Quán bất tịnh là một đề mục thiền rất quan trọng. Bất cứ ai tu học theo giáo pháp Thế Tôn, muốn vượt qua chướng ngại tự thân và tiến bộ tâm linh đều phải thực hành phápthiền này. Bất tịnh có nghĩa là nhơ nhớp, không sạch, không bền chắc. Đây là một sự thật của thân này. Chỉ cần lưu tâm, xem xét ngay nơi chính bản thân mình cũng giúp nhận ra sự bất tịnh, nhơ bẩn, kể cả lúc mình được xem là sạch sẽ nhất.
Mặc dù ai cũng đã từng nhận ra sự bất tịnh của thân này nhưng do tập nghiệp chấp thủ sâu dày nên ta dường như không mấy quan tâm. Ngược lại còn rất mực cưng chiều, quý mến, xem là bậc nhất, là trung tâm, kết tụ hết những tinh hoa của trời đất. Chính sự chấp thủ này là cội nguồn của mọi phiền não, dính mắc, tạo ra vô vàn khổ đau trong cuộc sống. Vì không thấy rõ ràng và thường trực về sự bất tịnh nên ta luôn bị tham dục, sân hận, thùy miên, trạo hối, nghi ngờ che phủ.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Ta ở trong chúng này, không thấy một pháp nào mà chưa có dục tưởng liền chẳng dục tưởng, dục tưởngđã sanh liền có thể diệt; tưởng sân giận chưa sanh liền chẳng sanh, tưởng sân giận sanh rồi liền có thể tiêu diệt, tưởng thùy miên chưa sanh liền chẳng sanh, tưởng thùy miên đã sanh liền có thể tiêu diệt, tưởng trạo hối đã sanh liền có thể tiêu diệt, tưởng nghi chưa sanh liền chẳng sanh, tưởng nghi đã sanh liền có thể tiêu diệt, như là quán sát nhơ bẩn bất tịnh. Đã quán nhơ bẩn bất tịnh thì tưởng dục chưa sanh liền chẳng sanh, đã sanh liền có thể tiêu diệt; sân giận chưa sanh liền chẳng sanh, sân giận đã sanh liền có thể tiêu trừ, cho đến tưởng nghi chưa sanh liền chẳng sanh, tưởng nghi đã sanh liền có thể tiêu diệt. Thế nên, này các Tỳ-kheo, thường nên chuyên ý quán tưởng bất tịnh. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 9. Một đứa con,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.102)
Những hành giả thực tập thiền định đều thấy rõ ràng rằng nếu năm món ngăn che này (tham dục, sân hận, thùy miên, trạo hối, nghi ngờ) còn mạnh mẽ thì tâm không thể an trú vào các đề mục chỉ quán. Sự nhất tâm, cận định sẽ không xảy ra khi năm triền cái vẫn tung hoành. Dù rằng, mỗi triền cái có một cách đối trịriêng nhưng quán bất tịnh, uế trược, nhơ nhớp, vô thường của thân là nền tảng quan trọng, có tác dụngtích cực cho việc an trụ và hàng phục tâm.
Chấp thủ vào thân tâm, không thấy bất tịnh là điểm tựa mạnh mẽ nhất cho tham ái và các món triền phượckhác hoành hành. Nên một khi thấy rõ về sự thật của thân này là không sạch, vô thường, hư giả thì các trói buộc tự khắc suy yếu hoặc rơi rụng. Vì thế, thiền quán bất tịnh được xem như pháp môn căn bản, không thể thiếu trong lộ trình tu tập. Như kinh nghiệm của Thế Tôn: “Đã quán nhơ bẩn bất tịnh thì tưởng dục chưa sanh liền chẳng sanh, đã sanh liền có thể tiêu diệt; sân giận chưa sanh liền chẳng sanh, sân giận đã sanh liền có thể tiêu trừ, cho đến tưởng nghi chưa sanh liền chẳng sanh, tưởng nghi đã sanh liền có thể tiêu diệt”.
Ta chính là cát bụi, sẽ trở về cát bụi là điều ai cũng biết. Nếu luôn thường trực, nằm lòng về sự thật cát bụi của thân này thì đây là một tuệ giác lớn. Càng thấy rõ về thân phận mình là bọt bèo thì càng dễ buông. Buông nhiều, dính mắc ít thì đi vào định càng nhanh, năm triền cái lắng dịu, năm thiền chi tăng trưởng, tâm càng tịnh sáng hơn
(Quảng Tánh)