cần hương hoa, anh lạc, tràng phan, đèn dầu, đài cao, xe. Phật cho phép dùng. Có vị muốn làm hình tượng, đức Phật cho phép làm. Có vị không biết an trí xá lợi trong tháp bằng vàng, trong tháp bằng bạc, hoặc bảo tháp, hoặc tạp bảo tháp, hoặc dùng lụa gói lại, hoặc dùng y bát-tứ-đam-lam-bà,[77] hay dùng y đầu-đầu-la[78] gói lại. Vị kia lại không biết đem đi bằng cách nào, đức Phật cho phép dùng voi ngựa xe cộ… chở, hoặc gánh, hoặc đội, để đem đi. Nếu nó nghiêng đổ thì nên vịn giữ. Có vị tự mình làm kỹ nhạc để cúng dường. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.» Có vị lại e ngại không dám khiến bạch y làm kỹ nhạc để cúng dường, đức Phật cho phép làm. Có vị muốn lau quét tháp Thinh văn. Đức Phật dạy:

«Nên dùng lá cây đa-la, lá cây ma-lâu,[79] hoặc đuôi con công để lau quét. Có vị có nhiều hoa, Phật cho phép để trên nền tháp, trên lan can, trên cây trụ, trên móc long nha, hoặc để bên trong, hoặc dùng giây xâu lại treo trước mái hiên nhà. Nếu có nhiều bùn thơm, đức Phật cho phép làm hình bàn tay, hình vòng tròn, hình ma-hê-đà-la, hình bụi cây, hình giây nho, hình bông sen, nếu còn dư thì trét dưới đất.

24. Cạo tóc

Thế Tôn ở tại thành Vương xá. Vì cung kính đức Thế Tôn nên không vị nào dám cạo tóc cho đức Phật. Chỉ có một thiếu nhi vì còn nhỏ nên chưa biết sợ, mới cạo tóc cho đức Phật. Thiếu nhi tên là Ưu-ba-ly cạo tóc cho đức Phật. Cha mẹ của thiếu nhi chắp tay thưa với đức Thế Tôn:

«Bạch Thế Tôn, thiếu nhi Ưu-ba-ly cạo tóc cho Thế Tôn có được tốt hay không?»

Đức Phật dạy:

«Tốt, nhưng đứng cho thong thả chứ đừng cúi xuống quá!»

Cha mẹ thiếu nhi lại bạch Phật:

«Thiếu nhi thế phát có tốt không?»

«Tốt, nhưng đứng thẳng quá!»

Cha mẹ liền bảo:

«Con đừng đứng thẳng quá, khiến đức Thế Tôn không an ổn.»

Cha mẹ thiếu nhi bạch Phật:

«Cháu thế phát có được tốt không?»

Đức Phật nói:

«Tốt, nhưng thở vào thô quá!»

Cha mẹ Ưu-ba-ly liền bảo:

«Con thở vô mạnh quá, đức Thế Tôn không an ổn.»

Cha mẹ cháu lại bạch Phật:

«Ưu-ba-ly thế phát có được tốt không?»

Đức Phật dạy:

«Tốt, nhưng thở ra thô quá!»

Cha mẹ Ưu-ba-ly liền bảo:

«Con đừng thở ra mạnh quá, khiến đước Thế Tôn không an ổn.»

Bấy giờ, thiếu nhi Ưu-ba-ly thở ra thở vào, rồi không thở, vào đệ tứ thiền.[80]

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo A-nan:

«Ưu-ba-ly đã vào đệ tứ thiền. Ông lấy con dao nơi tay của thiếu nhi. A-nan vâng lời Phật dạy, liền lấy con dao.

Khi ấy, A-nan lấy đồ cũ đựng tóc đức Thế Tôn. Phật dạy:

 «Không được dùng đồ cũ đựng tóc đức Như Lai. Nên dùng đồ mới để đựng, hay dùng y mới, hoặc tơ lụa, hoặc y bát-tứ-đam-lam-bà, hoặc y đầu-đầu-la để gói lại.»

25. Tháp Phật

Bấy giờ, có Cù-ba-ly[81] tướng quân muốn đến phương tây để chinh phạt, đến xin râu tóc của đức Thế Tôn. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật đồng ý cho. Vị kia nhận được tóc rồi, không biết cung trí chỗ nào. Đức Phật cho phép để trong tháp bằng vàng, tháp bằng bạc, tháp bằng vật báu, tháp bằng tạp bảo, hay dùng tơ lụa, hoặc y bát-tứ-đam-lam-bà, y đầu-đầu-la để gói lại. Người ấy không biết đem đi bằng cách nào, đức Phật cho phép dùng voi ngựa xe cộ để chở, hoặc đội trên đầu hoặc vác trên vai. Vương tử đem tóc của Phật đến chỗ chinh phạt, được đắc thắng. Khi Vương tử kia trở về nước vì đức Thế Tôn xây tháp để thờ tóc. Đây là ngôi tháp của đức Thế Tôn lúc Ngài còn tại thế.

Các tỳ-kheo thưa:

«Nếu đức Thế Tôn cho phép, chúng ta gánh tóc[82] đức Thế Tôn đi thì chúng ta sẽ gánh đi.» Các tỳ-kheo bạch Phật, được đức Phật cho phép. Các vị ấy không biết cung trí nơi chỗ nào, đức Phật cho phép cung trí nơi tháp bằng vàng, bằng bạc, tháp bằng châu báu, tháp bằng tạp bảo, hay dùng y bát-tứ-đam-lam bà, y đầu-đầu-la gói lại. Các vị ấy không biết mang đi bằng phương tiện nào, đức Phật cho phép chở bằng voi, ngựa, xe cộ, hoặc vác trên vai hay đội trên đầu. Có vị kẹp cái tháp Thế Tôn dưới nách. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có vị lật ngược y, y quấn cổ, y trùm đầu, y choàng cả hai vai hoặc mang guốc ép gánh tháp của đức Thế Tôn. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy. Nên để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép để vác trên vai hay đội trên đầu, tháp đức Thế Tôn mà đi.»

Có vị mang tháp đức Thế Tôn đến chỗ đại tiểu tiện. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy. Nên để chỗ thanh tịnh.»

Có vị không rửa chỗ đại tiểu tiện, bưng tháp đức Thế Tôn. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy. Nên rửa cho sạch rồi mới bưng.»

Có vị cung trí tháp đức Như Lai nơi phòng không tốt, mình ở phòng tốt. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy. Nên cung trí tháp đức Như Lai nơi phòng tốt, mình ở nơi phòng không tốt.»

Có vị cung trí tháp đức Như Lai nơi phòng dưới, mình ở phòng trên. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy. Nên cung trí tháp đức Như lai nơi phòng trên, mình ở phòng dưới.»

Có vị cùng ngủ một nhà với tháp đức Như Lai. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Có vị vì muốn giữ gìn cho chắc, nhưng e ngại không dám cùng ngủ, đức Phật cho phép cung trí nơi đầu cây trụ, hay đầu móc răng rồng, hoặc một bên đầu để ngủ.

Các ưu-bà-tắc nghĩ như vầy: «Nếu đức Thế Tôn cho phép chúng ta, ngay bây giờ, lúc đức Thế Tôn còn hiện tại, xây tháp thờ Thê Tôn, thì chúng ta sẽ xây.»

Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép làm. Các vị ấy không biết làm thế nào. Đức Phật dạy:

«Nên làm vuông hay tám cạnh hoặc làm tròn.»

Các vị ấy lại không biết dùng vật gì để xây. Đức Phật dạy:

«Nên dùng gạch đá hoặc cây để làm.»

Tất cả như trên đã nói, cho đến cách trải dưới đất cũng như trên đã nói.

Có vị cần tràng phan, đức Phật cho phép làm tràng phan, hoặc tràng sư tử, hay tràng rồng, hoặc tràng trâu rừng.

Trường hợp xung quanh thấp không có hàng rào, nên trâu dê ra vào, Phật cho phép làm hàng rào để ngăn, như trên.

Bấy giờ, tháp miếu của các ngoại đạo thường dùng thức ăn thức uống cúng dường. Các ưu-bà-tắc nghĩ: «Nếu đức Thế Tôn cho phép chúng ta dâng cúng những thức ăn hảo hạng thì chúng ta sẽ dâng.»

Các tỳ-kheo bạch Phật, đức Phật cho phép, như trên. Các vị ấy không biết ai sẽ thọ hưởng thức ăn này. Đức Phật dạy: Vị làm tháp thọ hưởng.

Khi ấy, tháp miếu của các ngoại đạo, được họ trang nghiêm cúng dường, các ưu-bà-tắc nghĩ: «Nếu đức Thế Tôn cho phép chúng ta trang nghiêm cúng dường tháp của Thế Tôn thì chúng ta sẽ làm.» Các tỳ-kheo bạch Phật, được đức Phật cho phép làm, như trên.

Có vị ngủ trong tháp đức Thế Tôn. Đức Phật dạy:

«Không được ngủ như vậy.»[83]

Có vị vì bảo vệ tháp mà e ngại không dám ngủ trong tháp. Đức Phật dạy:

«Vì thủ hộ thì cho phép ngủ.»

Có vị cất chứa vật trong tháp Phật. Đức Phật dạy:

«Không được cất chứa như vậy.»[84]

Có vị vì muốn bảo đảm nên cất chứa vật trong tháp mà e ngại, không dám, nhưng được đức Phật cho phép.

Có vị mang giày dép vào trong tháp. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»[85]

Có vị xách giày dép vào trong tháp Phật. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Có vị mang phú-la vào trong tháp. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»[86]

Có vị xách phú-la vào trong tháp. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Có vị e ngại không dám mang phú-la di quanh [958a1] ngoài tháp. Đức Phật dạy:

«Cho phép mang.»

Có vị ăn dưới tháp làm nhớp. Đức Phật dạy:

«Không được ăn dưới tháp.»[87]

Khi các tỳ-kheo đi quanh nơi tháp, khi ở nơi phòng xá, khi tắm nơi ao, tập hợp số đông Tăng, chỗ chật không đủ dung, có vị e ngại không dám ngồi dưới tháp để ăn, họ bảo đức Thế Tôn không cho phép ngồi ăn dưới tháp. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép ăn dưới tháp. Nhưng đừng làm nhơ nhớp không sạch.»

Các tỳ-kheo không biết làm cách nào cho khỏi nhớp. Đức Phật dạy:

«Cho phép, gom những thứ bất tịnh gần bên chân. Khi ăn xong đem ra ngoài bỏ.»

Có vị khiêng tử thi đi qua dưới tháp. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»[88]

Có vị chôn thây chết dưới tháp. Đức Phật dạy:

«Không được chôn như vậy.»[89]

Có vị đốt tử thi dưới tháp. Đức Phật dạy:

«Không được đốt như vậy.»

Có vị đốt tử thi trước tháp. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có vị đốt tử thi xung quanh tháp, khiến cho mùi hôi bay vào tháp, vị thần hộ tháp giận. Đức Phật dạy:

«Không được đốt tử thi xung quanh tháp khiến mùi hôi bay vào tháp.» Có vị mang y, giường nằm của người chết đi qua dưới tháp, khiến vị thần hộ tháp giận. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có tỳ-kheo mặc y phấn tảo, e ngại không dám mang y phấn tảo đi qua dưới tháp và nói đức Thế Tôn có dạy:

«Không cho phép mang y người chết đi qua dưới tháp.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu giặt nhuộm cho sạch và xông mùi thơm thì được mang đi qua.»

Có vị đại tiểu tiện nơi tháp. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có vị đại tiểu tiện trước tháp. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Có vị đại tiểu tiện xung quanh tháp, khiến mùi hôi bay vào, vị thần hộ tháp giận. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có vị xỉa răng dưới tháp. Đức Phật dạy:

«Không được xỉa như vậy.»[90]

Có vị xỉa răng trước tháp. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Có vị xỉa răng xung quanh tháp. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có vị khạc nhổ dưới tháp. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có vị hỉ mũi trước tháp. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có vị ngồi duỗi chân trước tháp. Đức Phật dạy:

«Không được duỗi chân như vậy.»[91]

Nếu trong Tăng-già-lam đầy cả tháp, thì cho phép giữa khoảng cách hai tháp ngồi duỗi chân.

Bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại nước Câu-tát-la, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi tỳ-kheo du hành trong nhân gian, đến nơi thôn Đô-tử bà-la-môn, một trú xứ nọ, đức Thế Tôn mỉm cười. Lúc đó, tôn giả A-nan liền nghĩ: «Do nhân duyên gì, hôm nay đức Thế Tôn mỉm cười? Không bao giờ đức Thế Tôn không có nhân duyên gì mà mỉm cười.» Tôn giả liền để trống vai bên hữu, cởi bỏ giày dép, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay thưa:

«Bạch đức Thế Tôn! Không bao giờ Thế Tôn không có nhơn duyên mà mỉm cười. Vừa rồi, do nhơn duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười? Chúng con nguyện muốn biết điều đó.»

Đức Phật bảo tôn giả A nan:

«Thuở đời quá khứ, khi đức Phật Ca-diếp niết-bàn rồi. Bấy giới Vua nước Sí-tỳ-già-thi,[92] tại địa điểm này bảy năm bảy tháng bảy ngày, sau khi xây dựng một tháp lớn rồi, bảy năm, bảy tháng bảy ngày thiết lập đại lễ cúng dường. Vua ngồi dưới bóng mát nơi hai bộ Tăng cúng bữa cơm thứ nhất. Bấy giờ cách chỗ đó không xa có một nông phu đang cày ruộng, đức Phật đến nơi đó, lấy một nắm bùn đem lại, nói kệ:

Dầu dùng trăm ngàn anh lạc

Đều là vàng diêm-phù-đàn

Không bằng dùng một nắm bùn

Vì Phật xây dựng bảo tháp.

Dầu dùng trăm ngàn nắm vàng

Đều là vàng diêm-phù-đàn

Không bằng dùng một nắm bùn

Vì Phật xây dựng bảo tháp.

Dầu dùng trăm ngàn gánh vàng

Đều là vàng diêm-phù-đàn

Không bằng dùng một nắm bùn

Vì Phật xây dựng bảo tháp.

Dầu dùng trăm ngàn ôm vàng

Đều là vàng diêm-phù-đàn

Không bằng dùng một nắm bùn

Vì Phật xây dựng bảo tháp.

Dầu dùng trăm ngàn vách vàng

Đều là vàng diêm-phù-đàn

Không bằng dùng một nắm bùn

Vì Phật xây dựng bảo tháp.

Dầu dùng trăm ngàn non (núi) vàng

Đều là vàng diêm-phù-đàn

Không bằng dùng một nắm bùn

Vì Phật xây dựng bảo tháp.

Dầu dùng trăm ngàn núi vàng

Đều là vàng diêm-phù-đàn

Không bằng dùng một nắm bùn

Vì Phật xây dựng bảo tháp.

Bấy giờ, các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đều dùng một nắm bùn để nơi chỗ đó, liền thành một bảo tháp lớn. Khi ấy, các tỳ-kheo lo trong phòng nhà có mùi hôi. Đức Phật dạy:

«Nên rưới nước quét. Nếu vẫn còn hôi thì dùng bột hương thoa. Nếu vẫn còn hôi thì treo hương thơm bốn góc phòng nhà.»

26. Tắm

Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Khi ấy, chúng Tăng nhận được nhiều thức ăn cúng dường. Các tỳ-kheo không tự chế nên sanh bệnh, đức Phật bảo nên uống thuốc. Có vị cần thổ hạ thì nên cho thổ hạ, có vị cần cháo thì nên cho cháo, cần thịt chim rừng thì cho thịt chim rừng. Bấy giờ, Kỳ-bà Đồng tử trị bệnh cho chúng Tăng, vì Phật và Tăng làm thuốc thổ hạ, nấu cháo và nấu canh thịt chim rừng, không đủ cung cấp, đến chỗ đức Thế Tôn đầu diện đảnh lễ sát chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch đức Phật:

«Kính bạch Đại đức, các tỳ-kheo mắc bệnh. Nếu các vị ấy được phép tắm thì bệnh tình sẽ thuyên giảm.»

Đức Thế Tôn chấp thuận bằng cách im lặng. Kỳ-bà Đồng tử biết đức Phật cho phép rồi liền từ chỗ ngồi đứng dậy, kính lễ sát chân đức Phật, nhiễu quanh và cáo lui.

Đức Thế Tôn dùng nhơn duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, dùng phương tiện tùy thuận thuyết pháp, khen ngợi hạnh đầu-đà, đoan nghiêm thiểu dục tri túc, ưa xuất ly và bảo các tỳ-kheo:

«Cho phép các tỳ-kheo làm nhà tắm để tắm.»[93]

27. Úp bát

Bấy giờ, tỳ-kheo Từ Địa[94] đến nước Tỳ-xá-ly. Từ Địa cùng các Ly-xa[95] là thân tình tri thức. Các Đại Ly-xa[96] nghe tỳ-kheo Từ Địa đến Tỳ-xá-ly, liền đến thăm hỏi tỳ-kheo Từ Địa, nhưng Từ Địa không trả lời. Các Ly-xa thấy vậy hỏi:

«Thưa Trưởng lão, chúng tôi có điều gì xúc phạm Ngài hay sao, mà Ngài không ứng đáp những điều chúng tôi thăm hỏi?»

Từ Địa nói:

«Tôi bị Đạp-bà-ma-la Tử khinh mạn quấy nhiễu, mà các ông không hỗ trợ cho tôi, thì làm sao tôi ứng đáp những lời thăm hỏi của ông được.»

Các Ly-xa nói:

«Chúng tôi yểm trợ bằng cách nào để Đạp-bà-ma-la Tử khỏi phải xúc phạm Ngài ?»

Từ Địa nói:

«Các ông chờ khi nào Phật và chúng Tăng tập hợp đông đủ, đến thưa như thế này: ‹Bạch Đại đức, có việc như vầy, không thiện, không tùy thuận, chẳng phải oai nghi, không thích thời. Chúng tôi tưởng nơi đây là thanh tịnh an lạc không có sự khủng bố, mà ngược lại nơi đây lại sanh ưu não, như nước sanh ra lửa. Vì sao vậy? Đạp-bà-ma-la Tử xâm phạm vợ chúng tôi. Chúng Tăng nên hòa hợp để tẫn xuất.› Như vậy sẽ không không còn [959a1] quấy nhiễu tôi nữa.»

Các Ly-xa nói:

«Việc đó đâu có gì khó.»

Đại Ly-xa này[97] đến chỗ đức Phật và đại chúng nói như trên.

Bấy giờ, Đạp-bà-ma-la Tử ngồi cách đức Phật không xa. Đức Phật biết mà vẫn hỏi Đạp-bà-ma-la Tử:

«Thầy có nghe các Ly-xa này nói không?»

Thưa:

«Bạch Thế Tôn, con có nghe. Thế Tôn biết rõ việc đó.»

Đức Phật nói với Đạp-bà-ma-la Tử:

«Thầy không nên trả lời như vậy. Thật thì nói là thật. Dối thì nói là dối.»

Đạp-bà-ma-la Tử nghe đức Phật nói vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trống vai bên hữu, đầu gối bên hữu chấm đất, chấp tay bạch Phật rằng:

«Từ khi con sanh ra đến bây giờ, trong mộng cũng chưa từng phạm dâm, huống nữa là khi thức.»

Đức Phật dạy:

«Lành thay! Lành thay! Đạp-bà-ma-la Tử. Đây là câu trả lời hay.»

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các tỳ-kheo:

«Các thầy hỏi Đại Ly-xa kia, phải chăng đã vu khống tỳ-kheo thanh tịnh Đạp-bà-ma-la Tử bằng pháp bất tịnh không căn cứ?[98] Dùng pháp bất tịnh không cứ để vu khống tỳ-kheo thanh tịnh thì mắc tội nặng lớn.»

Các tỳ-kheo vâng lời Thế Tôn, liền gạn hỏi Đại Ly-xa:

«Ông có thể nói thật, việc này là thế nào? Đừng dùng pháp bất tịnh không căn cứ để vu khống Đạp-bà-ma-la Tử. Dùng pháp bất tịnh không căn cứ để vu khống tỳ-kheo thanh tịnh thì mắc tội nặng lớn.» Các Đại Ly-xa bị các tỳ-kheo cật vấn liền nói như sau:

«Đạp-bà-ma-la Tử thanh tịnh không có sự bất tịnh hạnh. Việc này do tỳ-kheo Từ Địa bảo tôi nói như vậy.»

Các tỳ-kheo nghe, trong đó có vị thiểu dục tri túc, sống khổ hạnh, ưa học giới, biết hổ thẹn, hiềm trách Đại Ly-xa rằng: «Đạp-bà-ma-la Tử thật không làm bất tịnh hạnh, tại sao lại dùng vô căn bất tịnh để vu khống?» Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế Tôn, đầu mặt kính lễ sát chân, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn tập họp tỳ-kheo Tăng dùng vô số phương tiện quở trách Đại Ly-xa rằng:

«Ông làm điều sai quấy, không phải hạnh tùy thuận, chẳng phải hạnh thanh tịnh.[99] Tại sao dùng pháp vô căn bất tịnh để vu khống Đạp-bà-ma- a Tử?»

Dùng vô số phương tiện quở trách rồi, đức Phật bảo các tỳ-kheo:

«Từ nay về sau, kết cho Đại Ly-xa pháp phúc bát,[100] không tới lui nói chuyện, bằng pháp bạch nhị yết-ma.»

Nhà bạch y có năm pháp[101] nên trao cho pháp phúc bát: Không hiếu thuận cha, không hiếu thuận mẹ, không kính sa-môn, không kính Bà-la-môn, không cung sự tỳ-kheo. Nếu ai phạm vào năm pháp như vậy thì nên trao cho pháp phúc bát.

Và có năm pháp không nên trao cho pháp phúc bát: hiếu thuận cha, hiếu thuận mẹ, cung kính sa-môn, cung kính bà-la-môn, kính sự tỳ-kheo. Nếu ai có năm pháp như vậy thì không trao cho pháp phúc bát.

Lại có mười pháp chúng Tăng nên trao cho pháp phúc bát: mắng chửi tỳ-kheo, làm cho tỳ-kheo bị tổn giảm, làm cho không lợi ích, phương tiện khiến cho không có trú xứ, gây xáo trộn cho tỳ-kheo, trước tỳ-kheo nói xấu Phật-pháp-tăng, dùng pháp vô căn bất tịnh vu khống tỳ-kheo, phạm tỳ-kheo-ni. Ai phạm vào mười pháp như vậy, thì tăng nên trao cho pháp phúc bát.

Như vậy, có chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một pháp[102] là mắng chửi tỳ-kheo, nếu phạm vào một trong mười pháp, Tăng cần phải tác pháp phúc bát. Theo thể thức sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc xảy ra như trên mà tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đạp-bà-ma-la Tử thanh tịnh, mà Đại Ly-xa dùng pháp Ba-la-di không căn cứ để vu khống. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay tăng vì Đại Ly-xa tác pháp phúc bát, không lui tới quan hệ nữa. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Đạp-bà-ma- la Tử thanh tịnh, mà Đại Ly-xa dùng pháp Ba-la-di không căn cứ để vu khống. Nay Tăng tác pháp phúc bát, không lui tới quan hệ nữa. Các Trưởng lão nào đống ý Tăng vì Đại Ly-xa tác pháp phúc bát, không quan hệ nữa, thì im lặng. Ai không đồng ý xin nói.

«Tăng đã đồng ý vì Đại Ly-xa tác yết-ma phúc bát, không lui tới quan hệ nữa.Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

Cho phép, sai sứ giả đến chỗ Đại Ly-xa nói:

«Tăng vì ông tác pháp phúc bát, không tới lui quan hệ,[103] bằng pháp bạch nhị yết-ma rồi.»

Người có đủ tám pháp này nên sai đến: Có khả năng nghe, có khả năng nói, tự mình hiểu rõ, có khả năng khiến người khác hiểu rõ, có khả năng thọ giáo, có khả năng ghi nhớ, không nhầm lẫn, phân biệt được nghĩa tốt xấu. Người nào có tám pháp như vậy nên sai làm sứ giả cho Tăng.

Phật nói kệ:

Nếu ở trong đại chúng

Tâm không có khiếp nhược,

Lời nói cũng không thêm,

Thọ giáo không thêm bớt,

Nói không có lẫn lộn,

Bị hỏi không dao động:

Tỳ-kheo có như vậy,

Có thể được Tăng sai.

Tôn giả A-nan có tám pháp như vậy. Cho phép bạch nhị yết-ma Tăng sai làm sứ giả, đến nói với Đại Ly-xa: «Nay đã Tăng trao cho ông pháp phúc bát, không tới lui quan hệ.» Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác pháp yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận. Nay tăng sai A-nan vì Tăng làm sứ giả, đến chỗ Đại Ly-xa nói: ‘Nay đã Tăng trao cho ông pháp phúc bát, không tới lui quan hệ.’ [960a1] Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng sai A-nan vì Tăng làm sứ giả đến chỗ Đại Ly-xa nói: ‘Nay Tăng đã trao cho ông pháp phúc bát, không tới lui quan hệ.’ Các Trưởng lão nào chấp thuận Tăng sai A-nan vì Tăng làm sứ giả thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói. Tăng đã đồng ý sai A-nan vì Tăng làm sứ giả, đến chỗ Đại Ly-xa nói: ‘Nay Tăng đã trao cho ông pháp phúc bát, không tới lui quan hệ.’

Tăng đồng ý nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy. »

Bấy giờ, tôn giả A-nan khoác y bưng bát đến nhà Đại Ly-xa. Khi ấy Đại Ly-xa đang đứng dưới cửa chải tóc. Từ xa ông thấy A-nan đến nên vội vàng thu dọn dụng cụ chải tóc, nghinh đón A-nan, bạch rằng:

«Lành thay Đại đức! Mời Đại đức vào nhà.»

Tôn giả A-nan trả lời:

«Tôi không được vào nhà ông, nhận chỗ ngồi và thức ăn cúng dường.» Ly-xa thưa:

«Tại sao vậy, thưa Đại đức A-nan?»

Đáp:

«Tăng đã vì ông tác pháp phúc bát, không tới lui quan hệ.»

Ly-xa hỏi:

«Vì lý do gì?»

Tôn giả A-nan liền đem sự việc trình bày lại. Ly-xa liền thốt lên:

«Đại đức A-nan ơi, như vậy là giết con rồi!»

Ly-xa liền ngất xỉu, té xuống đất. Một hồi lâu mới tỉnh lại, lấy tay chùi nước mắt, bạch với tôn giả A-nan rằng:

«Con phải làm sao để được giải yết-ma, được tới lui quan hệ?»

Tôn giả A-nan nói:

«Ông nên đến sám hối chúng Tăng.»

Đại Ly-xa tùy thuận chúng Tăng, không dám trái nghịch, đến Tăng xin giải yết-ma phúc bát, để được tới lui. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Nếu Đại Ly-xa đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến tăng xin giải yết-ma phúc bát, để chư tăng tới lui quan hệ, thì nên xả bằng pháp bạch nhị yết-ma.» Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nay Tăng vì Đại Ly-xa giải pháp phúc bát không tới lui quan hệ, vì đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến Tăng xin giải yết-ma phúc bát không tới lui quan hệ. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tăng đã vì Đại Ly-xa tác yết-ma phúc bát không tới lui quan hệ. Nay người ấy đã tùy thuận chúng Tăng không dám trái nghịch, đến Tăng xin giải yết-ma phúc bát không tới lui quan hệ. Nay Tăng vì Đại Ly-xa giải yết-ma phúc bát để tới lui quan hệ. Các Trưởng lão nào đồng ý, Tăng vì Đại Ly-xa giải pháp yết-ma phúc bát để tới lui quan hệ thì im lặng. Vị nào không đồng ý xin nói.

«Tăng đã chấp thuận vì Đại Ly-xa giải yết-ma phúc bát để tới lui quan hệ rồi nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

28. Yết-ma trì gậy

Bấy giờ, Ca-lưu-đà-di ở tại a-lan-nhã, đốt cỏ nơi đường đi, ngọn lửa cháy mạnh lan tràn cháy luôn cả khu vườn Lộc uyển của vua Ba-tư-nặc, khiến cư sĩ cơ hiềm: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, đoạn mạng chúng sanh, mà tự xưng tôi biết chánh pháp. Nhưng như vậy có gì là chánh pháp, trong khi đốt vườn Lộc uyển của Vua?» Các tỳ-kheo đến bạch Phật. Đức phật dạy:

«Không được đốt như vậy.»

Bấy giờ, có các tỳ-kheo trên đường đi có cỏ, các ngài đề phòng và e ngại, đức Phật cho phép dùng tre đè lên cỏ, hoặc đá hay cây đè lên trên.

Khi ấy, bên ngoài Kỳ-hoàn lửa cháy rừng tràn lan. Các tỳ-kheo không biết làm cách nào, liền bạch Phật. Đức Phật cho phép dọn trống một khoảng cỏ, hoặc đào hầm làm cho gián đoạn, hay dùng đất dập cho tắt ngọn lửa. Trong khi lo toan lửa đốt có một tỳ-kheo già yếu không có cây gậy để đi, không có đãy đựng bát, vị ấy tự nghĩ ta phải làm thế nào đây? Vị ấy liền bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy: Cho phép Tăng vì tỳ-kheo già yếu kia cho sử dụng gậy và đãy đựng bát,[104] bằng pháp bạch nhị yết-ma như sau: Trong chúng nên sai một vị có khả năng tác yết-ma, dựa theo sự việc trên tác bạch:

«Đại đức tăng xin lắng nghe! tỳ-kheo này tên là… già yếu, không thể đi đâu nếu không có đãy đựng bát, không có gậy. Vị kia đến xin Tăng được sử dụng gậy và đãy đựng bát. Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận cho phép tỳ-kheo già yếu tên… này sử dụng gậy và đãy đựng bát. Đây là lời tác bạch.

«Đại đức Tăng xin lắng nghe! Tỳ-kheo này tên là… già yếu, không thể không đi đâu nếu không có gậy và đãy đựng bát. Nay đến Tăng xin sử dụng gậy và đãy đựng bát. Nay Tăng cho tỳ-kheo này sử dụng gậy và đãy đựng bát. Các Trưởng lão nào đồng ý Tăng cho tỳ-kheo già yếu tên… sử dụng gậy và đãy đựng bát thì im lặng. Vị nào không đồng ý thì xin nói.

«Tăng đã chấp thuận cho Tỷ kheo… sử dụng gậy và đãy đựng bát rồi. Tăng chấp thuận nên im lặng. Việc này được ghi nhận như vậy.»

29. Im lặng cho qua

Bấy giờ, Xá-lợi-phất thấy khi chúng Tăng tác phi pháp yết-ma, có người không đồng ý, nhưng muốn im lặng để cho qua. Đức Phật dạy: «Cho phép im lặng.»

Có năm pháp không nên im lặng: Như pháp yết-ma mà không đồng ý, im lặng cho qua. Có bạn tán thành sự đồng ý, cũng im lặng cho qua. Thấy tội nhỏ mà im lặng. Người tác biệt trụ mà im lặng. Trên giới trường mà im lặng. Năm pháp như vậy mà im lặng là phi pháp.

Có năm pháp nên im lặng: Thấy người khác phi pháp nên im lặng. Không có đồng bạn nên im lặng. Phạm trọng nên im lặng. Đồng trú nên im lặng. Tại phạm vi đồng trú nên im lặng. Năm pháp như vậy nên im lặng.

Có năm pháp nên hòa hợp: Nếu như pháp nên hòa hợp. Nếu im lặng cho qua. Nếu dữ dục. Nếu nghe từ người đáng tin cậy. Nếu trứớc đã ở trong im lặng mà ngồi. Năm việc như vậy nên hòa hợp.

30. Chúc lành – Thề thốt

1. Bấy giờ, đức Thế Tôn tại Kỳ-hoàn đang nói pháp cho vô số tỳ-kheo, bỗng nhiên Ngài nhảy mũi. Các tỳ-kheo liền chú nguyện: «Cầu cho trường thọ!»[105]

Các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cũng đồng nói, «Cầu cho trường thọ!» Đại chúng trở thành náo nhiệt. Phật nói:

«Không được chúc như vậy.»[106]

Bấy giờ, có cư sĩ nhảy mũi, các tỳ-kheo e ngại không dám chúc lành «sống lâu.» Các cư sĩ đều cơ hiềm nói: «Chúng tôi nhảy mũi mà các tỳ-kheo không chú nguyện cho sống lâu.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép chú nguyện sống lâu.»[107]

Bấy giờ, các cư sĩ kính lễ tỳ-kheo. Tỳ-kheo e ngại không nói lời chúc lành sống lâu, vì đức Thế Tôn không cho phép tỳ-kheo chú nguyện. Các cư sĩ cơ hiềm nói: «Chúng tôi kính lễ tỳ-kheo, tỳ-kheo không chú nguyện cho chúng tôi sống lâu.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép nói lên lời chú nguyện sống lâu.»

 2. Bấy giờ, Nhóm sáu tỳ-kheo vì một việc nhỏ mà thề rằng: «Nếu tôi làm như vậy sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; không sanh trong Phật pháp. Nếu người khác làm như vậy, cũng sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không sanh trong Phật pháp.»[108] Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật dạy:

«Không được thề như vậy. Cho phép nói như vầy: Nếu tôi có làm việc như vậy thì Nam-mô Phật. Nếu người kia có làm việc như vậy thì cũng Nam-mô Phật.»

31. Giây nịt

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo chứa cất giây lưng mà ở đầu đặt tai nấm.[109] Đức phật dạy:

«Không được như vậy.»

Có vị chứa cất giây giày. Đức phật dạy:

«Không được như vậy.»

Nhóm sáu tỳ-kheo lại chứa cất giây đai xà-đề-ra.[110] Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Có vị chứa cất giây đai tán diên.[111] Đức Phật dạy:

«Không được như vậy. Các ông là những người ngu si, tránh những điều ta cấm chế, lại đi làm các việc khác. Từ nay về sau, tất cả các loại giây như vậy không được sử dụng.»[112]

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo lại cất chứa loại giây vừa dài vừa rộng. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy, cho phép làm giây lưng rộng ba ngón tay, dài đủ quấn ba vòng vào lưng.»

Nhóm sáu tỳ-kheo lại nhuộm giây lưng màu thực. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Vị kia làm giây đai gấm. Phật nói:

«Không được như vậy.»

Có vị làm giây lưng màu trắng. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy. Cho phép làm giây lưng bằng màu ca sa.»

32. Gốm

Bấy giờ, có người thợ gốm tin ưa Phật pháp, làm các thứ đồ dùng cúng cho các tỳ-kheo. Tỳ-kheo không dám nhận, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép nhận.»

Có ba loại đồ không nên cất chứa: giường ngồi bằng sành, hộc bằng sành; thưng, đấu, hạp bằng sành.

Bấy giờ, Bạt-nan-đà Thích tử đến nhà thợ đồ gốm, ngồi trên đồ sành, bị trượt té, làm vỡ đồ, và nằm ngửa lộ hình. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được ngồi trên đồ sành. Cũng không nên ngồi gấp đùi nơi nhà bạch y.»

33. Chú thuật

Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo tụng thư chú, bùa kiết hung của ngoại đạo để an trí nhà, chú chi tiết, chú sát-lợi, chú thi-bà-la, chú biết người sống chết tốt xấu, chú hiểu rõ các thứ âm thanh.[113] Các tỳ-kheo bạch Phật. Phật bảo:

«Không được tụng như vậy.»

Có vị dạy người khác. Phật bảo:

«Không được dạy như vậy.»

Vị kia dùng nghề này để nuôi sống. Đức Phật dạy:

«Không được sống như vậy.»[114]

34. Răng-lưõi

1. Bấy giờ, các tỳ-kheo bị hôi miệng, đức Phật bảo nên xỉa răng. Không xỉa răng có năm điều lỗi: Miệng hôi, không phân biệt mùi vị, tăng thêm sức nóng, không dẫn thực, mắt không sáng. Đó là năm điều lỗi của không xỉa răng.

Xỉa răng có năm điều lợi ích: Miệng không hôi, phân biệt được mùi vị, tiêu sức nóng, dẫn thực, mắt sáng. Đó là năm điều lợi của việc xỉa răng. Đức Thế Tôn cho phép xỉa răng. Vị kia dùng cây dài xỉa răng. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy, dài nhất là một gang tay.»[115]

Có vị xỉa bằng cây hiếm có.[116] Đức Phật dạy:

«Không được xỉa như vậy.»

Có vị xỉa bằng loại lá tạp. Đức Phật dạy:

«Không được xỉa như vậy.»

Có vị xỉa toàn bằng vỏ. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy.»

Có tỳ-kheo xỉa bằng cây tăm ngắn, khi thấy đức Phật, vì cung kính nên nuốt vào, bị bệnh. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy. Ngắn nhất là bốn ngón tay. Có vị xỉa nơi chỗ nhiều người, hoặc nơi nhà mát, nơi nhà ăn, nơi nhà kinh hành, các tỳ-kheo thấy gớm bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy. Có ba việc nên làm nơi chỗ khuất: Đại tiện, tiểu tiện và xỉa răng. Ba việc này nên làm chỗ khuất.»

2. Bấy giờ, [961a1] có các tỳ-kheo trên lưỡi có nhiều chất bẩn, đức Phật cho phép dùng cây nạo lưỡi để nạo. Có vị dùng cây quí báu làm cây nạo lưỡi. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy, cho phép dùng sừng, xương, đồng, sắt, bạch lạp, thiết, kẽm, cỏ xá la, tre, trúc, cây để làm.»

Có vị không rửa mà nạo, tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Có vị rửa rồi không để khô, đem dùng nên bị hư. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy.»

Các tỳ-kheo khi ăn, thức ăn nhét vào kẽ răng. Phật cho phép dùng vật gì để móc ra. Có vị dùng đồ quí để làm. Đức Phật dạy:

«Không được dùng vật quí báu để làm, nên dùng xương, sừng cho đến tre, trúc cây để làm.» Có vị dùng rồi mà không rửa đem cất, các tỳ-kheo thấy gớm. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy. Nên rửa rồi mới cất.»

Có vị rửa rồi không để khô, đem cất bị hư. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy. Phải để khô rồi mới cất.»

3. Các tỳ-kheo lỗ tai bị bẩn. Phật cho phép dùng cái móc tai để móc. Có vị dùng vật quý báu để làm. Đức Phật dạy:

«Không được làm như vậy. Nên dùng xương, sừng, cho đến trúc, tre, cây để làm.» Có vị dùng rồi không rửa đem cất, các tỳ-kheo khác thấy gớm. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy, nên rửa rồi mới cất.» Có vị không để khô mà đem cất bị hư. Đức Phật dạy:

«Không được như vậy. Nên để khô rồi mới cất.»

35. Nuôi cầm thú

Phật ở tại nước Xá-vệ. Khi ấy, các tỳ-kheo nuôi nhiều chim, kéc, sáo; đầu đêm, cuối đêm kêu la inh ỏi, náo loạn các tỳ-kheo ngồi thiền. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được nuôi các loài chim như vậy.»

Thế Tôn ở tại Câu-thiểm-di. Bạt-nan-đà Thích tử nuôi chó. Thấy các tỳ-kheo, nó sủa. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được nuôi.»

Thế Tôn ở tại nước Bà-kỳ-đề. Tỳ-kheo Tỳ-xá-ly Bà-xà Tử[117] nuôi một con gấu. Nó xé y, làm bể bát, rách tọa cụ, hư ống đựng kim, thậm chí làm cho tỳ-kheo bị thương nơi thân thể. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Không được nuôi.»

Thế Tôn ở tại nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có các Ly-xa cỡi voi, ngựa, xe cộ, cầm đao kiếm để ngoài cửa chùa, vào trong thăm hỏi đức Thế Tôn. Nhóm sáu tỳ-kheo ra ngoài chùa, cỡi voi, ngựa, xe cộ và lấy gươm đao của họ cùng nhau vui đùa. Các cư sĩ thấy cơ hiềm nói: «Sa-môn Thích tử không biết hổ thẹn, không biết yểm túc, nên mới cỡi voi, ngựa, xe cộ và cầm đao kiếm đùa giỡn như quốc vương đại thần.» Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Tỳ-kheo không được cỡi voi, ngựa, xe cộ để đùa giỡn. Tỳ-kheo cũng không được cầm đao kiếm như vậy.»

Bấy giờ, có các tỳ-kheo bậc thượng tọa già bệnh không thể từ trú xứ này đến trú xứ kia, nhưng vì e ngại không dám cỡi ngựa. Đức Phật dạy:

«Cho phép đi bằng loại xe kéo, hoặc do đàn ông kéo hay do súc sanh loài đực kéo.»

Vị kia bị mạng nạn, phạm hạnh nạn, e ngại không dám cỡi ngựa chạy trốn. Đức Phật dạy:

«Nếu có những trường hợp như vậy, cho phép cỡi voi, ngựa để trốn.»

Bấy giờ, có bạch y đem đao kiếm đến gởi nhờ các tỳ-kheo cất. Các tỳ-kheo e ngại không dám nhận vì đức Thế Tôn không cho phép cầm đao kiếm, bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Cho phép, vì đàn-việt cần sự kiên cố nên nhận cất.»

36. Ưu-đà-diên

Thế Tôn ở tại nước Câu-thiểm-di. Bấy giờ vua Ưu-đà-diên[118] là bạn thân quen với Tân-đầu-lô.[119] Sớm chiều Vua thường hay đến thăm viếng.

Bấy giờ, có một vị đại thần bà-la-môn bất tín, đến vua tâu:

«Tại sao Đại vương sớm chiều đến thăm viếng con người làm nghề hạ tiện ấy? Thấy Vua không đứng dậy chào.»

Vua trả lời:

«Sáng sớm ngày mai ta sẽ đến. Nếu vẫn không đứng dậy, sẽ giết.»

Sáng sớm ngày hôm, sau Vua đến chỗ Tân-đầu-lô. Từ xa Tân-đầu-lô thấy Vua đến, liền nghĩ:

«Hôm nay Vua đến với ác tâm, nếu ta không đứng dậy thì Vua sẽ giết. Nếu ta đứng dậy thì Vua sẽ mất vương vị. Không đứng dậy, ta bị mất mạng, Vua đọa địa ngục. Ta có nên làm cho Vua đọa vào địa ngục chăng? Ta chỉ làm cho Vua mất cương vị thôi chăng? Ta quyết định thà làm cho Vua mất vương vị, còn hơn là làm cho Vua phải đọa địa ngục.» Nghĩ xong, Tân-đầu-lô liền đứng dậy, ra ngoài xa đón chào và lên tiếng thăm hỏi trước:

«Lành thay, Đại vương!»

Vua liền hỏi:

«Hôm nay sao thầy lại đứng dậy đón chào?»

Tân-đầu-lô trả lời:

«Tôi vì Vua nên đứng dậy chào hỏi.»

Vua hỏi:

«Hôm qua, sao Thầy lại không đứng dậy chào?»

Tân-đầu-lô trả lời:

«Hôm qua, tôi cũng vì Vua nên không đứng dậy chào.»

Vua hỏi tiếp:

«Tại sao vì trẫm?»

Tân-đầu-lô nói:

«Hôm qua, Vua đến với thiện tâm. Ngày nay, Vua đến với ác tâm. Nếu tôi không đứng dậy chào thì Vua sẽ giết. Nếu Vua giết tôi thì Vua chắc chắn phải đọa vào địa ngục. Tôi nghĩ: Với ác tâm, Vua đến. Nếu tôi không đứng dậy, Vua sẽ giết tôi. Nếu tôi đứng dậy, Vua ắt mất vương vị. Nếu để cho Vua giết tôi thì ắt Vua đọa vào địa ngục. Thà để Vua mất vương vị, chứ không để Vua phải đọa địa ngục. Tôi nghĩ như vậy nên đứng dậy.»

Vua hỏi:

«Trẫm sẽ mất vương vị phải không?»

Tân-đầu-lô trả lời:

«Vua sẽ mất.»

Vua lại hỏi:

«Bao lâu sẽ mất?»

Đáp:

«Trong vòng bảy ngày sẽ mất.»

Vua liền trở về Câu-thiểm-di sửa chữa thành trì, tích trử lương thực, củi đuốc; tập trung binh tướng, cảnh giác và đếm từng ngày. Nói, «Nay là ngày thứ nhất.» Như thế cho đến ngày thứ bảy. Vua nói: «Lời nói của sa-môn hư dối rồi!» Vua liền cùng các thể nữ cỡi thuyền du hý trên Hằng thủy.

Khi ấy, vương quốc Ủy-thiền[120] bảy năm không mưa. Vua nghe nước Vua Bình-sa nước Ma-kiệt có ngọc xuất thủy. Nếu ngọc ấy được đưa ra thì trời sẽ mưa liền. Vua nước Ủy-thiền liền khởi bốn bộ binh đến bao vây thành Vương-xá. Nhưng thành kia kiên cố, không cách nào tấn công được, trừ khi gạo nước trong thành hết, mới có thể tấn công được.

Bấy giờ, trong thành có vị đại thần có nhiều phương tiện trí tuệ, dùng cọng lau cắm dưới ao, đặt các bông sen vào trên ống lau. Khi ấy vị đại thần kia đến chỗ Vua Bình-sa tâu:

«Nay Đại vương có biết chăng? Thành Vương-xá rất kiên cố, không có phương tiện nào có thể tấn công được, chỉ có cách chờ khi lương thực hết thì mới có thể tấn công. Nay chúng ta nên cho sứ giả nói với Vua Ba la-thù-đề rằng: Hiện tại, chúng ta có thể đình chỉ không dùng đến voi ngựa, xe cộ, đao kiếm để đánh nhau. Ngài có thể dùng các loại hoa ưu-bát-la, bát-đầu-a, câu-đầu-ma, phân-đà-lợi để giao đấu. Tôi cũng sẽ dùng các thứ hoa như vậy để giao đấu, phân định thắng bại. Ngài có thể dùng vắt cơm để cùng đấu tranh, tôi cũng dùng vắt cơm đánh nhau.»

Vua chấp thuận và cho sứ thần đến nói với Vua Ba-la-thù-đề như trên. Vua nghĩ: «Thành Vương-xá kiên cố. Chỉ có khi nào lương thực khô cạn thì mới có thể tấn công. Mà trong thành lương thực hết sức phong phú.» Vua kia liền trả lời với xứ sứ thần rằng:

«Ta không vì chiếm thành mà đến đây. Vì trong nước ta, bảy năm nay không mưa. Ta nghe nói trong nước của ông có ngọc thủy châu, nếu đưa ngọc ấy ra thì trời liền mưa, do vậy cho nên ta đến đây.»

Sứ thần nói:

«Sao ngay lúc đầu, Đại vương không nói cần ngọc châu? Nếu Đại vương nói cần ngọc châu thì chúng tôi trao cho liền. Nay Vua có thể rút binh. Chúng tôi sẽ đưa ngọc châu đến.»

Vua liền rút quân hướng về nước Câu-thiểm-di. Trên đường Vua kia nghe tiếng cười giỡn của Vua Ưu-đà-diên cùng thể nữ, liền hỏi người bên cạnh rằng:

«Tiếng vui đùa của ai đó?»

Quan cận thần trả lời:

«Đại vương biết chăng? Tiếng vui đùa đó là của Vua Ưu-đà-diên cùng thể nữ vui chơi trên ghe thuyền nơi sông Hằng thủy.»

Vua liền ra lệnh cho vị cận thần:

«Đừng khua động! Thả con voi đến bờ Hằng thủy.»

Người ấy [962a1] liền thả một con bạch tượng đệ nhất. Người nài núp theo voi. Vị đại thần vua Ưu-đà-diên ra thấy con bạch tượng, tâu với Vua:

«Có một con voi rừng.»

Vua liền ra lệnh:

«Đừng làm khua động. Cặp thuyền vào bờ!»

Thuyền vừa cặp sát bờ, vua Ưu-đà-diên rành về nghề huấn luyện voi, liền tụng chú thuật, gảy đàn cầm, đến trước con voi để bắt nó. Người nài liền bắt Vua. Vua rất hoảng sợ. Người kia hỏi vua:

«Vua sợ lắm phải không?»

Vua đáp: «Sợ.»

Người kia nói:

«Vua chớ nên sợ. Vua Ba-la-thù-đề cần gặp Vua.»

Vua lại càng sợ:

«Ba-la-thù-đề sẽ giết ta và tùy tùng của ta!»

Vua liền bị trói, được hộ tống đến chỗ vua Ba-la-thù-đề. Vua được hỏi:

«Ngài có sợ không?»

Đáp:

«Sợ.»

Nói:

«Ngài chớ nên sợ! Ngài hãy dạy thuật điều phục voi cho con trai tôi là Câu-ba-la, và dạy đàn cầm cho con gái của tôi.»

Vua được đưa về nước Uỷ-thiền, bị xích chân trong thời gian bảy năm.

Bấy giơ, Bạt-nan-đà Thích tử từ nước Câu-thiểm-di, chỗ của Xà-di-bạt-đề[121] Phu nhơn đến nước Ủy-thiền chỗ Ưu-đà-diên. Rồi mang tin của Ưu-đà-diên đến chỗ phu nhân. Các tỳ-kheo bạch Phật. Đức Phật dạy:

«Tỳ-kheo không nên làm sứ giả cho người bạch y. Nếu làm thì phạm đột-kiết-la.»[122]

Khi ấy, Vua kia dạy nghệ thuật điều khiển voi cho con trai, và dạy đàn cho con gái của Vua. Sau đó một thời gian Vua kia lại cùng Vương nữ tư thông với nhau. Vương tử Câu-ba-la biết, nhưng lại nghĩ: «Nếu ta tâu với Vua cha thì chắc chắn Vua kia bị giết. Vua kia là thầy dạy ta một cách khổ cực. Đây là Vương nữ. Kia là Vua. Cũng thích hợp thôi.» Bèn che dấu không nên cho ai biết.

Sau đó, Vua Ưu-đà-diên muốn tẩu thoát, nên tự trang bị cho mình một con voi cái chạy nhanh nhất. Câu-ba-la cũng biết điều đó, nhưng lại nghĩ: «Vua kia trang bị cho mình một con voi chạy nhanh nhất là muốn trốn thoát. Nếu ta báo cáo với Vua cha thì chắc chắn Vua này bị giết. Vua kia là Thầy dạy ta một cách khổ sở.» Bèn dấu không cho ai biết. Vua kia để Vương nữ lên trên voi, với thời gian nhanh nhất, như thời gian chén lưu ly trên lưng voi rơi xuống chưa tới đất, đã từ nước Ủy-thiền đến nước Câu-thiểm-di. Vua kia đi thẳng đến chỗ Xa-di-bạt-đề phu nhơn, nói như sau:

«Trong khi ta bị bắt, có nguyện sẽ cúng dường cho tám bà-la-môn tất cả những thứ cần dùng, một cách đầy đủ. Nay ta muốn làm điều đó. Phu nhân hãy sắm sữa cho đủ.»

Phu nhơn trả lời:

«Nếu như vậy thì cả voi ngựa, xe cộ, vàng bạc, bảy báu của Vua và bản thân của thần thiếp, tất cả đều đem dâng hết cho một vị thôi. Vị ấy thọ nhận mà không bao giờ thấy đủ. (Nói chi đến tám)»

Vua nói:

«Vậy nên làm thế thế nào ?» Phu nhân trả lời:

«Ma-ha Ca-chiên-diên[123] này là đại Sa-môn. Nay ta có thể thỉnh ngài và thỉnh thêm bảy vị tỳ-kheo nguyên thuộc dòng dõi Bà-la-môn, như Vua đã nguyện để cúng dường. Pháp của tám vị này là không thọ nhận những thứ đó. Dâng cho, cũng không nhận.»

Vua nói:

«Như vậy là được.»

Vua Ưu-đà-diên liền đến chỗ Ca-chiên-diên, đầu mặt kính lễ sát chân, rồi ngồi lui qua một bên. Ca-chiên-diên dùng mọi phương tiện vì Vua nói pháp, khiến được hoan hỷ. Vua nghe pháp hoan hỷ rồi, bạch:

«Xin mời Ngài và bảy vị nữa nhận lời mời thọ thực của tôi vào ngày mai.»

Ca-chiên-diên im lặng nhận lời. Vua biết Ca-chiên-diên nhận lời bằng cách im lặng rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt kính lễ sát chân, hoan hỷ cáo lui.

Vua về đến nhà chuẩn bị các thức ăn ngon bổ, sáng sớm ngày mai đến thỉnh Ca-chiên-diên và bảy vị đến thọ thực.

Sáng sớm hôm ấy, Ca-chiên-diên khoác y, bưng bát và bảy vị kia đến cung của Vua Ưu-đà-diên, trải chỗ ngồi an tọa.

Vua Ưu-đà-diên tự tay bào chế các thức ăn ngon bổ cúng dường các vị cho được no đủ rồi, khi ăn xong, cất bát, lấy bình bằng vàng đựng nước dâng, đem voi ra hiến. Ca-chiên-diên nói:

«Thôi, đủ rồi, Đại vương. Như thế là đã cúng dường. Chúng tôi không thích hợp để thọ nhận những vật cúng dường như vậy.»

Vua lại đem xe, ngựa, người, huỳnh kim, vàng bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu, xa cừ, mã não, bảy báu dâng cúng. Ca-chiên-diên nói:

«Thôi, đủ rồi, Đại vương. Như thế là đã cúng dường. Chúng tôi không thích hợp để thọ nhận những vật cúng dường như vậy.»

Vua Ưu-đà-diên liền đảnh lễ Ca-chiên-diên rồi, lấy một chiếc ghế thấp để ngồi. Ca-chiên-diên dùng mọi cách vì Vua nói pháp, khiến được hoan hỷ rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Khi về đến chùa, Ca-chiên-diên bạch với các tỳ-kheo. Các tỳ-kheo bạch phật. Đức Phật dùng nhân duyên này tập hợp tỳ-kheo Tăng, vì các tỳ-kheo nói giởi uẩn, gốm các điều lớn nhỏ:[124]

«Như lai xuất thế. Ngài là vị Ứng cúng, Chánh biết tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Ở giữa các chúng hội gồm chư thiên, nhân loại, Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên ma, Phạm vương, Ngài đã tự giác ngộ chứng tri, vì người nói pháp. Pháp ấy, khoảng đầu thiện, khoản giữa thiện, khoản cuối cũng thiện; có đầy đủ văn nghĩa, mở bày tịnh hạnh.

«Nếu cư sĩ hay con cư sĩ nghe, hoặc người sanh trong chủng tánh khác, sau khi nghe chánh pháp ấy, liền sanh tịnh tín; do tâm tín lạc, người ấy nghĩ như vầy: ‘Nay, ta ở nơi gia đình vợ con trói buộc, không thể thuần tu phạm hạnh. Nay ta nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, do lòng tin, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

«Rồi một thời gian sau, người ấy từ bỏ tiền tài, dù ít hay nhiều; từ giã thân thuộc, dù ít hay nhiều; cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, bỏ nhà vào nơi không nhà.

«Người ấy, cũng đồng với những người xuất gia khác, xả bỏ sự trang sức tốt đẹp, cùng các tỳ-kheo đồng giới, không sát sanh, buông bỏ dao gậy, thường có hổ thẹn, từ niệm đối với chúng sanh. Đó gọi là không sát sanh. Xả bỏ trộm cắp, của cho thì lấy, không cho không lấy, tâm vị ấy thanh tịnh, không có tâm ý trộm cắp. Đó gọi là không trộm cắp. Xả bỏ dâm dục, bất tịnh hạnh, tu phạm hạnh, siêng năng tinh tấn, không đắm dục ái, sống trong sạch hương khiết. Đó gọi là xả dâm dục, bất tịnh hạnh. Xả bỏ nói dối, nói như thật, không khi trá đối với đời. Đó gọi là không vọng ngữ. Xả bỏ hai lưỡi, nghe lời nói người này không chuyển đến người kia, nghe lời nói người kia không chuyển đến người này, không gây chia rẻ. Với những ai ly biệt thì khéo làm việc hòa hợp; những ai đã hòa hợp thân ái thì thường khiến cho hoan hỷ, nói ra lời hòa hợp, nói đúng lúc. Đó gọi là không hai lưỡi. Xa lìa lời thô ác. Những lời nói nào là thô cộc, gây khổ não cho người khác, khiến họ sanh sân nhuế, không hỷ lạc; người ấy trừ bỏ lời thô ác như vậy. Những lời nói nào mà nhẹ nhàng, không sanh oán hại, hay làm việc lợi ích, mọi người ái lạc, ưa nghe; người ấy thường nói ra lời khéo nói lợi ích như vậy. Đó gọi là lời nói không thô ác. Xa lìa lời nói không lợi ích, biết nói đúng lúc, lời nói thật, lời nói lợi ích, lời nói như pháp, lời nói như luật, lời nói chấm dứt tranh cãi, có nhân duyên mới nói, nói lời đúng lúc. Đó gọi là xa lìa lời nói không lợi ích. Không uống rượu, xa lìa chỗ phóng dật. Không đắm hương hoa, anh lạc. Không ca múa xướng hát, cũng không đến xem nghe. Không ngồi trên giường cao rộng. Không ăn phi thời; mà ăn một bửa. Không cần nắm vàng bạc bảy báu.

«Người ấy không nuôi chứa thê thiếp, đồng nữ; không nuôi chứa tôi tớ, voi ngựa, xe cộ, gà chó, heo dê, ruộng đất vườn tược, tích trử dồn chứa các vật. Không lường gạt, cân già cân non. Không hòa hợp vật ác. Không buôn bán sinh lợi, chặt tay chân người, giết hại mạng sống, bắt nhốt người khác, xâm phạm tiền tài của người; làm người dịch sứ, làm các nghề nghiêp, lời nói hư trá, phát khởi kiện tụng, vất bỏ người khác. Người ấy đoạn trừ các việc bất thiện như vậy.

«Người ấy, khi đi thì biết đúng lúc. Chẳng phải lúc, thì không đi. Ăn vừa đủ no, mặc vừa đủ ấm, biết [963a1] đủ mà thôi. Y bát tùy thân. Như chim bay, mang theo hai cánh; tỳ-kheo cũng vậy, đi đến chỗ nào, y bát tùy thân.

«Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, mà còn mong cầu tích chưa đủ các thứ, ẩm thực, y phục, hương liệu, mỹ vị, xúc chạm, pháp. Người ấy xa lìa sự không biết chán đủ như vậy.

«Không như các sa-môn, bà-la-môn khác, tuy ăn của tín thí, mà vẫn tụ tập các hạt giống, trồng trọt cây cối, gieo hạt mầm sống.[125] Người ấy tránh xa những việc như vậy.

«Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, mà còn phương tiện tìm cầu các lợi dưỡng, ngà voi, tạp bảo, giường cao rộng lớn, các thứ chăn đệm thêu thùa, và vác loại da thú nhiều màu sắc. Người ấy xa lìa các lợi dưỡng như vậy.

«Không như sa-môn, bà-la-môn khác ăn của tín thí, mà còn phương tiện tìm cầu sự nghiêm sức thân mình, chà xát thân mình bằng dầu bơ, tăm rửa bằng nước thơm, xoa bột thơm vào mình, chải đầu thơm bóng, đeo tràng hoa, nhuộm con mắt xanh, trang điểm đầu và mặt bàng đủ các thứ, buộc giây tơ màu vào cánh tay, cầm gậy,[126] nắm cầm đao kiếm, cây lọng khổng tước, dùng ngọc châu làm quạt, soi gương, mang giày dép nhiều màu, mặc y màu trắng. Người ấy xa lìa những sự trang sức như vậy.

«Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, còn chuyên làm những việc vui đùa, đánh cờ bạc, cờ tám đường, cờ mười đường, các thứ ăn thua với nhau. Người ấy đoạn trừ các thứ vui chơi như vậy.

«Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, mà còn nói những câu chuyện chướng ngại đạo pháp,[127] chuyện vua chúa, chuyện giặc cướp, chuyện chiến trận quân mã, chuyện đại thần, chuyện cỡi ngựa đánh xe, chuyện vườn cảnh, chuyện nằm ngồi,[128] chuyện nam nữ, chuyện y phục ăn uống, chuyện thôn xóm, chuyện quốc độ, chuyện nhớ thương, chuyện thế gian, chuyện đi biển. Người ấy đoạn trừ những câu chuyện chướng ngại đạo như vậy.

«Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, mà còn dùng vô số phương tiện nịnh hót, chải chuốt mỹ từ, hiện tướng dối trá, khen chê dèm pha, lấy lợi cầu lợi. Người ấy xả bỏ những việc tà mạng siểm khúc như vậy.

«Không như sa-môn bà-la-môn khác, ăn của tín thí, còn tranh cãi luận nghị với nhau, hoặc ở công viên, hoặc nơi ao tắm, hoặc tại tại giảng đường; nói rằng, ‘Tôi biết pháp luật như vậy. Ông không biết gì. Ông đi theo tà đạo, tôi đi về chánh đạo. Lời nói trước thì ông đặt ra sau. Lời nói sau thì ông đặt ra trước. Tôi có thể nhẫn. Ông không thể nhẫn. Tôi thắng ông. Ông chỉ nói cuồng mà thôi. Cùng ông luận nghị, nay tôi đắc thắng. Hỏi được thì cứ hỏi.’ Người ấy đoạn trừ tất cả những việc tranh cãi như vậy.

«Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, chỉ tạo phương tiện cầu làm sứ mạng cho vua, đại thần của vua, bà-la-môn, cư sĩ, đưa tin từ chỗ này đến chỗ kia, từ chỗ kia lại chỗ này, đem tin người này đến người kia, đem tin người kia đến chỗ này, tự mình làm hay bảo người làm. Vị ấy xa lìa những việc làm sứ mạng như vậy.

«Không như sa-môn bà-la-môn khác, ăn của tín thí, chỉ làm những việc đấu tranh hý luận, hoặc đấu bằng cung, hoặc đấu bằng đao, hoặc đấu bằng trượng, hoặc đấu bằng gà, hoặc đấu bằng chó, hoặc đấu bằng heo, hoặc đấu bằng dê đen, hoặc đấu bằng dê đực, hoặc đấu bằng nai, hoặc đấu bằng voi, hoặc đấu bằng ngựa, hoặc đấu bằng lạc đà, hoặc đấu bằng bò, hoặc đấu bằng bò rừng, hoặc đấu bằng trâu, hoặc đấu bằng người nữ, hoặc đấu bằng người nam, hoặc đấu bằng đồng tử, hoặc đấu bằng đồng nữ. Vị ấy đoạn trừ các việc đấu tranh vui đùa như vậy.

«Không như sa-môn, bà-la-môn khác ăn của tín thí mà làm những pháp tà mạng trở ngại đạo; tự mình xem tướng nam nữ tốt xấu, hay các loài súc sanh, tìm cầu lợi dưỡng. Vị ấy đoạn trừ các pháp trở ngại đạo như vậy.

«Không như sa-môn bà-la-môn khác, ăn của tín thí mà làm các pháp tà mạng trở ngại đạo, tự mình nuôi sống như triệu tập quỷ thần, hoặc sai khiến, thư yếm các loại. Vị ấy đoạn trừ các pháp làm trở ngại đạo như vậy.

«Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí mà làm những pháp tà mạng, trở ngại đạo pháp, sống tà mạng, hoặc vì người cầu nguyện bịnh, hoặc tụng ác thuật, hoặc tụng chú cầu nguyện tốt, hoặc trị bịnh đau lưng, hoặc làm cho xuất mồ hôi, hoặc trị bịnh bằng châm cứu, hoặc trị bịnh lỗ mũi, hoặc trị bệnh hạ bộ. Vị ấy đoạn trừ các thứ tà mạng trở ngại đạo pháp như vậy.

«Không như sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, làm những việc trở ngại đạo, sống tà mạng, làm thuốc trị bịnh, trị bịnh thổ hạ, bịnh nam bịnh nữ. Vị ấy đoạn trừ các pháp trở ngại đạo pháp như vậy.

«Không như các sa-môn, bà-la-môn khác, ăn của tín thí, làm pháp trở ngại đạo, sống tà mạng, hoặc tụng chú lửa,[129] hoặc tụng chú tới lui, khiến cho tốt và lợi, hoặc tụng chú sát lợi,[130] hoặc tụng chú chim, hoặc tụng chú chi tiết, hoặc tụng chú an trí nhà cửa, hoặc tụng chú trừ chuột cắn, lửa cháy các vật, hoặc tụng sách sống chết riêng biệt, hoặc tụng sách giải mộng, hoặc coi tướng tay, tướng lưng, hoặc tụng thiên nhơn vấn,[131] hoặc tụng âm thinh sai biệt của loại cầm thú chim quạ. Vị ấy đoạn trừ các pháp trở ngại đạo như vậy.

«Không như sa-môn bà-la-môn khác, ăn của tín thí, sống tà mạng, coi tướng thiên thời, hoặc nói sẽ mưa, hoặc nói không mưa, hoặc nói mất mùa, hoặc nói được mùa, hoặc nói bệnh nhiều, hoặc nói bệnh ít, hoặc nói khủng bố, hoặc nói an ổn, hoặc nói đất động, hoặc nói sao chổi hiện, hoặc nói nguyệt thực, hoặc nói không nguyệt thực, hoặc nói nhật thực, hoặc nói không nhật thực, hoặc nói tinh thực, hoặc nói tinh không thực, hoặc nói nguyệt thực có báo ứng tốt như vậy, có báo ứng xấu như vậy. Nhật thực, tinh thực cũng như vậy. Vị ấy đoạn trừ các pháp tà mạng như vậy.

«Không như sa-môn bà-la-môn khác, ăn của tín thí, hành pháp trở ngại đạo, sống tà mạng, hoặc nói nước này sẽ thắng, nước kia thua, hoặc nói nước kia thắng, nước này thua, hoặc nói người này hơn, người kia không bằng, hoặc nói người kia hơn, người này không bằng, xem coi những việc tốt xấu lành dữ như vậy. Vị ấy đoạn trừ các pháp trở ngại đạo như trên.

«Vị ấy ở trong đây mà tu tập Thánh giới. Bên trong không có tham đắm, tự tâm an lạc.[132]

«Mắt[133] tuy thấy sắc mà không thủ tướng, không bị nhãn sắc cướp đoạt.[134] Vị ấy an trú với nhãn căn kiên cố, tịch nhiên; không có gì để tham dục, không có ưu hoạn, không bị chảy lọt bởi các pháp ác bất thiện, kiên trì giới phẩm, khéo hộ trì căn con mắt.[135] Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như vậy.

«Như vây, ở nơi sáu xúc xứ,[136] vị ấy khéo léo học hộ trì điều phục, khiến đạt đến tịch tĩnh. Cũng như nơi đất bằng, chỗ đầu đường ngã tư, mà cỡi voi, ngựa, xe cộ, người khéo điều khiển, tay bên tả cầm cương, tay bên hữu cầm roi, khéo léo học hộ trì, khéo léo học chế ngự, khéo léo học tịch tĩnh. Tỳ-kheo cũng như vậy, ở nơi sáu xúc xứ, khéo léo học hộ trì điều phục, khiến đạt đến tịch tĩnh.

«Vị ấy sau khi thành tựu Thánh giới, đắc Thánh nhãn căn như vậy, ăn biết vừa đủ,[137] cũng không tham mùi vị; chỉ để nuôi thân, chứ không vì cống cao kiêu mạn; chỉ ăn vì mục đích duy trì thân, khiến không khổ hoạn, để có thể tu tịnh hạnh; khổ trước được tiêu trừ, khổ mới không phát sanh, không có tăng giảm, có đủ sức lực, vô sự, khiến thân an lạc. Cũng như con trai, con gái, trong thân bị nhọt, dùng thuốc xoa trị, khiến cho nhọt đặng lành. Tỳ-kheo ăn biết tri túc, chỉ cốt thân an, cũng lại như vậy. Ví như có người dùng mở dầu bôi nơi chiếc xe vì để chuyên chở đồ vật đến chỗ nào đó; tỳ-kheo khi ăn biết chỉ túc, chỉ để nuôi thân, cũng lại như vậy.

«Tỳ-kheo đã có Thánh giới, đặng các căn của Thánh như vậy, trong sự ăn, biết vừa đủ như vậy, đầu đêm cuối đêm, tinh tấn tỉnh giác, hoặc lúc ban ngày, khi đi, khi đứng, thường như vậy nhất tâm chuyên niệm, [964a1] đoạn trừ các triền cái.

«Vị ấy, đầu đêm, khi đi khi ngồi, thường như vậy nhất tam chuyên niệm, đoạn trừ các triền cái. Giữa đêm, vị ấy nằm nghiêng bên hữu, hai chân chồng lên nhau, nghĩ tưởng sẽ chỗi dậy ngay, buộc tư tưởng vào ánh sáng, tâm không rối loạn. Cho đến cuối đêm, vị ấy liền thức dậy tư duy, hoặc đi hoặc ngồi, thường như vậy nhất tâm chuyên niệm, đoạn trừ các triền cái.

«Tỳ-kheo như vậy thành tựu Thánh giới, thành tựu các căn của Thánh, ăn biết chỉ túc, đầu đêm cuối đêm tinh tấn tỉnh giác, thường như vậy nhất tâm chuyên niệm, không tán loạn.

«Thế nào là tỳ-kheo chuyên niệm không tán loạn?

«Tỳ-kheo tu tập niệm xứ quán thân trên nội thân, tinh tấn không biếng nhác, niệm không tán loạn, điều phục xan tham, ưu não của thế gian. Tu tập thân niệm xứ quán thân trên ngoại thân, tinh tấn, không biếng nhác, niệm không tán loạn, điều phục xan tham, ưu não của thế gian. Quán thân niệm xứ trên nội ngoại thân, tinh tấn, không biếng nhác, niệm không tán loạn, điều phục xan tham, ưu não của thế gian. Thọ, tâm, pháp cũng như vậy. Đó là tỳ-kheo chánh niệm không tán loạn.

«Thế nào là tỳ-kheo nhất tâm?[138]

«Đi đứng ra vào, nhìn ngó bên tả bên hữu, uốn mình cúi ngửa, chấp trì y bát, nhận lấy thức ăn, đại tiểu tiện lợi, ngủ nghỉ thức dậy, khi ngồi lúc đứng, nói năng im lặng, tất cả như vậy đều thường chuyên niệm nhất tâm. Đó gọi là nhất tâm. Thí như có người cùng đại chúng cùng đi, hoặc trước hoặc sau hay chính giữa, thường được an lạc, không hề có sợ sệt. Tỳ-kheo cũng lại như vậy, đi đứng ra vào, cho đến im lặng, thường chuyên niệm nhất tâm.

«Tỳ-kheo như vậy thành tựu Thánh giới, đặng căn của Thánh, ăn biết vừa đủ, đầu đêm sau đêm tinh tấn tỉnh giác, thường nhất tâm chuyên niệm, không có tán loạn, vui thú nơi a-lan-nhã, dưới gốc cây, trong hang núi, chỗ đất trống, bên đống phân, tại bãi tha ma, nơi bờ sông mé nước. Vị kia khất thực rồi, trở về, rửa chân, an trí y bát, kiết già phu tọa, ngay mình thẳng ý, buộc niệm trước mặt, đoạn trừ tâm xan tham, không cùng tương ưng, đoạn trừ sân nhuế, không có oán hận tật đố, tâm an trụ vô sân, thanh tịnh, không nhuế, thường có lòng từ mẫn, dứt bỏ ngủ nghỉ, không cùng tương ưng, buộc tư tưởng nơi ánh sáng, chánh niệm không tán loạn, đoạn trừ trạo hối, không cùng nó tương ưng, nội tâm tịch diệt, tâm trạo hối đã tịnh, đoạn trừ nghi hối, đã vượt qua nghi, tâm mộặmmc ở trong pháp thiện.

«Thí như có người tôi tớ được chủ nhà ban cho tộc họ,[139] an ổn thoát khỏi nô lệ. Người tớ kia tự nghĩ rằng: Trước kia ta là tôi tớ, nay được giải thoát an ổn, đã được tự tại, không còn bị lệ thuộc người. Do nhơn duyên như vậy nên được hoan hỷ, trong tâm an lạc.

«Lại như có người mượn vốn của người để mưu sinh, thu lợi tức trả lại vốn xong rồi, lại còn dư đủ để nuôi sống vợ con. Người kia tự nghĩ: Trước đây ta mượn vốn của người để mưu sinh, thu lợi tức trả lại vốn xong rồi, lại còn thừa để nuôi vợ con. Nay ta được tự tại, không sợ ai nữa. Do nhơn duyên ấy mà được hoan hỷ, tâm an lạc.

«Như người mắc bệnh từ lâu, nay được chữa lành, ăn uống tiêu hóa, cơ thể hồng hào. Vị kia tự nghĩ: Trước đây ta bệnh, nay được lành rồi, ăn uống tiêu hóa cơ thể hồng hào. Do nhân duyên ấy ta được hoan hỷ, tâm an lạc.

«Như có người bị tù đày lâu ngày, được thoát khỏi lao ngục. Người kia tự nghĩ: trước đây ta bị trói nhốt, nay được giải thoát, không còn lo sợ. Do nhân duyên ấy ta được hoan hỷ, tâm an ổn.

«Lại như có người mang nhiều tiền của vượt qua sa mạc không bị giặc cướp, an toàn tới nơi. Vị kia nghĩ: Trước đây ta mang nhiều tiền của châu báu vượt qua sa mạc được an toàn nay không còn sợ sệt. Do nhơn duyên ấy ta được hoan hỷ, tâm an lạc.

«Tỳ-kheo có năm triền cái cũng lại như vậy, như kẻ tôi tớ, người mắc nợ, kẻ bệnh trầm kha, người bị tù đày, kẻ qua sa mạc, tự thấy mình chưa đoạn được triền cái, khiến tâm nhiễm ô, huệ lực không sáng tỏ. Vị kia liền ly dục, xả pháp ác bất thiện, có giác có quán, thọ hỷ lạc,[140] đắc Sơ thiền. Vị kia do hỷ lạc thấm nhuần khắp thân, một cách tràn đầy, không chỗ nào không cùng khắp. Như người khéo tắm, dùng đồ đựng đầy nước, bỏ thuốc bột mịn vào, ngâm nước cho hòa tan, nước ấy thấm nhuần, không chỗ nào không thắm nhuần, cũng không bị rơi vãi. Tỳ-kheo chứng nhập Sơ thiền cũng lại như vậy; hỷ lạc khắp cả người, không chỗ nào trống không. Đây là hiện pháp lạc trú[141] đầu tiên. Vì sao vậy? Do tâm không phóng dật, tinh tấn không giải đãi, chuyên niệm không tán loạn, ưa ở chỗ tịch tĩnh vậy.

«Vị kia xả giác quán, phát sinh nội tín,[142] tâm chuyên nhất cảnh,[143] không giác không quán, tâm định với hỷ lạc, nhập đệ Nhị thiền. Vị kia do tâm định hỷ lạc, thấm nhuần nơi thân, tràn đầy giáp khắp, không chỗ nào không biến mãn, cũng như suối nước từ trên đỉnh cao tuôn ra, cũng không từ đông tây nam bắc hay từ trên đổ xuống, mà nước phát xuất từ chính trong ao này, trong sạch mát mẻ, thấm nhuần cả ao, biến mãn tràn đầy, không có chỗ nào trống không. Tỳ-kheo chứng nhập đệ Nhị thiền cũng lại như vậy, tâm định hỷ lạc, biến mãn tràn đầy. Đây là lần thứ hai hiện pháp lạc trú bậc thứ hai.

«Vị kia xả tâm hỉ, an trú xả,[144] chánh niệm, chánh trí, thân thọ khoái lạc, như điều mà Thánh nói là, xả, niệm khoái lạc,[145] nhập đệ Tam thiền. Vị kia với thân không hỷ, mà lạc thấm nhuần tràn đầy khắp cả, không có chỗ nào không có. Thí như hoa ưu-bát-la, hoa câu-đầu-ma, phân-đà-lợi, tuy sanh trong ao mà chưa ra khỏi nước; gốc, cộng, bông, lá, lịm mình trong nước, không có chỗ nào không thấm nước. Tỳ-kheo chứng nhập đệ Tam thiền cũng lại như vậy, lìa hỷ an trú lạc, thấm nhuần cả thân, không chỗ nào không có. Đây là thành tựu hiện pháp lạc trú với đệ Tam thiền.

«Vị kia xả bỏ khổ lạc, ưu hỷ đã đoạn từ trước, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh,[146] chứng nhập đệ Tứ thiền, thân tâm thanh tịnh ẩptàn ngập khắp cả, không chỗ nào không có. Cũng như nam tử nữ nhơn tắm gội sạch sẽ, mặc áo mới bạch tịnh, không chỗ nào không bao trùm. Tỳ-kheo vào đệ Tứ thiền cũng lại như vậy, tâm vị kia thanh tịnh biến mãn khắp cả thân, không chỗ nào không giáp khắp. Vị kia vào đệ Tứ thiền tâm không trạo động, cũng không giải đãi, không tương ưng với ái nhuế, trụ vô động địa. Thí như ngôi nhà kín, trong ngoài đều trét bùn, đóng cửa kỹ, gió bụi không vào được, bên trong thắp ngọn đèn, không có nhơn hay phi nhơn thổi, hoặc chim bay khua động thì ngọn đèn kia cháy thẳng, không có chao động, lặng lẻ chiếu soi. Tỳ-kheo vào đệ Tứ thiền cũng lại như vậy, không có xao động, tâm không giải đãi, không cùng ái nhuế tương ưng, trụ vô động địa. Đây là sự thành tựu hiện pháp lạc trú với đệ Tứ thiền. Vì sao vậy? Do không phóng dật, tinh tấn không biếng nhác, chuyên niệm không thác loạn, ưa ở chỗ tịch tĩnh.

«Vị kia được định tâm thanh tịnh, không có cấu uế, nhu nhuyến điều phục, trụ vô động địa, chính trong thân tâm sinh khởi, có thể biến hóa làm thân khác, đầy đủ tay chân, các căn không thiếu. Khi ấy quán sát thân sắc này, do bốn đại hiệp thành; thân kia do sự biến hoá của sắc mà có. Sắc của thân do bốn đại này khác với sắc gồm bốn đại của thân được biến hoá kia. Từ trong sắc của thân do bốn đại này, được biến hoá bởi tâm, thân kia đầy đủ các căn, cùng với tay chân.

«Thí như có người rút con dao từ trong bao dao ra, nghĩ rằng: đây là [965a1]cái bao, đây là dao; dao khác bao khác; từ bao dao rút ra con dao. Cũng như có người từ trong giỏ tre trút ra một con rắn, nghĩ rằng: Đây là cái giỏ, đây là con rắn; giỏ khác rắn khác; từ nơi giỏ này con rắn chạy ra. Thí như có người từ cái hòm mây lấy ra chiếc áo, nghĩ rằng: đây là cái hòm, đây là áo; áo khác hòm khác; áo từ hòm lấy ra. Tỳ-kheo lại cũng như vậy. Đây là thắng pháp tối sơ của tỳ-kheo. Vì sao vậy? Do không phóng dật, tinh tấn không giải đãi, chuyên niệm không thác loạn, ưa chỗ tịch tĩnh.

«Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập bất động địa. Từ trong đại thân do bởi sắc gồm bốn đại của mình sanh khởi tâm biến hóa thành một hóa thân, đầy đủ tất cả các căn, cùng với tay chân. Vị kia nghĩ: Thân này là bốn đại hiệp thành, thân kia từ biến hóa mà có. Thân do bởi sắc gồm bốn đại này khác với thân do bởi sắc gồm bốn đại được biến hoá kia. Tâm này ở nơi thân này, trên thân này, được buộc vào thân này. Thí như hạt châu ma-ni, lưu ly, được đánh bóng, thật trong sáng không cấu uế. Rồi dùng một giây tơ xanh vàng đỏ xâu qua. Có nam tử với đôi mắt sáng, để trên lòng bàn tay nhìn, thấy rõ đây là ngọc, đây là sợi tơ. Tơ khác ngọc khác, hạt châu này được xâu bởi giây tơ. Tỳ-kheo cũng như vậy, Thân này là bốn đại hiệp thành, thân kia từ biến hóa mà có. Thân do bởi sắc gồm bốn đại này khác với thân do bởi sắc gồm bốn đại được biến hoá kia. Tâm này ở nơi thân này, trên thân này, được buộc vào thân này. Đây là thắng pháp thứ hai của tỳ-kheo. Tại sao vậy?

Do không phóng dật, tinh tấn không biếng nhác, chuyên niệm không thác loạn, ưa ở chỗ tịch tĩnh.

«Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, một lòng tu tập thần thông trí chứng. Vị kia có thể làm các thứ biến hóa, do một thân làm thành vô số thân, từ vô số thân trở lại một thân; thân có thể bay đi, xuyên qua tường đá không có gì trở ngại như đi vào chỗ hư không; đi đứng trong hư không như loài chim không khác; ra vào trong đất, như nước thẩm lậu; hoặc thành khói hoặc thành lửa, hay thành đống lửa to; tay có thể sờ chạm mặt trời mặt trăng, thân đến Phạm thiên. Thí như người thợ đồ gốm, khéo điều hòa bùn đất, tùy ý làm ra đồ dùng, tất cả đều thành tựu, mà có lợi ích. Thí như người thợ mộc, khéo hay bào miếng gỗ, để rồi làm các đồ dùng theo ý mình, đều thành tựu và lợi ích. Thí như thợ ngà voi khéo hay trau chuốt ngà voi theo ý muốn của mình, đều thành tựu và đem lại lợi ích. Thí như người thợ vàng khéo hay luyện chơn kim để rồi làm thành các dụng cụ theo ý muốn của mình, đều thành tựu, đem lại lợi ích. Tỳ-kheo cũng như vậy, định tâm thanh tịnh, đến vô động địa, biến hóa theo ý muốn, cho đến Phạm thiên. Đây là thắng pháp thứ ba của tỳ-kheo.

«Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, một lòng tu tập, chứng thiên nhĩ trí. Thiên nhĩ của vị kia thanh tịnh vượt hẳn lỗ tai của người thường, nghe được hai loại âm thânh của nhơn và phi nhơn. Thí như trong thành đô quốc ấp có giảng đường cao rộng khoảng khoát, người với lỗ tai thông tỏ ở tại nơi đó, khỏi phải dùng sức để nghe một cách nhọc mệt mà có thể nghe được các thứ âm thanh. Tỳ-kheo cũng như vậy, do tâm định nên thiên nhĩ thanh tịnh, nghe được tiếng nói của nhơn và phi nhơn. Đây là thắng pháp thứ tư của tỳ-kheo.

«Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, nhất tâm tu tập chứng tha tâm trí. Vị kia biết được tâm của chúng sanh ngoài mình, tâm ấy có dục không có dục, có cấu không có cấu, có si không có si, tâm rộng hay tâm hẹp, tâm nhỏ hay tâm lớn, tâm định hay tâm loạn, tâm bị trói buộc hay tâm được giải thoát, tâm cao thượng hay tâm không cao thượng, tất cả đều biết hết. Thí như kẻ nam người nữ tự cảm thấy hoan hỷ, dùng gương soi mặt, đâu có bộ phận nào nơi mặt mà không thấy. Tỳ-kheo cũng như vậy, do định tâm thanh tịnh nên biết được ý nghĩ của tất cả chúng sinh bên ngoài. Đây là thắng pháp thứ năm.

«Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, một lòng tu tập chứng túc mạng trí, bèn có thể nhớ biết vô số đời sống trước, với bao nhiêu sự việc; có thể nhớ một đời, mười đời, một trăm đời, một ngàn đời, vô số một trăm, một ngàn đời, cho đến thời kiếp tận hỏa thiêu, quốc độ bị đốt cháy toàn bộ rồi sanh trở lại. Ta sanh nơi đây tên họ như vậy, chủng loại như vậy, tộc tánh như vậy, ăn uống như vậy, thọ mạng như vậy, ở đời như vậy, tuổi thọ hết như vậy, thọ khổ vui như vậy. Từ nơi kia mạng chung lại sanh nơi kia, lần lượt như vậy thọ sanh. Nơi đây hình sắc tướng mạo vô số các thứ sai khác như vậy, đều nhớ biết rõ ràng. Thí như có người từ nơi thôn xóm của mình lưu lạc đến nước khác, thời gian ở tại đó, đi đứng nói năng im lặng như thế nào; rồi từ nước đó lại đến nước khác, đi đứng nói năng im lặng như thế nào; lần lượt trở lại nước kia, khỏi phải dụng lực một cách nhọc nhằn mà có thể nhớ biết hành trình các nước. Ta từ nước này đến nước kia, khi ở nước kia, đi như vậy, đứng như vậy, nói năng như vậy, im lặng như vậy, từ nước kia đến nước kế tiếp, khi ở nước đó, đi như vậy, đứng như vậy, nói năng như vậy, im lặng như vậy, lần lượt trở lại bổn quốc. Tỳ-kheo cũng như vậy, có thể dùng định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, bằng trí túc mạng đã chứng có thể nhớ vô số trăm ngàn kiếp tất cả các sự việc. Đây là tỳ-kheo chứng đắc minh thư nhất, vô minh diệt, minh pháp sanh, ám tiêu mất, pháp sáng tỏ hiện. Đây là tỳ-kheo chứng đắc túc mạng trí minh. Tại sao vậy? Do tâm không phóng dật, siêng năng không biếng nhác, tâm không thác loạn, ưa ở chỗ tịch tĩnh.

«Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến nhập vô động địa, nhất tâm tu tập, chứng sanh tử trí, trí chứng thiên nhãn kia thanh tịnh, thấy chúng sanh chết nơi đây sanh nơi kia, hình sắc tốt xấu, các đường thiện ác, tôn quý ti tiện, tùy theo nghiệp chúng sanh tạo, tất cả nhân duyên nghiệp báo đều biết hết. Như người này, thân tạo ác hành, khẩu tạo ác hành, tâm tạo ác hành, phỉ báng Hiền Thánh, tà mạng. Do quả báo tà kiến, nên đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Như chúng sanh này thân hành thiện, khẩu hành thiện, tâm niệm thiện, không phỉ báng Hiền Thánh, chánh kiến, tu tập chánh nghiệp, khi chết được sanh trong cõi trời người. Thiên nhãn thanh tịnh như vậy, thấy chúng sanh chết nơi đây sanh nơi kia, tùy theo nghiệp đã tạo, tất cả nghiệp nhơn đều biết. Thí như nơi chỗ đất bằng rộng lớn tại địa đầu đường ngã tư, có một chỗ ngồi nhà cao vút, một người với đôi mắt sáng ở nơi đó. Thấy chúng sanh từ phương đông đến phương tây, từ phương tây đến phương đông, từ phương nam đến phương bắc, từ phương bắc đến phương nam. Cũng như vậy, tỳ-kheo dùng định tâm thanh tịnh, cho đến vô động địa, thấy chúng sanh chết nơi đây sanh nơi kia, cho đến tùy theo chỗ tạo nghiệp của chúng sanh, tất cả nhân duyên nghiệp báo đều biết. Đây là tỳ-kheo chứng được minh thứ hai, vô minh đoạn, minh pháp sanh, ám tiêu mất, minh xuất hiện. Đây là chứng sanh tử trí minh, thấy chúng sanh chết nơi này sinh nơi kia. Tại sao vậy? Do không phóng dật, siêng năng không biếng nhác, tâm không thác loạn, ưa sống chỗ tịch tĩnh.

«Vị kia do định tâm thanh tịnh, cho đến vô động địa, nhất tâm tu tập chứng vô lậu trí. Vị kia như thật biết Khổ thánh đế, Tập-Tận-Đạo đế; như thật biết hữu lậu, lậu tập, lậu tận, như thật biết con đường đưa đến lậu tận Đạo thánh đế. Vị kia biết như vậy, thấy như vậy, [966a1] tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu; sau khi đã giải thoát, biết rằng, ‹sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần đã làm xong, không còn tái sanh.› Thí như trong ao nước trong có cây, đá, cá trạnh, các loài thủy tộc, đông tây du hành; người có mắt sáng thấy rõ cây, đá, cá trạnh: đây là cây đá, đây là cá trạnh du hành đây đó. Tỳ-kheo cũng như vậy, do định tâm thanh tịnh, cho đến vô động địa, đặng vô lậu trí chứng, cho đến không trở lại tại sanh. Đây là tỳ-kheo đặng minh thứ ba, vô minh đoạn, minh pháp sanh, ám pháp hết, ánh sáng hiện, gọi là vô lậu trí minh. Tại sao vậy? Do không phóng dật, tinh tấn không biếng nhác niệm không thác loạn, ưa ở chỗ tịch tịnh.»[147]


[1] Hai loại bát: ca-la 迦羅; xá-la 舍羅. Ngũ phần 26 (T22n1421 tr.170a02): Cho phép ba loại bát: bát sắt 鐵缽, bát sành 瓦缽, bát tô-ma 蘇摩缽. Pali, Vin. iii. 243, hai loại bát: bát bát sắt và bát sành (dve pattā ayopatto mattikāpatto).

[2] Ma 磨; mài, ở đây hiểu là vuốt cho thẳng.

[3] Quát 刮, gọt; ở đây hiểu là mài.

[4] Dùng hai dao «gọt» nhau, liếc hay mài vào nhau.

[5] Hoàn 環, khoen hay khâu, khác với nhẫn. Xem dưới.

[6] Chỉ ấn; Pali: aṅgulimuddikā, như khâu hay khoen đeo nơi ngón tay, nhưng có hình tượng trưng làm tín vật.

[7] Bất-lan Ca-diếp. Xem Phần iii Ch. i & cht. 76.

[8] Mạt-khư-la Cù-xa-la 末佉羅瞿奢羅. Các đoạn trước phiên âm là Mạt-khư-lê Cù-xa-li. Xem Phần iii Ch. i & cht. 76.

[9] Danh sách sáu tông sư ngoại đạo. Xem Phần iii Ch. i & cht. 76.

[10] Phú-lan 富蘭, trên kia âm là Bất-lan. Xem cht. 7.

[11] Tân-đầu-lô 賓頭盧; Pali, Vin. ii. 111, Piṇḍola-Bhāradvāja.

[12] Cf. A. ii. 23. Cf. A-la-hán cụ đức kinh, T02, tr. 831.

[13] Pali, Vin.ii. 112: na…dārupatto dhāretabbo. Yo dhāreyya, āpatti dukkaṭassa, «không được thọ trì bát gỗ. Ai thọ trì, phạm đột-kiết-la.

[14] Xem Trường A-hàm 11, kinh 15 «A-nậu-di» (T01, tr.67c). Cf. D. 24. Pāṭikasutta.

[15] Bà-già-bà 婆伽婆, phiên âm (Pali: Bhagavā), Thế Tôn.

[16] Xem Phần iii Ch. iv: Y, truyện Kỳ-bà.

[17] Phạm Thí 梵施. Không thấy chỗ nào nói Ông này là em khác mẹ của Phật 佛異母弟.

[18] Chi tiết toàn câu chuyện gần với truyện Yâmka-pāṭihāriya trong sớ giải Pháp cú, Pali, DhA. iii. 204; cũng được kể trong sớ giải Trường bộ DA. i. 57.

[19] Truyện kể Pali: gốc xoài Gaṇḍamba tại cổng thành Xá-vệ.

[20] Truyện kể Pali: vì Phật cho biết trước sẽ ngồi dưới gốc xoài Gaṇḍamba, nên ngoại đạo đã cho đốn mất.

[21] Tư-ni 斯尼. Chỉ lõa hình Seniya được đề cập trong kinh Kukkuravatika, M. 387, Pali. Theo đó, ông này sau theo Phật xuất gia và chứng quả A-la-hán. Hán tạng không có kinh tương đưong.

[22] Ba-lê Tử Ba-tư-bà-xà-già 波梨子波私婆闍伽. Có lẽ phiên âm từ Skt. parivrājaka (Pali: paribbājaka), chỉ ngoại đạo xuất gia, hay ngoại đạo phổ hành, du sĩ ngoại đạo.

[23] Đây chỉ thần biến thị đạo. Xem Phần iii Ch.i, truyện Uất-bệ-la & cht. 107, 108.

[24] Pali gọi đây là yamaka-pāṭihāriya, thần biến thị hiện song đối. Tức hiện từng cặp hiện tượng đối lập. Như vừa bốc lửc vừa trào nước. Duy chỉ Phật, không có Đại Thanh văn nào hiện được thần biến này.

[25] Ở đây Phật hiện ký tâm thị đạo. Xem Phần ii Ch.i truyện Uất-bệ-la & cht. 107, 109 trên. Skt. ādeśanā (Pali: ādesanā): đọc ý nghĩ của người khác (Hán: ký tâm). Bản Hán hiểu là «thuyết pháp.»

[26] Phật hiện giáo giới thị đạo, thứ ba trong ba thị đạo. Xem Phần iii Ch.i truyện Uất-bệ-la & 107, 108, 109 trên.

[27] Nguyên Hán: trượng phu vương 丈夫王.

[28] Hết quyển 51.

[29] Thi-xa-bà 尸賒婆. Pali: siṃsapā, cũng phiên âm là thân-thứ. Không có từ điển nào chỉ rõ là cây gì. Cây thường mọc thành rừng. Nhiều kinh được Phật giảng trong các rừng siṃsapā.

[30] Tỳ-xá-ly Bạt-xà tử 毘舍離跋闍子. Bạt-xà (Pali: Vajjī) đương thời là một bộ tộc lớn có nhiều nhánh, trong đó hai nhánh chính là Li-xa (Pali: Licchavī) và Tỳ-đề-ha (Pali: Vedehā). Tỳ-xá-ly (Pali: Vesāli) là thủ phủ của nhánh Licchavī. Trong tạng Pali, có một tỳ-kheo tên là Vajjiputta (Bạt-xà Tử). Sau khi Phật Niết-bàn, chính nhờ nghe một bài kệ từ tỳ-kheo này mà A-nan chứng quả A-la-hán.

[31] Lê-xa 梨奢, những người Licchavī. Xem cht. 27 trên.

[32] Ni-kiền Na-da Tử 尼犍那耶子. Các đoạn trên cũng phiên âm là Ni-kiền(-đà) Nhã-đề Tử. Cũng gọi là Ni-kiền Tử.

[33] Tát-giá Ni-kiền Tử 薩遮尼犍子. Tên một người theo phái Ni-kiền Tử. Có hai kinh quan trọng nói về vô ngã Phật giảng cho ông này. Xem, Trung A-hàm 5, kinh 110 «Tát-giá», Tăng Nhất 30, No 125(37.10), và một kinh thuộc Đại thừa, Đại Tát-giá Ni-kiền Tử sở thuyết kinh, No. 272. Pali, có hai kinh, M. 35. Mahā-Saccaka-sutta, M. 34. Cūḷa-Saccaka-sutta.

[34] Tô-ma 蘇摩. Trường A-hàm 15 nói là một trong các dòng họ lớn. Trung A-hàm 55 liệt kê vào một trong 16 đại quốc thời Phật. Trong liệt kê này, có 2 nước không đồng nhất với Pali. Hán: Bạt-la và Tô-ma. Pali: Gandhāra và Kamboja. Chưa có tài liệu xác định rõ vị trí của Tô-ma.

[35] Khư-la-đà 佉羅陀; có lẽ phiêm âm từ khadira (Pali, Skt.), một loại cây cho gỗ cứng (Âccia Catechu).

[36] Xem cht. 26 trên.

[37] A-ma-lặc 阿摩勒; phiên âm từ Skt. āmra (Pali: amba): cây xoài.

[38] Tô-ma bát 蘇摩缽; xem cht. 1 trên.

[39] Ưu-già-la 優伽羅. Pali: Ugga (Skr. Ugra), thị trấn trong nước Kosala.

[40] Ưu-già-la bát 優伽羅缽; bát sản xuất tại Ưu-già-la, xem cht. 36 trên.

[41] Ưu-già-xa 優伽賒; chưa rõ địa danh này.

[42] Vạn tự 萬字.

[43] Hoại huân 壞熏, bị rỉ sét, hay bị ăn mòn. Vin.ii. 112: pattamūlaṃ ghaṃsiyati, đáy bát bị ăn mòn.

[44] Pali, ibid., pattamaṇḍalaṃ, đế tròn của bát.

[45] Long nha dặc 龍牙杙; Thập tụng, Nghĩa Tịnh: tượng nha. Pali nāgadanta, răng rồng, cái móc làm bằng ngà voi, gắn vào vách, để treo đồ.

[46] Am-bà viên 菴婆羅園.

[47] Pali, Vin.ii. 109: Phật nói, các tỳ-kheo không được ăn quả xoài (amba). Ai ăn, phạm đột-kiết-la. Sau đó quy định thêm: chỉ được phép ăn sau khi đã tác tịnh bằng một trong năm cách. Xem thên cht. 49 dưới.

[48] Am-bà quả tương 菴婆羅果漿; nước tương xoài hay ngâm xoài, để lâu có thể lên men thành rượu. Pali: sūpe ambapesika, vỏ xoài bỏ trong nước thịt (súp thịt).

[49] Ngũ phần 26 (T22n1421 tr.171a12), Vin. ii. 109, ăn được sau khi đã tác tịnh, một trong năm cách. Xem, Phần iii, Ch. vii Thuốc, cht. 110.

[50] Câu chấp 拘執. Nhũ phần 26 (T22n1421 tr.171b16): câu nhiếp 拘攝. «Bạt-nan-đà khoác lộn trái câu-nhiếp, đi 4 chân trong tối, dọa các tỳ-kheo.» Pali, Vin. i. 281, kojava áo choàng hay chăn bằng lông dê.

[51] Tỳ-kheo, ba-dật-đề 55: không được dọa tỳ-kheo khác.

[52] Xa-bà-la thảo 賒婆羅草.

[53] Ca-la hắc bát 迦羅黑缽; ca-la, phiên âm (Skt. Pali: kāla, đen); hắc, dịch nghĩa. Từ âm nghĩa hỗn hợp.

[54] Hỏa mẫu mộc 火母木.

[55] Toàn hỏa tử 鑽火子.

[56] Bà-kỳ-đề 婆祇提. Các đoạn trên phiên âm là Bà-kỳ-đà.

[57] Xem Phần ii, Ch. iv, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 90.

[58] Xem, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 91.

[59] Vin. ii. 129: Bà Visākhā sai mang ba thứ: ghè nhỏ (ghaṭaka), đồ kỳ chân khi tắm (kataka) và chỗi (sammajja).

[60] Đẩu 斗. Phật không cho nhận kataka. Bản Anh dịch là «đồ cọ chân bằng sành» (earthenware foot-scrubber).

[61] Dũng Mãnh 勇猛. Vin. ii. 139: Yameḷakekuṭā nāma bhikkhū dve bhātikā, hai tỳ-kheo anh em tên là Yameḷa và Kekuṭā, giỏi ngôn ngữ, âm vận.

[62] Pali, ibid., biên tập lại lời Phật thành thơ (buddhavanaṃ chandaso āropemā). Chandasa, được hiểu là chandasi mà Paṇini thường dùng, chỉ phương ngữ Vệ-đà. Buddhaghosa giải thích, hai vị này nuốn chuyển tải thành ngôn ngữ hoàn chỉnh của Vệ-đà, tức Saṃskrit (sakkaṭa-bhāsāya)

[63] Ngũ phần 26 (tr. 174b20); chuyển thể Phật ngữ sang ngoại thư ngữ, phạm thâu-lan-giá.

[64] Nguyên Hán: quỵ vật *物. Khang hy, qụy * : đồng với tư 資 (giúp vốn), với đỗ 賭 (bài bạc). Có bản chép là hoá vật 貨物. Tham chiếu Căn bản Tạp sự 19 (T24n1451, tr. 296a14): Lục quần tỳ-kheo mỗi khi có sự việc xảy ra, bèn đem y, bát, giây lưng các thứ ra cá cược (Hán: đổ qụỵ 賭* , có bản chép là đổ hoá 賭貨).

[65] Xuất tức vật 出息物; chưa rõ nghĩa. Xem cht. 66 dưới.

[66] Tùng tha cử tức vật 從他舉息物; chưa rõ nghĩa. Có lẽ một hình thức cầm đồ. Để bản: tùng tha 從他. Tống-Nguyên-Minh: tùng địa.

[67] Ma-lâu 摩樓; Skt. mālu, một loại man thảo, giây leo; đằng thảo.

[68] Tỳ-kheo bịnh cần gậy để quảy bát đi đường, phải được Tăng yết-ma cho phép. Xem đoan sau.

[69] Không trung trượng 空中杖; chưa rõ gậy gì. Xem cht. 126 (mục 36, Ưu-đà-diên)

[70] Tích trượng. Skt. khakkara, gậy ăn mày (Monier). Tham chiếu Thập tụng 56 (T23n1435 tr.417a18), chế pháp về gậy; Căn bản Tạp sự 34 (T24n1451 tr.375a21). Xem thêm Ngũ phần 27 (T22n1421 tr.180b25), tỳ-kheo a-lan-nhã còn thêm loại «gậy phá sương» (phác lộ trượng 撲露杖)

[71] Xem Ch.i Phỏng xá, Sảnh đường.

[72] Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 70.

65 Bệnh phong 病風. Pali: udaravātābādho, đau bụng gió. Xem Ch. vii. Thuốc & cht. 14.

[74] Tham chiếu Vin.ii. 137: Thế tôn không cho phép tỳ-kheo quảy gậy hai đầu (na ubhatokājaṃ haratabbaṃ). Cho phép gậy quảy một đầu (ekatokāja), gậy hai người khiêng (để đồ ở giữa, Pali: antarākāja), đội đầu (sīrasabhāra), vác trên vai (khandhabhāra), ôm bên hông (kaṭibhāra), đeo sau lưng (olambaka).

[75] Hán: trước y 著衣. Từ này tương đương với 2 từ Pali nên khó phân biệt: pārupati, khoác y, hay quàng y; nivāseti: quấn y (nội y). Đoạn này tương đương Pali, Vin.ii. 137: saṃvelliyaṃ nivāsenti… seyyathāpi rañño muṇḍavaṭṭīti quấn (nội y), quấn khố, bị chỉ trích giống như người khuân vác của vua.

[76] Hán; trước y đảm vật 著衣擔物. Xem cht. 65 trên.

[77] Bát-tứ-đam-lam-bà y 缽肆酖嵐婆衣.

[78] Đầu-đầu-la y 頭頭羅衣.

[79] Ma-lâu thọ 摩樓樹. Xem cht. 67 trên.

[80] Đệ tứ thiền không có hơi thở.

[81] Cù-ba-ly 瞿婆離.

[82] Hiểu là «tháp thờ tóc.»

[83] Tỳ-kheo, pháp chúng học 60.

[84] Tỳ-kheo, pháp chúng học 61.

[85] Tỳ-kheo, pháp chúng học 62.

[86] Tỳ-kheo, pháp chúng học 65.

[87] Tỳ-kheo, pháp chúng học 67

[88] Tỳ-kheo, pháp chúng học 68.

[89] Tỳ-kheo, páhp chúng học 69.

[90] Tỳ-kheo, pháp chúng học 78

[91] Tỳ-kheo, pháp chúng học 84.

[92] Sí-tỳ-già-thi 翅毘伽尸.

[93] Hết quyển 52.

[94] Xem Phần i, Ch. ii. Tăng-già-bà-thi-sa 8 & 9.

[95] Các đoạn trước phiên âm là Lê-xa.

[96] Hán: chư đại Ly-xa 諸大離奢; bản Hán hiểu đại là danh từ chung. Nhưng, đại cũng có thể coi là dịch nghĩa tương đương Pali Vaḍḍha: (thịnh vương, hay tăng trưởng). Do đó, Đại là tên người, một người Ly-xa tên là Đại, không phải hình dung từ. Pali: Vaḍḍha-Licchavī.

[97] Vin.ii. 124: Vaḍḍha, người Licchavī, thân tình của các tỳ-kheo nhóm Mettiya-bhūmajaka. Ngũ phần 26 (T22n1421 tr.174c05): Lô-di Lực sĩ tử 廬夷力士子 nghe lời Từ Địa vu khống tỳ-kheo Đà-bà 陀婆比丘.

[98] Vô căn bất tịnh pháp 無根不淨法; ở đây được hiểu là pháp phi tịnh hạnh không căn cứ. Tội danh chính xác là «vu khống bằng ba-la-di không căn cứ.»

[99] Văn thuật theo quán tính truyền khẩu. Không thể khiển trách cư sỹ bằng những lời không phù hợp như vây.

[100] Phúc bát 覆缽; úp bát. Pali: pattaṃ nikkujjatum.

[101] Luật Pali, Vin. ii. 125, có tám điều: khiến tỳ-kheo mất lợi dưỡng (bhikkhūnaṃ alābhāya), khiến tỳ-kheo mất lợi ích (anatthāya), khiến tỳ-kheo mất chỗ ở (avāsāya), mắng chưởi tỳ-kheo (bhukkhū akkosati paribhāsati)), gây chia rẽ tỳ-kheo (bhikkhū bhikkhūhi bhedeti), huỷ báng Phật (buddhassa avaññaṃ bhāsati), huỷ báng Pháp, huỷ báng Tăng.

[102] Từ phạm cả 10 điều, cho đến chỉ phạm 1 điều.

[103] Pali: asaṃbhogaṃ saṅghena, không cộng sự với Tăng.

[104] Đoạn này liên hệ với việc Bát-nan-đà treo bát vào gậy rồi quảy đi, ở trên.

[105] Một tập quán mê tín phổ biến, khi có chuyện bất thường, người ta cầu nguyện và chúc lành.

[106] Cf. Vin.ii. 140: Phật nói, «Các ngươi chúc sống lâu, có ai chết hay sống vì vậy chăng?»

[107] Vin.ii. 140: gihī bhikkhave maṅgalikā, Này các tỳ-kheo, đó là sự chúc lành của người thế tục.

[108] Xem tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 88.

[109] Cf. Vin. ii. 136, quy định về giây thắt lưng (kāyabandha): tỳ-kheo vào tụ lạc khất thực mà không có thắt lưng, phạm đột-kiết-la. Lục quần tỳ-kheo làm giây nịt bện (kalābuka), có hình đầu rắn nước (deḍḍubhaka), có hình cái trống (muraja), gắn các khoen tai.

[110] Xà-đề-na 闍提那帶. Skt. jaṭila: đai bện? Xem cht. 112 dưới

[111] Tán diên 散綖帶: đai có tua rẻo? Xem cht. 112 dưới.

[112] Tham chiếu, Pali, Vin.ii. 136: Phật cho phép hai loại đai, paṭṭika: đai bằng giải dài; sūkaranta: đai hình đuôi heo? Hán dịch Nam truyền dịch là biên đái 編帶: đai bện. Bản Anh, bỏ trống, nói là không dịch được.

[113] Xem, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 107 & 108.

[114] Xem, Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề 169 & 170.

[115] Pali, Vin.ii. 138: dài nhất là 8 ngón tay. Ngắn nhất là 4 ngón tay.

[116] Tước dương chi kỳ 楊枝奇. Chưa rõ nghĩa.

[117] Bà-xà Tử 婆闍子. Trên kia, phiên âm là Bạt-xà-Tử.

[118] Ưu-đà-diên 憂陀延. Pali: Udena, vua nước Kosambī. Truyện kể trong Pháp cú truyện Pali, Dhp. 21 (Dhp.A.1. 161).

[119] Pali, Piṇḍola-Bhāradvāja, con trai của vị bà-la-môn tư tế của vua Udena.

[120] Uỷ-thiền 慰禪. Pali: Ujjenī. Xem chuyện Kỳ-bà chữa bịnh vua Uỷ thiền. Ch. vii. Y.

[121] Xà-di-bạt-đề 奢彌跋提. Pali: Sāmāvati, con gai của Ghosita, người đã cúng tinh xá Ghositārāma (Cù-sư-la viên).

[122] Xem, Tỳ-kheo, tăng-già-bà-thi-sa 5.

[123] Ma-ha Ca-chiên-diên 摩訶迦旃延. Pali: Mahā-Kaccāyana. Sinh quán tai Ujjena, con trai một người Bà-la-môn, đại thần của Vua Ujjena. Ngài nhận chỉ giáo của Phật, cùng 7 tỳ-kheo, đồng là bạn cũ, về hoằng pháp tại bản địa.

[124] Đại tiểu trì giới kiền độ 大小持戒揵度. Chi tiết quá trình tu tập giới của tỳ-kheo, từ khi mới xuất gia cho đến khi chứng quả A-la-hán. Tất cả những điều này tập hợp lại dưới một bộ môn gọi là giới thân, giới uẩn, hay giới kiền độ, hay gọi là Thánh giới tụ. Điển hình đầy đủ về quá trình tu tập Thánh giới này, có thể xem Trung A-hàm 36, kinh 146 «Tượng tích dụ.» Tương đương Pali, M. 27. Cūḷa-Hatthipadopâm-sutta. Tham chiếu các kinh, Trường A-hàm 14 (21. kinh Phạm động, T01n1, tr.88b12), Pali, D.1 Brahmajāla; Trường A-hàm 17 (27. kinh Sa-môn quả; T01n1, tr.107a20); Pali, D.2 Sāmaññaphala.

[125] Nguyên Hán: quỷ thần thôn 鬼神村.

[126] Thông trung trượng 通中杖; trên kia dịch là không trung trượng (Xem ch.ii, mục 19: về gậy quạt). Dịch từ daṅḍa(ka), Skt. & Pali: gậy, biểu hiện quyền uy.

[127] Những câu chuyện chướng ngại đạo, Pali: tiracchāna-kathā, súc sanh luận, chỉ những câu chuyện vô ích, ngu si.

[128] Ngoạ khởi sự 臥起事 (?). Có lẽ Pali senā-katham, chuyện tướng quân, nhưng bản Hán đọc là senāsana-katham.

[129] Hỏa chú 咒火. Pali: aggi-homa, thờ cúng lửa.

[130] Sát-lợi chú 剎利咒. Pali: khatta-vijjā, chú thuật về quyền lực của vua chúa, tức khoa học chính trị.

[131] Tụng thiên nhân vấn 誦天人問. Tham chiếu Pali, đoạn liên hệ (D. i. 9, 67): pakkajjhānaṃ (dự báo vận mạng) saraparittānam (chú thuật phòng ngừag tên bắn).

[132] Kết luận các đoạn trên, tỳ-kheo sau khi thành tựu Thánh giới uẩn, đoạn tiếp theo nói về tỳ-kheo tu tập phòng hộ căn môn. Nhưng bản Hán ở đây lược bỏ đoạn nói về việc tỳ-kheo thành tựu giới uẩn bằng sự chấp trì ba-la-đề-mộc-xoa. Tham chiếu Pali đoạn liên hệ, Sāmaññaphala-sutta, D. i. 70: so iminā ariyena sīlakkhandhena samannāgato ajjhattaṃ anavajja-sukhaṃ paṭisaṃvedeti. Evaṃ kho… bhikkhu sīlasampanno hoti, «vị ấy do thành tựu Thánh giới uẩn này mà nội tâm cảm thọ sự an lạc không cấu uế. Như vậy, tỳ-kheo thành tựu giới.» Kinh Tượng tích dụ (Trung A-hàm 146), sau Thánh giới uẩn là tri túc. Tiếp sau đó, thủ hộ căn môn.

[133] Từ đây trở xuống, tỳ-kheo tu tập bằng sự thủ hộ căn môn. Bản Hán lược bỏ đoạn giới thiệu. Tham chiếu đoạn Pali liên hệ: kathañ ca… bhikkhu indriyesu guttadvāro hoti? idha…, «Thế nào là tỳ-kheo thủ hộ căn môn? Ở đây…»

[134] Tham chiếu Pali (D.i. 70): cakkhunā rūpaṃ disvā na nimmittaggāhī hoti nānuvyañjanaggāhī, «sau khi mắt thấy sắc, vị ấy không chấp thủ tổng tướng, không chấp thủ biệt tướng (của sắc).»

[135] Tham chiếu đoạn Pali (nt.) liên hệ: yatvādhikaraṇaṃ enaṃ cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhā-domanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ, tassa saṃvarāya paṭipajjati… «Nguyên nhân gì mà vị ấy sống với căn con mắt không được phòng hộ khiến cho những tham và ưu, cùng những pháp ác bất thiện chảy lọt vào, vị ấy tu tập để chế ngự nguyên nhân ấy…»

[136] Nguyên Hán: xúc nhập 觸入.

[137] Trở xuống, tỳ-kheo sống tri túc. Đoạn Pali (nt.) liên hệ, tiếp theo phòng hộ căn môn là tỳ-kheo tu tập chánh niện chánh tri (sati-sampajaññena). Bản Hán nhảy qua đoạn này mà đưa xuống sau. Từ đây trở xuống, tỳ-kheo tu tập chánh niệm chánh tri. Thứ tự tu tập trong bản dịch này có đảo lộn. Trong các kinh, tu tập bốn niệm xứ sau khi tỳ-kheo đã có chánh niệm.

[138] Đây nên hiểu là chánh niệm. Từ đây trở xuống, tỳ-kheo tu tập chánh niệm chánh tri. Thứ tự tu tập trong bản dịch này có đảo lộn. Trong các kinh, bốn niệm xứ được nói sau chánh niệm.

[139] Dữ tánh 與姓, cho trở thành người tự do trong bốn giai cấp hay chủng tánh.

[140] Hán dịch thiếu nghĩa: «có hỷ lạc phát sanh do sự viễn ly.»

[141] Nguyên Hán: hiện thân đắc lạc 現身得樂.

[142] Nội tín 內信. Huyền Trang: nội đẳng tịnh, trạng thái bình lặng, quân bình của nội tâm khi nhập đệ nhị thiền. Pali: ajjhattaṃ sampasādanaṃ.

[143] Hán: tâm tại nhất xứ 心在一處. Pali: cetaso ekodibhāvaṃ.

[144] Trú hộ niệm lạc 住護念樂. Hán hiểu sai từ nguyên của Skt. upekṣa (Pali: upekkha) nên dịch là «hộ» thay vì dịch là «xả» như La-thập hay Huyền Trang. Pali: pītiyā ca virāgā ca upekkhako ca viharati, «vị ấy ly hỷ, an trú xả.»

[145] Hán: hộ niệm khoái lạc 護念快樂. Xem cht. 144 trên. Pali: upekkhako satimā sukhaviharī, an trú lạc cùng với xả và niệm.

[146] Hán: hộ niệm thanh tịnh 護念清淨. Pali: upekkha-sati-parisuddhiṃ, xả niệm thanh tịnh, trạng thái thuần tịnh, trong suốt, do chỉ còn xả và niệm.

[147] Hết quyển 53.

    Xem thêm:

  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Tán Duyên Khởi - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 4. Thất Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 3. Ngũ Bách Kết Tập - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 5. Ba La Đề Đề Xá Ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 6. Đề-xá-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 7. Thức-xoa-ca-la-ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 10. Chiêm Ba - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 3. Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 16. Diệt Tránh - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 5. Da Thuộc - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 1. Ba-la-di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 2: Giới Tỳ Kheo Ni – Chương 2. Tăng-già-bà-thi-sa - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 3. Bất Định - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 11. Khiển Trách - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 17. Tỳ Kheo Ni - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 9. Câu Thiểm Di - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 6. Y - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 3: Tăng Sự – Chương 3. An Cư - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 1. Phòng Xá - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 4: Tạp Pháp – Chương 5. Điều Độ - Luật Tạng