Kinh Phật Thuyết Tội Nghiệp Báo Ứng Giáo Hóa Địa Ngục

Phật Thuyết Tội Nghiệp Ứng Báo Giáo Hoá Địa Ngục Kinh

Hậu Hán An Thế Cao dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Đức Nghiêm

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời Đức Phật cùng với các đại bồ-tát, các thanh văn, tì-kheo, tì-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, trời, rồng, quỉ thần v.v… nhóm họp tại núi Kì-xà-quật trong thành Vương Xá.

Bấy giờ bồ-tát Tín Tướng bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay gồm có rất nhiều chúng sinh địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, nô tì, kẻ giàu nghèo sang hèn đang nhóm họp nơi đây, cúi xin Thế Tôn diễn nói chính pháp. Nếu chúng sinh nào được nghe Phật thuyết, cũng như con gặp mẹ, như người bệnh nặng gặp được thầy thuốc, như đói được thức ăn, như đêm tối được đèn sáng. Thế Tôn thuyết pháp lợi lạc quần sinh cũng giống như thế.

Lúc ấy Thế Tôn xem biết đã đúng lúc, cũng thấy các bồ-tát thiết tha cầu thỉnh, liền từ sợi lông trắng ở giữa hai chặng mày phóng ánh sáng chiếu khắp thế giới, khiến tất cả thống khổ ở chốn địa ngục liền ngừng dứt. Bấy giờ, tất cả chúng sinh thụ tội bỗng nhiên liền theo ánh sáng ấy đến chỗ Đức Phật, nhiễu Phật bảy vòng, cung kính đỉnh lễ, chí thành thỉnh cầu Đức Phật thuyết pháp khiến cho tất cả đều được giải thoát.

Bấy giờ, bồ-tát Tín Tướng vì các chúng sinh mà bạch Đức Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Nay có chúng sinh phải chịu tội báo, bị các ngục tốt đâm chém, cưa xẻ toàn thân, từ đầu đến chân. Nhưng vừa chém chặt xong thì liền có luồng gió lạnh thổi qua thi thể, làm họ sống lại, sau đó lại bị chém chặt như trước. Do phạm tội gì mà phải chịu như thế?

Đức Phật lại dạy:

– Vì đời trước, người ấy không biết kính tin Tam bảo, bất hiếu cha mẹ, làm đồ tể chém giết chúng sinh, nên chịu tội này.

Lại có chúng sinh thân thể bại liệt, râu tóc rụng hết, toàn thân lở loét, sống trong tổ quạ, ngủ nơi hang nai, bặt dấu chân người, làm nhơ họ hàng, không ai muốn nhìn, đó là bệnh hủi, là do tội gì dẫn đến?

Đức Phật dạy:

– Là do đời trước, người ấy không biết kính tin Tam bảo, bất hiếu cha mẹ, phá hoại chùa tháp, lóc thịt đạo nhân, bắn chém hiền thánh, làm hại sư trưởng, tâm luôn tráo trở, quên ơn trái nghĩa, thô lỗ cộc cằn, dâm loạn tôn ti, không chút kiêng dè, nên chịu tội này.

Lại có chúng sinh cơ thể cao lớn, ngu điếc, không chân, di chuyển bằng bụng, chỉ ăn đất bùn để tự nuôi thân, lại bị các loài côn trùng cắn rỉa, vô cùng đau đớn, không thể chịu nổi, là do tội gì?

Đức Phật lại dạy:

– Đời trước kẻ ấy chỉ biết tự cho mình đúng, không nghe theo lời hay ý tốt, bất hiếu cha mẹ, phản lại quân vương. Hoặc làm đại thần của vua, thứ sử trấn nhậm bốn phương, quan đứng đầu châu quận, tướng quân bảo vệ cung cấm cậy quyền ỷ thế, chiếm đoạt tài sản của cải nhân dân, chẳng biết đạo lí, khiến cho mọi người phải chịu đau khổ, than vãn bỏ đi, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh mù lòa không thấy được gì, nên húc phải cây, hoặc rơi xuống hố, sau đó mạng chung, lại thụ thân khác cũng bị như thế, là do tội gì?

Đức Phật liền dạy:

– Người này đời trước không tin tội phúc, che ánh sáng Phật, bịt mắt chim thú, buộc nhốt chúng sinh, rồi lấy đãy da trùm kín đầu chúng, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh què quặt, câm ngọng, không thể nói được, nếu muốn nói gì thì phải nhắm mắt, đưa tay ra dấu, là do tội gì?

Đức Phật dạy rằng:

– Do vì đời trước, người ấy phỉ báng Tam bảo, khinh chê thánh đạo, luận bàn việc tốt xấu của người, moi móc chỗ hay dở của kẻ khác, vu khống người lành, ganh ghét hiền nhân, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh bụng to, cổ nhỏ, không ăn uống được, nếu ăn thứ gì, thì thức ăn liền biến thành máu mủ, là do tội gì?

Đức Phật chỉ dạy:

Là do đời trước, người ấy trộm lấy thức ăn chúng tăng, hoặc ở chỗ khuất lấy trộm, lén dùng thức ăn trong các đại hội bố thí, lại sẻn tiếc tài vật của mình, mà tham lam tài sản của người, thường mang tâm ác, dùng thuốc độc để giết hại người, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh thường bị ngục tốt dùng những đinh sắt nung đỏ đóng vào các khớp xương. Khi vừa đóng xong thì lửa bốc lên thiêu đốt, toàn thân đều bị cháy rụi, là do tội gì?

Đức Phật dạy:

Là do đời trước, người ấy làm thầy thuốc châm cứu cho người, nhưng bệnh không lành, lại gạt lấy tiền, khiến họ càng thêm đau đớn, buồn khổ, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh thường bị ngục tốt đầu trâu dùng chĩa ba bằng sắt xiên lấy bỏ vào chảo nước đang sôi sùng sục nấu cho rục rã. Lại có gió lạnh thổi qua làm họ sống lại, rồi lại tiếp tục bị nấu rục rã, là do tội gì?

Đức Phật lại dạy:

– Đời trước người này tin theo tà kiến, thờ cúng quỉ thần, giết hại chúng sinh, dội nước sôi lên mình chúng để vặt lấy lông, rồi bỏ vào chảo nước sôi đun nấu, nhiều không thể lường được, nên mắc tội này.

– Lại có chúng sinh ở trong thành lửa, than nóng ngập đến ngực, tuy bốn cửa thành đều mở ra hết, nhưng muốn chạy ra, thì cửa liền đóng. Họ chạy cùng khắp, nhưng không ra khỏi, bị lửa thiêu cháy, là do tội gì?

Đức Phật dạy:

– Đời trước, người ấy đốt cháy sông núi, thôn xóm người khác, thiêu nướng chúng sinh, thân bỏng, da bong, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh ở trong núi Tuyết, gió lạnh thổi đến khiến da thịt nứt nẻ, muốn chết không được, là do tội gì?

Đức Phật dạy:

– Do vì đời trước, người ấy làm giặc hung hăng bạo ngược, lột xé áo người, khiến họ chết rét trong mùa đông giá; lại còn lột sống da loài trâu dê, khiến chúng đau đớn không cùng, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh thường phải ở trên núi đao, rừng kiếm, khi vừa chạm đến, liền bị cắt đứt, thân thể tan nát, là do tội gì?

Đức Phật chỉ dạy:

– Đời trước, người ấy làm nghề đồ tể, đun nấu, cắt chặt, lột xé chúng sinh, làm cho chúng xương tan thịt nát, đầu lìa một nơi, chân rơi một ngã, rồi treo trên cao để cân bán. Hoặc lại treo sống các loài sinh vật khiến chúng đau đớn không thể kể xiết, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh không đủ năm căn[1]. Là do tội gì?

Đức Phật chỉ dạy:

– Là do đời trước, người này thả chim ưng, chó săn đuổi bắt các loài chim thú, rồi chặt đầu, chặt chân, nhổ lông chúng, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh chân rút, lưng còng, co duỗi khó khăn, chân thọt, tay quắp, không thể cầm nắm, cũng không đi được, là do tội gì?

Đức Phật lại dạy:

– Là do đời trước làm người hung tàn ác độc, trên đường đi hoặc cắm chông, cài tên, đào hố, giăng bẫy, để chúng sinh sa hầm, rớt hố, khiến phải bể đầu, gãy chân, tổn thương vô số, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh thường bị ngục tốt cột trói thân thể, không thể thoát ra, là do tội gì?

Đức Phật liền dạy:

– Là do đời trước, người ấy giăng lưới đánh bắt chúng sinh, giam người nhốt thú, khiến chúng đói khát, khổ đau cùng cực. Hoặc làm tể tướng, hoặc làm quan huyện tham lấy tiền của, bức ép người lành, tiếng oán thấu trời vẫn chưa vừa lòng, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh điên cuồng, ngu si, không biết tốt xấu, là do tội gì?

Đức Phật chỉ dạy:

– Là do đời trước, người ấy thường hay uống rượu say sưa, phạm ba sáu lỗi, nên nay thọ thân si dại, giống như người say, không biết trên dưới, không phân phải trái, nên phải đọa vào địa ngục Phân sôi trong tám vạn kiếp, ngục tốt chém chặt, cầu sống không được, muốn chết cũng không xong, ngũ cùng, lục cực[2], mãi mãi chịu khổ. Sau khi thụ tội được làm thân người, lại bị tàn phế, nhiều người oán ghét, đi đường thường rước lấy tai họa của người, không lúc nào được an vui.

Lại có chúng sinh thân hình bé nhỏ, bộ phận sinh dục thì lại rất lớn, luôn phải kéo lê, nặng nề mỏi mệt, đi đứng nằm ngồi đều bị chướng ngại, là do tội gì?

Đức Phật dạy:

– Do vì đời trước người ấy sinh sống bằng nghề buôn bán, hay khen ngợi vật của mình, nhưng lại chê bai vật của người, lường thăng tráo đấu, mua già bán non, lừa dối mọi người, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh không đủ nam căn, làm thân huỳnh môn không thể cưới vợ, là do tội gì?

Đức Phật dạy:

– Là do đời trước người ấy thiến voi, ngựa, bò, dê, heo, chó… làm chúng đau đớn chết đi sống lại, nên mắc tội này

Lại có chúng sinh một đời cô độc không có con cái, là do tội gì?

Đức Phật liền dạy:

– Đời trước người này vô cùng hung dữ, không tin tội phúc. Vào mùa chim nở, người này mang giỏ, men theo bãi sông tìm nhặt trứng của các loài chim hồng hạc, anh vũ, ngỗng, nhạn… đem về nấu ăn. Các loài chim kia lạc mất con mình buồn kêu thảm thiết, mắt tuôn máu lệ, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh từ thuở bé thơ cô độc đói lạnh, không có cha mẹ và anh, chị, em, phải làm tôi tớ kiếm sống qua ngày, đến khi trưởng thành làm nghề săn bắn gây nhiều tai họa, bị quan huyện bắt giam vào lao ngục, không người thăm viếng, đói khổ cùng cực, chẳng biết kêu ai, là do tội gì?

Đức Phật chỉ dạy:

– Là do đời trước, người ấy ưa thích tìm bắt các loài, kên kên, diều hâu, chim ưng, gấu, cọp, beo v.v.. mang về nhốt nuôi, khiến cho cha mẹ, anh em của chúng nhớ thương sầu khổ, kêu khóc rúng động lòng người, còn chúng thì cô độc, không ai cho ăn, thường bị đói khát, da bọc lấy xương, muốn chết chẳng được, nên mắc tội này.

Lại có chúng sinh hình thù quái dị, thân đen như sơn, hai tai lại xanh, trán dồ má nhô, mặt mụn, mũi xẹp, hai mắt vàng đỏ, răng nứu thưa thiếu, hơi miệng tanh hôi, thấp lùn, trương thủng, bụng to, hông lớn, tay chân co rút, lưng gù, sườn vẹo, ăn mặc lôi thôi, ghẻ lở máu mủ, phù thủng, đau đầu, hủi lác, ung nhọt, hết thảy bệnh tật đều mang vào thân, tuy gần gũi người, mà chẳng ai ưa; còn bị kẻ khác đánh đập, giam cầm, chưa từng gặp Phật, chẳng nghe được pháp, không biết đến tăng, là do tội gì?

Đức Phật liền dạy:

– Là do đời trước người này bất hiếu với đấng sinh thành, hoặc làm quần thần không trung với vua, hoặc làm quốc vương chẳng trọng kẻ dưới, không giữ chữ tín đối với bạn bè, nơi làng xóm thì không phân biệt trẻ già, lúc vào triều chẳng kể tước vị, thích làm thì làm, tâm ý điên đảo, không có phép tắc, không tin Tam bảo, giết vua, hại thầy, chiếm nước, hại dân, công thành, phá lũy, cướp trại, trộm cắp, tội ác vô số. Lại hay khen mình chê người, ức hiếp người già, chê bai hiền thánh, xem thường sư trưởng, dối gạt kẻ hèn. Tất cả tội ác thảy đều phạm hết. Do các ác báo nhóm họp, nên chịu tội này.

Nghe Đức Phật dạy, những người thụ tội than khóc thảm thiết, rơi lệ đầm đìa, rồi bạch Phật:

– Xin Đức Thế Tôn trụ lâu ở đời tuyên thuyết chính pháp để cho chúng con đều được giải thoát.

Đức Phật lại dạy:

– Nếu Ta trụ lâu ở cõi đời này, thì những người đức mỏng không chịu gieo trồng căn lành. Vì họ cho rằng Thế Tôn thường còn, nên không nhớ nghĩ đến sự vô thường.

Này thiện nam tử! Giống như đứa bé luôn được mẹ hiền bên cạnh săn sóc, thì nó không nghĩ là khó gặp người mẹ. Đến khi mẹ đi xa, con mới ngóng trông; lúc mẹ trở về, con rất vui mừng. Này thiện nam tử! Ta nay cũng vậy, biết rõ các việc nghiệp duyên thiện ác, thụ báo tốt xấu của các chúng sinh, nên vào Niết-bàn.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ cho những người thụ tội nghe:

Dòng chảy thường không đầy

Lửa mạnh chẳng cháy lâu

Mặt trời mọc rồi lặn

Mặt trăng tròn lại khuyết,

Dù giàu sang, quyền quí

Cũng thoáng chốc qua mau,

Luôn nghĩ nên tinh tiến

Kính lễ đấng Thế Tôn.

Khi đức Thế Tôn thuyết kệ xong, những người thụ tội liền thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Chúng con phải tu những việc thiện nào để được thoát khổ?

Đức Phật dạy:

Thường phải hiếu thuận với song thân, kính thờ sư trưởng, qui y Tam bảo, siêng năng thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ, từ bi, hỉ xả, xem kẻ oán thù và người thân bình đẳng như nhau; không nên bất kính đối với người già, chẳng được khinh khi những người hạ tiện, thương yêu người khác như chính thân mình. Nếu ai tu tập những việc như thế là đã báo đáp ân sâu của Phật, mãi mãi lìa khổ.

Khi đức Thế Tôn thuyết kinh này xong, các đại bồ-tát liền chứng được quả Vô thượng chính giác, các thanh văn, duyên giác chứng được lục thông, tam minh và bát giải thoát. Lại có người chứng được Pháp nhãn tịnh. Nếu chúng sinh nào được nghe kinh này thì sẽ không còn đọa vào ba đường, chỗ có tám nạn, cảnh khổ địa ngục ngay đó liền dứt, mãi mãi an vui.

Bấy giờ bồ-tát Tín Tướng bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Vậy bài kinh này tên gọi là gì, phải phụng trì thế nào? Đức Phật lại bảo bồ-tát Tín Tướng:

– Này thiện nam tử! Kinh này tên là “Tội nghiệp báo ứng giáo hóa địa ngục”. Ông nên phụng trì và lưu truyền rộng khắp kinh này, thì sẽ được vô lượng công đức.

Khi ấy chư thiên và đại chúng nghe kinh này xong vô cùng hoan hỉ, năm vóc sát đất, đỉnh lễ vâng làm.

Chú thích:

[1] Năm căn (ngũ căn 五根; S: pañcendriyāṇi): mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

[2] Ngũ cùng, lục cực五窮六極:Năm điều khốn cùng: Trí cùng, học cùng, văn cùng, mạng cùng và giao cùng. Sáu điều khổ sở: chết non, đau ốm, nghèo nàn có tật, và hèn yếu.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 30 – Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Kinh Hiếu Tử - Kinh Tạng
  • Kinh Tội Phúc Báo Ứng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Đức Quang - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân - Kinh Tạng
  • Kinh Năm Giới Tướng Của Ưu Bà Tắc - Kinh Tạng
  • Kinh Lục Độ Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân - Kinh Tạng
  • Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 03 – Kính Tăng - Kinh Tạng
  • Giải Thích Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 2 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng