Một ngày nọ, Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên cùng với học trò là sư Thạch Thất leo núi.

Thiền sư Thạch Đầu đi sau, lưng đeo con dao đốn củi. Sư Thạch Thất đi trước, mở đường cho thầy. Đến lưng chừng núi thì đường bị tắc, vì có một cành cây lớn cản lối đi. Sư Thạch Thất quay đầu lại nói với thầy:

“Sư phụ đưa hộ con dao giúp con”

Thiền sư Thạch Đầu rút con dao đưa cho Thạch Thất. Thạch Thất đưa tay định cầm con dao bỗng thấy đó là con dao không có cán. Thạch Thất nói:

“Sư phụ! Hãy đưa cán dao cho con!”

Thiền sư Thạch Đầu hét to:
Cán dao thì dùng được gì?

Sư Thạch Thất hốt nhiên đại ngộ ngay ở trên đường, giữa lưng chừng núi. 

… … … … …

Trong cuộc sống có rất nhiều cái không dùng được, như cán dao trong câu chuyện “Mũi dao và cán dao”. Cán dao chỉ để cầm thôi, suy cho cùng thì cán dao cũng xếp vào loại những cái không dùng được. Nhưng nếu không có những cái tưởng như vô dụng đó thì những cái hữu dụng sẽ mất hết ý nghĩa. Như con dao tác dụng chính là ở lưỡi dao dùng để cắt, chặt… nhưng nếu không có cán dao thì cầm vào đâu để có thể dùng được.

Bài Học Đạo Lý:
Thì ra, tính duyên khởi luôn hiện hữu và chi phối vạn pháp. Cái này có mặt trong cái kia, chúng nương tựa nhau chặt chẽ đến không thể tách rời. Ai thấy được duyên khởi thì đồng nghĩa giác ngộ, thấy được Như Lai. Tuy vậy, phần lớn chúng ta lại chưa thấy được đặc tính duyên khởi ấy của các pháp nên thường phân biệt, lường suy.

Người mới học Phật, khi bắt đầu tu hành thường bị vướng mắc vào ý niệm “Phải làm tất cả những gì hữu dụng, lợi ích”. Ví như người tu Tịnh độ cho rằng tất cả những gì giúp cho sự vãng sinh là có ích, là hữu dụng. Còn tất cả cái khác, thuộc về phàm tục nhân gian thì đều có giá trị tương đối, nếu không muốn nói là vô dụng. Hay như người tu Thiền tông thì cho rằng tất cả những gì giúp cho sự khai ngộ là hữu dụng, là có ích. Mọi cái khác không dẫn đến sự bừng ngộ cũng đều có giá trị tương đối, nếu không muốn nói là vô dụng.

Đời người, ai sống thọ nhất cũng chỉ khoảng trăm tuổi. Trong một trăm năm, thời gian chúng ta thực sự tu hành rất là ít ỏi. Thời gian tu hành đó ví như lưỡi dao. Thời gian khác chúng ta không tu hành mà dùng để làm việc kiếm sống, ăn uống, ngủ nghỉ, đi dạo, xem phim, nghe nhạc, uống cà phê v.v… xem ra không hữu ích gì giống như “cán dao” nhưng đều có ích bởi vì sự tu hành được thể hiện trong mọi lúc, chứ không phải chỉ trong thời gian ít ỏi tu tập ở chùa.

Câu chuyện Thiền trên đây giúp mở ra nhận thức mới cho chúng ta. Tất cả các pháp đều có tương quan mật thiết với nhau, cùng nương vào nhau để tồn tại. Hiểu được vậy chúng ta không còn vướng mắc vào “cán dao” hay “lưỡi dao”, hay nói một cách khác là không còn vướng mắc vào những phạm trù nhị nguyên như hữu dụng và vô dụng, nhân gian hay Tịnh độ, giác ngộ hay phàm phu mà thấy “Tất cả pháp đều là Phật pháp”.

 Lê Đàn