Mỗi dân tộc có một kiểu ăn Tết riêng, đôi khi kéo dài, tạo thành mùa gọi là mùa Tết. Việt Nam có 54 dân tộc, và vì vậy cũng có 54 sắc thái, phong vị Tết khác nhau.
Tết Prơgiêrâm của dân tộc Cơ Tu
Vào mùa Xuân, lúc bắt đầu vụ mùa lúa mới, đồng bào các huyện Phước Sơn, Giằng, Hiên ở Quảng Nam tổ chức ăn Tết Prơgiêrâm. Đây là ngày lễ lớn nhất trong năm. Các gia đình đều trang trí đẹp đẽ. Các loại cung nỏ, giáo, mác, thanh la, trống, chiêng được lau chùi cẩn thận. Ở nhà Gươl (nhà làng) người ta dựng cột đâm trâu bằng cây gạo được chạm trổ, sơn vẽ đẹp mắt.
Nhiều sinh hoạt văn hóa của người Cơ Tu sẽ diễn ra tại nhà Gươl như kể chuyện, nhảy múa, hát dân ca. Con gái được dịp trao đổi tâm tình và rủ nhau chơi xuân kéo dài suốt tháng..
Tết Nhô LirBông của dân tộc Cơ Ho
Người Cơ Ho hay sinh sống ở Lâm Đồng. Họ ăn tết sau Tết Nguyên đán của người Kinh độ một tháng, gọi là Tết Nhô LirBông, tức tết mừng lúa về nhà. Tết này kéo dài cả tháng.
Hai chữ LirBông có nghĩa là cót thóc. Người Cơ Ho rất quý trọng thóc lúa, vì thóc lúa là những hạt ngọc của Giàng ban phát.
Lễ cúng mừng lúa được tổ chức tại kho lúa của mỗi gia đình, bắt đầu từ xế chiều với sự tham dự của chủ làng và nhiều gia chủ khác. Người ta lấy máu gà hiến sinh bôi lên vựa thóc, sàn kho, các cửa lớn, cửa sổ. Máu gà còn được trộn chung với vỏ cây đa, củ nghệ, các con mối đất. Cỏ tranh giã nhỏ để bôi lên ngực, lên trán những thành viên trong gia đình, sau đó còn bôi lên những đồ dùng.
Sau lễ cúng cót thóc trong gia đình, người Cơ Ho rủ nhau đi từ nhà này sang nhà khác để ăn uống, ca hát, nhảy múa chung vui trong suốt một tháng.
Lễ Tết cổ truyền của dân tộc Chăm
Đồng bào Chăm, hiện đang sinh sống tại tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và An Giang. Cũng như các dân tộc anh em khác, người Chăm ăn Tết cũng rất linh đình, nhộn nhịp. Hai lễ lớn nhất trong năm là Păng Katê và Păng Chabư được xem như cái Tết của họ.
Lễ Tết Păng Katê tiến hành vào ngày 1/7 theo lịch Chăm tức khoảng tháng Chín dương lịch và lễ Tết Păng Chabư tiến hành vào ngày 16/9 theo lịch Chăm tức vào khoảng tháng Hai, tháng Ba dương lịch
Vào những ngày lễ, đông đảo đồng bào Chăm từ các nơi đổ về tại ba nơi hành lễ: đó là đền Pônưgar, tháp Pô Rômê ở huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) và tháp Pô Klông Garai ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Tết Păng Katê là cử hành vào buổi sớm mai, còn Tết Păng Chabư là lễ cúng tế các lễ thần Pô Giang nữ, tức các hoàng hậu, công chúa Chăm, được cử hành vào buổi chiều tối.
Sáng mồng một Tết, các chức sắc người Chăm cùng toàn thể bà con xa gần đều tề tựu về ba nơi hành lễ, quần áo thật mới mẻ, chỉnh tề. Các thầy Cả và các bà Bóng ngồi theo thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp.
Lễ cúng gồm có hoa quả, bánh trái đủ loại, cúng cơm, rượu và thịt. Ba nghi lễ gồm các thầy Cả sư, phó Cả sư, thầy Bà xế, thầy Kè ke vừa kéo đàn Kanhi vừa xướng văn tế lễ. Còn các bà Bóng thì lo dâng rượu và múa mừng.
Ngày tết, người Chăm theo đạo Hồi thường đến nhà thờ đạo Hồi vào ngày đầu năm để nghe chức sắc, đọc kinh Coran, cầu nguyện đấng Alah, sau đó các tín đồ ra sông, ra suối tắm tẩy uế những cái xui, cái xấu của năm cũ và rước cái mới, cái tốt lành của năm mới.
Ngày mồng 2 Tết là ngày dành riêng cho các chức sắc ăn tết tại nhà. Qua ngày thứ ba trở đi, cho đến ngày thứ 7 hay thứ 9 thì đến lượt mọi người tổ chức ăn tết, lần lượt từ nhà này sang nhà khác. Họ làm thịt lợn, gà vịt, bày đủ loại hoa quả, bánh trái để mời mọi người.
Trong dịp Tết, người Chăm không có tục kiêng cữ cho nên bạn bè, hàng xóm trong dịp ở xa có thể đến chung vui một cách thoải mái. Trong thời gian ăn Tết, người Chăm còn tổ chức các trò vui chơi như múa quạt, tổ chức đánh cồng chiêng, ca hát uống rượu, bắn cung.
Ngoài hai lễ lớn trên, người Chăm còn có các lễ khác trong năm như Lễ cúng Thần nông vào tháng 4 theo lịch Chăm, cử hành vào các đền, tháp; lễ cầu đảo (Chakap Hiâu Kron) cử hành tại các đập nước hay ở các bờ sông, bờ suối; lễ cúng ruộng (Pô Phùm) để cầu cho ruộng lúa tốt tươi và lễ Tống ôn (Rija Nưgar) tổ chức vào mồng một tháng giêng theo lịch Chăm, để cầu cho làng xóm, gia đình được thịnh vượng, an khang.
Tết Yang Pa của dân tộc Chơ Ro
Người Chơ Ro sinh sống tại Đồng Nai, Lâm Đồng và Bà Rịa-Vũng Tàu. Hai tết lớn của đồng bào Chơ Ro là lễ cúng thần rừng và lễ cúng thần lúa vào khoảng tháng ba âm lịch.
Ngày cúng thần lúa cũng là lúc các cô gái trình cho buôn làng các loại bánh ngon như bánh tét, bánh ống, bánh dầy. Sau lễ cúng thần lúa tại nhà là bữa ăn tập thể do gia chủ khoản đãi tại nơi hành lễ. Thường thường nơi cúng lễ là gốc cây cổ thụ trong buôn làng. Họ quan niệm thần lúa thường đến nghỉ ngơi ở đó.
Tết nhảy của dân tộc Dao
Người Dao ở Việt Bắc cho rằng, ngày đầu năm chưa nên làm việc mà vui chơi, thăm viếng và chúc phúc lẫn nhau. Các gia đình đều trang hoàng lại nhà cửa cho sáng sủa và dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hay trên các vách tường để đón mừng xuân.
Người Dao đón Tết bằng Tết nhảy gọi là “Nhiang chằm đao” để rèn luyện sức khỏe và võ nghệ. Tết nhảy bắt đầu trước Tết Nguyên Đán chừng vài ba hôm. Thanh niên phải tập các điệu múa, điệu nhảy, làm gươm đao bằng gỗ để múa. Tết nhảy, mỗi người phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã…
Tết Cơm Mới của dân tộc Ê Đê
Tết Cơm Mới của người Ê Đê ở Đắk Lắk vào khoảng tháng 10 dương lịch. Lúc ấy lúa đã chín vàng cả nương rẫy. Mỗi gia đình mang gùi đi tuốt lúa về phơi khô giã lấy gạo để tổ chức ăn mừng lúa chín. Tùy theo gia cảnh giầu hay nghèo mà các gia đình giết trâu, bò, lợn, gà nhiều hay ít để làm lễ.
Lễ vật đặt ở giữa nhà gồm một hay hai ché rượu cần buộc chặt vào gốc cột và vài đĩa cơm. Khi lễ, chủ nhà tự khấn hoặc mời thầy cúng khấn: “Lạy thần Mtâo Kia, thần HBia Kiu, thần Aêdu, thần Alê Diê đã ban cho chúng con nào thóc lúa, nào kê… Chúng con thỉnh chư vị thần từ phía đông dãy Ngân Hà nơi gần nguồn gốc của lúa, xin giáng lâm chứng giám. Lạy thần Aê Nghi ở dưới đất, lạy thần Aê Ngăn ở trên trời… Xin cho mỗi năm lúa được đầy vựa…”
Tết Bỏ Mả của dân tộc Gia Rai
Tết Bỏ Mả của người Gia Rai ở tỉnh Gia Lai cũng tương tự như tết ăn nhà Mả của đồng bào Ba Na nhưng được tổ chức lớn hơn nhiều. Trong suốt thời kỳ Bỏ Mả, bà con trong buôn làng kéo nhau đi viếng từng nhà để thưởng thức của ngon vật lạ. Mỗi khi nghe tiếng thanh la, trống, cồng vang lên ở ngoài nghĩa địa là báo hiệu lễ Bỏ Mả.
Người trong buôn nối đuôi nhau, tay cầm đuốc cháy sáng rực tiến về nghĩa địa để chia sẻ cùng người thân gia chủ. Mọi người không quên mang theo rượu, thịt để góp cùng gia đình gia chủ trong suốt cuộc lễ. Tuy theo gia cảnh của từng người mà chủ lễ tổ chức đơn giản hay phức tạp. Gia chủ đứng trước ngôi mả có cắm cây nêu thường làm bằng cây gạo treo nhiều lá bùa xanh đỏ bay phấp phới theo chiều gió và đưa tay lên trời lâm râm khấn vái Yàng (trời).
Tết của đồng bào dân tộc Hrê:
Tết của đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi kéo dài trong vài tháng. Mỗi gia đình phải lo nấu bánh tét, làm rượu cho thật nhiều. Nhà giàu có phải nấu từ 20 đến 40 nồi bánh tét, ủ hàng trăm ché rượu cần, làm thịt vài con trâu để đãi khách và bà con trong buôn làng. Tất cả mọi người đều tề tựu về nhà chủ làng để ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau. Sau đó mới lần lượt đến các nhà khác. Họ vừa ăn uống vừa múa hát. Đàn ông thì đeo ống chinh, còn đàn bà thì đeo ống bương lấy hai tay vỗ vào đầu ống sẽ tạo thành tiếng nhạc điệu bập bùng…
Người Hrê thích trò chơi nhảy kẹp. Hai người một nam, một nữ dùng một đòn nhảy dài chừng hai mét, trơn láng rồi dập vào nhau và tách ra một cách nhịp nhàng. Cứ hai người ngồi đập thì hai người nhảy, thay đổi cho nhau.
Tết của dân tộc Mông
Dân tộc Mông gồm nhiều nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng), Mông Lềnh (Mông Hoa), Mông Sí (Mông Đỏ), Mông Đú (Mông Đen), Mông Súa (Mông Mán). Dân tộc Mông cư trú tập trung ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An.
Người Mông có một hệ lịch riêng. Theo đó, người Mông tổ chức Tết vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay đa số các vùng người Mông đã ăn Tết Nguyên Đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ, chẳng hạn người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì lễ Tết theo hệ lịch riêng của họ.
Ngày 25, 26 tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi chuẩn bị đón Tết. Khi đó, họ niêm phong tất cả các công cụ sản xuất lại, ví dụ như các lò rèn phải làm lễ đóng lò, cối xay ngô tháo ra, dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ.
Trước đây người Mông không gói bánh chưng, bây giờ đã có gói, nhưng bánh chưng không nhất thiết có trong bữa cỗ Tết của họ. Với họ, ba món không thể thiếu là thịt, rượu và bánh ngô.
Người Mông không đón giao thừa. Đối với họ, tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng Một mới là cái mốc đánh dấu một năm mới bắt đầu. Tối hoặc nửa đêm 30, người ta cúng ma nhà (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (và phải là gà trống, mà tốt nhất là gà trống tơ). Sau đó mới mang lợn và gà ấy đi giết thịt (nhà nào giàu có thì thịt một con lợn từ 28, 29 để ăn trước). Thịt xong đem cúng một mâm thịt chín, rồi ăn cơm uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên.
Từ mùng Một trở đi họ mặc quần áo mới đi chơi. Ném pao là một trong những trò chơi ngày Tết mà người Mông rất thích; ngoài ra còn múa khèn, múa ô, chơi cầu lông gà, hát ống, hát dân ca, đua ngựa, bắn nỏ…
Đặc biệt, nói đến Tết của người Mông không thể không nói đến một lễ hội gọi là hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc). Hội Gầu Tào nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật; cầu cho con cháu đông đàn. Hội có thể kéo dài 3 ngày nếu 1 năm tổ chức một lần hoặc 9 ngày nếu 3 năm tổ chức một lần.
Đây là lễ hội lớn nhất của người Mông trong năm và nó thể hiện rõ nhất những đặc trưng văn hóa Mông trong ngày Tết. Trong lễ hội này, sau phần lễ là hát giao duyên và các trò chơi yêu thích của người Mông./.
Ngọc Linh sưu tầm