TỲ-NẠI-DA TẠP SỰ

– Mùla-Sarvàstivàda Vinaya Ksudraka Vastu –
(Cuộc đời đức Phật và các đệ tử)

Hán dịch: Tam Tạng Nghĩa Tịnh, đời Ðường
Việt dịch: Tỳ khưu Tâm Hạnh, PL 2542 – TL 1998

***

QUYỂN THỨ 33

Nhiếp tụng chín trong biệt môn bảy:

Tự ngoại bất vi sám,
Ðộc bất linh thế phát,
Bất nhẫm ny tự ốc,
Chuyên đẳng bất khai thân.

* Duyên xứ như trước. Có một Bí-sô ny đến chỗ Bí-sô để học với vị này nhưng có lỗi bị quở trách nên đi về chùa mình nằm buồn bã. Thấy vậy, Thân giáo sư hỏi:

– Vì sao nằm buồn bã như vậy?

Ðáp:

– Thưa Thân Giáo-sư, con bị quở trách, giờ phải làm sao đây?

Thầy đáp:

– Này con! Còn làm gì nữa, Vị Quỹ Phạm Sư ấy vì muốn chính pháp tồn tại nên quở trách con, hãy mau đến sám hối xin vị ấy hoan hỷ cho.

Ðáp:

– Lành thay! Con đến xin sám hối.

Ðến phòng ở nơi rừng Thệ Ða nhưng không gặp, cô ny đi tìm, gặp vị kia đang đi kinh hành ngoài chùa, liền làm lễ sát chân. Vị kia không nhận lễ và bỏ đi. Những kẻ nam nữ thấy vậy cho rằng cô ta bị dục nhiễm trói tâm nên bảo:

– Tôi biết Thánh giả có tâm sám hối nhưng vị ấy không nhận vậy nên đến đây với chúng tôi, cần gì chúng tôi sẽ tìm kiếm cho.

Nghe vậy, cô ny này xấu hỗ im lặng trở về chùa. Ny thưa Bí-sô; Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ: Vì các Bí-sô không nhận cho ny sám hối nên làm cho các nam nữ tham đắm dục lạc sinh ra nhận thức xấu.

Phật dạy:

– Bên ngoài chùa, Bí-sô và Bí-sô ny không được xin vị khác hoan hỷ. Bí-sô nhận sự sám hối của họ, không được bỏ đi. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ như trước. Các Bí-sô ny sai người thợ cạo tóc cho mình. Thấy họ trẻ tuổi, ny sinh tâm ái dục. Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô ny các cô, tâm thường loạn động, nếu không chế phục tâm ý thì luôn bị phiền não dối gạt. Tính của phái nữ, tâm dục rất mạnh, từ nay trở đi Bí-sô ny không được một mình sai người cạo tóc. Khi cạo tóc, nên nhờ một cô ny khác ngồi bên cạnh. Nếu người cạo tóc sinh tâm dục nhiễm biểu hiện tướng khác lạ, vị ny kia nên bảo:

– Hiền thủ nên biết, thân người nữ do xương thịt giả hợp tạo thành, hư vọng không thật, chớ sinh tà niệm với Bí-sô ny mà bị khổ địa ngục.

Nếu Bí-sô ny sinh tà niệm, nên bảo rằng:

– Này cô em, cô đã nhận lấy sự việc xuất gia bỏ tục, nên nhớ lại khi thọ cận viên giữa hai bộ chúng, cô đã thành khẩn hứa điều gì.

Như Thế Tôn dạy:

– Các dục nhiễm vị ngọt rất ít, lỗi lầm lại nhiều. Cô hãy vứt bỏ ác niệm, giữ tâm xuất gia.

Nói như vậy thì tốt, nếu không nói, vị ny bạn bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ như trước. Bí-sô ny Thổ La Nan Ðà khuyến khích một trưởng giả làm chùa ny và có nhiều ny cùng cư trú ở đó. Sau đó, có năm trăm khách buôn từ phương Nam đến thành Thất La Phiệt muốn tìm nơi nghỉ ngơi nhưng không có chỗ nên tạm trú bên đường. Ngày sắp về chiều, trời muốn đổ mưa, họ đều ưu sầu không biết phải làm sao. Thấy vậy, ny Thổ La Nan Ðà hỏi:

– Hiền thủ! Trời đã đổ mưa, sao không mau thu dọn hàng hóa tìm nơi gửi gắm?

Ðáp:

– Thánh giả! Khách buôn chúng tôi tìm nơi để trú khắp nơi nhưng người trong thành này không có nhân nghĩa, không cho thuê phòng, biết làm sao đây?

Ny bảo:

– Này các vị! Ðêm đã phủ vây, trời lại mưa, vì sao không trả giá cao; nếu không thu dọn thì tất cả hàng hóa tất bị hư tổn, ai chịu mua cho?

Ðáp:

– Thánh giả! Thật khó lường được nhân tình ở đây, dù đã trả giá cao nhưng vẫn họ không chịu. Ðây là nghiệp xấu của tôi, biết làm thế nào; đợi đến sáng mai mới đi tìm chỗ.

Ny bảo:

– Các vị! Nếu cho gấp bội thì có thể vào chùa nghỉ.

Ðáp:

– Lành thay! Xin tuân lời Thánh giả.

Khi họ di chuyển vào chùa, Thổ La Nan Ðà cũng vào chùa đuổi hết ny chúng ra ngoài lấy chỗ cho khách buôn thuê. Chư ny tứ tản đi đến chùa khác trong đêm mưa tối, y phục ướt dầm bùn nước.

Ðến chùa kia, ny bên ấy hỏi:

– Này chị em! Vì sao phải lội mưa trong đêm tối đến đây?

Nghe họ trình bày lại sự việc trên, các vị ny thiểu dục đều chê trách:

– Tại sao Bí-sô ny lại đuổi ny chúng ra khỏi chùa do thí chủ dâng để cho người thế tục thuê?

Họ đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Không được đem chùa cho người thế tục thuê. Ai vi phạm, bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ như trước. Bí-sô ny Thổ La Nan Ðà đi vào chỗ tắm của đàn ông lấy gạch kỳ thân để tắm rửa. Thấy vậy, bọn đàn ông phát sinh tâm dục, bảo nhau:

– Hãy xem cô ny trọc học cách tắm rửa của chúng ta.

Nhân mọi người chê trách, bạch Phật. Phật dạy:

– Không được ở nơi những người ngu ám loạn tâm dâm dục ấy mà tắm rửa kỳ cọ thân thể. Bí-sô ny dùng gạch kỳ thân thể, bị tội vượt pháp.

Nhiếp tụng mười trong biệt môn bảy:

Bất dĩ cốt cập thạch,
Nhược mộc cập quyền khai,
Duy dụng thủ ma thân,
Dư vật giai bất hợp.

* Duyên xứ như trước. Phật không cho ny kỳ cọ thân thể bằng gạch, ny liền dùng xương, đá, gỗ, sừng để kỳ cọ thân thể lại bị lỗi như trước. Phật dạy:

– Nên kỳ cọ bằng tay, ngoài tay ra dùng vật khác kỳ cọ, bị tội vượt pháp.

Tổng nhiếp tụng môn thứ tám:

Trừ tháp sám môn tiền,
Bị sai bất ưng súc,
Bất cộng nữ do phụ,
Tả lạc tam y xà.

Nhiếp tụng một trong tụng môn tám:

Trừ tháp tổn ba la,
Tăng chế bất ưng việt,
Ny vô nạn thính nhập,
Giáo giới đẳng tùy thời.

* Duyên xứ như trước. Sau khi Bí-sô ny Bản-Thắng qua đời, hỏa thiêu đã xong, nhóm mười hai ny thu nhặt cốt của vị kia, xây tháp nơi rộng rãi, đem phướn lọng bằng lụa đẹp, vòng hoa đặt trên tháp, rưới nước thơm chiên đàn để cúng dường. Họ sai hai ny cô biết tán tụng hằng ngày đem bột rửa và nước sạch đến, nếu thấy Bí-sô khách đến thì đưa bột rửa để rửa tay chân, đưa hương hoa, xướng kệ tụng, dẫn đi nhiễu quanh tháp.

Một hôm, có một Bí-sô A-la-hán tên Kiếp Tỳ Ðức cùng năm trăm môn đồ du hành nhân gian, đến Thất La Phiệt ngang đường bên tháp. Nếu không quán sát thì vị A-la-hán cũng không biết việc quá khứ. Trông thấy tháp, vị ấy nghĩ rằng ai đã mới xây tháp thờ tóc và móng của Như Lai ở đây vậy, ta hãy đến làm lễ.

Thấy vị kia đến, hai ny cô đưa bột rửa và nước để rửa tay chân rồi đưa hương hoa, tán kệ đi trước dẫn năm trăm người đi nhiễu, làm lễ tháp ấy. Xong việc, đoàn người ra đi. Cách tháp ấy không xa, đang ngồi an tịnh dưới gốc cây, thấy vậy, tôn giả Ô Ba Ly hỏi:

– Cụ thọ Kiếp Tỳ Ðức, hãy quán sát xem đã lễ bái tháp của ai.

Với suy nghĩ:

– Vì sao cụ thọ Ô Ba Ly bảo ta quán sát tháp của ai, tôn giả quán sát biết trong tháp có an trí xương cốt của Bí-sô ny Bản Thắng.

Do còn tập khí sân nên vị này không chịu nỗi, quay lại bảo:

– Cụ thọ Ô Ba Ly, ngài đang ở đây, mụt ghẻ sinh trong Phật pháp mà không để ý đến.

Nghe nói, Ô Ba Ly im lặng không đáp.

Vị A-la-hán bảo môn đồ:

– Này các cụ thọ! Nếu các vị kính thọ giáo pháp của đấng Ðại sư thì hãy cùng nhau đến đống gạch ấy, mỗi người cầm đi một viên cho phá tan tháp ấy.

Môn đồ vâng lệnh thầy, mỗi người cầm đi một viên gạch, trong chốc lát cái tháp không còn.

Thấy sự việc ấy, hai Bí-sô ny kêu khóc thất thanh, vội chạy đi báo với ny chúng. Nhóm mười hai ny cô và các ny chưa ly dục nghe tháp bị phá nên khóc to:

– Hôm nay sư huynh của ta mới chết.

Bí-sô ny Thổ La Nan Ðà hỏi hai cô ny:

– Tiểu muội! Vừa rồi ai nói với vị kia?

Ðáp:

– Ðại tỷ! Họ là khách Tăng làm sao biết được, ở đó không xa, tôn giả Ô Ba Ly nói với họ.

Thổ La Nan Ðà nói:

– Tiểu muội! Ta vừa nghe nói biết ngay là kẻ cạo tóc khi trước, có ác hạnh ấy tuy đã xuất tục nhưng tánh tình không thay đổi, hãy đến trừng trị cho hắn tiêu đời. Như Thế Tôn có nói kẻ phá hoại đồ chúng, đồ chúng không để yên, chúng ta nên đến đó, lẽ nào bỏ qua. Nỗi giận dữ lên, cầm dao bén, chùy sắt, gậy nhọn, họ đi đến chỗ Tôn-giả để giết ngài.

Trông thấy chư ny rần rần kéo đến, tôn giả suy nghĩ: “Xem các ny này bộ dạng vội vã, tất có ý xấu muốn hại ta, vậy nên quán sát”.

Nhập định, thấy chư ny đang phẫn nộ muốn đến gây hại, Tôn giả vội thu tâm nhập vào định Diệt tận nhưng quên dùng thần lực gia hộ đại-y.

Ðến nơi, chư ny dùng dao bằm chém, dùng chày sắt, cây nhọn đâm đập khắp thân thể. Do định lực nên hơi thở Tôn giả ngừng lại, người như thây chết. Chư ny bàn nhau:

– Chúng ta đã giết kẻ oán gia ác hạnh, báo thù đã xong, vậy hãy về chùa.

Bàn bạc xong, họ bỏ đi.

Sau khi xuất định, thấy y bị hư nát, tôn giả Ô Ba Ly trở về trú xứ. Trông thấy vậy, các Bí-sô hỏi:

– Cụ thọ! Vì sao như vậy?

Ðáp:

– Cụ thọ! Các Bí-sô ny sắp giết chết tôi.

Hỏi:

– Vì sao?

Tôn giả kể lại sự việc trên. Nghe như vậy, các Bí-sô thiểu dục đều bất mãn, bàn nhau: “Ðại đức nên biết, các Bí-sô ny đối với Bí-sô giả như có sân hận chỉ nên không lễ kính, chào hỏi, sao lại được cẩu thả cầm dao bén, chày sắt, cây nhọn đến giết cụ thọ Ô Ba Ly đến nỗi sắp chết, sao có lý này được!”

Một người nói:

– Các đại đức! Việc này đã qua, không nên truy lại làm gì, từ nay về sau phải làm sao đây?

Ðáp:

– Còn muốn gì nữa, hãy đi bạch Phật.

Có người nói:

– Cần gì bạch Phật, nên lập quy chế, không cho chư ny vào rừng Thệ Ða.

Sau khi mọi người cùng nhau lập quy định, chư ny nào nghe thì không đi vào và cũng không cung kính.

Bấy giờ, thông thường vào ban ngày, Ðại Thế Chủ đến lễ Thế Tôn rồi mới ra về. Khi vị này vào chùa, Bí-sô bảo:

– Này Kiều Ðáp Dy, chúng Tăng cùng quy định không cho ny vào chùa, nên không được vào.

Ðáp:

– Thánh giả! Chẳng lẽ con đồng như những kẻ gây lỗi lớn hay sao?

Bảo:

– Chúng tăng đã quy định, tôi làm sao đây.

Như vậy, ny phải trở lại trú xứ của mình.

Biết rõ nhưng Thế Tôn vẫn cố hỏi A Nan Ðà:

– Có phải đại thế chủ bị bệnh không?

Ðáp:

– Không bệnh.

Hỏi:

– Vì sao không thấy đến?

A Nan Ðà đem sự việc trên bạch Phật. Phật dạy:

– Này A Nan Ðà! Các Bí-sô quy định việc này đúng nhưng các Bí-sô ny tùy thuộc Bí-sô, nếu không vào chùa thì không có cung kính. Từ nay về sau, các Bí-sô ny muốn vào chùa cần phải thưa với Bí-sô giữ cổng mới được vào, lại cũng không nên giáo giới với ny.

Như Thế Tôn có dạy ny phải thưa cho biết mới được vào chùa tăng và không được tự tiện giáo giới họ. Chư ny không biết thưa như thế nào. Phật dạy:

– Khi ny muốn vào chùa Tăng, phải thưa:- Thánh giả biết cho, con muốn vào chùa.

Vị Bí-sô giữ cửa nên bảo họ:

– Này các cô! Nếu không cầm dao, chùy với ý gây hoạn nạn thì được vào chùa. Ai không thưa trước mà tự ý vào chùa, bị tội vượt pháp. Thấy ny vào chùa, Bí-sô nào không hỏi cũng bị tội vượt pháp.

Như Thế Tôn dạy, Bí-sô không nên tự tiện giáo giới các Bí-sô ny; bấy giờ Lục chúng Bí-sô giáo giới không ngừng. Phật dạy:

– Nếu Bí-sô ny có lỗi, Bí-sô Tăng già chưa cho họ pháp hoan hỷ mà cá nhân tự tiện giáo giới thì bị tội vượt pháp. Pháp trưởng tịnh, pháp tùy ý căn cứ pháp giáo giới mà tiến hành.

Nhiếp tụng hai trong biệt môn tám:

Ny sám bất ưng khinh,
Tùy ý bất trưởng tịnh,
Cánh hỗ đương thu tạ,
Ny chúng tọa ưng tri.

* Duyên xứ như trước, có một Bí-sô ny đến học tập với Bí-sô. Nhân bị Bí-sô không vừa ý quở trách nên ny ra về. Ðến chùa, hỏi ra, vị Bổn sư bảo ny này đi sám hối. Ny đến phòng xin sám hối … rộng như trước. Khi được cô ny đến sám hối, Bí-sô để chân trên đầu rồi bỏ đi. Ny im lặng đi về chùa. Các ny khác hỏi:

– Chị đã xin sám hối với Quỹ Phạm Sư rồi phải không?

Ðáp:

– Không nên gặp lại vị thầy như vậy.

Hỏi:

– Vì sao?

Nghe ny này kể lại sự việc, chư ny cùng nhau bất mãn: “Các chị em hãy xem kẻ khinh miệt nữ nhân nên khi được xin hoan hỷ không thèm nhận, lại còn lấy chân để trên đầu rồi bỏ đi”.

Ny thưa Bí-sô, Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Chư ny chê bai đúng, từ nay về sau, khi ny đến sám hối, Bí-sô không được đạp chân lên đầu rồi bỏ đi. Ai làm như vậy, bị tội vượt pháp.

Khi ny bị khiển trách không nên vội vàng xin sám hối ngay, nên phải tuần tự cầu xin sám hối.

Họ không biết theo tuần tự như thế nào. Phật dạy:

– Trước hết nên nhờ một Bí-sô hay Bí-sô ny, cận sự nam, cận sự nữ đến gặp vị thầy khéo léo làm cho vị thầy hoan hỷ rồi mới sám hối.

* Duyên xứ như trước. Như Phật có dạy nên tác pháp Tùy ý đối với ba việc kiến, văn và nghi, hết hạ an cư Bí-sô tác pháp tùy ý xong lại làm Trưởng- tịnh. Có Bí-sô nói:

– Tôi xem Trưởng tịnh cùng với Tùy ý đều là làm cho thanh tịnh, thế nên biết Trưởng tịnh tức là Tùy ý.

Có người nói:

– Hai việc Tùy-ý và Trưởng tịnh khác nhau.

Họ bạch Phật. Phật dạy:

– Hai việc tuy khác nhưng đều là thanh tịnh. Thế nên biết rằng Tùy-ý rồi không cần làm Trưởng tịnh nữa.

* Duyên xứ như trước. Khi ấy các Bí-sô có hiềm khích nhau, không nhịn nhau được nên cùng tìm lỗi của nhau. Trong lúc tùy ý giữa đại chúng, họ cùng nhớ lại đem ra trách vấn nhau sự vi phạm các việc về giới, kiến, nghi, mạng. Bấy giờ bạn thân, hai thầy và các bạn đồng học với họ vì phe nhóm của mình mà cạnh tranh lẫn nhau, gây chuyện phá Tăng lớn, phát sinh ý kiến riêng tư khác nhau. Những vị trung lập cùng nhau ngăn cản:

– Các cụ thọ! Chớ nên đấu tranh hãy sống với tâm xuất gia của mình. Như Thế Tôn dạy ở một nơi nào đó có các Bí-sô đấu tranh với nhau, sống bằng cách phẫn nộ tranh cãi nhau; đối với những nơi ấy, Ta không muốn nghe đến huống chi đi đến nơi ấy. Nếu sự việc ấy chấm dứt, Ta sẽ đến đó. Nếu Bí-sô ấy vứt bỏ ba pháp là:

– Ba thiện căn không tham, không sân và không si và gây ra nhiều ba pháp bất thiện căn tham, sân, si thì các Bí-sô ấy phẫn nộ cạnh tranh cùng nhau tranh cãi, cùng nhau luận chiến sống với sự hận thù. Nếu các Bí-sô ấy vứt bỏ ba pháp là ba bất thiện căn tham, sân và si, thi hành nhiều ba pháp không tham, không sân, không si thì các Bí-sô ấy không còn phẫn nộ tranh cãi với nhau, không còn sống bằng luận chiến hận thù với nhau. Thế nên các Bí-sô phải vứt bỏ pháp ác, tu tập thiện pháp.

Bấy giờ, các Bí-sô vẫn tranh cãi không ngừng. Có những vị trung lập cùng nhau ngăn cản, nói:

– Cụ thọ! Chớ nên tranh đấu hãy sống với tâm xuất gia.

Nhưng các Bí-sô ấy không ngừng phẫn nộ, cùng nhau tranh cãi. Thấy vậy, những người thế tục cùng nhau chê trách:

– Các Sa-môn trọc đầu này khi tác pháp Tùy-ý, không giữ tâm xuất gia, cùng nhau tranh đấu.

Bí-sô đem sự việc bạch Phật. Phật dạy:

– Này các Bí-sô, các trưởng giả Bà-la-môn hiềm khích hợp lý, từ nay về sau Bí-sô nào biết Bí-sô khác có hiềm khích thì không nên tác pháp Tùy-ý chung một chỗ, phải sám hối trước sau đó mới tiến hành tác pháp chung.

Bấy giờ, vào ngày Tùy-ý các Bí-sô mới sám hối nhau, lại tức giận tranh cãi nhau, tâm không hỷ xả. Phật dạy:

– Không nên sám hối trong ngày tác pháp Tùy-ý, nên tiến hành việc sám hối trong tám chín ngày trước.

Như Thế Tôn dạy:

– Nên tiến hành việc sám hối trong tám chín ngày trước. Các Bí-sô đều cùng nhau sám hối. Phật dạy:

– Các Bí-sô không nên sám hối tất cả, chỉ những người có hiềm khích chống đối mới sám hối cầu xin sự hoan hỷ với nhau.

* Duyên xứ như trước, như Thế Tôn dạy:

– Năm năm nên làm đại hội Ðảnh-kế.

Bấy giờ, các trưởng giả Bà-la-môn cư sĩ cùng muốn việc thắng thượng nên làm đại hội vô-giá. Hai bộ tăng già đều tập họp. Như Thế Tôn dạy phải ngồi theo thứ tự tuổi hạ, khi chư ny y vào tuổi hạ để ngồi gây ra huyên náo. Phật dạy:

– Người nữ tánh tham, trong lúc đại hội thì hai, ba, bốn người ở trước ngồi theo thứ tự, số ny còn lại tùy ý ngồi gần những người quen biết.

Nhiếp tụng ba trong biệt môn tám:

Môn tiền bất trưởng tịnh,
Ðương tu sai nhị ny,
Nhược chí trưởng tịnh thời,
Sai nhân đãi ny bạch.

* Duyên xứ như trước. Như Thế Tôn dạy, yết-ma của Bí-sô và Bí-sô ny tiến hành riêng trừ loại yết-ma chung. Vào ngày trưởng tịnh, các Bí-sô ny đều tập trung đến rừng Thệ Ða để làm trưởng tịnh. Bí-sô làm trưởng tịnh cho ny ở ngay cổng lớn. Thấy sự huyên náo, các trưởng giả bà-la-môn cùng kéo đến xem, họ liền đứng yên.

Nghe việc này, Phật bảo các Bí-sô:

– Không được làm trưởng tịnh ngoài cổng.

Bấy giờ, các Bí-sô cho ny làm trưởng tịnh trong chùa Tăng, nhân vì tụ tập nên nhiều miệng lắm lời.

Nghe sự việc này, Phật dạy:

– Do đó, Bí-sô không được làm Trưởng tịnh cho ny trong chùa Tăng.

Chư ny không biết nên trở lại trong chùa mình. Phật dạy:

– Ny đến nữa đường, Bí-sô đến đấy cùng làm Trưởng tịnh.

Bấy giờ, các Bí-sô thi hành theo lời dạy, có các Bà-la-môn trưởng giả đang đi, giữa đường gặp phải Bí-sô và ny đang làm trưởng tịnh nên họ có ý nghĩ xấu, bàn bạc nhau: “Sa-môn trọc đầu nam này và Sa-môn trọc đầu nữ này đang bàn về việc gì?”.

Một người nói:

– Hãy xem ý này, còn sự bàn luận gì nữa, người tại gia chúng ta nói chuyện riêng với nhau, ny lén nghe, đến nơi vắng này nói với Bí-sô, Bí-sô nghe xong đem nói với vương gia, những hình phạt vua đối với chúng ta đều do bọn trọc nam nữ này thêu dệt cả.

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Không nên làm trưởng tịnh trên đường đi, vào ngày trưởng tịnh ở mỗi nữa tháng nên sai hai cô ny đến giữa Tăng thưa lên sự thanh tịnh và thỉnh việc giáo thọ.

Ny sai người không có năng lực, khi vào trong Tăng không thể trình bày được sự thanh tịnh. Phật dạy:

– Nên sai người có khả năng.

Khó có được hai người, Phật dạy:

– Một người có khả năng thì được vào giữa Tăng.

Tuy đã đến chùa, thấy sự uy nghi của Phật và chúng Tăng, họ không biết sẽ thưa sự thanh tịnh với ai nên trở về lại, thế nên ny chúng không làm Trưởng tịnh, họ bạch Phật. Phật dạy:

– Nên sai một ny đến bạch.

Họ sai một ny nhưng cũng không biết làm nên phải bị lỗi như trước. Phật dạy:

– Bí-sô được sai nên đứng ngay cửa, họ sẽ đến bạch, nhận lời bạch rồi sẽ thưa lại Tăng già. Tăng già nên tác pháp bạch nhị để sai người giáo thọ.

Nhiếp tụng bốn trong biệt môn tám:

Bị sai bất tị khứ,
Ðương vấn giáo sư danh,
Trước mạo vi bát nang,
Kết man ny bất hợp.

* Duyên xứ như trước. Phật dạy:

– Bí-sô sai người chờ ny thưa sự thanh tịnh; tuy có đứng nơi cửa nhưng khi ny đến họ lại bảo đừng đến gần tôi, đừng đụng vào tôi, rồi bỏ đi.

Chờ không được, ny phải trở về chùa. Do đó, ny chúng không trưởng tịnh được. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Bí-sô do Tăng sai không nên bỏ đi, cần phải nhận cho họ thưa và nói thế này chị em nên ngồi chớ gần đụng chạm vào tôi và có thể thưa sự thanh tịnh. Nếu ai không nhận mà bỏ đi ngay, bị tội vượt pháp.

Như Thế Tôn dạy:

– Nên sai người đứng ở ngay cửa, chờ ny đến để giáo thọ.

Một hôm, người được sai đến cửa bị ch?m trễ, có một kẻ lõa hình trùm tấm chăn lông đang xem bánh xe sinh tử dưới cửa. Thấy vậy, ny suy nghĩ:

“Ta nên đến vị kia để thưa sự thanh tịnh”.

Ny đến làm lễ vị kia và ngồi xổm, thưa:

– Thánh giả ghi nhận cho …

(Trong lúc ấy kẻ kia im lặng suy nghĩ: “Ta thử xem nữ Sa-môn trọc đầu này nói gì) … ny chúng trong chùa ở vườn vua sai con đến thỉnh vấn đảnh lễ dưới chân Thánh chúng ở trong rừng Thệ Ða, ít bệnh ít não, đi đứng thoải mái, sức lực hơn bình thường và an lạc không? Vào ngày Bao Sái Ðà, chúng Bí-sô ny đều bạch sự thanh tịnh.

Nghe xong, ngoại đạo không biết nói gì nên im lặng. Ny lại dạy nói:

– Thánh giả hãy nói khả nhĩ.

Nghe vậy, kẻ ấy không hiểu gì nên nói tiếng “úm” rồi cúi đầu bỏ đi.

Khi ấy, hai ny cô trở về chùa mình. Sau đó, người giáo thọ ny đến cửa, chờ mãi không thấy ny đến nên trở về phòng mình.

Vào lúc thuyết giới, sau khi tác pháp đơn bạch, người thọ sự bạch với đại chúng:

– Vị nào đem ny chúng đi thưa sự thanh tịnh về?

Trong chúng không một ai đáp:

– Là tôi.

Chúng đều suy nghĩ:

– Lẽ nào ny chúng lại không đến thưa sự thanh tịnh. Do đó, họ không sai người hỏi vị kia có đến không.

Sau khi thượng tọa tụng giới, tác pháp Bao Sái Ðà xong, sau khi thuyết giới bảo ny thanh tịnh trở lại chỗ cửa nhưng không thấy có người nên phải trở lại chùa. Chúng Bí-sô ny trưởng tịnh bất thành. Sáng hôm sau, chư ny cùng đến chỗ của Tăng, hỏi:

– Thánh giả! Vì sao không nhận chúng Bí-sô ny thưa sự thanh tịnh?

Các Bí-sô nói:

– Này các cô! Trước ngày Trưởng tịnh, có sai cô ny nào đến báo sự thanh tịnh?

Hai ny trước đây đứng ra trước nói:

– Chính là chúng con, khi đến cửa, thấy có thánh giả hình dạng như vậy đang xem bánh xe sinh tử. Chúng con đến thưa sự thanh tịnh rồi mới trở về chùa.

Nghe ny nói có thưa sự thanh tịnh với người hình dạng như vậy, Bí-sô biết họ là ngoại đạo lõa hình. Họ cùng nhau bàn luận:

– Bí-sô ny này đến thưa sự thanh tịnh với ngoại đạo.

Nghe thưa về sự việc này, Phật suy nghĩ: “Vì các Bí-sô ny đến thưa sự thanh tịnh mà không hỏi tên vị giáo thọ sư nên có lỗi này”. Ngài bảo các Bí-sô:

– Hai ny kia không phạm tội; từ nay về sau nếu Bí-sô ny đến nói sự thanh tịnh cần phải hỏi danh hiệu vị Bí-sô giáo thọ. Nên hỏi là Thánh giả tên gì. Nếu ai không hỏi tên mà thưa sự thanh tịnh, bị tội vượt pháp.

Như Thế Tôn dạy:

– Ny thưa sự thanh tịnh phải hỏi tên vị giáo thọ, khi ny đến thưa, có lúc đã biết mà vẫn hỏi tên. Phật dạy:

– Không cần hỏi tên của Bí-sô đã quen biết.

* Duyên xứ như trước. Bấy giờ, Ðại-thế-chủ Kiều Ðàm Dy bị bệnh. Ny chúng đến thăm, hỏi:

– Thánh giả! Vì sao không ra khỏi phòng?

Ðáp:

– Này cô, ta bị bệnh.

Hỏi:

– Trước đây, ngài dùng vật gì để trị bệnh này?

Ðáp:

– Khi còn ở đời, ta thường bịt khăn trên đầu.

Hỏi:

– Như vậy, nay sao không làm?

Ðáp:

– Nay, Ta đã xuất gia, Thế Tôn chưa cho phép, làm sao dám dùng.

Nghe họ thưa, Phật dạy:

– Ở trong chùa, ny nên đội khăn.

* Chuyện tại thành Vương-xá. Khi ấy trong thành có Bà-la-môn đi từng nhà xin ăn, đến một nhà kia, nói rằng:

– Cho tôi xin.

Chủ nhân nói:

– Không có, hãy đi đi.

Khi đi ra, thấy Ðại-thế-chủ vào nhà ấy khất thực, người này suy nghĩ:

– Họ cũng không cho người này hay chỉ không cho ta?

Vì muốn tìm lỗi của chủ nhân, ông ta đứng lại.

Chủ nhân suy nghĩ:

– May thay, nhà ta được Phật-mẫu đến.

Ông ta vội bố trí chỗ ngồi và mời ny an tọa rồi tự tay nói cười đặt các món ăn thượng hạng vào đầy bát rồi dâng lên. Thấy vậy, với tâm ganh ghét, Bà-la-môn bảo với ny:

– Cho tôi xem trong bát có những thức ăn gì?

Ny ấy giở bát ra, ông ta liền nhổ nước miếng vào. Ðại-thế-chủ nói:

– Vì sao người làm bẩn thức ăn trong bát. Nếu người muốn xin, ta sẽ cho ngay.

Khi ấy, Bà-la-môn im lặng không đáp.

Ny bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ: “Tính của người nữ ít có uy đức làm cho kẻ ngu gây ra nghiệp ác chịu nhiều quả báo khổ” .

Ngài bảo các Bí-sô:

– Từ nay về sau, khi ny đi khất thực nên mang túi bọc bát, che ở trên mà đi.

Chư ny không biết túi bọc bát như thế nào. Phật dạy:

– Nên làm túi vải vuông chừng một thước mộc, góc trên chừa hai miếng vải dài, đặt bát vào trong; nơi góc làm dây đeo ngắn; đem đi khất thực ngăn bụi đất lại dễ mang đi. (xứ Thần Châu này đến nay chưa có túi bát. Do góc đáy túi bát nhọn nên bát không lay động, nếu đáy bằng phẳng bát bị chuyển động tràn thức ăn ra.)

* Duyên tại thành Thất La Phiệt. Người ở nước phía Ðông thường thích hoa viên. Một lúc nọ mọi người trong thành tổ chức hội vui chơi lớn, cùng nhau mang các loại thức ăn hảo hạng và âm nhạc đến vườn hoa. Có một người sai sứ giả về bảo với vợ hãy làm vòng hoa và bảo người đem đến gấp. Trong nhà người ấy có vườn hoa đẹp, người vợ tuân lời vào vườn hái hoa nhưng không biết kết nên phải mời người kết vòng hoa đến. Khi ấy những người kết vòng hoa đang bận làm cho người khác ở hội vui chơi của nhân dân trong thành. Tìm không có người, trong lòng vợ buồn bã suy nghĩ:

– Chồng bảo ta kết vòng hoa đẹp, ta không biết làm lại không tìm người được, biết làm sao đây!

Nhân khất thực, ny Thổ La Nan Ðà đi vào nhà ấy, bảo:

– Này cô em, hãy cho tôi bát cơm.

Ðáp:

– Thánh giả hãy đi đi, tôi đang buồn rầu, không ai đem ra cho.

Ny nói:

– Cô em có việc gì?

Nghe cô ta kể ra, ny hỏi:

– Sao cô không làm?

Ðáp:

– Tôi vốn không biết làm nhưng thánh giả biết kết không?

Ðáp:

– Cô em! Nay ta đã già, khi còn trẻ việc gì mà chẳng biết.

Cô ta nói:

– Thánh giả! Nếu vậy xin thương xót mà kết vòng hoa cho tôi.

Ðáp:

– Cô em! Nếu có thể cho ta các món ăn uống thì ta làm cho.

– Xin vâng, cô ta nói.

Ny liền để bát qua một bên, ngồi duỗi hai chân, chú tâm kết vòng hoa. Thấy vậy, cô gái tấm tắc khen vòng hoa đẹp và rất vui mừng cho thức ăn đầy bát. Ðến nhà khác, ny cũng kết vòng hoa, nhận được nhiều thức ăn rồi mới về chùa.

Khi ấy, người kết vòng hoa đến gặp cô gái, bảo:

– Ðưa hoa cho tôi kết vòng.

Ðáp:

– Sao người đến trễ vậy, hoa đã kết xong và đem đến vườn rồi.

Hỏi:

– Ai kết vậy?

Ðáp:

– Thánh giả Thổ La Nan Ðà.

Nghe nói, người kia chê trách:

– Nữ Sa-môn làm việc phi pháp; tại sao lại đoạt sự mưu sinh của ta?

Ny bạch Bí-sô; Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Việc ấy trái pháp nữ Sa-môn, thật đáng chê trách. Thế nên ny chúng không được kết vòng hoa. Ai vi phạm, bị tội vượt pháp.

Phật chế không cho ny kết vòng hoa, vào lúc đại hội đỉnh kế của Thế Tôn và hội năm năm, sáu năm, vua Thắng Quang, phu nhân Thắng Man, phu nhân Hành Vũ, trưởng giả Cấp Cô, Tỳ Xá Khư mẹ Lộc Tử, Tiên Thọ, Cố Cựu và Ðại Danh … cận-sĩ-nam, cận-sĩ-nữ đều cầu sự thắng thượng nên cùng nhau dâng hương hoa. Tăng ny khắp nơi đều tập họp đến. Hoa đẹp quá nhiều mà ít người kết. Những người có tín tâm tìm người kết vòng hoa nhưng không được nhiều nên nói với chư ny:

– Hiện nay! Chúng con vì cúng dường Ðại-sư, các vị có thể kết vòng hoa giúp cho không?

Ny đáp:

– Quý vị chẳng biết hay sao, Ðại-sư có dạy không cho chư ny kết vòng hoa, nay chúng tôi phải giúp làm phước như thế nào đây.

Ny bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Vì việc của Tam bảo, ny được kết vòng hoa.

Ở ngay cổng, dưới hành lang, các Bí-sô ny ngồi duỗi chân để kết vòng hoa. Thấy vậy, người thế tục nói đùa:

– Thánh giả đều là các cô gái kết vòng hoa đi xuất gia.

Chư ny xấu hổ chẳng biết nói gì. Bí-sô bạch Phật, Phật bảo:

– Nhưng người thế tục chê bai hợp lý. Chư ny không nên ngồi kết hoa ở cổng, dưới hành lang, trước hiên. Ai vi phạm bị tội vượt pháp. Người biết kết hoa nên làm nơi kín, chớ cho thế tục chê bai.

Nhiếp tụng năm trong biệt môn tám:

Bất ưng súc đồng khí,
Biến tửu linh bình phục,
Nhẫm phòng dữ tục lữ,
Cuống hoặc tác y vu.

* Duyên xứ như trước. Ðến nhà thợ đồ đồng, ny Thổ La Nan Ðà bảo:

– Hiền thủ! Có thể làm cho tôi bát lớn bằng đồng không?

Ðáp:

– Thánh giả! Ðó là nghề của tôi, sao lại không được, muốn làm lớn hay nhỏ?

Ðáp:

– Làm loại lớn nhất.

Hỏi:

– Bát lớn để làm gì?

Ny mắng:

– Này vật bần hàn, ngươi làm không cho ta hay sao, ta trả giá cao cho ngươi, hãy làm cái lớn.

Người thợ suy nghĩ: “Làm lớn theo ý họ, ta có hại gì”.

Thấy làm xong bát lớn, ny lại bảo:

– Hãy làm bát nhỏ để vừa vào bát lớn cho ta.

Lần lượt sai họ làm như vậy, đến bảy cái bát đặt lồng vào nhau. Thổ La Nan Ðà sai cầu-tịch-nữ lau chùi cho sạch dùng sợi ngũ sắc đan túi lồng vào. Khi có nơi nào thỉnh, ny này sai ny nhỏ đội đến nhà ấy, an trí chúng bên cạnh chỗ ngồi.

Thấy vậy, người thế tục hỏi:

– Thánh giả! Ðang mở cửa hàng bán đồ đồng phải không?

Ðáp:

– Này kẻ ngu si! làm sao ngươi biết vật ta cần dùng. Cái lớn đựng cơm, cái thứ nhì đựng canh, cái thứ ba vắt thức ăn ngon, những cái còn lại để các món khác.

Ðáp:

– Nếu vậy, còn cần nhiều bát nữa, nếu có vật khác đem đến thì để vào đâu?

Nghe nói, họ im lặng. Ny bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật. Sau khi suy nghĩ, Phật chế:

– Ny sắm bát đồng có những lỗi như vậy. Từ nay về sau chư ny không được tự sắm bát đồng. Ai vi phạm bị tội vượt pháp, ngoại trừ muỗng đồng, dĩa để muối, chén đồng để uống nước.

* Duyên xứ như trước. Con gái của vợ chồng trưởng giả nọ có tròng mắt bên phải thông suốt nên bị cho là ác tướng không ai chịu cưới làm vợ. Một trưởng giả khác lấy vợ chưa lâu thì vợ qua đời, đến bảy lần như vậy nên người đời gọi là trưởng giả sát-phụ. Ông ta lại tìm cô gái người khác để cưới làm vợ. Họ bảo:

– Chẳng lẽ tôi muốn giết con gái hay sao?

Ông ta lại đi hỏi góa phụ. Họ bảo:

– Lẽ nào tôi muốn tự sát?

Không có vợ nên ông ta phải quản lý việc nhà. Có người bạn đến hỏi:

– Vì sao bạn tự làm việc nhà, lẽ nào không tìm được vợ hay sao?

Ðáp:

– Tôi thật bạc phước, cưới vợ chưa lâu thì vợ qua đời, đến người vợ thứ bảy cũng không còn sống nên mọi người đặt tên tôi là Sát Phụ.

Hỏi:

– Sao không tìm người khác?

Ông ta đem sự việc trên kể lại.

Bạn nói:

– Vậy sao không xin cưới cô gái có tròng mắt thông suốt?

Ðáp:

– Họ cũng không chịu đâu!

Bạn nói:

– Tôi biết nhà ấy nuôi con gái đã lâu, cần phải gã lấy chồng, hãy đến hỏi đi.

Thấy trưởng giả đến, họ hỏi:

– Ông đến cần gì?

Ðáp:

– Muốn xin cưới cô gái.

Hỏi:

– Cô gái nào?

Ðáp:

– Cô gái tròng mắt thông suốt.

Người cha nói:

– Xin theo ý ông, vào ngày … cùng nhau tổ chức hôn lễ.

Do rượu trong nhà bị nóng hư, phải đặt rượu ở ngoài nên các nhà làm rượu đều làm cho họ. Khi ấy, Thổ La Nan Ðà đi vào nhà cô gái có tròng mắt thông suốt để khất thực. Gia nhân bảo:

– Tôi đang bận rộn làm rượu, không thể cho thức ăn.

Ny hỏi lý do, họ bảo:

– Rượu nhà tôi bị hư.

Ny bảo:

– Vì sao không làm cho thành rượu ngon?

Ðáp:

– Thánh giả! Con không biết làm, ngài có phương pháp, mong ban ân cho.

Ny nói:

– Thiếu nữ! Nay ta đã già không còn làm nữa, khi xưa con trẻ chuyện gì không biết.

Ðáp:

– Xin Thánh giả thương con làm cho rượu ngon lại.

Ny bảo:

– Này thiếu nữ! Nếu có thể trả cho ta thức ăn ngon thì làm cho rượu ngon.

Ðáp:

– Xin đưa nhiều.

Ny bảo:

– Hãy đem nồi rượu ra đây cho ta xem.

Khi họ đem ra, Thổ La Nan Ðà xem xét trên dưới nồi vì sao rượu bị hư. Biết là do nóng cháy nên ny mở nắp ra, bảo đặt nồi trên cát ướt, lại dùng rêu xanh quấn bọc nồi lại, quạt đi hơi nóng. Nhân khí lạnh mát nên rượu ngon lại. Thân tộc đều tập họp đến.

Khi ấy, những nhà làm rượu đã làm xong, chờ mãi nhưng không đến lấy nên sai người đi hỏi vì sao không lấy rượu. Họ đáp:

– Rượu nhà tôi ngon trở lại không phiền lấy nữa.

Hỏi:

– Ai bày cho người vậy; rượu đã hư làm cho ngon lại hay sao?

Ðáp:

– Thánh giả Thổ La Nan Ðà ban ân cho tôi, đã làm việc này.

Nghe vậy, họ bất mãn:

– Sa-môn Thích nữ làm chuyện phi pháp. Vì sao lại đoạt nghề nuôi sống của ta!

Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Ðây thật trái pháp Sa-môn Thích-nữ, bị chê trách hợp lý. Thế nên chư ny không được dạy họ làm biến đổi rượu hư. Ai vi phạm, bị tội Thổ La Ðể Dã.

* Duyên xứ như trước. Có trưởng giả nọ thích làm việc bố thí, bỗng bị bệnh nặng càng ngày càng nguy kịch. Tự biết mạng sống không còn bao lâu, ông ta đem tài vật cấp thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, kẻ cô độc, người ăn xin, bạn bè, thân tộc, chỉ còn căn nhà chưa cho ai cả. Nghe vậy, Thổ La Nan Ðà đến nhà ấy, bảo:

– Này trưởng giả! Thông thường người nữ được lợi dưỡng rất ít, đến lượt ngài hỷ xả ban cho ít nhiều.

Ðáp:

– Thánh giả đã đến chậm, tài vật của tôi đã cho hết rồi, chỉ còn căn nhà này.

Ny nói:

– Trưởng giả! Tôi có hy vọng nên đưa mặt đến đây, nay phải về không, thật chẳng vừa ý.

Ðáp:

– Thánh giả! Chỉ có nhà này, ý ngài muốn lấy, con cũng không tiếc.

Ny đáp:

– Nếu vậy, tôi nhận lấy, cầu nguyện ông hết bệnh khổ.

Sau khi trưởng giả qua đời, thân thuộc tập họp đến đặt trên xe linh kết lụa xanh vàng đỏ trắng rực rỡ, đi đến Thi Lâm.

Nghe trưởng giả qua đời, Bí-sô ny Thổ La Nan Ðà vội đến nơi, niêm phong nhà lại và đứng một bên.

Sau khi hỏa thiêu, trở về thấy nhà bị niêm phong, thân tộc hỏi:

– Ai đóng lại vậy?

Ny đáp:

– Người được cho nhà đã đến đóng cửa.

Hỏi:

– Thánh giả! Nhà đã cho ai?

Ðáp:

– Ðã cho ta.

Hỏi:

– Thánh giả! Nếu vậy hãy cho tôi thuê, sau sẽ trả tiền.

Ny hỏi:

– Chắc không?

Ðáp:

– Chắc chắn.

Ny liền mở cửa cho vào.

Bấy giờ, đến nhà ấy, nghe sự việc như vậy, Bà-la-môn trưởng giả đều chê trách:

– Sa-môn Thích-nữ làm việc phi pháp, sao lại đem nhà cho người khác thuê?

Ny bạch Bí-sô, Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Thật trái với pháp Sa môn, chê trách thật đúng; từ nay trở đi các Bí-sô ny không được cho người thuê nhà. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ như trước. Trưởng giả nọ ưa bố thí, biết mình sắp qua đời nên bố thí hết của cải chỉ còn một cửa hàng. Nghe như vậy, ny đến xin sự việc như trước … cho đến khi ông ấy chết ny liền niêm phong cửa làm mọi người chê bai. Bí-sô bạch Phật. Phật dạy:

– Nếu ai cho thuê cửa hàng bị tội vượt pháp.

* Duyên xứ như trước. Thổ La Nan Ðà vào thành khất thực trong thấy cô đồng lắc linh đi các nhà nói chuyện lành dữ, được nhiều lợi vật đủ để nuôi thân, nên suy nghĩ: “Ðây là phương pháp tốt, ta nên làm theo”.

Sau khi tìm có linh, sáng sớm ny vào thành, đi đến từng nhà lắc linh vang dậy, tắm gội thân thể cho các trai gái của người, dối gạt nói ra sự lành dữ, những điềm sẽ đến, người có bệnh nhờ trời sẽ khỏi, làm cho cả thành đều nghe biết tiếng tăm. Ai có điều thỉnh cầu đều tìm đến yết kiến. Từ đó không ai hỏi đến những cô đồng thầy bói cả.

Khi ấy những cô đồng trước đây, đến hỏi mọi người:

– Có việc gì, cần ta xem tướng không?

Mọi người đáp:

– Không làm phiền người nữa. Tôi có Thánh sư thông thạo các việc, xem tướng trị bệnh đều vừa ý cả.

Họ hỏi là ai. Ðáp:

– Thánh giả Thổ La Nan Ðà.

Nghe nói vậy, họ bất mãn nói:

– Thích nữ phi pháp dối làm cô đồng, đoạt sự mưu sống của ta.

Bí-sô bạch Phật. Phật suy nghĩ:

– Ny làm cô đồng có những lỗi như vậy, dối nói những điều quỷ quyệt gây ra bất mãn.

Ngài bảo các Bí-sô:

– Từ nay! Ta không cho phép ny làm cô đồng. Ai vi phạm bị tội vượt pháp.

    Xem thêm:

  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 24 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 40 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 27 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 19 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 22 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 20 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 06 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 17 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Quyển 16 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 03 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 10 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 31 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 25 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 30 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 28 - Luật Tạng
  • Luật Ma Ha Tăng Kỳ – Trọn Bộ 40 Quyển - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 07 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 21 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 01 - Luật Tạng
  • Luật Tỳ Nại Da Tạp Sự – Quyển 35 - Luật Tạng