Miền Tây, một thời dĩ vãng

Thích Phước Tiến

Quý vị xem video phóng sự đầy đủ tại:

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cực Nam của Việt Nam, vùng đồng bằng Nam Bộ còn được gọi là đồng bằng sông Mê Kông. Năm Minh Mạng thứ 13 (năm 1832) miền Nam được chia thành 6 tỉnh, gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh, gồm hai Miền: miền Đông và miền Tây. Ba tỉnh miền Đông gồm: Phiên An (Gia Định), Biên Hòa, Định Tường và ba tỉnh miền Tây gồm: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Gần như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay được chia ra từ ba tỉnh miền Tây Nam Bộ ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX. Khi đã quen dần, mọi người chỉ gọi chung cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là miền Tây.

Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu sử Nam Bộ, miền Tây là vùng đất mới nhưng đặc biệt được thiên nhiên ưu đãi. Từ ban đầu, những người đi khai hoang, mở đất, nhận thấy rằng vùng đất này tuy hoang sơ nhưng lại rất trù phú, sông nước bạt ngàn, tôm cá đủ loại, lượng phù sa màu mỡ quanh năm, rất lợi thế cho việc canh nông cũng như khai thác thủy hải sản. Thông qua các câu Ca dao tục ngữ mô tả về miền Tây Nam Bộ, chúng ta sẽ thấy tính hoang sơ và trù phú của nó: “Muỗi kiêu như sáo trúc, đĩa lội như bánh canh”, hoặc là “gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”…

13

Nghe hai chữ miền Tây thật là bình dị, nó vẫn mãi là đặc trưng cho một xứ sở chất phác, chân phương miền thôn dã. Từ những vùng đất mới hoang sơ, canh nông lạc hậu, nhiều điều rất thực tế, bình dị diễn ra trong cuộc sống hàng ngày được người dân nơi đây cường điệu hóa thành những câu chuyện “huyền thoại” thời cận đại, đem lại những tiếng cười sảng khoái, làm thư giãn sau những ngày lao động vất vả. Đại diện cho sự sinh hoạt đặc trưng của vùng đất mới này là câu chuyện “Bác Ba Phi”. Đó là những hình ảnh tự hào cho cái trí thông minh từng trải, nhiều kinh nghiệm của người dân miền Tây Nam Bộ thời kỳ đầu. Bằng những hiểu biết chân chất tạo nên tính trào phúng tự nhiên, lại rất nhân văn, là động lực để người dân miền Tây vượt qua bao nhiêu gian khó và tích góp nhiều kinh nghiệm sống quý báu cho thế hệ cháu con mai này.

Đặc biệt ngôn ngữ miền Tây thì không thể trộn lẫn vào đâu được, những chất giọng cứng cứng và đôi khi phát âm đớt đát nghe qua là có thể phân biệt được ngay. Đối với người miền Tây, một trong những chữ cái khó phát âm nhất, đó là chữ R, nó ăn sâu vào máu, trở thành thói quen như nét văn hóa, đặc trưng cho ngôn ngữ vùng miền, mà không hề dễ dàng thay đổi. Khi hội nhập cộng đồng, người miền Tây chúng tôi hay bị nhạo báng là nói đớt: bắt cá dzô(rô), bỏ dô(vô) dzổ(rổ), nhảy dzồ (rồ) dzồ(rồ) hay “bắt cá gô(rô) bỏ dô(vô) gổ(rổ) nhày gồ(rồ) gồ(rồ)”; đi dzuộng(ruộng) hay di guộng(ruộng)…Người miền Tây nghe là hiểu ngay nhưng những vùng miền khác không hề dễ hiểu; nếu người nước ngoài học tiếng Việt của miền Tây thì họ dễ “bó tay chấm com”, chào thua, vì tiếng Việt phức tạp và khó phát âm quá!

Tôi sanh ra và lớn lên trong một vùng thôn quê nghèo thuộc miền Tậy Nam Bộ. Cuộc sống quanh năm chỉ biết sông nước, ruộng đồng. Mặc dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng nó cũng có điều gì đó rất nên thơ. Tuổi ấu thơ nào biết nghèo khó là gì, dù cuộc sống lam lũ, thường ăn rau, cháo thay cơm. Thuở thiếu thời, chúng tôi không có những trò chơi hiện đại như bọn trẻ thời nay. Lũ trẻ chúng tôi thường tụ tập chơi trò chơi dân gian, rất đa dạng như: chọi lon, tán u, đánh đáo, thảy lỗ, trốn kiếm, nhảy cò, đá thun, đá dế, thả diều, cất nhà chòi lá chuối, vỗ tu na đất…

Bây giờ, có dịp về thăm quê, chúng tôi thấy quê hương mình nhiều đổi mới, cuộc sống sung túc hơn xưa, những ngôi nhà tranh vách lá ọp ẹp đơn sơ hầu như đã được thay bằng những ngôi nhà sang trọng; những đứa trẻ hôm nay không còn ăn mặc lem luốc, lam lũ như bọn tôi thuở nào, đa phần chúng được diện bằng nhưng bộ “quần thun áo pun”. Có lẽ, bọn trẻ hôm nay cho việc ăn diện bộ đồ Pi ra ma(pijama) ra đường là “sến” nhưng đó là thứ xa xỉ của bọn tôi vào thuở ấu niên, mỗi khi có lễ hội hay dịp Tết về. Những hình ảnh cũ ngày xưa, kỷ niệm của một thời, niềm vui hòa lẫn cả nỗi buồn luôn khắc sâu trong tâm trí, không thể nào phai. Đôi lúc tôi thoáng nghĩ, làm sao có thể tìm lại thiên đường của tuổi thơ, vì dòng đời luôn thay đổi, thời gian không bao giờ trở lại, mọi thứ rồi sẽ qua đi, có chăng nó chỉ là một thời dĩ vãng còn lại trong ký ức của mỗi người.

Có thể ngày xưa cuộc sống vật chất không được đầy đủ và hiện đại như hôm nay, nhưng điều đáng tiếc chúng ta đã mất đi môi trường khí hậu hay nguồn nước trong lành, mát mẻ. Thay vào đó là sư nóng bức gần như quanh năm hay những dòng nước được cảnh báo là phân thuốc hóa học hoặc nhiễm mặn đến độ không thể tắm hay sử dụng tưới tiêu được. Các loại sinh vật đặc trưng của miền đồng bằng sông Cửu long: đỉa, dắc, cá, tôm… phản ánh cho cuộc sống hoang sơ nhưng mãnh liệt và đa dạng của một thời, giờ đây dường như chúng không còn chỗ để dung thân, một phần do thuốc hóa học gây ô nhiễm độc hại, một phần là bàn tay tận diệt không thương tiếc của con người.

Nước ngọt một thứ sản phẩm thiên nhiên ban tặng, với hệ thống sông ngòi dày đặc, miền Tây là nơi có lợi thế cực kỳ lớn nên còn được mệnh danh là Miền sông nước. Vì vậy, hễ ai khuyên tiết kiệm nước thì người đó đang nói chuyện hoang đường, bị bệnh thần kinh. Nhưng rồi có một lúc, chính nơi không bao giờ lo sợ thiếu nước chúng ta phải đối diện với việc khan hiếm nước, do hạn mặn kéo dài. Thời gian qua, cư dân một số vùng miền Tây, đặc biệt như Bến Tre người dân bắt đầu mua từng khối nước ngọt chưa qua tinh lọc với giá rất cao. Bây giờ họ mới thấy nước ngọt quý giá như thế nào và bắt đầu tiết kiệm từng giọt trong sinh hoạt và tưới tiêu.

tang gieng ben tre 14
Xe tải, xe lôi, xe máy kéo cung ứng nước ngọt đến các hộ gia đình với giá từ 100.000 – 200.000 đồng/m3.

Trước kia, nước tưới tiêu cho ruộng vườn rẫy bái là chuyện bình thường. Trên những cồn cát ngập phù sa cây trái quanh năm xanh um, rợp bóng mát, như: vườn ổi, vườn mận, chôm chôm, xoài, cam, bưởi… là nơi tụ hợp của bọn chúng tôi vào dịp mùng năm tháng năm, tết nửa năm – tiết Đoan ngọ. Vậy mà giờ đây, môt số chủ vườn phải rơi lệ nhìn vườn cây dần dần chết khô chết héo vì không có nước tưới tiêu. Nước đã nhiễm mặn hết rồi, tưới vào chết càng sớm hơn thôi, thà để vậy, chờ đợi một cơn mưa giải hạn có thể chúng được hồi sinh – chủ vườn than vãn. Những gia đình khá giả hơn họ bỏ một khoản chi tiêu lớn để mua nước đắt đỏ, một khối cả trăm ngàn, thứ mà ngày trước cho không ai thèm, để cứu lấy khu vườn như nguồn huê lợi nuôi sống cả gia đình.

tang gieng ben tre 5
Vườn chôm chôm bị cháy lá

Vườn chôm chôm bị cháy lá

Thuở nhỏ, những dòng sông trong xanh mát lạnh, là điểm thú vị cho những đứa trẻ chúng tôi mặc tình ngụp lặn thỏa thích. Vào những buổi trưa hè oi bức, bọn trẻ chúng tôi rủ nhau ra sông tắm, cùng hụp lặn, chia phe chọi đất với nhau là trò chơi không thể thiếu của những đứa trẻ sống nơi vùng nước ngập phù sa. Vì vậy, sau buổi tắm, trên vành miệng đứa nào cũng bị phù sa bám thành một “đám râu” mà chẳng hề hay biết. Tôi chưa từng nghĩ đến những điều bịnh dị đó của một thời lại trở nên xa xỉ với chính quê hương mình ngày nay. Nhiều con kênh rạch, ngoài nguồn nước bị ô nhiễm vì phân hóa học, thuốc trừ sâu, bị nhiễm mặn…thì tình trạng rác thải gây mất vệ sinh là những nguyên nhân chính để không thể tắm hay sử dụng ăn uống được.

nha tinh thuong kien giang 45

Vài mươi năm trước, mẹ tôi chỉ cần mang thùng xuống sông múc lên vài thùng nước lóng phèn là chúng tôi có thể uống, là có thể nấu ăn. Vậy mà giờ đây điều đó lại trở thành như chuyện cổ tích. Tôi hỏi mẹ, ở quê mình nước sông có múc lên để sử dụng như ngày xưa không? Mẹ lắc đầu và trả lời rằng: không thể được. Bây giờ nước đã không còn được sạch sẽ và an toàn nữa. Mỗi hộ dân đều phải vô nước phông – tên, để ăn uống cũng như tắm rửa; nước sông lóng phèn chỉ để sử dụng việc rửa ráy lặt vặt thôi.

333

Đồng ruộng cò bay thẳng cánh, xanh mướt quanh năm bây giờ cũng đang chờ những cơn mưa đầu mùa cứu lấy vì không có nước, đất bị khô cằn nứt nẻ. Kênh rạch còn nứt nẻ thì những đồng ruộng lấy đâu ra nước để dẫn vào. Vựa lúa lớn nhất đất nước hôm nào, nếu không có giải pháp kịp thời để cứu lấy thì chỉ còn là những câu chuyện kể nơi cửa miệng cho các thế hệ cháu con. Rồi mai này, tôi sẽ giải thích thế nào với những lũ trẻ? Những thế hệ tương lai sẽ trách cha ông chúng nó đã hủy hoại môi trường, đã tận diệt chim trời cá nước để cho chúng nó không còn gì để sống, không còn gì để tự hào? “Ai ơi về miệt Tháp mười/ cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn” hay “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ ai đi đến đó lòng không muốn về”… tất cả đã trở thành dĩ vãng. Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng bao giờ mới trở thành hiện thực một lần nữa nơi quê hương mình?! Ôi, sao tôi có cảm giác nghèn nghẹn và đau nhói trong tim khi nghĩ đến viễn cảnh đó!

lua chet kho 15833698808911164128169
Ruộng lúa của gia đình Bà Trần Thị Thắm (63 tuổi, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) bị chết khô đã hơn nửa tháng, hiện gia đình bà thu hoạch về tuốt lấy rơm cho bò ăn – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
0 1099 768 383 1094 656 168
Một con sông ở ĐBSCL bị khô hạn

Nhiều lời cảnh báo của các chuyên gia về khí hậu và mội trường ở nước ngoài, làm cho chúng ta cần phải ý thức hơn về nơi cư dân miền Tây đang sinh sống. Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, nhiều vùng đồng bằng và duyên hải, các hải đảo trên thế giới sẽ chìm sâu trong nước biển, trong đó có đồng bằng sông Cửu long và các vùng duyên hải Việt Nam. Mặc dù không hiểu nhiều về khí hậu hay môi trường như các chuyên gia, nhưng từ thông tin báo đài, chúng ta cũng cảm nhận một điều gì đó về một tương lai không mấy lạc quan. Với tình trạng sụt lún không dừng, đồng thời biến đổi khí hậu môi trường làm nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng gây băng tan chảy mạnh, mực nước biển dâng cao, các quốc gia có lợi thế ở thượng nguồn sông Mê Kông làm đập thủy điện thì các tỉnh miền Tây Nam Bộ thuộc Hạ lưu bị nhiễm mặn chỉ là bước đầu nhưng khả năng bị ngập mặn hay sẽ bị nhấn chìm vĩnh viễn thì sự tiên đoán đó của các nhà khoa học thế giới không phải là chuyện viễn vông.

Cũng có thể một phần do thiên nhiên sẵn giàu có, ưu đãi nên người miến Tây ít chịu phấn đấu hơn so với cư dân các vùng miền khác. Vẫn là nếp sống bình dị, đơn giản, lạc quan, không ganh đua, không sợ đói nên dần hình thành tính ỷ lại, và đó chính là sự thiệt thòi, là cái cần phải thay đổi của cư dân miền sông nước khi nguồn tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt, sự khắc nghiệt của môi trường và điều kiện khó khăn từ xã hội khách quan, buộc chúng ta phải nhìn lại và tìm giải pháp hữu hiệu hơn cho sự sống còn của hàng triệu người đang cư trú.

Trao những cây nước ngọt cho người dân Bến Tre là những vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất về nước nhiễm mặn cũng như khô hạn kéo dài so với các tỉnh thành khác, tôi cũng cảm thấy một chút niềm vui, khi mình góp phần chia sẻ sự khó khăn này, nhưng đâu đó vẫn là nỗi ám ảnh cho một ngày mai, đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao khi nguồn nước sông Mê Kông đã bị những quốc gia thượng nguồn lợi dụng thủy triều làm quá nhiều trạm thủy điện. Hệ quả tất yếu là quốc gia nào cũng biết nhưng mấy ai có đủ tình thương để bận tâm đến cuộc sống của hàng triệu người sống Hạ nguồn bị thiệt hại như thế nào!? Chúng ta cần phải có tiếng nói, cần sự hỗ trợ của Quốc tế can thiệp về nguồn nước Mê Kông, để các quốc gia chung dòng nước cần có trách nhiệm hơn. Đó vừa là nguyên tắc mà cũng là đạo lý, tình người cùng nương tựa nhau để sống bình đẳng và an lành trên trái đất mẹ thiên nhiên.

tang gieng ben tre 46

tang gieng ben tre 25

Bài hát Về Miền Tây – Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, ngọt ngào, thắm đượm tình yêu thương quê hương của thuở nào, hôm nay tôi nghe sao có chút đắng đòng, cay cay trên khóe mắt, thổn thức trong tim can. Nghĩ đến, tôi cảm thấy một điều gì đó xót xa không nói nên lời, vừa thương lại vừa giận!!!

“Miền Tây ơi! Vựa lúa miền Nam hai mùa mưa nắng.
Miền Tây ơi! Sông nước Cửu Long chín nhánh phù sa,
Đất lành khắp chốn nở hoa,
Vun bồi mạch sống mượt mà môi em”.