Quý thầy giảng về Tịnh độ, dạy phương cách niệm Phật vẫn hay nhắc mình rằng: “Khi niệm Phật, quý vị nhớ chú tâm, đừng để cho tạp niệm chen vào, đừng nhớ nghĩ quá khứ, mơ tưởng tương lai, chỉ nhớ tới Phật thôi…”.
Lời nhắc ấy ngụ ý rằng, những tạp niệm (gồm những ý niệm mung lung) mà mình vẫn nhớ trong thời khắc niệm Phật là những chuyện thuộc về cuộc sống đã qua (quá khứ) và những tính toán, ước vọng tương lai (những chuyện chưa tới) với những lo lắng, mong muốn, hoài niệm vui buồn. Đó là những chuyện như thằng con tôi, cái nhà của tôi, tôi của ngày mai mốt đó… chen ngang vào hình ảnh Đức Phật để rồi nó dắt dẫn mình ra khỏi “niệm Phật đường” dù tay mình vẫn lần chuỗi hạt, miệng mình vẫn lẩm nhẩm “Nam-mô A Di Đà Phật”.
Chắc hành giả niệm Phật ai cũng đã từng chiêm ngưỡng, đảnh lễ hình tượng Đức Phật A Di Đà và có để ý thấy một tay Ngài cầm hoa sen và tay kia Ngài duỗi xuống? Tôi chiêm ngưỡng và trộm nghĩ về cánh tay Ngài duỗi xuống ấy là cánh tay sắc vàng chờ nắm lấy bàn tay của chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi đang chìm đắm trong sông mê, biển ái với tham-sân-si ngút ngàn. Tất nhiên, điều kiện để chúng sinh có thể nắm được tay Phật mà về Tây phương Cực lạc trong ý nghĩa tiếp dẫn mà người tu Tịnh độ vẫn tâm tâm niệm niệm là hành giả phải có một bàn tay rảnh rang để giơ thật cao và mạnh dạn nắm tay Ngài.
Trong dòng quán niệm, ta sẽ dễ dàng nhận diện hai bàn tay mình luôn luôn bận rộn nắm hai “món độc” mà mình cho rằng nó là cái quan trọng nhứt, là tài sản, là danh dự, là những người thân thương… được quy ra trong cái tôi và cái của tôi. Cái tôi lúc nào cũng cần danh dự, cũng cần quyền lực… nên hễ ai coi thường mình, ai đó phỉ báng mình… thì mình sẽ không chấp nhận được, sẽ hùng hổ, sân si, bằng mọi cách để bảo vệ nó.
Cái của tôi là những sở hữu từ vật chất đến con người, con vật mà mình yêu quý, thích thú… nên ai đụng tới, lấy đi hoặc tự bản thân nó theo quy luật sinh, trụ, dị, diệt mà biến đổi, thân hoại, mạng chung cũng làm mình đớn đau, khó chấp nhận, ra sức nắm níu, gìn giữ. Sở dĩ mình còn bận nắm cái tôi và cái của tôi là bởi mình đặt mình ở vị trí trung tâm, do bản ngã của mình quá lớn, do mình không sống được với giáo lý nhân-duyên-quả nên mình không biết mọi thứ hợp-tan đều có cái lý của nó.
Hay nói cách khác là do ta không nhận diện được sự thật của vạn pháp, do duyên sinh, duyên diệt; ta cũng không sống được với giáo lý “nhất thiết duy tâm tạo” nên ta cứ mãi tạo những lớp vỏ thật to tát, chấp chặt những cái đi qua dòng cuộc sống xung quanh và trong tâm thức nên càng ngày ta càng gánh một gánh thật nặng. Cái gánh bản thân và gánh gia đình, tài sản… ấy càng nặng, càng nhiều thì mình sẽ khó buông, khó bỏ. Nên hễ mỗi lúc bắt chân ngồi thiền trong tư thế hoa sen hoặc ngồi bán già niệm Phật mình lại thấy những “bóng dáng thân quen” của danh-sắc-tài-thực-thùy (ngũ dục) và những người thân thương, những khối tài sản xuất hiện, kêu réo mình phải chăm sóc, phải bận lòng…
Xét ở khía cạnh thiền tập thì đó là do tâm ta chưa có định, lý do sâu xa là do ta chưa nhận diện được những “giả tạm” của những thứ thuộc về cái tôi và cái của tôi như đã chia sẻ nên mình cứ mãi nghĩ về nó và bị chi phối. Có ai đó nói một câu rất hay về hiện trạng bất định này là “con khỉ vẫn thức trong mỗi giấc thiền”. Nghĩa là tâm viên ý mã đó với những tính toán, đòi hỏi, những ham muốn, những nắm giữ… vẫn cứ còn đó, chi phối dữ dội sự thực tập niệm Phật hay ngồi thiền của mình, làm tâm mình không yên nên thân động đậy và dừng lại, đứng lên hoặc ngồi đó niệm niệm nhưng chỉ là hình thức mà thôi.
Do vậy, nói niệm Phật dễ, và 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà trong hạnh tiếp dẫn tưởng là thực hiện không có gì khó khăn nhưng kỳ thực cũng cần dụng công không kém các pháp môn tu tập khác. Nói là trước lúc lâm chung chỉ cần niệm 10 niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì Ngài và Thánh chúng liền phóng quang tiếp dẫn.
Mới nghe, nhiều người bảo sao dễ vãng sanh đến thế nhưng thử rơi vào tình huống sắp mạng chung sẽ thấy ta không thể nhớ nổi câu niệm Phật và nhớ thì chắc gì đã niệm được. Kinh nghiệm này ta dễ dàng rút tỉa từ chính những lúc bệnh nặng, lên cơn sốt hoặc khi bị tai nạn… Những lúc cần phải quán niệm về sự hoại diệt của thân, giữ tâm định tĩnh để nhớ Phật, niệm Phật, để an nhiên trong lúc cam go đó mình đã ngay lập tức quên sạch, chỉ còn nhớ mỗi cơn đau, nhớ người thân… trong nỗi tủi thân, phiền não.
Chưa phải là thân hoại, mạng chung mà ta còn không nhớ nổi “tôn chỉ” để được vãng sanh, tiếp dẫn; đó chính là dấu hiệu cho thấy ta niệm Phật chưa miên mật, chưa đủ “level” để có thể nhớ Phật, niệm Phật trong bất kỳ tình huống nào.
Có lẽ vì vậy, mà những giờ phút quan trọng như lúc “cận tử” ta cần sự hộ niệm, trợ niệm của bạn đồng tu để nhắc mình, để tăng thêm năng lượng cho mình. Và, đương nhiên, muốn giây phút lâm chung được là giây phút lành, có người yểm trợ mình thì trong đời sống, tu học hàng ngày mình cũng cần phải “tu hành có bạn”, phải tham gia hội chúng, phát tâm yểm trợ người hoạn nạn hoặc người trước lúc lâm chung. Đó cũng chính là nhân-quả hiển bày công bằng mà nếu ta có thực tập quán chiếu về giáo lý này ta sẽ bắt đầu hành theo con đường ấy.
Trở lại với việc buông và bỏ như đã nói trong tiến trình học Phật nói chung và thực tập phương pháp niệm Phật nói riêng sẽ thấy đó là điều kiện cần để ta có thể nhẹ nhàng xả báo thân khi đến lúc phải hoại diệt. Nếu còn nắm giữ cái tôi và cái của tôi ta sẽ thọ cảm sự đau khổ, tủi thân, luyến tiếc và sự giằng qua xé lại trong ta với những người, vật ta sở hữu. Điều đó sẽ làm ta không nhứt tâm nhớ nghĩ, giữ gìn câu niệm “Nam-mô A Di Đà Phật” một cách liên tục.
Ngay lúc mình còn khỏe mạnh mình phải học buông dần, bỏ dần thông qua quán chiếu vô thường, thông qua việc sống với giáo lý “ít muốn, biết đủ” để không keo kiết, không chấp giữ, không ích kỷ… chỉ biết nghĩ cho mình và cho riêng những người được gọi tên là “thân bằng quyến thuộc” xung quanh mình. Để đi tới con đường thực tập tốt đẹp đó thuận duyên ta cũng cần “Phật hóa” người thân để họ cùng nhìn hướng với mình. Được vậy thì động lực để ta đi tới đích sẽ giàu thêm và ta sẽ đi nhanh hơn bởi ta có một “đại chúng” tâm linh cũng là gia đình huyết thống…
Vậy, tóm lại, niệm Phật có nghĩa là ta cần phải thực tập thường xuyên, kết hợp với việc buông, bỏ những sở hữu của thế gian, quán chiếu mọi thứ vô thường theo lý nhân duyên để khi nó đến hay đi mình cũng không vì thế mà đau khổ, bận lòng rồi đánh rơi câu niệm Phật. Đồng thời, trong quá trình học-hành lời Phật dạy, mình dần sửa đổi thân-tâm trở nên đoan nghiêm, chân chánh để từ đó “hoằng pháp lợi sanh”, bằng “thân giáo” để giúp cho người thân-thương và chúng sinh có duyên với mình có cảm tình Phật giáo, cùng đi với mình trên lộ trình giác ngộ, giải thoát.
Đó cũng nằm trong ý nghĩa tu là tự độ, độ tha, làm lợi mình, lợi người để tăng trưởng phước điền, củng cố niềm tin, tạo ra một chúng hội đồng tu trong ngôi nhà tâm linh đủ vững chãi để “đi như một dòng sông” chứ không phải đơn lẻ như một giọt nước. Đi trong tinh thần cộng trụ với những năng lượng lành từ việc thực tập Phật pháp, trong tôn chỉ “đoạn tất cả việc ác, làm tất cả việc lành” thì cũng có nghĩa là ta đang kiến tạo một Phật quốc ở ngay hiện tại này, nơi chính cõi Ta-bà này. Và, đó được xem là nhân để tiến trình sanh-tử của mình trở nên hanh thông, và sanh về cõi lành đương nhiên là kết quả tất yếu theo tinh thần nhân quả mà Phật dạy!
Lưu Đình Long
Theo giacngo.vn