1
2
3

Luận Tam Pháp Độ

Tam Pháp Độ Luận [三法度論]

Đông Tấn Tăng Già Đề Bà dịch

Việt dịch: Nguyên Huệ

***

QUYỂN THƯỢNG

Phẩm 1: ĐỨC

Biết sinh khổ vô lượng

Thiện tịch hướng an lạc

Do thương xót chúng sinh

Luân chuyển nơi nhiều kiếp.

Xả bỏ thân diệu thiện

Vì hết thảy thuyết pháp

Trí khắp diệt các nẻo

Cung kính lễ Tối giác.

Mở ba pháp môn nầy

Chốn công đức quy về

An lạc mọi chúng sinh

Lìa xa tất cả khổ.

Trước lễ bậc Thiện Thệ

Pháp cùng chúng vô thượng

Nay nói pháp Chân đế

Ba ba như diệu nghĩa.

Luận nêu: Nay nói ba pháp, xin hỏi bậc Tôn trưởng: Vì sao nói ba pháp? Ba pháp có nghĩa gì?

Đáp: Kinh nầy nhân nơi pháp, chỉ nêu bày về ba thứ tương tục. Ba pháp là giả tưởng.

Hỏi: Do đâu ba pháp được nêu bày?

Đáp: Kinh Phật nầy dựa nơi vô lượng tưởng. Chúng sinh luôn bị đời ác trược hủy hoại, thọ mạng do ăn uống mới tồn tại, muốn cầu nẻo chân, nên vì họ mà mở bày các tưởng, cùng khéo duy trì. Ba pháp nầy được nêu dẫn, vì tất cả thế gian cũng dựa nơi chân tưởng và giả tưởng. Do để mở bày tưởng nên ba pháp được nêu.

Hỏi: Đã đáp về việc nêu bày ba pháp, vậy xin nói rõ về ba pháp?

Đáp: Đức, Ác, Nương dựa, nhận biết rõ là pháp môn thiện thắng. Nhận biết rõ về chúng, tức biết rõ pháp môn thiện thắng. Ba pháp nầy là ba thứ căn bản của kinh nơi ba Phẩm, nên nói mỗi phẩm đều có ba Chân độ.

Hỏi: Có thể nói về ba phẩm, chỉ nêu như thế là có lỗi. Vì sao? Vì thiện thắng thì nên nói trước, sau đấy mới nói về Đức, Ác, Nương dựa, cần nhận biết rõ.

Đáp: Đã vui thích với chỗ hướng tới thì không nên nói. Ở đây, tất cả thế gian đều vui thích hướng đến thiện thắng, cho đến loài côn trùng cũng vui thích hướng tới an lạc. Vì sao? Vì cần ăn uống nên có chỗ cầu mong. Thiện thắng là vui thích, yêu mến tốt đẹp. Như vậy, nghĩa được so sánh để nói về thiện thắng. Thế gian có nhiều vui thích, hướng đến an lạc mà lại từ bỏ nhân của an lạc. An lạc là Đại Niết-bàn.

Lại không bệnh tật là nhiều an vui, hướng đến song lại từ bỏ nhân ấy. Như đã vui thích hướng tới thì không nên vì điều đó mà nói nữa. Ví như người hướng tới đạo, nếu đã biết rõ đạo thì không còn nói về đạo nữa, trường hợp kia cũng như thế, do đấy không có lỗi.

Hỏi: Vì sao nhận biết rõ về Đức, Ác, Nương dựa thì liền có thiện thắng? Đã từng có trường hợp thấy vàng được giàu sang, thấy thuốc thì bệnh không còn chăng? Thế nên không thể nói nhận biết rõ về Đức, Ác, Nương dựa mà có thiện thắng.

Đáp: Tuy có lời ấy, nhưng nghĩa thì không phải thế. Nên lấy thí dụ như đèn sáng. Như đốt đèn tức thì hủy hoại bóng tối, không phải đốt đèn rồi sau mới hủy hoại bóng tối. Như thế trí sinh tức có trí nhận biết về thiện thắng, là một nghĩa.

Hỏi: Đức gọi là những gì? Là số lượng chúng sinh, là sắc hương vị, đối chiếu để gồm thâu, vì tranh chấp, hàng phục?

Đáp: Ta muốn không vui thích từ tưởng tạo tác kinh, nhưng ở đây, đức là Phước, Căn, Không ác. Phước, căn, không ác, ba thứ ấy là tưởng của đức. Pháp bạch tịnh cùng quả của pháp, Ta cho đó là tưởng của đức, là tất cả được gồm thâu trong ba thứ ấy, nay nên nối tiếp hiển thị.

Hỏi: Đã nói về phước, căn, không ác. Vậy những gì là Phước?

Đáp: Phước là Tu, Thí, Giới, luôn luôn ở nơi thiện thắng, đó là phước. Cũng nêu rõ việc trừ bỏ kẻ ác, đó là phước. Là ba thứ tu, thí, giới, như đã nói.

Hỏi: Đã nói phước là thí, giới, tu. Vậy những gì là Thí?

Đáp: Vì đã gồm thâu kẻ khác, nên lúc xả bỏ của cải cùng tư nguyện và vô giáo (vô biểu) là ba thứ thí.

Hỏi: Điều ấy là thế nào?

Đáp: Thí là pháp, vô úy, tài. Tức pháp thí, vô úy thí và tài thí, ba thứ ấy là nói về thí. Pháp thí là thuyết giảng kinh, khiến ra khỏi thế gian. Vô úy thí là tám thứ, ba quy mạng đứng đầu. Như Đức Thế Tôn nói, quy y Phật là thí vô úy cho vô lượng chúng sinh. Không kết hận, không tạo pháp ác, chúng sinh cũng như thế.

Hỏi: Như có người nhận ba quy y cũng sát sinh, làm sao nói thí là vô úy đứng đầu?

Đáp: Không nói hết thảy chúng sinh, chỉ như ở đây tà kiến là si mê, nên sát sinh, trộm cắp tài sản kẻ khác, tạo các thứ ác. Người nhận ba quy y thì không làm các điều ấy, tức đã được chánh kiến. Nếu nhận ba quy y mà không có chánh kiến thì không phải là ba quy y. Thế nên thí cho vô lượng chúng sinh, thì vô úy đứng đầu. Không tiếc lẫn, hành tài thí, thì ăn uống là đứng đầu, vì gồm thâu kẻ khác nên thí. Cúng dường v.v… thì dùng hương hoa là đứng đầu. Tự mình làm, hoặc lại cùng làm, là mình, người cùng tạo đức nên được quả báo lớn. Ở đây là thí tịnh, nên phân biệt rộng, như kệ đã nói:

Ví như cây dùng gốc

Lúc lại dùng nơi cành

Hoặc cùng dùng cả hai

Là việc thường ở đời.

Như vậy phương tiện thành

Thí ấy được quả lớn

Có từ nhân duyên tịnh

Cùng công đức cũng thế.

Hỏi: Thế nào là Giới?

Đáp: Giới là hai thứ thân miệng được thâu giữ, không nhiễu hại kẻ khác. Giới tạo lợi ích có ba tướng, từ nơi thân miệng sinh.

Hỏi: Điều ấy là thế nào?

Đáp: Gồm thâu kẻ khác, không nhiễu hại kẻ khác. Cùng tạo lợi ích gồm thâu kẻ khác: Lúc đói khát, thiếu thốn, chúng sinh yêu quý mạng sống, nên rộng lòng tha thứ, không mưu hại. Lìa bỏ việc chiếm đoạt tài sản, thê thiếp của kẻ khác cũng như thế. Đây là việc gồm thâu kẻ khác. Lìa bỏ nói lời hai chiều, nói lời thô ác, nói dối, nói lời thêu dệt, là không nhiễu hại kẻ khác.

Lại nữa, bảy chi không bức bách kẻ khác, là không nhiễu hại họ. Bị các khổ bức bách, không có nơi chốn quy ngưỡng, nương dựa, thương xót cứu giúp họ là nhiếp phục kẻ khác. Thọ trì hai pháp ấy, hoặc phước nối tiếp sinh là tạo lợi ích. Ta từ nay lìa bỏ sát sinh, phát tâm, tức tạo lợi ích được tăng trưởng. Ví như tạo ra các vật dụng thì ngày càng có lời. Thọ giới tâm sinh thiện nên thọ nhận tương tục. Hạt đã diệt như khi gieo trồng có mầm, tạo lợi ích. Nếu không xả bỏ hành thiện tương tục, cho đến ngủ nghỉ cũng tăng ích phước, đây là tạo lợi ích, gọi là giới.

Hỏi: Thế nào là Tu?

Đáp: Tu là tu tập thiền, vô lượng, vô sắc. Tu ấy là đối với hành thiện, thế nên tu như hoa tỏa hơi thơm. Tập là tu như hành tập gần gũi vua. Ví như vua, quan khéo hành tập gần nhau, tất có kết quả. Như vậy tu tập tất được quả bạch tịnh.

Nói tu thiền, là nhớ nghĩ về nghĩa nơi bốn thứ ấy.

Hỏi: Điều ấy là thế nào?

Đáp: Thiền là lìa dục, quán, hỷ, khổ, lạc, là bốn thiền. Thứ nhất là đã lìa pháp dục ác, bất thiện. Duyên nơi thiện, buộc giữ tâm an trụ, đó là lìa dục. Thứ hai là lìa quán. Quán là hành vi tế đối với giác, như chuông rung có âm thanh khác, ở đây không còn nữa, gọi là lìa quán. Dục thì trước đã lìa. Thứ ba là lìa hỷ. Hỷ là tâm vui vẻ, như biển có sóng vọt lên, ở đây không còn cùng với dục, quán, nên nói lìa hỷ. Thứ tư là lìa khổ, lạc. Lạc là thân tâm không bị bức bách. Khổ là bị bức bách. Ở đây đều không còn, cùng với dục, quán, hỷ, nên gọi là lìa khổ, lạc. Bốn thứ ấy gọi là thiền.

Hỏi: Thế nào là vô lượng?

Đáp: Vô lượng là Từ, Bi, Hỷ, Hộ (Xả), là bốn quả giả tưởng làm vô lượng. Duyên nơi vô lượng chúng sinh nên là vô lượng. Cũng không thể tính kể về công đức, nên là vô lượng. Từ là tâm hành thương xót tất cả chúng sinh. Hết thảy chúng sinh luôn được hiện rõ nơi trước niệm, là Từ. Bi là thương xót các chúng sinh khổ não luôn ở trước mắt mình, nhớ nghĩ khiến họ lìa sầu não, là Bi. Hỷ là đối với chúng sinh có nhiều an vui, hạn chế mọi vui thích quá mức, là Hỷ. Hộ (xả) là không cầu, không nóng giận, nên tha thứ đối với các chúng sinh có lỗi lầm. Nếu chúng sinh làm ác thì không vui thích với điều ấy, là lại quán xét tự nghiệp của chúng sinh. Như thế là tha thứ đối với lỗi lầm, gọi đó là Hộ (xả).

Hỏi: Đã nói về vô lượng, còn vô sắc là thế nào?

Đáp: Vô sắc là Không, Thức, Vô sở hữu và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Xứ là nương dựa, là bốn thứ. Không là trừ sắc, thấy vượt quá sắc, là lìa dục, nhất tâm duyên nơi không. Nơi không, buộc giữ tưởng là Không xứ. Chẳng nương nơi không, chỉ có thức, duyên nơi thức nên có Thức xứ, đó cũng là nương dựa. Không nương dựa nên hơn, như vô sở hữu, đấy gọi là Vô sở hữu xứ. Đối với tưởng thấy vượt quá, diệt tưởng thấy sợ hãi, nhất tâm là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, là cõi Vô sắc. Đó gọi là tất cả phước.

Hỏi: Căn là gì?

Đáp: Căn là không tham, không giận, không ngu si. Không tham, không sân, không si, đây là ba tướng của căn.

Hỏi: Đây là căn gì?

Đáp: Không phải là trước đã nói về gốc của đức, chỗ nào là tất cả hướng về gốc của pháp thiện thắng. Tùy nơi nghĩa, một thứ tăng thì phần còn lại cũng theo. Như không tham đối với thí tăng, không giận đối với giới tăng, không si đối với tu tăng. Lại nữa, không tham đối với tài thí tăng, không giận đối với vô úy thí tăng, không ngu si đối với pháp thí tăng. Đó gọi là ba thứ thí tăng trưởng.

Lại nữa, không tham đối với việc thâu phục kẻ khác tăng, không giận dữ đối với việc không nhiễu hại kẻ khác tăng, không ngu si đối với việc tạo lợi ích tăng. Đó gọi là ba thứ giới tăng trưởng.

Lại nữa, không tham đối với thiền định tăng, không giận dữ đối với vô lượng tăng, không ngu si đối với vô sắc tăng. Đó gọi là ba thứ tu tăng trưởng.

Lại nữa, không tham đối với không ác tăng, không giận dữ đối với nhẫn nhục tăng, không ngu si đối với đa văn tăng. Như vậy đối với lực, căn là như thế, nên biết về căn của tất cả hành thiện. Không tham là đối với các vật dụng hiện có không thấy lợi, không vướng chấp. Ý không giận dữ là diệt trừ mọi giận dữ. Không ngu si là dứt trừ si mê, nên gọi là căn.

Hỏi: Thế nào là Không ác?

Đáp: Không ác là nhẫn nhục, đa văn. Không ác, không có kẻ ác là giả tưởng theo thế tục.

Lại nữa, ác là tăng trưởng ác. Là không tăng trưởng ác, nên gọi là không ác, như đã nói. Không ác là nói về diệu thiện. Nhẫn nhục là chịu khổ. Sang, hèn, lực tự kìm chế, không giận dữ. Nhẫn nhục là chịu khổ. Sức mạnh của sang, hèn, tùy theo sự việc nên tự kìm chế, không phẫn nộ. Bị khổ bức bách mà tự kìm chế, là nghĩa gắng nhẫn nại. Bị sức mạnh của giàu sang bức bách, giận dữ nhưng không thể đáp trả, chỉ đối với kẻ tệ ác nên khởi giận dữ. Nếu đối với sức mạnh lớn đã bức bách, không dấy khởi phẫn nộ là nhẫn nhục. Bị sức mạnh của kẻ hèn kém gia hại thì tha thứ. Oán gia có thể đáp trả, nếu không đáp trả là tha thứ. Như thế, chúng sinh có loi cùng hành lỗi lầm, đều gắng nhẫn nại. Nghĩa nầy nay sẽ nói. Khổ là lạnh nóng gió nắng, cực nhọc, bị các thứ khổ bức bách, phải tự kìm chế khổ ấy. Từ hai sự việc dấy khởi sầu não, đối với thân không nổi giận, đối với loài vô tình nổi tình, chúng sinh theo nhân duyên nêu bày, do đấy dựa nơi hai thứ bức bách thân, nên gắng nhẫn.

Hỏi: Đã nói về nhẫn nhục, còn đa văn là thế nào?

Đáp: Đa văn là đối với Khế kinh, A-tỳ-đàm, Luật. Người đa văn là nếu có thể trừ bỏ tham sân si, đó là đa văn, phần khác không phải là đa văn. Ba thứ Khế kinh, A-tỳ-đàm, Luật, trong đó Khế kinh là do bậc Nhất thiết trí thuyết giảng hoặc ấn chứng, hiển bày nẻo bạch tịnh, uế nhiễm, làm sáng rõ bốn Thánh đế, lìa vô lượng ác. A-tỳ-đàm (Luận) là phân biệt đầy đủ những thứ hiện có nơi Khế kinh. Luật là nói về oai nghi, phép tắc khiến được thanh tịnh. Đó gọi là ba thứ đa văn. Ở đây, luật là chú trọng chế ngự tham dục, A-tỳ-đàm chú trọng chế ngự giận dữ. A-tỳ-đàm là nói về tánh của các nghiệp, do đấy đoạn dứt giận dữ. Nhân nơi giận dữ dấy khởi phạm giới, do phạm giới nên bị đọa vào địa ngục. Khế kinh chú trọng chế ngự si mê. Khế kinh là nói về mười hai nhân duyên.

Hỏi: Đa văn ấy vì sao không ác?

Đáp: Không ác là nhận biết đúng đắn về nguyên do để chế ngự tâm ý. Nhận biết đúng đắn về nguyên do đúng đắn để chế ngự đúng đắn nơi tâm ý, đó gọi là không ác.

Nhận biết đúng đắn là thầy, đệ tử, đồng học có thể hành từ thiện. Nếu có thể hành từ thiện, đó gọi là nhận biết đúng đắn, là ba thứ thầy, đệ tử, đồng học ấy.

Hỏi: Thế nào là, hoặc từ là thầy, thiện là đệ tử, khả năng là đồng học, có thể nói như thế chăng?

Đáp: Không phải. Vì sao? Vì nêu bày không thích hợp. Từ, thiện, năng lực, là tướng của tri thức chân thật, là nói về chỗ nên quán xét nơi thầy, đệ tử, đồng học. Ở đây, tướng từ là tối thắng, hai thứ còn lại là cành nhánh được tạo thành. Hoặc từ là chỉ không thiện, nhận biết sự việc nhưng cũng không thể nói, như người cha tuổi già, không đức. Hoặc có năng lực, cũng không thiện. Hoặc tuy có từ, không thiện, nên chỉ dạy điều ác, như đám Lục sư v.v… Nếu có đầy đủ thì ba tướng thành tựu, nên biết đấy là tri thức chân thật.

Hoặc có thầy tạo lỗi lầm nên bị hoại. Hoặc đệ tử lỗi lầm. Hoặc đồng học tạo lỗi lầm. Do đó, thành tựu đầy đủ ba tướng, phải cầu tri thức chân thật.

Hỏi: Tri thức chân thật ấy, làm thế nào để chế ngự đúng đắn tâm ý?

Đáp: Chế ngự đúng đắn tâm ý là dừng dứt tưởng cử, hộ (xả) dừng dứt tưởng mạnh mẽ. Hướng tới tưởng cử, tưởng hộ là mạnh mẽ. Ở đây, dừng dứt là đình chỉ tâm ý buông lung. Kém so với đây là quán xét tướng mà nói. Dừng dứt cử là tâm ý nhu hòa. Sức lực thấp thì trợ giúp khiến tăng cao, ở đây là quán xét tướng mà nói. Cử, hộ là do tâm ý bình đẳng nên nhận giữ nẻo hành. Như khéo điều khiển xe, chậm thì khiến nhanh, gấp thì kìm chế lại, cùng hành mà hộ. Đây cũng như thế. Trong bốn vô lượng thì Hộ là không hợp ý. Đối với chúng sinh, dùng Từ đứng đầu để Hộ, trong ấy, ý bình đẳng Hộ.

Hỏi: Thế nào là nhận biết? Như tâm ý kém nên đề cao, tâm ý được để cao nên chế ngự, bình đẳng là Hộ (xả)?

Đáp: Không phải là tự theo chỗ mong muốn là chế ngự đúng đắn tâm ý. Do đó ở đây là tự tùy theo chỗ mong muốn là nghĩa tùy thời, tùy phương tiện, nếu có cao thấp thì đấy không phải là chế ngự đúng đắn về tâm ý.

Hỏi: Là chế ngự đúng đắn về tâm ý, còn thế nào là nguyên do đúng đắn?

Đáp: Nguyên do đúng đắn là có đủ phương tiện nơi quả. Nguyên do đích thực là hướng tới nẻo kia, hoặc nói về sự tu tập, có đủ phương tiện tạo quả là nguyên do đích thực.

Hỏi: Cái gì là gồm đủ?

Đáp: Trước đã nói về thiện thắng.

Hỏi: Những gì gọi là gồm đủ?

Đáp: Gồm đủ là khéo giảm bớt, chế phục căn và tiếp cận hành thiền. Đây là tư lương đối với hành thiện, nên gọi là gồm đủ, như hành đầy đủ các vật dụng. Gồm đủ là nghĩa cành nhánh. Ở đây là gồm đủ ba thứ: khéo giảm bớt, chế phục căn và tiếp cận hành thiền.

Hỏi: Thế nào là khéo giảm bớt?

Đáp: Khéo tổn giảm là mặc y phấn tảo, khất thực vô sự. Trong các xóm làng, giảm bớt gọi là khéo tổn giảm. Khéo tổn giảm là nghĩa thanh bạch, đạm bạc. Người thợ giỏi tạo ra hai thứ hình tượng, có tăng, có giảm. Giảm là công sức của đá, gỗ. Tăng là công sức của bùn đất, công sức tô vẽ. Người thợ hình thành hai thứ tượng. Nếu theo giảm là có thể chịu đựng được mưa gió. Thứ còn lại tuy có sắc đẹp nhưng không chịu đựng được gió mưa. Hai thứ người như thế là hàng tại gia, xuất gia. Hàng xuất gia tâm ý được giải thoát đối với những hệ lụy của gia đình, đã xả bỏ các thứ vật dụng, lấy giảm bớt làm điều tốt đẹp. Hàng tại gia, nhân nơi vợ con, thân tộc là tăng thêm, các sự việc được thành. Hàng tại gia tuy có các vật dụng làm mỹ vị, song ái cùng biệt ly thì sầu bi, tranh chấp v.v… Vì không phải pháp, nên bị mưa gió hủy hoại, tâm ý không nơi chịu đựng, như hình tượng tô vẽ bị gió mưa hủy hoại, không phải là hàng xuất gia. Như Đức Thế Tôn nói:

Như chim sức khí

Cổ xanh sắc đẹp

Trọn không thể bằng

Ngỗng, nhạn bay đi.

Tại gia như thế

Không bằng Tỳ-kheo

Mâu-ni xa lìa

Tọa thiền chốn vắng.

Đó gọi là khéo tổn giảm: Mặc y phấn tảo, khất thực, vô sự. Ba công đức tịnh nầy là gốc của mười hai thứ, chín thứ còn lại là quyến thuộc, nên nói riêng. Đức Thế Tôn muốn khiến cho Nan-đà hoan hỷ, nên cũng nói ba thứ ấy:

Nan-đà sao thấy ngươi

Y phấn tảo, vô sự

Biết rồi, vui nơi cao

Lìa bỏ dục, không nhiễm.

Do đấy nên biết ba thứ ấy là gốc.

Lại nữa, bốn ái sinh là y phục, thức ăn uống, vật nằm ngồi, và cõi. Trong ấy, vì do tham ái về y phục nắm giữ, nên nói về y phấn tảo. Vì do tham ái về thức ăn uống nắm giữ nên nói về khất thực. Vì do tham ái về vật dụng nằm ngồi, nên nói về vô sự. Nếu thành tựu ba công đức ấy là phương tiện diệt trừ ái cõi, là do khéo tổn giảm.

Lại nữa, có hai thứ chấp trước là ngã hành và ngã sở tạo tác. Trong đó, vì tham ái y phục, thức ăn uống, chỗ ngồi nằm, nên sinh khởi chấp trước về ngã sở tạo tác. Hành giả dùng ba công đức tịnh ấy để dứt trừ. Nếu diệt một sự, tất đoạn trừ chấp ngã, thế nên gọi là công đức tịnh.

Hỏi: Thế nào là y phấn tảo?

Đáp: Y phấn tảo là ba y, như y dệt bằng lông, tùy theo chỗ ngồi. Y phấn tảo nầy là một trong ba thứ kia. Có đủ ba y như y dệt bằng lông tùy theo chỗ ngồi. Nếu ba y chỉ là y phấn tảo, tức nên có chín công đức tịnh. Như vậy thì cùng trái với kinh chăng? Y phấn tảo là từ nơi vùng gò mả, nơi ngõ xóm làng, nhặt nhạnh các tấm vải cũ, hoại màu, giặt sạch để may thành. Ba y là Tăng-già-lê, Uất-đa-la-tăng, An-đà-la-hội. Hoặc có trường hợp trì ba y, vì yêu thích y, nhân đấy miệt mài tìm cầu, do ái ấy nên là hết sức cực nhọc. Nếu không được nhiều thì ba y nên biết là đủ, tốt. Ái có hai thứ: ái tốt đẹp và ái nhiều. Ví như cầu tìm một người nữ đẹp đẽ hơn hết, hoặc tìm cầu hàng ngàn người nữ không xinh đẹp. Như vậy tham ái nhiều, dùng ba y chế ngự sinh ái tốt đẹp. Đức Thế Tôn vì hạng người ấy nói trì ba y có sáu loại: kiếp bối, tất cánh, tơ lụa, vải vỏ gai, vải dệt bằng vỏ cây, sợi gai, trong ấy nên dùng một thứ. Người kia thấy rồi thì ưa thích, việc đó gây nhiều cực nhọc, nên vì họ nói về y dệt bằng lông, kẻ ấy như thế là trì ba y dệt bằng lông. Hoặc ở trong chúng, hoặc tại giường tòa nơi gia đình, nếu thấy tòa ngồi tốt đẹp khác, liền dời đến để ngồi, thì vì những người ấy nói, cứ theo tòa đã ngồi, không nên vì tốt đẹp mà dời đổi tòa ngồi. Do mình là lớn nên dấy khởi ý cho kẻ khác là phải tùy theo tòa ngồi. Như vậy, đầy đủ ba thứ là y phấn tảo.

Hỏi: Vô sự là thế nào?

Đáp: Vô sự là ngồi nơi gốc cây, dưới bóng cây, hiện rõ. Thực hiện ngồi ngay ngắn, ngồi nơi gốc cây, dưới bóng cây, ngồi hiện rõ, hành đủ ba thứ ấy là vô sự. Bốn thứ nầy là để diệt trừ tham ái về nơi chốn. Ở đây, người tinh tấn thì hàng tín thí tạo nhà, các thứ giường tòa lớn, vật trải mềm mại. Kẻ giáo hóa tham chấp, Đức Thế Tôn biết rồi, vì họ nên giảng nói sự việc ấy. Không nên xả bỏ nhà của mình để tham vướng nhà kẻ khác. Nên xả bỏ nhà nầy để vui nơi vô sự. Kẻ kia đã ở nơi vô sự, lại tạo phòng ốc lầu gác cao lớn, đây cũng là điều không nên làm. Ở trong chỗ vô sự lại yêu thích phòng gác cao rộng, như dùng xe ngựa mà gồm đủ cả lừa. Do đó, nên thực hiện việc ngồi dưới bóng cây, bên gốc cây. Người kia đã thọ trì rồi, nhưng không thích cây nhỏ, xấu xí, mà lại cầu cây to lớn, tươi tốt, nhiều hoa quả. Đức Thế Tôn chỉ dạy những người ấy nên thọ trì việc ngồi nơi khoảng đất trống. Thí chủ của ông đã nuôi lớn thân ấy, sao lại làm sự việc như thế, nên học theo sự an lạc của bậc Thần tiên. Nơi khoảng đất trống, ông không có nhà cửa, không bị tham ái bức bách. Người kia đã ở nơi khoảng đất trống, liền khởi suy nghĩ: Ta đã làm được việc khó làm. Do xả bỏ ấy nên tư duy đúng đắn, tức liền nằm nghiêng ngủ cho đến mặt trời mọc.

Đức Thế Tôn chỉ dạy kẻ kia sự việc như thế, không thể như người cắt tai để trang sức nơi đầu. Do đấy, ông nên thọ trì việc ngồi ngay ngắn trên thảm cỏ, ngồi theo tư thế kiết già, quán xét thế gian đúng như thật mà tạo tự nghiệp. Như thế là gồm đủ vô sự.

Hỏi: Đã nói về vô sự, vậy thế nào là khất thực?

Đáp: Khất thực là ăn ngày một bữa, quá giờ thì không được uống các thứ nước khác ở nơi nghĩa địa. Người xuất gia có hai loại thọ thực: Thọ thực với chúng Tăng và khất thực. Thọ thực cùng với chúng Tăng là ngôi nhà luôn tinh tấn, được thọ thực đầy đủ, hoặc lại luôn tinh tấn vì để diệt trừ phiền não. Đối với bên ngoài, xây dựng phòng ốc, phân phát các thức ăn uống. Khất thực là lần lượt đi tới từng nhà để xin nhận thức ăn, kể cả có lúc nhận rất ít. Đó gọi là khất thực. Những cách sống khác là tà mạng. Người kia thọ thực với chúng Tăng, khởi suy nghĩ: Ta có thể đi đến nhà thí chủ kia để thọ thực. Liền dấy ngã mạn, cao ngạo. Đức Thế Tôn vì kẻ ấy nên chỉ dạy: Phải nên khất thực. Người kia khất thực rồi thì thường xuyên ăn uống trong nhiều thời gian, do đó bỏ phế việc tu học. Đức Thế Tôn chỉ dạy kẻ kia nên thọ thực một lần, như kệ nói:

Người nên khởi tâm niệm

Mỗi lần ăn, biết ít

Tức là thọ dụng giảm

Hạn chế, giữ mạng sống.

Người kia thọ thực ngày một lần rồi, chấp trước nơi thức ăn, liền dấy khởi suy niệm: Đức Thế Tôn chỉ cho phép uống nước, vậy nên tìm cầu đủ các thứ nước uống, do đấy bỏ phế việc tu học. Đức Thế Tôn chỉ dạy kẻ kia: Ông đã có được xứ khổ như thế, nên bỏ việc uống nhiều thứ nước. Lúc khát nước thường cũng có thể dứt trừ. Nên thọ trì việc quá giờ thì không uống các thứ nước khác. Người kia như vậy là thọ thực ít, biết đủ rồi, lại ưa thích tắm gội xoa chà thân thể. Đức Thế Tôn chỉ dạy kẻ ấy: Đây cũng là việc cao ngạo của tưởng thọ thực. Vì sao? Vì thân thể là từ trong việc ăn uống sinh ra, tuy có béo mập hết sức cũng sẽ đem bỏ nơi nghĩa địa. Do vậy, ông nên vui thích nơi nghĩa địa, quán xét về nơi ấy, từ chỗ thọ thực dẫn đến thân thể sình trướng, rữa nát, tan hoại, mỡ máu chảy tràn. Thấy rồi thì diệt trừ tưởng kiêu mạn kia. Như thế là khất thực đầy đủ. Đó gọi là khéo tổn giảm.

Hỏi: Thế nào là chế phục căn?

Đáp: Chế phục căn là không hại, giữ gìn, hàng phục. Chế phục căn là có thể chế ngự các căn, là hàng phục căn. Ba thứ ấy là không hại, giữ gìn, hàng phục.

Hỏi: Không hại những gì?

Đáp: Trước đã nói về căn. Hại căn là không thể điều khiển căn. Như loài ngựa tuy đoạn dứt nước, lúa thóc, nhưng không đường nào là không chạy điều hòa. Ăn no do lúa thóc, nước thì theo đường đi tức điều hòa chạy tốt. Như vậy, hại căn là không điều khiển được. Thâu giữ các căn tức điều khiển được. Nếu hại căn, cho đó là điều khiển được thì là người mù mà lìa dục, thế nên chớ hại căn, chỉ chế ngự đúng đắn đối với cảnh giới. Tư duy đúng đắn để thâu tóm, tức có thể giữ gìn, như kệ nói:

Các căn đến cảnh giới

Nên xa lìa các tưởng

Không thể hại cảnh giới

Chỉ trừ bỏ nhiễm chấp.

Hàng phục căn là nếu thấy người nữ nhan sắc đẹp đẽ, liền khởi tưởng như mẹ. Đó gọi là ba thứ chế phục căn.

Tiếp cận hành thiền: Là tiếp nhận danh tưởng, gần nơi tư duy nên gọi là gần hành thiền.

Hỏi: Là gần thứ gì?

Đáp: Như trước đã nói về thiện thắng.

Hỏi: Như trước đã nói về bốn thiền, vì sao lại nói lần nữa?

Đáp: Trước là nói về thiền, là hướng tới việc thắng vượt sinh tử. Ở đây là hướng đến nẻo xuất yếu, thắng vượt điều ấy, thứ lớp quán Chân đế. Như người lần đầu đi qua vùng đồng rộng, thấy ao nước với đủ các thứ hoa tươi đẹp, lại có từng ấy suối nước trong theo dòng chảy tràn trề, cùng vườn cây, lầu gác, trồng nhiều loại cây hoa xinh xắn. Thấy rồi, khởi suy nghĩ: Đây chẳng phải là trong vùng đồng rộng vắng vẻ mà có thể có được, tất là phải gần với thành ấp. Như vậy, Hành giả ở tại quãng đồng rộng sinh tử, có đủ phiền não tham sân si, đạt được nhận biết chân thật nên chánh tư duy, lúc quán xét ấm, giới, nhập là vô thường, khổ, không, vô ngã, nếu mong muốn, vui thích, đó gọi là nhẫn. Chánh tư duy, tâm ý không động, đó gọi là như trong mộng thấy người thân, như trong gương thấy hình bóng. Như vậy, tưởng quán khổ, là pháp đệ nhất của thế gian. Do tưởng Đức Thế Tôn, đó gọi là gần hành thiền. Hành giả kia thứ lớp như từ mộng tỉnh giấc, thấy người thân, sau đạt được quán Thánh đế cũng như thế.

Phần thứ nhất của phẩm Đức nơi Chân độ đã nêu bày xong.

Hỏi: Thế nào gọi là Phương tiện?

Đáp: Phương tiện là Giới, Thượng chỉ, Trí. Phương tiện là đạo (đường đi), là hướng đến thiện thắng, nên nói là phương tiện, là ba thứ giới, thượng chỉ, trí.

Hỏi: Chẳng phải là nói lần nữa về Giới chăng?

Đáp: Trước đã nói. Thiện thắng có hai thứ: Một là thọ sinh. Hai là xuất yếu. Giới nói trước là thọ sinh, đây là xuất yếu. Nghĩa của giới là nghĩa hành tập.

Hỏi: Điều ấy là thế nào?

Đáp: Giới là chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, ba thứ ấy gọi là giới. Chánh ngữ là lìa bỏ nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói dối và nói lời thêu dệt. Chánh nghiệp là lìa sát sinh, trộm cắp, dâm dục. Chánh mạng là Tỳ-kheo thọ thực cùng chúng Tăng hoặc khất thực, y phục, thuốc men đầy đủ, đó là chánh mạng, các lối sống khác là tà mạng. Hàng Ưu-bà-tắc lìa năm nghiệp, đao gậy, rượu độc, thịt chúng sinh. Đó gọi là chánh mạng.

Hỏi: Thế nào là Thượng chỉ?

Đáp: Thượng chỉ là tấn, niệm, định. Thượng chỉ là đầy đủ, viên mãn. Lại nữa, diệt trừ tham sân si, đó là thượng chỉ. Hướng đến nẻo kia để an trụ, nên nói là thượng chỉ, là ba thứ tấn, niệm, định. Trong đó, tấn là lực, nếu nói tấn nên biết là đã nói về lực.

Lại nữa, có thể tạo tác, nên nói là tấn. Tấn là hành. Pháp ấy có thể tiến đến thiện thắng nên gọi là tấn.

Hỏi: Điều ấy là thế nào?

Đáp: Tấn là tín, cần, không xả. Tín, cần, không xả là ba giả danh nơi tấn. Vì sao? Vì tín làm tăng trưởng tất cả hành thiện, luôn ở trước tất cả pháp thiện, đối với hết thảy các pháp là bậc nhất, hơn hết. Như kệ nói:

Sĩ có hành tín

Được bậc Thánh khen

Vui thích giải thoát

Mọi trói buộc mở.

Là ba thứ tín.

Hỏi: Thế nào là ba thứ?

Đáp: Tín là tịnh, dục, giải. Tịnh, dục, giải là tín. Trong ấy, tịnh là trừ bỏ ô trược. Ô trược là chỗ tạo ác của con người, như sân hận, kiêu mạn, không hổ, không thẹn. Ví như voi, trâu làm đục loạn nước suối, là nói về ô trược. Khiến dừng lại nên nước sẽ lặng trong. Như thế, người tạo ác, sân hận, kiêu mạn, không hổ, không thẹn, so sánh với tâm ý loạn động, gọi đó là ô trược. Không còn ô trược, gọi là tịnh.

Dục là yêu thích nơi thù thắng. Như người bị bệnh làm cho khốn khổ, nên không muốn ăn ngon. Bệnh khỏi rồi, thì mong muốn có được các món ăn ngon. Người ấy bị các pháp ác bức bách nên không vui thích muốn nghe pháp. Có được thiện tri thức rồi thì vui thích nơi pháp. Liền khởi suy nghĩ: Pháp nầy là vô cùng vi diệu. Đó gọi là dục.

Giải là nắm giữ. Ví như người bị rắn độc cắn, lúc thầy chú nguyện đối với độc, người kia tâm ý chí thành, liền suy nghĩ: Thật như là nói chú. Từ đấy tất bớt dần, ý hiểu rõ nên tìm thuốc. Như vậy, con người bị rắn tham sân si cắn mổ, Đức Thế Tôn với tâm từ, vì họ giảng nói chánh pháp. Người kia nếu ý hiểu rõ, thì không khác với dụ trên. Tâm của người kia dứt trừ được tham sân si. Trường hợp khác thì không dứt trừ được. Đó là giải.

Hỏi: Thế nào là cần?

Đáp: Cần là phát khởi chuyên hành tập. Khởi, tập, chuyên, ba thứ ấy gọi là cần.

Khởi là bắt đầu tạo thiện. Như lúc dùi lửa thì phải tạo các vật dụng của lửa. Tập là thường xuyên hành tác. Chuyên là gắn liền, không bỏ, không phân tán khiến ý thành một duyên, như cứu lửa cháy đầu. Ba thứ ấy gọi là cần.

Hỏi: Thế nào là không xả?

Đáp: Không xả là không dừng, không chán, không lìa. Ba thứ ấy gọi là không xả.

Không dừng: Là trong tất cả thời gian không rời. Ta hết sức tinh tấn không bỏ phế, là không chán. Ta hoàn toàn siêng năng, dù trong thời gian lâu dài có nhiều phiền não, là không lìa. Hoặc có quả, hoặc không, nếu xả thì có được công dụng gì? Hoặc do đấy nên không bỏ tinh tấn, đó gọi là không xả. Ba sự việc nầy tất đạt được quả. Như người đi đường, vui thích với nơi chốn đi đến.

Hỏi: Đã nói về tấn, thế nào là niệm?

Đáp: Niệm là thân, thống (thọ), tâm, pháp, trong ngoài đều không quên. Trong, ngoài, cùng không quên là ba thứ niệm. Vì tự mình là trong, phần còn lại là ngoài. Hai sự là cùng.

Lại nữa, trong là thọ nhận ấm, giới, nhập. Ngoài là kẻ khác thọ nhận. Không thọ nhận là cùng.

Lại nữa, ba thứ phiền não ở bên trong, ở bên ngoài, cùng. Ở bên trong là dục. Ở bên ngoài là giận dữ. Giận dữ là vì kẻ khác, không phải là tự sân giận. Hoặc khởi suy nghĩ: Dục cũng là vì kẻ khác. Điều nầy không đúng. Vì sao? Vì bên trong là nhiễm, bên ngoài là kẻ khác sinh dục, do bên trong chấp trước, như kinh đã nói. Người thấy người nữ như nội căn si ám cùng hành. Nếu diệt trừ ba thứ phiền não nầy, là ba thứ niệm. Ba thứ thọ, tâm, pháp, cũng như thân kia, mỗi thứ có ba, là mười hai thứ niệm.

Hỏi: Đã nói về niệm, thế nào là định?

Đáp: Định là không, vô nguyện, vô tưởng. Đó là ba thứ định. Sự không nên gọi là không.

Hỏi: Có nhiều thứ không như thôn xóm không, nhà không. Như vậy so với ở đây thì nói về những không gì?

Đáp: Không là ngã hành, ngã tạo tác đều không thấy. Ngã hành, ngã tạo tác đều không thấy, đó gọi là không.

Hỏi: Vì sao ngã hành, ngã tạo tác không thể thấy? Như Đức Thế Tôn nói: Ta bấy giờ gọi là Phạm-chí Tùy-lam. Lại như có chỗ nói: Tỳ-kheo! Tay Ta giơ lên nơi hư không.

Đáp: Không phải như thế. Ngã hành, ngã tạo tác là giả hiệu, chỉ ở trong năm ấm chấp ngã là ngã hành. Đức Thế Tôn không hành điều ấy. Nếu đối với cảnh giới chấp trước ngã thuận theo, đó gọi là ngã tạo tác. Điều nầy Đức Thế Tôn cũng không. Như Kinh Thánh Pháp Ấn nói, không là quán thế gian không. Như vậy so với chỗ giải thích kia cũng là ngã, ngã sở cùng được thành, thế nên không lỗi. Đó gọi là không.

Hỏi: Thế nào là vô nguyện?

Đáp: Vô nguyện là quá khứ, hiện tại, vị lai không vui thích an lập. Vô nguyện là nghĩa không an lập. Là nhập trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, là tất cả hữu vi. Như Kinh Thuyết Xứ đã nói, pháp kia nếu tạo tác ý ấy, ngã cùng Niết-bàn, thì pháp kia không gồm thâu ba thời. Ở đây thì không như thế. Vì sao? Vì một là không, hai là nghĩa. Niết-bàn là lìa thế gian, hoàn toàn không duyên. Trong pháp kia không có ý về ngã, lìa ba đời lại không có pháp ấy nên không thể nói, là do trong ba thời không vui thích an lập. Đó gọi là vô nguyện.

Hỏi: Thế nào là vô tưởng?

Đáp: Vô tưởng là sự tạo tác cùng tưởng, lìa sự tạo tác cùng tưởng, lìa các thứ ấy là vô tưởng. Như có chỗ nói: Lìa tất cả hữu vi. Tất cả là sự cùng tạo tác. Có thể tạo tác là sự. Chủ thể tạo là tạo tác. Như do vô minh, phước, vô phước, bất động tạo tác hành. Duyên kia nối tiếp, có sinh thức là sự. Vô minh và hành là tạo tác. Như vậy, tất cả hữu vi, nếu lìa các thứ kia gọi là vô tưởng.

Lại nữa, như Kinh Thánh Pháp Ấn đã nói: Vô tưởng là không thấy sắc tướng kia. Như thế, trong tất cả các thứ kia cũng nói, ba sự, tạo tác cùng lìa. Tất cả các thứ kia là ba nghĩa, chỉ nói khác nhau. Như nói sông không nước, không thấy nước, là một nghĩa nhưng nói khác nhau. Không, vô nguyện, vô tưởng cũng như vậy. Đó gọi là định.

Hỏi: Thế nào là Trí?

Đáp: Trí là đối tượng hành của địa kiến, tu, vô học. Trí là nhận biết, là ba địa: Địa kiến, địa tu, địa vô học. Ở đây, thấy biết nên gọi là kiến.

Hỏi: Những gì gọi là thấy biết (kiến)?

Đáp: Thấy biết những thứ chưa từng thấy biết, như căn, lực, giác đạo chi và thật của địa Thánh. Tu là nghĩa hành tập. Như dùng tro sạch để giặt áo, tuy đã trừ bỏ phần cấu uế, áo được trắng sạch nhưng vẫn còn có mùi tro, sau đấy dùng các thứ hương hoa như hương hoa Tu-mạn-na để xông ướp. Như vậy, nơi địa kiến, ý thiền thanh tịnh, vô lượng các định đoạn trừ hết các kiết với rất nhiều công sức. Đó gọi là tu.

Địa vô học là tham sân si đã hoàn toàn dứt hết. Đó gọi là địa vô học.

Hỏi: Những gì là trí nơi địa kiến?

Đáp: Địa kiến là trí pháp, quán, vị tri, tức pháp trí, quán trí, vị tri trí, đây là trí của địa kiến. Trong đó, pháp trí là nghĩa của hiện trí. Ví như lương y nhận biết về mụt nhọt đã muồi, nên dùng dao bén mổ xẻ, cắt bỏ, sau đấy dùng tay khâu chung đường, không làm thương tổn đến các mạch khác, mà mụt nhọt đã được cắt bỏ. Hành giả tu tập cũng như vậy. Chánh tư duy, lúc quán khổ nơi cõi Dục, đoạn trừ các phiền não do kiến khổ đoạn, sau đấy sinh khởi trí thứ hai. Như nơi cõi Dục là khổ, vô thường, thì nơi cõi Sắc, Vô sắc cũng như thế. Từ đấy, tỷ trí đoạn trừ phiền não của cõi Sắc, Vô sắc. Đó gọi là ba trí của kiến khổ. Ái của cõi Dục là nhân của khổ, pháp trí ấy tức là quán trí. Như thế, trí vị tri của cõi Sắc, Vô sắc, là ba trí của kiến tập. Khổ của cõi Dục diệt, dứt, pháp trí ấy tức là quán trí. Như vậy, trí vị tri của cõi Sắc, Vô sắc, đó gọi là ba trí của kiến diệt. Đạo ấy diệt khổ của cõi Dục, pháp trí nầy tức là quán trí, như thế, trí vị tri của cõi Sắc, Vô sắc, đó gọi là ba trí của kiến đạo. Mười hai trí nầy, quảng diễn nơi kiến địa, nên biết.

Hỏi: Thế nào là địa tu?

Đáp: Địa tu là tướng, hành, chủng tri, tức tướng tri, hành tri, chủng tri. Ba thứ ấy là địa tu.

Hỏi: Thế nào là tướng?

Đáp: Tướng là khởi, trụ, hoại. Khởi là sinh. Trụ là thành. Hoại là hư hoại.

Hỏi: Nói rộng nơi chúng sinh, Niết-bàn có nghi. Chúng sinh cùng Niết-bàn cũng có tướng ấy? Nếu có là lỗi lầm lớn, tức có vô thường. Nếu không thì kinh nầy có lỗi, phải nên nói khởi trụ hoại là tướng hữu vi?

Đáp: Chúng sinh là đối với tướng, là phần khác, không thể nói. Nếu khác tức có thường. Nếu như thế tức vô thường. Hai lỗi lầm ấy là không thể nói. Niết-bàn cũng như vậy. Do đó cần phân biệt. Nên biết tướng là hoàn toàn tướng hữu vi.

Hỏi: Nay nói công đức. Vì sao tướng ấy là công đức?

Đáp: Nay nói về trí. Trí trong ba thứ ấy là công đức, không phải tướng.

Hỏi: Thế nào là hành?

Đáp: Hành là vô thường, khổ, vô ngã. Hành là tận trí, đó là nghĩa của hành. Tướng ấy do hành nầy nhận biết, là nghĩa của hành. Ấm là vô thường. Nếu vô thường là khổ. Nếu khổ là không tự tại nên vô ngã. Vô thường là không trụ lâu, nên như bọt nước. Khổ là bị bức bách, nên như mũi tên găm vào thân. Vô ngã là không tự tại, nên như mượn chuỗi anh lạc. Đó gọi là hành.

Hỏi: Thế nào là chủng?

Đáp: Chủng là vị, hoạn, lìa. Chủng là vị, là hoạn, là lìa.

Hỏi: Điều ấy nghĩa là gì?

Đáp: Là hữu vi. Trong đó, vị là diệu (tốt đẹp). Hoạn là ác. Lìa là cùng dứt bỏ. Ở đây, người, trời vui thích là vị. Khổ nơi ba đường ác là hoạn. Lìa cả tội phước là lìa. Nếu quán như thế là công đức của chánh kiến, nên tức đạt được giải thoát, đó là chủng. Đây là trí của địa tu.

Hỏi: Thế nào là trí của địa vô học?

Đáp: Địa vô học là đạt, thông, biện trí, tức đạt trí, thông trí, hữu biện trí. Đó là ba trí của địa vô học.

Hỏi: Thế nào là đạt trí?

Đáp: Đạt trí là túc mạng trí, sinh tử trí và lậu tận trí. Có thể thấu đạt nên gọi là đạt. Đạt là nghĩa nhận biết. Trong ấy, túc mạng trí là nhớ nghĩ biết các hành đã tạo tác nơi quá khứ. Sinh tử trí là nhận biết có được quả của nghiệp. Lậu tận trí phần sau sẽ nói. Lại nữa, phiền não có ba loại ở nơi quá khứ, vị lai, hiện tại. Quá khứ là mười tám kiến. Vị lai là bốn mươi bốn kiến. Hiện tại là ở nơi thân kiến. Do đấy nên sinh hiện tại, phân biệt với quá khứ, vị lai. Ở đây, nếu đạt được túc mạng trí thì không phỉ báng quá khứ. Nếu đạt được sinh tử trí thì không si mê, đối với vị lai. Đạt được lậu tận trí thì không vướng chấp nơi hiện tại.

Hỏi: Thế nào là lậu tận trí?

Đáp: Lậu tận trí là tận, vô sinh, nguyện trí. Phiền não của ta dứt hết, quán như thế là tận trí. Không còn sinh lại nữa là vô sinh trí. Ví như vị sư đối trị rắn cắn, nhận biết rồi trừ độc, là trí thứ nhất. Không bị hơi độc có trước xông vào người là trí thứ hai. Vô sinh trí cũng như thế. Nguyện trí là nếu hàng Thanh-văn dùng túc mạng trí tự nhớ nghĩ nhận biết về các đời nối tiếp nhau một cách trọn vẹn là nguyện trí, do nguyện nên cũng nhận biết kẻ khác. Đó gọi là nguyện trí.

Hỏi: Thế nào là thông?

Đáp: Thông là Như ý túc, Thiên nhĩ, Tha tâm trí. Như ý túc, Thiên nhĩ, Tha tâm trí, ba thứ ấy là thông. Như ý túc thì phần sau sẽ nói. Thiên nhĩ là do định lực nên ở trong một duyên, bốn đại tăng trưởng thanh tịnh. Ở đây, người trời cho đến nẻo ác, nghe âm thanh tùy theo lực dụng. Như mắt hoặc thấy gần, hoặc thấy xa tùy theo nhãn lực. Như thế, tùy theo định lực mà đạt được Thiên nhĩ. Tha tâm trí là như thấy chúng sinh, hoặc nghe âm thanh, nhận biết tâm niệm của họ như vậy như vậy.

Hỏi: Thế nào là Như ý túc?

Đáp: Như ý túc là du hành nơi không, biến hóa, Thánh tự tại. Như ý túc, do được như ý nên nói là như ý. Như ý là nghĩa tự tại. Du hành nơi không tự tại, biến hóa tự tại, Thánh tự tại, đó gọi là ba thứ như ý túc.

Du hành nơi không tự tại: Là đi trên nước, đạp nơi hư không, có thể chui vào đất, vách đá đều vượt qua, sờ nắm mặt trời mặt trăng. Đó gọi là du hành nơi không tự tại.

Biến hóa tự tại: Là hiện ra hình tướng người, voi, ngựa xe, núi rừng, thành quách đều có thể hóa hiện.

Thánh tự tại: Là có thể hóa sự sống lâu, hóa nước thành tô sữa, hóa đất đá thành vàng bạc. Đối chiếu như thế gọi là như ý túc, là chỗ tăng trưởng, nuôi lớn của bậc Thánh. Như ý túc, Thiên nhĩ, Tha tâm trí gọi là thông. Túc mạng trí, Sinh tử trí là năm thông của phàm phu.

Hỏi: Thế nào là biện?

Đáp: Biện là pháp nghĩa từ ứng. Khéo nhận biết pháp. Khéo nhận biết nghĩa. Khéo nhận biết từ. Khéo nhận biết ứng. Bốn thứ ấy là biện. Nhận biết pháp là nhận biết về danh, cú, vị. Nhận biết nghĩa tức nhận biết về tánh thật kia. Như lửa gọi là tánh nóng, nghĩa ấy ở trong đó không si mê. Nhận biết từ là văn vẻ ấy thứ lớp như thế. Nhận biết ứng là nêu bày câu văn không điên đảo, cũng không sai lạc. Đó gọi là biện. Đây cũng đã nói rộng nơi trí của địa học.

Hỏi: Như giới cũng định, trong địa học, vô học cũng có thể đạt được giới, định. Vì sao không nói ba thứ?

Đáp: Không giới, giới sai biệt, không phải là học, như lìa sát sinh. Chúng sinh hết sức hộ trì vô học. Không như thế, nếu học không sát sinh tức là vô học. Do đấy, không sai lạc nên không nói ba thứ.

Phần thứ hai của phẩm Đức nơi Chân độ đã nêu bày xong.

    Xem thêm:

  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Nhất Chân - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận - Luận Tạng
  • Vi Diệu Pháp – Bộ Song Đối tập 4 - Luận Tạng
  • Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận - Luận Tạng
  • Trung Luận – Thích Thiện Siêu - Luận Tạng
  • Luận Câu Xá – Phẩm 8: Phân biệt định - Luận Tạng
  • Vi Diệu Pháp – Bộ Song Đối tập 3 - Luận Tạng
  • Vi Diệu Pháp – Bộ Song Đối tập 1 - Luận Tạng
  • Luận Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội - Luận Tạng
  • Thập Nhị Môn Luận – Thích Thanh Từ - Luận Tạng
  • Vi Diệu Pháp – Bộ Song Đối tập 2 - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 5 - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 3 - Luận Tạng
  • Bài Tán Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Bản 2) - Luận Tạng
  • Luận Thích Du Già Sư Địa - Luận Tạng
  • Tam Luận Lược Chương - Luận Tạng
  • Luận Đại Thừa Khởi Tín - Luận Tạng
  • Luận Kim Cương Tiên - Luận Tạng
  • Luận Đại Trí Độ Tập 4 - Luận Tạng
  • Luận Câu Xá – Phẩm 2: Phân Biệt Căn - Luận Tạng