TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998

***

QUYỂN THỨ 21

Nội nhiếp tụng:

Mãnh Quang thị phược ca,
Kim quang y la bát,
Na kích đà đắc quả,
Diệu phát bát trì du.

Vua Mãnh Quang thầm nghĩ: “Ta đang mắc bệnh mất ngủ này, ngày càng nặng thêm, phải làm cách gì để hết bệnh, nên triệu tập hết thầy thuốc trong nước đến trị bệnh cho ta”.

Sau khi suy nghĩ, vua triệu tập hết các y sĩ lại và bảo họ rằng:

– Ta mắc bệnh không ngủ được, hãy cùng nhau trị cho ta.

Các thầy thuốc tâu:

– Bệnh này không tầm thường, những người chúng tôi không thể trị được. Nhưng vua Tần Tỳ Sa La thành Vương Xá có con là Thị Phược Ca là đại y vương, ai cũng đều biết, đầy đủ trí tuệ trị được bệnh này.

Vua Mãnh Quang sai sứ giả đem thư đến cho vua Tần Tỳ Sa La. Thư viết:

– Bạch vua Ảnh Thắng, xin khiến đại y vương Thị Phược Ca đến gặp tôi một thời gian ngắn, vì muốn được trị liệu, mong chớ chống trái. Nếu không đến, Ngài nên dự trữ lương thảo binh lính để nghinh đón.

Sau khi nhận thư, đọc xong vua Tần Tỳ Sa La rất lo buồn, chống má suy nghĩ, nếu đưa con ta đi, sợ yêu cầu nữa, phải tuân lời thì nước ta bị lệ thuộc. Nếu không đưa đi, nước họ binh cường gấp bội sẽ gây rối.

Thấy sắc diện vua ưu sầu, Thị Phược Ca quỳ tâu:

– Vì sao vua ưu sầu?

Vua nói:

– Vì con có nhiều tài năng hiểu kỹ thuật này khiến cho ta ưu buồn, còn biết nói gì.

– Xin ngài nói rõ việc này.

Bấy giờ, vua trình bày đầy đủ ý của thư.

Nghe xong, Thị Phược Ca tâu vua:

– Xin ngài ban lệnh, con sẽ phụng chỉ lên đường.

Vua nói:

– Này con, tánh vua Mãnh Quang rất bạo ác, bất luận lành hay không, chỉ nổi sân lên thì sát hại ngay, sợ hắn làm việc vô đạo, giết con oan uổng.

– Nếu không tự cứu hộ được thân mình sao gọi là thầy thuốc.

– Xin đại vương chớ sinh buồn khổ, con đi cho đúng hẹn với họ.

Vua nói:

– Tùy ý con đi, cẩn thận giữ gìn, đừng làm cho ta và quốc dân, người lớn nhỏ trong cung sinh lo buồn.

– Xin chớ ưu sầu, không có lý ấy đâu! Con xem bệnh trạng làm cho thuyên giảm khiến họ không nổi sân.

Vua im lặng.

Thị Phược Ca hỏi sứ giả:

– Vua Mãnh Quang đang bị bệnh gì, ăn được gì và không ăn được gì?

Sứ giả trình bày bệnh trạng của vua. Nghe xong, đại y vương dùng bơ hòa với cao làm cho màu sắc, hương, vị đều giống như rượu.

Sau khi chế thuốc, chọn giờ tốt tổ chức cầu an lành, y vương từ giã thân thuộc theo sứ giả lên đường. Trên đường đi đến nước Oân Thệ Ny, gặp thành Khúc Nữ. Trong thành ấy, có một thầy thuốc trẻ nghe đại Y Vương sắp đến nước Oân Thệ Ny nên đem một trái Ha Lê Lặc dâng lên y vương.

Sau khi giao tiếp, hai bên rất hợp ý nhau, y vương hỏi đồng tử:

-Vua Mãnh Quang bị bệnh như vậy vì sao các người không trị liệu?

Ðáp:

– Vua ấy bị bệnh mất ngủ, nên trị bằng bơ, tính vua ghét bơ ưa rượu lại bạo ác. Trước vua, ai nói đến tên bơ liền bị chặt đầu. Biết tính vua bạo ác nên các y sĩ đều cao bay xa chạy không ai dám trị.

Y Vương nói với đồng tư û:

– Pháp đệ nên biết, ta vì vua ấy dùng bơ hòa với cao không khác gì rượu. Em hãy đi cùng ta đến ông ấy, nếu ta có làm dấu để phương tiện chỉ dạy, em nên theo đó lo liệu cho ông ta dùng thuốc. Em nên ở lại trông chừng, ta sẽ ra đi. Sau khi vua hết bệnh, ta sẽ thưởng cho em và khiến cho vua ban thưởng em trọng hậu.

Ðồng tử đồng ý rồi cùng nhau đi dần đến thành vua.

Nghe y-vương đến, vua Mãnh Quang suy nghĩ: “Thị Phược Ca đã là vương tử lại là Y Vương, nên dùng lễ long trọng nghênh tiếp vào thành”.

Nhà vua ra lệnh trang hoàng thành quách, sửa sang đường phố, trần thiết nghi trượng. Vua và thái tử, quần thần, thứ dân cùng ra nghênh tiếp. Giữa vô lượng trăm ngàn người vây quanh trước sau, y vương cùng đi vào trong thành.

Sau khi để Y Vương nghỉ ngơi, vua Mãnh Quang hoan hỷ thăm hỏi y-vương:

– Tôi có bệnh thức không ngủ được, nay đã quá nặng hãy trị liệu cho.

Y Vương đáp:

– Tôi sẽ chữa trị, nhưng cần dược liệu, phần lớn chúng ở các nước và thành khác. Chỉ có tôi biết được, người khác không biết, hoặc người khác biết mà tôi không biết, hoặc cùng biết, hoặc có gần, có xa. Xin phép đại vương đưa cho tôi voi mẹ Hiền Thiện, được cỡi đi tùy ý.

Vua đáp:

– Lành thay, tùy ý ngài.

Vua ra lệnh cho người điều voi:

– Nếu đại y vương cần voi Hiền Thiện, ngài tùy ý cỡi, các ngươi không được tự tiện ngăn cản.

Lại bảo đại thần và thủ môn:

– Y vương có thể sớm đi trưa về, trưa đi tối về, khi cần tùy ý cỡi voi Hiền Thiện ra vào, không được ngăn cản.

Nhận lệnh vua, các đại thần và người thủ môn không dám ngăn trở.

Bấy giờ, hoặc ban ngày hoặc nữa đêm, y vương lấy voi cỡi đi đi về về không nhất định làm cho mọi người không để ý nữa.

Một hôm, vua Mãnh Quang nói với y vương:

– Sao không trị liệu?

Thị Phược Ca bảo vua tắm rửa, sau khi tắm rửa lại bảo vua ăn, ăn xong lại tâu vua:

– Tôi vừa có rượu ngon thượng hạng của nước Ma-già-đà, vua nên uống đi.

Rất vui mừng, vua Mãnh Quang nói:

– Hãy đem đến đây.

Y-vương ra dấu hướng dẫn sai đồng tử bạn đem thứ ấy đến. Nhận được thuốc, vua uống ngay. Sau khi uống, vua liền ngủ say. Biết vua đã ngủ, y vương liền cỡi voi chạy đi. Ðến nữa đêm, vua thức dậy, thở ra biết có mùi bơ nên rất tức giận sai tả hữu hãy mau bắt lấy Thị Phược Ca đem đến chặt đầu.

Mọi người cùng đi bắt, mới biết y vương đã chạy nên vào tâu vua:

– Tìm không thấy chắc đã chạy xa rồi.

Rất tức giận, vua liền gọi Phi Ô:

– Hãy cỡi voi lớn Vi Sơn rượt theo Y Vương cột cổ đem về chặt lấy đầu. Khi gặp, hắn giỏi huyễn thuật nên không được nhận dược vật gì của hắn cả.

Phụng lệnh vua, Phi Ô cỡi voi số một vội vàng rượt theo. Theo dấu chân voi đến vườn cây xoài, Phi Ô theo kịp nên gọi Y Vương:

– Ngài mau trở lại!

Ðáp:

– Sao ông vội vậy, hãy đến đây ăn xoài.

Phi Ô nói:

– Ta tuân lệnh vua, người giỏi huyễn thuật nên đưa vật gì cũng không được nhận lấy.

Ðáp:

– Ông không nên sợ, nay đang đói khát, tôi lấy một trái xoài, mỗi người ăn một nữa.

Phi Ô suy nghĩ:

– Ăn chung một trái, nào có thuật gì!

Y-vương lấy một trái xoài và ăn trước nữa trái, còn lại nữa trái, dùng móng tay có chứa thuốc độc bấm vào nữa trái này làm nhiễm độc, rồi đưa cho Phi Ô.

Sau khi nhận xoài và ăn xong, trước đây Phi Ô đã bị bệnh nan y, nay ăn trái xoài có thuốc, thuốc công phạt bệnh nên trên đau dưới chảy không cầm được.

Y-vương vào thôn, bảo mọi người:

– Ðây là voi lớn số một, voi mẹ Hiền Thiện và sứ giả Phi Ô của vua Mãnh Quang. Các người phải trông nom kỹ chớ làm cho tổn thất, nếu có sai sót phải bị tội nặng.

Dặn dò xong, Y Vương lên đường. Mọi người phụng mệnh, chăm sóc Phi-Ô làm cho hết bệnh.

Ðồng tử y sĩ cũng đã trị cho vua Mãnh Quang hết bệnh. Khi Phi Ô trở về, vua hỏi:

– Y vương ở đâu?

Ðáp:

– Bắt được Y Vương, vua sẽ làm gì?

– Khi ta bắt được, sẽ chặt đầu hắn.

Ðáp:

– Vua đã hết bệnh, chứng nan y của thần cũng sạch, phải cùng nhau trọng thưởng, sao lại chặt đầu?

Nghe như vậy, vua nói:

– Lành thay! Lành thay! Trọng thưởng tùy ý để báo ân lớn cho ông ấy.

Phi-Ô làm sắc chỉ báo cho Y vương:

– Ngài là Y vương đáng được trọng thưởng, sao lại chạy đi. Ðuợc thư, ngài hãy trở lại nhận thưởng của vua.

Thi Phược Ca gửi thư đáp:

– Tôi nhờ ân vua nên tài sản quý không thiếu, nếu nhà vua hoan hỷ với tôi xin đưa cho đồng tử y sĩ phục vụ những vật ban cho tôi.

Nhà vua đem nhiều tài sản ban thưởng cho đồng tử y sĩ. Vua lại sai sứ đem một tấm vải nỉ lớn trị giá trăm ngàn lượng vàng dâng cho y vương. Ðược tấm vải này, với suy nghĩ:

– Thế Tôn là bậc Vô-thượng đại sư, là bậc cha lành của ta, vậy nên dâng cúng cho Ngài, Thị Phược Ca đến gặp Phật, dâng tấm vải nỉ lên.

Thế Tôn nhận lấy, bảo A Nan Ðà:

– Ðem tấm vải này may y.

Sau khi đem cắt rọc, may ba y cho Phật nhưng vẫn còn dư, A Nan thưa lại Ngài. Phật dạy:

– Ông và La Hổ La tùy ý xử dụng.

Sau khi dùng làm hai y trên dưới cho mình, A Nan Ðà đưa phần còn lại cho La Hổ La làm áo Tăng khước-kỳ.

Lại nữa nên biết về nhân duyên của rồng Y La Bát.

Ngày xưa, trên cung điện ở cõi trời Ðổ Sử Ða, có ghi những lời vấn đáp của Phật bằng bài tụng:

– Nơi nào vua là lớn
Bị đắm nhiễm nơi nào,
Không nhiễm mà bị nhiễm,
Hạng nào là kẻ ngu?
Nơi nào kẻ ngu buồn?
Nơi nào bậc trí vui?
Ai biệt ly hòa hợp,
Gọi đó là an-lạc?

Nếu Phật Thế Tôn không xuất hiện trong đời, ý nghĩa tụng này không ai thọ trì và không ai hiểu được. Nếu Phật ra đời thì có người thọ trì và hiểu được ý nghĩa.

Bấy giờ, Ða-văn Dược xoa Thiên vương ở phương Bắc có việc đi đến thiên cung Ðổ-sử, thấy bài vấn tụng này, sinh tâm ái mộ liền ghi lại văn nhưng không hiểu nghĩa, đem về cung mình chép lên bảng.

Tại nước Ðắc Xoa Thi La có cựu trú long vương tên Y La Bát, ngày đêm mong mõi bao giờ được gặp Thế Tôn xuất thế. Long vương này có một Dược xoa thân hữu tên Kim Quang. Dược xoa này nhân đến chỗ Ða Văn thiên ở phương Bắc, thấy bài tụng này trên bảng nên thuộc lòng nhưng không hiểu nghĩa. Dược xoa này đem bài tụng đến nước Ðắc Xoa Thi La, bảo với Long vương Y La Bát:

– Này bạn thân, đây là lời Phật, ý nghĩa sâu xa không ai hiểu được. Bạn hãy ghi nhớ bài pháp tụng này, mang một rương đầy vàng, đi khắp làng xóm thành phố các nước, rao lên rằng:

– Ai giải được ý nghĩa bài tụng này, tôi xin cúng dường rương vàng.

Nếu nơi nào không ai giải đáp được thì nói lên:

– Nơi này không có người nên không gọi là làng nước. Nói như vậy rồi, đi đến nơi khác.

Nghe như vậy, Long vương cung kính thọ trì bài tụng rồi hóa thành một thanh niên mang rương vàng đi khắp làng xóm thành phố các nước … dần dần đến nước Bà La Ny Tư. Ðến giữa ngã tư đường trong thành, thanh niên ấy rao lên:

– Này những người đang ở trong thành và thương khách bốn phương xa đến, hãy nghe lời tôi nói.

Sau khi thuyết tụng, thanh niên ấy nói:

– Bài vấn tụng do tôi đem đến này, nếu ai giải được, xin dâng cúng rương vàng.

Vô số trăm ngàn người tụ tập đến như mây, trong này có kẻ thông minh bác học, tâm ý kiêu ngạo. Nghe xong, mọi người ái mộ kinh ngạc vô cùng, nhưng không có ai giải thích được cả. Long vương xướng lên:

– Ba La Ny Tư đã không có bậc trí vậy không phải là thành phố.

Các Bà-la-môn cư sĩ đều bảo thanh niên ấy:

– Chớ rao như vậy cho rằng đây không phải thành phố. Trong thành này của ta có bậc thượng trí trú nơi A Lan Nhã, hãy chờ vị ấy đến sẽ giải ý nghĩa này.

Hỏi:

– Vị ấy tên gì?

Ðáp:

– Hiệu Na Kích Ðà.

Nếu như vậy, tôi sẽ chờ đợi.

Ðang sống trong rừng vắng, được tin, Na Kích Ðà đi đến. Ðằng ngay trước mặt, hóa Long vương ấy thưa:

– Ðại tiên tôi đem bài vấn tụng này đến đây, nếu ai giải nghĩa được, tôi sẽ cúng cho rương vàng.

Sau khi nghe và ghi nhớ, Na Kích Ðà bảo đồng tư û:

– Ta sẽ giải thích cho ngươi.

Hỏi:

– Bao giờ?

Ðáp:

– Hai mươi năm sau.

– Ðại tiên, thời gian lâu dài quá.

Lại nói:

– Sáu năm.

– Lâu quá.

Ðáp:

– Ba năm …, một năm …, sáu tháng …, ba tháng …, một tháng …, nữa tháng … cho đến bảy ngày .

– Ðại tiên! X in đợi bảy ngày, tùy ý ngài, tôi rất chí thành. Trước đây, Na Kích Ðà là bạn thân với năm Bí-sô, nên đến nói với họ:

– Có một thanh niên đem bài tụng này và một rương vàng đến gặp tôi và nói:

– Người nào giải được câu tụng này, sẽ đem rương vàng cúng dường. Nhưng bài tụng ấy chữ ít nghĩa nhiều, sâu xa khó hiểu nay phải làm sao?

Bí-sô đáp:

– Na Kích Ðà nên đến hỏi Phật.

– Thưa ngài, Phật ra đời rồi sao?

Ðáp:

– Ðã ra đời.

– Hiện nay đang ở đâu?

Ðáp:

– Ðang ở rừng Thi Lộc, Tiên nhân đọa xứ.

Nghe như vậy, người ấy rất vui mừng, vội vàng đến gặp đức Thế Tôn, thấy thân ba mươi hai tướng tươi sáng, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm rực rỡ, hào quang chiếu xa một tầm sáng chói hơn ngàn mặt trời, thân hình như núi báu, sắc tướng thù diệu, tâm thần yên tịnh hơn người tu tập thiền định mười hai năm. Trực tiếp thấy như vậy, Na Kích Ðà sinh tâm hoan hỷ như người không thể sinh con tự nhiên có con, như người nghèo cùng được kho báu lớn, như thái tử đuợc kế vị vua, như hữu tình đã tích chứa thiện căn đã lâu lần đầu gặp Phật. Thâm tâm Na Kích Ðà hoan hỷ cũng như vậy. Ông ta đến gần Phật, lạy sát chân rồi ngồi qua một bên.

Thế Tôn tùy theo căn cơ sự khác biệt về ý thích, phiền trược, căn tính của họ mà thuyết pháp bốn Thánh-đế làm cho họ khai ngộ. Sau khi nghe pháp, Na Kích Ðà dùng chày kim-cương phá tan núi hai mươi Tát Ca Da thân kiến chứng quả Dự Lưu. Sau khi thấy chân đế, vị này lạy sát chân Phật, bạch:

– Thế Tôn! Con xin được xuất gia trong thiện pháp luật của Phật, thành tựu tánh Bí-sô, kiên trì tu tập phạm hạnh.

Phật dạy:

– Trước đây, ông đã hứa với thanh niên giải đáp ý nghĩa câu tụng, nên đến trả lời với họ cho xong, sau đó xuất gia.

– Tuy con đạt được trí kiến như vậy, nhưng đối với ý nghĩa câu tụng chưa hiểu rõ ràng, đã không có biện tài dù đến có ích gì.

Phật dạy:

– Ông hãy đến đó, nói thế này:

– Người hãy nói câu vấn tụng ấy cho tôi nghe. Họ nói xong, nên đáp:

Vua thứ sáu là lớn,
Do ái nhiễm nên đắm,
Không nhiễm mà sinh nhiễm,
Gọi phàm phu tham ái.
Kẻ ngu vì vậy buồn,
Nơi ấy trí vẫn vui.
Biệt ly khỏi tham ái,
Ðây gọi là an lạc.

Nếu họ nói không hiểu thì nói kệ này:

Người nào nghe diệu ngữ,
Hiểu rồi tu thắng định,
Ai nghe không hiểu nghĩa,
Người ấy do phóng dật.
Nếu họ nghe kệ, lại nói thế này:
Ông nói ra lời Phật,
Tôi chưa rõ nghĩa ấy,
Ý mê mờ chưa hiểu,
Mau trừ nghi cho tôi.

Khi nói như vậy, ông nên dùng móng tay xé lá trước mặt họ. Nếu họ lại hỏi về Thế Tôn ra đời, thì bảo đã ra. Nếu hỏi ở đâu, thì đáp trong rừng Thi Lộc.

Sau khi thọ trì lời Phật dạy, Na Kích Ðà đến gặp thanh niên ấy, nói:

– Anh hãy nói tụng, tôi sẽ đáp.

Ðáp hỏi đầy đủ..v.v … cho đến Phật trong rừng Thi Lộc. Y La Bát suy nghĩ: “Nếu trước mặt Na Kích Ðà mà ta hiện thân rồng, ông ấy sẽ khinh ta. Nếu mang thân Bà-la-môn đến gặp Phật thì tại Bà La NyTư có đại Bà-la-môn hiểu ba sách minh và bốn luận minh. Họ thấy ta mang thân hình thanh niên tất cùng nhau chê bai vì các Bà-la-môn sinh trong giòng tộc cao quý, vì sao tự hạ mình đến gặp Kiều Ðáp Ma. Nếu ta mang thân rồng đến gặp Thế Tôn, rồng có nhiều oán, sợ bị chướng ngại. Ta nên hóa hình vua Chuyển luân đến gặp Thế Tôn.”

Sau khi suy nghĩ, rồng hóa làm Luân-vương có bảy báu dẫn đầu cùng 99 câu-đê đội binh theo sau, ngàn con trai vây quanh theo hình bán nguyệt, trang sức bằng các loại báu vật, vô lượng các hạng ngoại đạo Sa-môn phạm chí trăm ngàn người theo tùy tùng, trên đầu vua che tàng lọng trăm nan, uy quang rực rỡ như nhật nguyệt đi đến chỗ Thế Tôn.

Bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp trước vô lượng trăm ngàn người. Mọi người vừa trông thấy Luân-vương với vô lượng trăm ngàn quân chúng vây quanh, sinh tâm ái mộ, nói với nhau:

– Luân vương này từ đâu đến, chưa thấy trong đời, hay là Phạm thiên vương … đến cúng dường phải không?

Trong đại chúng, người có tâm ái lạc, phát sinh tham đắm ngắm nhìn thân vua đều sinh vọng niệm.

Ðến gặp Phật, vua lạy sát hai chân Phật, ngồi qua một bên.

Ðức Phật bảo:

– Ngươi là kẻ ngu si, trong thời Phật Ca Diệp Ba, thọ cấm giới của Phật nhưng không hộ trì, vì phá giới nên bị quả báo làm thân rồng hạ liệt sống lâu này. Nay vì sao ngươi lại sinh tâm dối trá, gạt đồ chúng của Ta, hãy mau hiện trở lại hình rồng.

Long vương bạch:

– Thế Tôn! Con là thân rồng, có nhiều điều oán ghét, sợ có chúng sinh cùng nhau làm hại.

Thế Tôn bảo Kim Cương Thủ:

– Ông nên bảo hộ rồng đừng để bị tổn hại.

Vâng lệnh Thế Tôn, Kim Cương Thủ đi sau bảo hộ. Long vương đứng dậy, đến một nơi khác hiện trở lại hình rồng, có bảy đầu lớn dài vô cùng. Ðầu dựa vào thành Bà la ny tư, đuôi nằm ở nước Xoa Thi La( cách nhau hai trăm trạm ngựa). Do nghiệp đời trước, trên mỗi đầu đều có mọc ra một cây đại thọ y-la, bị gió lay động mủ máu chảy ra thấm nhớp thân thể, hôi hám đáng ghét, thường có các loại ruồi, giòi bu khắp thân thể đểû cắn rỉa suốt ngày đêm, làm mọi người ghê tởm không ai muốn nhìn.

Bằng thân rồng của mình, Long vương đến lạy sát hai chân Thế Tôn rồi ngồi qua một bên.

Khi đại chúng thấy thân thể Long vương ghê gớm đáng sợ như vậy, những người ly dục còn sinh kinh sợ, huống chi người chưa ly dục mà thấy thân thể này với vi vẩy thô kệch đều bị xé rách, vết thương đầy máu mủ với nhiều màu sắc kỳ dị, lồi lõm cao thấp không bằng phẳng rất to lớn, sao lại không kinh hãi. Họ bạch Phật:

– Ðến trước Thế Tôn là vật gì vậy?

Thế Tôn bảo đại chúng:

– Ðấy là thân vua Chuyển Luân đến đây lúc trước. Các ông sinh tâm tham ái với vinh hoa sinh tử của nó. Ðây chính là thân thật, thân trước là biến hóa, do ác nghiệp trước đây nên chịu khổ báo này.

Nghe Phật nói xong, mọi người đều buồn rầu im lặng.

Long vương bạch Phật:

– Cầu xin Thế Tôn thọ ký cho con biết ngày nào bỏ được thân rồng này?

Phật bảo Long vương:

– Trong tương lai khi loài người thọ tám vạn tuổi, có Phật ra đời hiệu Từ Thị đầy đủ mười hiệu sẽ thọ ký cho ngươi thoát khỏi thân rồng.

Bấy giờ, ngay trước Phật, Long vương đau buồn kêu khóc, mắt của các đầu đồng thời đổ lệ làm thành mười bốn giòng sông cuồn cuộn chảy xuống.

Phật lại bảo:

– Ngươi hãy ngừng lại, đừng khóc lớn nữa, nước mắt chảy mãi phá tan cả quốc độ.

Rồng bạch Phật:

– Bản tâm con không hại đến mạng nhỏ huống chi làm tổn thất quốc độ.

Nói xong, rồng đảnh lễ sát chân Phật rồi biến mất.

Bấy giờ, đại chúng đều nghi ngờ, bạch Phật:

– Ðời trước, Long vương này đã làm nghiệp gì, trên đầu mọc cây, thân chảy ra máu mủ … như nói trên?

Phật bảo đại chúng:

– Muốn biết nhân duyên gì của Long vương mà chịu quả báo thân thể đau khổ này, tự làm tự chịu không ai thay thế được, nói rộng như bài kệ nói trên:

Dù trải qua trăm kiếp
Nghiệp đã làm không mất,
Khi nhân duyên gặp nhau,
Tự nhận lấy quả báo.

Này các Bí-sô, hãy lắng nghe lời Ta dạy:

– Thời quá khứ, trong đời Hiền kiếp, khi loài người sống hai vạn tuổi, có Phật ra đời tên Ca Nhiếp Ba đầy đủ mười hiệu, trú trong rừng Thi lộc thuộc Ba la ny tư. Bấy giờ Long vương xuất gia tu hành trong Phật pháp ấy, thông suốt ba tạng, tu tập đầy đủ các môn thiền định, sống nơi tịch tịnh, dưới cây y la, siêng năng kinh hành. Bị lá y la rơi đánh vào trán nhưng vị ấy vẫn chịu đựng. Một hôm, quá chú tâm nên mệt mõi, liền xuất định, chánh niệm kinh hành, lại bị lá y la rơi đánh vào trán rất đau đớn, vị này phẫn nộ dùng hai tay bẻ lá y la ném xuống đất và nói rằng Phật Ca Nhiếp Ba đối với vật vô tình ở trên thấy có lỗi gì mà chế ra học xứ, làm cho ta bị đau đớn này. Vị ấy do tâm phẫn nộ mãnh liệt nên hủy báng giới, sau khi qua đời đọa vào loài rồng này. Có cây y la mọc trên đầu, mủ máu chảy ra, bị nhiều loại trùng ruồi giòi cắn rỉa hôi hám vô cùng.

– Này các Bí-sô, suy nghĩ thế nào, Bí-sô thông ba tạng giỏi thiền định mà phá hoại lá cây y la nào phải ai lạ chính là con rồng ấy. Bí-sô nên biết, nghiệp đen quả báo đen, nghiệp trắng quả báo trắng, nghiệp tạp quả báo tạp … Thế nên các ông liền từ bỏ nghiệp đen, nghiệp tạp, tu tập nghiệp thuần trắng cho đến nói bài kệ như trước.

Khi ấy, tiên nhân Na Kích Ðà đến làm lễ sát chân Phật, ngồi qua một bên bạch Phật:

– Thế Tôn! Ðiều hứa trước đây con đã làm xong, nay muốn xuất gia tu học trong thiện pháp luật của Như Lai.

Phật dạy:

– Thiện Lai Bí-sô! Cho phép ông xuất gia để tu phạm hạnh.

Nghe Phật nói xong, râu tóc ông ta tự rụng như đã cạo được bảy ngày, thân mặc pháp y, bình bát nơi tay, uy nghi nghiêm túc như Bí-sô trăm tuổi hạ, nói kệ:

– Thế Tôn gọi thiện lai
Tóc rụng, y kín thân,
Các căn liền tịch tịnh,
Theo Phật, ý thành tựu.

Các Bí-sô thấy Na Kích Ðà xuất gia rồi, những vị đồng phạm hạnh không biết gọi vị này bằng danh hiệu gì nên đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô này họ Ca Ða Diễn Na, nên dùng họ này gọi thành tên.

Các Bí-sô theo đó mà gọi. Thế Tôn bảo Ca Ða Diễn Na:

-Trong thế gian có hai chỗ y cứ là thấy có và thấy không, lại do phiền não trói buộc nên cố chấp vào hai sự thấy này. Phiền não không trừ thì mãi ôm lòng ngã mạn, tùy theo khổ nên có sinh và diệt. Này Ca Ða Diễn Na, do không còn nghi hoặc nên trí tuệ tự phát sinh, chánh kiến hiện tiền như tri kiến của Phật. Vì sao?

– Bằng chánh trí thấy rõ pháp sinh ra thế gian rồi thì không còn sinh cái chấp không theo thế gian, bằng chánh trí thấy rõ pháp diệt thế gian nên không còn sinh cái chấp có theo thế gian. Này Ca Ða Diễn Na, đối với cái thấy hai bên này không nên chấp vào. Như Lai thường y vào trung đạo mà thuyết pháp. Ðó là:

– Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, tức là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử ưu bi khổ não, như vậy cả một tập hợp khổ não cực lớn tương tục phát sinh. Cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt, tức là vô minh diệt nên hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục xứ diệt, lục xứ diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sinh diệt, sinh diệt nên lão tử ưu bi khổ não diệt, như vậy cả một tập hợp khổ não cực lớn bị tan diệt.

Khi nghe Phật giảng xong, ngay tại chỗ ngồi Ca Ða Diễn Na quán tri năm đường luân hồi sinh tử hữu vi là vô thường, khổ, không, vô ngã, tâm khai ý ngộ, đoạn trừ các phiền não, chứng quả A-la-hán với ba minh sáu thông, đủ tám giải thoát, được như thật tri:

– Ta sinh đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không còn tái sinh, tâm không chướng ngại như tay vỗ hư không, dao cắt mùi hương, không còn thương ghét, xem vàng và đất như nhau, không còn vướng bận vào danh lợi, Thích Phạm chư thiên đều cung kính.

Do Phật đặt tên là Ca Ða Diễn Na nên từ đó về sau Tôn giả được gọi là Ðại Ca Ða Diễn Na.

Bấy giờ, nhân dân nước Ôn Thệ Ny bị bệnh dịch chết nhiều, xe tang đưa mãi, thây chết khắp đồng. Vua cùng nhân dân đều buồn khổ. Các quan tâu vua:

– Ðại vương nên tu các phước nghiệp. Có người tâu nên cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn. Có người nói nên làm các pháp chú thuật trị bệnh.

Nghe thương nghị xong, vua chuẩn bị đầy đủ việc cầu thỉnh trừ tai họa, mong diệt bệnh dịch cho bá tánh an ninh, rồi bảo người thủ môn:

– Các ngươi nên biết, nếu có những Sa-môn, Bà-la-môn nào đến thành này mà có thể trừ bệnh dịch, báo cho ta ngay.

Ðức Như Lai Ðại sư biết nhiều người trong nước này bị bệnh dịch chết vô số nên muốn cứu hộ. Thường pháp của đấng Vô thượng Thế Tôn như vậy, quán sát nghe biết khắp thế gian, luôn luôn đem tâm đại bi làm lợi ích cho tất cả, là bậc tối thượng trong việc cứu hộ, rất là hùng mạnh không nói hai lời, an trú trong định tuệ hiển lộ ba minh, khéo tu tập tam học, khéo điều phục ba nghiệp, vượt bốn bạo lưu, an trú trong bốn thần túc, trong đêm tối luôn tu bốn nhiếp hạnh, xả bỏ năm triền cái, xa lìa năm chi, siêu việt năm đường sáu căn đầy đủ, viên mãn sáu độ, thí khắp bảy tài, nở hoa bảy giác, ly tám pháp thế gian, chỉ dạy Tám chính đạo, đoạn hẳn chín kết, thông suốt chín định, sung mãn mười lực, tiếng vang khắp mười phương, tối thắng trong các bậc tự tại, được pháp vô-úy, chiến thắng ma oán, phát sấm vang lớn, rống tiếng sư tử, suốt cả ngày đêm luôn dùng Phật nhãn quán sát thế gian ai tăng ai giảm, ai gặp khổ nạn, ai hướng đến nẻo ác, ai bị chìm trong bùn dục, ai có thể hóa độ được, dùng phương tiện gì để cứu ra khỏi, ai không thánh tài làm cho được thánh tài, dùng trí như thuốc An-thiện-na phá trừ mạc mắt vô minh, làm cho người không có thiện căn trồng thiện căn, có thiện căn làm cho tăng trưởng, an trí nơi nẻo trời an ổn không ngại, hướng đến thành Niết bàn, như lời nói:

– Thủy triều của biển lớn
Có khi sai chu kỳ,
Với người cần giáo hóa
Phật tế độ không bỏ.
Như mẹ có một con
Luôn giữ gìn mạng nó,
Với người cẩn giáo hóa
Phật thương hơn cả mẹ,
Ðối với loài hữu tình
Phật thương nhớ không bỏ,
Nghĩ cứu khổ nạn chúng
Như bò mẹ theo nghé.

Sau khi quán sát: “Ai có thể điều phục vua Mãnh Quang nước Ôn Thệ Ny cùng cung phi thể nữ và thứ dân”. Ðức Phật biết rõ Bí-sô đại Ca Ða Diễn Na có thể điều phục được họ. Ngài bảo:

– Này Ðại Ca Ða Diễn Na, ông hãy quán sát vua Mãnh Quang, cung phi thể nữ và nhân dân thành Ôn Thệ Ny mà làm cho họ được an lạc.

Tôn giả bạch Phật:

– Xin vâng lời dạy của Thế Tôn.

Vào sáng sớm, Tôn giả mặc y bưng bát vào Bà La Ny Tư thứ lớp khất thực. Sau khi thọ trai, mang theo y bát cùng năm trăm Bí-sô đi về nước Ôn Thệ Ny, trên đường đi đến nước Kiến Noa Cúc Xã. Trong thành này có một Bà-la-môn bạn cũ của Tôn giả. Ông ta có một cô gái hình dáng cân đối, sắc đẹp tuyệt trần, màu tóc sáng mướt, không ai sánh bằng, vì vậy có hiệu là Diệu Phát (tóc đẹp). Có người chơi âm nhạc từ phương Nam đến, thấy mái tóc của Diệu Phát đẹp kỳ lạ nên đến gặp Bà-la-môn nói:

– Ðại Bà-la-môn, tôi đang cần mái tóc cô gái này, có thể bán cho tôi với giá một ngàn đồng tiền vàng.

Bà-la-môn đáp:

– Pháp Bà-la-môn không được bán tóc, vì sao ngươi nói lời phi pháp như vậy?

Không được toại ý, người kia im lặng bỏ đi.

Sau đó, người cha qua đời. Người mẹ nghe thánh giả Ð?i Ca Ða Diễn Na cùng năm trăm người đến nước này, đang ở cách đây không xa. Chồng mới chết nên lòng bà còn ưu buồn, nghe Tôn giả đến, càng thêm lo lắng, chống má suy nghĩ. Thấy mẹ ưu sầu, Diệu Phát hỏi lý do vì sao chống tay lên má ưu buồn vậy?

– Thánh giả Ðại Ca Ða Diễn Na bạn cũ của cha con đã đến đây. Cha con đã qua đời, nhà ta lại bần cùng không thể dọn được một bữa cúng dường nên ta lo buồn.

Cô gái nói:

– Nếu vậy, bán mái tóc cho người chơi nhạc với giá 1000 tiền vàng, rồi đem dùng vào việc cúng dường. Sau này, tóc con lại mọc ra, xin mẹ chớ lo buồn.

Nghe như vậy, biết con có lòng tin thanh tịnh, mẹ đến gặp người chơi âm nhạc nói:

– Thưa ngài, trước đây ngài cần mua mái tóc con gái tôi nên trả giá 1000 tiền vàng, có cần nó, thì trả theo giá cũ.

Ðáp:

– Này bà lão, khi ấy tôi cần tóc này, nay không cần nữa, nếu đã cắt ra bán xin lấy một nữa giá.

Người mẹ đồng ý nhận tiền trao mái tóc rồi ra về.

Ði đến thành kia rồi, Tôn giả an tâm trú một nơi thanh tịnh. Vợ người Bà-la-môn đến gặp Tôn giả, đảnh lễ sát chân rồi thưa:

– Thánh giả! Ði đường có an ổn không. Khi còn sinh tiền, chồng của con quen biết ngài, xin ngài từ mẫn nhận bữa cúng dường nhỏ mọn của con vào trưa mai.

Tôn giả nói:

– Chúng tôi rất đông, làm sao dâng cho đủ?

Hỏi:

– Thánh giả, chúng tăng có bao nhiêu vị?

– Có năm trăm vị.

Ðáp:

– Rất tốt.

Thánh giả im lặng.

Biết Thánh giả đã nhận lời, bà lão làm lễ rồi ra về và bày biện các món cúng dường trong nhà.

Sáng mai, sau khi trải tòa ngồi, bố trí nước sạch, bà đến bạch:

– Thức ăn đã dọn xong, thưa Thánh giả đã đến lúc.

Vào buổi sáng ấy, Tôn giả mặc y cầm bát, cùng năm trăm vị khác đến nhà bà lão và ngồi vào chỗ. Thấy đại chúng đã an tọa, bà lão tự tay dâng các món ăn uống thơm ngon thượng hạng. Sau khi đại chúng thọ trai, xỉa răng, súc miệng, thu xếp bát xong, bà lão đặt một chỗ ngồi nhỏ để nghe thuyết pháp.

Khi sắp thuyết pháp, Tôn giả hỏi:

– Diệu Phát con gái của bà đang ở đâu?

Ðáp:

– Hình dáng không đàng hoàng nên không dám đến.

Tuy bậc A-la-hán mà không quán sát cũng không biết, Tôn giả quán sát tâm cô ấy, biết rất thuần thiện, nên bảo:

– Con gái bà có thiện tâm hãy gọi ra đây.

Diệu Phát liền ra khỏi phòng, đến gặp Tôn giả, chí tâm lạy sát chân rồi ngồi qua một bên. Bà mẹ thưa:

– Ðây là Diệu Phát, tuy biết xúc phạm, xin thỉnh Tôn giả cho làm con gái …

Bà nói tiếp:

– Ðã hệ thuộc nhau, có việc quan hệ cần phải thưa hỏi. Cô gái này nên gả cho nhà nào?

Tôn giả đáp:

– Ta là người xuất gia không nên đem việc thế tục ra hỏi. Nhưng cô gái này sẽ được vật trang sức và anh lạc trong ngoài với số lượng đều bằng năm trăm tiền vàng, được phong ấp bằng năm tụ lạc lớn.

Người mẹ nói:

– Con là nhà nghèo, ai sẽ ban cho thắng sự như vậy?

Tôn giả nói:

– Chớ nói như vậy, cô này phước đức cao xa nhờ tâm ân cần thanh tịnh cúng dường nơi phước điền thù thắng tất sẽ thu hoạch quả báo thù thắng này, chớ có lo buồn.

Người mẹ im lặng.

Sau khi giảng thuyết diệu pháp làm cho mẹ con bà lão được lợi ích hoan hỷ, Tôn giả rời chỗ ngồi, từ giã đi dần đến nước Ôn Thệ Ny.

Chúng tăng vừa vào thành, một nữa tai hoạn đã bị trừ diệt. Người thủ môn đến tâu vua:

– Ðại vương biết không, có năm trăm người dung mạo đặc biệt, vừa vào trong thành thì một nữa tai hoạn đã bị tiêu diệt.

Vua nói:

– Ðây thật là việc thiện, nên đích thân cúng dường.

Bấy giờ, các vị Bà-la-môn đến tâu vua:

– Chúng tôi cực khổ cả ngày đêm để làm việc trừ tai họa, nhờ uy lực của chúng tôi nên tai hoạn đã bị tiêu diệt một nữa, không bao lâu nữa sẽ bị trừ diệt hết, vì sao nay lại nói nhờ các Bí-sô kia.

Sau khi chú nguyện cho nhà vua không bệnh trường thọ xong, các Bí-sô từ giã ra đi.

Vua nói với đại thần:

– Người giữ cổng tâu với ta, có năm trăm người dung mạo đặc biệt, vừa vào trong thành thì những tai hoạn đã bị tiêu diệt hết một nữa. Các Bà-la-môn nói rằng chúng tôi cực khổ cả ngày đêm, làm việc trừ tai chướng, do uy lực của chúng tôi nên một nữa tai chướng bị tiêu diệt, không bao lâu nữa sẽ không còn chứ không do người ngoài. Ta không biết là do công sức của ai. Các khanh hãy đưa các Bí-sô và Bà-la-môn đến chuồng voi, tại nơi bất tịnh, dùng bánh gạo thô, tẩm nước dấm vào rồi cho họ ăn. Sau khi ăn xong đi rồi, hỏi cả hai phe:

– Hôm nay nhà vua dọn ăn như thế nào?

Ðại thần tâu vua:

– Nên làm như vậy.

Sau khi làm theo lời vua, dọn ăn nơi chuồng voi, chờ họ ăn xong đi ra, người giữ cửa hỏi Bà-la-môn trước:

– Thưa quý ngài, hôm nay đại vương cúng dường, thức ăn như thế nào?

Họ rất tức giận, cao giọng nói lớn:

– Chúng tôi thấy việc này phi pháp, Bần vương dùng bánh gạo thô dở rưới dấm lên, dọn cho Bà-la-môn, làm sao có phước.

Nghe như vậy, người giữ cửa im lặng.

Sau khi họ đi, Bí-sô vừa đến. Người giữ cửa hỏi:

– Thánh giả! Vật cúng của nhà vua, mùi vị như thế nào?

Ðáp:

– Hiền thủ! Vật thí chủ cúng, người nhận ăn chỉ đủ để nuôi thân thể cho qua ngày đêm.

Người giữ cửa vào gặp vua, kể lại hai lời nói trên. Nghe xong, vua bảo họ:

– Nay tại chỗ sạch sẽ trong chuồng voi, khanh dọn thức ăn ngon và hỏi như trước.

Tại nơi sạch sẽ, họ trải chỗ ngồi đẹp, dâng món ăn ngon. Khi khách sắp ra về, họ hỏi như trước, Bà-la-môn đáp:

– Ngài như vua Quán Ðảnh Sát Ðế Lị, dọn món ăn sạch ngon, được phúc vô lượng.

Người giữ cửa nói:

– Nhà bếp của vương cung làm việc không nhất định, nhờ đâu hôm nay không bị chê bai.

Bà-la-môn im lặng.

Ðến lượt Bí-sô được hỏi đến, đáp như trước. Người giữ cửa vào gặp vua tâu sự việc ấy lên. Vua lại ra lệnh dọn các món ăn sạch bẩn ngon dỡ nơi chuồng ngựa cũng tương tự như nơi chuồng voi … hỏi và đáp như trước.

Nghe như vậy, với suy nghĩ: “Chúng Bí-sô thật đúng là ruộng phúc, Bà-la-môn không phải, vua sinh tín tâm đi đến gặp Ðại Ca Ða Diễn Na, đảnh lễ rồi ngồi qua một bên.

Tôn giả thuyết pháp làm cho vua lợi ích hoan hỷ rồi ngài im lặng. Nhà vua lại lạy sát chân, bạch:

– Tôn giả! Ngưỡng mong Tôn giả từ bi cùng các Thánh chúng sáng mai đến cung con dùng bữa trai phạn đạm bạc.

Tôn giả im lặng nhận lời.

Thấy Tôn giả đã nhận lời, vua làm lễ từ giã, ngay trong đêm ấy bày biện các món ăn thượng hạng. Sáng sớm, sau khi xếp đặt chỗ ngồi, bố trí bình nước sạch, vua sai sứ giả đến bạch Tôn giả:

– Thức ăn đã sẵn sàng, thưa Thánh giả đến giờ.

Buổi sáng ấy, Tôn giả mặc y mang bát cùng các Bí-sô đến nơi thiết trai, ngồi vào chỗ. Vua ra lệnh nhạc sĩ vũ công đồng thời cử âm nhạc ca múa. Tôn giả và Tăng chúng ngồi nghiêm trang tề chỉnh giữ gìn các căn. Trống nhạc tấu xong, vua hỏi Tôn giả:

– Âm nhạc như thế nào, ngài nghe thấy có được không?

Tôn giả đáp:

– Ðại vương! Người có thấy nghe mới biết hay dỡ.

Vua thưa:

– Các căn kín bên trong có thể cho là không biết, tâm theo ngoại cảnh sao không thấy nghe?

Tôn giả muốn cho vua hiểu rõ việc ấy nên dùng phương tiện khéo léo nói với vua:

– Hiện nay nhà vua có người nào đang bị tội chết không?

Vua hỏi:

– Cần làm việc gì?

Ðáp:

– Nhà vua có thể dùng một bát dầu đầy đặt vào tay họ, sai người cầm đao đi sau cho kinh sợ nhưng không nên làm hại, ra lệnh rằng nếu để rơi một giọt dầu xuống đất, sẽ bị chặt đầu, cho phép họ đi một vòng, ngay trước mặt bố trí kỹ nữ tấu các loại âm nhạc. Khi trở lại chỗ cũ, hỏi người cầm bát dầu:

– Hình dung mỹ nữ và âm nhạc có đẹp và hay không? Sau đó đối với tôi, vua mới tin thật.

Nghe như vậy, vua lần lượt làm theo đúng lời nói. Khi người ấy đến trở lại, được hỏi:-

– Mỹ nữ có đẹp, âm nhạc có hay không?

Ðáp:

– Ai có thấy nghe mới biết tốt xấu.

Vua hỏi:

– Ngươi có mắt tai vì sao không thấy nghe?

Ðáp:

– Ðại vương, nếu tôi làm rơi một giọt dầu, người cầm đao sẽ chặt đầu tôi, xác ngã ra đất. Trong lúc ấy, tôi vừa sợ bát nghiêng, vừa sợ đầu rơi, nên nhất tâm cầm bát đi lại một cách khổ sở, rảnh đâu mà biết dung mạo của mỹ nữ, ca múa hay dỡ.

Nghe như vậy, vua im lặng không biết nói gì.

Tôn giả hỏi:

– Ðại vương thấy không?

Vua đáp:

– Ðã thấy.

– Ðại vương! Người này chỉ vì sinh mệnh trong một đời, sợ gặp khổ lớn mà còn cẩn thận chánh niệm không dám phóng dật, khéo giữ kỹ thân mạng, huống chi Bí-sô chúng tôi đã từ bỏ các loại ca múa. Biết đấy là nhân sinh ra nhiều đau khổ, lẽ nào tôi lại muốn thấy nghe nữa?

Vua xem dầu trong bát, xét rõ sự tình nên càng bội phục kính trọng Tôn giả.

Khi ấy, thái tử và các thể nữ trong cung vua cùng nhân dân đều đến tùy hỷ đem các món ăn thượng hạng cúng dường Bí-sô.

Sau khi đại chúng thọ trai, xỉa răng, súc miệng, thu cất bát xong, vua ngồi một ghế thấp trước Tôn giả, hỏi:

– Có nơi nào dùng thức ăn uống thơm ngon cúng dường cho năm trăm thánh chúng bằng như con không?

Tôn giả nói:

– Vua là quốc chủ, chế ngự trăm thành, mọi việc vâng theo ý vua không có thiếu sót, dùng thức ăn uống thượng hạng cúng dường năm trăm tăng, nào phải hiếm có. Trước khi tôi đến đây, trong tụ lạc kia, nhà có cô gái nhỏ hận mình nghèo nàn nên tự cắt tóc bán được năm trăm tiền vàng, tổ chức cúng dường món ăn ngon cho chúng tôi, đấy mới là hiếm có.

Nghe như vậy, vua suy nghĩ: “Tóc cô gái ấy giá trị đến năm trăm, vậy thể nữ chư thiên cũng khó so được, phải tìm xem ấy là người nào, ta nên lấy cô ta, Tôn giả là bậc cao đức, không nên hỏi ngài”.

Vua ra lệnh sứ giả:

– Ngươi hãy đi đến những nơi Tôn giả đã đến, thôn xóm nào có cô gái bán tóc được năm trăm tiền vàng đem làm thức ăn cúng dường dâng lên. Ðại Tôn giả Ca Ða Diễn Na. Cô gái ấy là ai, ta cần gặp.

Biết tâm ý vua, sứ giả tìm hỏi, dần dần đi đến thành Kiến Noa Cúc Xã. Vào trong thành, hỏi thăm khắp nơi, biết đúng chỗ muốn tìm, sau khi nghỉ ngơi, sứ giả đến nhà Bà-la-môn, đứng trước cửa, thấy người mẹ đi ra, liền đến thăm hỏi sức khỏe.

Bà mẹ hỏi:

– Ngài đến đây vì muốn chuyện gì?

Ðáp:

– Tôi muốn tìm Diệu Phát để tính việc hôn nhân.

Hỏi:

– Với ai?

Ðáp:

– Sung vào ngôi hoàng hậu cho vua Mãnh Quang.

Mẹ nói:

– Rất tốt, nhưng sính lễ không ít nên sợ việc không thành.

Sứ giả hỏi:

– Vật ấy bao nhiêu?

Mẹ đáp:

– Ðồ trang sức bên trong phải đủ số năm trăm, số lượng anh lạc đeo bên ngoài cũng vậy, phong ấp bằng năm trăm tụ lạc; Ðuợc những vật này, tôi sẽ gã con gái.

Nghe như vậy, sứ giả vội chạy về tâu vua:

– Ðại vương, thần đã tìm được cô gái.

Vua hỏi:

– Ngươi nói gì với họ?

Ðáp:

– Thần bảo với người mẹ là vua muốn lấy cô gái làm hoàng hậu.

Vua hỏi:

– Họ đòi sính lễ?

Sau khi nghe sứ giả tâu lại đầy đủ, nhà vua ra lệnh:

– Cung cấp theo yêu cầu của họ dù nhiều hay ít.

Tuân lệnh vua, sứ giả đến nhà cô gái cùng nhau giao kết chọn ngày tốt, nghi lễ đầy đủ, quân lính trước sau nghiêm chỉnh cờ trống đi từ thành Kiến Noa đến nước Ôn Thệ Ny. Ngay trong ngày họ vào thành, tất cả bệnh dịch đều bị tiêu diệt, đất nước bình yên, nhân dân an lạc. Nhân điềm lành này ứng hiện nên mọi người cùng gọi cô gái là An Lạc phu nhân.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 25 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 17 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 01 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 33 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 32 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 34 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 30 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 29 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 36 - Luật Tạng
  • Luật Tứ Phần – Phần 1: Giới Tỳ Kheo – Chương 7. Thức-xoa-ca-la-ni - Luật Tạng
  • Pháp Thức Căn Bản Của Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ Tì Nại Da Về Việc Xuất Gia - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 16 - Luật Tạng