Chuyện kể rằng: nghe lời dèm pha của Cận Thượng cùng lũ gian thần, Sở vương nổi giận đuổi Khuất Nguyên ra khỏi vương triều. Khuất Nguyên, quần áo xốc xếch thất thểu đi bên bờ sông, thân thể khô đét, mặt mày phờ phạc. Ông vừa đi vừa hát, than khóc cho số phận bất hạnh của nước Sở nay mai. Những lời cay đắng khóc thương này đã nẩy sinh ra tập thơ Ly Tao bất hủ.

Chợt một ông lão đánh cá trông thấy, kêu lên:

– Có phải Tam lư Đại phu đó không ? Trời ơi ! Làm sao ra nông nỗi này?

Khuất Nguyên bi phẫn:

–  Đời đục cả, riêng một mình ta trong; mọi người say cả, chỉ mình ta tỉnh. Ta bị đuổi chỉ vì có thể.

Lão ngư phủ bàn góp: 

– Thánh nhân xưa nay xử sự uyển chuyển không câu nệ, biết việc tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục ngầu một thể; loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bã cho say nốt ? Việc gì phải lo xa, nghĩ sâu để đến nỗi bị xua đuổi, thân tàn ma dại ?

Bị xúc phạm, Khuất Nguyên cãi:

– Tôi nghe mới gội đấu, tất phải chải mũ, mới tắm tất phải thay quần áo, có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch để cho vật dơ bẩn dính vào mình, chẳng thà nhày xuống sông Tương vùi xác trong bụng cá, cớ chi đang trắng lôm lốp để vấy phải bùn nhơ ?

Ông lão đánh cá nghe xong tủm tỉm cười, quay thuyền chèo đi, hát bâng quơ:

Sông Tương nước chảy trong veo

Thì ta đem giặt sạch cái lèo mũ ta

Sông Tương nước đục phù sa

Thời ta lội xuống để mà rửa chân.

Hát xong, chèo đò đi thẳng, không ngoái cổ lại. Khuất nguyên lòng đầy cay đắng đứng sững nhìn theo

Trích “Khuất Nguyên với sự tích Tết Đoan Ngọ” – Thái Doãn Hiểu