Thiền sư Gudo là thầy của Thiên hoàng. Dù vậy, ngài thường đi xa một mình như là một hành khất lang thang. Ngày nọ trên đường đến Edo, trung tâm văn hóa chính trị của Nhật thời đó, Gudo đến gần một làng nhỏ tên Takenada. Trời đã tối và mưa rất lớn. Gudo ướt sũng cả người. Đôi dép rơm của ngài đã rã nát. Đến một căn nhà gần làng ngài thấy có bốn năm đôi dép trên cửa sổ và quyết định mua vài đôi khô.

Một người đàn bà mang dép ra cho ngài và, thấy ngài ướt sũng, bèn mời ngài vào nhà chị trú qua đêm. Gudo nhận lời, cám ơn chị. Ngài vào nhà, tụng một bài kinh trước bàn thờ gia đình. Sau đó ngài được giới thiệu đến mẹ và các con của chị. Thấy cả nhà có vẻ trầm uất, Gudo hỏi có chuyện gì không ổn.

“Chồng con là người mê cờ bạc and say sưa,” chị nói. “Khi anh ấy thắng, anh uống say và trở nên dữ dằn. Khi thua, anh vay tiền của người khác. Đôi khi say quá mức, anh không về nhà luôn. Con làm gì được bây giờ?”

“Tôi sẽ giúp anh ấy,” Gudo nói. “Tôi có tiền đây. Chị mua dùm tôi môt bình rượu lớn và ít đồ ăn. Xong rồi chị có thể đi nghỉ. Tôi sẽ thiền định trước bàn thờ.”

Khi anh chồng về nhà lúc nửa đêm, say mèm, anh rống: ‘Ê, vợ, tôi đây. Có gì cho tôi ăn không?”

“Tôi có chút ít cho anh,” Gudo nói. “Tôi bị kẹt mưa và vợ anh rất tử tế, hỏi tôi ở lại đây qua đêm. Để trả ơn tôi đã mua một ít rượu và cá, vậy anh ăn luôn một thể.”

Anh chồng vui vẻ. Uống một hơi hết hủ rượu và nằm lăn xuống sàn. Gudo ngồi thiền cạnh anh ta.

Đến sáng anh chồng thức dậy và quên mất mọi sự đêm hôm trước. “Ông là ai? Ông tới từ đâu?” anh ta hỏi Gudo, người vẫn đang ngồi thiền.

“Tôi là Gudo ở Kyoto và tôi đang trên đường đi Edo,” thiền sư trả lời.

Anh chồng thấy rất xấu hổ. Anh lính qu‎‎ýnh xin lỗi vị thầy của Thiên hoàng.

Gudo mỉm cười. “Mọi sự trên đời đều vô thường,” ngài giải thích. “Cuộc đời rất ngắn. Nếu anh cứ tiếp tục đánh bạc và say sưa, anh sẽ chẳng còn tí thời gian nào để làm được việcgì khác, và anh sẽ làm gia đình anh đau khổ nữa.”

Đầu óc của người chồng bỗng thức tỉnh như từ trong một giấc mơ. “Thầy nói rất phải,” anh nói. “Làm sao con có thể trả ơn thầy cho những lời dạy vi diệu này! Để con tiễn thầy đi một đoạn và mang đồ cho thầy.”

“Được, nếu anh muốn vậy,” Gudo đồng ý ‎.

Hai người ra đi. Được ba dặm, Gudo bảo anh chồng đi về. “Thêm năm dặm nữa thôi,” anh kèo nài. Họ đi tiếp.

“Anh về được rồi,” Gudo đề nghị.

“Mười dặm nữa,” anh chồng nói.

“Về đi,” Gudo nói khi đã xong mười dặm.

“Con sẽ theo thầy cả đời,” anh chồng tuyên bố.

Các thiền sư Nhật ngày nay đều phát sinh từ dòng của một thiền sư nổi tiếng kế vị Gudo. Đó là thền sư Mu-nan, người đàn ông không bao giờ quay lại.

Bình:
* Đồ tể buông đao thành Phật. Mỗi người là Phật đang thành. Saul bách hại con Chúa, sau lại trở thành Thánh Paul, cột trụ chính của giáo hội Thiên chúa giáo.

Tôn kính mọi người, như Bồ tát Thường Bất Khinh đã làm. Đừng bao giờ có thành kiến, kỳ thị, và coi thường ai.

* Không có nơi nào là không thể có Phật. Đừng coi thường các vũng bùn thế gian.

* Gudo chỉ tính bảo anh say đừng say nữa, nhưng anh say tỉnh ngộ sâu thẳm đến mức theo tu vĩnh viễn và thành đại thiền sư. Có nghĩa là Gudo không khai sáng cho anh say, mà chính anh say khai sáng mình; Gudo chỉ tạo một tí cơ hội mà thôi.

Tâm của mỗi chúng ta đã sáng từ nguyên thủy, đang bị lu mờ, chỉ cần một tí cơ hội vào đúng lúc là tâm có thể tự tỏa sáng trở lại.

* Nếu các lời Gudo nói mà chỉ đọc trên Internet, hay do người khác nói, thì chưa chắc đã có ảnh hưởng sâu đậm trên anh say đến thế. Sự hiện diện của Gudo, cái từ tốn tĩnh lặng an lạc và nguồn năng lượng toát ra từ người Gudo nhất định là có ảnh hưởng rất lớn trên anh say. Mỗi người chúng ta có một “dáng vẻ”, một bóng dáng nội tâm toát ra bên ngoài như thế.

* Việc anh say Mu-nan gặp đại thiền sư Gudo có phải là duyên kỳ ngộ không? Ta có nên suy gẫm một tí về hai chữ “nhân duyên” không?

* Bạn đã có bao giờ nghe “tiếng gọi” nào mãnh liệt trong lòng bạn như tiếng gọi anh say đi theo Gudo không? Bạn trả lời tiếng gọi đó thế nào?

(Trần Đình Hoành dịch và bình)