1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25

QUYỂN 135

XXX. PHẨM SO SÁNH CÔNG ĐỨC 33

Này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… giáo hóa các loại hữu tình trong mười phương thế giới như số cát sông Hằng, khiến đều an trụ quả vị Độc-giác, thì phước đức có được chẳng bằng người giáo hóa một hữu tình, khiến hướng đến quả vị giác ngộ cao tột. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì nếu giáo hóa hữu tình, khiến hướng đến quả vị giác ngộ cao tột, tức là làm cho Phật nhãn trong thế gian chẳng dứt. Vì sao? Vì do có đại Bồ-tát nên mới có quả Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán, và quả vị Độc-giác; vì do có đại Bồ-tát nên mới có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột; vì do có đại Bồ-tát nên mới có Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo; tất cả thế gian quy y cúng dường. Vì vậy nên, Kiều Thi Ca! Tất cả thế gian hoặc trời, hoặc ma, hoặc phạm, hoặc Sa-môn, hoặc Bà-la-môn và A-tố-lạc, nhơn phi nhơn v.v… nên dùng vô lượng tràng hoa, hương xoa, hương bột v.v… tuyệt diệu, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ ngọc quí, kỹ nhạc, đèn sáng, hết cả vật sở hữu, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen đại Bồ-tát.

Này Kiều Thi Ca! Do đó nên biết, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… sao chép Bát-nhã-ba-la-mật-đa thậm thâm như thế, biếu tặng người khác đọc tụng, hoặc chuyền nhau sao chép, truyền bá rộng rãi, thì phước có được, hơn phước nói trước vô lượng, vô biên. Vì sao? Vì tất cả pháp thiện thù thắng thế gian, xuất thế gian, đã rộng nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, nên thế gian mới có được sự hiện hữu của dòng dõi lớn Sát-đế-lợi, dòng dõi lớn Bà-la-môn, dòng dõi lớn Trưởng giả, dòng dõi lớn Cư sĩ; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, nên thế gian mới có được sự hiện hữu của chúng trời Tứ-đại-vương, trời Ba-mươi-ba, trời Dạ-ma, trời Đỗ-sử-đa, trời Lạc-biến-hóa, trời Tha-hóa-tự-tại; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Phạm-chúng, trời Phạm-phụ, trời Phạm-hội, trời Đại-phạm; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Quang, trời Thiểu-quang, trời Vô-lượng-quang, trời Cực-quang-tịnh; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Tịnh, trời Thiểu-tịnh, trời Vô-lượng-tịnh, trời Biến-tịnh; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Quảng, trời Thiểu-quảng, trời Vô-lượng-quảng, trời Quảng-quả; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Vô-phiền, trời Vô-nhiệt, trời Thiện-hiện, trời Thiện-kiến, trời Sắc-cứu-cánh; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Không-vô-biên-xứ, trời Thức-vô-biên-xứ, trời Vô-sở-hữu-xứ, trời Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của bố thí Ba-la-mật-đa, tịnh giới Ba-la-mật-đa, an nhẫn Ba-la-mật-đa, tinh tấn Ba-la-mật-đa, tịnh lự Ba-la-mật-đa, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của pháp không nội, pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của Thánh đế khổ, Thánh đế tập, Thánh đế diệt, Thánh đế đạo; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của pháp môn giải thoát không, pháp môn giải thoát vô tướng, pháp môn giải thoát vô nguyện; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của năm loại mắt, sáu phép thần thông; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán, và Dự-lưu hướng, Dự-lưu quả, Nhất-lai hướng, Nhất-lai quả, Bất-hoàn hướng, Bất-hoàn quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của Độc-giác, và quả vị Độc-giác; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của tất cả đại Bồ-tát và các hạnh đại Bồ-tát; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Ngoài các loại hữu tình trong mười phương thế giới như số cát sông Hằng này, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… giáo hóa các loại hữu tình ở tất cả thế giới trong mười phương, khiến đều tu học bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông, thì theo ý ông thế nào? Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, do nhân duyên này, được phước nhiều chăng?

Trời Đế Thích bạch: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều! Bạch Thiện Thệ! Rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… sao chép Bát-nhã-ba-la-mật-đa thậm thâm như thế, biếu tặng người khác đọc tụng, hoặc chuyền nhau sao chép, truyền bá rộng rãi, thì thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được, hơn trước rất nhiều. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì tất cả pháp vô lậu đã rộng nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế, Bổ-đặc-già-la của chủng tánh Thanh-văn, tu học pháp này, mau nhập Chánh tánh ly sanh của Thanh-văn, đắc quả Dự-lưu, đắc quả Nhất-lai, đắc quả Bất-hoàn, đắc quả A-la-hán; Bổ-đặc-già-la của chủng tánh Độc-giác tu học pháp này, mau nhập Chánh tánh ly sanh của Độc-giác, lần lượt chứng đắc quả vị Độc-giác; Bổ-đặc-già-la của chủng tánh Bồ-tát tu học pháp này, mau nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát, lần lượt tu hành các hạnh Bồ-tát, chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.

Này Kiều Thi Ca! Tất cả pháp vô lậu, đã rộng nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế, đó là bố thí Ba-la-mật-đa, tịnh giới Ba-la-mật-đa, an nhẫn Ba-la-mật-đa, tinh tấn Ba-la-mật-đa, tịnh lự Ba-la-mật-đa, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; pháp không nội, pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh; chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; bốn tịnh lự vô lậu, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căm, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo; pháp môn giải thoát không, pháp môn giải thoát vô tướng, pháp môn giải thoát vô nguyện; năm loại mắt, sáu phép thần thông; mười lực của Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa và vô lượng, vô biên Phật pháp khác, tất cả đều là pháp vô lậu đã nói trong đó.

Này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… giáo hóa một hữu tình trụ quả Dự-lưu, thì phước đức có được, còn hơn giáo hóa các loại hữu tình ở tất cả thế giới trong mười phương như thế, khiến đều tu học bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì các hữu tình tu hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông chẳng thoát khỏi địa ngục, bàng sanh, quỷ thú; nhưng nếu các hữu tình trụ quả Dự-lưu thì được vĩnh viễn được thoát khỏi ba đường ác, huống là giáo hóa, khiến trụ quả Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán, thì phước đức có được, chẳng hơn kia sao?

Này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… giáo hóa các loại hữu tình ở tất cả thế giới trong mười phương đều trụ quả Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán, thì phước đức có được chẳng bằng người giáo hóa một hữu tình, khiến họ an trụ quả vị Độc-giác. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì công đức của quả vị Độc-giác hơn Dự-lưu v.v… gấp trăm, ngàn lần.

Này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… giáo hóa các loại hữu tình ở tất cả thế giới trong mười phương, khiến đều an trụ quả vị Độc-giác, thì phước đức có được chẳng bằng người giáo hóa một hữu tình, khiến hướng đến quả vị giác ngộ cao tột. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì nếu giáo hóa hữu tình, khiến hướng đến quả vị giác ngộ cao tột, tức là làm cho Phật nhãn trong thế gian chẳng dứt. Vì sao? Vì do có đại Bồ-tát nên mới có quả Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán, và quả vị Độc-giác; vì do có đại Bồ-tát nên mới có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột; vì do có đại Bồ-tát nên mới có Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo; tất cả thế gian quy y cúng dường. Vì vậy nên, Kiều Thi Ca! Tất cả thế gian hoặc trời, hoặc ma, hoặc phạm, hoặc Sa-môn, hoặc Bà-la-môn và A-tố-lạc, nhơn phi nhơn v.v… nên dùng vô lượng tràng hoa, hương xoa, hương bột v.v… tuyệt diệu, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ ngọc quí, kỹ nhạc, đèn sáng, hết cả vật sở hữu, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen đại Bồ-tát.

Này Kiều Thi Ca! Do đó nên biết, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… sao chép Bát-nhã-ba-la-mật-đa thậm thâm như thế, biếu tặng người khác đọc tụng, hoặc chuyền nhau sao chép, truyền bá rộng rãi, thì phước đức có được, hơn phước nói trước vô lượng, vô biên. Vì sao? Vì tất cả pháp thiện thù thắng thế gian, xuất thế gian, đã rộng nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, nên thế gian mới có được sự hiện hữu của dòng dõi lớn Sát-đế-lợi, dòng dõi lớn Bà-la-môn, dòng dõi lớn Trưởng giả, dòng dõi lớn Cư sĩ; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, nên thế gian mới có được sự hiện hữu của chúng trời Tứ-đại-vương, trời Ba-mươi-ba, trời Dạ-ma, trời Đỗ-sử-đa, trời Lạc-biến-hóa, trời Tha-hóa-tự-tại; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Phạm-chúng, trời Phạm-phụ, trời Phạm-hội, trời Đại-phạm; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Quang, trời Thiểu-quang, trời Vô-lượng-quang, trời Cực-quang-tịnh; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Tịnh, trời Thiểu-tịnh, trời Vô-lượng-tịnh, trời Biến-tịnh; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Quảng, trời Thiểu-quảng, trời Vô-lượng-quảng, trời Quảng-quả; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Vô-phiền, trời Vô-nhiệt, trời Thiện-hiện, trời Thiện-kiến, trời Sắc-cứu-cánh; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trời Không-vô-biên-xứ, trời Thức-vô-biên-xứ, trời Vô-sở-hữu-xứ, trời Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của bố thí Ba-la-mật-đa, tịnh giới Ba-la-mật-đa, an nhẫn Ba-la-mật-đa, tinh tấn Ba-la-mật-đa, tịnh lự Ba-la-mật-đa, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của pháp không nội, pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của Thánh đế khổ, Thánh đế tập, Thánh đế diệt, Thánh đế đạo; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của pháp môn giải thoát không, pháp môn giải thoát vô tướng, pháp môn giải thoát vô nguyện; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của năm loại mắt, sáu phép thần thông; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của tất cả pháp môn Đà-la-ni, tất cả pháp môn Tam-ma-địa; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-hoàn, A-la-hán, và Dự-lưu hướng, Dự-lưu quả, Nhất-lai hướng, Nhất-lai quả, Bất-hoàn hướng, Bất-hoàn quả, A-la-hán hướng, A-la-hán quả; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của Độc-giác, và quả vị Độc-giác; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của tất cả đại Bồ-tát và các hạnh đại Bồ-tát; vì do pháp đã nói trong tạng bí mật Bát-nhã-ba-la-mật-đa này nên thế gian mới có được sự hiện hữu của tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa này thọ trì đọc tụng, như lý tư duy, thì thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được hơn sự giáo hóa các loại hữu tình cả châu Thiệm bộ, khiến đều an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được, cũng hơn giáo hóa các loại hữu tình trong châu Nam thiệm bộ, châu Đông thắng thân, khiến đều an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được cũng hơn giáo hóa các loại hữu tình trong châu Nam thiệm bộ, châu Đông thắng thân, châu Tây ngưu hóa, khiến đều an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được, cũng hơn giáo hóa các loại hữu tình trong châu Nam thiệm bộ, châu Đông thắng thân, châu Tây ngưu hóa, châu Bắc cu lô khiến đều an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được, cũng hơn giáo hóa các loại hữu tình cả bốn đại châu, khiến đều an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được, cũng hơn giáo hóa các loại hữu tình trong tiểu thiên thế giới, khiến đều an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được, cũng hơn giáo hóa các loại hữu tình trong trung thiên thế giới, khiến đều an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được, cũng hơn giáo hóa các loại hữu tình trong thế giới ba lần ngàn, khiến đều an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được, cũng hơn giáo hóa các loại hữu tình trong mười phương thế giới như số cát sông Hằng, khiến đều an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được, cũng hơn giáo hóa các loại hữu tình ở tất cả thế giới trong mười phương, khiến đều an trụ mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Ở đây, sự như lý tư duy ấy, nghĩa là dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, và thọ trì đọc tụng, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa, thọ trì, đọc tụng, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu pháp không nội, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu chơn như, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, định pháp, trụ pháp, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu Thánh đế khổ, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu Thánh đế tập, diệt, đạo, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu bốn tịnh lự, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu bốn vô lượng, bốn định vô sắc, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu tám giải thoát, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu bốn niệm trụ, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu pháp môn giải thoát không, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu năm loại mắt, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu sáu phép thần thông, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu mười lực của Phật, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu pháp không quên mất, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu tánh luôn luôn xả, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu trí nhất thiết, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu tất cả pháp môn Đà-la-ni, như lý tư duy; lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu tất cả pháp môn Tam-ma-địa, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu hạnh đại Bồ-tát, như lý tư duy.

Này Kiều Thi Ca! Lại dùng hạnh phi nhị phi bất nhị để hiểu quả vị giác ngộ cao tột, như lý tư duy.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, dùng vô lượng phương pháp vì người khác rộng nói, chỉ bày, khai diễn, giải thích rõ ràng, phân biệt nghĩa thú, khiến họ dễ hiểu, thì phước đức có được, hơn công đức tự thọ trì, hoặc đọc, hoặc tụng, như lý tư duy Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế.

Này Kiều Thi Ca! Cái gọi là nghĩa thú của Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, là Bát-nhã-ba-la-mật-đa này phi nhị phi bất nhị, phi hữu tướng phi vô tướng, phi nhập phi xuất, phi tăng phi giảm, phi nhiễm phi tịnh, phi sanh phi diệt, phi thủ phi xả, phi chấp phi bất chấp, phi trụ phi bất trụ, phi thật phi bất thật, phi tương ưng phi bất tương ưng, phi hòa hợp phi bất hòa hợp, phi nhân duyên phi phi nhân duyên, phi pháp phi phi pháp, phi chơn như phi phi chơn như, phi thật tế phi phi thật tế. Nghĩa thú như vậy có vô lượng pháp môn.

Này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… thường giáo huấn rộng rãi cho những người khác về nghĩa thú thậm thâm của Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế, khiến họ dễ hiểu, thì phước đức có được, hơn công đức tự thọ trì, hoặc đọc, hoặc tụng, như lý tư duy Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế, gấp vô lượng lần.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa tự thọ trì, đọc tụng, như lý tư duy, dùng vô lượng phương pháp vì người khác rộng nói, chỉ bày, khai diễn, giải thích rõ ràng, phân biệt nghĩa thú, khiến họ dễ hiểu, thì thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy phước đức có được, hơn phước nói trước vô lượng vô biên.

Lúc bấy giờ, trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… nên dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc tuyên thuyết, khai thị Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế.

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói. Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… nên dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc tuyên thuyết, khai thị Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế.

Này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… thường dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc tuyên thuyết, khai thị Bát-nhã-ba-la-mật-đa như thế, thì thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy thành tựu vô lượng, vô số, vô biên đại công đức chẳng thể nghĩ bàn.

Này Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… suốt cả cuộc đời dùng vô lượng các thứ tràng hoa, hương xoa, hương bột v.v… tuyệt diệu, y phục, anh lạc, tràng phan, lọng báu, các thứ ngọc quý, kỹ nhạc, đèn sáng, hết cả vật sở hữu, nhạc cụ thanh tịnh, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở vô lượng, vô số thế giới trong mười phương; lại có thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa tự thọ trì, đọc tụng, như lý tư duy, lại nương vào các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc dùng vô lượng phương pháp vì người khác rộng nói, chỉ bày, khai diễn giải thích rõ ràng, phân biệt nghĩa thú, khiến họ dễ hiểu, thì thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, phước đức có được, hơn trước rất nhiều. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì do tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác trong quá khứ, vị lai và hiện tại đều học Bát-nhã-ba-la-mật-đa nên đã chứng quả vị giác ngộ cao tột, sẽ chứng quả vị giác ngộ cao tột và đang chứng quả vị giác ngộ cao tột.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… trong vô lượng, vô số, vô biên đại kiếp dùng hữu sở đắc làm phương tiện, tu hành bố thí Ba-la-mật-đa; trong vô lượng, vô số, vô biên đại kiếp, dùng hữu sở đắc làm phương tiện, tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa; trong vô lượng, vô số, vô biên đại kiếp, dùng hữu sở đắc làm phương tiện, tu hành an nhẫn Ba-la-mật-đa; trong vô lượng, vô số, vô biên đại kiếp dùng hữu sở đắc làm phương tiện, tu hành tinh tấn Ba-la-mật-đa; trong vô lượng, vô số, vô biên đại kiếp dùng hữu sở đắc làm phương tiện, tu hành tịnh lự Ba-la-mật-đa; trong vô lượng, vô số, vô biên đại kiếp, dùng hữu sở đắc làm phương tiện, tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa; lại có thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… đối với Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, dùng vô sở đắc làm phương tiện, thọ trì, đọc tụng, như lý tư duy, lại dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, chỉ trong khoảnh khắc vì người khác biện thuyết, chỉ bày, khai diễn, giải thích rõ ràng, phân biệt nghĩa thú, khiến họ dễ hiểu, thì phước đức có được, hơn kẻ trước rất nhiều.

Này Kiều Thi Ca! Ở đây cái gọi là hữu sở đắc là thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… khi tu hành bố thí, nghĩ thế này: “Ta là người ban cho, kia là kẻ nhận. Đây là sự cho, kết quả sự cho và vật cho”. Khi người ấy tu hành bố thí mà chấp vào cái danh bố thí, thì chẳng thể gọi là bố thí Ba-la-mật-đa, vì đã dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… khi tu hành tịnh giới, nghĩ thế này: “Ta có khả năng trì giới, là vì hộ giới. Đây là kết quả của sự trì giới và giới được trì”. Khi người ấy trì giới mà chấp vào cái danh tịnh giới, thì chẳng thể gọi là tịnh giới Ba-la-mật-đa, vì đã dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… khi tu hành an nhẫn, nghĩ thế này: “Ta có khả năng tu hành an nhẫn là vì hộ trì an nhẫn. Đây là kết quả an nhẫn và tự tánh an nhẫn”. Khi người ấy tu hành an nhẫn mà chấp vào cái danh an nhẫn, thì chẳng thể gọi là an nhẫn Ba-la-mật-đa, vì đã dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… khi tu hành tinh tấn, nghĩ thế này: “Ta có khả năng tinh tấn là vì tu hành đoạn trừ pháp ấy. Đây là kết quả tinh tấn và tự tánh tinh tấn”. Khi người ấy tinh tấn chấp vào cái danh tinh tấn, thì chẳng thể gọi là tinh tấn Ba-la-mật-đa, vì đã dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… khi tu hành tịnh lự, nghĩ thế này: “Ta có khả năng tu hành thiền định, kia là cảnh định. Đây là kết quả của định và tự tánh của định”. Khi người ấy tu hành tịnh lự mà chấp vào cái danh tịnh lự, thì chẳng thể gọi là tịnh lự Ba-la-mật-đa, vì đã dùng hữu sở đắc làm phương tiện. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… khi tu hành Bát-nhã, nghĩ như này: “Ta có khả năng tu hành trí tuệ, kia là cảnh tuệ. Đây là kết quả của Bát-nhã và tự tánh của Bát-nhã.” Khi người ấy tu hành trí tuệ chấp vào cái danh Bát-nhã thì chẳng thể gọi là Bát-nhã-ba-la-mật-đa, vì đã dùng hữu sở đắc làm phương tiện.

Này Kiều Thi Ca! Thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… ấy, vì dùng hữu sở đắc làm phương tiện, nên chẳng thể viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Lúc bấy giờ, trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát làm thế nào có thể viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa?

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Nếu đại Bồ-tát khi tu hành bố thí, chẳng thấy có người cho, kẻ nhận, sự cho, kết quả sự cho và vật cho, vì đã dùng vô sở đắc làm phương tiện, thì có thể viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa. Nếu đại Bồ-tát khi tu hành tịnh giới, chẳng thấy có người thọ trì, kết quả sự hộ giới và giới được trì, vì đã dùng vô sở đắc làm phương tiện, thì có thể viên mãn tịnh giới Ba-la-mật-đa. Nếu đại Bồ-tát khi tu hành an nhẫn, chẳng thấy có người nhẫn, kết quả sự nhẫn và tự tánh của sự nhẫn, vì đã dùng vô sở đắc làm phương tiện, thì có thể viên mãn an nhẫn Ba-la-mật-đa. Nếu đại Bồ-tát khi tu hành tinh tấn, chẳng thấy có người siêng năng, kết quả của siêng năng và tự tánh của tinh tấn, vì đã dùng vô sở đắc làm phương tiện, thì có thể viên mãn tinh tấn Ba-la-mật-đa. Nếu đại Bồ-tát khi tu hành tịnh lự, chẳng thấy có người định, cảnh định, kết quả của định và tự tánh của tịnh lự, vì đã dùng vô sở đắc làm phương tiện, thì có thể viên mãn tịnh lự Ba-la-mật-đa. Nếu đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã, chẳng thấy có người tu tuệ, cảnh tuệ, kết quả sự tu tuệ và tự tánh của Bát-nhã, vì đã dùng vô sở đắc làm phương tiện, thì có thể viên mãn Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Này Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… nên dùng tuệ vô sở đắc như thế và dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, tuyên thuyết Bát-nhã-ba-la-mật-đa; nên dùng tuệ vô sở đắc như thế và dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, tuyên thuyết tịnh lự Ba-la-mật-đa; nên dùng tuệ vô sở đắc như thế và dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, tuyên thuyết tinh tấn Ba-la-mật-đa; nên dùng tuệ vô sở đắc như thế và dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, tuyên nói an nhẫn Ba-la-mật-đa; nên dùng tuệ vô sở đắc như thế và dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, tuyên thuyết tịnh giới Ba-la-mật-đa; nên dùng tuệ vô sở đắc như thế và dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, tuyên thuyết bố thí Ba-la-mật-đa. Vì sao? Kiều Thi Ca! Vì ở đời vị lai, có thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… vì người khác tuyên thuyết Bát-nhã-ba-la-mật-đa tương tợ; người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề nghe người ấy nói pháp Bát-nhã-ba-la-mật-đa tương tợ, tâm liền mê lầm, làm mất Trung đạo. Cho nên, phải dùng tuệ vô sở đắc và các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, vì người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề mà tuyên nói Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Này Kiều Thi Ca! Ở đời vị lai, có thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… vì người khác tuyên nói pháp tịnh lự Ba-la-mật-đa tương tợ, người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề nghe người ấy nói pháp tịnh lự Ba-la-mật-đa tương tợ, tâm liền mê lầm, làm mất Trung đạo. Cho nên phải dùng tuệ vô sở đắc và dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, vì người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề tuyên nói tịnh lự Ba-la-mật-đa.

Này Kiều Thi Ca! Ở đời vị lai có thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… vì người khác tuyên nói pháp tinh tấn Ba-la-mật-đa tương tợ, người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề nghe người ấy nói pháp tinh tấn Ba-la-mật-đa tương tợ, tâm liền mê lầm, làm mất Trung đạo. Cho nên phải dùng tuệ vô sở đắc và các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, vì người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề tuyên nói tinh tấn Ba-la-mật-đa.

Này Kiều Thi Ca! Ở đời vị lai có thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… vì người khác tuyên nói pháp an nhẫn Ba-la-mật-đa tương tợ, người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề nghe người ấy nói pháp an nhẫn Ba-la-mật-đa tương tợ, tâm liền mê lầm, làm mất Trung đạo. Cho nên phải dùng tuệ vô sở đắc và các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, vì người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề tuyên nói pháp an nhẫn Ba-la-mật-đa.

Này Kiều Thi Ca! Ở đời vị lai có thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… vì người khác tuyên nói pháp tịnh giới Ba-la-mật-đa tương tợ, người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề nghe người ấy nói pháp tịnh giới Ba-la-mật-đa tương tợ, tâm liền mê lầm, làm mất Trung đạo. Cho nên phải dùng tuệ vô sở đắc và dùng các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, vì người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề tuyên nói pháp tịnh giới Ba-la-mật-đa.

Này Kiều Thi Ca! Ở đời vị lai có thiện nam tử, thiện nữ nhơn v.v… vì người khác tuyên nói pháp bố thí Ba-la-mật-đa tương tợ, người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề nghe người ấy nói pháp bố thí Ba-la-mật-đa tương tợ, tâm liền mê lầm, làm mất Trung đạo. Cho nên phải dùng tuệ vô sở đắc và các thứ văn nghĩa khéo léo sâu sắc, vì người sơ phát tâm Vô thượng Bồ-đề tuyên nói pháp bố thí Ba-la-mật-đa.

    Xem thêm:

  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 5 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 4 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 8 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 12 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 13 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 2 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 14 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 7 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 3 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 16 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 24 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 17 - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 62 – Ðại Kinh Giáo Giới La Hầu La (Mahà Ràhulovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 23 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 20 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 11 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 21 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 10 - Kinh Tạng