(PPUD) Chùa Nan Wua, nằm gần ngôi làng nhỏ Bronkhorstspruit ở tỉnh Gauteng của đất nước Nam Phi, là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất phía Nam bán cầu.
Năm 1992, hệ thống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đang trên bờ vực sụp đổ. Hai năm trước đó, Nelson Mandela đã được giải thoát khỏi nhà tù đảo Robben, Đại hội Dân tộc Phi (ANC) lúc ấy không còn bị cấm đoán và đã trở thành một đảng chính trị. Chỉ một vài năm nữa (đến năm 1994), cuộc bầu cử đa sắc tộc lần đầu tiên ở Nam Phi được tổ chức, ANC thắng cử, Nelson Mendela trở thành tổng thống của Nam Phi…
Trong thời gian này, một thành viên hội đồng thành phố trong ngôi làng nông nghiệp nhỏ có tên là Bronkhorstspruit, cách khoảng 30 dặm về phía đông của Pretoria – – tiến sĩ Hennie Senekal đã thực hiện một quyết định lạ thường. Một năm trước đó, ông đến thăm Đài Loan nhằm nỗ lực thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào Bronkhorstspruit. Ông đã bị hấp dẫn bởi tông phái Fo Guang Shan, một nhánh Phật giáo theo pháp môn Tịnh Độ. Senekal và Hòa Thượng Hsing Yun bắt đầu nói chuyện về khả năng mở ra một trung tâm Phật giáo ở Nam Phi. Sau chuyến thăm của Tiến sĩ Senekal và theo kiến nghị của ông, Hội Đồng Thành Phố Bonkhorstspruit đã tặng sáu ha (khoảng 15 mẫu Anh) đất cho giáo hội Fo Guang Shan, và mời quý thầy đến xây dựng một tu viện. Sau đó, ngôi làng còn cúng dường thêm tám ha đã được tặng cho tu viện..
Vào tháng 10, 1992, công trình xây chùa Nan Wua đã khởi công. Đầu tiên là xây Chùa, sau đó là xây trường, và rồi xây dựng phòng họp và rồi đến một thiền đường. Khoảng 95% vật liệu xây dựng đến từ các nguồn địa phương Nam Phi, và dự án đã tạo nên lượng lớn công ăn việc làm cho người lao động Châu Phi. Tổng cộng, công trình phức hợp này chi tốn 60 triệu đồng Rand, khoảng 6 triệu Mỹ kim, và là một sức đẩy mạnh mẽ đối với nền kinh tế trong vùng vào thời điểm mức thất nghiệp của người da đen tại Nam Phi vượt qua mức 50%.
Các nguồn tài chính đến từ trụ sở của Hội Phật giáo ở Đài Loan cũng như của cộng đồng người Đài Loan ở Nam Phi. Hòa Thượng Hui Li đến từ Đài Loan được bổ nhiệm làm trụ trì tại tu viện mới này.
Trong những năm qua, giáo hội Fo Guang Shan đã mở những ngôi chùa mới tại các thành phố như Johannesburg, Bloemfontein, Durban và Cape Town, và đã thu hút được các nhà sư và tín đồ từ khắp nơi trên châu Phi đến tu học. Mục đích của Giáo hội là nhằm:
1. Truyền bá chánh Pháp: Dạy các phương pháp của Đức Phật để mọi người dẹp bớt chấp ngã và đạt được niềm vui, cũng mang lại an lạc thực sự cho chúng sinh châu Phi.
2. Giải phóng Tăng già: Giáo dục tu sĩ địa phương, trồng những hạt giống Bồ Đề (con đường của trí tuệ) ở châu Phi.
3. Quy y Phật pháp: Truyền giới cho giới tu sĩ và quy y cho dân chúng.
4. Dịch kinh: dịch Đại Tạng Kinh Trung Quốc sang các ngôn ngữ địa phương để cho người châu Phi cũng có thể hiểu được chúng.
5. Xây dựng chùa chiền: xây dựng các ngôi chùa cho Phật tử và Tăng sĩ, làm nơi tu học, sống và thực hành theo giáo pháp của Đức Phật.
Ban đầu, nhiều người lo ngại rằng ngôi chùa nằm ở vùng nông thôn – nơi sự phân biệt chủng tộc rất nặng nề, sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công chính trị, nhưng, như Hội đồng thành phố hy vọng, ngôi chùa đã trở thành một phần của cộng đồng và là một biểu tượng của sự đa văn hóa mới ở Nam Phi. (Tuy vậy, cũng đã xảy ra một tai nạn. Vào tháng 10, 2002, một nhóm kỳ thị ngườj da trắng có tên là Boeremag, đã cho nổ bom trong một tòa nhà của chùa và làm bị thương 2 người..).
Ngày nay, ngôi chùa đã trở thành nơi chào đón du khách với nhiều tín ngưỡng khác nhau, và là một điểm du lịch quan trọng của Bronkhorstspruit.
Nhuận Đoan lược dịch từ buddhistchannel
Theo Phật Pháp Ứng Dụng