Ba Tư Nặc là đức vua trị vì vương quốc Kosala, một quốc gia hùng cường ở Ấn Ðộ, trong thời Phật còn tại thế. 

Ðức vua có một vị hoàng phi xinh đẹp tên là Mạt Lợi, mỹ nhân này là một cô công chúa của dòng họ Thích Ca, được vua Ba Tư Nặc đặc biệt sủng ái. Một hôm nhà vua hỏi nàng Mạc Lợi: 
– Trên đời này, ái khanh yêu ai nhất? 
– Muôn tâu… dĩ nhiên là thiếp quý bệ hạ nhất. 
– Trẫm cùng đoán là khanh sẽ trả lời như vậy. 

Mạt Lợi mỉm cười: 
– Muôn tâu, nếu thánh thượng cho phép thần thiếp sẽ nói khác đi một tí, nhưng xác thật hơn. 
– Ái khanh cứ nói. 
– Muôn tâu, người mà thần thiếp yêu quý nhất chính là thần thiếp. 
– Sao? Mình lại yêu mình? Trẫm không hiểu ái khanh muốn nói gì? 
– Tâu bệ hạ, vì có ái trọng tự ngã của mình nên thần thiếp mới yêu thương bệ hạ…Vì bệ hạ là người đã đem lại hạnh phúc cho cái tự ngã này. 
– Trẫm đồng ý điều đó, nhưng vẫn chưa hiểu rõ ý của ái khanh. 
– Muôn tâu, thần thiếp xin mạn phép nêu ra một câu hỏi: “Trên đời này bệ hạ yêu quý ai nhất?” 
– Ái khanh chứ còn ai nữa? 
– Nhưng giả sử như thần thiếp lại đi yêu thương chìu chuộng, ve vuốt một người đàn ông khác thì bệ hạ sẽ tính sao… Muôn tâu, thần thiếp chỉ giả dụ vậy thôi. 
– À… à… trẫm sẽ, trẫm sẽ… 
– Nghĩa là bệ hạ sẽ nổi trận lôi đình và chém đầu thần thiếp ngay lập tức? 
– Ái khanh hỏi rắc rối thật! 
– Muôn tâu, có đúng thế không ạ? 
– À… à… 
– Ðúng… phải không bệ hạ? 
– Ờ… ờ…  có lẽ đúng như vậy. 
– Thế thì… bệ hạ đã hiểu rõ câu đáp của thần thiếp rồi chứ? 

Nhà vua im lặng giây lâu rồi lặng lẽ gật đầu: 
– Có lẽ, khanh nói đúng, mình chỉ yêu thương có mình mà thôi. 

Hôm sau, đức vua xa giá đến Kỳ Viên thăm Phật và trình bày tự sự câu chuyện đối đáp giữa vua và hoàng phi Mạt Lợi. Ðức Phật đã xác nhận ý kiến của hoàng phi Mạt Lợi bằng một bài kệ trong kinh Phật Tự thuyết: 

Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời
Cũng không tìm thấy được
Ai thân hơn tự ngã. 

Và đức Thế Tôn cũng nhắn nhủ luôn đức vua Ba Tự Nặc cùng số thính chúng đang hiện diện. 

Tự ngã đối mọi người
Quá thân ái như vậy
Vậy ai yêu tự ngã
Chớ hại tự ngã người

Trích “Hư Hư Lục” / Thích Nữ Như Thủy