(PPUD) Kiến trúc của chùa gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối chình tường.
Toạ lạc trên ngọn núi Bổ Đà về phía Bắc dòng sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang, ngôi chùa mang tên Bổ Đà. Không rõ tên núi có trước hay tên chùa có trước, chùa Bổ Đà chính tên là chùa Quán Âm, nơi đức Quán Âm Bồ Tát ứng hiện cứu đời nên dân còn gọi là chùa Bổ.
Theo các nhà nghiên cứu phân tích thì tên chùa, tên núi Bổ Đà bắt nguồn từ chữ Bu Đa – Phật mà dân gian quên gọi là Bụt? Nếu sự phân tích này là đúng thì Phật giáo đến đây từ khá sớm và tên núi gắn liền với tên chùa.
Còn theo truyền lại từ thuở khai thiên lập địa trong địa phận Tiên Lát có ba ngọn núi lớn, mỗi ngọn có tên riêng. Cao nhất là Phượng Hoàng Sơn, có nhiều đá mọc thông reo, ngọn thứ hai là Mã Yên Sơn và ngọn thứ ba là Kim Quy Sơn. Cả ba ngọn có tên chung là núi Bồ Đà, giải núi nhấp nhô, cây xanh tươi tốt ngàn thông: họp gió mát chim kêu nên sau này có nhà sư đã dựa vào phong cảnh thiên nhiên mà viết nên những dòng mô tả về chốn tổ Bồ Đà như sau:
Bốn bề phong cảnh lạ thay
Bồng lai kia cũng thế này mà thôi
Cũng theo truyền lại trên đỉnh núi có khoảng đất bằng phẳng rộng hơn chiếc chiếu, tục truyền là nơi Bồ Tát xuất thế. Xưa không nhớ thời nào, trong làng có một người tiều phu hàng ngày vào rừng kiếm củi nuôi thân nhưng chưa có con trai. Một hôm vác búa cắp dìu lên núi kiếm củi bỗng gặp một gốc cây thông già, mỗi nhát bổ ông lại niệm: “Quan Thế Âm Phật”. Sau đó được 32 đồng tiền ở gốc cây, tự lấy làm lạ bèn đến vị cao tăng hỏi thì cao tăng bảo rằng: “Đức phật quan âm có 32 điều ứng”. Người tiều phu khấn cầu rằng: “Nhược bằng đức Phật quan âm phù hộ cho tôi sinh con trai, tôi xin dựng chùa thờ”.
Quả nhiên sau đó người tiều phu có con trai thực, rồi dành dụm được ít tiền bèn dựng một ngôi chùa lợp gianh và tô một pho tượng Quan âm Tống Tử để hương khói phụng thờ. Sau dần dần nhiều người qua lại lễ bái, cầu việc gì cũng đều biến ứng, bèn trở nên nơi danh lam thắng cảnh, vì thế gọi tên là chùa ông Bổ.
Trải qua những biến thiên của lịch sử, mặc dù có những lúc chùa là địa điểm sản xuất vũ khí của bộ đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), nhưng chùa Bổ Đà vẫn còn bảo lưu được khá nguyên vẹn các công trình kiến trúc. Toàn bộ chùa có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm ba khu rõ rệt. Khu vườn: 31.000m2, khu nội tự chùa 13.000m2 và khu vườn tháp rộng: 7.784m2.
Minh Minh tổng hợp
Theo Phật Pháp Ứng Dụng